Ông Phan Kim Khánh, một nhà hoạt động thúc đẩy tự do báo chí và chống tham nhũng vừa mãn hạn tù sáu năm hôm 21/3, cho biết tù nhân ở Trại giam Nam Hà (tỉnh Hà Nam) bị buộc lao động suốt tuần mà không được trả công.
Cựu TNLT Phan Kim Khánh - Fb Võ Hồng Ly
Ông Khánh, 30 tuổi, bị bắt vào cuối tháng 3/2017 với cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước" theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự cũ (1999) và sau đó bị Toà án Nhân dân tỉnh Thái Nguyên kết án sáu năm tù giam và bốn năm quản chế. Sau phiên toà, ông bị đưa đi thi hành án ở Trại giam Nam Hà hay còn gọi là trại Ba Sao của Bộ Công an.
Lao động bắt buộc
Trong cuộc trả lời phỏng vấn của Đài Á Châu Tự Do (RFA), ông Khánh cho biết Trại giam Nam Hà bắt buộc tất cả tù nhân ở đây phải đi lao động, nói rằng đây là nghĩa vụ.
"Lao động thì ở trại giam bắt buộc anh em phải ra lao động hơn 6 tiếng/ngày, sáng từ 7 giờ cho đến 10 giờ rưỡi, chiều từ 1 giờ cho đến 4 giờ rưỡi. Thường là đan lát mây tre đan. Không có trang bị bảo hộ lao động gì".
Sản phẩm đồ thủ công làm bằng mây tre này dường như được xuất khẩu sang thị trường EU, tuy nhiên, trại giam không đề cập đến chuyện trả công cho người tù.
Theo Điều 34 của Luật thi hành án hình sự năm 2019, cơ sở giam giữ sử dụng kết quả lao động của phạm nhân để "chi trả một phần công lao động cho phạm nhân trực tiếp tham gia lao động sản xuất".
Ông cho biết trại giam buộc tù nhân lao động năm ngày trong một tuần. Tuy trại giam không đưa ra định mức lao động nhưng nếu tù nhân nào từ chối lao động hoặc làm việc không tích cực sẽ bị kỷ luật không được gặp người thân hay nhận quà, và không được xét giảm án.
Đối với tù nhân chính trị, mặc dù có làm việc tích cực nhưng không chịu nhận tội cũng không được giảm án, như trường hợp của chính ông, ông Khánh cho biết.
Chế độ chăm sóc sức khoẻ và sinh hoạt tôn giáo bị hạn chế
Ông cho biết việc chăm sóc sức khoẻ của tù nhân rất kém, chỉ được khám chữa bệnh qua loa ở trạm xá của trại. Người bị bệnh nguy hiểm và cần được chữa trị ở bệnh viện chuyên khoa sẽ gặp khó khăn rất nhiều khi đề nghị được chữa trị bên ngoài.
Theo ông Khánh, vì không được trại giam cho đi chữa bệnh đau dạ dày, tù nhân lương tâm Lê Thanh Tùng, người đang thi hành án tù 12 năm, đã tuyệt thực từ ngày 19/3 để phản đối.
Chế độ dinh dưỡng cung cấp cho tù nhân chỉ ở mức tối thiểu theo quy định của Luật thi hành án hình sự dù bị buộc lao động bắt buộc và không được trả công, ông Khánh cho biết.
Là một tín đồ Công giáo, ông Khánh được gia đình gửi cho một cuốn kinh thánh, tuy nhiên, ông không được mang về phòng mà phải để lại ở thư viện, và chỉ được sử dụng một ngày trong tuần. Ông nói :
"Sinh hoạt tôn giáo chỉ dừng lại ở góc độ là đọc kinh thánh tuần 1 lần, còn các vấn đề khác như gặp linh mục hoặc giải tội hay việc khác thì không có".
Ông nói thậm chí cán bộ quản giáo cũng không cho phép những người có cùng đức tin tụ họp để sinh hoạt tôn giáo, vì mọi hoạt động tụ tập đều bị cấm.
