Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Bị xâm hại hay dùng sắc đẹp để tiến thân ? (RFA, 16/05/2018)

Năm 2017, dư luận trong nước xôn xao về trường hợp bà Trần Vũ Quỳnh Anh, sinh năm 1986, từ một nhân viên hợp đồng ở một đơn vị sự nghiệp của tỉnh Thanh Hóa trong thời gian rất ngắn được bổ nhiệm làm Phó Trưởng phòng, Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản và đề nghị quy hoạch chức danh Giám đốc Sở, được kết nạp Đảng và tham gia Đảng ủy Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa. Cùng với quá trình thăng chức "thần tốc" này là những rò rỉ về quan hệ tình cảm của bà Quỳnh Anh với ông Ngô Văn Tuấn, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa và sau này là ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư tỉnh Thanh Hóa cũng như khối tài sản có giá trị bao gồm nhiều nhà riêng, biệt thự, xe hơi tiền tỷ... mà bà này đang nắm giữ.

hot1

"Hotgirl Thanh Hóa" Trần Vũ Quỳnh Anh sở hữu khối tài sản "khủng" tại Thanh Hóa và Hà Nội - Thanhnien

Một trường hợp khác cũng được dư luận quan tâm đặc biệt là bà Đỗ Thị Huyền Tâm, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc điều hành công ty cổ phần tập đoàn Minh Tâm, cựu đại biểu quốc hội và cũng là vợ sau của nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh. Trên trang blog cá nhân, nhà báo Nguyễn Chí Dũng cho biết :
"Trước khi trở thành "thứ phi" của ông Nông Đức Mạnh, bà Đỗ Thị Huyền Tâm đã có lúc lao đao về những món nợ khổng lồ với ngân hàng, theo đó có tin cho biết suýt chút nữa thì bà Tâm đã phải "tra tay vào còng". Nhưng sau khi trở thành vợ sau của cựu tổng bí thư Mạnh, vị thế của bà Huyền Tâm đột nhiên "mạnh" hẳn lên. Không những chẳng bị hề hấn gì với vòng tố tụng hay lao lý, công ty của bà Huyền Tâm còn thầu được những công trình BOT đáng giá, từ đó trả hết nợ cho ngân hàng và lại còn dôi ra một khoản tích lũy lớn".
Đây chỉ là hai trong số rất nhiều những trường hợp các nữ doanh nhân, nữ cán bộ được đặc cách quyền lợi khi xây dựng được mối quan hệ "đặc biệt" với lãnh đạo từ cấp cơ sở, địa phương cho đến trung ương.

Nhận xét về điều này, Tiến sĩ xã hội học Phạm Quỳnh Hương cho rằng đây cũng có thể xem là một dạng tham nhũng dưới một góc độ nào đó : Họ sẵn sàng đánh đổi lấy những thứ mà lẽ ra họ không thể đổi được như tiền bạc, chức quyền hay danh vọng. Họ đem những thứ trong khả năng chức quyền của họ để đánh đổi và cần phải phê phán những người đàn ông đấy".

Nghệ Sĩ Kim Chi cho rằng đây là một sự bất công lớn trong xã hội :

"Ngay cả những người thường dân người ta cũng thấy luôn chứ không phải chỉ là những người có quan tâm thực sự đến tình hình đâu. Bây giờ thì họ cứ tha hồ vơ vét túi tham để dùng tiền đó mà tiêu, tiêu đủ kiểu, cho bồ nhí mua sắm biệt thự, đủ thứ... Còn những người có nhan sắc thì họ bán cái nhan sắc đó. Họ xúm nhau lại để tiêu những đồng tiền bất hợp pháp đó. Bây giờ nó đã trở thành một cái nạn dịch ở Việt Nam rồi".

Thực trạng này không chỉ khiến dư luận quan tâm mà ngay cả các cử tri và đại biểu quốc hội cũng băn khoăn và đặc câu hỏi về những trường hợp "đăc cách" này.

