(New York) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng nhà cầm quyền Việt Nam nên ngay lập tức hủy bỏ mọi cáo buộc và phóng thích nhà bất đồng chính kiến, nhà thơ Trần Đức Thạch. Ngày 23 tháng Tư năm 2020, công an Việt Nam bắt giữ Trần Đức Thạch, một nhà bất đồng chính kiến có thâm niên ở Việt Nam, vì liên quan tới một nhóm ủng hộ dân chủ. Ông bị cáo buộc tội lật đổ và dự kiến sẽ bị đưa ra tòa vào ngày 30 tháng Mười một.
"Chính quyền Việt Nam muốn trừng phạt ông Trần Đức Thạch vì những việc ông đã làm để thúc đẩy nhân quyền và công lý, chụp mũ các hành vi thực thi quyền tự do ngôn luận của ông là tội hình sự", ông John Sifton, giám đốc vận động Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. "Chính phủ các nước cần nêu quan ngại trước khi diễn ra phiên tòa xử ông và kêu gọi phóng thích ông Thạch".
Từ khi bắt giữ ông Trần Đức Thạch, nhà cầm quyền không cho ông gặp luật sư cho tới tận ngày mồng 5 tháng Mười một, và lúc đó cũng chỉ được gặp dưới sự giám sát của công an. Luật sư bào chữa cho ông Thạch, Hà Huy Sơn, kể với báo chí rằng ông còn không được sao chụp các văn bản cáo trạng của ông Trần Đức Thạch mà chỉ được ghi chép bằng tay.
Ông Trần Đức Thạch, 69 tuổi, đã viết hàng trăm bài thơ, một tiểu thuyết và nhiều bài báo, đa số lên án nạn tham nhũng, bất công và vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Là một cựu chiến binh Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông từng là hội viên Hội Nhà văn tỉnh Nghệ An. Cuốn tiểu thuyết viết năm 1988 của ông, Đôi bạn tù, tả về tính tùy tiện của hệ thống pháp luật Việt Nam và điều kiện giam giữ vô nhân trong các nhà tù Việt Nam. Các bài thơ đã xuất bản trong tập thơ có tiêu đề Điều chưa thấy nói về cuộc sống không có tự do và công lý.
Hồi ký ngắn của ông, Hố chôn người ám ảnh, kể lại câu chuyện bộ đội miền Bắc thảm sát hàng loạt thường dân ở ấp Tân Lập, tỉnh Đồng Nai hồi tháng Tư năm 2975 mà ông từng chứng kiến.
Nhà cầm quyền không ngừng sách nhiễu ông kể từ năm 1975. Năm 1978, để phản đối tình trạng bị ngược đãi, ông đã tự thiêu và bị bỏng nặng. Năm 2008, ông tham gia các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc và bị bắt hồi tháng Chín năm đó. Ông bị cáo buộc đã viết "nhiều bài có nội dung xuyên tạc sự thật, vu cáo, nói xấu Đảng và Nhà nước đăng tải trên tờ bán nguyệt san Tổ quốc", một tạp chí bất đồng chính kiến xuất bản ngầm. Tháng Mười năm 2009, một tòa án xử ông có tội tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 của bộ luật hình sự. Ông bị kết án ba năm tù.
Sau khi thi hành xong án tù vào năm 2011, ông Trần Đức Thạch lại tiếp tục phê phán Đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam. Ông tham gia Hội Anh em Dân chủ từ tháng Tư năm 2013. Ngày 23 tháng Tư năm 2020, công an bắt ông ở tỉnh Nghệ An và cáo buộc ông tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo điều 109 của bộ luật hình sự. Trần Đức Thạch là thành viên thứ mười của Hội Anh em Dân chủ bị bắt trong mấy năm gần đây.
Hội Anh em Dân chủ, được nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Văn Đài và các nhà hoạt động cùng chí hướng thành lập từ tháng Tư năm 2013 với mục tiêu được ghi rõ là "bảo vệ các quyền con người đã được Hiến pháp Việt Nam và các Công ước quốc tế thừa nhận" và "vận động xây dựng một xã hội dân chủ tiến bộ, công bằng và văn minh tại Việt Nam". Nhóm này cung cấp một mạng lưới cho các nhà hoạt động trong và ngoài nước Việt Nam, những người muốn vận động cho dân chủ và nhân quyền Việt Nam.
Bảy thành viên của nhóm – Trương Minh Đức, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển, Phạm Văn Trội, Trần Thị Xuân, Nguyễn Văn Túc và Nguyễn Trung Trực – đang phải thụ án tù nhiều năm về tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo điều 79 của bộ luật hình sự. Hai thành viên khác, Nguyễn Văn Đài và Lê Thu Hà, bị đưa thẳng từ nhà giam đi lưu vong tại Đức.
Thẩm phán chủ tọa phiên tòa xét xử ông Trần Đức Thạch có bề dày "thành tích" xử các nhà bất đồng chính kiến rất nặng nề. Thẩm phán Trần Ngọc Sơn và thẩm phán Vi Văn Chắt đã từng kết tội và xử án tù giam rất nặng đối với một số nhà vận động dân chủ. Tháng Mười hai năm 2011, ông Vi Văn Chắt chủ tọa phiên tòa xử blogger Hồ Thị Bích Khương và mục sư Nguyễn Trung Tôn về tội tuyên truyền chống nhà nước. Hai người bị kết luận có tội và phải nhận các mức án lần lượt là năm và hai năm tù. Tháng Giêng năm 2013, Trần Ngọc Sơn và Vi Văn Chắt là chủ tọa và thẩm phán trong phiên tòa xử 14 nhà hoạt động dân chủ, rồi kết luận họ có tội và xử mức án lên tới 13 năm tù. Tháng Tám năm 2018, hai vị này lại làm chủ tọa và thẩm phán trong phiên xử nhà vận động dân chủ Lê Đình Lượng và kết án ông 20 năm tù.
"Các tòa án Việt Nam đáng lẽ phải bảo vệ quyền tự do ngôn luận và các quyền con người khác, chứ không phải để củng cố địa vị độc tôn quyền lực của Đảng cộng sản", ông Sifton nói. "Ông Trần Đức Thạch sẽ không có được một phiên xử công bằng, vì Việt Nam hiện không có nền tư pháp độc lập và công chính".
Nguồn : Human Rights Watch, 26/11/2020
HRW : 'Làn sóng đàn áp người bất đồng chính kiến gia tăng trước Đại hội Đảng 13'
BBC, 20/06/2020
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế (Human Rights Watch - HRW) cho rằng chính quyền Việt Nam đang gia tăng đàn áp các nhà bất đồng chính kiến và hoạt động nhân quyền trước Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 13 dự kiến sẽ tổ chức vào tháng Giêng năm 2021.
Chính quyền Việt Nam được cho là đã bắt giam nhiều người bất đồng chính kiến trong nỗ lực ngăn chặn biểu tình hôm 2/9, đến nay chưa thả và không thông tin cho gia đình
Từ cuối năm 2019 đến tháng 6/2020, chính phủ Việt Nam đã bắt giữ và kết án nhiều người với các tội danh chính trị, thông cáo báo chí của HRW phát đi hôm 19/6 cho hay.
Trong số những người bị bắt và kết án có thành viên của Hội Nhà báo độc lập, Hội Anh em dân chủ, và một số nhà hoạt động, người cầm bút độc lập khác. Các tòa án cũng xét xử một số nhà bất đồng chính kiến bị tạm giam từ trước là có tội và kết án họ các mức án tù 'khá nặng'.
"Năm nay Việt Nam đang trấn áp bất đồng chính kiến nặng nề, và các quốc gia khác cần lên tiếng", ông John Sifton, Giám đốc Vận động Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói.