Ông cho biết, tù nhân trong trại thường xuyên phải hít thở không khí ô nhiễm từ khói đốt rác của trại giam, một số tù nhân lên tiếng phản đối nhiều lần nhưng ban giám thị trại giam vẫn lờ đi không chịu giải quyết.
Để kiểm chứng thông tin ông Khánh cung cấp, phóng viên gọi điện nhiều lần vào số điện thoại của Trại giam Nam Hà nhưng không có ai nghe máy.
https://youtu.be/WHjZQ4BBjdE
Chia sẻ về kế hoạch trong thời gian sắp tới, ông Khánh nói tập trung vào việc phục hồi sức khoẻ, kiếm việc để có thu nhập, sẵn sàng đóng góp vào công việc chung của địa phương, và hy vọng không gặp khó khăn từ chính quyền.
Bên cạnh đó, trong thời gian bốn năm quản chế, ông sẽ tìm kiếm cơ hội để tiếp tục công việc học hành còn dang dở.
Ông Khánh bị bắt chỉ vài tháng trước khi tốt nghiệp Đại học, ông từng là Chủ tịch Hội Sinh viên Khoa Quan hệ Quốc tế của Đại học Thái Nguyên.
Ông là một người dẫn chương trình được nhiều sinh viên trong trường biết đến, ngoài ra ông là một thành viên của chương trình Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) của chính phủ Hoa Kỳ.
Ông sáng lập và điều hành một số tờ báo mạng độc lập như báo Tham Nhũng và Tuần Việt Nam, viết về các vấn đề của Việt Nam, trong đó có quốc nạn tham nhũng của các quan chức. Các hoạt động báo chí cũng chính là lý do ông bị bắt.
Nhóm Công tác về bắt giữ tuỳ tiện (WGAD) của Liên Hiệp Quốc hồi tháng 2/2020 xác định vụ bắt giữ ông là tuỳ tiện và vi phạm nhiều quyền cơ bản trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), hai công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Nguồn : RFA, 24/03/2023
HRW đòi Việt Nam phóng thích thành viên YSEALI trước APEC (VOA, 24/10/2017)
Tổ chức quốc tế Theo dõi Nhân quyền (HRW) kêu gọi Việt Nam hủy bỏ tất cả các cáo buộc và phóng thích sinh viên Phan Kim Khánh trước khi diễn ra thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á Châu -Thái Bình Dương (APEC) vào đầu tháng tới.
Sinh viên Phan Kim Khánh
Trong thông cáo báo chí ngày 24/10, HRW còn yêu cầu các nhà tài trợ và giới lãnh đạo thế giới hãy đòi chính quyền Việt Nam phóng thích tất cả tù nhân chính trị trước hội nghị quan trọng này.
"Chính quyền Việt Nam sẽ sử dụng APEC như một sân khấu cho thấy mọi thứ đều tốt đẹp ở Việt Nam : Kinh tế đang phất lên, con người hạnh phúc, chính quyền có trách nhiệm với người dân… tất cả hình ảnh đẹp mà Việt Nam muốn thuyết phục các lãnh đạo thế giới tin rằng đó là những gì đang diễn ra ở Việt Nam", ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách Châu Á của HRW, nói với VOA tối 24/10.
Đại diện của HRW nói APEC không chỉ là cơ hội cho chính quyền Việt Nam, mà còn là cơ hội cho các nhà lãnh đạo thế giới nhìn vào thành tích nhân quyền của Việt Nam, và không nên để Việt Nam sử dụng sự kiện APEC như một diễn đàn để tuyên truyền và che đậy vấn đề nhân quyền.
Thông cáo của HRW đưa ra một ngày trước khi diễn ra phiên tòa xử sinh viên Phan Kim Khánh vào ngày 25/10.
Phan Kim Khánh là một sinh viên của Đại học Thái Nguyên. Anh được xem là một "thủ lĩnh sinh viên" năng động, từng tham gia thành lập và điều hành một câu lạc bộ sinh viên trong trường để hỗ trợ các hoạt động tình nguyện của sinh viên, sau đó trở thành ủy viên ban thư ký của Hội Sinh viên, nhận được nhiều bằng khen từ Hội Sinh viên và Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh ở tỉnh Thái Nguyên.