Trong phiên thảo luận quốc hội hồi cuối năm 2017, bà Trần Thị Quốc Khánh, Đại biểu quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đưa ra dẫn chứng cho những thắc mắc trên : 

"Vì họ muốn có thêm vợ bé hay bồ nhí để quản lý khối tài sản khổng lồ do tham nhũng mà có ; thế nên họ chỉ đạo cấp dưới đưa kiều nữ, hot girl vào quy hoạch bổ nhiệm "siêu tốc" vào vị trí quản lý lãnh đạo ở các địa phương...".

Cũng liên quan đến vấn đề này, mới đây trên một số trang báo mạng và diễn đàn rò rỉ hình ảnh cuộc sống xa hoa của Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam cùng vợ bé và con riêng. Hay như nghi án diễn viên Lý Nhã Kỳ là sân sau "rửa tiền" cho một số đại gia chính trị mà trong đó có mối quan hệ trực tiếp với con trai của Nguyên Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải. 

Nghệ sĩ Kim Chi cho rằng, việc xây dựng các mối quan hệ với giới quan chức hiện nay đã trở nên phổ biến và là phương tiện để nhiều phụ nữ có nhan sắc mong được đổi đời :

"Để mà có tiền thì bây giờ nhiều người chuyện gì họ cũng dám làm. Hàng loạt người bây giờ đi ra nước ngoài để lấy chồng chung thì bây giờ được một ông quan to bế ẵm thì rõ ràng là người ta thấy con đường tiện lợi quá chứ. Người ta đâu có nghe chuyện liêm sỉ như thế nào đâu, miễn là giàu có sung sướng thì người ta làm hết thôi. Thì đó là một cái nguy cơ mà đạo đức suy đồi càng ngày càng nghiêm trọng".

Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương thì cho rằng hiện trạng này cần phải được xã hội đặc biệt lên án bởi những người được xã hội giao cho một vị trí hay trọng trách nào đó, một khi đã đảm nhận những chức vụ đó cần phải tuân theo những chuẩn mực của công chức nhà nước, với những quy định, quy chuẩn về ứng xử, đạo đức, lối sống.

****************

Đòi quyền cơ bản bị buộc tội ‘gây rối trật tự công cộng (RFA, 16/05/2018)

Một số người dân do lên tiếng phản đối tình trạng ô nhiễm môi trường hay công khai đòi các quyền cơ bản của con người đã bị bắt, rồi bị khởi tố, xét xử và tuyên án với cáo buộc "gây rối", "chống người thi hành công vụ"…

hot2

Cưỡng chế tranh chấp đất tại Giáo xứ Kẻ Gai, xã Hưng Tây, Huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An ngày 17 tháng 12 năm 2017. Courtesy of Facebook Nguyễn Ngọc Nam Phong

Mới đây là vụ cưỡng chế tranh chấp đất tại Giáo xứ Kẻ Gai, xã Hưng Tây, Huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

Truy tố ngược tại Giáo xứ Kẻ Gai

Vào ngày 11 tháng 5 năm 2018, Linh mục Chánh xứ Kẻ Gai cùng hàng trăm giáo dân xứ này đã ký tên trong đơn yêu cầu xin được tham gia tố tụng với tư cách người làm chứng cho ông Võ Đình Phúc, người bị công an tỉnh Nghệ An khởi tố về tội ‘bắt giữ người trái phép’.

Sự việc bắt đầu vào sáng ngày 17 tháng 12 năm 2017 khi chính quyền xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên huy động cảnh sát cơ động và cho phép hội Cờ Đỏ đến đàn áp người dân đang làm mương thủy lợi trên mảnh đất của Giáo xứ Kẻ Gai khiến ít nhất một người bị thương nặng phải vào bệnh viện cấp cứu.

Do đó, Giáo xứ Kẻ Gai đã viết đơn kiến nghị gửi Công an tỉnh Nghệ An để tố giác cơ quan này đã cố tình bao che hành vi vi phạm pháp luật của Chủ tịch và trưởng công an xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, và đề nghị chấm dứt hành vi sách nhiễu, vu khống giáo dân.