"Các đồng minh và đối tác thương mại của Việt Nam cần nêu quan ngại về những vụ án mới này với Hà Nội và yêu cầu nhà cầm quyền phóng thích các tù nhân chính trị".
Theo HRW, Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam là một sự kiện chính trị quan trọng bậc nhất của Việt Nam. Để đảm bảo sự kiện này diễn ra 'trơn tru', 'không có các tiếng nói bất đồng hay chống đối', chính phủ Việt Nam từng truy bắt nhiều nhà bất đồng chính kiến trước thềm đại hội.
Có ít nhất 150 người đã bị kết tội vì thực hiện các quyền tự do biểu đạt hay tự do lập hội hiện đang ở trong tù. Ít nhất có 15 người khác đã bị khởi tố nhưng chưa xét xử, theo thống kê của HRW.
Một số vụ bắt giữ và xét xử
Tháng 6/2020, công an bắt ông Lê Hữu Minh Tuấn, thành viên Hội Nhà báo độc lập mà chủ tịch hội này, ông Phạm Chí Dũng, đã bị bắt từ tháng 11/2019. Hai ông đều bị cáo buộc tội tuyên truyền chống nhà nước theo điều 117 của Bộ luật hình sự.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng là Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập Việt Nam, một hiệp hội không được chính quyền thừa nhận
Cùng trong tháng, công an Thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ Huỳnh Anh Khoa (Nino Huỳnh), quản trị viên của một nhóm Facebook thảo luận về các vấn đề kinh tế, xã hội và chính trị Việt Nam, với cáo buộc "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước" theo điều 331 của Bộ luật hình sự. Có tin một quản trị viên khác của nhóm, Nguyễn Đăng Thương, cũng đã bị bắt nhưng chưa rõ đã bị khởi tố hay chưa.
Tháng 5/2020 : Công an Thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ ông Phạm Chí Thành (bút danh Phạm Thành - Bà Đầm Xòe) - người viết cuốn sách "Nguyễn Phú Trọng : Thế thiên hành đạo hay Đại nghịch bất đạo", chỉ trích thái độ và hành động của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trước Trung Quốc.
Ông Thành bị cáo buộc tội "làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo điều 117 của Bộ luật hình sự nước này.
Nhà văn Phạm Thành và cuốn sách gây xôn xao dư luận
Sau đó không lâu, công an bắt ông Nguyễn Tường Thụy, người từng phục vụ trong quân đội Việt Nam 22 năm, và là thành viên hội Nhà báo độc lập. Ông Thụy bị cáo buộc tội danh giống ông Phạm Chí Dũng và Lê Hữu Minh Tuấn.
Tháng 4/2020 : công an tỉnh Nghệ An bắt giữ một cựu tù nhân chính trị, Trần Đức Thạch vì cho rằng ông có liên quan tới Hội Anh em dân chủ và cáo buộc ông tội hoạt động lật đổ.
Bảy thành viên của hội này - Trương Minh Đức, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển, Phạm Văn Trội, Trần Thị Xuân, Nguyễn Văn Túc và Nguyễn Trung Trực - đang phải thụ án tù nhiều năm về tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo điều 79 của Bộ luật hình sự năm 1999. Hai thành viên khác, Nguyễn Văn Đài và Lê Thu Hà, bị đưa thẳng từ nhà tù sang lưu vong tại Đức.
Cũng trong tháng Tư, công an tỉnh Hậu Giang bắt giữ Đinh Thị Thu Thủy cáo buộc viết và đăng bài trên Facebook và trên các nền tảng khác trên mạng Internet có quan điểm ngược lại với đảng và nhà nước, và xuất bản các tài liệu phản đối chính quyền, theo điều 117 của Bộ luật hình sự.
Tháng 1/2020, Công an tỉnh Đắk Nông bắt giữ Đinh Văn Phú cũng vì các bài viết trên mạng.
Tháng 3/2019, báo Thanh Niên đưa tin công an tỉnh Gia Lai bắt giữ ba người - tên là Kưnh, Jưr và Lũp - vì tham gia đạo Hà Mòn, một nhóm Thiên chúa giáo không được chính quyền phê chuẩn. Chưa rõ họ bị cáo buộc về tội danh gì.
Một số nhà bất đồng chính kiến khác, Mã Phùng Ngọc Phú, Phan Công Hải và Chung Hoàng Chương bị đưa ra xét xử riêng từng người vào tháng Tư và tháng Năm, bị kết luận là có tội và kết án từ chín tháng đến năm năm tù vì các bài đăng trên Facebook của họ phê phán chính quyền, theo các điều 331 và 117 của Bộ luật hình sự.
"Việt Nam về cơ bản đã hình sự hóa việc sử dụng internet hay các nền tảng mạng xã hội để nói lên ý kiến hay tham gia tranh luận", ông Sifton nói. "Chính phủ các quốc gia hữu quan và các công ty mạng xã hội cần lên tiếng".
"Các văn bản của chính quyền Việt Nam luôn có dòng tiêu đề với hàng chữ "độc lập-tự do-hạnh phúc" nhưng qua các vụ này, chúng ta thấy rằng bất cứ ai thực hiện "độc lập" liền bị tước đoạt "tự do" và "hạnh phúc", ông Sifton nói.
Chính quyền Việt Nam nói gì ?
Trong vụ bắt nhà báo tự do Phạm Chí Dũng, Cơ quan An ninh điều tra nhận định rằng ông Dũng có nhiều hoạt động công khai vi phạm pháp luật nghiêm trọng và rất nguy hiểm, tác động xấu đến sự ổn định xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự", theo báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh.
Sau đó, trong các vụ bắt 'đối tượng liên quan' đến ông Phạm Chí Dũng là Lê Hữu Minh Tuấn và Nguyễn Tường Thụy, báo nhà nước Việt Nam đưa tin rằng đây là các đối tượng 'chống phá nhà nước'.
Trong vụ bắt blogger Lê Thị Thu Thủy, báo nhà nước Việt Nam nói bà Thủy "mở nhiều tài khoản Facebook cá nhân để biên tập, đăng tải, chia sẻ hàng trăm tài liệu tuyên truyền, xuyên tạc, bôi nhọ danh dự lãnh đạo Đảng, Nhà nước", theo Tuổi Trẻ.
Blogger Chung Hoàng Chương (Chương 'may mắn') được báo Việt Nam tường thuật là lãnh án tù do "xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ; xuyên tạc việc 3 cán bộ, chiến sĩ hy sinh ở Đồng Tâm", theo báo Thanh Niên.
Báo chính thống của Việt Nam dường như không đưa tin rộng rãi vụ bắt nhà văn Phạm Thành.
Nguồn : BBC, 20/06/2020
******************
HRW : Việt Nam gia tăng đàn áp bất đồng chính kiến ôn hòa
Thanh Phương, RFI, 19/06/2020
Hôm 19/06/2020, tổ chức nhân quyền của Mỹ Human Rights Watch (HRW) tố cáo chính quyền Việt Nam đang gia tăng đàn áp các nhà bất đồng chính kiến và hoạt động nhân quyền trước Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 13, dự kiến tổ chức vào tháng 1/2021. Chính quyền Hà Nội đã bắt giữ và kết án nhiều người với các tội danh chính trị kể từ cuối năm 2019 đến tháng 6/2020.
Từ trái qua, hàng trên : Phạm Chí Dũng, Nguyễn Trọng Thủy, Lê Hữu Minh Tuấn. Hàng dưới : Phạm Chí Thành, Trấn Đức Thạch, Đinh Thị Thu Thủy. © hrw.org
Theo thông cáo của HRW, cụ thể, chính quyền đã bắt giữ và truy tố các thành viên Hội Nhà báo Độc lập, một thành viên trong nhóm nhân quyền Hội Anh em Dân chủ, và một số nhà hoạt động, người cầm bút độc lập khác. Các tòa án cũng đã kết án tù nặng nề những nhà bất đồng chính kiến đã bị bắt trước đó.