Năm 2015, Phan Kim Khánh được học bổng của Chương trình Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) để tham gia khóa đào tạo do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội tổ chức.
Phan Kim Khánh bị bắt hồi tháng 3 với cáo buộc "tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam vì đã thành lập và điều hành hai trang blog có tên "Báo Tham Nhũng" và "Tuần Việt Nam".
Chính quyền Việt Nam nói Phan Kim Khánh "liên tục đăng nhiều thông tin có nội dung bịa đặt, xuyên tạc nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phần lớn được lấy từ các trang mạng phản động khác", trích Thông cáo báo chí của HRW.
Đại diện của tổ chức nhân quyền quốc tế nói những người như Phan Kim Khánh lẽ ra phải được chính quyền Việt Nam "cảm ơn" :
"Điều quan trọng là một sinh viên trẻ hoạt động như thế này lẽ ra không phải đối mặt với án tù chỉ vì có cách nghĩ khác với chính quyền Việt Nam, và nói lên suy nghĩ của mình. Một khía cạnh rất quan trọng của giáo dục là trao đổi thông tin, trao đổi quan điểm và tranh luận, phản biện. Chính quyền nên cảm ơn những người như anh ấy vì đã lên tiếng về những vấn đề họ quan tâm. Thay vì bịt miệng họ, chính quyền Việt Nam nên lắng nghe, xem xét những vấn đề họ nêu ra, và hành động để giải quyết vấn đề đó", theo lời ông Robertson.
Cập nhật thông tin về Phan Kim Khánh, Luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho Khánh, cho biết ông vừa có buổi gặp ngắn với Khánh vào chiều 24/10, sức khỏe cũng như tinh thần của Khánh đều "ổn" và "tốt".
Theo LS. Hà Huy Sơn, cáo buộc tội "tuyên truyền chống nhà nước", về mặt khách quan, khó có đủ cơ sở để kết tội bất cứ ai.
Ông nói : "Tội tuyên truyền chống nhà nước rất mơ hồ. Nếu nói về mặt khách quan thì khó có cơ sở để kết tội một ai đó theo tội này. Nhưng trong thực tế, có nhiều người đã bị kết tội tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam rồi. Cho nên, có tội nay không có tội thuộc về chủ quan của Hội đồng Xét xử của phiên tòa ngày mai".
Trong khi đó, Phó Giám đốc Châu Á của HRW, ông Phil Robertson, cho rằng lý do "dựa trên luật pháp Việt Nam" mà Hà Nội hay đưa ra trong các vụ bắt giữ, kết án tù người bất đồng chính kiến cần phải được "chỉnh" vào dịp Thượng đỉnh APEC, thông qua các lãnh đạo thế giới đến tham dự hội nghị này.
Ông Robertson nói : "Có một sự phân cách cực lớn giữa luật pháp Việt Nam và các tiêu chuẩn về nhân quyền của quốc tế. Việt Nam vẫn luôn nói rằng ‘chúng tôi dựa trên luật pháp Việt Nam và mọi thứ đều ổn’. Cho nên các lãnh đạo thế giới đến dự APEC cần phải nói ‘Không, điều đó không đúng. Việt Nam có thành tích nhân quyền đặc biệt tệ. Các anh đã bỏ tù rất nhiều người. Hãy phóng thích một số người trước khi chúng tôi tới đó’".
HRW nói vụ bắt giữ Phan Kim Khánh là một phần trong đợt đàn áp đang tiếp diễn nhắm vào các blogger và nhà hoạt động tại Việt Nam. Tổ chức này cho biết trong vòng 12 tháng qua, Việt Nam đã bắt ít nhất 28 người và cáo buộc họ với các tội danh mơ hồ về an ninh quốc gia.
