Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Các cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam đã đưa ra danh sách 17 loại tội phạm chính của tội rửa tiền vào đánh giá.

ruatien0

Tội tham ô có nguy cơ rửa tiền cao. Ảnh minh họa

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2019-2020 và kế hoạch tổng thể cho đánh giá đa phương của Việt Nam về chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố.

Đồng thời công khai Báo cáo tóm tắt đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2012-2017. Theo báo cáo này, các cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam đã đưa ra danh sách 17 loại tội phạm chính của tội rửa tiền vào đánh giá.

Chẳng hạn, trong nhóm tội phạm về tham nhũng, Báo cáo đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2012-2017 cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã tiến hành điều tra, khởi tố 1 vụ án về tội rửa tiền có nguồn gốc từ tội tham ô.

So với tội hối lộ và tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, số vụ án bị truy tố, xét xử về tội tham ô tài sản cao hơn (năm 2016 xét xử 80 vụ với 161 bị cáo, năm 2017 xét xử 18 vụ với 41 bị cáo).

"Qua các vụ án tham ô tài sản được xét xử có thể thấy các khoản tiền bị chiếm đoạt là rất lớn, có những vụ án số tiền này lên đến hàng trăm tỷ đồng. Các khoản tiền bị chiếm đoạt này được sử dụng cho mục đích chi tiêu cá nhân, mua sắm bất động sản, tài sản có giá trị hoặc được "rửa tiền". Có thể kết luận nguy cơ rửa tiền đối với loại tội phạm này (tham ô tài sản) là cao", b báo cáo của Thanh tra Chính phủ nêu.

Đối với tội nhận hối lộ, hành vi nhận hối lộ thường khó phát hiện nhưng những năm gần đây những vụ án nhận hối lộ thường có giá trị lớn dẫn đến nguy cơ rửa tiền đối với tội phạm này ngày càng tăng cao. Số tiền phải thi hành án đối với tội hối lộ năm 2017 tăng gấp 3 làn so với năm 2016.

Kết luận nguy cơ tiềm ẩn về rửa tiền đối với loại tội phạm này, theo Thanh tra Chính phủ, là trung bình cao.

Đối với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, trong cơ cấu các tội phạm tham nhũng, số vụ án và bị cáo bị xét xử hàng năm đối với tội này thấp hơn so với tội tham ô tài sản và cao hơn so với tội hối lộ, số tiền phải thi hành án đối với loại tội phạm này chiếm tỉ lệ nhỏ trong cơ cấu án về các tội phạm tham nhũng (số tiền phải thi hành án năm 2016 là 18,1 tỷ đồng, tương đương 0,82 triệu USD) vào năm 2016 nhưng tăng đột biến vào năm 2017 lên 64,4 tỷ đồng tương đương 2,93 tỷ USD.

Theo Thanh tra Chính phủ, thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử loại tội phạm này cho đến nay cho thấy tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản thuộc nhóm nguy cơ cao liên quan đến rửa tiền. Cụ thể, thời gian qua, có nhiều vụ đại án xảy ra có nguồn gốc từ việc lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản.

Từ đây, báo cáo kết luận nguy cơ rửa tiền đối với loại tội phạm này là trung bình cao.

Đáng lưu ý, báo cáo đánh giá nguy cơ rửa tiền đối với lĩnh vực ngân hàng là cao ; chiếm gần 90% tổng số báo cáo giao dịch đáng ngờ (STR) gửi đến Cục Phòng chống rửa tiền - cao hơn các lĩnh vực khác.

Mặc dù không phải tất cả các khoản tiền bất chính đều được tội phạm đưa vào chu trình tẩy rửa tiền, song điều này cũng chứng tỏ so với các lĩnh vực khác trong nền kinh tế, khả năng bọn tội phạm lựa chọn hệ thống ngân hàng nhằm hợp thức hóa các khoản thu bất chính để biến những đồng "tiền bẩn" trên thành "tiền sạch" là cao hơn.

"Căn cứ vào những vụ đại án đã và đang bị điều tra về tội rửa tiền thời gian qua và các số liệu về STR của Cục phòng, chống rửa tiền có thấy nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng có thể liên quan chủ yếu đến việc rửa tiền có nguồn gốc từ tội phạm tham ô tài sản (tội phạm chủ yếu liên quan đến người có chức vụ, quyền hạn), đánh bạc và trốn thuế. Để che giấu nguồn tiền thu được, tội phạm thường sử dụng tài khoản ngân hàng dưới tên người khác để nhận và chuyển các khoản tiền có nguồn gốc bất hợp pháp", báo cáo của Thanh tra Chính phủ nhận định.

Lĩnh vực bất động sản cũng thu hút được nhiều nguồn tiền đầu tư có giá trị lớn, các giao dịch mua bán, chuyển nhượng có thể thực hiện bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản và không thông qua sàn giao dịch bất động sản nên rất khó cho các cơ quan chức năng kiểm tra, xác định nguồn gốc của tiền.

Đối với các vụ đại án về tham ô thời gian qua cũng như vụ đánh bạc nghìn tỷ đồng đang bị điều tra về rửa tiền , trong số các tài sản thu được từ các vụ án đều liên quan đến các tài sản là các bất động sản.