Trong bản thông cáo, ông John Sifton, Giám đốc Vận động Châu Á của HRW, nói : "Năm nay Việt Nam trấn áp dữ dội các nhà bất đồng chính kiến và các quốc gia khác cần lên tiếng. Các đồng minh và đối tác thương mại của Việt Nam cần nêu quan ngại về những vụ án mới này với Hà Nội và yêu cầu chính quyền trả tự do cho các tù chính trị".
HRW nhắc lại Đại hội Đảng, được tổ chức năm năm một lần, là dịp các lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng họp lại để bầu ra ban lãnh đạo mới của Việt Nam, và là một trong những sự kiện chính trị quan trọng nhất của Nhà nước độc đảng này. Trong quá khứ, chính quyền Việt Nam đã từng bắt bớ nhiều nhà bất đồng chính kiến và nhà hoạt động để đảm bảo cho Đại hội có vẻ diễn ra êm thắm và không có các tiếng nói bất đồng hay chống đối nào. Theo HRW, có ít nhất 150 người đã bị kết tội chỉ vì đã hành xử các quyền tự do ngôn luận hay tự do lập hội và hiện đang ngồi tù. Ít nhất 15 người khác đã bị khởi tố nhưng chưa được đưa ra xét xử.
Thông cáo của HRW đặc biệt quan ngại về vụ bắt giữ các thành viên Hội Nhà báo Độc lập, như vụ bắt giữ ông Nguyễn Tường Thụy trong tháng 5, phó chủ tịch hội và ông Lê Hữu Minh Tuấn trong tháng 6. Chủ tịch hội Phạm Chí Dũng thì đã bị bắt từ tháng 11 năm ngoái. Cả ba người đều bị cáo buộc tội "tuyên truyền chống Nhà nước", theo điều 117 của Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Ngày 13/06 vừa qua, công an Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã bắt giữ Huỳnh Anh Khoa, quản trị viên của một nhóm Facebook thảo luận về các vấn đề kinh tế, xã hội và chính trị Việt Nam, với tội danh "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước", theo điều 331 của Bộ Luật hình sự. Trước đó, vào tháng 4, công an tỉnh Nghệ An đã bắt giữ cựu tù chính trị Trần Đức Thạch, vì cho rằng ông có liên hệ với Hội Anh em Dân chủ. Ông Thạch bị cáo buộc tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân".
Thanh Phương
Nguồn : RFI, 19/06/2020
Hồ sơ nhân quyền tồi tệ của Việt Nam tiếp tục xấu đi trong năm 2018. Chính quyền bắt các nhà bất đồng chính kiến phải chịu các mức án tù nhiều năm, dung túng cho côn đồ tấn công những người bảo vệ nhân quyền và thông qua các bộ luật hà khắc có nội dung gây hại hơn nữa tới quyền tự do ngôn luận.
Human Rights Watch nói Việt Nam gian dối về hồ sơ nhân quyền với Liên Hiệp Quốc
Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục độc chiếm quyền lực thông qua chính phủ, kiểm soát tất cả các tổ chức chính trị xã hội chủ yếu, và trừng phạt những người dám phê phán hay thách thức vị trí cầm quyền của mình.
Các quyền dân sự và chính trị cơ bản, trong đó có quyền tự do ngôn luận, lập hội và nhóm họp ôn hòa bị hạn chế nghiêm trọng. Báo chí độc lập không được phép hoạt động ; chính quyền kiểm soát các đài truyền hình, phát thanh, báo và các ấn phẩm khác. Việt Nam cấm thành lập các tổ chức nhân quyền, hội đoàn chính trị và công đoàn độc lập với chính phủ. Công an thường xuyên sử dụng vũ lực quá mức để giải tán các cuộc biểu tình ôn hòa phản đối chính quyền.
Các nhà hoạt động lên tiếng chất vấn các chính sách hay dự án của chính phủ, hoặc tìm cách bảo vệ các nguồn lực địa phương hoặc đất đai, phải đối mặt với nguy cơ bị sách nhiễu và theo dõi gắt gao hằng ngày, bị quản chế tại gia, bị cấm đi lại, bị bắt giữ tùy tiện và thẩm vấn. Côn đồ, hiển nhiên có sự phối hợp của công an, ngày càng mạnh tay tấn công các nhà hoạt động mà không bị truy cứu trách nhiệm.
Công an bắt các nhà bất đồng chính kiến phải chịu những đợt thẩm vấn kéo dài và ức chế, và giam giữ họ hàng tháng không được liên lạc với gia đình hay người trợ giúp pháp lý. Các tòa án do Đảng Cộng sản điều khiển nhận lệnh phải xử như thế nào trong các vụ án hình sự, và đưa ra các bản án ngày càng nặng đối với các nhà hoạt động bị truy tố theo các tội danh an ninh quốc gia ngụy tạo.
Tháng 9/2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nguyên bộ trưởng của Bộ Công an nhiều tai tiếng, qua đời. tháng Mười, Quốc hội bỏ phiếu bầu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng, làm chủ tịch nước, hợp nhất hai vị trí lãnh đạo cao nhất của quốc gia.
Tự do biểu đạt, chính kiến và ngôn luận
Các blogger viết về nhân quyền ở Việt Nam thường xuyên phải đối mặt với nạn sách nhiễu và đe dọa. Chính quyền thường bắt giữ những nhà phê bình chính trị vì đăng bài viết lên mạng internet. Năm 2018, Việt Nam đã xét xử ít nhất là 12 người về tội "tuyên truyền chống nhà nước". Các mức án đã tuyên từ 4 đến 12 năm tù, trong đó có blogger Hồ Văn Hải (bút danh Bác sĩ Hồ Hải), và các nhà hoạt động Nguyễn Đình Thành, Bùi Hiếu Võ, Trần Hoàng Phúc, Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển, Nguyễn Viết Dũng và Vương Văn Thả.
Các nhà hoạt động và blogger thường xuyên phải đối mặt với các vụ hành hung của nhân viên công quyền hoặc côn đồ có liên quan tới chính quyền, mà những kẻ thủ ác không bị trừng phạt về các hành vi này. Trong tháng Sáu và tháng Bảy ở tỉnh Lâm Đồng, những người lạ mặt ném đá và vật liệu cháy tự tạo vào tư gia nhà hoạt động vì quyền lợi người lao động và cựu tù nhân chính trị, Đỗ Thị Minh Hạnh. tháng Tám, các nhân viên an ninh đánh đập dã man các nhà hoạt động nhân quyền Phạm Đoan Trang, Nguyễn Tín và Nguyễn Đăng Cao Đại sau cuộc bố ráp một đêm nhạc ở Thành phố Hồ Chí Minh. Cũng trong tháng Tám, công an tỉnh Khánh Hòa câu lưu nhà hoạt động Ngô Thanh Tú và liên tục đánh đập anh. tháng Chín, một số người mặc thường phục hành hung nhà hoạt động Huỳnh Công Thuận ở Thành phố Hồ Chí Minh khi anh đang trên đường đi làm về bằng xe máy. Cũng trong tháng Chín, những kẻ côn đồ lạ mặt tấn công và đánh gãy tay cựu tù nhân chính trị Trương Văn Kim ở tỉnh Lâm Đồng.