Khánh An
******************
Human Rights Watch đòi trả tự do cho sinh viên Phan Kim Khánh (RFI, 24/10/2017)
Trong thông cáo được công bố hôm nay 24/10/2017, tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch yêu cầu Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc và trả tự do ngay lập tức cho blogger Phan Kim Khánh, sẽ bị đưa ra xét xử tại Thái Nguyên vào ngày mai vì tội danh "tuyên truyền chống Nhà nước" theo điều 88 Luật Hình sự.
Ảnh chụp sinh viên Phan Kim Khánh
Phan Kim Khánh, 24 tuổi, là sinh viên khoa Quốc tế trường đại học Thái Nguyên, bị bắt vào tháng 3/2017, vì đã thành lập và điều hành hai trang blog "Báo Tham Nhũng", "Tuần Việt Nam" từ năm 2015. Ngoài ra anh còn bị cho là đã mở ba tài khoản Facebook, hai tài khoản YouTube. Chính quyền cáo buộc anh "liên tục đăng nhiều thông tin có nội dung bịa đặt, xuyên tạc nhằm chống Nhà nước, phần lớn lấy từ các trang mạng phản động khác".
Ông Brad Adams, giám đốc ban Á Châu của Human Rights Watch cho rằng : "Tội duy nhất của Phan Kim Khánh là thể hiện quan điểm chính trị trái ý chính quyền". Ông nói thêm, sinh viên này từng thành lập một câu lạc bộ tình nguyện trong trường, từng tham gia khóa đào tạo của Đại sứ quán Hoa Kỳ dành cho thành viên Chương trình thủ lãnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI). Phan Kim Khánh có nguy cơ lãnh bản án lên đến 12 năm tù.
Trong bối cảnh sắp diễn ra hội nghị thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng (6-11/11/2017), Human Rights Watch kêu gọi các nhà tài trợ cho Việt Nam và các lãnh đạo trong vùng nên yêu cầu Hà Nội phóng thích tất cả các tù nhân chính trị.
Cũng theo Human Rights Watch, trong vòng một năm qua, đã có 28 blogger và nhà hoạt động bị bắt tại Việt Nam vì các tội danh "được diễn giải một cách mơ hồ".
Thụy My
********************
HRW kêu gọi hủy tội danh 'tuyên truyền chống nhà nước' (BBC, 24/10/2017)
Việt Nam cần 'hủy bỏ cáo buộc đối với nhà hoạt động sinh viên' Phan Kim Khánh, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói trong thông cáo ra hôm 24/10/2017.
Chính quyền nói blogger Phan Kim Khánh "hợp tác với đảng Việt Tân" ở hải ngoại, mà Hà Nội liệt vào danh sách tổ chức khủng bố
HRW cũng kêu gọi các nhà cấp viện cho Việt Nam cùng các lãnh đạo trong vùng nêu yêu cầu Việt Nam phóng thích tù chính trị trước khi khai mạc kỳ họp thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương tới đây, theo nội dung thông cáo.
Ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á Châu của HRW nói rằng "tội duy nhất của sinh viên Phan Kim Khánh là đã thể hiện quan điểm chính trị trái ý chính quyền", thông cáo viết.
Ông Phan Kim Khánh, 24 tuổi, sinh viên sắp tốt nghiệp khoa Quốc tế, Đại học Thái Nguyên, bị bắt hồi tháng 3/2017 với cáo buộc "Tuyên truyền chống Nhà nước" theo Điều 88 Bộ luật Hình sự.
Ông Khánh bị cáo buộc thành lập, điều hành hai trang blog từ năm 2015 là 'Báo Tham nhũng' và 'Tuần Việt Nam', bên cạnh việc "mở ba tài khoản trên Facebook và hai tài khoản trên YouTube, liên tục đăng nhiều thông tin có nội dung bịa đặt, xuyên tạc nhằm chống Nhà nước, phần lớn được lấy từ các trang mạng phản động khác", truyền thông trong nước nói.
Năm 2015, ông tham gia một khóa đào tạo do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội tổ chức cho thành viên của Chương trình Thủ lĩnh Trẻ Đông Nam Á (YSEALI).
