Tổng bí thư Trọng : ‘Lò nóng rực rồi’ (VOA, 13/05/2018)
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lại sử dụng ví von nay đã trở thành "thương hiệu" của ông để thể hiện quyết tâm chống tham nhũng trong cuộc gặp với cử tri ở Hà Nội.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói Phong trào đang phát triển thành xu thế, lò nóng rực rồi, nhưng còn nhiều việc phải làm.
Ông Trọng được truyền thông trong nước như báo điện tử Zing trích lời nói tại quận Ba Đình sáng 13/5 rằng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là "vấn đề hết sức khó khăn phức tạp và vô cùng quan trọng".
Ông cũng kêu gọi những ai "trót nhúng chàm thì tự gột rửa", "phải nhận ra sai lầm" đồng thời nói tới chuyện phải "thu hồi được tài sản không để thất thoát" và "bất đắc dĩ mới phải xử lý hình sự".
"Vừa kiên quyết, quyết liệt nhưng phải nhân ái, nhân đạo… chứ không phải đánh một đòn chết tươi. Với đà này tôi tin chắc làm đến cùng, không bỏ giữa chừng. Phong trào đang phát triển thành xu thế, lò nóng rực rồi, nhưng còn nhiều việc phải làm", ông Trọng nói, theo trang Zing.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trước đây từng tuyên bố "lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy" để nói về cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam.
Người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam cũng nói tới việc ông Đinh La Thăng "nhận án 30 năm tù" và "khai trừ khỏi đảng" mà theo lời ông "lịch sử chúng ta chưa từng xử lý một Ủy viên Bộ Chính trị".
Cuộc gặp của người đứng đầu đảng với các cử tri của quận Ba Đình và Tây Hồ ở thủ đô diễn ra một ngày sau khi kết thúc Hội nghị trung ương 7 với nghị quyết nhấn mạnh việc cần phải tìm kiếm "giải pháp kiểm soát quyền lực" và chống "chạy chức, chạy quyền, thân quen".
Trao đổi với cử tri quận Tây Hồ chiều 13/5, ông Trọng cũng đáp lại các quan ngại về việc phanh phui tham nhũng làm "mất mặt" ngành công an và quân đội.
Trung tướng Phan Văn Vĩnh - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ công an, bị khởi tố hồi tháng Tư vì liên quan tới đường dây đánh bạc nghìn tỷ.
Báo điện tử VnExpress trích lời lãnh đạo đảng này tiết lộ rằng "bên công an, quân đội tâm tư, xin xử lý nội bộ hoặc nói thế nào để không làm mất uy tín hai cơ quan này".
"Công khai là thanh bảo kiếm chữa lành các vết thương, phải phanh phui nó ra, cắt bỏ nó đi thì mới chống được tệ nạn. Đây là đấu tranh với những phần tử suy thoái, hư hỏng không xứng đáng là người đảng viên nữa", ông Trọng được trích lời nói.
Tổng bí thư Trọng còn nói rằng "bên ngoài xuyên tạc phe nọ đánh phe kia" và rằng đây là "đánh nhau về chính trị chứ không phải chống tham nhũng".
"Nghe như thế là nguy hiểm ! Không đánh ai trong nội bộ. Ai sai thì phải xử nhưng tốt nhất là biết tiếp thu, tay nhúng chàm rồi thì gột rửa đi", ông nói, theo VnExpress.
**********************
Nghị quyết Hội nghị trung ương 7 nhấn mạnh kiểm soát quyền lực (VOA, 12/05/2018)
Một hội nghị của Đảng Cộng sản Việt Nam bế mạc hôm 12/5 với nghị quyết nhấn mạnh việc cần phải tìm kiếm "giải pháp kiểm soát quyền lực" và chống "chạy chức, chạy quyền, thân quen".
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị trung ương 7, tháng 5/2018
Nghị quyết về "tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp" đã được ban hành trong hội nghị lần thứ 7 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 vừa kết thúc sau 6 ngày họp ở Hà Nội.
Dẫn lại bài phát biểu của Tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng, các báo Việt Nam cho hay nghị quyết của trung ương đảng nhắm đến một loạt mục tiêu quan trọng, trong đó điểm nhấn là "đề cao giải pháp kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương, họ hàng trong công tác cán bộ".
Nghị quyết cũng yêu cầu phải có "phương pháp đánh giá cán bộ một cách khách quan, chính xác", bên cạnh đó là "có cơ chế tạo động lực", tuy không đi kèm các chi tiết nhưng dường như hàm ý nhắc đến chế độ lương, thưởng hoặc thăng tiến xứng đáng.
Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị trung ương 7, ông Trọng cho rằng các điều nêu trên là một phần của các giải pháp "đấu tranh ngăn chặn sự tha hóa quyền lực trong bộ máy công quyền, sự suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên".
Để đạt mục tiêu, vẫn theo thông tin trên báo chí trong nước, Ban chấp hành trung ương yêu cầu xây dựng và hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực theo nguyên tắc "mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ" bằng cơ chế và "quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm".
Một đoạn trích trong phát biểu của vị tổng bí thư nhấn mạnh : "Cụ thể hóa để thực hiện có hiệu quả cơ chế dân biết, dân bàn, dân giám sát công tác cán bộ ; mở rộng các hình thức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với từng đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị một cách phù hợp".
Báo chí đưa tin rằng trong nửa cuối của nhiệm kỳ, Ban chấp hành Trung ương khóa 12 sẽ phấn đấu "hoàn thành một bước" việc thể chế hóa, cụ thể hóa nghị quyết thành "các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước" về công tác cán bộ, nhắm đến kiện toàn tổ chức bộ máy "tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".
Song song với công việc kể trên, Tổng bí thư Trọng yêu cầu đảng phải "phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh" các tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật của đảng, pháp luật của nhà nước, lạm dụng, lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho tệ chạy chức, chạy quyền.
Người đứng đầu đảng duy nhất cầm quyền ở Việt Nam hàng chục năm qua cũng khẳng định đảng "kiên quyết hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm, có hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ".
(Người Lao Động, Công an TP/HCM, VOV)
****************
Nguyễn Phú Trọng lại cả quyết ‘lò nóng rực, làm đến cùng’ (Người Việt,13/05/2018)
Vừa xong kỳ họp "Hội nghị trung ương 7", ông Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đi rao giảng chương trình chống tham nhũng với lời hô hoán "lò đã nóng rực, còn nhiều việc phải làm, không bỏ dở giữa chừng".
Tham nhũng tại Việt Nam là bệnh trầm kha của chế độ cộng sản. (Hình : towardstransparency.vn)
Một ngày sau khi kết thúc kỳ họp đảng, hôm 13 tháng Năm, 2018, các báo tại Việt Nam đưa tin ông Trọng đi "tiếp xúc cử tri" và đã bị nhiều người cật vấn về vấn đề chống tham nhũng. Ông Trọng và tất cả các đảng viên cấp cao đều là "đại biểu nhân dân" trong quốc hội "đảng cử, dân bầu" độc đoán. Cử tri mà ông tiếp xúc cũng là thành phần đảng viên được gạn lọc từ trước, không phải bất cứ "cử tri" nào cũng được đến gần.
Theo tường thuật trên tờ Đất Việt, đáp lại những "bức xúc" của cử tri về tình trạng tham nhũng tràn ngập từ trên xuống dưới, "quan tham, lợi ích nhóm" cấu kết với nhau "ức hiếp dân lành, vơ vét đục khoét ngân sách, tiền thuế của dân, làm giàu bất chính", ông Nguyễn Phú Trọng "khẳng định, lò đã nóng rực, còn nhiều việc phải làm, không bỏ dở giữa chừng".
Dịp này, ông hé lộ cho biết "Hôm nay tôi nói công khai, cũng có lúc bên công an, quân đội tâm tư, xin xử lý nội bộ hoặc nói thế nào để không làm mất uy tín hai cơ quan này".
Bề ngoài, ông có vẻ muốn đối phó với tệ nạn tham nhũng luồn sâu, leo cao trong hệ thống đảng và nhà nước. Nhưng có lẽ sợ bị "phản đòn nên ông vội giới hạn "Vừa kiên quyết, quyết liệt nhưng phải nhân ái, nhân đạo… chứ không phải đánh một đòn chết tươi", tờ Đất Việt dẫn lời ông.
Một hai ngày trước cuộc họp đảng giữa kỳ, 70 nhân sĩ trí thức và rất nhiều đảng viên nổi tiếng đã gửi một bức thư ngỏ kêu gọi ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng công khai tài sản làm gương cho thuộc cấp, người ta vẫn chỉ thấy ông nín lặng.
Một trong ba phần chính của cuộc họp trung ương Đảng cộng sản Việt Nam kỳ 7 khóa XII vừa kết thúc là cải cách chế độ lương bổng cho công chức cán bộ của chế độ. Lương không đủ sống, nhưng nhóm đảng viên các cấp đều sống và giàu có nhờ những thu nhập "ngoài luồng". Nhỏ thì tham nhũng vặt, lớn thì ăn "dự án".
