Reuters, VOA, 16/05/2023
Hôm 16/5, Việt Nam cho biết họ phê duyệt quy hoạch điện cho thập kỷ này, điều được chờ đợi từ lâu, trong một động thái nhằm tăng cường năng lượng gió và khí đốt, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào than đá, theo Reuters.
Quy hoạch điện VIII, còn được viết tắt là PDP8, nhắm mục tiêu "đảm bảo an ninh năng lượng" cho quốc gia Đông Nam Á này trong khi họ bắt đầu quá trình chuyển đổi sang trung hòa carbon vào giữa thế kỷ.
Quy hoạch này cần 134,7 tỷ đôla tài trợ cho các nhà máy điện và lưới điện mới, chính phủ ước tính, với một phần số tiền dự kiến đến từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Vào tháng 12, nhóm G-7 và các quốc gia giàu có khác đã cam kết tài trợ ban đầu 15,5 tỷ đôla để hỗ trợ quá trình chuyển đổi của Việt Nam khỏi than đá.
Giữa những tranh cãi nội bộ và công việc cải cách phức tạp, quy hoạch này đã bị trì hoãn hơn hai năm qua. Trước đó, đã có hàng chục phiên bản dự thảo trước khi được Thủ tướng Phạm Minh Chính phê duyệt, và hiện cần được quốc hội thông qua, có thể trong tháng này.
Một nhà ngoại giao từ nhóm các nhà tài trợ G-7, người từ chối tiết lộ danh tính vì không được phép nói chuyện với truyền thông, cho biết hôm 16/5 rằng việc phê duyệt nêu trên là một bước quan trọng và cần thiết để mở khóa nguồn tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió ngoài khơi. Tuy nhiên, điều đó không hoàn toàn phù hợp với các mục tiêu của G-7, nhà ngoại giao này nói thêm, vì Việt Nam vẫn sẽ phụ thuộc nhiều vào than đá trong thập kỷ này.
Để hoàn thành quá trình chuyển đổi theo kế hoạch sang trung hòa carbon với việc loại bỏ hoàn toàn than vào năm 2050, chính phủ ước tính cần tới 658 tỷ đôla, trong đó 1/5 sẽ phải được giải ngân trong thập kỷ này.
Kế hoạch này sẽ tăng hơn gấp đôi công suất phát điện của Việt Nam lên hơn 150 GW vào năm 2030 từ 69 GW vào cuối năm 2020.
Các nhà máy điện sử dụng khí đốt trong nước và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu sẽ trở thành nguồn điện quan trọng vào năm 2030, với tổng công suất lắp đặt là 37,33 GW, tương đương 24,8% tổng công suất, với LNG chiếm tỷ trọng lớn nhất, theo một tài liệu của chính phủ chưa được công bố mà Reuters đã xem được.
Con số trên cho thấy mức tăng gấp 4 lần so với năm 2020, khi quốc gia này chỉ sản xuất khoảng 9 GW khí đốt tự nhiên từ các mỏ ở Biển Đông. Hiện tại Việt Nam chưa nhập khẩu bất kỳ lượng LNG nào vào lúc này.
Chính phủ Việt Nam cho biết gió, mặt trời và các nguồn tái tạo khác, không bao gồm thủy điện, sẽ chiếm phần quan trọng để đáp ứng ít nhất gần 31% nhu cầu năng lượng của đất nước vào năm 2030, tăng lên từ khoảng 25% vào năm 2020. Đóng góp từ các nguồn năng lượng tái tạo có thể tăng lên 47% nếu các cam kết của G-7 được thực hiện thực hiện đầy đủ, tài liệu cho biết.
Năng lượng từ gió sẽ chiếm 18,5% tổng các nguồn năng lượng hợp lại, phần lớn là các trạm phát trên đất liền, trong khi phần đóng góp từ năng lượng mặt trời sẽ giảm gần gấp ba lần xuống còn 8,5%.
