Biển Đông : Trung Quốc bị tố dùng tàu hải cảnh để áp đặt chủ quyền (RFI, 27/09/2019)
Trong thời gian qua, tàu hải cảnh Trung Quốc đã xuất hiện nhan nhản trên Biển Đông, đặc biệt là trong các vùng biển của các nước láng giềng nhưng bị Trung Quốc tự nhận chủ quyền. Trong một bài phân tích công bố ngày 26/06/2019, cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á AMTI, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Tế và Chiến Lược CSIS, trụ sở tại Washington, đã vạch trần ý đồ của Bắc Kinh, dùng các phương tiện bán quân sự này để áp đặt chủ quyền.
Tàu tuần duyên Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu cảnh sát biển Việt Nam, tiếp cận khu vực giàn khoan 981, ngày 08/05/2016. Ảnh : Reuters
Bài phân tích đã nêu rõ một loạt hành vi sách nhiễu mà tàu hải cảnh Trung Quốc đã và đang thực hiện nhắm vào ba nước láng giềng đang có tranh chấp biển đảo với Bắc Kinh : Việt Nam, Philippines và Malaysia.
Trong lúc Malaysia là nạn nhân của hải cảnh Trung Quốc tại vùng bãi cạn Luconia Shoals, thì Philippines bị Bắc Kinh quấy nhiễu ở các khu vực Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), Scarborough Shoal, và cả đảo Thị Tứ.
Về Việt Nam, AMTI quan tâm đến các diễn biến mới nhất, với việc tàu hải cảnh Trung Quốc liên tục quấy rối giàn khoan Hakuryu 5 hoạt động tại lô 6.1 của Việt Nam gần Bãi Tư Chính kể từ tháng 6 vừa qua, hay vụ đội tàu hải cảnh hùng hậu của Trung Quốc hộ tống tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 tiến vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở phía nam Biển Đông kể từ tháng 7.
Điểm được AMTI đặc biệt chú ý là khi hoạt động tại các vùng biển gần các bãi Luconia, Cỏ Mây và Scarborough, tàu hải cảnh Trung Quốc hầu như luôn luôn bật tín hiệu nhận dạng tự động AIS, dù đó không phải là điều bắt buộc đối với tàu quân sự hay chấp pháp.
Mục tiêu của việc này, theo AMTI, chính là để tất cả mọi người thấy rõ là tàu chấp pháp Trung Quốc đang hiện diện trong khu vực, qua đó khẳng định rằng vùng đó là thuộc chủ quyền Trung Quốc.
Báo cáo của AMTI nhận định : "Rõ ràng Bắc Kinh quan tâm đặc biệt đến các bãi cạn Luconia, Cỏ Mây và Scarborough. Trung Quốc như đang cho rằng nếu duy trì được sự hiện diện bán thường trực của lực lượng hải cảnh của họ trong một thời gian đủ lâu, thì các nước trong vùng rốt cuộc sẽ chấp nhận quyền kiểm soát trên thực tế của Trung Quốc tại những khu vực đó".
Cũng theo AMTI, nếu chiến lược đó thành công tại những nơi này, Trung Quốc hoàn toàn có thể mang qua áp dụng tại những nơi có tranh chấp khác.
Đối với AMTI, để dự phòng phản ứng của các nước láng giềng, tàu tuần tra Trung Quốc thường to lớn hơn nhiều so với tàu cảnh sát biển, thậm chí tàu chiến của những nước đó. Tại ba bãi cạn của Malaysia và Philippines, Bắc Kinh dùng loại tàu tương đối nhỏ không trang bị vũ khí mạnh, nhưng mang theo vòi rồng và vũ khí nhỏ, đủ để đâm vào xua đuổi tàu đối phương mà không sử dụng đến vũ lực sát thương.
Riêng trong trường hợp Bãi Tư Chính hiện nay (hay tại khu vực đảo Thị Tứ từ cuối năm 2018 ), Trung Quốc đã triển khai thêm loại tàu lớn, trang bị súng 76 ly.
Trả lời báo Hồng Kông South China Morning Post số ra hôm nay, 27/09/2019, ông Collin Koh, chuyên gia về hải quân thuộc Chương Trình An Ninh Hàng Hải tại Trường Nghiên Cứu Quốc Tế S Rajaratnam ở Singapore, cho rằng hành động phô trương sự hiện hiện của các tàu hải cảnh là cách thức Trung Quốc áp đặt quyền tài phán của họ trong khu vực.
