HRW kêu gọi Việt Nam trả tự do cho một nhà hoạt động nhân quyền (RFI, 24/01/2018)
Trong một thông cáo ra ngày 24/01/2018, tổ chức bảo vệ nhân quyền của Mỹ Human Rights Watch (HRW) kêu gọi Việt Nam hủy bỏ các cáo buộc đối với nhà hoạt động nhân quyền Hoàng Đức Bình và một bị cáo khác là Nguyễn Nam Phong và trả tự do cho họ ngay lập tức. Hai nhà hoạt động này sẽ ra tòa ngày mai tại Tòa án Nhân dân huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Ngư dân Hà Tĩnh tới Tòa án huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đưa đơn kiện đòi bồi thường vụ ô nhiễm môi trường biển Formosa tháng 9/2016. Reuters
Theo HRW, cả hai người đều bị cáo buộc chiếu theo Bộ Luật Hình sự vì đã tham gia các cuộc biểu tình và vận động phản đối thảm họa môi trường biển quy mô lớn do công ty Formosa của Đài Loan gây ra dọc bờ biển miền trung Việt Nam hồi tháng 04/ 2016.
Trong bản thông cáo, ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á châu của HRW nói : "Lại một lần nữa chính phủ Việt Nam sử dụng bộ luật hình sự hà khắc để trừng phạt những người dân chỉ hành xử quyền biểu tình và tự do ngôn luận. Phiên tòa này chứng tỏ điều mọi người đã biết từ lâu : các nhà lãnh đạo Việt Nam không tôn trọng các quyền của chính người dân nước mình".
Hoàng Đức Bình, 34 tuổi, là phó chủ tịch phong trào Lao Động Việt, một tổ chức độc lập được thành lập từ năm 2008 để thúc đẩy quyền của người lao động. Anh đã từng bị công an câu lưu vào tháng 12/2015 vì vận động thành lập công đoàn độc lập. Hoàng Đức Bình cũng tham gia nhiều cuộc biểu tình phản đối Formosa và góp phần tổ chức các nhóm vận động đòi bồi thường thiệt hại cho ngư dân bị ảnh hưởng do thảm họa môi trường biển năm 2016.
Còn Nguyễn Nam Phong, 37 tuổi, làm tài xế cho nhà hoạt động nhân quyền, Linh mục Nguyễn Đình Thục. Cả hai đều bị cáo buộc tội "lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" theo điều 258 của Bộ Luật Hình sự và tội "chống người thi hành công vụ" theo điều 257.
Trong bản thông cáo, HRW nhắc lại : Hơn 100 nhà hoạt động hiện đang bị giam giữ ở Việt Nam vì đã bày tỏ quan điểm phê phán chính quyền, tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa, gia nhập các nhóm tôn giáo không được chính quyền cấp phép, hoặc tham gia các tổ chức dân sự hay chính trị bị Đảng cộng sản Việt Nam cầm quyền cho là đe dọa độc quyền lãnh đạo của họ.
Cũng về nhân quyền tại Việt Nam, hôm qua, tòa án tỉnh An Giang đã tuyên án tù 4 nhà hoạt động Phật Giáo Hòa Hảo về tội "tuyên truyền chống Nhà nước" do đã treo cờ Việt Nam Cộng Hòa vào ngày 30/04/2017. Lãnh án nặng nhất là ông Vương Văn Thả với 12 năm tù, con trai ông là Vương Thanh Thuận, bị 7 năm tù và hai bị cáo kia, Nguyễn Văn Thượng và Nguyễn Nhật Trường, hai anh em sinh đôi, thì bị tuyên phạt 6 năm tù.
Thanh Phương
***********************
HRW lên tiếng trước phiên xử hai người phản đối Formosa (RFA, 24/01/2018)
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền-Human Rights Watch kêu gọi Việt Nam hủy bỏ các cáo buộc đối với nhà hoạt động nhân quyền Hoàng Đức Bình cùng Nguyễn Nam Phong và phóng thích họ ngay lập tức.
