HRW đòi Việt Nam phóng thích thành viên YSEALI trước APEC (VOA, 24/10/2017)
Tổ chức quốc tế Theo dõi Nhân quyền (HRW) kêu gọi Việt Nam hủy bỏ tất cả các cáo buộc và phóng thích sinh viên Phan Kim Khánh trước khi diễn ra thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á Châu -Thái Bình Dương (APEC) vào đầu tháng tới.
Sinh viên Phan Kim Khánh
Trong thông cáo báo chí ngày 24/10, HRW còn yêu cầu các nhà tài trợ và giới lãnh đạo thế giới hãy đòi chính quyền Việt Nam phóng thích tất cả tù nhân chính trị trước hội nghị quan trọng này.
"Chính quyền Việt Nam sẽ sử dụng APEC như một sân khấu cho thấy mọi thứ đều tốt đẹp ở Việt Nam : Kinh tế đang phất lên, con người hạnh phúc, chính quyền có trách nhiệm với người dân… tất cả hình ảnh đẹp mà Việt Nam muốn thuyết phục các lãnh đạo thế giới tin rằng đó là những gì đang diễn ra ở Việt Nam", ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách Châu Á của HRW, nói với VOA tối 24/10.
Đại diện của HRW nói APEC không chỉ là cơ hội cho chính quyền Việt Nam, mà còn là cơ hội cho các nhà lãnh đạo thế giới nhìn vào thành tích nhân quyền của Việt Nam, và không nên để Việt Nam sử dụng sự kiện APEC như một diễn đàn để tuyên truyền và che đậy vấn đề nhân quyền.
Thông cáo của HRW đưa ra một ngày trước khi diễn ra phiên tòa xử sinh viên Phan Kim Khánh vào ngày 25/10.
Phan Kim Khánh là một sinh viên của Đại học Thái Nguyên. Anh được xem là một "thủ lĩnh sinh viên" năng động, từng tham gia thành lập và điều hành một câu lạc bộ sinh viên trong trường để hỗ trợ các hoạt động tình nguyện của sinh viên, sau đó trở thành ủy viên ban thư ký của Hội Sinh viên, nhận được nhiều bằng khen từ Hội Sinh viên và Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh ở tỉnh Thái Nguyên.
Năm 2015, Phan Kim Khánh được học bổng của Chương trình Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) để tham gia khóa đào tạo do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội tổ chức.
Phan Kim Khánh bị bắt hồi tháng 3 với cáo buộc "tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam vì đã thành lập và điều hành hai trang blog có tên "Báo Tham Nhũng" và "Tuần Việt Nam".
Chính quyền Việt Nam nói Phan Kim Khánh "liên tục đăng nhiều thông tin có nội dung bịa đặt, xuyên tạc nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phần lớn được lấy từ các trang mạng phản động khác", trích Thông cáo báo chí của HRW.
Đại diện của tổ chức nhân quyền quốc tế nói những người như Phan Kim Khánh lẽ ra phải được chính quyền Việt Nam "cảm ơn" :
"Điều quan trọng là một sinh viên trẻ hoạt động như thế này lẽ ra không phải đối mặt với án tù chỉ vì có cách nghĩ khác với chính quyền Việt Nam, và nói lên suy nghĩ của mình. Một khía cạnh rất quan trọng của giáo dục là trao đổi thông tin, trao đổi quan điểm và tranh luận, phản biện. Chính quyền nên cảm ơn những người như anh ấy vì đã lên tiếng về những vấn đề họ quan tâm. Thay vì bịt miệng họ, chính quyền Việt Nam nên lắng nghe, xem xét những vấn đề họ nêu ra, và hành động để giải quyết vấn đề đó", theo lời ông Robertson.
Cập nhật thông tin về Phan Kim Khánh, Luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho Khánh, cho biết ông vừa có buổi gặp ngắn với Khánh vào chiều 24/10, sức khỏe cũng như tinh thần của Khánh đều "ổn" và "tốt".
