Giáo xứ Kẻ Gai : khi chính quyền biến nạn nhân thành người bị truy tố (RFA, 07/05/2018)
Ngày 6/5 giáo xứ Kẻ Gai với đại diện là linh mục Nguyễn Đức Nhân, linh mục quản xứ, và Chủ tịch Hội đồng mục vụ giáo xứ, linh mục Nguyễn Văn Lịch, đã viết đơn kiến nghị gửi lên Cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Nghệ An, tố giác cơ quan này đã cố tình bao che hành vi vi phạm pháp luật của Chủ tịch và trưởng công an xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, và đề nghị chấm dứt hành vi sách nhiễu, vu khống giáo dân. Linh mục Nguyễn Đức Nhân cho đài Á Châu Tự Do biết ông đã đích thân đưa đơn này lên cơ quan công an điều tra tỉnh Nghệ An vào sáng ngày 7/5.
Hình ảnh vụ xô xát ở giáo xứ Kẻ Gai ngày 17/12/2017 - Screen capture (citizen video)
Chính quyền xã đánh dân
Theo đơn kiến nghị, vào ngày 18/1, giáo dân giáo xứ Kẻ Gai đã gửi đơn tố giác ông Nguyễn Văn Thu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hưng Tây và ông Cao Minh Lực, Trưởng công an xã, đã có hành vi tổ chức ‘đánh người gây thương tích’, ‘hủy hoại tài sản’, ‘gây rối trật tự công cộng’, ‘lạm quyền’ và ‘không cứu người’ trong vụ việc tranh chấp đất đai hôm 17/12 năm ngoái ở xóm Bắc Kẻ Gai, xã Hưng Tây.
Theo linh mục Nhân và người dân chứng kiến vụ việc hôm 17/12, chính quyền xã Hưng Tây, và huyện Hưng Nguyên đã huy động cảnh sát cơ động và cho phép hội Cờ Đỏ đến đàn áp người dân đang làm mương thủy lợi trên mảnh đất của mình vào sáng ngày 17/12 khiến ít nhất một người bị thương nặng phải vào bệnh viện cấp cứu. Linh mục Nguyễn Đức Nhân cho biết :
"Họ chỉ là những người dân, qua vụ việc xảy ra rất đông người, hôm đó có vài ngàn người. Người dân chỉ là nạn nhân thôi. Trên video clip đó thì thấy là hội Cờ Đỏ, ông Lực đập người dân chúng tôi. Họ đưa công an xuống làm việc rồi lập biên bản. Họ đánh anh đó ngất tại đường luôn. Người dân lập biên bản đưa mấy ông công an huyện và xã chứng kiến để ký biên bản".
Truyền hình Nghệ An, cơ quan ngôn luận của chính quyền tỉnh vào ngày 17/12 đưa tin viết rằng ‘hàng trăm giáo dân giáo xứ Kẻ Gai, dưới sự kích động của linh mục quản xứ Nguyễn Đức Nhân đã tự ý chiếm đất sản xuất nông nghiệp để xây dựng nhà thờ’. Truyền hình Nghệ An cho biết người dân đã lấn chiếm 9.000 m2 đất canh tác theo quy định của chính phủ.
Tuy nhiên, giáo dân và linh mục Nhân khẳng định với Đài Á Châu Tự Do rằng phần đất mà người dân làm thủy lợi chính là đất tổ tiên của họ để lại. Linh mục Nguyễn Đức Nhân nói :
"Đất đó là tổ tiên họ để lại thì họ dâng, nhưng sau này chúng tôi sẽ làm giấy tờ đàng hoàng gửi Đức Giám mục giáo phận và chính quyền. Còn vụ việc vừa rồi chúng tôi chỉ làm thủy lợi thôi nhưng chính quyền và hội cờ đỏ và công an đến đánh người dân".
