Liên Hiệp Quốc chỉ trích thành tích nhân quyền của Việt Nam (RFA, 29/03/2019)
Ủy ban chuyên trách theo dõi vấn đề nhân quyền của Liên Hiệp Quốc vào ngày 28 tháng 3 lên tiếng kêu gọi Việt Nam chấm dứt biện pháp bỏ tù những nhà hoạt động, nhà báo vì lên tiếng chỉ trích các chính sách của nhà nước. Ủy ban này cũng bày tỏ quan ngại về số lượng lớn các án tử hình và hành quyết áp dụng đối với những tội nhẹ hơn sau những phiên xử đầy sai phạm.
Đại diện Bộ Công an đang trả lời câu hỏi chất vấn của Uỷ ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ngày 12/3/2019. video captured
Reuters loan tin ngày 28 tháng 3, theo đó Ủy ban nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào hai ngày 11 và 12 tháng 3 có cuộc kiểm điểm việc tôn trọng các quyền tự do dân sự và chính trị của Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Việt Nam giải trình về vấn đề này trước Liên Hiệp Quốc kể từ năm 2002.
Bà Marcia Kran, một thành viên của Ủy Ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc phát biểu tại cuộc họp báo rằng có sự gia tăng đáng kể về tình trạng đàn áp những nhà bảo vệ nhân quyền. Những người này bị sách nhiễu, tấn công, bị biệt giam trước khi ra tòa. Theo bà này thì một số người bị tuyên án nặng với cáo buộc theo những điều khoản mơ hồ ; họ còn bị bạc đãi tại nơi giam giữ.
Một số nhà hoạt động bị lưu đày như trường hợp Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, một blogger và nhà hoạt động bảo vệ môi trường.
Ủy Ban kêu gọi Việt Nam ngưng việc sử dụng rộng rãi án tử hình cho những tội trong đó có các tội liên quan ma túy và kinh tế mà theo ngưỡng của luật quốc tế thì chưa phải là những tội phạm nghiêm trọng nhất.
Ủy ban nhân quyền Liên Hiệp Quốc trình bày thêm rằng luật pháp Việt Nam có những điều khoản về tội vi phạm an ninh quốc gia mà gộp cả những hoạt động hợp pháp như thực thi quyền tự do biểu đạt.
Việt Nam vẫn giữ bí mật số lượng và danh tính những tử tù ; điều này hàm nghĩa những nhà bất đồng chính kiến có thể là đối tượng bị kết án tử mà không theo đúng qui trình pháp lý.
Một thành viên của Ủy ban dẫn nguồn từ các báo cáo công khai rằng có 85 người bị xử tử vào năm ngoái tại Việt Nam.
Tại cuộc kiểm điểm vào hai ngày 11 và 12 tháng 3 vừa qua, Thứ Trưởng Bộ Tư Pháp Việt Nam, Ông Nguyễn Khánh Ngọc, lại trình bày rằng Việt Nam nỗ lực bảo vệ quyền con người trong tiến trình phát triển đất nước.
*****************
Ủy ban Bảo vệ quyền làm người Việt Nam hoan nghênh kết luận của Liên Hiệp Quốc (RFA, 29/03/2019)
Ủy ban Bảo vệ quyền Làm người Việt Nam (VCHR) trụ sở tại Paris, Pháp vào ngày 29 tháng 3 ra thông cáo hoan nghênh những kết luận của Ủy ban nhân quyền Liên Hiệp Quốc về việc thực thi Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị (ICCPR) của Hà Nội.
Ông Võ Văn Ái, đại diện của VCHR và AEDH tại khóa họp lần thứ 39 của Hội đồng Nhân quyền LHQ ngày 18/09/18. queme.org
Thông cáo báo chí của VCHR cho rằng kết luận trong báo cáo của Ủy ban nhân quyền Liên Hiệp Quốc tiết lộ những vi phạm trầm trọng, có hệ thống về các quyền dân sự và chính trị tại Việt Nam.
VCHR cũng kêu gọi Việt Nam nhanh chóng có những bước tiến hành thực thi các khuyến nghị của Ủy ban nhân quyền Liên Hiệp Quốc, chấm dứt đàn áp chính trị và tôn trọng các quyền căn bản của công dân.
Báo cáo của Ủy ban nhân quyền Liên Hiệp Quốc mà VCHR hoan nghênh được đưa ra sau lần trình bày thứ 3 theo định kỳ về việc thực thi ICCPR của Hà Nội.