Theo chuyên gia này : "Chỉ riêng việc những con tàu này có mặt ở đó (những nơi có tranh chấp), phát đi tín hiệu AIS một cách công khai, đã có thể có tác dụng uy hiếp đối với người thường, đặc biệt là ngư dân của những quốc gia thường hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của họ - đặc biệt là khi những người này không được hoặc không mong đợi có sự bảo vệ hiệu quả từ các cơ quan hàng hải của chính phủ họ".
Chuyên gia Singapore kết luận là sự hiện diện của hải cảnh Trung Quốc "chắc chắn sẽ có tác dụng xua đuổi ngư dân nước khác, hoặc buộc họ làm theo ý của Trung Quốc".
Trọng Nghĩa
******************
Hôm 26/9, thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ David Hale gặp Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh tại New York, nói rằng Mỹ có lợi ích trong việc đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải và hàng không tại Biển Đông.
TTXVN tường thuật rằng ông Hale khẳng định cam kết của Mỹ đối với hoà bình, an ninh và thịnh vượng tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
"Mỹ có lợi ích trong việc đảm bảo trật tự dựa trên luật lệ, tự do, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không tại Biển Đông", nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ chuyên trách các vấn đề chính trị nói.
Ngoài ra, thứ trưởng David Hale bày tỏ mong muốn hai bên duy trì tiếp xúc ở các cấp, thường xuyên tham vấn và phối hợp trong quan hệ song phương cũng như các diễn đàn đa phương, theo Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam.
Đài truyền hình VTV dẫn lời Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ với Mỹ trong bối cảnh hai nước chuẩn bị kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ vào năm 2020, đề nghị hai bên phối hợp tăng cường tiếp xúc và đối thoại, nhất là cấp cao, làm sâu sắc hơn và mở rộng khuôn khổ quan hệ thương mại-đầu tư, an ninh-quốc phòng..., tăng cường hợp tác trong các vấn đề quốc tế và khu vực.
Ông Phạm Bình Minh vừa tới New York để tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao khóa 74 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (Liên Hiệp Quốc) và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN không chính thức (IAMM) từ 26 đến 29/9.
Văn phòng của Người phát ngôn cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cho VOA tiếng Việt biết rằng, theo lịch trình tạm thời, một phó thủ tướng của Việt Nam sẽ có bài phát biểu tại cuộc họp của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA) vào ngày 28/9.
Trước sự kiện này, giới phân tích cho VOA biết rằng Hà Nội nên nêu vụ "đối đầu" với Trung Quốc ở Bãi Tư Chính để vận động sự ủng hộ của nhiều quốc gia hơn nữa.
******************
Các nhà lập pháp Hoa Kỳ vừa trình hai dự luật nhằm đối đầu sự bành trướng về sức mạnh quân sự và kinh tế của Trung Quốc, cũng như cho phép chính phủ Mỹ hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, để đảm bảo an ninh khu vực trước hành động hung hăng của Bắc Kinh.
Hôm 25/9, Thượng nghị sĩ Mitt Romney và các thượng nghị sĩ lưỡng đảng của Hoa Kỳ đã giới thiệu dự luật Hợ p tác Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương(The Indo-Pacific Cooperation Act of 2019), theo đó cho phép Hoa Kỳ hợp tác với các đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và cả Châu Âu để cùng đưa ra một giải pháp thống nhất nhằm đối phó sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Trao đổi với VOA Tiếng Việt qua email hôm 26/9, Văn phòng của Thượng nghị sĩ Mitt Romney trích lời ông cho biết trong một thông cáo : "Đã đến lúc chúng ta phải xây dựng một chiến lược toàn diện để đối đầu với hành động hung hăng của Trung Quốc khi họ đang mở rộng sức mạnh kinh tế và quân sự".
"Để làm tốt nhất điều đó, chúng ta phải liên kết sức mạnh quân sự với các quốc gia khác và phát triển cách tiếp cận thống nhất với các đồng minh để giải quyết mối đe dọa đáng kể của Trung Quốc đối với nền tự do của chúng ta và trên khắp thế giới", Thượng nghị sĩ Romney nói thêm.