"Tội danh ngụy tạo tuyên truyền chống nhà nước được thiết kế để dập tắt những tiếng nói ôn hòa phê bình chính quyền Việt Nam", ông Adams nói thêm.
"Việt Nam cần hủy bỏ những điều luật này và chấm dứt đàn áp sinh viên cũng như những người dân thường chỉ vì họ nói về những vấn nạn của đất nước trên Internet".
Theo HRW, hơn 100 nhà hoạt động hiện đang phải thụ án tù vì đã thực thi các quyền cơ bản như tự do ngôn luận, tự do nhóm họp, tự do lập hội và tự do tôn giáo.
Luật sư Hà Huy Sơn (bìa phải) cùng bố mẹ Phan Kim Khánh tại nhà của sinh viên này
'Mong bản án nhẹ'
Ông Khánh dự kiến sẽ ra tòa hôm 25/10 tại Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Nguyên. Nếu bị kết tội, ông có thể phải đối mặt với bản án lên tới 12 năm tù.
Hôm 24/10, trả lời BBC, cô Phan Thị Trang, em gái của ông Khánh, cho hay : "Sáu người trong nhà tôi ngày mai sẽ đi dự phiên tòa và chỉ mong bản án nhẹ cho anh tôi. Từ khi anh Khánh bị bắt đến nay, mỗi tháng bố tôi đều đi thăm nuôi nhưng không được gặp con".
"Những gì anh tôi làm, gia đình đều không hay biết cho đến khi anh ấy bị bắt vì anh ấy rất kín tiếng. Lẽ ra anh Khánh đã tốt nghiệp tháng 7 vừa rồi và đi du học Philippines như dự định mà anh ấy nói với tôi".
"Vì biết cảnh nhà khó khăn, mẹ làm nông, bố phụ hồ, nên anh Khánh có nhắn qua luật sư rằng chỉ cần gửi ít tiền lưu ký vào trại giam hàng tháng thôi".
Luât sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho ông Khánh từ giai đoạn xét xử sơ thẩm, cho biết : "Gia đình Khánh rất nghèo, có lẽ thuộc diện hộ nghèo ở địa phương nhưng Khánh học rất giỏi. Khánh là người rất đáng mến, dễ tiếp xúc, khiêm tốn, ngoan hiền, mọi người, dân làng, thầy cô, bạn bè rất quý mến. Ngôi nhà của gia đình Khánh nằm dưới chân một quả đồi, cơn bão số 10 vừa qua có bị sạt một mảng đồi đất đá đầy sau nhà nhưng may mắn ngôi nhà của gia đình ko bị cuốn trôi. Có lẽ tài sản lớn nhất của gia đình ông Dung bây giờ chính là người con trai, Phan Kim Khánh".
*******************
Hãy hủy cáo buộc đối với sinh viên Phan Kim Khánh (RFA, 24/10/2017)
‘Cần hủy cáo buộc đối với nhà hoạt động sinh viên Phan Kim Khánh và trả tự do ngay cho blogger này’ là kêu gọi mà tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch đưa ra vào ngày 24 tháng 10. Kêu gọi được đưa ra chỉ một hôm trước phiên xử anh này dự kiến diễn ra tại Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Nguyên.
Nhà hoạt động sinh viên Phan Kim Khánh. Courtesy of Phan Kim Khánh's Facebook
Human Rights Watch còn kêu gọi các nhà tài trợ cho Việt Nam và các lãnh đạo trong vùng cần có tuyên bố rõ ràng là sẽ có yêu cầu với Hà Nội phóng thích tất cả những tù chính trị trong nước trước khi diễn ra kỳ họp Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) sắp diễn ra vào tháng 11 tới đây ở Đà Nẵng.
Ông Brad Adams, giám đốc phân Ban Châu Á của Human Rights Watch, nêu rõ lại trong thông cáo báo chí đưa ra ngày 24 tháng 10 rằng tội danh ngụy tạo tuyên truyền chống nhà nước được Việt Nam thiết kế để dập tắt những tiếng nói ôn hòa phê bình chính quyền Việt Nam.
