Những điều cần biết về vấn đề Đài Loan - Trung Quốc
Anh Vũ, RFI, 0 6 /08/2022
Đảo Đài Loan từ nhiều năm nay vẫn sống dưới những sức ép và đe dọa quân sự thường trực của Bắc Kinh. Vài ngày qua, kể từ khi chủ tịch hạ Viện Mỹ đặt chân tới Đài Bắc hôm 02/08/2022, hòn đảo này thực sự ở trong không khí chiến tranh cận kề, với những phản ứng quân sự dữ dội của Bắc Kinh được cho là để phản đối chuyến thăm Đài Loan của bà Nancy Pelosi.
Ảnh do Tân Hoa Xã phổ biến : Các chiến đấu cơ Trung Quốc cất cánh tham gia cuộc tập trận ngoài khơi đảo Đài Loan, ngày 04/08/2022, sau chuyến thăm Đài Bắc của chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi. AP - Fu Gan
Những câu hỏi xung quanh vấn đề Đài Loan, Trung Quốc và Mỹ :
Tại sao Trung Quốc lại đòi hỏi chủ quyền đảo Đài Loan ?
Đài Loan là một vùng lãnh thổ hải đảo có diện tích khoảng 36 nghìn km2, nằm ở ngoài khơi phía nam Trung Quốc, giữa Thái Bình Dương. Hòn đảo thuộc lãnh thổ của Trung Quốc từ cuối thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 19. Tiếp đó vùng đảo này bị người Nhật chiếm giữ cai quản cho đến khi bại trận trong Thế chiến thứ 2. Đài Loan trở lại thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Vào thời điểm đó, tại Trung Quốc diễn ra cuộc nội chiến giữa lực lượng của Đảng cộng sản do Mao Trạch Đông lãnh đạo và lực lượng Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới thạch.
Năm 1949, Quốc Dân Đảng bị cộng sản Trung Quốc đánh bại. Chính phủ dân tộc chủ nghĩa của Trung Hoa Dân Quốc rút về đảo Đài Loan. Trong khi đó tại Trung Hoa lục địa, những người cộng sản thành lập nước Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa.
Từ đó đến giờ, hai chế độ Đài Bắc và Bắc Kinh với thể chế chính trị riêng và cơ cấu của một nhà nước thực thụ, tồn tại song song độc lập với nhau. Đài Loan theo thể chế tự do, dân chủ nhanh chóng phát triển nền kinh tế phồn thịnh. Trong khi đó, Trung Quốc trong suốt nhiều thập kỷ sống tù túng nghèo khổ trong chủ nghĩa cộng sản, cho đến khi có chủ trương mở cửa ra thế giới từ thập niên 1980 mới bắt đầu phát triển kinh tế hùng mạnh như bây giờ.
Cho dù chế độ Trung Quốc lục địa cho rằng Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc, nhưng chính quyền Đài Loan chưa bao giờ chấp nhận. Năm 2016, Bà Thái Anh Văn, một người chủ trương độc lập cho Đài Loan thuộc đảng Dân Tiến lên làm tổng thống Đài Loan với 56% phiếu bầu của người dân.
Ở Bắc Kinh, quyết tâm "thống nhất" Đài Loan ngày càng mãnh liệt hơn khi Trung Quốc bắt đầu có được sự phát triển kinh tế mạnh mẽ, trở thành cường quốc trên thế giới, đặc biệt từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền ở Trung Quốc từ 2012.
Cộng đồng quốc tế nhìn nhận thế nào về quy chế của Đài Loan ?
Vì những nét đặc thù lịch sử để lại, quy chế của Đài Loan có thể gọi là lưỡng tính. Chưa bao giờ Đài Loan tuyên bố chính thức độc lập. Nhưng trên thực tế, Đài Loan xây dựng thể chế cộng hòa, có một chính phủ dân chủ riêng, có quân đội, hệ thống hành chính, ngoại giao tiền tệ hoàn toàn độc lập.