Nhà hoạt động Hoàng Đức Bình - Courtesy of Human Rights Watch
Thông cáo báo chí của Human Rights Watch phổ biến trong ngày 24 tháng Một cho biết như vậy, một ngày trước khi phiên tòa xét xử Hoàng Đức Bình và Nguyễn Nam Phong được dự kiến diễn ra tại Tòa án Nhân dân huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Nhà hoạt động nhân quyền Hoàng Đức Bình là thành viên của phong trào Lao Động Việt, một tổ chức xã hội dân sự độc lập hoạt động nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động tại Việt Nam. Kể từ sau khi biến cố thảm họa môi trường biển xảy ra hồi đầu tháng 4 năm 2016, do nhà máy Formosa thải độc tố ra biển, anh Hoàng Đức Bình đã giúp các nạn nhân thảm họa môi trường Fomosa trong việc khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại, cũng như lên tiếng kêu gọi nhà máy Formosa phải ngừng hoạt động tại Việt Nam.
Vào ngày 15/05/2017, anh Hoàng Đức Bình bị một nhóm công an, mặc sắc phục lẫn thường phục, bắt giữ bất ngờ khi đang đi cùng xe với Linh mục Nguyễn Đình Thục, tại địa phận huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Sau đó Công an tỉnh Nghệ An thông báo anh Hoàng Đức Bình bị khởi tố theo Điều 258 "lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước" và Điều 257 "chống người thi hành công vụ.
Anh Nguyễn Nam Phong bị bắt một cách bất minh vào ngày 28 tháng 11 năm ngoái và cũng bị cáo buộc tội theo Điều 257.
Trong thông cáo báo chí của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền-Human Rights Watch, ông Brad Adams, Giám đốc đặc trách khu vực Châu Á nói rằng thật là bi hài khi Chính quyền Việt Nam cáo buộc công dân tội lợi dụng quyền tự do dân chủ trong khi họ chẳng hề có tự do, dân chủ hay nhân quyền tại Việt Nam.
Ông Brad Adams còn nhấn mạnh Việt Nam không có dấu hiệu nào cho thấy giảm bớt tình trạng đàn áp nhắm vào các nhà hoạt động nhân quyền trong vòng 14 tháng qua ; đồng thời kêu gọi các nhà tài trợ và đối tác thương mại quốc tế cần lên tiếng mạnh mẽ đối với những vi phạm nhân quyền của Chính phủ Việt Nam.
Theo thống kê của Human Rights Watch hiện có hơn 100 nhà hoạt động vì xã hội, nhân quyền và môi trường bị giam giữ tại Việt Nam.
HRW : Hoa Kỳ rút khỏi TPP bật đèn xanh cho Việt Nam đàn áp nhân quyền (VOA, 18/01/2018)
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (tức Human Rights Watch - HRW) hôm 18/1 ra phúc trích thường niên nói rằng Việt Nam đã gia tăng đáng kể việc đàn áp các nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền trong năm 2017.
Nhà hoạt động Trần Thị Nga bị y án 9 năm tù tại phiên phúc thẩm 22/12/2017
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc HRW đặc trách Châu Á nói với VOA hôm 18/1 rằng sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), chính quyền Việt Nam đã khởi động lại chiến dịch đàn áp nhắm vào những người hoạt động nhân quyền, bắt giữ hàng chục blogger và nhà hoạt động, đồng thời kết án nhiều người với mức án tù nặng nề.
Ông Robertson nói :
"Lại có một làn sóng mới đàn áp các blogger và nhà hoạt động nhân quyền, đặc biệt là sau khi Tổng thống Donald Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi TPP và sau đó, mời Thủ tướng Việt Nam đến Tòa Bạch Ốc mà chẳng thảo luận gì về vấn đề nhân quyền. Tình hình chung như thế đã bật đèn xanh cho chính quyền Việt Nam thẳng tay đàn áp những tiếng nói bất đồng, các blogger và tống giam họ với những bản án tù dài hạn".
Trong một thông cáo phổ biến cùng ngày 18/1, ông Brad Adams, Giám đốc Ban Châu Á của HRW nói : "Trong thời gian đàm phán TPP, chính quyền Việt Nam biết rằng nếu bắt giữ các nhà hoạt động thì sẽ tạo ra một hình ảnh xấu cho Việt Nam. Nhưng họ đã lột bỏ tấm mặt nạ ngay sau khi chính quyền Trump rút khỏi TPP, và bắt đầu những vụ xét xử và đưa ra các bản án tù nặng nề đối với những người dân dám lên tiếng một cách ôn hòa để kêu gọi dân chủ và đòi chấm dứt chế độ cai trị độc đảng".
Một thông cáo của HRW nêu rõ : "Bất chấp thực tế đó, hầu hết các nhà tài trợ cho Việt Nam vẫn tiếp tục coi trọng thương mại hơn nhân quyền".