"Để rửa tiền, các đối tượng phạm tội thường nhờ người thân trong gia đình mua, chuyển nhượng, cho tặng bất động sản. Với các phân tích đó đưa ra kết luận nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản là cao", báo cáo đánh giá.

Nguy cơ rửa tiền đối với các tội phạm nguồn trong nước

1. Tội phạm về tham nhũng (tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ và tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản) :

- Tội tham ô : nguy cơ rửa tiền cao

- Tội nhận hối lộ : nguy cơ rửa tiền trung bình cao

- Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản : nguy cơ rửa tiền trung bình cao

2. Tội đánh bạc và tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc

- Tội đánh bạc : nguy cơ rửa tiền trung bình cao

- Tội tổ chức đánh bạc : nguy cơ rửa tiền cao

3. Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy : nguy cơ rửa tiền cao

4. Tội trốn thuế : nguy cơ rửa tiền trung bình cao

5. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản : nguy cơ rửa tiền trung bình cao

6. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản : nguy cơ rửa tiền trung bình cao

7. Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm : nguy cơ rửa tiền trung bình cao

8. Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới : nguy cơ rửa tiền trung bình

9. Tội mua bán người : nguy cơ rửa tiền trung bình

10. Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả : nguy cơ rửa tiền trung bình thấp

11. Tội buôn lậu : nguy cơ rửa tiền trung bình

12. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm : nguy cơ rửa tiền trung bình

13. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả : nguy cơ rửa tiền thấp

14. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép, chiếm đạot vũ khí quân dụng và phương tiện kỹ thuật quân sự : nguy cơ rửa tiền thấp.

Nguy cơ rửa tiền theo lĩnh vực

- Lĩnh vực ngân hàng : cao

- Lĩnh vực bất động sản : cao

- Lĩnh vực chứng khoán : trung bình

- Lĩnh vực bảo hiểm : trung bình thấp

- Lĩnh vực đại lý chuyển và thu đổi ngoại tệ : trung bình cao

- Lĩnh vực casino/sòng bạc : trung bình

- Lĩnh vực kế toán, kiểm toán : thấp

- Lĩnh vực luật sư, công chứng : thấp

- Lĩnh vực các tổ chức tài chính khác : thấp

Minh Thái

Published in Việt Nam

Trong 7 dự án lớn của 5 tháng đầu năm 2019 được Cục Đầu tư nước ngoài thống kê có tới 5 dự án của các nhà đầu tư Trung Quốc.

dautu1

Trung Quốc dồn dập rót vốn vào Việt Nam

Trong nhóm 5 nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, Hàn Quốc và Singapore đứng ở vị trí thứ 2 và thứ 3 với số vốn lần lượt là 2,6 tỷ USD và 2,08 tỷ USD ; nhà đầu tư Nhật Bản đứng vị trí thứ 5 với số vốn đầu tư vào Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/5, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 16,74 tỷ USD, tăng 69,1% so với cùng kỳ năm 2018, đạt kỷ lục về giá trị vốn đầu tư đăng ký của 5 tháng trong vòng 4 năm trở lại đây.

Trong 88 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, Hồng Kông dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,08 tỷ USD (trong đó có 3,85 tỷ USD mua cổ phần vào công ty trách nhiệm hữu hạn Vietnam Beverage tại Hà Nội), chiếm 30,4% tổng vốn đầu tư.

Các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc đại lục đầu tư 2,02 tỷ USD vào Việt Nam, còn các nhà đầu tư Đài Loan (thuộc Trung Quốc) cũng rót gần 575 triệu USD. Tính chung lại, lượng vốn đầu tư từ Trung Quốc thời gian qua đạt hơn 7,6 tỷ USD.

Rõ ràng cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã tác động lớn đến sự chuyển dịch của dòng vốn đầu tư Trung Quốc. Sau một thời gian dài chỉ đứng thứ ba hoặc thứ tư tại Việt Nam, vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đã vượt qua các nhà đầu tư lớn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore.

Trong 7 dự án lớn của 5 tháng đầu năm 2019 được Cục Đầu tư nước ngoài thống kê có tới 5 dự án của các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc.

Đó là : Dự án góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hồng Kông) vào công ty trách nhiệm hữu hạn Vietnam Beverage, giá trị vốn góp là 3,85 tỷ USD với mục tiêu chính là sản xuất bia và mạch nha ủ men bia tại Hà Nội.

Dự án chế tạo lốp xe Radian toàn thép ACTR (Trung Quốc), tổng vốn đầu tư đăng ký 280 triệu USD đầu tư tại Tây Ninh với mục tiêu sản xuất lốp xe toàn thép TBR.

Dự án Nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện, tổng vốn đầu tư đăng ký 260 triệu USD do Goertek (Hongkong) co., Limited đầu tư tại Bắc Ninh.

Dự án Công ty trách nhiệm hữu hạn lốp Advance Việt Nam, tổng vốn đầu tư đăng ký 214,4 triệu USD do Guizhou Advance Type Investment co.,ltd (Trung Quốc) đầu tư với mục tiêu sản xuất, tiêu thụ lốp, cao su và các sản phẩm liên quan tại Tiền Giang.