Trước quy chế như vậy, chỉ có 15 quốc gia trên thế giới chính thức ông nhận Trung Hoa Dân Quốc và duy trì quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, điều mà Bắc Kinh không chấp nhận và luôn tìm mọi cách gây áp lực, ngăn cản. Từ năm 1971, Đài Loan không còn được hiện diện như là thành viên Liên Hiệp Quốc, thay vào vị trí đó là Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa.
Tuy nhiên Đài Loan vẫn có một mạng lưới ngoại giao thực sự với 110 cơ quan ngoại giao có mặt tại 75 quốc gia, theo thống kê của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Pháp. Lấy thí dụ như tại Pháp chính phủ Đài Loan có Văn phòng đại diện Đài Bắc, ngược lại, Paris cũng đặt một văn phòng đại diện tại Đài Bắc. Tuy nhiên các cơ quan này không bao giờ được gọi là đại sứ quán, cũng như lấy tên gọi Đài Loan, do các đòi hỏi của Bắc Kinh.
Tại sao Hoa Kỳ quan tâm nhiều đến quan hệ và độc lập cho Đài Loan ?
Sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc năm 1971, Hoa Kỳ công nhận Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa và không duy trì các quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan. Tuy nhiên Washington không từ chối cung cấp vũ khí giúp đảo Đài Loan bảo đảm phòng thủ. Mức độ quan tâm của Hoa Kỳ đối với Đài Loan lên xuống tùy theo các đe dọa của Trung Quốc với hòn đảo và đặc biệt tùy theo chỉ dấu quan hệ Washington - Bắc Kinh.
Trước những đe dọa của Trung Quốc ngày càng lớn đối với Đài Loan, hôm 21/10/2021, tổng thống Joe Biden đã tuyên bố Hoa Kỳ kiên quyết bảo vệ hòn đảo bằng quân sự nếu Trung Quốc dùng vũ lực để thôn tính đảo.
Thực ra, lập trường chính thức của Hoa Kỳ về vấn đề Đài Loan là một lập trường "mập mờ chiến lược" như cách nói của giới quan sát. Tức là Mỹ cung cấp vũ khí cho Đài Loan nhưng không công nhận nền độc lập của hòn đào, đồng thời cam kết sẵn sàng can thiệp quân sự để bảo vệ hòn đảo.
Hoa Kỳ như vậy cho thấy vẫn giữ thận trọng với Trung Quốc vì một sự hậu thuẫn chính thức của Washington cho Đài Bắc sẽ làm quan hệ với Bắc Kinh thêm căng thẳng. Nhưng đồng thời Washington vẫn giữ Đài Loan như là một chi tiết trong chiến lược đối đầu với Trung Quốc.
Đài Loan bị Trung Quốc đe dọa thế nào ?
Các ý đồ sáp nhập sáp nhập Đài Loan vào Trung Quốc chưa bao giờ mất đi mà trái lại ngày càng được thôi thúc mạnh mẽ hơn. "Giải quyết vấn đề Đài Loan và thực hiện thống nhất hoàn toàn tổ quốc là sứ mệnh lịch sử không suy suyển của Đảng cộng sản Trung Quốc và là nguyên vọng của nhân dân Trung Quốc", ông Tập Cận Bình, một lãnh đạo có đầu óc dân tộc chủ nghĩa nhất kể từ sau Mao Trạch Đông, hồi năm ngoái đã tuyên bố.
Bắc Kinh luôn khẳng định hy vọng thống nhất trong hòa bình, đưa Đài Loan trở về với Hoa lục không phải nổ súng. Thế nhưng kịch bản một cuộc xâm lược quân sự vẫn được đặt lên bàn. Chính quyền Đài Loan và Mỹ cũng đã tiên liệu một cuộc can thiệp quân sự của Trung Quốc vào Đài Loan là có thể xảy ra.
Giờ đây Đài Loan có thể được coi như là mối xung khắc duy nhất có thể dẫn tới đối đầu quân sự Mỹ - Trung. Vấn đề còn lại là để xem một cuộc xung đột như vậy liệu có thể xảy ra hay không, khi mà giờ đây phương Tây, Trung Quốc và Đài Loan đều lệ thuộc rẩt lớn vào nhau về mặt kinh tế.
