Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

24/10/2017

Du lịch Việt Nam không những yếu kém mà còn bị chơi gian

RFA tiếng Việt

Tăng 1 triệu du khách chưa đủ tạo nên tăng trưởng kinh tế (RFA, 24/10/2017)

Trong phiên họp tổ Quốc hội ngày 24 tháng 10, khi nhắc đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đưa ý kiến cho rằng "Thà tăng 1 triệu du khách còn hơn hút thêm 1 triệu tấn dầu".

dulich1

Hàng trăm con diều được thả lên tại Festival diều quốc tế năm 2017 tổ chức ở biển Tam Thanh, tỉnh Quảng Nam, Việt Nam. AP

Cải cách cơ cấu

Định hướng chiến lược của vị Phó Thủ tướng đề nghị được kinh tế gia Ngô Trí Long hiểu là "tiến hành đẩy mạnh tăng trưởng theo cải cách cơ cấu".

"Cái ý tưởng này thể hiện là Việt Nam cũng theo một xu hướng chung là phải tái cơ cấu là làm sao tăng trưởng chất lượng dịch vụ, làm sao tăng trưởng phần giá trị gia tăng, chứ tăng trưởng theo số lượng, ví dụ như tăng trưởng do khai thác dầu, xây dựng nhiều tượng đài, cổng chào hay xây những cái không trực tiếp phục vụ sản xuất thì cái đó cũng không phản ảnh đúng chất lượng tăng trưởng".

Với những con số thống kê cụ thể được đưa ra như khai thác dầu thô năm 2017 chỉ đạt 13,28 triệu tấn, giảm 3 triệu tấn so với năm 2016 và giảm 4,54 triệu tấn so với năm 2015, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng Việt Nam đang đối mặt với sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế, vì theo ông cứ 1 triệu tấn dầu thô giảm thì GDP giảm 0,25%, 3 triệu tấn là giảm 0,75%.

dulich2

Khách du lịch ở Việt Nam - Ảnh minh họa (AFP)

Giải thích rõ thêm tình trạng này, kinh tế gia Ngô Trí Long cho biết thời gian trước đây, khi nền kinh tế nước nhà không đạt được đến chỉ tiêu của Quốc hội đề ra, thì những người lãnh đạo trước hay dùng phương pháp khai thác khoáng sản nhiều hơn để bù đắp sự thiếu hụt của tăng trưởng.

"Nhưng năm 2017, quí I tăng thấp nhất so với quí I của nhiều năm. Quí II cũng rất thấp nên người ta bảo nhau rằng phải chăng chỉ nên khai thác tài nguyên để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng hay không ?"

Và câu trả lời của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ là "Thà tăng 1 triệu du khách còn hơn hút thêm 1 triệu tấn dầu".

Chỉ là cách nói khái quát và hình tượng

Ngược lại với sự sụt giảm của ngành công nghiệp khai khoáng, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, dịch vụ du lịch 9 tháng đầu năm 2017 đã đóng góp 3,2% điểm tăng trưởng trong 6,7% tăng trưởng GDP.

Nhưng theo kinh tế gia Ngô Trí Long, những con số này chưa có sự kiểm chứng. Ông nói thêm, các đại biểu quốc hội đã đề nghị phải làm rõ sự tăng trưởng này về mặt chất lượng như thế nào ?

Đó cũng là ghi nhận của ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Công ty Lửa Việt tour. Trước tiên, ông cho rằng định hướng của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ có thể hiện "sự chuyển động trong suy nghĩ của những nhà lãnh đạo".

"Đặc biệt từ lúc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên, có lẽ ông Phúc trước đây từng là giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng nên ông hiểu vấn đề du lịch tương đối kỹ hơn cùng với xu thế chung của các nước".

Tuy nhiên theo ông Mỹ, làm thế nào để đạt được con số 1 triệu khách du lịch hoặc nhiều hơn nữa mới chính là vấn đề quan trọng trong dẫn đến hiệu quả của sự tăng trưởng đúng nghĩa, hay nói cách khác phát triển kinh tế bền vững. Nếu không có giải pháp, chiến lược rõ ràng, thích hợp thì định hướng của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề ra "cũng chỉ mang tính tương đối, khái quát và biểu tượng".