Ủy ban gồm 18 thành viên của Liên Hiệp Quốc nêu bật 26 lĩnh vực đặc biệt quan ngại và 44 khuyến nghị phải cải sửa cho phía Việt Nam. Một số trong những quan ngại và khuyến nghị đó là sự bất nhất giữa ICCPR và luật pháp trong nước. Do vậy Việt Nam cần nhanh chóng rà soát lại khung pháp luật nhằm bảo đảm tất cả những quyền được qui định trong ICCPR được bảo vệ bởi luật pháp trong nước.
Các dân biểu Mỹ lại gửi thư cho thủ tướng Việt Nam về tình hình nhân quyền (RFA, 16/05/2018)
Tám dân biểu Hoa Kỳ đồng ký tên vào bức thư đề ngày 15 tháng 5 gửi cho thủ tướng Việt Nam, Nguyễn Xuân Phúc, bày tỏ quan ngại về tình trạng đàn áp những nhà bảo vệ nhân quyền và nhà báo tại Việt Nam.
Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài (giữa) tại phiên tòa ở Hà Nội hôm 5/4/2018 - AFP
Thư cũng được chuyển đến đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Daniel Kritenbrink.
Tám vị dân biểu Mỹ ký tên vào bức thư gồm Luis Correa, Alan Lowenthal, Christopher Smith, Zoe Lofgren, Ro Khana, Scott H. Peters, Gerald E. Connolly, và James P. McGovern.
Nội dung bức thư đề cập đến phiên xử hôm ngày 5 tháng tư đối với các thành viên Hội Anh Em Dân Chủ gồm luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, người cộng sự của ông này là cô Lê Thu Hà, các cựu tù chính trị Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Trung Tôn, Phạm Văn Trội và Trương Minh Đức.
Tòa tuyên cho sáu người vừa nêu những bản án từ 7 đến 15 năm tù, cộng với lệnh quản chế cao nhất đến 5 năm sau khi mãn án với cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’.
Tiếp đến vào ngày 10 tháng 4, một thành viên Hội Anh Em Dân Chủ khác là ông Nguyễn Văn Túc cũng bị tuyên án 13 năm tù và 5 năm quản chế. Cô Trần Thị Xuân bị xử 9 năm tù và 5 năm quản chế vào ngày 12 tháng tư.
Cũng vào ngày 12 tháng 4, nhà giáo Vũ Hùng bị kết án 1 năm tù ; và nhà hoạt động trẻ Nguyễn Viết Dũng bị tuyên 7 năm tù và 5 năm quản chế với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’
Thư của 8 vị dân biểu Hoa Kỳ đề cập nhận định của nhiều tổ chức theo dõi nhân quyền về luật sư Nguyễn Văn Đài và những thành viên khác của Hội Anh Em Dân Chủ rằng họ bị bỏ tù chỉ vì cổ xúy cho những quyền được công nhận theo Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Hoạt động của những thành viên Hội Anh Em Dân Chủ bao gồm huấn luyện về xã hội dân sự, dân chủ, nhân quyền và cứu trợ nhân đạo cho các nạn nhân thảm họa môi trường.
Nhóm Làm việc Liên Hiệp Quốc về Bắt Giữ Tùy Tiện tuyên bố biện pháp bắt giam luật sư Nguyễn Văn Đài là ‘tùy tiện’. Nhóm này cùng với Hoa Kỳ yêu cầu phải hủy bỏ mọi cáo buộc với những người vừa nêu.
Tám vị dân biểu Hoa Kỳ ký trong thư nhấn mạnh rằng nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam tham gia ký vào Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị ; đồng thời cam kết tôn trọng các quyền tự do tín ngưỡng, ngôn luận, hội họp, báo chí, và quyền lập hội, bày tỏ chính kiến. Do đó những phiên xử gần đây và tiếp tục biện pháp hình sự hóa các hoạt động chính trị ôn hòa cho thấy mâu thuẫn của Hà Nội đối với những chuẩn mực nhân quyền quốc tế được chấp nhận.
Tám vị dân biểu Hoa Kỳ thúc giục chính phủ Việt Nam trả tự do cho các nhà hoạt động, các bloggers nêu trong thư cũng như tất cả những tù nhân lương tâm tại Việt Nam.
*********************
Các nhà ngoại giao Mỹ và EU gặp giới tranh đấu tại Sài Gòn (VOA, 16/05/2018)
Hơn mười nhà ngoại giao Hoa Kỳ và Liên Minh Châu Âu (EU) hôm 15/5 đã có cuộc gặp với các nhà tranh đấu tại thành phố Hồ Chí Minh để bàn về nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.
