Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trường Đại học Thủ Dầu Một thuộc tỉnh Bình Dương, vừa bị Kiểm toán Nhà nước phát hiện đã thu sai quy định của sinh viên số tiền hơn 37 tỷ đồng.

hocphi1

Trường Đại học Thủ Dầu Một thuộc tỉnh Bình Dương. Courtesy daibieunhandan.vn

Cụ thể theo cơ quan Kiểm toán Nhà nước, năm học 2020-2021 và 2021-2022, Trường Đại học Thủ Dầu Một chưa tự chủ tài chính, do đó mức thu học phí được thực hiện theo quy định của nhà nước là Nghị định số 86/2015/ của Chính phủ và Quyết định số 28/2016 của UBND tỉnh Bình Dương.

Nhưng trường này lại thu học phí của các tín chỉ thực hành cao hơn 1,5 lần so với tín chỉ lý thuyết. Giải thích với cơ quan Kiểm toán, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một cho biết, việc thu như vậy là do phần thực hành tiêu hao nhiều vật tư, thiết bị thực hành… kinh phí rất cao.

Tuy nhiên theo báo nhà nước, trường này không trả lại tiền thu lố cho sinh viên mà nộp vào ngân sách nhà nước.

Trao đổi với RFA liên quan vấn đề này hôm 18/10, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng, một chuyên gia về ngôn ngữ học, từng giảng dạy nhiều năm tại trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, đưa ra nhận định :

"Đứng về mặt luật như thế là sai, không phải làm sai rồi nộp cho nhà nước sau khi bị phát hiện là không sai, ngay cả nộp khi chưa phát hiện gì cả cũng không đúng. Bởi vì thu của người ta sai thì phải trả lại cho người ta. Tuy nói vậy nhưng thực tế không dễ mà trả lại, bởi vì nhiều sinh viên đã bị thu lố và đã ra trường rồi, bây giờ làm sao mà liên hệ trả lại là cực khó. Phải khẳng định rằng điều đó không đúng, ngay cả khi trả lại cũng không đúng. Do đó nhà nước trong chuyện này phải có kỷ luật hẳn hoi".

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng, đây không phải là trường tư để thu học phí theo ý mình, học phí ở đây phải nhiều cấp duyệt, do đó đứng về mặt luật, chỉ được thu trong phạm vi mà cấp trên duyệt thôi. Ông Dũng nói tiếp :

"Về mặt nhà nước thật ra rất nghiêm ngặt, thu học phí bao nhiêu tiền, ngành nào bao nhiêu, ngành nào thì không thu... tất cả những cái đó có văn bản chặt chẽ. Tuy nhiên trên thực tế vẫn xảy ra chuyện lạm thu, như vậy có vấn đề về mặt quản lý. Khi thu học phí như thế nào mà Bộ duyệt thì bắt buộc phải công khai với sinh viên, khi nhập học sinh viên hoàn toàn có thể kiểm tra được. Như vậy khó xảy ra chuyện thu lố, vì sinh viên sẽ phát hiện ngay và phản ứng".

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng cho rằng, vấn đề đặt ra là tại sao nghiêm ngặt mà vẫn xảy ra tình trạng thu lố, đó là vấn đề quản lý.

Còn Thầy giáo Đỗ Việt Khoa - giáo viên trường Trung học Phổ thông Thường Tín - Hà Nội, khi trả lời RFA hôm 18/10/2024 cho rằng như vậy là vô lý :

"Người bình thường ai cũng thấy là vô lý, thu sai của sinh viên thì phải thu hồi trả lại sinh viên đó. Đâu phải tiền tham nhũng, đâu phải tiền ở trên trời rơi xuống... mà đó là tiền túi của sinh viên xin của bố mẹ, tôi không hiểu vì sao các cán bộ này có suy nghĩ đã nộp vào ngân sách thì không lấy lại được ? Ngân sách cũng chỉ là kho giữ tiền hộ, còn tiền không phải tiền của nhà nước, tiền đó của sinh viên thì phải trả lại cho cha mẹ các cháu".

hocphi2

Hình ảnh cô và trò ngày khai giảng năm học mới tại 1 trường học ở Hà Nội. AFP.

Theo Thầy Đỗ Việt Khoa, việc đầu tiên là cơ quan chức năng phải cách chức, khai trừ đảng, kỷ luật hiệu trưởng thật nghiêm khắc. Thầy Khoa nói tiếp :

"Trong trường hợp này, thậm chí phải truy tố trước pháp luật, thu tiền sai vài chục tỷ đồng như thế đó là tội lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tiền của người khác. Cái này pháp luật có quy định hẳn hoi. Tuy nhiên lâu nay ở Việt Nam người ta coi nó như chuyện vặt, người ta không khởi tố. Và do đó các lãnh đạo các trường, các hiệu trưởng cũng bắt chước nhau thu trái phép như thế. Có thể nói số đông các trường, từ đại học đến phổ thông, đều dính vào chuyện đó và pháp luật gần như bị giẫm lên. Vì vậy căn bệnh này được dung túng, được bao che thì nó ngày càng bùng phát".