Dự án Công ty trách nhiệm hữu hạn điện tử Meiko Việt Nam (Hồng Kông)với mục tiêu thiết kế, lắp ráp và sản xuất linh kiện điện tử tại Hà Nội điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 200 triệu USD.

Trong cơ cấu vốn đầu tư tại Việt Nam, doanh nghiệp Hồng Kông dành 3/4 lượng vốn để đầu tư mua bán cổ phần, mua lại các doanh nghiệp, số vốn đầu tư mới và tăng thêm vào các dự án cũ của nhà đầu tư này chỉ chiếm chưa đầy 1/4.

Điều này cho thấy, nhà đầu tư Trung Quốc vẫn chủ yếu đầu tư vào Việt Nam theo dạng thụ động như hợp tác góp vốn lấy lợi nhuận, mua bán doanh nghiệp cũ, doanh nghiệp lên sàn để chờ đợi thời cơ.

Theo các chuyên gia, lượng vốn cấp mới, tăng thêm của Trung Quốc vào Việt Nam chủ yếu vào các dự án may mặc, thiết bị điện, bất động sản và xây dựng, chế biến chế tạo có công nghệ thấp, số vốn nhỏ.

Đáng lưu ý, nỗi lo về mặt trái của nguồn vốn đầu tư Trung Quốc vẫn còn đó, Việt Nam đã có nhiều bài học mà dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông là điển hình và nhiều chuyên gia đã liên tục cảnh báo về điều này.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khi trả lời phỏng vấn báo chí chỉ ra rằng : "Hiện nay, cái mà Việt Nam thiếu không phải là vốn, trong thời gian vừa qua rất nhiều nhưng chúng ta sử dụng rất kém, những cái đau của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có thế thôi mà gần lên đến 900 triệu USD. Chất lượng cũng đặt ra câu hỏi, nhiều người còn nói đùa có làm xong cũng không dám đi.

Kéo dài bao nhiêu năm như vậy, bài học quá rõ, vay ODA hay gì thì họ cũng chủ động, tiến độ, thiết bị cũng của họ. Tiến độ kéo dài ra bao lâu từ đó đội vốn gấp 3 lần so với trước. Tất cả cái đó đặt ra nhiều vấn đề.

Các điều kiện ràng buộc vô lý của họ cũng là đấu thầu nhưng lại chọn giá rẻ, ngoài giá rẻ không biết có chuyện đi đêm hay không ? Tôi rất nghi ngờ điều đó".

Đồng quan điểm, Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Cao Đoàn, nguyên cán bộ Viện Kinh tế Việt Nam lưu ý Việt Nam phải hết sức tỉnh táo.

Ông cho biết, thu hút FDI hiện nay không còn như cách đây 20 năm. Thời đó, Việt Nam rất cần nhiều vốn, bất chấp chất lượng đầu tư, nhưng giai đoạn ngày nay không phải như vậy.

"Nước ngoài bỏ đồng vốn ra đầu tư thì họ dùng chính vốn đi vay của Việt Nam, vậy ai thiệt ở đây ? Đó là công nghiệp của Việt Nam thiệt, doanh nghiệp Việt Nam thiệt, mà như vậy thì doanh nghiệp Việt Nam không lớn lên được, nội lực của nền kinh tế Việt Nam sẽ kém đi.

(...) Đối với mỗi nền kinh tế, vốn là một phần tất yếu và là một yếu tố rất quan trọng. Muốn tăng trưởng thì phải tăng vốn, vấn đề quan trọng và căn bản là phải quan tâm đến sức sản xuất của vốn đó, chất lượng hoạt động kinh doanh của vốn đầu tư đó. Chất lượng ấy mới đem lại sự cải tổ, cách mạng cho phương thức sản xuất của đất nước nhận vốn, chứ không phải vấn đề lượng vốn. Mà những yếu tố trên lại rất kém ở đầu tư của Trung Quốc.

Một cách thẳng thắn, vốn Trung Quốc không đem lại sự cách mạng nào cho phương thức sản xuất của nước nhận vốn, thậm chí còn làm yếu đi", vị chuyên gia cảnh báo.

Là đại biểu Quốc hội, ông Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh, Việt Nam không kỳ thị, phân biệt nguồn vốn Trung Quốc và việc thu hút vốn đầu tư của nước ngoài phải trên cơ sở bình đẳng. Vấn đề là phải kiểm soát năng lực của các nhà đầu tư và tính minh bạch của các nguồn lực huy động từ chính sách vay.

Vị đại biểu đề nghị phải củng cố lại hàng rào để sàng lọc các nhà đầu tư, quan trọng nhất là phải xác định rõ trách nhiệm của những người có thẩm quyền liên quan đến việc lựa chọn nhà thầu.

"Nếu như chúng ta xử lý nghiêm minh, truy cứu bất cứ lúc nào, không có điểm hạ cánh an toàn thì trách nhiệm của họ sẽ được nâng cao lên", ông nói.

Minh Thái

Nguồn : Đất Việt, 25/05/2019

Published in Diễn đàn