Từ trái, Miguel Moro Aguila (ĐSQ Tây Ban Nha), Phạm Chí Dũng, Catherine Welter (Tham tán Chính trị EU tại Hà Nội), Nicolo Costantini (ĐSQ Italia), Phạm Bá Hải, Fabienne Runyo (ĐSQ Pháp), Tim Krap (ĐSQ Hà Lan), Lê Công Định, Graham (ĐSQ Anh), Victoria Rhodin Sandstrom (ĐSQ Thụy Điển), Konrad Lax (Đại sứ quán Đức), Pontius Pamela và Justin Brown (Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ), Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 15/5/2018. Photo : Facebook Pham Ba Hai.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng cho VOA biết ông đã tham gia cuộc gặp này cùng với luật sư nhân quyền Lê Công Định và cựu tù nhân lương tâm Phạm Bá Hải.
Nhà báo Phạm Chí Dũng cho biết nghị trình thảo luận tại cuộc gặp gồm các vấn đề liên quan đến nhân quyền, những nguyên do dẫn tới gia tăng đánh đập, bắt bớ, giam cầm, và những bản án trừng phạt nặng nề thành phần bất đồng chính kiến.
"Có khoảng một chục nhà ngoại giao và đây là lần đầu tiên tổ hợp các quốc gia Châu Âu vào Sài gòn làm việc với các tổ chức xã hội dân sự, và cũng là lần đầu tiên xuất hiện vai trò của hai nước là Italy và Tây Ban Nha. Đây là hai trong năm nước chiếm vai trò lớn trong cộng đồng EU, họ xuất hiện và hỏi khá nhiều về vấn đề nhân quyền".
Trong một thông báo hôm 16/5, ông Phạm Bá Hải, Điều phối viên Hội Cựu Tù nhân Lương tâm, cho biết phái đoàn các nhà ngoại giao Châu Âu gồm đại diện phái đoàn EU tại Hà Nội, đại diện sứ quán các nước Tây Ban Nha, Italia, Pháp, Hà Lan, Anh, Thụy Điển, Đức và hai nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã có cuộc trao đổi kéo dài hai tiếng đồng hồ xoay quanh các vấn đề nhân quyền, và cả Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Châu Âu (FTA) mà Hà nội đang cố gắng vận động các quốc gia thành viên EU phê chuẩn.
Theo nhà báo Phạm Chí Dũng, các nhà ngoại giao còn quan tâm đến cuộc sống của các nhà hoạt động xã hội dân sự độc lập, vấn đề đất tôn giáo và cuộc chiến chống tham nhũng mà Hà Nội đang thực hiện.
"Ngoài việc quan tâm đến các vấn đề nhân quyền, các nhà ngoại giao còn quan tâm việc các nhà hoạt động bị công an trấn áp ra sao và sống trong hoàn cảnh như thế nào, và cô đơn như thế nào trong cuộc đấu tranh của mình. Họ cũng quan tâm đến các vấn đề khác đã trở thành đề tài nóng trong xã hội như vấn đề Thủ Thiêm, Đồng Tâm, Luật an ninh mạng, Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo, và cuộc chiến chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng".
Cuộc gặp giữa các nhà ngoại giao Hoa Kỳ và EU với các nhà bất đồng chính kiến tại thành phố Hồ Chí Minh diễn ra một ngày trước khi Hoa Kỳ và Việt Nam mở vòng Đối thoại Nhân quyền lần thứ 22 tại thủ đô Washington hôm 16/5/2018.
************************
Ân Xá Quốc Tế kêu gọi hành động khẩn cho tù chính trị Trần Anh Kim (RFA, 16/05/2018)
Tổ chức Ân Xá Quốc Tế Amnesty International vào hôm 16/5 ra thông cáo kêu gọi có hành động khẩn cấp đối với trường hợp tù nhân chính trị Trần Anh vì tình Kim, hình sức khỏe nghiêm trọng hiện nay của ông trong nhà tù.
Tù nhân lương tâm Trần Anh Kim tại Tòa án Nhân dân Thái Bình, hôm 28/12/2009. AFP
Ân Xá Quốc Tế cho biết tù nhân lương tâm Trần Anh Kim bị chính quyền Việt Nam đối xử tồi tệ và không được chăm sóc y tế đầy đủ trong tù. Ngoài kêu gọi có hành động khẩn cấp cho ông này, Ân Xá Quốc Tế lên tiếng cần phải trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông.