Theo LS. Hà Huy Sơn, cáo buộc tội "tuyên truyền chống nhà nước", về mặt khách quan, khó có đủ cơ sở để kết tội bất cứ ai.
Ông nói : "Tội tuyên truyền chống nhà nước rất mơ hồ. Nếu nói về mặt khách quan thì khó có cơ sở để kết tội một ai đó theo tội này. Nhưng trong thực tế, có nhiều người đã bị kết tội tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam rồi. Cho nên, có tội nay không có tội thuộc về chủ quan của Hội đồng Xét xử của phiên tòa ngày mai".
Trong khi đó, Phó Giám đốc Châu Á của HRW, ông Phil Robertson, cho rằng lý do "dựa trên luật pháp Việt Nam" mà Hà Nội hay đưa ra trong các vụ bắt giữ, kết án tù người bất đồng chính kiến cần phải được "chỉnh" vào dịp Thượng đỉnh APEC, thông qua các lãnh đạo thế giới đến tham dự hội nghị này.
Ông Robertson nói : "Có một sự phân cách cực lớn giữa luật pháp Việt Nam và các tiêu chuẩn về nhân quyền của quốc tế. Việt Nam vẫn luôn nói rằng ‘chúng tôi dựa trên luật pháp Việt Nam và mọi thứ đều ổn’. Cho nên các lãnh đạo thế giới đến dự APEC cần phải nói ‘Không, điều đó không đúng. Việt Nam có thành tích nhân quyền đặc biệt tệ. Các anh đã bỏ tù rất nhiều người. Hãy phóng thích một số người trước khi chúng tôi tới đó’".
HRW nói vụ bắt giữ Phan Kim Khánh là một phần trong đợt đàn áp đang tiếp diễn nhắm vào các blogger và nhà hoạt động tại Việt Nam. Tổ chức này cho biết trong vòng 12 tháng qua, Việt Nam đã bắt ít nhất 28 người và cáo buộc họ với các tội danh mơ hồ về an ninh quốc gia.
Khánh An
******************
Human Rights Watch đòi trả tự do cho sinh viên Phan Kim Khánh (RFI, 24/10/2017)
Trong thông cáo được công bố hôm nay 24/10/2017, tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch yêu cầu Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc và trả tự do ngay lập tức cho blogger Phan Kim Khánh, sẽ bị đưa ra xét xử tại Thái Nguyên vào ngày mai vì tội danh "tuyên truyền chống Nhà nước" theo điều 88 Luật Hình sự.
Ảnh chụp sinh viên Phan Kim Khánh
Phan Kim Khánh, 24 tuổi, là sinh viên khoa Quốc tế trường đại học Thái Nguyên, bị bắt vào tháng 3/2017, vì đã thành lập và điều hành hai trang blog "Báo Tham Nhũng", "Tuần Việt Nam" từ năm 2015. Ngoài ra anh còn bị cho là đã mở ba tài khoản Facebook, hai tài khoản YouTube. Chính quyền cáo buộc anh "liên tục đăng nhiều thông tin có nội dung bịa đặt, xuyên tạc nhằm chống Nhà nước, phần lớn lấy từ các trang mạng phản động khác".
Ông Brad Adams, giám đốc ban Á Châu của Human Rights Watch cho rằng : "Tội duy nhất của Phan Kim Khánh là thể hiện quan điểm chính trị trái ý chính quyền". Ông nói thêm, sinh viên này từng thành lập một câu lạc bộ tình nguyện trong trường, từng tham gia khóa đào tạo của Đại sứ quán Hoa Kỳ dành cho thành viên Chương trình thủ lãnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI). Phan Kim Khánh có nguy cơ lãnh bản án lên đến 12 năm tù.
Trong bối cảnh sắp diễn ra hội nghị thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng (6-11/11/2017), Human Rights Watch kêu gọi các nhà tài trợ cho Việt Nam và các lãnh đạo trong vùng nên yêu cầu Hà Nội phóng thích tất cả các tù nhân chính trị.