Anh Vũ
Nguồn : RFI, 06/08/2022
*************************
Máy bay, tàu chiến Trung Quốc tập trận mô phỏng tấn công Đài Loan
Reuters, VOA, 06/08/2022
Các giới chức Đài Loan cho biết máy bay và tàu chiến Trung Quốc diễn tập một cuộc tấn công vào hòn đảo hôm thứ Bảy 6/8, một phần trong hành động trả đũa của Bắc Kinh đối với chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi, đồng thời Trung Quốc cũng tuyên bố ngừng đàm phán với Hoa Kỳ về các vấn đề bao gồm quốc phòng và biến đổi khí hậu.
Máy bay trực thăng quân sự của Trung Quốc bay qua đảo Pingtan, một trong những điểm gần nhất với Trung Quốc đại lục từ Đài Loan, ở tỉnh Phúc Kiến vào ngày 4 tháng 8 năm 2022. (Ảnh của Hector RETAMAL / AFP)
Chuyến thăm ngắn của bà Pelosi trong tuần này tới hòn đảo tự trị mà Trung Quốc coi là lãnh thổ của họ đã khiến Bắc Kinh tức giận và phát động các cuộc tập trận quân sự chưa từng có bao gồm tên lửa đạn đạo bắn qua bầu trời thủ đô Đài Bắc.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cáo buộc Trung Quốc thực hiện "các bước vô trách nhiệm" bằng cách ngừng các kênh liên lạc quan trọng với Washington, đồng thời cho biết các hành động của họ đối với Đài Loan cho thấy một chuyển động từ việc ưu tiên giải quyết hòa bình sang sử dụng vũ lực.
Các cuộc tập trận của Trung Quốc - tập trung vào sáu địa điểm xung quanh hòn đảo - bắt đầu vào thứ Năm 4/8 và dự kiến kéo dài đến giữa trưa Chủ nhật 7/8.
Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết nhiều tàu và máy bay của Trung Quốc tập trận ở eo biển Đài Loan, một số đi qua đường trung tuyến, một vùng đệm không chính thức ngăn cách hai bên. Quân đội Đài Loan mô tả các hoạt động đó là một cuộc tấn công mô phỏng vào hòn đảo.
Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông của Trung Quốc cho biết họ đã tiếp tục các cuộc tập trận phối hợp trên biển và trên không ở phía bắc, tây nam và đông của Đài Loan. Bộ này cho biết trọng tâm của họ là kiểm tra khả năng tấn công trên bộ và tấn công trên biển của hệ thống.
Tàu chiến và máy bay Trung Quốc tiếp tục "áp sát" vào đường trung tuyến của eo biển Đài Loan vào chiều thứ Bảy 6/8, một nguồn tin hiểu rõ các hoạt động quân sự ở đây cho biết.
Ngoài khơi bờ biển phía đông của Đài Loan và gần các đảo của Nhật Bản, tàu chiến và máy bay không người lái của Trung Quốc đã mô phỏng các cuộc tấn công nhằm vào tàu chiến của Mỹ và Nhật Bản, nguồn tin này cho biết thêm.
Quân đội Đài Loan đã phát đi cảnh báo đồng thời triển khai lực lượng tuần tra trinh sát trên không, tàu theo dõi và tên lửa dọc bờ biển.
Đài Loan cũng cho biết quân đội đã bắn pháo sáng vào cuối ngày thứ Sáu để cảnh báo bảy máy bay không người lái bay qua các đảo Kim Môn và các máy bay không xác định được thể loại bay qua các đảo Matsu của họ. Cả hai nhóm đảo này nằm gần với bờ biển của Trung Quốc đại lục.
Bà Pelosi đã đến Đài Loan vào cuối ngày thứ Ba 2/8 trong chuyến thăm cấp cao nhất tới hòn đảo của một quan chức Hoa Kỳ trong nhiều thập kỷ, bất chấp những cảnh báo của Trung Quốc.
Ngay sau khi phái đoàn của bà rời Nhật Bản hôm thứ Sáu 5/8, chặng dừng cuối cùng của chuyến công du Châu Á dài một tuần, Trung Quốc đã thông báo rằng họ sẽ ngừng đối thoại với Hoa Kỳ trong một loạt lĩnh vực bao gồm các cuộc tiếp xúc giữa các chỉ huy quân sự cấp cao và về biến đổi khí hậu.