Ông Nguyễn Văn Mỹ đặt câu hỏi về số liệu cụ thể 1 triệu tấn dầu sẽ mang đến bao nhiêu tiền so với 1 triệu khách du lịch ? Ngoài ra, ông Mỹ bày tỏ sự lo ngại về khả năng thực thi trong cơ cấu nhân sự.

"Mình cần phải phân biệt nói là một chuyện, làm được hay không là một chuyện khác. Ví dụ, chính phủ Việt Nam từng tuyên bố rằng không chấp nhận phát triển kinh tế bằng mọi giá để đánh đổi môi trường. Nhưng thực tế có khi chứng minh ngược lại. Nên có khi lãnh đạo nói thế nhưng bên dưới không làm thì sao ?

Cho nên, cách tăng trưởng 1 triệu khách chỉ là 1 cách nói khái quát và hình tượng".

Câu hỏi thực tế được ông Nguyễn Văn Mỹ đặt ra là 1 triệu khách du lịch ấy là ai ? Có thật sự mang đến sự tăng trưởng cho du lịch Việt Nam nói riêng là kinh tế Việt Nam nói chung hay không ?

"Một triệu khách Tây balo thì thu được bao nhiêu ? 1 triệu khách Trung Quốc đi đường thì đâu có mua gì toàn hàng của họ ? Mua làm chi ? Mua bánh đậu xanh mang về thì chẳng ăn thua. Có khi tiền mình thu được chưa chắc đã đủ trang trải các chi phí vận hành, giữ vệ sinh, bảo vệ an ninh trật tự…

Cho nên cách nói 1 triệu khách chỉ là cách nói hơi biểu tượng".

Hoàn toàn đồng ý với nhận định của ông Chủ tịch công ty Lửa Việt tour, kinh tế gia Ngô Trí Long khẳng định "tăng trưởng thì phải đảm bảo tăng trưởng về mặt chất lượng, nếu chỉ số lượng thì chưa đánh giá được".

"Chất lượng mới là yếu tố quyết định cho sự tăng trưởng phát triển bền vững để tránh bị tụt hậu của nền kinh tế. Chất lượng của tăng trưởng thể hiện rất nhiều vấn đề"

Hàng loạt những vấn đề được kinh tế gia Ngô Trí Long nêu ra như chỉ tiêu tăng năng suất lao động xã hội ; chất lượng, hiệu quả ; xã hội không có sự phân hoá ; không ảnh hưởng đến môi trường, hoặc chất lượng tăng trưởng phải đảm bảo được tiếng nói dân chủ…

Phải làm rõ nguyên nhân

Mặc dù rất hoan nghênh và vui mừng với lựa chọn tăng trưởng kinh tế do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đưa ra, nhưng ông Nguyễn Văn Mỹ vẫn thấy rằng cần phải có những số liệu về tăng trưởng cụ thể hơn, ví dụ như số liệu báo cáo về tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận từ du lịch để biết chỗ nào cần khắc phục và phát huy.

Bên cạnh đó, một vấn đề mang tính kinh tế chiến lược mà ông cho rằng cần phải làm rõ.

"Khách tăng thì mình phải tìm ra nguyên nhân tại sao tăng và công đó thuộc về ai ? Khách giảm thì mình phải tìm ra nguyên nhân tại sao giảm, và lỗi này thuộc về ai ?

Ở Việt Nam, tăng thì khen, mà chả biết khen ai ? Rồi lúc xuống thì cũng chả biết trách nhiệm thuộc về ai cả ? Một khi mình không rõ nguyên nhân thì phát triển bền vững rất khó vì nó sẽ trồi sụt bất thường".

Đưa ra nhận định cá nhân ở góc cạnh vĩ mô hơn, kinh tế gia Ngô Trí Long kết luận rằng bối cảnh Việt Nam hiện nay, tăng trưởng về số lượng nhưng phải hết sức coi trọng về chất lượng, và đặc biệt là những ngành, lĩnh vực, có hiệu quả.

Cũng dựa theo đó, một số chuyên gia nhận xét rằng, định hướng chiến lược tăng trưởng của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ có vẻ như vẫn còn thiếu những yếu tố khác để có thể giúp đẩy mạnh mức tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam.