Truy tố ngược
Sau khi đơn tố giác được gửi đi, đến ngày 29/1/2018, giáo xứ Kẻ Gai nhận được thông báo từ Thượng tá Cao Ánh Hồng, Phó Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An về việc nhận đơn tố giác. Giáo dân giáo xứ Kẻ Gai cũng nhận được văn thư từ văn phòng chính phủ về việc chỉ đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh để giải quyết đơn.
Tuy nhiên theo kiến nghị mới của giáo xứ Kẻ Gai, trên thực tế cơ quan Công an tỉnh Nghệ An đã không thực hiện đúng các quy định về trình tự, thủ tục xác minh, thu thập chứng cứ, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và khởi tố vụ án theo đơn tố giác ngày 18/1.
Không những thế vào ngày 3/5, Thượng tá Cao Ánh Hồng đã ký đơn triệu tập gửi đến 4 người dân xã Kẻ Gai, yêu cầu họ lên làm việc với công an tỉnh vào sáng ngày 7/5 về những việc mà người dân ở đây cho là hoàn toàn không đúng sự thật.
Anh Nguyễn Văn Ân, một trong 4 người bị triệu tập cho biết :
"Bây giờ mình đang lên án huyện với xã thì bây giờ mình từ người bị hại họ lại lật ngược lại nói mình giam giữ người trái pháp luật. Hôm đó mình mời bí thư xã và trưởng công an huyện làm biên bản tường trình, ký vào biên bản đó. Mình ký vào biên bản người làm chứng, mình có mặt trong vụ việc đó".
Theo bản chụp giấy triệu tập mà đài Á Châu Tự Do có được, ngoài anh Ân bị triệu tập về việc giam giữ người trái pháp luật, còn có anh Nguyễn Minh Chánh bị triệu tập về hành vi đánh nhau vào ngày 17/12. Hai người còn lại, theo linh mục Nhân, hiện đang đi vắng nên không nhận giấy triệu tập. Linh mục Nhân phủ nhận việc người dân đánh người trong ngày 17/12 như trong giấy triệu tập.
Nói về lý do sự việc dù đã xảy ra rất lâu nhưng đến bây giờ công an tỉnh Nghệ An lại quyết định triệu tập một số người dân Kẻ Gai thay vì điều tra khởi tố những người trong chính quyền theo đơn tố giác, anh Ân nhận định :
"Tại vì thứ nhất họ để dư luận tạm thời lắng. Thứ hai một trong những vấn đề ở đây là bên mình đang làm đơn tố giác xã, huyện với cờ đỏ là đánh dân thì mình nghĩ họ gửi cho mình giấy này là có thể họ muốn thỏa hiệp yêu cầu mình rút đơn kiện, trả lại đất. Ý là họ không cho phép mình làm. Thứ hai mình nghĩ thời điểm này dư luận tạm thời lắng hoặc vụ việc vừa rồi có tin hội thánh đức chùa trời để họ dọn đường dư luận, mà vừa rồi ở Vinh có xôn xao nhiều vấn đề nên nếu họ không thỏa hiệp được thì họ có thể dùng mình hoặc một vài người trong xứ để răn đe, thì sau này dễ điều khiển hơn vì không ai dám lên tiếng cả".
Liên quan đến tin về Hội thánh Đức Chúa Trời vốn không liên quan đến những người theo Công giáo ở Vinh, truyền thông nhà nước và chính quyền thời gian qua đã lên tiếng chỉ trích hội thánh này và cảnh báo nếu hội bị phát hiện có những hành vi vi phạm pháp luật thì sẽ bị xử lý
Những người nhận giấy triệu tập đã quyết định không lên gặp công an tỉnh vào sáng ngày 7/5 vì cho rằng lý do đưa ra là không đúng.