Công an quản chế tại gia hoặc câu lưu các nhà hoạt động để ngăn không cho họ tham gia các cuộc gặp mặt hay biểu tình hoặc tham dự các phiên tòa xử các nhà hoạt động bạn bè. Chính quyền cấm nhiều nhà bất đồng chính kiến và nhà bảo vệ nhân quyền đi ra nước ngoài. tháng Ba, công an ngăn cản không cho nhà thơ bất đồng chính kiến Bùi Minh Quốc rời Việt Nam đi Mỹ. tháng Năm, công an cản trở nhà hoạt động nhân quyền, Linh mục Đinh Hữu Thoại rời Việt Nam đi Mỹ về việc riêng, và không cho nhà hoạt động vì người lao động Đỗ Minh Hạnh đi Đức. tháng Sáu, công an cấm Linh mục Nguyễn Duy Tân đi Malaysia. tháng Tám, công an từ chối cấp thị thực cho cựu tù nhân chính trị Lê Công Định mà không đưa ra lý do. tháng Chín, công an câu lưu Tiến sĩ Nguyễn Quang A suốt mấy tiếng để ngăn không cho ông đi Australia. Theo lời ông, đây là lần thứ 18 ông bị công an câu lưu tính từ tháng Ba năm 2016.
Đè nén quyền tự do báo chí và tiếp cận thông tin
Chính quyền Việt Nam tiếp tục cấm các kênh truyền thông tư nhân hoặc độc lập hoạt động. Chính quyền kiểm soát chặt chẽ các đài phát thanh, truyền hình và xuất bản. Có sẵn các tội danh hình sự để áp dụng cho những người phát tán các tài liệu bị coi là chống chính quyền, đe dọa an ninh quốc gia, hay khuyến khích các tư tưởng "phản động". Nhà cầm quyền chặn đường kết nối tới các trang mạng nhạy cảm về chính trị, thường xuyên buộc đóng các blog và yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ internet phải gỡ bỏ các nội dung hay tài khoản mạng xã hội bị coi là trái ý chính quyền về chính trị.
Tháng Sáu, Quốc hội Việt Nam đã thông qua bộ luật an ninh mạng đầy vấn đề và bị chỉ trích rộng rãi cả trong và ngoài nước Việt Nam. Theo bộ luật mới này, sẽ có hiệu lực từ tháng Giêng năm 2019, các nhà cung cấp dịch vụ phải gỡ bỏ các nội dung vi phạm trong vòng 24 tiếng kể từ khi nhận được yêu cầu của Bộ Công an hoặc Bộ Thông tin và Truyền thông. Các công ty internet bị yêu cầu phải lưu trữ dữ liệu trong nước, xác thực thông tin người sử dụng, hay cung cấp thông tin về người sử dụng cho nhà cầm quyền mà không cần có lệnh của tòa án, tất cả các điều đó đều đe dọa quyền riêng tư và có thể tạo điều kiện cho việc đàn áp mạnh hơn nữa các hành vi bất đồng chính kiến hoặc vận động trên mạng.
Tháng Tám, công an bắt Nguyễn Ngọc Ánh ở tỉnh Bến Tre vì bị cho là sử dụng Facebook để kêu gọi mọi người biểu tình. tháng Chín, các tòa án ở tỉnh Cần Thơ xử Bùi Mạnh Đồng, Đoàn Khánh Vinh Quang, Nguyễn Hồng Nguyên và Trương Đình Khang vì đã đăng và chia sẻ các bài viết trên Facebook phạm tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước" theo điều 331 của hộ luật hình sự. Bốn người bị áp các bản án từ một năm đến hai năm rưỡi tù giam.
Quyền tự do lập hội và nhóm họp
Việt Nam tiếp tục cấm các công đoàn, tổ chức nhân quyền và đảng phái chính trị độc lập không được thành lập hay hoạt động. Các nhà tổ chức muốn thành lập các công đoàn độc lập hay nhóm công nhân độc lập phải đối mặt với sự sách nhiễu, đe dọa và trả thù. Nhà cầm quyền xử các nhà hoạt động vì quyền lợi của người lao động Hoàng Bình Đức 14 năm tù vào tháng Hai, và Trương Minh Đức 12 năm tù vào tháng Tư, năm 2018.
Các tòa án do Đảng Cộng sản chỉ đạo trừng phạt nặng nề những người bị kết tội có liên quan tới các nhóm hay đảng phái chính trị bị Đảng Cộng sản Việt Nam coi là mối nguy với địa vị độc tôn quyền lực của mình. tháng Tư, năm thành viên của một nhóm tự gọi là Hội Anh em Dân chủ - Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển, Trần Thị Xuân, và Phạm Văn Trội – bị xử từ 7 đến 13 năm tù giam. tháng Tám, nhà hoạt động Lê Đình Lượng phải nhận bản án 20 năm tù giam vì bị cho là tham gia Việt Tân, một đảng chính trị ở hải ngoại bị cấm ở Việt Nam. tháng Chín, Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Bình kết án Nguyễn Trung Trực 12 năm tù vì tham gia nhiều hoạt động nhân quyền và là thành viên của Hội Anh em Dân chủ. tháng Mười, năm người là Lưu Văn Vịnh, Nguyễn Quốc Hoàn, Nguyễn Văn Đức Độ, Từ Công Nghĩa và Phan Trung bị xử theo điều 79 của bộ luật hình sự năm 1999 vì bị cho là tham gia nhóm chính trị độc lập gọi là Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết và bị kết án từ 8 đến 15 năm tù.
Chính quyền đặt ra quy định các cuộc tụ tập đông người phải xin phép, và từ chối cấp phép một cách có hệ thống đối với các cuộc gặp gỡ, tuần hành hay hội họp công cộng bị coi là không chấp nhận được về chính trị. tháng Sáu năm 2018, chính quyền sách nhiễu, câu lưu và hành hung hàng chục người tham gia các cuộc biểu tình khắp đất nước Việt Nam để phản đối dự luật về đặc khu kinh tế và luật an ninh mạng. Tính đến tháng Mười năm 2018, chính quyền đã kết án ít nhất 118 người biểu tình về tội gây rối trật tự công cộng. Nhiều người trong số đó bị xử tù, có người phải chịu bản án lên tới bốn năm sáu tháng.
Tự do tôn giáo
Chính quyền Việt Nam hạn chế các hoạt động thực hành tôn giáo bằng các quy phạm pháp luật, các quy định về đăng ký, và theo dõi. Các tổ chức tôn giáo theo quy định phải được phê chuẩn và đăng ký với chính quyền, đồng thời phải hoạt động dưới các ban trị sự do nhà nước quản lý. Dù chính quyền cho phép nhiều nhà thờ, chùa chiền trong hệ thống kiểm soát của nhà nước được tổ chức thờ phượng, cúng lễ, nhưng vẫn cấm các hoạt động tôn giáo bị tùy tiện quy kết là đi ngược lại với "lợi ích quốc gia", "trật tự xã hội" hay "khối đại đoàn kết dân tộc", trong đó có nhiều hoạt động tôn giáo thông thường.
Công an Việt Nam giám sát, sách nhiễu và đôi khi dùng vũ lực đàn áp các nhóm tôn giáo hoạt động bên ngoài hệ thống tôn giáo chính thức do nhà nước kiểm soát. Các chi phái không được công nhận của đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, các nhà thờ tại gia của đạo Tin Lành và Công giáo độc lập, các chùa Phật giáo Khmer Krom và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất không ngừng bị theo dõi, sách nhiễu và đe dọa.
Tín đồ của các nhóm tôn giáo độc lập phải thường xuyên đối mặt với nguy cơ bị đấu tố đông người, buộc từ bỏ đạo, giam giữ, thẩm vấn, tra tấn và bỏ tù. tháng Hai năm 2018, chính quyền xét xử năm tín đồ Phật giáo Hòa Hảo độc lập, trong đó có ông Bùi Văn Trung và con trai là Bùi Văn Thâm, và kết án họ từ ba đến sáu năm tù giam vì họ phê phán chính quyền và biểu tình phản đối đàn áp tôn giáo.