Các quyền tự do cơ bản như tự do ngôn luận, tự do nhóm họp, tự do lập hội, tự do đi lại và tự do tôn giáo tiếp tục bị đè nén nghiêm trọng ở Việt Nam. Theo phúc trình của Tổ chức Human Rights Watch, trong nhiều trường hợp, côn đồ được nhà nước bảo trợ tấn công những người bất đồng chính kiến, trong khi tình trạng công an bạo hành, trong đó có cả những trường hợp tử vong trong khi bị giam giữ, vẫn còn là một vấn nạn nghiêm trọng, xảy ra quá thường xuyên.
Trong năm 2017, theo HRW, có ít nhất 24 người bị kết án vì đã viết bài và vận động cho dân chủ, nhân quyền. Trong số những người bị kết án có blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (còn được biết qua bút danh Mẹ Nấm), bị kết án 10 năm tù ; nhà hoạt động Trần Thị Nga, 9 năm tù ; nhà hoạt động Phan Kim Khánh, 6 năm tù ; và nhà báo tự do Nguyễn Văn Hóa, bị kết án 7 năm tù.
Trong 14 tháng qua, công an đã bắt ít nhất 28 người về các tội danh liên quan tới "an ninh quốc gia", vốn có phạm vi áp dụng lỏng lẻo, được sử dụng để trừng phạt những tiếng nói phê phán hay các hoạt động ôn hòa, trong số những người bị kết tội này có các ông Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Trung Tôn và Phạm Văn Trội.
Riêng Luật sư Phạm Văn Đài và cộng sự Lê Thu Hà vẫn đang bị công an tạm giam từ tháng 12 năm 2015 và cho tới nay vẫn chưa đưa ra xét xử. Ban đầu, hai người bị cáo buộc tội "tuyên truyền chống nhà nước". Tuy nhiên, vào tháng 7/ 2017, cáo trạng này được đổi sang tội "lật đổ chính quyền".
Phúc trình của HRW nói ít nhất 119 người ở Việt Nam đang phải thi hành các án tù nặng nề vì đã thể hiện quan điểm phê phán chính quyền, tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa, gia nhập các nhóm tôn giáo không được chính quyền phê chuẩn, hoặc tham gia các tổ chức dân sự hoặc chính trị bị đảng cầm quyền cho là một mối nguy đối với quyền lực độc tôn của mình.
Ông Adams nói : "Các đối tác thương mại và các nước tài trợ cho Việt Nam cần cương quyết đòi cải thiện nhân quyền phải là một phần hữu cơ của mọi giao dịch thương mại hay dự án tài trợ cho Việt Nam".
Việt Nam thời gian qua đã bị nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền, trong đó có Tổ chức Human Rights Watch, chỉ trích về những vụ vi phạm các quyền tự do báo chí, tự do phát biểu, và tự do tín ngưỡng, tuy nhiên Hà Nội vẫn một mực bác bỏ các cáo buộc này.
*********************
Việt Nam gia tăng đàn áp nhân quyền sau khi Mỹ rút khỏi TPP (RFA, 18/01/2018)
Tổ chức theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) lên án chính phủ Việt Nam đã ‘tiếp tục gia tăng đàn áp các nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền trong năm 2017’
Những người ủng hộ cầm biểu ngữ đòi tự do cho blogger Basam Nguyễn Hữu Vinh ngay trước cửa tòa án Nhân dân ở Hà Nội hôm 23/3/3016 - AFP
Trong bản Phúc Trình Toàn Cầu thường niên lần thứ 28 được công bố vào sáng ngày 18 tháng 1 năm 2018 tại New York, Hoa Kỳ, Human Rights Watch cho rằng, sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp Định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), chính quyền Việt Nam đã khởi động lại chiến dịch đàn áp nhắm vào những nhà hoạt động, bắt giữ hàng chục blogger và kết án nhiều nhà hoạt động với những mức án nặng nề.
Bản phúc trình viết rằng trong năm 2017 vừa qua, có ít nhất 24 blogger bị kết án nặng nề vì có những bài viết và vận động dân chủ nhân quyền, trong đó có blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị kết án 10 năm tù, nhà hoạt động Trần Thị Nga chín năm tù, nhà hoạt động trẻ Phan Kim Khánh 6 năm tù và nhà báo tự do Nguyễn Văn Hóa 7 năm tù.