Ông này nói rõ Việt Nam cần hủy bỏ những điều luật như thế và chấm dứt đàn áp sinh viên cũng như những người dân chỉ vì họ nói lên những vấn nạn của đất nước trên mạng Internet.
Luật sư Hà Huy Sơn, người nhận bào chữa cho sinh viên Phan Kim Khánh, cũng đồng quan điểm với tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch trong vấn đề những điều luật bị cho là ngụy tạo của Việt Nam như lời của ông Brad Adams :
"Vào năm 2014, tại cuộc điều trần nhân quyền Việt Nam tại Geneva, tôi nói Việt Nam nên bỏ điều 79, 88 vì mơ hồ khó áp dụng. Thế nhưng trong Bộ Luật Hình sự mới họ vẫn giữ. Đối với ý kiến của HRW thì tôi cho có cơ sở của họ".
Sinh viên Phan Kim Khánh bị bắt vào ngày 21 tháng 3 năm nay với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam’ theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Đây là cáo buộc mà cơ quan chức năng Việt Nam từng buộc cho nhiều nhà đấu tranh trong nước như blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, nhà hoạt động nữ Trần Thị Nga…
Đối với trường hợp sinh viên Phan Kim Khánh, khi cơ quan chức năng bắt giữ anh này, những bằng chứng được nêu ra là các bài viết trên mạng xã hội của Phan Kim Khánh phê phán chính quyền Hà Nội.
Theo cáo buộc của Cơ quan An Ninh Điều Tra thì từ năm 2015, sinh viên Phan Kim Khánh lập ra và điều hành hai blog có tên ‘Báo Tham Nhũng’ và ‘Tuần Việt Nam’. Ngoài ra anh này còn mở ba tài khoản Facebook và hai tài khoản Youtube.
Phỏng vấn Luật sư Hà Huy Sơn về vụ án sinh viên yeu nước Phan Kim Khánh bị 6 năm tù giam vì biểu thị quyền tự do tư tưởng
Trần Quang Thành thực hiện
Nguồn : Tieng DanViet Media, 25/10/2017
Như báo chí đã đưa tin, trong các ngày 17 và 21/3/2017, Cơ quan An ninh điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh và Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện lệnh bắt, khám xét khẩn cấp đối với hai đối tượng là sinh viên Đại học Thái Nguyên, Phan Kim Khánh và ông Bùi Hiếu Võ (Thành phố Hồ Chí Minh) để điều tra về tội "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", theo Điều 88 Bộ luật Hình sự.
Cơ quan An ninh điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh và Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp hai đối tượng là sinh viên Phan Kim Khánh và ông Bùi Hiếu Võ
Mới nhất là hôm 24/3, công an quận 12 của Thành phố Hồ Chí Minh đã ra lệnh bắt Nguyễn Hữu Đăng, 34 tuổi, về tội danh tuyên truyền chống nhà nước. Ông Đăng có tài khoản trên Facebook với tên Đăng Solomon. Như vậy là trong một tuần chính quyền Việt Nam đã bắt giữ 3 người liên quan đến tội danh "tuyên truyền chống nhà nước".
Đặc điểm nổi bật nhất của ba người vừa bị bắt đó là họ không quá nổi tiếng trên mạng xã hội cũng như trong đời thường. Nếu không bị bắt thì cũng không mấy ai biết đến họ.
Đặc điểm nổi bật thứ hai là trường hợp sinh viên Phan Kim Khánh của Đại học Thái Nguyên vừa mới 24 tuổi. Theo lời buộc tội của báo chí Việt Nam thì :
Từ cuối năm 2015 đến nay, Phan Kim Khánh lập và quản trị 2 blog lấy tên là "Báo Tham nhũng" và "Tuần Việt Nam" ; 3 trang trên mạng xã hội facebook lấy tên là "Báo Tham Nhũng", "Tuần Báo Việt Nam" và "Dân chủ TV" ; 2 kênh trên mạng xã hội YouTube lấy tên là "Việt Báo TV" và "Việt Nam online" liên tục đăng nhiều thông tin có nội dung bịa đặt, xuyên tạc nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phần lớn được lấy từ các trang mạng phản động khác.
