Dù được chính quyền Việt Nam tha tù trước thời hạn 5 tháng do "chấp hành án tù tốt", nhưng bà Mai Thị Kim Hương, ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An, người gọi mình là "dân oan" nói vói VOA rằng chính quyền đã cưỡng chế tịch thu nhà cửa và "cướp mất" tất cả mọi thứ của gia đình bà.
Nguyễn Mai Trung Tuấn phản đối cưỡng chiếm đất đai và nhà cửa
"Gia đình tôi gồm có tôi là Mai Thị Kim Hương, chồng tôi là Nguyễn Trung Can và còn con là Nguyễn Mai Trung Tuấn đã về địa phương rồi nhưng không còn nơi ăn chốn ở. Chúng tôi lang thang và chưa có được một bữa cơm gia đình. Lý do là không còn nhà cửa, không chén, không bát, tất cả mọi thứ, không tiền, không quần áo. Chỉ có một bộ đồ dính da".
Bà Hương nói bà kịch liệt phản đối việc lao động cưỡng bức trong trại tù. Bà cho biết các tù nhân trong trại bị buộc phải làm việc đến 10 giờ mỗi ngày :
"Mai Quốc Phong, Mai Quốc Đạt, Nguyễn Trung Tài, Nguyễn Trung Can, Phùng Thị Ly, và bé Nguyễn Mai Trung Tuấn, ai cũng phải đi làm. Chị Phùng Thị Ly làm một ngày 10 tiếng. Anh Nguyễn Trung Tài sáng đi làm từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều, chiều về không có nước để tắm. Họ đan lục bình, đan giỏ tre. Bé Tuấn đi quét, khuân đá cho người ta xây nhà. Chế độ tù cộng sản là bắt đày đi làm, không bao giờ họ để yên cho mình".
Về việc các phạm nhân được tha tù sớm nếu lao động tốt, bà Trần Ngọc Anh, người từng bị tù giam vì lên tiếng bảo vệ người dân bị cưỡng chế tịch thu đất đai, đại diện cho Phong Trào Liên đới Dân oan chia sẻ với VOA :
"Thật sự không phải chính sách đảng và nước khoan hồng đâu. Tù nhân vào đó phải lao động, làm đúng chỉ tiêu thì mới được giảm án. Buộc phạm nhân lao động như vậy là vô lương tâm".
Vào tháng 11/2015, Nguyễn Mai Trung Tuấn, khi ấy 15 tuổi, bị một tòa án ở Long An tuyên phạt 54 tháng tù giam vì tội "Cố ý gây thương tích" theo Khoản 3 Điều 104 Bộ Luật Hình sự. Phiên tòa phúc thẩm vào tháng 2/2016 sau đó đã kết án Tuấn 30 tháng tù giam.
Vào tháng 9/2015, tòa án huyện Thạnh Hóa, Long An đã xét xử sơ thẩm về tội chống người thi hành công vụ đối với 12 bị cáo, trong đó có cha mẹ em Tuấn. Khi ấy, bà Mai Thị Kim Hương bị tuyên án 3 năm 6 tháng tù giam, và ông Nguyễn Trung Can chịu án 3 năm tù.
Vụ án của Tuấn gây nhiều chú ý vì là một thiếu niên "dân oan" lần đầu tiên bị xét xử ở Việt Nam.
Tuấn bị bắt ngày 6/8/2015 sau khi công an tỉnh Long An ra lệnh truy nã.
Ngày 31/8/2017, Nguyễn Mai Trung Tuấn đã ra tù trước thời hạn 6 tháng với tình trạng sức khoẻ giảm sút. Gia đình cho biết Tuấn luôn khó thở và bị bệnh hen suyễn.
"Họ bắt bé Nguyễn Mai Trung Tuấn. Họ còng chân, còng tay [cháu], bỏ đói bỏ khát, 2 ngày 2 đêm không cho ăn uống. Ra tù Trung Tuấn bị bệnh suyễn và tim, xỉu và đi cấp cứu, truyền nước biển".
