Báo Việt Nam phủ nhận hacker 'yêu nước' tấn công VOA và các báo đài ở Mỹ, Châu Âu
Ngay sau khi trang mạng xã hội chính thức của VOA và ba cơ quan truyền thông tiếng Việt khác có trụ sở Mỹ và Châu Âu bị tấn công, báo Quân đội Nhân dân của Việt Nam lập tức lên tiếng phủ nhận các hacker "yêu nước" hay các cơ quan chức năng của Việt Nam đứng sau vụ việc này.
Các trang Facebook của VOA, RFA, BBC và Thời Báo bị hacker xâm nhập và đổi tên trong một thời gian ngắn.
Trang Facebook của VOA tiếng Việt bị "hack" và bị đổi tên thành "Đông Lào Muôn Năm" vào khoảng 10 :30 giờ tối ngày 29/10 giờ miền đông Hoa Kỳ. Cùng thời gian này trang Facebook của RFA, cùng có trụ sở ở Washington DC của Mỹ, và của BBC tiếng Việt, có trụ sở ở London của Anh, cũng đều bị tấn công tương tự. Trang Facebook của RFA bị đổi tên thành "Đảng cộng sản Việt Nam Muôn Năm" và của BBC bị đổi tên thành "Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại".
Tương tự, trang Facebook của Thời Báo, tờ báo tiếng Việt có trụ sở ở Berlin, Đức, cũng bị các "hacker" đột nhập vào ngày 30/10 và đổi tên thành "Việt Nam Muôn Năm 79".
Vụ tấn công diễn ra trong một thời gian ngắn khi VOA và hai đài tiếng Việt, RFA và BBC, trong cùng ngày đã có lại được tên và trở lại bình thường. Trong khi đó, theo người sáng lập Thời Báo Lê Trung Khoa cho biết, trang tiếng Việt của tờ báo, thường bị truyền thông nhà nước Việt Nam nêu tên, sau hơn 1 ngày mới có lại tên chính thức.
Tờ báo của quân ủy trung ương và Bộ Quốc phòng Việt Nam hôm 30/10 lập tức phủ nhận vai trò của các hacker được gọi là "yêu nước" cũng như cơ quan chức năng của Việt Nam trong các vụ tấn công mạng này. VOA và các đài báo nói trên chưa đưa ra bất cứ cáo buộc chính thức nào.
Bài báo trên trang điện tửQuân đội Nhân dân với tiêu đề "Nhiều fanpage chống phá Đảng, Nhà nước bị đổi tên : Đừng nên gán ghép suy diễn" cho rằng nhiều người đã suy diễn rằng "có những hacker ‘yêu nước’ làm chuyện đó".
Tờ báo, được xem là tiếng nói của lực lượng vũ trang và nhân dân Việt Nam, cho rằng những "suy diễn kiểu đó là không có cơ sở" và phủ nhận "không có chuyện cơ quan chức năng liên quan đến việc này như một số thông tin trên mạng xã hội".
VOA, RFA, BBC và Thời Báo thường được xem là những cơ quan truyền thông "chống cộng" hay "chống phá" Đảng và Nhà nước Việt Nam vì có nhiều bài viết về nhân quyền và chỉ trích Đảng cộng sản mà truyền thông trong nước không được phép đề cập. Trang web của các trang báo này do đó bị chặn truy cập tại Việt Nam nên nhiều người trong nước thường đọc tin tức của VOA và các tờ báo nói trên qua các trang Facebook chính thức.
Theo tìm hiểu của VOA, các cuộc tấn công hôm 29 và 30/10 vào các đài ở Mỹ và Châu Âu được thực hiện từ các tài khoản "hacker" khác nhau. Đây là lần đầu tiên trang Facebook của VOA bị đột nhập và đổi tên. Vụ việc đang được Facebook điều tra.
Ông Khoa, người sáng lập Thời Báo, cho VOA biết cơ quan an ninh điều tra của Đức về tấn công mạng và Đài truyền hình Đức BR đang tìm hiểu tại sao và ai là người xâm nhập trang Facebook của tờ báo này. Theo nhận định của ông Khoa, người điều hành một công ty sản xuất phần mềm ở Đức, các trang Facebook của VOA, BBC, RFA và Thời Báo nhiều khả năng bị tấn công "theo cùng một cách xâm nhập", tức là hacker đã truy cập được vào các trang mạng xã hội này để đổi tên rồi sau đó trở lại và đổi lại tên gốc cho các trang đó.
Báo Quân đội Nhân dân cho rằng "chuyện một số trang fanpage bị đổi tên có lý do từ lỗ hổng trên không gian mạng thì không có gì mới mẻ" và trích dẫn một chuyên gia công nghệ phần mềm nói rằng "đây không phải là hình thức tấn công mạng tinh vi" nhưng "khiến những người sử dụng mạng xã hội lo lắng về vấn đề bảo mật".
Chính phủ Việt Nam gần đây bị nghi là có mối liên hệ với một nhóm tin tặc có tên Ocean Lotus, hay APT32, đứng sau chiến dịch tấn công an ninh mạng nhắm vào các nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam, theo mộtbáo cáo của nhóm kỹ thuật an ninh của Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty Tech) đưa ra hồi tháng Hai năm nay. Trước đó vào tháng 11 năm ngoái, các nhà điều tra an ninh mạng tại Facebooktìm ra một nhóm hacker từ lâu bị nghi làm gián điệp cho chính phủ Việt Nam, được biết là APT32 hay Ocean Lotus, từng bị cáo buộc trong nhiều năm qua về các hoạt động theo dõi các nhà bất đồng chính kiến, doanh nghiệp và quan chức nước ngoài.
Nguồn : VOA, 02/11/2021