Phát biểu trong chuyến thăm Philippines, Ngoại trưởng Blinken cho biết Hoa Kỳ nhận biết sự lo ngại từ các đồng minh về những gì ông gọi là hành động nguy hiểm và gây bất ổn của Trung Quốc xung quanh Đài Loan, nhưng Washington sẽ giữ vững lập trường trong việc xử lý tình hình và tìm cách tránh làm tình hình leo thang.
Ông cho rằng việc Trung Quốc ngừng đối thoại song phương trong 8 lĩnh vực chính là động thái sẽ gây tổn hại cho cả thế giới, không chỉ Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói trong một cuộc họp báo hôm thứ Sáu rằng Blinken đã phát tán "thông tin sai lệch", đồng thời nói thêm : "Chúng tôi muốn đưa ra lời cảnh báo đối với Hoa Kỳ : Đừng hành động hấp tấp, đừng gây ra một cuộc khủng hoảng lớn hơn".
(Theo Reuters)
************************
Đài Loan tố cáo Trung Quốc mô phỏng một cuộc tấn công đảo
Trọng Nghĩa, RFI, 06/08/2022
Trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng các biện pháp trả đũa chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi, chính quyền Đài Bắc hôm 06/082022 cáo buộc quân đội Trung Quốc "mô phỏng một cuộc tấn công chiếm đảo Đài Loan". Hôm qua, Trung Quốc cho điều 68 máy bay và 13 tàu quân sự vượt qua "đường trung tuyến" phân cách Đài Loan và Hoa Lục, một lằn ranh chưa bao giờ được Bắc Kinh công nhận.
Quân đội Trung Quốc tập trận tại tỉnh Phúc Kiến gần Đài Loan (ảnh : Xinhua). Đài Loan hôm 6/8/2022 tố cáo Trung Quốc tập trận mô phỏng tấn công xâm lược Đài Loan.
Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, họ đã phát hiện "hàng loạt" chiến đấu cơ và chiến hạm Trung Quốc tại vùng eo biển Đài Loan, với nhiều chiếc trong lực lượng này đã "vượt qua đường phân cách" chia đôi eo biển và "được coi là đang mô phỏng một cuộc tấn công vào hòn đảo chính của Đài Loan".
Hãng tin Pháp AFP ghi nhận, Trung Quốc hôm nay vẫn đang tiếp tục các cuộc tập trận lớn nhất chưa từng có xung quanh Đài Loan, dự kiến sẽ kéo dài đến trưa mai, Chủ Nhật 07/08, và đợt cuộc tập trận này bị coi là một cuộc tập huấn nhằm "phong tỏa" hòn đảo. Hôm qua, quân đội Trung Quốc rầm rộ thị uy, loan báo việc tung các loại chiến đấu cơ, oanh tạc cơ, khu trục hạm, hộ tống hạm vào các cuộc tập trận được tiến hành "cả ngày lẫn đêm".
Bắc Kinh còn cho công bố hình ảnh một chiếc tàu mà họ nói là tàu hải quân Đài Loan, được chụp gần bờ biển Đài Loan ngay từ trên boong tàu quân sự Trung Quốc cách đó chỉ vài trăm mét. Khuya hôm qua, quân đội Trung Quốc cũng phát đi một đoạn video cho thấy một phi công Trung Quốc, quay cảnh bờ biển và những ngọn núi của Đài Loan từ buồng lái chiếc phi cơ. Theo AFP, đây là những hình ảnh ấn tượng nhằm chứng minh khả năng quân đội Trung Quốc dễ dàng áp sát bờ biển Đài Loan.
Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV cho biết, lần đầu tiên tên lửa Trung Quốc bay qua Đài Loan trong cuộc tập trận quân sự này. Tuy nhiên, cả quân đội Trung Quốc lẫn quân đội Đài Loan đều không xác nhận thông tin này. Trung Quốc cũng đã công bố các cuộc diễn tập "bắn đạn thật" mới từ thứ Bảy cho đến ngày 15 tháng 8 tại một khu vực biển nhỏ rất gần cảng Liên Vân Cảng (phía đông) của Trung Quốc, ở rìa Hoàng Hải, nơi ngăn cách Trung Quốc với bán đảo Triều Tiên.