Tuy nhiên đến ngày 3 tháng 5 thì bốn giáo dân xứ Kẻ Gai nhận được giấy triệu tập về vụ việc vừa nêu. Theo những người dân theo đạo Công Giáo tại Xứ Kẻ Gai thì chính quyền Nghệ An đang ‘truy tố ngược’ lại họ. Họ cho rằng theo lẽ phải khởi tố những người trong đơn tố giác thì nay chính giáo dân lại bị điều tra với những cáo buộc mà họ không hề làm. Linh mục Nguyễn Đức Nhân, linh mục quản xứ và Chủ tịch Hội đồng mục vụ giáo xứ Kẻ Gai cho biết :

"Đây là một sự chà đạp lên công lý, tạo nên một điều rất nguy hiểm cho người dân Việt Nam. Sống trong một xã hội vô pháp như vậy, chà đạp cả nhân quyền, sự thật, công lý như vậy thì rất khó sống".

hot3

Đơn yêu cầu xin được tham gia tố tụng với tư cách người làm chứng cho ông Võ Đình Phúc. Courtesy of Facebook Giáo xứ Kẻ Gai

Ông Nguyễn Văn Ân, người nhận giấy triệu tập với cáo buộc ‘giam giữ người trái pháp luật’ cho biết sau khi thảo luận với nhau, anh cùng ba người còn lại đã quyết định không đến gặp phía chính quyền. Sau đó, Công an tỉnh Nghệ An đã gửi giấy lần hai đến nhà ông Võ Đình Phúc, nhưng lần này họ xử lý mạnh mẽ hơn :

"Họ không triệu tập nữa mà là triệu tập bị can, tức là họ quyết định khởi tố".

Trong đơn yêu cầu làm nhân chứng cho ông Võ Đình Phúc của Giáo xứ Kẻ Gai có trích nội dung Thu thập chứng cứ trong điều 88, theo đó ‘cơ quan thẩm quyền tiến hành tố tụng có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án.’

Giải thích rõ hơn về điều khoản này trong trường hợp Giáo xứ Kẻ Gai, Luật sư Võ An Đôn cho biết :

"Theo luật thì nếu khởi tố một người, mà có hai người tham gia, thì những người có cùng quyền lợi tham gia, hoặc đồng phạm, hoặc người làm chứng, trong ba vai trò đó thì tùy tính chất ta xác định được. Ví dụ như khởi tố ông A tội ‘gây rối trật tự công cộng’, những người còn lại không khởi tố nhưng mà đi theo hay kích động thì theo luật vẫn là đồng phạm, đáng lẽ phải khởi tố. Còn nếu không xác định được đồng phạm thì đó ít nhất cũng là người làm chứng".

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, ông Võ Đình Phúc cho rằng những tố giác viết trong thư triệu tập hoàn toàn không chính xác :

"Tôi là một người nông dân bình thường, từ khi có trí khôn tới giờ chưa có tiền án tiền sự gì cả, đẹp đời tốt đạo. Mà trường hợp xã hội đập em đó nằm ngất xỉu ngay đó thì tôi cũng bức xúc rồi can ngăn chứ không đánh đập ai, mà cũng không bắt giữ ai cả. Bây giờ họ gây ra chuyện thế này thì tôi thấy là bất công".

‘Gây rối trật tự công cộng’ do bị kích động ?

Thực tế lâu nay cho thấy, trong những lần người dân phản đối những giải pháp không hợp lý do phía nhà cầm quyền đưa ra như vụ BOT Cai Lậy, Tiền Giang hay tình trạng ô nhiễm tác động đến cuộc sống người dân, phía cơ quan chức năng qui kết có thế lực bên ngoài kích động.