Bà Hương phản đối việc chính quyền cưỡng chế tịch thu nhà của bà và bắt giam nhiều thành viên trong gia đình :
"Tôi không chấp nhận bản án oai sai đó. Bản án đó là sự hèn hạ, thối nát của đảng cộng sản. Một công dân chỉ có một mảnh đất 4 mét chiều ngang, 29 mét chiều dài mà họ một lực lượng hơn 300 người đến chiếm đoạt. Chẳng những vậy, họ còn tống hết vào tù, từ vợ đến chồng, đến anh chị em, và không tha cho đứa bé tuổi vị thành niên, cướp đi quyền làm người của một đứa trẻ. Tôi không chấp nhận bản án đó".
Vụ việc xảy ra ngày 14/4/2015 khi 3 hộ dân địa phương nổi lửa, tạt acid, và cho nổ bình hàn gió đá để phản đối hành vi mà họ cho là chính quyền tỉnh Long An ‘cướp đất’ khi họ tiến hành cưỡng chế tịch thu căn nhà tạm của gia đình ông Can và bà Hương trên mảnh đất mà họ đã sinh sống mấy chục năm trước đó.
Khi ấy truyền thông Việt Nam nói đoàn công tác của chính quyền địa phương vận động cưỡng chế giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án đê bao chống lũ trong địa bàn thị trấn Thạnh Hóa.
Báo nhà nước dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện, Nguyễn Văn Tạo, nói 106 trong số 109 hộ dân bị ảnh hưởng từ dự án này đã đồng ý giao mặt bằng cho nhà nước. Hai trong Ba gia đình không chấp nhận mức đền bù là anh em ông Nguyễn Trung Can và ông Nguyễn Trung Tài.
Bà Ngọc Anh nói rằng những "gia đình này là dân oan – họ đấu tranh giành quyền lợi chính đáng của họ nhưng chính quyền không đáp ứng".
Bà Ngọc Anh cho biết những người khác bị bắt trong vụ cưỡng chế này là bà Phùng Thị Ly, ông Nguyễn Trung Tài, ông Nguyễn Trung Linh, ông Mai Văn Đạt, ông Mai Văn Phong, ông Phùng Văn Leo. Riêng ông Nguyễn Trung Linh vẫn còn bị giam tù.
Nguyễn Mai Trung Tuấn, thành viên trẻ tuổi nhất trong nhóm tám thành viên của một gia đình chống cưỡng chế đất tại Thạnh Hóa, tỉnh Long An bị kết án tù vừa được cho về nhà trước thời hạn 6 tháng, chia sẻ về thời gian hơn 2 năm tù đày khi em tròn 15 tuổi.
Tù nhân lương tâm Nguyễn Mai Trung Tuấn. Hình chụp năm 2015. Photo : RFA
"Họ nhốt em từ 9 giờ sáng cho tới 11 giờ đêm và không cho em ăn uống gì hết. Họ nói ‘Bây giờ mày khai không ? Mày không khai là tao giết mày’. Em nói "Tôi không có gì để khai. Gia đình tôi hoàn toàn bị mất tất cả rồi’. Lúc đó họ còng tay chân em lại. Đến chiều, họ đánh vào ngực em, đá vào hông em. Em thì có tiền sử bị hen suyễn và bị bệnh tim, cho nên em rất mệt. Em có nói ‘Sức khỏe của tôi bây giờ bị kiệt sức. Cần được cấp cứu’. Em nêu ra vậy nhưng họ bỏ mặc em trong phòng và đóng cửa lại. Một lúc sau là em ngất luôn".
Lời bộc bạch vừa rồi là của em Nguyễn Mai Trung Tuấn, có thể được xem như một dân oan trẻ tuổi nhất tại Việt Nam phải chịu án tù vì đã cùng gia đình phản đối chính quyền địa phương "cướp đất" hồi trung tuần tháng 4 năm 2015.
Sau khi về đến nhà vào tối ngày 31 tháng 8 từ Trại giam Long Hòa, Bến Lức, tỉnh Long An, sáng sớm hôm sau, em Nguyễn Mai Trung Tuấn mở đầu cuộc trò chuyện cùng Hòa Ái với những hồi ức mà em bị tổn thương nặng nề về thể chất lẫn tinh thần.