Nhà Trắng Hoa Kỳ hôm qua đã triệu tập đại sứ Trung Quốc Tần Cương để phản đối hành vi được coi là "vô trách nhiệm". Tuy nhiên, John Kirby, phát ngôn viên phụ trách các vấn đề an ninh quốc gia, không nói rõ ai đã tiếp đại sứ.
Trọng Nghĩa
************************
Trung Quốc phóng 22 máy bay vào không phận Đài Loan sau khi triển khai hàng không mẫu hạm & bắn 11 tên lửa trong cuộc tập trận xâm lược
Vũ Quang, Thoibao.de, 05/08/2022
Trung Quốc đã điều 22 máy bay chiến đấu tấn công vào không phận Đài Loan khi quốc gia khổng lồ này tiếp tục vận động cơ bắp quân sự của mình trong một thông điệp gửi tới Mỹ.
Máy bay chiến đấu Trung Quốc nhiều lần xâm phạm không phận Đài Loan
Theo Bộ Quốc phòng Đài Bắc, các lực lượng cộng sản đã điều các máy bay chiến đấu vượt qua "đường trung tuyến" chạy xuống eo biển Đài Loan vào hôm thứ Năm.
Đài Loan cho biết "các hệ thống tên lửa phòng không" đã được triển khai để theo dõi các máy bay phản lực và các cảnh báo vô tuyến đã được phát đi – điều này được hiểu là hòn đảo này cũng đã khởi động nhiều máy bay chiến đấu.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng đưa tin Bắc Kinh đang di chuyển một nhóm tấn công tàu sân bay về phía hòn đảo, trong đó có một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Đây là động thái trơ trẽn mới nhất của Trung Quốc khi họ cố gắng gửi một thông điệp tới cả Đài Loan và Mỹ về chuyến thăm của chính trị gia cấp cao người Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Bắc.
Về cơ bản, Bắc Kinh đã bao vây hòn đảo – nơi được coi là một tỉnh ly khai – bằng máy bay chiến đấu và tàu chiến khi họ công bố sáu cuộc tập trận quân sự lớn chỉ vài phút sau khi Pelosi hạ cánh vào hôm thứ Ba.
Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, là người đứng thứ hai trong chức vụ tổng thống, chỉ sau Phó Tổng thống Kamala Harris, và là một người ủng hộ Đài Loan.
Chuyến đi của bà tới hòn đảo này vào đầu tuần này là chuyến thăm cấp cao nhất của một chính trị gia Hoa Kỳ – điều khiến Trung Quốc tức giận.
Bắc Kinh coi bất kỳ sự can dự nào giữa Washington và Đài Bắc là sự chứng thực của Hoa Kỳ đối với nền độc lập của hòn đảo.
Và nó đã nói rõ rằng chuyến đi của Pelosi là một sự khiêu khích.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình luôn tuyên bố sẽ "thống nhất" với hòn đảo này – và họ sợ rằng các cuộc tập trận mới là một cuộc diễn tập cho hành động xâm lược.
Các cuộc tập trận quân sự khổng lồ đã được tiến hành chỉ cách hòn đảo 12 dặm, với 100 máy bay chiến đấu, tên lửa được bắn và xe tăng tập trung trên các bãi biển.
Bắc Kinh tuyên bố hòn đảo này thuộc về họ, nhưng người dân Đài Loan khẳng định họ là một quốc gia riêng biệt.
Đài Bắc nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Mỹ, mặc dù Nhà Trắng đã ngừng ủng hộ nền độc lập của họ.
Và luôn không rõ liệu Washington có can thiệp quân sự nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan hay không, bất chấp lời thề gần đây của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm nay gọi các trò chơi chiến tranh chưa từng có là diễn tập cho "chiến dịch thống nhất" – và cho biết các cuộc tập trận "phong tỏa đảo" sẽ trở thành thông lệ.