Trong vụ cưỡng chế đất tại Giáo xứ Kẻ Gai, sau vụ xô xát giữa chính quyền và giáo dân vào ngày 17 tháng 12 năm 2017, báo Nghệ An có bài viết cáo buộc Linh mục Nguyễn Đức Nhân, chánh xứ Kẻ Gai, đã ‘kích động giáo dân vi phạm luật pháp’.

Tương tự là vụ việc ngày 20/4, khi người dân xã Mỹ An và Mỹ Thọ thuộc huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định tập trung phản đối dự án điện gió ở huyện này vì nghi ngờ chính quyền lấy đây là cớ để cho công ty bên ngoài khai thác quặng titan, chặt phá rừng dương, gây ô nhiễm môi trường ; chính quyền huyện Phù Mỹ trả lời với truyền thông trong nước cho rằng nhân dân hai xã đã bị cơ quan nào đó đứng sau kích động nên phản ứng người dân khá ‘bài bản’.

Nhận xét về tính mơ hồ của tội danh ‘gây rối trật tự công cộng’, ‘chống người thi hành công vụ’, hay ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, tổ chức, công dân’… luật sư Võ An Đôn khẳng định chẳng qua đó chỉ là cái cớ để chính quyền ra tay đàn áp mà thôi.

***************

Cơ cấu "quan" Đảng vẫn theo đường lối xưa cũ (RFA, 16/05/2018)

Hội nghị lần thứ 7 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 12 vào ngày 12 tháng 5 kết thúc một tuần làm việc với 3 vấn đề : xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên, nhân sự cấp chiến lược của đảng ; cải cách tiền lương ; và chính sách bảo hiểm xã hội, lương hưu.

hot4

Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (thứ hai, phải), Nông Đức Mạnh (thứ nhất, trái) tại Hà Nội vào ngày 20 tháng 1 năm 2016. AFP photo

Nhân sự Đảng vẫn cũ

Quy hoạch cán bộ "cấp chiến lược", nguồn nhân sự cấp cao, quan trọng cho bộ máy đảng và chính quyền là một đề án quan trọng của ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Mục tiêu được nói nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, kiện toàn bộ máy lãnh đạo, và chống những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, suy thoái đạo đức của đảng viên.

Giáo sư Nguyễn Đình Cống - một cựu đảng viên, nhà quan sát chính trị cho rằng, Nghị quyết về công tác cán bộ, nhân sự của đảng lần này sẽ không hơn gì những lần trước và có ít tác dụng "sửa sai" và ngày càng tệ, bởi không thể sửa sai bằng phương pháp sai.

"Có 1 nguyên lý nói rằng, để sửa chữa được sai lầm thì phải dùng nguyên lý khác với nguyên lý sinh ra cái sai lầm ấy. Vậy cái nguyên lý nào đã sinh ra cái sai lầm trong công tác cán bộ ? Chính là cái chuyên chính vô sản, chính là cái toàn trị của đảng, chính là việc đặt đảng lên trên pháp luật, chính là việc đảng không phát hiện được rằng đảng hiện nay là đảng chính trị cầm quyền thì phải khác đảng cách mạng".

Chia sẻ quan điểm với Giáo sư Cống, nhà văn Nguyễn Nguyên Bình - một cựu cán bộ trong quân đội đánh giá, công tác nhân sự của đảng khó có sự thay đổi về căn bản.

"Từ trước đến nay vẫn thế, vẫn theo những nguyên tắc, quy trình, tiêu chuẩn như thế và vẫn trong hệ thống trong đảng bố trí cán bộ. Bây giờ chắc vẫn thế nếu không thay đổi, thì làm sao có cái gì khác".

Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho rằng, cách thức tuyển chọn cán bộ của đảng hiện nay có thể sẽ chọn nhầm những kẻ cơ hội, chứ không phải những thành phần tinh hoa của đất nước, do cơ chế bầu cử còn hạn chế, nhiệm kỳ trước quyết định nhân sự nhiệm kỳ sau. Mặt khác, cơ chế hiện nay dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám.