Đúng là Khánh không hề chống đối chính quyền và đảng cộng sản mà chỉ muốn "chống tham nhũng", tức là chống "giặc nội xâm" như lời ông Nguyễn Phú Trọng từng nói. Khánh chỉ sưu tầm và đăng lại những bài viết liên quan đến tham nhũng và chống tham nhũng. Việc Khánh liên lạc với ông Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) là quyền tự do chính đáng của mỗi người, không có điều luật nào cấm một công dân Việt Nam trao đổi và liên lạc với một công dân Việt Nam khác đang sống tại Mỹ. Việc chụp mũ Khánh liên lạc và tham gia Việt Tân cũng là bịa đặt vì Khánh từng chia sẻ là chưa có ý định tham gia vào một tổ chức chính trị nào.
Đây là lần đầu tiên chính quyền cộng sản bắt giữ một sinh viên không biểu tình, cũng không rải truyền đơn hay tham gia một tổ chức nào
Trường hợp của Phan Kim Khánh đáng lưu ý ở chỗ đây là lần đầu tiên chính quyền cộng sản bắt giữ một sinh viên không biểu tình, cũng không rải truyền đơn hay tham gia một tổ chức nào (ngoài Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh). Khánh chỉ phát biểu một cách ôn hòa trên mạng. Hơn nữa Khánh cũng không tỏ ra chống nhà nước cộng sản mà chỉ muốn chống tham nhũng.
Theo chúng tôi thì có ít nhất bốn điều đáng chú ý trong vụ bắt giữ Phan Kim Khánh.
1. Đảng cộng sản đã mở rộng phạm vi đàn áp ra những thanh niên và sinh viên sử dụng mạng xã hội dù họ rất ôn hòa. Như vậy, sau Khánh sẽ còn nhiều thanh niên và sinh viên khác sẽ bị bắt, tuy nhiên những thanh niên trẻ và có nhiệt huyết như Khánh rất nhiều, làm sao chính quyền cộng sản có thể bắt hết được những thanh niên ưu tư với đất nước, với tương lai của chính họ ? Chẳng lẽ chính quyền muốn dùng biện pháp mạnh nhằm hù dọa và trấn áp tuổi trẻ để tránh lây lan những suy nghĩ và tư duy tiến bộ trong thanh niên và sinh viên ?
2. Chính quyền cộng sản đã xem các bạn thanh niên, sinh viên trẻ có tâm huyết với đất nước như một thế lực thù địch. Trong chiều sâu đây là một tâm lý tuyệt vọng. Khi một chế độ thấy mình là kẻ thù của tuổi trẻ là tự nó đã thấy mình không có tương lai. Một chế độ đàn áp tuổi trẻ không khác một con thú ăn thịt con mình. Tuổi trẻ là tương lai, không một chế độ nào bách hại tuổi trẻ mà có thể tồn tại. Khi giới thanh niên và sinh viên nhập cuộc thì mọi chế độ độc tài sẽ cáo chung.
3. Sinh viên Phan Kim Khánh là điển hình của thế hệ mới, là mẫu người trẻ tuổi đáng quý của đất nước. Học giỏi, thông minh, yêu nước, năng động, có suy tư độc lập và đúng đắn. Một người như Khánh không thể nào là "kẻ thù" của bất cứ chế độ nào. Để Khánh dừng các hoạt động của mình không khó, công an chỉ cần triệu tập Khánh và dùng các mối quan hệ như bạn bè, gia đình là có thể gây áp lực buộc Khánh im lặng. Có thể chính sự vô tư và trong sáng của Khánh đã khiến chính quyền phải ra tay một cách tàn nhẫn như vậy.
4. Qua việc bắt Khánh, chính quyền Việt Nam muốn chuyển tải một thông điệp rất rõ ràng đến mọi người dân Việt Nam rằng "chống tham nhũng tức là chống đảng". Rõ ràng là chỉ có các đảng viên có chức có quyền mới có thể tham nhũng chứ người dân bình thường làm sao có thể tham nhũng ? Chúng ta không nên quên trường hợp ông Trần Minh Lợi, người "nổi tiếng chống tham nhũng" tại Tây Nguyên với trang facebook "Diệt giặc nội xâm" vừa bị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đăk Nông đề nghị bản án 5-6 năm tù vì tội danh "đưa hối lộ".