Tháng Sáu, một số người đàn ông mặc thường phục xông vào tư gia của nhà hoạt động tôn giáo đạo Cao Đài là Hứa Phi ở tỉnh Lâm Đồng, đánh đập và cắt râu ông. tháng Chín, công an gây áp lực buộc nhà lãnh đạo tôn giáo nổi tiếng năm nay đã 91 tuổi, Hòa thượng Thích Quảng Độ, phải rời Thanh Minh Thiền Viện ở Thành phố Hồ Chí Minh để về quê ở tỉnh Thái Bình.
Những người Thượng ở Tây Nguyên bị theo dõi liên tục và chịu nhiều hình thức đe dọa, bắt giữ tùy tiện và ngược đãi khi bị giam giữ. Trong lúc bị bắt giữ, họ bị chính quyền chất vấn về các hoạt động tôn giáo và chính trị, buộc tội theo các tổ chức lưu vong và răn đe không được tìm cách trốn khỏi Việt Nam.
Các đối tác quốc tế chủ chốt
Trung Quốc vẫn là đối tác quốc tế quan trọng nhất có ảnh hưởng tới Việt Nam. Các tranh chấp về lãnh hải tiếp tục làm phức tạp quan hệ song phương giữa hai chính quyền của hai Đảng Cộng sản vốn tương đồng về chính sách đàn áp nhân quyền.
Hoa Kỳ tiếp tục mở rộng quan hệ với Việt Nam. tháng Ba, tàu USS Carl Vinson cập bến Đà Nẵng, là hàng không mẫu hạm đầu tiên của Hoa Kỳ đến Việt Nam kể từ năm 1975. tháng Bảy, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đến thăm Việt Nam và kêu gọi Bắc Hàn theo gương Việt Nam để được tăng trưởng về kinh tế, mà hoàn toàn phớt lờ sự vi phạm nhân quyền một cách có hệ thống của chính quyền Việt Nam. Trong tháng Giêng và tháng Mười, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis đến thăm Việt Nam để thúc đẩy quan hệ quân sự song phương giữa hai nước.
Là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam, Liên minh Châu Âu có vị thế ngày càng cao đối với Việt Nam. Các cuộc thương thảo về hiệp định thương mại tự do đã vào đến giai đoạn chung kết. Trong năm nay, Liên minh Châu Âu đã nêu quan ngại về việc kết án một số nhà hoạt động nhân quyền. tháng Chín, 32 Nghị viên Châu Âu đã kêu gọi Việt Nam cải thiện hồ sơ nhân quyền.
Australia và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ theo bản hiệp định đối tác chiến lược mới vào tháng Ba năm 2018. Mối quan tâm của Australia về các vi phạm nhân quyền của chính quyền Hà Nội gói trọn trong cuộc đối thoại nhân quyền thường niên mà chẳng thu được bất kỳ một tín hiệu khả quan nào từ phía Hà Nội.
Với tư cách là nhà tài trợ song phương quan trọng nhất của Việt Nam, Nhật Bản tiếp tục giữ im lặng về quá trình đàn áp nhân quyền lâu dài của Việt Nam. Trong tháng Năm, Thủ tướng Shinzo Abe tiếp đón Chủ tịch Trần Đại Quang, giờ đã quá cố, ở Tokyo. tháng Chín, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono đến thăm Việt Nam. Trong cả hai dịp nói trên, chủ đề nhân quyền không được đề cập tới trong bất kỳ một cuộc gặp nào.
Vietnam Events 2018
Nguồn : Human Rights Watch, 02/06/2019
https://www.hrw.org/world-report/2019/country-chapters/vietnam
Hàng trăm người bị bắt giữ trong chiến dịch đàn áp rộng khắp ở Việt Nam và có mọi lý do để tin rằng lực lượng công an đang đàn áp giới bất đồng chính kiến, chứ không đơn giản là giữ trật tự công cộng.
Lực lượng công an đang giải tán một cuộc biểu tình chống lại dự thảo luật về Đặc khu kinh tế tại Hà Nội trong ngày 10/6/2018. Nguồn ảnh : Reuters
Việt Nam nên chấm dứt các vụ bắt giữ không hợp pháp và sử dụng vũ lực chống lại những người biểu tình trong các vụ biểu tình trên toàn quốc nhằm phản đối việc cho thuê đất dài hạn trong các đặc khu kinh tế, tổ chức Quan sát Nhân quyền (Human Rights Watch- HRW) nói. Chính phủ nên phóng thích những người bị giam giữ vì đã thể hiện quan điểm của mình một cách ôn hoà, và điều tra về các hành vi quá mức của lực lượng công an trong nỗ lực giải tán biểu tình.
Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra trên phạm vi toàn quốc vào cuối tuần trước để phản ứng lại với dự thảo luật Đặc khu kinh tế, một dự luật cho phép các nhà đầu tư nước ngoài thuê đất trong 99 năm, vànhiều người dân lo ngại việc này sẽ dẫn đến khả năng các công ty Trung Quốc lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam. Hàng ngàn người đã tham gia các cuộc biểu tình tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nha Trang, tỉnh Bình Thuận và một số khu vực khác. Kể từ khi cuộc biểu tình đầu tiên bắt đầu vào ngày 9/6/2018, cảnh sát đã đánh đập và bắt giữ hàng trăm người biểu tình.
"Người biểu tình phải được bảo vệ, đặc biệt trong các cuộc biểu tình về những vấn đề mà công chúng có nhiều quan tâm", ông Brad Adams, giám đốc Châu Á của HRW nói. "Với hồ sơ tệ hại của Việt Nam về đối phó với các cuộc biểu tình, có mọi lý do để tin rằng lực lượng công an đang đàn áp giới bất đồng chính kiến, chứ không đơn giản là giữ trật tự công cộng.
Lực lượng công an ở một số thành phố bị cáo buộc đã sử dụng vũ lực không cần thiết và quá mức để giải tán các cuộc biểu tìnhlan rộng trên khắp đất nước vào cuối tuần. Cuộc xung đột bạo lực nhất diễn ra tại tỉnh Bình Thuận, nơi những người biểu tình ném đá và bom xăng bên ngoài trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh. Cảnh sát chống bạo động sử dụng hơi ngạt, bom khói và vòi rồng để giải tán những người biểu tình. Theo cảnh sát, 107 người đã bị giam giữ trong hai ngày tiếp theo như một phần của cuộc điều tra do Bộ Công an tiến hành. Bộ trưởng Công an đã chỉ đạo các cơ quan chức năng Bình Thuận "nghiêm khắc trừng phạt những kẻ cầm đầu".
Người hoạt động ở một số thành phố đăng tải trên mạng xã hội nhiều tin tức và hình ảnh về việc lực lượng công an, bao gồm cả mật vụ trong quần áo dân sự, đánh đập và bắt giữ người biểu tình, sử dụng nhiều thiết bị âm thanh tầm xa (Long Range Acoustic Devices-LRADs) với tiếng ồn lớn nhằm vào đám đông. Một người biểu tình tại thành phố Hồ Chí Minh nói với đài Á châu Tự do : "Chúng tôi phản đối một cách ôn hòa và không kích động ai cả. Nhưng họ bắt tôi và đẩy tôi lên xe buýt trên đường Lê Duẩn, và năm-sáu công an đánh tôi suốt thời gian đó".