"Cái đường lối xây dựng cán bộ, chuẩn bị cán bộ, rồi lập ra các trường, các lớp để đào tạo cán bộ nguồn - cái cách ấy là thay một sai lầm này bằng một sai lầm khác mà thôi. Thay cho cái việc người ta chạy chức, chạy quyền, thì người ta chạy vào cho được cái chỗ để mà được cơ cấu. Cách làm của đảng thì tôi thấy rất khó để chọn được người tinh hoa. Quan trọng là chọn được người tinh hoa".

Bà Nguyên Bình có mối nghi ngại về tiêu chuẩn của cán bộ "cấp chiến lược" và cũng giống như Giáo sư Cống, bà Bình cho rằng, sẽ khó có thể tìm được người tinh hoa để đưa vào đội ngũ cán bộ, nếu như không đi vào thực tế xã hội, mà chỉ do đảng ủy các cấp làm công tác quy hoạch cán bộ.

"Bây giờ không hiểu là 600 cái vị mà người ta lựa chọn ra làm cán bộ cấp chiến lược thì có những tiêu chí gì, thì tôi chưa nghe thấy tiêu chí gì. Nhưng mà tôi nghĩ, với người sắp xếp như ông Trọng thì sẽ có 3 tiêu chí chính : một là trung thành với chủ nghĩa Marx-Lenin, hai là trung thành với đảng, ba là trung thành với chủ nghĩa xã hội".

Một trong những biện pháp để chống các biểu hiện tiêu cực trong đội ngũ đảng viên mà ông Nguyễn Phú Trọng từng nói tới là "nhốt quyền lực vào trong lồng quy chế lập pháp" - tức là cơ chế kiểm soát quyền lực. Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho rằng, trên thế giới đã có mô hình tam quyền phân lập, hoặc dùng lực lượng phản biện, đối lập để kiểm soát quyền lực ; còn tại Việt Nam, cơ chế kiểm soát quyền lực hầu như không có tác dụng.

Giáo sư Cống đưa ra kiến giải rằng, đảng cộng sản hãy từ bỏ sự độc quyền toàn trị, mở rộng dân chủ, từ bỏ việc đảng cao hơn pháp luật ; cải thiện cơ chế bầu cử một cách thực sự dân chủ, công bằng, để từ đó biến Quốc hội thành cơ quan đối trọng với Ban Chấp hành trung ương đảng.

Lại đổ lỗi cho ‘phản động’

Kênh Quốc phòng Việt Nam thuộc Truyền hình Quân đội, trong chuyên mục "nhận diện sự thật" ngày 11/5/2018 đã quy kết : trên mạng xã hội "các thế lực thù địch, phản động, những kẻ cơ hội" đã đưa ra những thông tin "xuyên tạc", "tung tin vịt" nhân sự kiện Hội nghị trung ương 7, nhằm những mục đích "chống phá" đảng cộng sản và chính quyền.

Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho rằng, đảng nên "tiên trách kỷ, hậu trách nhân", nên đối thoại với những người có ý kiến, quan điểm trái ngược, thay vì gọi họ là "thế lực thù địch, phản động".

"Cái việc mất lòng tin là chính tại đảng gây ra chứ ! Chứ nếu như đảng hoàn toàn trong sạch, đảng hoàn toàn chính đáng, đảng hoàn toàn thực sự vì dân, để cho người ta nói lên sự thật thì người dân càng tin yêu chứ ! Thành ra, cái này là sự vu cáo. Nếu dân đọc lề trái, biết được cái bê bối, sai trái của đảng, thì người ta mất lòng tin. Đấy là tất nhiên".

Từ hiện tình xã hội trên báo chí chính thống và những gì người dân đang hàng ngày trải qua, đảng tốt hay xấu, quan chức tốt hay xấu, người dân đều rõ cả. Do vậy, thay vì chống "luận điệu xuyên tạc", trấn áp ý kiến trái chiều, thì đảng nên tôn trọng các giá trị dân chủ - nhân quyền - pháp quyền và chứng minh đảng trong sạch, vì quyền lợi của người dân, bảo vệ lợi ích quốc gia.