Trong một thông cáo hôm 25/9, nữ Thượng nghị sĩ Cortez Masto, đồng bảo trợ Dự luật Hợ p tác Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nói : "Các liên minh và các đối tác mạnh mẽ trên khắp thế giới của Hoa Kỳ là một nguồn sức mạnh hợp nhất. Dự luật này sẽ đảm bảo cho chúng ta phối hợp hiệu quả hơn với các quốc gia khác để có cách tiếp cận thống nhất, toàn diện đối với Trung Quốc…"
Trước đó, vào chiều 24/9, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua Dự luật Chiế n lược Đông Nam Á (Southeast Asia Strategy Act) nhằm tăng cường sự can dự của Hoa Kỳ vào khu vực Đông Nam Á và đảm bảo rằng các đối tác quan trọng trong khu vực nhận được sự hẫu thuẫn mạnh mẽ của Hoa Kỳ. Ngày hôm sau, 25/9, dự luật này đã được chuyển cho Thượng viện xem xét.
Nữ Dân biểu Ann Wagner, người giới thiệu Dự luật Chiế n lược Đông Nam Á, cho biết trong một thông cáo hôm 18/9 : "Cho đến nay, Hoa Kỳ chưa bao giờ đưa ra một chiến lược toàn diện cho khu vực Đông Nam Á. Dự luật Chiế n lược Đông Nam Á sẽ thực hiện điều đó bằng cách thiết lập một chiến lược khu vực sâu sắc, rành mạch, nhằm giải quyết tất cả các khía cạnh của mối quan hệ quan trọng của chúng ta với Đông Nam Á và ASEAN".
"Quốc hội đang làm việc với Chính phủ để thông báo với đối tác của chúng ta rằng Hoa Kỳ sẽ ủng hộ họ khi họ mở rộng thương mại và phát triển, bảo đảm an ninh biên giới, tăng cường nhân quyền và bảo vệ trước sự hung hăng của Trung Quốc", bà Wagner cho biết.
Thông cáo cho biết Dự luật Chiế n lược Đông Nam Á sẽ yêu cầu Ngoại trưởng Hoa Kỳ, có tham vấn với Bộ trưởng Thương mại và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, cùng thiết lập và truyền đạt một chiến lược toàn diện để tăng cường mối quan hệ với khu vực Đông Nam Á và khối ASEAN, mà trong đó Việt Nam là một thành viên.
Ba trọng tâm của Dự luật Chiế n lược Đông Nam Á bao gồm thứ nhất là xác định các lợi ích lâu dài của Hoa Kỳ trong khu vực và nỗ lực thúc đẩy ASEAN trở thành một nhà lãnh đạo khu vực ; thứ hai, lập danh sách các sáng kiến đang diễn ra và có kế hoạch nhằm tăng cường các mối quan hệ của Hoa Kỳ trong khu vực thông qua thương mại, đầu tư, năng lượng và ngoại giao về chính trị và kinh tế ; và thứ ba, đánh giá những nỗ lực liên tục để các quốc gia trong khu vực tăng cường các hoạt động vì nhân quyền và dân chủ.
****************
Vụ Bãi Tư Chính : Tàu Trung Quốc ‘cố ý’ để lộ diện trên dữ liệu theo dõi (VOA, 27/09/2019)
Một báo cáo vừa mới công bố hôm 26/9 của tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) có trụ sở ở Washington cho biết các tàu hải cảnh mà Trung Quốc triển khai trên Biển Đông trong thời gian qua cùng với tàu thăm dò Hải Dương Địa Chất 8 đã "cố ý" để lộ diện trên dữ liệu theo dõi hàng hải nhằm khẳng định chủ quyền.
Tàu thăm dò Hải Dương Địa Chất 8 của Cục Khảo sát Địa chất Trung Quốc. Ảnh : China Geological Survey.
AMTI cho biết họ xác định được 14 tàu hải cảnh Trung Quốc đã phát tín hiệu AIS (hệ thống nhận dạng tự động) trong lúc tuần tra ở các bãi cạn Luconia, Second Thomas và Scarborough trong năm qua.
Theo quy định, các tàu thương mại trên 300 tấn phải phát tín hiệu AIS để tránh va chạm, trong khi các tàu công lực và quân sự có quyền quyết định phát tín hiệu này khi nào và ở đâu.
Theo báo cáo của nhóm chuyên gia nghiên cứu ở Mỹ, nhiều tàu hải cảnh của Trung Quốc đang tuần tra ở những khu vực khác trên Biển Đông chỉ phát tín hiệu khi ra vào cảng. Tuy nhiên, chỉ trong 365 ngày qua, các tàu hải cảnh Trung Quốc đã phát tín hiệu AIS lên đến 258 ngày ở bãi Luconia, 215 ngày ở bãi Second Thomas và 162 ngày ở bãi Scarborough.