Ngoài ra, còn nhiều nhà hoạt động bị bắt với cáo buộc "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền" như cựu tù nhân chính trị Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Trung Tôn và Phạm Văn Trội. Blogger Nguyễn Văn Đài và cộng sự Lê Thu Hà vẫn đang bị tạm giam từ tháng 12 năm 2015 đến nay mà vẫn chưa đưa ra xét xử.
Báo cáo của Human Rights Watch cũng cho biết các nhà hoạt động dân chủ nhân quyền tại Việt Nam liên tục bị công an sách nhiễu, theo dõi, quản chế hoặc câu lưu trái pháp luật để cản trở họ không tham gia các cuộc biểu tình bảo vệ môi trường, hội thảo và gặp gỡ các nhà ngoại giao nước ngoài hay tham dự các phiên tòa xét xử các nhà hoạt động khác.
Theo ông Brad Adams, Giám Đốc Ban Á Châu của Tổ Chức Human Rights Watch, tình trạng bắt bớ, giam cầm, đàn áp các nhà hoạt động đã không xảy ra đến mức đáng lo ngại như hiện giờ trong thời gian Việt Nam đàm phán Hiệp Định Đối Tác Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương TPP.
Ông Adams nói thêm "Việt nam đã lột bỏ tấm mặt nạ này sau khi chính quyền Trump rút khỏi TPP, và bắt đầu xét xử, và áp đặt các mức án tù nặng nề đối với những người lên tiếng kêu gọi dân chủ và chấm dứt chế độ cai trị độc đảng một cách ôn hòa".
Ông Giám Đốc Ban Á Châu của Tổ Chức Human Rights Watch cũng kêu gọi các đối tác thương mại và những nhà tài trợ quốc tế cần cương quyết đưa yêu cầu cải thiện nhân quyền khi giao dịch và tài trợ cho những dự án thực hiện tại Việt Nam.
Trước đó, trong báo cáo thường niên 2018 của Freedom House được công bố hôm 16/1, Việt Nam bị xếp vào danh sách các nước không có tự do với điểm số 6/7 trong đó 7 là thấp nhất. Theo báo cáo này, quyền chính trị của người dân được xếp hạng 7/7 tức là không có quyền hạn chính trị nào.
Chính phủ Việt Nam từ trước đến nay vẫn khẳng định vấn đề nhân quyền ở Việt Nam luôn được đảm bảo và cải thiện.
********************
HRW : Việt Nam gia tăng đàn áp nhân quyền trong năm 2017 (RFI, 18/01/2018)
Hoa Kỳ rút khỏi TPP khiến số người bị bắt giữ tăng đột ngột ở Việt Nam : trên đây là nhận định của tổ chức Quan Sát Nhân Quyền Mỹ Human Rights Watch HRW trong phần nói về Việt Nam, trong bản Phúc Trình Toàn Cầu 2018.
Ảnh minh họa.@google>
Trong bản báo cáo hàng năm của Human Rigts Watch HRW dài 643 trang về tình hình nhân quyền ở 90 nước trên thế giới, Việt Nam được mô tả là quốc gia trong năm 2017 vừa kết thúc, đã gia tăng "đàn áp các nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền". Tổ chức HRW xem đây là hệ quả của quyết định của tổng thống Mỹ Donald Trump bỏ Hiệp Định Đối Tác Thương Mại Tự Do Xuyên Thái Bình Dương TPP :
"Trong thời kỳ đàm phán TPP, chính quyền Việt Nam biết rằng bắt giam các nhà tranh đấu nhân quyền sẽ tạo ra hình ảnh tồi tệ. Nhưng họ đã bỏ tấm mặt nạ này sau khi chính quyền Trump bỏ TPP".
Theo danh sách của HRW, hiện có 119 nhà hoạt động nhân quyền và tự do tôn giáo nằm trong các nhà giam. Trong năm 2017, ít nhất 24 blogger bị kết án vì các bài viết vận động cho dân chủ như "Mẹ nấm" Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga , Phan Kim Khánh, Nguyễn Văn Hóa.
Trong 14 tháng qua, công an Việt Nam đã bắt ít nhất 28 người với tội danh "vi phạm an ninh quốc gia" trong đó có nhiều cựu tù nhân lương tâm và nhân quyền như Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức, Phạm Văn Trội, Nguyễn Văn Túc, mục sư Nguyễn Trung Tôn … Một nhà hoạt động nhân quyền khác là luật sư Nguyễn Văn Đài bị giam từ năm 2015, còn giáo sư Phạm Minh Hoàng bị trục xuất về Pháp.