Published in Việt Nam

Giáo xứ Kẻ Gai : khi chính quyền biến nạn nhân thành người bị truy tố (RFA, 07/05/2018)

Ngày 6/5 giáo xứ Kẻ Gai với đại diện là linh mục Nguyễn Đức Nhân, linh mục quản xứ, và Chủ tịch Hội đồng mục vụ giáo xứ, linh mục Nguyễn Văn Lịch, đã viết đơn kiến nghị gửi lên Cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Nghệ An, tố giác cơ quan này đã cố tình bao che hành vi vi phạm pháp luật của Chủ tịch và trưởng công an xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, và đề nghị chấm dứt hành vi sách nhiễu, vu khống giáo dân. Linh mục Nguyễn Đức Nhân cho đài Á Châu Tự Do biết ông đã đích thân đưa đơn này lên cơ quan công an điều tra tỉnh Nghệ An vào sáng ngày 7/5.

kegai1

Hình ảnh vụ xô xát ở giáo xứ Kẻ Gai ngày 17/12/2017 - Screen capture (citizen video)

Chính quyền xã đánh dân

Theo đơn kiến nghị, vào ngày 18/1, giáo dân giáo xứ Kẻ Gai đã gửi đơn tố giác ông Nguyễn Văn Thu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hưng Tây và ông Cao Minh Lực, Trưởng công an xã, đã có hành vi tổ chức ‘đánh người gây thương tích’, ‘hủy hoại tài sản’, ‘gây rối trật tự công cộng’, ‘lạm quyền’ và ‘không cứu người’ trong vụ việc tranh chấp đất đai hôm 17/12 năm ngoái ở xóm Bắc Kẻ Gai, xã Hưng Tây.

Theo linh mục Nhân và người dân chứng kiến vụ việc hôm 17/12, chính quyền xã Hưng Tây, và huyện Hưng Nguyên đã huy động cảnh sát cơ động và cho phép hội Cờ Đỏ đến đàn áp người dân đang làm mương thủy lợi trên mảnh đất của mình vào sáng ngày 17/12 khiến ít nhất một người bị thương nặng phải vào bệnh viện cấp cứu. Linh mục Nguyễn Đức Nhân cho biết :

"Họ chỉ là những người dân, qua vụ việc xảy ra rất đông người, hôm đó có vài ngàn người. Người dân chỉ là nạn nhân thôi. Trên video clip đó thì thấy là hội Cờ Đỏ, ông Lực đập người dân chúng tôi. Họ đưa công an xuống làm việc rồi lập biên bản. Họ đánh anh đó ngất tại đường luôn. Người dân lập biên bản đưa mấy ông công an huyện và xã chứng kiến để ký biên bản".

Truyền hình Nghệ An, cơ quan ngôn luận của chính quyền tỉnh vào ngày 17/12 đưa tin viết rằng ‘hàng trăm giáo dân giáo xứ Kẻ Gai, dưới sự kích động của linh mục quản xứ Nguyễn Đức Nhân đã tự ý chiếm đất sản xuất nông nghiệp để xây dựng nhà thờ’. Truyền hình Nghệ An cho biết người dân đã lấn chiếm 9.000 m2 đất canh tác theo quy định của chính phủ.

Tuy nhiên, giáo dân và linh mục Nhân khẳng định với Đài Á Châu Tự Do rằng phần đất mà người dân làm thủy lợi chính là đất tổ tiên của họ để lại. Linh mục Nguyễn Đức Nhân nói :

"Đất đó là tổ tiên họ để lại thì họ dâng, nhưng sau này chúng tôi sẽ làm giấy tờ đàng hoàng gửi Đức Giám mục giáo phận và chính quyền. Còn vụ việc vừa rồi chúng tôi chỉ làm thủy lợi thôi nhưng chính quyền và hội cờ đỏ và công an đến đánh người dân".