Cũng theo Human Rights Watch, trong vòng một năm qua, đã có 28 blogger và nhà hoạt động bị bắt tại Việt Nam vì các tội danh "được diễn giải một cách mơ hồ".
Thụy My
********************
HRW kêu gọi hủy tội danh 'tuyên truyền chống nhà nước' (BBC, 24/10/2017)
Việt Nam cần 'hủy bỏ cáo buộc đối với nhà hoạt động sinh viên' Phan Kim Khánh, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói trong thông cáo ra hôm 24/10/2017.
Chính quyền nói blogger Phan Kim Khánh "hợp tác với đảng Việt Tân" ở hải ngoại, mà Hà Nội liệt vào danh sách tổ chức khủng bố
HRW cũng kêu gọi các nhà cấp viện cho Việt Nam cùng các lãnh đạo trong vùng nêu yêu cầu Việt Nam phóng thích tù chính trị trước khi khai mạc kỳ họp thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương tới đây, theo nội dung thông cáo.
Ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á Châu của HRW nói rằng "tội duy nhất của sinh viên Phan Kim Khánh là đã thể hiện quan điểm chính trị trái ý chính quyền", thông cáo viết.
Ông Phan Kim Khánh, 24 tuổi, sinh viên sắp tốt nghiệp khoa Quốc tế, Đại học Thái Nguyên, bị bắt hồi tháng 3/2017 với cáo buộc "Tuyên truyền chống Nhà nước" theo Điều 88 Bộ luật Hình sự.
Ông Khánh bị cáo buộc thành lập, điều hành hai trang blog từ năm 2015 là 'Báo Tham nhũng' và 'Tuần Việt Nam', bên cạnh việc "mở ba tài khoản trên Facebook và hai tài khoản trên YouTube, liên tục đăng nhiều thông tin có nội dung bịa đặt, xuyên tạc nhằm chống Nhà nước, phần lớn được lấy từ các trang mạng phản động khác", truyền thông trong nước nói.
Năm 2015, ông tham gia một khóa đào tạo do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội tổ chức cho thành viên của Chương trình Thủ lĩnh Trẻ Đông Nam Á (YSEALI).
"Tội danh ngụy tạo tuyên truyền chống nhà nước được thiết kế để dập tắt những tiếng nói ôn hòa phê bình chính quyền Việt Nam", ông Adams nói thêm.
"Việt Nam cần hủy bỏ những điều luật này và chấm dứt đàn áp sinh viên cũng như những người dân thường chỉ vì họ nói về những vấn nạn của đất nước trên Internet".
Theo HRW, hơn 100 nhà hoạt động hiện đang phải thụ án tù vì đã thực thi các quyền cơ bản như tự do ngôn luận, tự do nhóm họp, tự do lập hội và tự do tôn giáo.
Luật sư Hà Huy Sơn (bìa phải) cùng bố mẹ Phan Kim Khánh tại nhà của sinh viên này
'Mong bản án nhẹ'
Ông Khánh dự kiến sẽ ra tòa hôm 25/10 tại Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Nguyên. Nếu bị kết tội, ông có thể phải đối mặt với bản án lên tới 12 năm tù.
Hôm 24/10, trả lời BBC, cô Phan Thị Trang, em gái của ông Khánh, cho hay : "Sáu người trong nhà tôi ngày mai sẽ đi dự phiên tòa và chỉ mong bản án nhẹ cho anh tôi. Từ khi anh Khánh bị bắt đến nay, mỗi tháng bố tôi đều đi thăm nuôi nhưng không được gặp con".
"Những gì anh tôi làm, gia đình đều không hay biết cho đến khi anh ấy bị bắt vì anh ấy rất kín tiếng. Lẽ ra anh Khánh đã tốt nghiệp tháng 7 vừa rồi và đi du học Philippines như dự định mà anh ấy nói với tôi".
"Vì biết cảnh nhà khó khăn, mẹ làm nông, bố phụ hồ, nên anh Khánh có nhắn qua luật sư rằng chỉ cần gửi ít tiền lưu ký vào trại giam hàng tháng thôi".