Hàng chục người biểu tình đang bị giam giữ tại thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có một công dân Mỹ. Các nhà chức trách ở Hà Nội cũng bắt giữ hơn một chục người biểu tình lên xe buýt. Báo chí nhà nước thông báo rằng nhiều người đã bị bắt vì tổ chức biểu tình "bất hợp pháp", trong đó có hai người đàn ông ở tỉnh Bình Dương bị cáo buộc in hàng ngàn biểu ngữ phản đối.
Nhiều người trong số những người bị bắt giữ đã bị thẩm vấn và sau đó được trả tự do, trong khi những người khác vẫn bị giam giữ. Một số nhà hoạt động nói họ bị đánh đập trong thời gian bị giam giữ trong đồn công an.
Chính phủ nên điều tra và khởi tố những nhân viên an ninh chịu trách nhiệm về việc sử dụng vũ lực quá mức, bắt giữ và giam giữ độc đoán hoặc đối xử tàn bạo đối với người biểu tình. Tất cả người biểu tình bị bắt giữ một cách phi pháp phải được trả tự do.
Các cuộc biểu tình cuối tuần trước được thúc đẩy bởi những lo ngại rằng dự thảo luật sẽ tạo điều kiện Trung Quốc kiểm soát các khu kinh tế đặc biệt, nhất là trong khi hai nước đang tranh chấp lãnh thổ lãnh hải ở Biển Đông. Vào ngày 11 tháng 6, Quốc hội đã thông báo rằng cuộc bỏ phiếu về dự luật sẽ bị trì hoãn cho đến cuối năm nay.
Một số người biểu tình cũng phản đối dự luật An ninh mạng, một dự luật cho phép chính quyền có quyền kiểm duyệt tự do biểu đạt và thu thập thông tin về các nhà bất đồng chính kiến trực tuyến. Ngày12/6, Quốc hội đã thông qua luật này và luật có hiệu lực từ ngày 1/01/2019.
Các cuộc biểu tình với sự tham gia của hàng nghìn người là sự kiện hiếm ở một quốc gia mà quyền hội họp bị hạn chế. Nhà chức trách yêu cầu xinphép cho các cuộc tụ tập công khai và từ chối cấp phép các cuộc họp hoặc tuần hành mà họ cho là không thể chấp nhận về mặt chính trị. Giám sát, quấy rối và giam giữ được sử dụng để ngăn chặn các nhà hoạt động tham gia vào các sự kiện công cộng. Ít nhất 135 tù nhân chính trị hiện đang bị giam giữ chỉ vì thực hiện các quyền tự do cơ bản về biểu đạt, hội họp, hiệp hội và tôn giáo của họ.
Chính phủ Việt Nam cần đảm bảo rằng lực lượng an ninh tôn trọng các tiêu chuẩn nhân quyền cơ bản trong sử dụng vũ lực, bao gồm trong việc giải tán các cuộc biểu tình bất hợp pháp. Các nguyên tắc cơ bản của Liên Hợp Quốc về việc sử dụng vũ lực và vũ khí của các viên chức thực thi pháp luật quy định rằng lực lượng công quyền "áp dụng các biện pháp phi bạo lực trước khi sử dụng vũ lực". Khi sử dụng vũ lực là điều không thể tránh khỏi, lực lượng công quyền phải kiềm chế và hành động tương xứng với mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội.
Các cuộc biểu tình và sự đàn áp của lực lượng công an diễn ra khi Liên Hiệp Châu Âu (EU) xem xét phê chuẩn hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.
Adams nói : "Việc đàn áp các cuộc biểu tình này là một vết nhơ trên hồ sơ nhân quyền của Việt Nam. EU nên cảnh báo rằng quan hệ kinh tế chỉ được cải thiện nào khi chính phủ chấm dứt việc đàn áp người hoạt động và người chỉ trích chính phủ, kể cả việc phóng thích nhiều người bị bắt trong các cuộc biểu tình. Việt Nam cần phải biết rằng cả thế giới đang theo dõi tình trạng này".
Nguyên tác : Vietnam : Investigate Police Response to Mass Protests, Human Rights Watch, 15/06/2018
Vũ Quốc Ngữ dịch
Nguồn : VNTB, 18/06/2018
HRW đòi Việt Nam phóng thích thành viên YSEALI trước APEC (VOA, 24/10/2017)
Tổ chức quốc tế Theo dõi Nhân quyền (HRW) kêu gọi Việt Nam hủy bỏ tất cả các cáo buộc và phóng thích sinh viên Phan Kim Khánh trước khi diễn ra thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á Châu -Thái Bình Dương (APEC) vào đầu tháng tới.
Sinh viên Phan Kim Khánh
Trong thông cáo báo chí ngày 24/10, HRW còn yêu cầu các nhà tài trợ và giới lãnh đạo thế giới hãy đòi chính quyền Việt Nam phóng thích tất cả tù nhân chính trị trước hội nghị quan trọng này.
"Chính quyền Việt Nam sẽ sử dụng APEC như một sân khấu cho thấy mọi thứ đều tốt đẹp ở Việt Nam : Kinh tế đang phất lên, con người hạnh phúc, chính quyền có trách nhiệm với người dân… tất cả hình ảnh đẹp mà Việt Nam muốn thuyết phục các lãnh đạo thế giới tin rằng đó là những gì đang diễn ra ở Việt Nam", ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách Châu Á của HRW, nói với VOA tối 24/10.
Đại diện của HRW nói APEC không chỉ là cơ hội cho chính quyền Việt Nam, mà còn là cơ hội cho các nhà lãnh đạo thế giới nhìn vào thành tích nhân quyền của Việt Nam, và không nên để Việt Nam sử dụng sự kiện APEC như một diễn đàn để tuyên truyền và che đậy vấn đề nhân quyền.
Thông cáo của HRW đưa ra một ngày trước khi diễn ra phiên tòa xử sinh viên Phan Kim Khánh vào ngày 25/10.
Phan Kim Khánh là một sinh viên của Đại học Thái Nguyên. Anh được xem là một "thủ lĩnh sinh viên" năng động, từng tham gia thành lập và điều hành một câu lạc bộ sinh viên trong trường để hỗ trợ các hoạt động tình nguyện của sinh viên, sau đó trở thành ủy viên ban thư ký của Hội Sinh viên, nhận được nhiều bằng khen từ Hội Sinh viên và Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh ở tỉnh Thái Nguyên.
Năm 2015, Phan Kim Khánh được học bổng của Chương trình Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) để tham gia khóa đào tạo do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội tổ chức.
Phan Kim Khánh bị bắt hồi tháng 3 với cáo buộc "tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam vì đã thành lập và điều hành hai trang blog có tên "Báo Tham Nhũng" và "Tuần Việt Nam".
Chính quyền Việt Nam nói Phan Kim Khánh "liên tục đăng nhiều thông tin có nội dung bịa đặt, xuyên tạc nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phần lớn được lấy từ các trang mạng phản động khác", trích Thông cáo báo chí của HRW.
Đại diện của tổ chức nhân quyền quốc tế nói những người như Phan Kim Khánh lẽ ra phải được chính quyền Việt Nam "cảm ơn" :
"Điều quan trọng là một sinh viên trẻ hoạt động như thế này lẽ ra không phải đối mặt với án tù chỉ vì có cách nghĩ khác với chính quyền Việt Nam, và nói lên suy nghĩ của mình. Một khía cạnh rất quan trọng của giáo dục là trao đổi thông tin, trao đổi quan điểm và tranh luận, phản biện. Chính quyền nên cảm ơn những người như anh ấy vì đã lên tiếng về những vấn đề họ quan tâm. Thay vì bịt miệng họ, chính quyền Việt Nam nên lắng nghe, xem xét những vấn đề họ nêu ra, và hành động để giải quyết vấn đề đó", theo lời ông Robertson.