Truy tố ngược

Sau khi đơn tố giác được gửi đi, đến ngày 29/1/2018, giáo xứ Kẻ Gai nhận được thông báo từ Thượng tá Cao Ánh Hồng, Phó Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An về việc nhận đơn tố giác. Giáo dân giáo xứ Kẻ Gai cũng nhận được văn thư từ văn phòng chính phủ về việc chỉ đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh để giải quyết đơn.

Tuy nhiên theo kiến nghị mới của giáo xứ Kẻ Gai, trên thực tế cơ quan Công an tỉnh Nghệ An đã không thực hiện đúng các quy định về trình tự, thủ tục xác minh, thu thập chứng cứ, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và khởi tố vụ án theo đơn tố giác ngày 18/1.

Không những thế vào ngày 3/5, Thượng tá Cao Ánh Hồng đã ký đơn triệu tập gửi đến 4 người dân xã Kẻ Gai, yêu cầu họ lên làm việc với công an tỉnh vào sáng ngày 7/5 về những việc mà người dân ở đây cho là hoàn toàn không đúng sự thật.

Anh Nguyễn Văn Ân, một trong 4 người bị triệu tập cho biết :

"Bây giờ mình đang lên án huyện với xã thì bây giờ mình từ người bị hại họ lại lật ngược lại nói mình giam giữ người trái pháp luật. Hôm đó mình mời bí thư xã và trưởng công an huyện làm biên bản tường trình, ký vào biên bản đó. Mình ký vào biên bản người làm chứng, mình có mặt trong vụ việc đó".

Theo bản chụp giấy triệu tập mà đài Á Châu Tự Do có được, ngoài anh Ân bị triệu tập về việc giam giữ người trái pháp luật, còn có anh Nguyễn Minh Chánh bị triệu tập về hành vi đánh nhau vào ngày 17/12. Hai người còn lại, theo linh mục Nhân, hiện đang đi vắng nên không nhận giấy triệu tập. Linh mục Nhân phủ nhận việc người dân đánh người trong ngày 17/12 như trong giấy triệu tập.

Nói về lý do sự việc dù đã xảy ra rất lâu nhưng đến bây giờ công an tỉnh Nghệ An lại quyết định triệu tập một số người dân Kẻ Gai thay vì điều tra khởi tố những người trong chính quyền theo đơn tố giác, anh Ân nhận định :

"Tại vì thứ nhất họ để dư luận tạm thời lắng. Thứ hai một trong những vấn đề ở đây là bên mình đang làm đơn tố giác xã, huyện với cờ đỏ là đánh dân thì mình nghĩ họ gửi cho mình giấy này là có thể họ muốn thỏa hiệp yêu cầu mình rút đơn kiện, trả lại đất. Ý là họ không cho phép mình làm. Thứ hai mình nghĩ thời điểm này dư luận tạm thời lắng hoặc vụ việc vừa rồi có tin hội thánh đức chùa trời để họ dọn đường dư luận, mà vừa rồi ở Vinh có xôn xao nhiều vấn đề nên nếu họ không thỏa hiệp được thì họ có thể dùng mình hoặc một vài người trong xứ để răn đe, thì sau này dễ điều khiển hơn vì không ai dám lên tiếng cả".

Liên quan đến tin về Hội thánh Đức Chúa Trời vốn không liên quan đến những người theo Công giáo ở Vinh, truyền thông nhà nước và chính quyền thời gian qua đã lên tiếng chỉ trích hội thánh này và cảnh báo nếu hội bị phát hiện có những hành vi vi phạm pháp luật thì sẽ bị xử lý

Những người nhận giấy triệu tập đã quyết định không lên gặp công an tỉnh vào sáng ngày 7/5 vì cho rằng lý do đưa ra là không đúng.