Bà Nguyễn Thị Thơm, vợ của nhà hoạt động Trần Anh Kim, sau khi đi thăm chồng hôm ngày 1 tháng 5 cho Tổ chức Ân xá Quốc tế biết rằng chồng bà phải chịu nhiều chứng bệnh nặng gồm cao huyết áp, nhiễm trùng tuyến tiền liệt sau đợt phẩu thuật vào năm ngoái nhưng có tiến triển gì. Ngoài ra, ông Trần Anh Kim còn bị những cơn đau đầu liên tục, thị lực một mắt hầu như mất hẳn và răng rụng gần hết khiến việc ăn uống khó khăn.
Mặc dù bản thân tù chính trị Trần Anh Kim và gia đình thường xuyên yêu cầu phía chính quyền đưa ông đến bệnh viện để được điều trị, chăm sóc y tế cũng như trồng răng ; nhưng giới chức phụ trách trại giam từ chối.
Vào tháng 12 năm 2016, ông Trần Anh Kim bị Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Bình kết án 13 năm tù giam và 4 năm quản chế với cáo buộc "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo điều 79 bộ luật hình sự Việt Nam.
Ông bị bắt lần đầu vào tháng 12 năm 2009 và bị kết án 5 năm tù giam vì những hoạt động liên quan đến chính trị.
Sau khi mãn án và được trả tự do vào tháng giêng năm 2015 ; đến tháng 9 năm 2015 ông lại bị chính quyền Việt Nam bắt giam với lý do ông khởi xướng phong trào quân nhân dựng cờ dân chủ.
Ông Trần Anh Kim trước đây từng là một sĩ quan quân đội Việt Nam, cấp bậc trung tá.
******************
Tin tặc Việt Nam do chính phủ hậu thuẫn tấn công tổ chức nhân quyền (RFA, 16/05/2018)
Một nhóm tin tặc Việt Nam có liên hệ với chính phủ Hà Nội đã sử dụng trang chủ của tờ Thời báo Phnom Penh tại Campuchia để tấn công tổ chức nhân quyền Licadho ở Xứ Chùa Tháp.
Một phụ nữ Campuchia đọc báo Phnom Penh Post tại quầy báo của mình ở Phnom Penh hôm 7/5/2018 - AFP
Mạng báo ABC của Úc loan tin ngày 15 tháng 5 cho biết vụ tấn công nhắm vào Licadho được bắt đầu chỉ ít ngày sau khi tờ Thời báo Phnom Penh được đại gia khai khoáng mỏ người Úc, Bill Clough, bán cho một tập đoàn Malaysia chuyên về vận động quan hệ đối ngoại (PR) của ông Sivakumar Ganapathy.
Giám đốc tổ chức nhân quyền Licadho, Naly Pilorge, được ABC dẫn lời rằng kể từ ngày 8 tháng 5, khi các thành viên của tổ chức truy cập vào trang chủ của Thời Báo Phnom Penh thì bị chuyển đến một trang Google giả mạo, rồi đến một trang gọi là GTransfer yêu cầu phải có phép ‘đọc, gửi, xóa, quản trị thư điện tử’ và ‘xem những liên lạc’. Tình trạng này kéo dài đến chiều ngày 8 tháng 5.
Ông Ben Wilson, chuyên gia phân tích nguy cơ tại Canberra làm việc cho Công ty an ninh mạng FireEye, giải thích trong trường hợp vừa nêu có khả năng khả tín là vụ tấn công được tiến hành bởi nhóm bị phát hiện là APT32.
Nhóm này được cho là có liên hệ với chính phủ Hà Nội đang hoạt động vì lợi ích chính trị của giới lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam.
Ít nhất suốt 5 năm qua, nhóm APT tiến hành các vụ tấn công nhắm đến những chính phủ nước ngoài cũng như các nhà bất đồng chính kiến và nhà báo Việt Nam.
Theo quan sát của FireEye thì từ năm 2014, APT32 nhắm đến các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam trong các ngành sản xuất, chế tạo sản phẩm tiêu tùng và dịch vụ khách sạn.
Chiến dịch tấn công bằng mã độc đặc biệt do APT32 ra tay được cho là bắt đầu vào cuối năm 2016. Đây là dạng thức tin tặc tấn công có liên quan đến chính phủ đầu tiên bị phát hiện ngoài Trung Quốc và Nga.