Theo Thầy Khoa, hiện nay từ trẻ mầm non cho đến sinh viên các trường đại học đều bị lạm thu. Thầy Khoa cho rằng tội lỗi đầu tiên thuộc về các nhà quản lý giáo dục, sau đó là sự không nghiêm khắc thực hiện các quy định của pháp luật, hiến pháp trong việc khởi tố, để xử lý triệt để tệ nạn này.

Đài Á Châu Tự do hôm 18 tháng 10 nhiều lần liên lạc Trường Đại học Thủ Dầu Một, nhưng không nhận được phản hồi.

Tiến sĩ Đoàn Ngọc Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một, khi trả lời báo nhà nước hôm 15/10 xác nhận thông tin vừa nêu và cho biết hiện toàn bộ số tiền thu vượt nhà trường đã nộp ngân sách theo đúng kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

Trong khi đó cũng theo báo nhà nước, cơ quan Kiểm toán Nhà nước lại cho biết đã có công văn yêu cầu Trường Đại học Thủ Dầu Một hoàn trả cho sinh viên, trường hợp không hoàn trả được thì nộp ngân sách số học phí đã thu vượt mức quy định.

Trả lời RFA từ Hoa Kỳ hôm 18/10, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho RFA biết ý kiến :

"Về phương diện pháp lý, khoản thu học phí thừa của sinh viên là tài sản hợp pháp của sinh viên. Trường có nghĩa vụ hoàn trả lại đầy đủ cho họ.

Kiểm toán nhà nước có công văn yêu cầu Trường Đại học Thủ Dầu Một nộp ngân sách đối với khoản học phí đã thu thừa mà không hoàn trả được cho sinh viên là yêu cầu hoàn toàn bất hợp pháp, vượt quá thẩm quyền và chức năng của cơ quan kiểm toán".

Theo Luật sư Mạnh, đúng ra nhà trường nên có cách xử lý khác và nhà nước cũng cần trả lại khoản ngân sách thu sai này :

"Lẽ ra nhà trường phải hiểu vấn đề này để có hành xử cho đúng và hợp pháp. Nhưng dù kiểm toán có yêu cầu sai đi chăng nữa, thì nhà trường, với tư cách là người nộp tiền vào ngân sách, làm mất đi tài sản hợp pháp của sinh viên, nên vẫn phải chịu trách nhiệm chính đối với khoản tiền phải hoàn trả cho sinh viên"

Song song đó theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, ngân sách Nhà nước cũng phải hoàn trả lại nhà trường khoản tiền thu ngân sách không đúng quy định.

Nguồn : RFA, 18/10/2024

Additional Info

  • Author RFA tiếng Việt
Published in Việt Nam

Học phí đại học ở trường công cũng cao chót vót

Hoài Nguyễn, VNTB, 06/08/2022

Đầu tháng 8/2022, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh công bố điểm sàn xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông kèm thông báo về mức học phí áp dụng cho khóa 47 (tuyển sinh năm 2022) cùng lộ trình tăng học phí tới năm học 2025 – 2026.

hocphi01

Từ năm học 2022-2023, học phí Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh có mức cao nhất 765,9 triệu đồng một khóa.

hocphi1

Học phí các Đại học khác

Theo đó, sinh viên nhập học năm 2022 – 2023 các ngành Luật, Luật thương mại quốc tế, Quản trị kinh doanh (hệ đại trà) nộp học phí thấp nhất là 151 triệu đồng cho cả khóa học kéo dài bốn năm. Hệ đại trà của những ngành còn lại ở mức 179 đến 204,7 triệu đồng. Trong khi đó, ngành Luật (hệ chất lượng cao, giảng dạy bằng tiếng Anh) có học phí cao nhất là 765,9 triệu đồng cho cả khóa.

Theo lý giải của trường, mức học phí áp dụng từ năm học tới được trường xây dựng theo khung mới, Nghị định 81/2021 của Chính phủ. Năm ngoái, trường không tăng học phí so với năm 2020-2021 để chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính với phụ huynh, sinh viên do ảnh hưởng của Covid-19, các đợt thiên tai bão lũ ở nhiều địa phương.

Người đứng đầu trường này giải thích sở dĩ có mức học phí trên vì Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh là trường công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ hoàn toàn, nên học phí của người học được nhà trường xây dựng theo nguyên tắc từng bước tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo. Mức học phí được đưa ra nhằm đảo bảo đủ nguồn lực, nhanh chóng đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo, tiếp cận nền giáo dục đại học của các nước phát triển trong khu vực.

