Học phí đại học ở trường công cũng cao chót vót
Hoài Nguyễn, VNTB, 06/08/2022
Đầu tháng 8/2022, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh công bố điểm sàn xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông kèm thông báo về mức học phí áp dụng cho khóa 47 (tuyển sinh năm 2022) cùng lộ trình tăng học phí tới năm học 2025 – 2026.
Từ năm học 2022-2023, học phí Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh có mức cao nhất 765,9 triệu đồng một khóa.
Học phí các Đại học khác
Theo đó, sinh viên nhập học năm 2022 – 2023 các ngành Luật, Luật thương mại quốc tế, Quản trị kinh doanh (hệ đại trà) nộp học phí thấp nhất là 151 triệu đồng cho cả khóa học kéo dài bốn năm. Hệ đại trà của những ngành còn lại ở mức 179 đến 204,7 triệu đồng. Trong khi đó, ngành Luật (hệ chất lượng cao, giảng dạy bằng tiếng Anh) có học phí cao nhất là 765,9 triệu đồng cho cả khóa.
Theo lý giải của trường, mức học phí áp dụng từ năm học tới được trường xây dựng theo khung mới, Nghị định 81/2021 của Chính phủ. Năm ngoái, trường không tăng học phí so với năm 2020-2021 để chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính với phụ huynh, sinh viên do ảnh hưởng của Covid-19, các đợt thiên tai bão lũ ở nhiều địa phương.
Người đứng đầu trường này giải thích sở dĩ có mức học phí trên vì Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh là trường công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ hoàn toàn, nên học phí của người học được nhà trường xây dựng theo nguyên tắc từng bước tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo. Mức học phí được đưa ra nhằm đảo bảo đủ nguồn lực, nhanh chóng đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo, tiếp cận nền giáo dục đại học của các nước phát triển trong khu vực.
Nhân danh tự chủ đại học để xây dựng khung học phí cao đến ngỡ ngàng như vậy quả là điều rất cần xem xét lại, bao gồm cả nội dung gọi là từ Nghị định 81/2021 của Chính phủ do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký ban hành.
Ông Lê Trường Tùng – chủ tịch hội đồng Trường Đại học FPT cho rằng với một nền tảng nguồn lực dựa trên sự đóng góp của người học như vậy thì nền giáo dục này sẽ như thế nào và đi về đâu ? Bởi chưa có một nền giáo dục đại học nào thành công theo mô hình tự chủ của tự túc vậy cả.
Theo ông Lê Trường Tùng, mặc dù có thể vẫn thực hiện lộ trình tự chủ gắn với lộ trình tăng học phí trường công như hiện nay, nhưng vẫn không thể tăng học phí quá nhiều. Ông cho hay ở những nền giáo dục đại học phát triển lành mạnh, tài chính của trường đại học phải bao gồm từ nhiều nguồn, trong đó từ người học (tự đóng hoặc vay tín dụng) thường chiếm tỷ lệ nhỏ hơn các nguồn khác cộng lại. Các nguồn này chủ yếu là từ ngân sách nhà nước.
Tự chủ tài chính hay xã hội hóa là hướng đi tất yếu và cần thiết nhưng cũng như các ngành khác, ở Việt Nam cụm từ này luôn đồng nghĩa với việc thu phí thật nhiều, thật cao còn chất lượng hay làm cách nào đó để người nghèo có cơ hội tiếp cận dễ hơn thì luôn đi sau hàng dặm.
"Trước mắt, đề nghị Chính phủ xem xét các cơ sở giáo dục đại học như một dạng cơ sở sự nghiệp công lập đặc thù, không gắn việc tự chủ của trường với mức độ tự chủ tài chính. Với trường tư, việc hưởng ưu đãi xã hội hóa về thuế và đất nên là mặc định khi là trường đại học, không gắn việc ưu đãi với việc phải đáp ứng các tiêu chí tiêu chuẩn như hiện nay.
Về quản trị, hiện nay có không ít rào cản. Hành lang pháp lý trong cơ chế tự chủ đại học dù đã từng bước chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, giao việc tự quyết về tuyển sinh, mở ngành, liên kết cho các trường nhưng vẫn vướng một bất cập cơ bản, đó là yêu cầu "chất lượng đi trước".
Trong các quy định về mở ngành và đăng ký chỉ tiêu đào tạo đại học hiện nay đều quy định phải có trước cơ sở vật chất và lực lượng giảng viên. Trường phải chuẩn bị trước tất cả những gì cần thiết để chuẩn bị tuyển sinh như đội ngũ giáo viên phải chuẩn bị đủ từ ngày 31-12 năm trước để đưa vào đề án tuyển sinh, mặc dù còn 9 -10 tháng nữa mới bắt đầu năm học mới.
Điều này gây tốn kém khi phải chi phí cho lực lượng giảng viên và cơ sở vật chất chưa dùng tới, cuối cùng thì các chi phí lãng phí này cũng tính hết vào học phí của người học. Đề nghị thay đổi các chính sách "chất lượng đi trước" bằng chính sách "chất lượng trong quá trình".
Một bất cập nữa là điều kiện để được tự chủ. Theo quy định hiện nay, trường đại học khi có vi phạm là mất quyền tự chủ một số hoạt động trong 5 năm. Thời gian 5 năm là một nhiệm kỳ của hiệu trưởng.
Đề nghị các cơ quan chức năng xem xét lại điều này, điều chỉnh thời hạn phạt tương ứng với thời hiệu vi phạm hành chính (1 năm). Cũng cần sửa đổi các quy định để thực hiện quy tắc mỗi hành vi vi phạm chỉ xử phạt một lần – không vừa xử phạt hành chính theo nghị định của Chính phủ vừa hạn chế tự chủ hoặc không được hưởng các chính sách ưu đãi xã hội hóa theo các quy định khác.
Tự chủ giáo dục đại học cần mang lại lợi ích cho cả 3 đối tượng – người học, các trường đại học và cơ quan quản lý nhà nước – và bao trùm lên là lợi ích xã hội. Khi đánh giá tự chủ đại học cần quan tâm đến cả 3 đối tượng này, không để tình trạng với người học là đóng học phí nhiều hơn, với cơ quan quản lý nhà nước thì dường như tự chủ đại học là mất quyền kiểm soát, còn với trường đại học thì tự chủ dường như là phải tự túc" – ông Lê Trường Tùng đưa ra hàng loạt vấn đề phản biện trong cách quản lý của Nhà nước lâu nay về chuyện "đại học tự chủ".
Hoài Nguyễn
Nguồn : VNTB, 06/08/2022