Cát Linh, RFA

*******************

Hoàng Sa nay thành điểm du lịch của dân Trung Quốc (RFA, 24/10/2017)

Mạng Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) vào ngày 23 tháng 10 loan tin dẫn lời của bí thư thành phố Tam Sa, đơn vị quản lý hành chánh khu vực các đảo và vùng nước tại Biển Đông do Trung Quốc lập nên trên đảo Phú Lâm, cho biết kể từ đầu năm 2017 đến nay có 59 đoàn du khách Hoa Lục ra tham quan quần đảo Hoàng Sa.

dulich3

Khách du lịch Trung Quốc chụp hình kỷ niệm với quốc kỳ Trung Quốc ở đảo Toàn Phú thuộc quần đảo Hoàng Sa hôm 14/9/2014 - AP

Phát biểu của vị bí thư thành phố Tam Sa đưa ra bên lề Đại hội đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 ở Bắc Kinh. Con số 59 đoàn du khách đi thăm Hoàng Sa như thế còn được cho biết tăng 20% cả về số đoàn và số du khách so với năm 2016.

Tính từ năm 2013 khi tour du lịch biển đầu tiên được tổ chức đi Hoàng Sa, số du khách đến tham quan địa danh này đến nay tổng cộng hơn 39 ngàn người. Mỗi tour bốn ngày- ba đêm đưa du khách đến các đảo Áp Công (Yagong), Toàn Phú (Quanfu) và Ngân Tự (Yinyu). Hai hoạt động dành cho khách tham quan Hoàng Sa là lễ thượng kỳ và xem các tài liệu tuyên truyền về lòng yêu nước.

Ngoài hai hoạt động như vừa nêu là tham dự lễ chào cờ và xem tài liệu tuyên truyền cho lòng ái quốc, du khách Hoa Lục còn được lặn biển, thăm các làng chài địa phương.

Tàu đưa du khách đi Hoàng Sa khởi hành từ thành phố Tam Á trên đảo Hải Nam và khi kết thúc tua cũng tại Tam Á, Hải Nam.

Bí thư Thiên Tường của đơn vị hành chánh Tam Sa còn nói rõ tua du lịch Tây Sa ( từ mà Trung Quốc gọi Hoàng Sa) càng ngày càng trở nên phổ biến đối với giới du khách Hoa Lục. Đây cũng là điểm thu hút mới của ‘nền công nghiệp không khói’ tỉnh Hải Nam.

Mạng Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng dẫn lời của một nhân viên lữ hành tại thành phố Tam Á khi chào bán tour đi Hoàng Sa rằng nước ở đó rất sạch mà hiếm nơi nào khác ở Hoa Lục có được. Người này xác nhận năm nay tour đi Hoàng Sa bán chạy hơn năm ngoái. Tuy nhiên, người nhân viên lữ hành này bày tỏ sự lo ngại không rõ về khả năng phát triển thị trường trong năm tới bởi tất cả phụ thuộc vào chính sách của nhà nước Trung Quốc.

Đúng Kế hoạch của Trung Quốc

Chính sách đưa du khách người Hoa Lục đến thăm những đảo do Trung Quốc quản lý tại Biển Đông được giới chuyên gia dự báo trước đây. Theo các nhà quan sát thì chính sách này nằm trong chiến lược dài hạn của Bắc Kinh trong việc độc chiếm Biển Đông.

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên Giới Chính Phủ Việt Nam, trong một lần nói chuyện với Đài Á Châu Tự Do trong năm 2017, nhắc lại ý đồ của Bắc Kinh đối với khu vực Biển Đông :

"Có thể thấy rằng Trung Quốc là nước luôn tìm mọi cách để thực hiện chiến lược độc chiếm Biển Đông theo yêu sách đường 9 đoạn, mà chúng ta gọi là đường lưỡi bò. Họ bằng mọi thủ thuật, mọi thủ đoạn đề làm bằng được điều đó.