Nhân danh tự chủ đại học để xây dựng khung học phí cao đến ngỡ ngàng như vậy quả là điều rất cần xem xét lại, bao gồm cả nội dung gọi là từ Nghị định 81/2021 của Chính phủ do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký ban hành.

Ông Lê Trường Tùng – chủ tịch hội đồng Trường Đại học FPT cho rằng với một nền tảng nguồn lực dựa trên sự đóng góp của người học như vậy thì nền giáo dục này sẽ như thế nào và đi về đâu ? Bởi chưa có một nền giáo dục đại học nào thành công theo mô hình tự chủ của tự túc vậy cả.

Theo ông Lê Trường Tùng, mặc dù có thể vẫn thực hiện lộ trình tự chủ gắn với lộ trình tăng học phí trường công như hiện nay, nhưng vẫn không thể tăng học phí quá nhiều. Ông cho hay ở những nền giáo dục đại học phát triển lành mạnh, tài chính của trường đại học phải bao gồm từ nhiều nguồn, trong đó từ người học (tự đóng hoặc vay tín dụng) thường chiếm tỷ lệ nhỏ hơn các nguồn khác cộng lại. Các nguồn này chủ yếu là từ ngân sách nhà nước.

Tự chủ tài chính hay xã hội hóa là hướng đi tất yếu và cần thiết nhưng cũng như các ngành khác, ở Việt Nam cụm từ này luôn đồng nghĩa với việc thu phí thật nhiều, thật cao còn chất lượng hay làm cách nào đó để người nghèo có cơ hội tiếp cận dễ hơn thì luôn đi sau hàng dặm.

"Trước mắt, đề nghị Chính phủ xem xét các cơ sở giáo dục đại học như một dạng cơ sở sự nghiệp công lập đặc thù, không gắn việc tự chủ của trường với mức độ tự chủ tài chính. Với trường tư, việc hưởng ưu đãi xã hội hóa về thuế và đất nên là mặc định khi là trường đại học, không gắn việc ưu đãi với việc phải đáp ứng các tiêu chí tiêu chuẩn như hiện nay.

Về quản trị, hiện nay có không ít rào cản. Hành lang pháp lý trong cơ chế tự chủ đại học dù đã từng bước chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, giao việc tự quyết về tuyển sinh, mở ngành, liên kết cho các trường nhưng vẫn vướng một bất cập cơ bản, đó là yêu cầu "chất lượng đi trước".

Trong các quy định về mở ngành và đăng ký chỉ tiêu đào tạo đại học hiện nay đều quy định phải có trước cơ sở vật chất và lực lượng giảng viên. Trường phải chuẩn bị trước tất cả những gì cần thiết để chuẩn bị tuyển sinh như đội ngũ giáo viên phải chuẩn bị đủ từ ngày 31-12 năm trước để đưa vào đề án tuyển sinh, mặc dù còn 9 -10 tháng nữa mới bắt đầu năm học mới.

Điều này gây tốn kém khi phải chi phí cho lực lượng giảng viên và cơ sở vật chất chưa dùng tới, cuối cùng thì các chi phí lãng phí này cũng tính hết vào học phí của người học. Đề nghị thay đổi các chính sách "chất lượng đi trước" bằng chính sách "chất lượng trong quá trình".

Một bất cập nữa là điều kiện để được tự chủ. Theo quy định hiện nay, trường đại học khi có vi phạm là mất quyền tự chủ một số hoạt động trong 5 năm. Thời gian 5 năm là một nhiệm kỳ của hiệu trưởng.

Đề nghị các cơ quan chức năng xem xét lại điều này, điều chỉnh thời hạn phạt tương ứng với thời hiệu vi phạm hành chính (1 năm). Cũng cần sửa đổi các quy định để thực hiện quy tắc mỗi hành vi vi phạm chỉ xử phạt một lần – không vừa xử phạt hành chính theo nghị định của Chính phủ vừa hạn chế tự chủ hoặc không được hưởng các chính sách ưu đãi xã hội hóa theo các quy định khác.

Tự chủ giáo dục đại học cần mang lại lợi ích cho cả 3 đối tượng – người học, các trường đại học và cơ quan quản lý nhà nước – và bao trùm lên là lợi ích xã hội. Khi đánh giá tự chủ đại học cần quan tâm đến cả 3 đối tượng này, không để tình trạng với người học là đóng học phí nhiều hơn, với cơ quan quản lý nhà nước thì dường như tự chủ đại học là mất quyền kiểm soát, còn với trường đại học thì tự chủ dường như là phải tự túc" – ông Lê Trường Tùng đưa ra hàng loạt vấn đề phản biện trong cách quản lý của Nhà nước lâu nay về chuyện "đại học tự chủ".

Hoài Nguyễn

Nguồn : VNTB, 06/08/2022

Additional Info

  • Author Hoài Nguyễn
Published in Diễn đàn