Cập nhật thông tin về Phan Kim Khánh, Luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho Khánh, cho biết ông vừa có buổi gặp ngắn với Khánh vào chiều 24/10, sức khỏe cũng như tinh thần của Khánh đều "ổn" và "tốt".
Theo LS. Hà Huy Sơn, cáo buộc tội "tuyên truyền chống nhà nước", về mặt khách quan, khó có đủ cơ sở để kết tội bất cứ ai.
Ông nói : "Tội tuyên truyền chống nhà nước rất mơ hồ. Nếu nói về mặt khách quan thì khó có cơ sở để kết tội một ai đó theo tội này. Nhưng trong thực tế, có nhiều người đã bị kết tội tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam rồi. Cho nên, có tội nay không có tội thuộc về chủ quan của Hội đồng Xét xử của phiên tòa ngày mai".
Trong khi đó, Phó Giám đốc Châu Á của HRW, ông Phil Robertson, cho rằng lý do "dựa trên luật pháp Việt Nam" mà Hà Nội hay đưa ra trong các vụ bắt giữ, kết án tù người bất đồng chính kiến cần phải được "chỉnh" vào dịp Thượng đỉnh APEC, thông qua các lãnh đạo thế giới đến tham dự hội nghị này.
Ông Robertson nói : "Có một sự phân cách cực lớn giữa luật pháp Việt Nam và các tiêu chuẩn về nhân quyền của quốc tế. Việt Nam vẫn luôn nói rằng ‘chúng tôi dựa trên luật pháp Việt Nam và mọi thứ đều ổn’. Cho nên các lãnh đạo thế giới đến dự APEC cần phải nói ‘Không, điều đó không đúng. Việt Nam có thành tích nhân quyền đặc biệt tệ. Các anh đã bỏ tù rất nhiều người. Hãy phóng thích một số người trước khi chúng tôi tới đó’".
HRW nói vụ bắt giữ Phan Kim Khánh là một phần trong đợt đàn áp đang tiếp diễn nhắm vào các blogger và nhà hoạt động tại Việt Nam. Tổ chức này cho biết trong vòng 12 tháng qua, Việt Nam đã bắt ít nhất 28 người và cáo buộc họ với các tội danh mơ hồ về an ninh quốc gia.
Khánh An
******************
Human Rights Watch đòi trả tự do cho sinh viên Phan Kim Khánh (RFI, 24/10/2017)
Trong thông cáo được công bố hôm nay 24/10/2017, tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch yêu cầu Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc và trả tự do ngay lập tức cho blogger Phan Kim Khánh, sẽ bị đưa ra xét xử tại Thái Nguyên vào ngày mai vì tội danh "tuyên truyền chống Nhà nước" theo điều 88 Luật Hình sự.
Ảnh chụp sinh viên Phan Kim Khánh
Phan Kim Khánh, 24 tuổi, là sinh viên khoa Quốc tế trường đại học Thái Nguyên, bị bắt vào tháng 3/2017, vì đã thành lập và điều hành hai trang blog "Báo Tham Nhũng", "Tuần Việt Nam" từ năm 2015. Ngoài ra anh còn bị cho là đã mở ba tài khoản Facebook, hai tài khoản YouTube. Chính quyền cáo buộc anh "liên tục đăng nhiều thông tin có nội dung bịa đặt, xuyên tạc nhằm chống Nhà nước, phần lớn lấy từ các trang mạng phản động khác".
Ông Brad Adams, giám đốc ban Á Châu của Human Rights Watch cho rằng : "Tội duy nhất của Phan Kim Khánh là thể hiện quan điểm chính trị trái ý chính quyền". Ông nói thêm, sinh viên này từng thành lập một câu lạc bộ tình nguyện trong trường, từng tham gia khóa đào tạo của Đại sứ quán Hoa Kỳ dành cho thành viên Chương trình thủ lãnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI). Phan Kim Khánh có nguy cơ lãnh bản án lên đến 12 năm tù.
Trong bối cảnh sắp diễn ra hội nghị thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng (6-11/11/2017), Human Rights Watch kêu gọi các nhà tài trợ cho Việt Nam và các lãnh đạo trong vùng nên yêu cầu Hà Nội phóng thích tất cả các tù nhân chính trị.
Cũng theo Human Rights Watch, trong vòng một năm qua, đã có 28 blogger và nhà hoạt động bị bắt tại Việt Nam vì các tội danh "được diễn giải một cách mơ hồ".
Thụy My
********************
HRW kêu gọi hủy tội danh 'tuyên truyền chống nhà nước' (BBC, 24/10/2017)
Việt Nam cần 'hủy bỏ cáo buộc đối với nhà hoạt động sinh viên' Phan Kim Khánh, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói trong thông cáo ra hôm 24/10/2017.
Chính quyền nói blogger Phan Kim Khánh "hợp tác với đảng Việt Tân" ở hải ngoại, mà Hà Nội liệt vào danh sách tổ chức khủng bố
HRW cũng kêu gọi các nhà cấp viện cho Việt Nam cùng các lãnh đạo trong vùng nêu yêu cầu Việt Nam phóng thích tù chính trị trước khi khai mạc kỳ họp thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương tới đây, theo nội dung thông cáo.
Ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á Châu của HRW nói rằng "tội duy nhất của sinh viên Phan Kim Khánh là đã thể hiện quan điểm chính trị trái ý chính quyền", thông cáo viết.
Ông Phan Kim Khánh, 24 tuổi, sinh viên sắp tốt nghiệp khoa Quốc tế, Đại học Thái Nguyên, bị bắt hồi tháng 3/2017 với cáo buộc "Tuyên truyền chống Nhà nước" theo Điều 88 Bộ luật Hình sự.
Ông Khánh bị cáo buộc thành lập, điều hành hai trang blog từ năm 2015 là 'Báo Tham nhũng' và 'Tuần Việt Nam', bên cạnh việc "mở ba tài khoản trên Facebook và hai tài khoản trên YouTube, liên tục đăng nhiều thông tin có nội dung bịa đặt, xuyên tạc nhằm chống Nhà nước, phần lớn được lấy từ các trang mạng phản động khác", truyền thông trong nước nói.
Năm 2015, ông tham gia một khóa đào tạo do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội tổ chức cho thành viên của Chương trình Thủ lĩnh Trẻ Đông Nam Á (YSEALI).
"Tội danh ngụy tạo tuyên truyền chống nhà nước được thiết kế để dập tắt những tiếng nói ôn hòa phê bình chính quyền Việt Nam", ông Adams nói thêm.
"Việt Nam cần hủy bỏ những điều luật này và chấm dứt đàn áp sinh viên cũng như những người dân thường chỉ vì họ nói về những vấn nạn của đất nước trên Internet".
Theo HRW, hơn 100 nhà hoạt động hiện đang phải thụ án tù vì đã thực thi các quyền cơ bản như tự do ngôn luận, tự do nhóm họp, tự do lập hội và tự do tôn giáo.
Luật sư Hà Huy Sơn (bìa phải) cùng bố mẹ Phan Kim Khánh tại nhà của sinh viên này
'Mong bản án nhẹ'
Ông Khánh dự kiến sẽ ra tòa hôm 25/10 tại Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Nguyên. Nếu bị kết tội, ông có thể phải đối mặt với bản án lên tới 12 năm tù.
Hôm 24/10, trả lời BBC, cô Phan Thị Trang, em gái của ông Khánh, cho hay : "Sáu người trong nhà tôi ngày mai sẽ đi dự phiên tòa và chỉ mong bản án nhẹ cho anh tôi. Từ khi anh Khánh bị bắt đến nay, mỗi tháng bố tôi đều đi thăm nuôi nhưng không được gặp con".