Linh mục Nguyễn Đức Nhân cho biết giấy triệu tập đã khiến người dân hoang mang và phẫn nộ "Giấy triệu tập đến thì họ phẫn nộ vì việc làm vô lý của công an tỉnh, việc một đằng họ hô hào sống theo pháp luật, họ lại không coi đó là gì, họ chà đạp lên pháp luật, lên sự thật. Họ coi người dân như cỏ rác, thích làm gì người dân là làm, họ biến người dân thành những tù nhân dự bị".

******************

Hoãn xử phúc thẩm vụ án nổ súng giữ đất ở Đắk Nông (RFA, 07/05/2018)

Sáng 7/5, Tòa án nhân dân Cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án nổ súng chống công ty tư nhân phá cây trồng của dân tại tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông.

kegai2

Hiện trường vụ bắn vào đoàn cưỡng chế ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, Dak Nong hôm 23/10/2016. Courtesy : chinhphu.vn

Phiên tòa phúc thẩm đầu tiên được Hội đồng Xét xử ra quyết định hoãn vì hai bị cáo, là nhân viên của Công ty Long Sơn cùng đại diện của công ty này vắng mặt và xin hoãn phiên tòa.

Tại phiên tòa sơ thẩm, diễn ra vào ngày 3 tháng 1 năm 2018, nông dân Đặng Văn Hiến bị Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Nông tuyên phạt mức án tử hình, với cáo buộc tội "giết người" cùng hai bị cáo Ninh Viết Bình và Hà Văn Trường lần lượt bị tuyên 20 năm tù và12 năm tù với cùng tội danh. Bị cáo Đoàn Văn Diện bị tuyên 9 tháng tù giam về tội "che giấu tội phạm".

Theo cáo trạng, ngày 23 tháng 10 năm 2016, Phó giám đốc công ty Long Sơn dẫn hơn 30 nhân viên của công ty mang máy móc, hung khí vào san ủi, phá hủy cây điều, cà phê của gia đình nông dân Đặng Văn Hiến và hai hộ dân khác. Một số người dân trong cuộc đã dùng súng tự chế để chống lại lực lượng nhân viên của Công ty Long Sơn, làm 3 người thiệt mạng và 13 người bị thương.

Năm tổ chức xã hội dân sự cùng hằng trăm cá nhân ký tên vào một bản tuyên bố, yêu cầu Chủ tịch nước và Tòa án Tối cao của Việt Nam cần phải nghiêm túc xem xét lại vụ án và bản án tử hình đối với nông dân Đặng Văn Hiến nổ súng chống công ty tư nhân cướp đất sai pháp luật.

Sau phiên tòa sơ thẩm, hai trong ba gia đình nạn nhân bị bắn chết có đơn xin miễn án tử hình cho bị cáo Đặng Văn Hiến.

Trong cùng ngày 7 tháng 5, Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa mở phiên tòa phúc thẩm xét xử 13 bị cáo về tội danh "chống người thi hành công vụ và gây rối trật tự công cộng".

Theo cáo trạng sơ thẩm, 13 bị cáo trú ngụ tại thôn Ninh Ích, xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa bị tuyên án từ mức tù treo đến 3 năm tù giam do có hành động nhằm ngăn cản lực lượng chức năng thi công khắc phục sự cố rò rỉ nước tại bãi rác Hòn Rọ.

Bốn trong số 13 bị cáo bị cáo buộc chửi bới, sử dụng chất thải ném vào công nhân, chặn đường và đe dọa không cho công nhân đi làm tại bãi rác vào chiều ngày 17 tháng 8 năm 2017.

Số bị cáo còn lại bị cáo buộc đã gây rối trên quốc lộ 1 A, gây ách tắc giao thông do kéo băng-rôn yêu cầu thả người, sau khi hai trong số họ bị công an bắt giữ.

Phiên tòa phúc thẩm đối với 13 bị cáo vừa nêu không được thông báo diễn ra trong bao lâu và đến cuối ngày 7 tháng 5 vẫn chưa có thông tin nào về kết quả của phiên tòa phúc thẩm.

Published in Việt Nam