Công suất điện gió ngoài khơi, vốn được các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm, dự kiến sẽ đạt 6 GW vào cuối thập kỷ này từ con số 0 như hiện nay và ít nhất 70 GW vào năm 2050. Kế hoạch đã điều chỉnh giảm nhẹ mục tiêu ban đầu là 7 GW vào năm 2030, như Reuters đã đưa tin trước đó vào tháng 5.
Nhưng không rõ các dự án mới có thể được triển khai nhanh như thế nào, vì quốc gia này vẫn có thể cần thông qua luật mới về sử dụng không gian biển.
Trong cơ cấu năng lượng đến năm 2030, thủy điện sẽ chiếm 19,5%, giảm từ hơn 30% vào năm 2020.
Than sẽ vẫn là một nguồn năng lượng quan trọng, chiếm 20% trong tổng các nguồn điện vào năm 2030, nhưng giảm từ mức gần 31% vào năm 2020. Tuy nhiên, do tổng sản lượng dự kiến sẽ tăng vọt, năng lượng phát từ đốt than sẽ tăng lên hơn 30 GW vào cuối thập kỷ này, so với mức 21 GW từ năm 2020.
Hoa Kỳ và Việt Nam hợp tác về đổi mới quốc tế hóa giáo dục đại học
VOA, 16/05/2023
Phái bộ ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam hôm thứ Ba 16/5 cho biết họ hợp tác với Bộ Giáo dục và đào tạo Việt Nam về việc đổi mới quốc tế hóa giáo dục đại học thông qua một hội thảo khu vực.
Giám đốc Quốc gia USAID tại Việt Nam Aler Grubbs và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn ký bản ghi nhớ ngày 9/9/2022 nhằm hỗ trợ nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Ảnh : USAID Vietnam. [Ảnh minh họa]
Cơ quan ngoại giao này cho hay Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper và ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và đào tạo, mới đây hỗ trợ cho hội thảo khu vực của Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) 2023 về đổi mới quốc tế hóa trong giáo dục đại học, được phối hợp tổ chức bởi Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội và trường Đại học Kinh tế quốc dân.
Theo phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ, Đại sứ Knapper nói rằng cơ quan mà ông phụ trách "tự hào hỗ trợ hội thảo này nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học thông qua việc khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học hỗ trợ nhau nhằm tăng cường hội nhập khu vực".
"Giáo dục là một ưu tiên quan trọng của Chính phủ Hoa Kỳ và các quốc gia trong khu vực vì đây là lĩnh vực đào tạo và trang bị kiến thức cho những nhà lãnh đạo trẻ tương lai", ông Knapper phát biểu.
Theo phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ, Đại sứ Knapper "đánh giá cao" sự hỗ trợ của chính phủ và các tổ chức Việt Nam dành cho YSEALI, đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 10 năm Quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam và 10 năm YSEALI.
Ông Knapper nói thêm rằng "điều này chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho toàn khu vực qua việc khuyến khích các thủ lĩnh trẻ tìm ra giải pháp cho các vấn đề chung của cộng đồng".
Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) năm ngoái ký bản ghi nhớ hợp tác đầu tiên với Bộ Giáo dục và đào tạo Việt Nam (Giáo dục và đào tạo) nhằm hỗ trợ nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giúp thúc đẩy tự chủ đại học tại Việt Nam, theo Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội.
Tin cho hay, thông qua việc ký kết này, USAID sẽ hỗ trợ Bộ Giáo dục và đào tạo một dự án mới để cung cấp trợ giúp kỹ thuật trực tiếp nhằm rà soát và cải thiện các chính sách về giáo dục đại học.
"Cải thiện các chính sách sẽ giúp thúc đẩy tự chủ đại học, đảm bảo chất lượng, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực có ý nghĩa then chốt đối với sự tăng trưởng và phát triển kinh tế liên tục của Việt Nam", thông báo của Đại sứ quán Mỹ cho biết.