"Những gì anh tôi làm, gia đình đều không hay biết cho đến khi anh ấy bị bắt vì anh ấy rất kín tiếng. Lẽ ra anh Khánh đã tốt nghiệp tháng 7 vừa rồi và đi du học Philippines như dự định mà anh ấy nói với tôi".
"Vì biết cảnh nhà khó khăn, mẹ làm nông, bố phụ hồ, nên anh Khánh có nhắn qua luật sư rằng chỉ cần gửi ít tiền lưu ký vào trại giam hàng tháng thôi".
Luât sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho ông Khánh từ giai đoạn xét xử sơ thẩm, cho biết : "Gia đình Khánh rất nghèo, có lẽ thuộc diện hộ nghèo ở địa phương nhưng Khánh học rất giỏi. Khánh là người rất đáng mến, dễ tiếp xúc, khiêm tốn, ngoan hiền, mọi người, dân làng, thầy cô, bạn bè rất quý mến. Ngôi nhà của gia đình Khánh nằm dưới chân một quả đồi, cơn bão số 10 vừa qua có bị sạt một mảng đồi đất đá đầy sau nhà nhưng may mắn ngôi nhà của gia đình ko bị cuốn trôi. Có lẽ tài sản lớn nhất của gia đình ông Dung bây giờ chính là người con trai, Phan Kim Khánh".
*******************
Hãy hủy cáo buộc đối với sinh viên Phan Kim Khánh (RFA, 24/10/2017)
‘Cần hủy cáo buộc đối với nhà hoạt động sinh viên Phan Kim Khánh và trả tự do ngay cho blogger này’ là kêu gọi mà tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch đưa ra vào ngày 24 tháng 10. Kêu gọi được đưa ra chỉ một hôm trước phiên xử anh này dự kiến diễn ra tại Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Nguyên.
Nhà hoạt động sinh viên Phan Kim Khánh. Courtesy of Phan Kim Khánh's Facebook
Human Rights Watch còn kêu gọi các nhà tài trợ cho Việt Nam và các lãnh đạo trong vùng cần có tuyên bố rõ ràng là sẽ có yêu cầu với Hà Nội phóng thích tất cả những tù chính trị trong nước trước khi diễn ra kỳ họp Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) sắp diễn ra vào tháng 11 tới đây ở Đà Nẵng.
Ông Brad Adams, giám đốc phân Ban Châu Á của Human Rights Watch, nêu rõ lại trong thông cáo báo chí đưa ra ngày 24 tháng 10 rằng tội danh ngụy tạo tuyên truyền chống nhà nước được Việt Nam thiết kế để dập tắt những tiếng nói ôn hòa phê bình chính quyền Việt Nam.
Ông này nói rõ Việt Nam cần hủy bỏ những điều luật như thế và chấm dứt đàn áp sinh viên cũng như những người dân chỉ vì họ nói lên những vấn nạn của đất nước trên mạng Internet.
Luật sư Hà Huy Sơn, người nhận bào chữa cho sinh viên Phan Kim Khánh, cũng đồng quan điểm với tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch trong vấn đề những điều luật bị cho là ngụy tạo của Việt Nam như lời của ông Brad Adams :
"Vào năm 2014, tại cuộc điều trần nhân quyền Việt Nam tại Geneva, tôi nói Việt Nam nên bỏ điều 79, 88 vì mơ hồ khó áp dụng. Thế nhưng trong Bộ Luật Hình sự mới họ vẫn giữ. Đối với ý kiến của HRW thì tôi cho có cơ sở của họ".
Sinh viên Phan Kim Khánh bị bắt vào ngày 21 tháng 3 năm nay với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam’ theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Đây là cáo buộc mà cơ quan chức năng Việt Nam từng buộc cho nhiều nhà đấu tranh trong nước như blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, nhà hoạt động nữ Trần Thị Nga…
Đối với trường hợp sinh viên Phan Kim Khánh, khi cơ quan chức năng bắt giữ anh này, những bằng chứng được nêu ra là các bài viết trên mạng xã hội của Phan Kim Khánh phê phán chính quyền Hà Nội.
Theo cáo buộc của Cơ quan An Ninh Điều Tra thì từ năm 2015, sinh viên Phan Kim Khánh lập ra và điều hành hai blog có tên ‘Báo Tham Nhũng’ và ‘Tuần Việt Nam’. Ngoài ra anh này còn mở ba tài khoản Facebook và hai tài khoản Youtube.
Human Rights Watch tố cáo Trung Quốc phá hoại nỗ lực của Liên Hiệp Quốc (RFI, 05/09/2017)
Tổ chức nhân quyền Mỹ Human Rights Watch một mặt lên án Bắc Kinh cản trở nỗ lực phát huy nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, một mặt chỉ trích cơ quan quốc tế này thường xuyên đầu hàng trước áp lực của Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc phát biểu tại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc -Genève. Ảnh ngày 18/01/2017. Denis Balibouse/Reuters
Theo AFP, trong bản thông báo công bố ngày 05/09/2017, Human Rights Watch cho rằng Trung Quốc tham gia vào sinh hoạt quảng bá nhân quyền của Liên Hiệp Quốc nhưng kỳ thực là để ngăn chận các nhà hoạt động dấn thân bảo vệ nhân quyền tại Hoa lục. Nhìn nhận không phải chỉ có Trung Quốc hành xử như thế nhưng Human Rights Watch thẩm định với vai trò thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An, với ảnh hưởng lớn trên thế giới, Trung Quốc là tấm gương xấu khi thực hiện chính sách trấn áp.
Trong bản thông báo, cơ quan nhân quyền Mỹ liệt kê một loạt hành động chống nhân quyền của Bắc Kinh từ truy bức hay cấm xuất cảnh những nhà hoạt động tìm cách tham gia sinh hoạt, hội thảo nhân quyền do Liên Hiệp Quốc tổ chức. Đại diện của chính quyền Trung Quốc chụp ảnh những người tham dự, quay phim vi phạm các nguyên tắc của tổ chức quốc tế.
Bắc Kinh cũng gây áp lực buộc Liên Hiệp Quốc cấm các tổ chức phi chính phủ chỉ trích Trung Quốc tham gia sinh hoạt nhân quyền.
Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc sẽ xem xét trường hợp Trung Quốc vào năm tới 2018.
Tú Anh
***********************
HRW cáo buộc Bắc Kinh vi phạm nhân quyền (RFA, 05/09/2017)
Trong bản thông cáo mới phổ biến sáng nay tại Geneve, Tổ Chức Quan Sát Nhân Quyền Human Rights Watch cáo buộc Bắc Kinh tìm mọi cách để uy hiếp những nhà hoạt động muốn trình bày về tình trạng nhân quyền tại Trung Quốc trước Diễn Đàn Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc.
Hơn 200.000 người biểu tình ủng hộ dân chủ đối mặt với công an bên ngoài Đại lễ đường Nhân dân ở Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh hôm 22/4/1989. AFP photo
Bản phúc trình nêu lên những trường hợp các nhà hoạt động bị theo dõi, kiểm soát và uy hiếp có hệ thống, với mục đích ngăn cản không cho họ sang Geneve để tố cáo trước dư luận quốc tế về tình trạng đàn áp nhân quyền xảy ra tại Hoa Lục.
Phúc trình còn viết rằng tình từ năm 1989 khi biến cố Thiên An Môn xảy ra tới giờ, đàn áp nhân quyền tại Trung Quốc đang ở mức tệ hại nhất.
Trong cuộc họp báo thường lệ tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Cảnh Sảng của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã bác bỏ những cáo buộc vừa nói, gọi đó là các cáo buộc không chứng cớ.