Linh mục Nguyễn Đức Nhân cho biết giấy triệu tập đã khiến người dân hoang mang và phẫn nộ "Giấy triệu tập đến thì họ phẫn nộ vì việc làm vô lý của công an tỉnh, việc một đằng họ hô hào sống theo pháp luật, họ lại không coi đó là gì, họ chà đạp lên pháp luật, lên sự thật. Họ coi người dân như cỏ rác, thích làm gì người dân là làm, họ biến người dân thành những tù nhân dự bị".
******************
Hoãn xử phúc thẩm vụ án nổ súng giữ đất ở Đắk Nông (RFA, 07/05/2018)
Sáng 7/5, Tòa án nhân dân Cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án nổ súng chống công ty tư nhân phá cây trồng của dân tại tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông.
Hiện trường vụ bắn vào đoàn cưỡng chế ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, Dak Nong hôm 23/10/2016. Courtesy : chinhphu.vn
Phiên tòa phúc thẩm đầu tiên được Hội đồng Xét xử ra quyết định hoãn vì hai bị cáo, là nhân viên của Công ty Long Sơn cùng đại diện của công ty này vắng mặt và xin hoãn phiên tòa.
Tại phiên tòa sơ thẩm, diễn ra vào ngày 3 tháng 1 năm 2018, nông dân Đặng Văn Hiến bị Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Nông tuyên phạt mức án tử hình, với cáo buộc tội "giết người" cùng hai bị cáo Ninh Viết Bình và Hà Văn Trường lần lượt bị tuyên 20 năm tù và12 năm tù với cùng tội danh. Bị cáo Đoàn Văn Diện bị tuyên 9 tháng tù giam về tội "che giấu tội phạm".
Theo cáo trạng, ngày 23 tháng 10 năm 2016, Phó giám đốc công ty Long Sơn dẫn hơn 30 nhân viên của công ty mang máy móc, hung khí vào san ủi, phá hủy cây điều, cà phê của gia đình nông dân Đặng Văn Hiến và hai hộ dân khác. Một số người dân trong cuộc đã dùng súng tự chế để chống lại lực lượng nhân viên của Công ty Long Sơn, làm 3 người thiệt mạng và 13 người bị thương.
Năm tổ chức xã hội dân sự cùng hằng trăm cá nhân ký tên vào một bản tuyên bố, yêu cầu Chủ tịch nước và Tòa án Tối cao của Việt Nam cần phải nghiêm túc xem xét lại vụ án và bản án tử hình đối với nông dân Đặng Văn Hiến nổ súng chống công ty tư nhân cướp đất sai pháp luật.
Sau phiên tòa sơ thẩm, hai trong ba gia đình nạn nhân bị bắn chết có đơn xin miễn án tử hình cho bị cáo Đặng Văn Hiến.
Trong cùng ngày 7 tháng 5, Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa mở phiên tòa phúc thẩm xét xử 13 bị cáo về tội danh "chống người thi hành công vụ và gây rối trật tự công cộng".
Theo cáo trạng sơ thẩm, 13 bị cáo trú ngụ tại thôn Ninh Ích, xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa bị tuyên án từ mức tù treo đến 3 năm tù giam do có hành động nhằm ngăn cản lực lượng chức năng thi công khắc phục sự cố rò rỉ nước tại bãi rác Hòn Rọ.
Bốn trong số 13 bị cáo bị cáo buộc chửi bới, sử dụng chất thải ném vào công nhân, chặn đường và đe dọa không cho công nhân đi làm tại bãi rác vào chiều ngày 17 tháng 8 năm 2017.
Số bị cáo còn lại bị cáo buộc đã gây rối trên quốc lộ 1 A, gây ách tắc giao thông do kéo băng-rôn yêu cầu thả người, sau khi hai trong số họ bị công an bắt giữ.
Phiên tòa phúc thẩm đối với 13 bị cáo vừa nêu không được thông báo diễn ra trong bao lâu và đến cuối ngày 7 tháng 5 vẫn chưa có thông tin nào về kết quả của phiên tòa phúc thẩm.