Luât sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho ông Khánh từ giai đoạn xét xử sơ thẩm, cho biết : "Gia đình Khánh rất nghèo, có lẽ thuộc diện hộ nghèo ở địa phương nhưng Khánh học rất giỏi. Khánh là người rất đáng mến, dễ tiếp xúc, khiêm tốn, ngoan hiền, mọi người, dân làng, thầy cô, bạn bè rất quý mến. Ngôi nhà của gia đình Khánh nằm dưới chân một quả đồi, cơn bão số 10 vừa qua có bị sạt một mảng đồi đất đá đầy sau nhà nhưng may mắn ngôi nhà của gia đình ko bị cuốn trôi. Có lẽ tài sản lớn nhất của gia đình ông Dung bây giờ chính là người con trai, Phan Kim Khánh".
*******************
Hãy hủy cáo buộc đối với sinh viên Phan Kim Khánh (RFA, 24/10/2017)
‘Cần hủy cáo buộc đối với nhà hoạt động sinh viên Phan Kim Khánh và trả tự do ngay cho blogger này’ là kêu gọi mà tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch đưa ra vào ngày 24 tháng 10. Kêu gọi được đưa ra chỉ một hôm trước phiên xử anh này dự kiến diễn ra tại Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Nguyên.
Nhà hoạt động sinh viên Phan Kim Khánh. Courtesy of Phan Kim Khánh's Facebook
Human Rights Watch còn kêu gọi các nhà tài trợ cho Việt Nam và các lãnh đạo trong vùng cần có tuyên bố rõ ràng là sẽ có yêu cầu với Hà Nội phóng thích tất cả những tù chính trị trong nước trước khi diễn ra kỳ họp Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) sắp diễn ra vào tháng 11 tới đây ở Đà Nẵng.
Ông Brad Adams, giám đốc phân Ban Châu Á của Human Rights Watch, nêu rõ lại trong thông cáo báo chí đưa ra ngày 24 tháng 10 rằng tội danh ngụy tạo tuyên truyền chống nhà nước được Việt Nam thiết kế để dập tắt những tiếng nói ôn hòa phê bình chính quyền Việt Nam.
Ông này nói rõ Việt Nam cần hủy bỏ những điều luật như thế và chấm dứt đàn áp sinh viên cũng như những người dân chỉ vì họ nói lên những vấn nạn của đất nước trên mạng Internet.
Luật sư Hà Huy Sơn, người nhận bào chữa cho sinh viên Phan Kim Khánh, cũng đồng quan điểm với tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch trong vấn đề những điều luật bị cho là ngụy tạo của Việt Nam như lời của ông Brad Adams :
"Vào năm 2014, tại cuộc điều trần nhân quyền Việt Nam tại Geneva, tôi nói Việt Nam nên bỏ điều 79, 88 vì mơ hồ khó áp dụng. Thế nhưng trong Bộ Luật Hình sự mới họ vẫn giữ. Đối với ý kiến của HRW thì tôi cho có cơ sở của họ".
Sinh viên Phan Kim Khánh bị bắt vào ngày 21 tháng 3 năm nay với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam’ theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Đây là cáo buộc mà cơ quan chức năng Việt Nam từng buộc cho nhiều nhà đấu tranh trong nước như blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, nhà hoạt động nữ Trần Thị Nga…
Đối với trường hợp sinh viên Phan Kim Khánh, khi cơ quan chức năng bắt giữ anh này, những bằng chứng được nêu ra là các bài viết trên mạng xã hội của Phan Kim Khánh phê phán chính quyền Hà Nội.
Theo cáo buộc của Cơ quan An Ninh Điều Tra thì từ năm 2015, sinh viên Phan Kim Khánh lập ra và điều hành hai blog có tên ‘Báo Tham Nhũng’ và ‘Tuần Việt Nam’. Ngoài ra anh này còn mở ba tài khoản Facebook và hai tài khoản Youtube.