Em Nguyễn Mai Trung Tuấn cho biết bản thân và gia đình đón nhận thông tin nhà cửa bị di dời từ năm 2009. Vụ việc kéo dài cho đến ngày 14 tháng 4 năm 2015, gia đình chọn cách đốt nhà, ném bom xăng và tạt axit lực lượng cưỡng chế để phản đối chính quyền đã đẩy họ vào con đường cùng do đền bù với mức giá rẻ mạt, không đủ cho việc tái định cư.
Cơ quan chức năng bắt giữ 13 thành viên của gia đình, trong đó có ba mẹ và cả em Nguyễn Mai Trung Tuấn vì đã làm cho 20 người của lực lượng cưỡng chế bị thương.
Biến cố của gia đình xảy ra vào ngày 14 tháng 4 năm 2015, khi em Nguyễn Mai Trung Tuấn được 15 tuổi. Và những gì diễn ra tại buổi hỏi cung trong cùng ngày 14 tháng 4 là ký ức hằn sâu trong tâm trí của một cậu bé tuổi vị thành niên, theo như lời em vừa thuật lại. Không chỉ thế, phiên tòa sơ thẩm tuyên bản án tù về tội danh ‘cố ý gây thương tích’ theo Khoản 3 Điều 104 Bộ Luật Hình sự Việt Nam dành cho bị can Nguyễn Mai Trung Tuấn cũng sẽ không bao giờ phai nhòa đối với em. Nguyễn Mai Trung Tuấn nhớ rõ từng chi tiết tại phiên tòa sơ thẩm, diễn ra vào ngày 22 tháng 11 năm 2015 :
"Khi tuyên án em 4 năm 6 tháng ở tòa sơ thẩm thì em có hô là ‘Đả đảo Cộng Sản Việt Nam-Đả đảo bản án bất công-Đả đảo phiên tòa xét xử không công khai’. Em bị khống chế lên xe. Em vẫn la lên như thế khi lên xe thì có 3 người trấn áp em, đánh vào mặt em, đá vào ngực em".
Bước vào tuổi đời vừa mới lớn, cậu bé Nguyễn Mai Trung Tuấn đối diện với những năm tháng tù đày đầy bạo lực và sự nhẫn tâm của nhân viên trại giam. Em cho biết trong suốt 2 năm 24 ngày ở tù, em phải làm công việc dọn dẹp vệ sinh, bị chích điện 2 lần, liên tục bị nhân viên trại giam đe dọa, như lấy dao mổ bụng và em cũng từng tuyệt thực 5 ngày để phản đối tình trạng phạm nhân bị đánh đập.
Anh Trịnh Bá Phương và bà con dân oan Dương Nội. Courtesy : Facebook Trịnh Bá Phương
Trả lời câu hỏi của RFA rằng bên cạnh những ký ức buồn, có điều gì khiến em lưu luyến trong thời gian hơn 2 năm tù tại Trại giam Long Hòa hay không, Nguyễn Mai Trung Tuấn nói rằng em được gặp gỡ và sống cùng các phạm nhân mà sự đồng cảm của những hoàn cảnh cùng khổ đã giúp cho em vững vàng hơn :
"Những phạm nhân đó biết gia đình em bị mất đất mất nhà và vì em chống đối nên em bị bắt bỏ tù. Họ cũng đồng cảm với em và có nói rằng ‘Nếu như là anh, chị thì anh, chị cũng sẽ chống đối như thế tại vì gia đình chỉ còn một phần đất mà cha mẹ bị bắt nữa’".