Thời báo Hoàn cầu – vốn thường được coi là cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản – đã nổi giận về chuyến đi của Pelosi đến Đài Loan.
Nó nói bà ấy "kiêu ngạo, hoang tưởng và háo hức thể hiện" trong một bài xã luận gay gắt được xuất bản hôm thứ Năm.
Kiểm soát tuyệt đối
Và nó khoe khoang về các cuộc tập trận quân sự đang diễn ra, nói rằng chúng cho thấy Trung Quốc có "quyền kiểm soát tuyệt đối" đối với Đài Loan.
Tờ báo dẫn lời "chuyên gia" quân sự Trung Quốc Song Zhongping : "Kế hoạch tác chiến của [chúng tôi] đã được công bố rõ ràng với Mỹ và chính quyền Đài Loan, và chúng tôi đủ tự tin để thông báo cho họ về hậu quả của những hành động khiêu khích tiếp theo theo cách này".
Tờ báo này đưa tin, Trung Quốc cũng đã lần đầu tiên điều một trong các nhóm tấn công tàu sân bay của mình tới hòn đảo này.
Tuy nhiên, nó không nói rõ Bắc Kinh đã điều động tàu sân bay nào trong số hai tàu sân bay đang hoạt động đến eo biển Đài Loan.
Nhà nghiên cứu của Quân đội Giải phóng Nhân dân Zhang Junshe được dẫn lời nói rằng tàu sân bay đang được hộ tống bởi "ít nhất một" tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Bắc Kinh đã đưa cả hai tàu lớn nhất của họ – Sơn Đông và Liêu Ninh – ra khơi trong một cơ hội lớn đối với tất cả những người theo dõi tình hình.
Hai tàu sân bay này đều nặng 66.000 tấn và có thể chở hàng chục máy bay chiến đấu.
Các trò chơi chiến tranh bắt đầu lúc 12 giờ trưa (04 :00 GMT) vào thứ Năm và có liên quan đến "bắn đạn thật", theo truyền thông nhà nước Trung Quốc.
Đài truyền hình CCTV đưa tin : "Sáu khu vực chính xung quanh hòn đảo đã được lựa chọn cho cuộc tập trận thực tế này và trong thời gian này, các tàu và máy bay liên quan không được đi vào vùng biển và không gian liên quan".
Nhật Bản cáo buộc Trung Quốc bắn nhầm tên lửa vào Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của mình.
Nhưng các quan chức hàng hải của Đài Loan cho biết quân đội Trung Quốc đã thiết lập vùng thứ bảy bao quanh hòn đảo và cuộc tập trận sẽ được kéo dài đến thứ Hai.
Các cuộc tập trận đang diễn ra cách bờ biển Đài Loan chỉ 12 dặm và dự kiến sẽ kết thúc vào trưa Chủ nhật.
Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ cuộc tập trận.
"Bộ Quốc phòng nhấn mạnh rằng họ sẽ giữ vững nguyên tắc chuẩn bị cho chiến tranh mà không tìm kiếm chiến tranh, và với thái độ không leo thang xung đột và gây ra tranh chấp", nó cho biết trong một tuyên bố.
Pelosi – một người ủng hộ thẳng thắn của Đài Loan – ban đầu được lên kế hoạch đi du lịch đến Đài Bắc vào tháng 4 nhưng đã rút lui vào phút cuối sau khi xét nghiệm dương tính với Covid.
Đài Loan được cho là tâm điểm quan trọng giữa Washington và Bắc Kinh – với một cuộc xâm lược tiềm tàng có khả năng buộc Mỹ phải từ bỏ hòn đảo hoặc đối mặt với cuộc chiến toàn diện với Trung Quốc.
Những người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc chạy sang Đài Loan sau khi những người Cộng sản giành chiến thắng trong cuộc nội chiến trên đất liền vào năm 1949 – và hòn đảo này vẫn độc lập kể từ đó.
Tuy nhiên, Bắc Kinh luôn mạnh mẽ khẳng định Đài Loan thuộc về họ theo lẽ phải – và đã cam kết giành lại hòn đảo này vào năm 2050.
Vũ Quang
Nguồn : Thoibao.de, 06/08/2022