Bản báo cáo dành nhiều đoạn để nhắc qua chính sách "cấm đoán" của chế độ "độc đảng", phân tích các phương pháp "đàn áp trái pháp luật của công an" cũng như trình bày những hiểm nguy mà người công dân Việt Nam phải đối mặt nếu có quan điểm phê phán chính phủ hay tham gia biểu tình ôn hòa.
Trong phần kết luận, tổ chức Quan Sát Nhân Quyền Mỹ kêu gọi giới đầu tư quốc tế và các nhà tài trợ cần phải "cương quyết" kêu gọi Hà Nội tôn trọng nhân quyền trong mọi dự án làm ăn với Việt Nam.
Tú Anh
************************
Hà Nội ca ngợi thành tựu về nhân quyền trong cuốn sách mới (RFA, 18/01/2018)
Bộ Ngoại giao Việt Nam vào ngày 18 tháng Một cho công bố sách ‘Bảo vệ và Thúc đẩy quyền con người’, khẳng định Việt Nam đã không ngừng đấu tranh vì các quyền cơ bản của con người.
Nhà báo tự do Nguyễn Văn Hóa tại tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh hôm 27/11/2017 - AFP
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lê Thị Thu Hằng, trong cuộc họp báo hàng tuần cho biết cuốn sách gồm 4 chương, trong đó nêu rõ quan điểm, chính sách và luật pháp của Nhà Nước Việt Nam về quyền con người cũng như thành tựu của Việt Nam trong thực hiện các quyền thuộc nhóm quyền dân sự- chính trị, nhóm quyền kinh tế-văn hóa-xã hội, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương. Ngoài ra, sách còn nêu ra các thách thức cần vượt qua và định hướng ưu tiên nhằm thúc đẩy việc thụ hưởng ngày càng tốt hơn quyền con người ở Việt Nam.
Trả lời câu hỏi của báo chí về ưu tiên tới đây của Việt Nam trong vấn đề nhân quyền, bà Hằng cho biết trong thời gian qua Việt nam đã dạt được những tiến bộ rất quan trọng trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Bà nói tiếp thời gian tới Việt Nam sẽ ưu tiên thực hiện một số biện pháp nhằm đảm bảo thực hiện tốt hơn các quyền và tự do cơ bản của người dân trên cơ sở phù hợp với Hiến pháp và cam kết quốc tế của Việt Nam.
Trước tin Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố sách ‘Bảo vệ và Thúc đẩy quyền con người’, cựu tù nhân lương tâm Bùi Thị Minh Hằng, một người từng tham gia phổ biến sách về quyền con người vẫn đang bị an ninh theo dõi mọi hoạt động hằng ngày, cho chúng tôi biết suy nghĩ của bà :
"Nói chung quan điểm của chị tình trạng nhân quyền quá tồi tệ trong khi đó nhà cầm quyền cộng sản họ nói láo nói dối với các lãnh vực mà họ không biết ngượng miệng nữa. Họ có chịu trách nhiệm về lời nói của họ đâu, tức là họ không hiểu họ đang nói điều gì. Nên khi nói về vấn đề đó thật sự mình nghĩ rằng nó cũng chỉ là một phát ngôn là con vẹt thôi, họ cứ nói nhưng thực tế không có sự kiểm chứng nào hết, hai nữa những người đấu tranh nhiều năm nay vẫn cứ tình trạng tù tội bắt bớ khủng bố liên tục, cuộc sống của người dân ví dụ như chị xuốt từ lúc ra tù có làm được gì đâu, ngay cả chuyện đi lại họ cũng gây rối đối với người dân, thì chị hỏi nhân quyền với tự do ở đâu để cho họ phát biểu"
Trước đây vào năm 2005, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho công bố cuốn sách ‘Thành tựu bảo vệ và phát triển quyền con người ở Việt Nam’.
Tuy nhiên theo báo cáo mới đây của tổ chức Theo dõi nhân quyền quốc tế (Human Rights Watch), trong năm 2017, Việt Nam đã gia tăng đàn áp, bắt bớ những người bất đồng chính kiến, các blogger. Theo thống kê của tổ chức này đã có ít nhất 24 blogger bị kết án trong năm 2017 vì những bài viết chỉ trích chính phủ. Tổ chức Freedom House trong báo cáo đầu năm 2018 xếp Việt Nam vào danh sách các nước không có tự do.