Từ sự đồng cảm, cậu bé tuổi vị thành niên Nguyễn Mai Trung Tuấn còn có lòng thương cảm dành cho các phạm nhân lớn tuổi hơn mình. Cậu kể về trường hợp của một phạm nhân là người bán hàng rong, bị đi tù vì đã đốt chiếc xe là phương kế sinh nhai duy nhất của gia đình, khi lực lượng trật tự đô thị mang chiếc xe bán hàng đi. Hành trang sau khi ra tù của cậu thanh niên 17 tuổi Nguyễn Mai Trung Tuấn là lời nhắn gửi của các phạm nhân đến cộng đồng nhờ giúp đỡ lên tiếng đấu tranh cho những tù nhân bị tra tấn và bị đối xử một cách vô nhân đạo :
"Em rất thương các anh, chị phạm nhân. Họ bị ép cung trong lúc hỏi cung và họ bị đánh đập rất dã man, rất tàn bạo. Thậm chí, họ không được cho gia đình thăm gặp. Nếu họ phản đối thì bị bắt làm những công việc nặng không phù hợp với sức khỏe của họ và những người Cộng Sản của trại giam cho là họ chống đối, kỷ luật các anh, chị và đánh anh, chị đến nỗi họ đập đầu vào tường tự giận".
Ra tù với tình trạng sức khỏe không tốt, nhưng tinh thần của Nguyễn Mai Trung Tuấn thật rắn rỏi với lời khẳng định :
"Em vẫn tiếp tục đấu tranh để đòi lại công lý, đòi lại dân chủ nhân quyền cho gia đình em và cho cả những người dân Việt Nam bị đán áp, áp bức, bị bắt bỏ tù".
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận cộng đồng cư dân mạng xã hội bày tỏ sự vui mừng trước thông tin Nguyễn Mai Trung Tuấn cùng 7 thành viên của gia đình được ra tù. Họ chào đón và ủng hộ em với ý chí chọn lựa tiếp tục con đường không bị khuất phục trước những bất công của xã hội.
Anh Trịnh Bá Phương, một cư dân mạng và cũng là con trai của tù nhân lương tâm Cấn Thị Thêu từng hai lần bị tuyên án tù vì đấu tranh giữ đất và chống tham nhũng, chia sẻ rằng những người con của các dân oan như chính anh hay Nguyễn Mai Trung Tuấn và nhiều người khác nữa sẽ không đơn độc trong những ngày tháng của cuộc đấu tranh vì xã hội tốt đẹp hơn, tương lai đất nước tươi sáng hơn với cuộc sống của dân chúng bình đẳng và nhân bản hơn. Anh Trịnh Bá Phương cho biết rất xúc động trước tấm lòng của nhiều người dành cho tù nhân lương tâm trẻ tuổi nhất Nguyễn Mai Trung Tuấn, dành cho những đứa bé là con của 2 nữ tù nhân lương tâm Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Trần Thị Nga, cũng như dành cho 3 anh em của gia đình mình. Anh Trịnh Bá Phương kể lại một vài kỷ niệm của riêng anh :
"Khi bước chân đến Sài Gòn, lúc đầu tiên bắt chiếc xe Uber thì anh lái xe đã nhận ra em và anh ấy đã chở đi qua nhiều tuyến phố. Sau đó anh ấy không lấy tiền và nói muốn chia sẻ cùng với em. Trong lần mới gần nhất em thăm mẹ em vào ngày 6 tháng 7. Khi em đến Pleiku thì bạn bè và các anh em trong đó dành cho gia đình em tình cảm rất lớn. Khi em vừa vào đến nơi thì có bạn đã chuẩn bị một chiếc xe ô tô, dự định đưa em đến trại giam Gia Trung luôn ngay chiều khi em vừa đến Pleiku. Tuy nhiên, em cũng lo sợ vì muộn giờ. Đến sáng hôm sau, có một bạn khác mà em được biết anh ấy là một giang hồ, anh ấy đã chuẩn bị một chiếc xe 4 chỗ để đưa em, bạn em cùng 1 người dân Dương Nội đến thẳng trại giam Gia Trung".
Cậu thanh niên Nguyễn Mai Trung Tuấn hay anh Trịnh Bá Phương đều nói với RFA rằng niềm tin của họ về sự dấn thân, tiếp bước thế hệ ông bà, cha mẹ mình chắc chắn sẽ gặt hái kết quả vì có sự đồng lòng của những người với tên gọi "dân oan".
Hòa Ái, phóng viên