Như các bạn đều biết không chỉ đối với Việt Nam họ đánh chiếm Hoàng Sa và đánh chiếm một số thực thể tại Trường Sa ; mà đối với Philippines họ chiếm quyền kiểm soát tại Bãi cạn Scaborough. Ai cũng biết họ sử dụng mọi thủ thuật, thủ đoạn về quân sự, ngoại giao, gây sức ép về kinh tế…Không chỉ Việt Nam thấy mà ai cũng thấy, thế giới cũng thấy".

Hợp tác hình thức ?

Trung Quốc tự vạch ra đường đứt khúc 9 đoạn và tuyên bố chủ quyền gần đến 90% tại khu vực có tuyến đường biển quan trọng từ Ấn Độ Dương ở phía nam qua Thái Bình Dương lên đến Bắc Á.

Vào tháng 7 năm 2016, Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc tế (PCA) ở La Haye ra phán quyết cho vụ Philippines kiện Trung Quốc về đường đứt khúc 9 đoạn. PCA tuyên rằng đường đứt khúc để tuyên bố chủ quyền như thế không có giá trị cả về mặt lịch sử cũng như pháp lý.

Trước thời điểm có phán quyết của PCA về đường đứt khúc 9 đoạn, Bắc Kinh cho gấp rút bồi lấp, cải tạo 7 bãi đá ở quần đảo Trường Sa. Trên những đảo nhân tạo đó, Bắc Kinh tiến hành xây dựng những cơ sở hạ tầng mà theo hình ảnh vệ tinh ghi nhận được gồm các đường băng, nhà chứa máy bay, các công trình kiên cố…

Thực tế cho thấy Trung Quốc làm thay đổi hiện trạng những thực thể đang tranh chấp giữa Bắc Kinh và các nước khác trong khu vực. Điều này được qui định trong Tuyên Bố Ứng Xử của Các Bên tại Biển Đông (DOC) mà Bắc Kinh và các nước ASEAN ký kết vào năm 2002.

Vừa tháng 8 qua, ASEAN và Trung Quốc đạt được thống nhất về dự thảo khung Bản Quy Tắc Ứng Xử của Các Bên tại Biển Đông (COC). Đây là bước từng được đề ra từ khi ký kết DOC và các bên kỳ vọng COC mang tính ràng buộc hơn DOC.

Bấy lâu nay Trung Quốc chỉ muốn đàm phán song phương với các nước có tranh chấp chủ quyền lãnh hải tại khu vực Biển Đông mà thôi ; tuy nhiên vấn đề như tiến sĩ Trần Công Trục cho biết thì cả thế giới đều quan tâm và biết rõ nên Trung Quốc gần đây dường như có thay đổi chiến thuật.

Đề nghị hợp tác trong khai thác tài nguyên thiên nhiên ở Biển Đông được đưa ra và mới nhất là chuyện diễn tập chung tại khu vực ‘nóng’ này.

Tin tức vào ngày 24 tháng 10 cho biết Trung Quốc và 10 nước thuộc Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm tới có thể tiến hành diễn tập hải quân chung theo như đề nghị từ Bắc Kinh.

Mặc dù chi tiết cụ thể của hoạt động diễn tập chung như thế chưa được công bố ; nhưng giới quan sát đều dự đoán chắc chắn sẽ gồm những hoạt động dẫn đường, phát tín hiệu, cứu hộ- cứu nạn.

Người đứng đầu nhóm chuyên nghiên cứu toàn cầu sự vụ thuộc Đại học Yale-NUS của Singapore, thì nói hoạt động diễn tập hải quân chung Trung Quốc- ASEAN hẳn sẽ đưa vào thi hành Bộ Qui Tắc Ứng xử Trong những trường hợp đối đầu không lường trước trên biển (CUES) mà các bên đạt được vào năm 2014.

Một số nước như Singapore thì cho rằng đó là cách thức để xây dựng lòng tin giữa các bên trong khu vực. Tuy vậy, thực tế cho thấy Trung Quốc đã thành công phần nào trong chiến lược ‘tằm ăn dâu’ của họ tại khu vực Biển Đông, sau khi biến quần đảo Hoàng Sa và một số thực thể tại Trường Sa là nơi phải có phép của Trung Quốc mới được đặt chân đến. Đơn cử như tua du lịch biển Hoàng Sa chỉ dành riêng cho công dân Hoa Lục mà thôi.

Quay lại trang chủ
Read 645 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)