Kể từ đầu tháng 7, tàu thăm dò Hải Dương 8 của Trung Quốc cùng với nhóm tàu hải cảnh hộ tống đã xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gần khu vực Bãi Tư Chính, nơi Việt Nam đang hợp tác với một số nước để thăm dò và khai thác dầu khí.
Sự kiện này đã đẩy căng thẳng trong quan hệ Việt-Trung lên đến đỉnh điểm, kể từ sau khi Bắc Kinh đưa giàn khoan HD-981 vào Biển Đông năm 2014.
Báo cáo của AMTI cho biết trong khoảng thời gian từ tháng 9 năm 2018 đến tháng 9 năm 2019, tín hiệu AIS cho thấy đã có 3308 cuộc tuần tra của tàu hải cảnh Trung Quốc được thực hiện xung quanh ba bãi cạn trên, ngoài việc tham gia vào hoạt động quấy rối khu vực thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam tại Lô 06-01, cũng như hộ tống tàu thăm dò Hải Dương 8.
Theo các nhà nghiên cứu Mỹ, cách tuần tra tạo thành "khuôn mẫu" và "thông lệ" này càng cho thấy ý định "khẳng định chủ quyền" của Trung Quốc ở những nơi mà Bắc Kinh đã tuyên bố yêu sách chủ quyền nhưng chưa xây dựng được cơ sở vật chất tại đó.
Giải thích vì sao số lượng phát tín hiệu AIS ở bãi Luconia và bãi Second Thomas lại thường xuyên hơn ở bãi Scarborough, báo cáo của AMTI nói là vì hai bãi cạn trên vẫn đang nằm dưới sự quản lý của Philippines và Malaysia trong khi bãi Scarborough xem như đã nằm dưới sự "kiểm soát chặt chẽ" của Trung Quốc nên "không nhất thiết phải phát tín hiệu nhận dạng vị trí của tàu như một cách tuyên bố chủ quyền".
Theo AMTI, Trung Quốc có vẻ như sẽ tiếp tục thực hiện cách thức cho tàu hải cảnh hiện diện "bán thường trực" ở những khu vực tranh chấp trên Biển Đông trong một thời gian đủ lâu để dần dần tạo thành tình trạng kiểm soát "trên thực tế" khiến các quốc gia trong khu vực buộc phải chấp nhận.
******************
Việt Nam - Hoa Kỳ tham vấn quốc phòng (RFA, 27/09/2019)
Vào ngày 27 tháng 9, thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Việt Nam, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh có cuộc tiếp đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Daniel Krintenbrink và đoàn Cục Kế hoạch Chiến lược & Hoạch định Chính Sách Bộ Tư Lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ nhân dịp đoàn sang dự Tham vấn quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink tại buổi tiếp ngày 27/9/2019. Ảnh chụp màn hình VTC.vn
Thông tấn xã Việt Nam loan tin, Thiếu tướng Stephen Sklenka, Cục trưởng Cục Kế hoạch Chiến lược & Hoạch định Chính sách Bộ Tư Lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ tại cuộc gặp đã thông báo kết quả của buổi làm việc giữa đoàn Hoa Kỳ với Cục Đối ngoại, Bộ Quốc Phòng Việt Nam.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh của Việt Nam bày tỏ mong muốn hai phía tiếp tục xây dựng và đẩy mạnh các kế hoạch hợp tác trong tương lai ; đặc biệt trong các lĩnh vực hàng hải, an ninh biển ; khắc phục hậu quả chiến tranh, góp phần xây dựng khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương ngày cảng ổn định, hòa bình và phát triển.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Daniel Kritenbrink cho rằng hợp tác an ninh - quốc phòng giữa Washington và Hà Nội là một điểm sáng trong quan hệ song phương Mỹ - Việt.
Cũng tin liên quan, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh Việt Nam và thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ David Hale trong ngày 26/9 có cuộc gặp tại New York. Nhân dịp này ông Phạm Bình Minh bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ hai nước, nhất là kỷ niệm 25 năm Việt – Mỹ bình thường hóa quan hệ sẽ diễn ra vào năm 2020.
Về phía Hoa Kỳ, thứ trưởng David Hale khẳng định cam kết của Mỹ đối với hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Đồng thời ông cũng nhấn mạnh Mỹ có lợi ích trong việc đảm bảo trật tự dựa trên luật lệ, tự do, an ninh an toàn hàng hải và hàng không tại Biển Đông.