Trước sự chia rẽ và mục ruỗng ngày càng lớn trong nội bộ, đảng cộng sản càng điên cuồng chống lại bất cứ một biểu hiện nào mang tính "đối lập" để nhằm "đoàn kết nội bộ" bên trong. Phong trào dân chủ Việt Nam đang bị tấn công dữ dội, tất cả những bloggers có chút tên tuổi đều bị bôi nhọ, xúc phạm, chia rẽ bởi hệ thống dư luận viên và báo chí đảng, trong đó có cả những tổ chức ôn hòa như Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Nhiều cá nhân bị tấn công dã man như trường hợp ông Nguyễn Trung Tôn (Hội Anh Em Dân Chủ) hay các linh mục công giáo miền Trung.
Các thông tin thuộc dạng "bí mật nội bộ đảng" liên tục được tung ra trong thời gian qua để tố cáo các vị lãnh đạo cao cấp trong đảng như Nguyễn Xuân Phúc hay Nguyễn Phú Trọng là nhằm mục đích phục vụ cho việc đấu đá nội bộ trước thềm Hội nghị trung ương 5. Hội nghị này khá quan trọng vì có thể ông Trọng phải về vườn và cán cân quyền lực trong đảng đang không biết nghiêng về phe nhóm lợi ích nào. Cuộc chiến trong nội bộ đảng ngày càng gay gắt và không khoan nhượng. Trí thức Việt Nam thay vì đoàn kết để ủng hộ và hậu thuẫn cho các tổ chức chính trị dân chủ, làm tác nhân thay đổi lịch sử thì lại bàng quang và thích thú làm khán giả để theo dõi cuộc thư hùng giữa các phe nhóm trong nội bộ đảng.
Lịch sử Việt Nam thời Mạc Đăng Dung đang tái diễn, sĩ phu (trí thức) và người dân Việt Nam đã bàng quang khi nhà Mạc lật đổ nhà Lê, rồi thờ ơ nhìn vua Lê chúa Trịnh lập lên phế xuống, nhìn Tây Sơn đi ra đi vào, hết giết Nguyễn Hữu Chỉnh đến Vũ Văn Nhậm, nhìn Gia Long lên ngôi ở Huế, nhìn vài lính Pháp hạ hết thành này đến thành khác với hàng vạn lính, những dũng tướng như Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu... Dân Việt Nam cũng thờ ơ nhìn Việt Minh "cướp chính quyền" năm 1945, nhìn "tiếp quản thủ đô" năm 1954, nhìn "giải phóng miền Nam" năm 1975 và tiếp tục thờ ơ khi nhìn chính quyền cướp đất và biến hàng triệu người nông dân thành dân oan, nhìn hàng vạn người dân miền Trung bị khốn khó vì thảm họa Formosa và vẫn đang thờ ơ nhìn ông "hồng vệ binh" Đoàn Ngọc Hải, phó chủ tịch quận 1 dẫn quân đi đập phá vỉa hè Sài Gòn...
Với một xã hội bàng quang và thờ ơ với đất nước như vậy thì những bạn trẻ có tấm lòng và ưu tư với đất nước như Phan Kim Khánh quả thật là đáng quí và đáng trân trọng.
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên phản đối chính quyền Việt Nam bắt giữ Phan Kim Khánh, chúng tôi yêu cầu chính quyền Việt Nam phóng thích vô điều kiện sinh viên Pham Kim Khánh. Chúng tôi sẽ tiếp tục quan tâm và theo dõi trường hợp của Khánh cho đến ngày Khánh được trả tự do. Chúng tôi cũng mong muốn dư luận Việt Nam dành cho Khánh và những người vừa bị bắt giữ một sự quan tâm cần thiết và đầy đủ.
Việt Hoàng
(26/03/2017)