Bởi vậy, đến như hàng bộ trưởng của chế độ, lương chính thức chỉ có 11 triệu 690 ngàn đồng một tháng chỉ đủ sống tằn tiện, theo sự kêu ca của ông Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại một hội thảo bàn về công tác cán bộ trong dịp họp trung ương đảng nói trên.
Tuy nhiên tờ Dân Trí ngày 9 tháng Năm, 2018 thuật lời nguyên Phó trưởng Ban tổ chức trung ương Lê Quang Thưởng "khẳng định, thời nay không có Bộ trưởng nào nghèo". Nói khác, cái đồng lương còm cõi đó là "phụ" mà những bổng lộc, tham nhũng ăn hối lộ mới là "thu nhập chính".
"Bây giờ làm cán bộ, giàu lên bằng tham nhũng là phổ biến, không phải ít đâu. Thử nhìn xem, chủ tịch tỉnh hay bộ trưởng có ai nghèo không ? Tôi khẳng định là chẳng ai nghèo cả". Lời ông Thưởng trên tờ Dân Trí.
Nhưng cũng chính ông Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng tiết lộ trong những ngày họp đảng hồi tuần qua được tờ VietNamNet thuật lại rằng "Nhiều lãnh đạo tỉnh có doanh nghiệp sân sau đặt trụ sở ngay tại nhà mình, không nghĩ phát triển cho tỉnh mà chỉ nghĩ đi xin Trung ương".
Ông này tố cáo rằng "có một số cán bộ đang biến quyền lực của nhà nước, thực chất là quyền lực của nhân dân, thành quyền lực cá nhân, lạm dụng để ban phát cho người này, người kia, trong khi trước những vấn đề mới của đất nước lại bảo thủ, trì trệ".
Đấy, củi đầy ra đấy ! Ông tổng bí thư chủ lò có dám ném tất cả vào lò hay không nếu ông muốn làm đến cùng ? Hay ông lại "tâm tư" ? Nói vậy mà không phải vậy. (TN)
**********************
Trần Đại Quang vẫn còn giữ ghế chủ tịch nước (Người Việt, 13/05/2018)
Ông Trần Đại Quang vẫn còn giữ ghế chủ tịch nước chứ không "về vườn" như nhiều lời đồn đoán thời gian gần đây liên quan đến sinh mệnh chính trị của ông.
Ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp các nhà khoa học. (Hình : VietNamNet)
Bản tin của Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) loan báo ngày họp cuối cùng của Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam kỳ 7 khoá XII đã kết thúc hôm thứ Bảy, 12 tháng Năm, 2018 sau khi đã bàn và thông qua những quyết định liên quan đến tương lai chuẩn bị nhân sự cấp cao, cải cách lương bổng và cải cách bảo hiểm xã hội.
Trong đó, người ta thấy chỉ có một phần ngắn ngủi nói khai trừ cựu ủy viên Bộ chính trị là ông Đinh La Thăng ra khỏi đảng. Tại ngày cuối của khóa họp, ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang "thay mặt Bộ chính trị điều hành phiên họp" và ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc bài phát biểu kết thức.
Người ta cũng thấy loan báo Ban chấp hành trung ương Đảng đã "bầu bổ sung" hai ủy viên Ban bí thư khóa XII gồm Trần Thanh Mẫn, ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng, bí thư Đảng Đoàn, chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam ; và Trần Cẩm Tú, ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương khóa XII.
Trước khi có cuộc họp, cũng có lời đồn đoán trong kỳ họp này nhiều phần sẽ đưa hai người khác điền khuyết vào hai nghế trống trong bộ chính trị. Đó là ghế của Đinh La Thăng và ghế của Đinh Thế Huynh.
Ông Đinh Thế Huynh bị thất sủng, năm ngoái bị đẩy đi "chữa bệnh", cái ghế "Thường trực Ban bí thư" của ông Huynh bị Trần Quốc Vượng thay thế. Ông Đinh La Thăng mới bị kết án 30 năm tù vì chuyện bê bối xảy ra tại Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (Petro Vietnam) khi ông còn nắm quyền sinh sát.
Trước cuộc họp đảng hai ngày, báo chí trong nước loan tin khá rộng rãi nói ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang "xin vắng mặt tại buổi tiếp xúc cử tri" ở Sài Gòn vì "bận chuẩn bị cho Hội nghị trung ương 7 sắp tới".
Mạng xã hội lại rộ lên tin ông ta đang chữa bệnh ở Nhật. Trước đó, trong khoảng một tháng, người ta thấy ông ta không có mặt tại nhiều dịp tiếp quốc khách thuộc hàng nguyên thủ hoặc những lễ lạc quan trọng phải có mặt chủ tịch nước. Ngoài sự nghi ngờ về bệnh tình nghiêm trọng, còn có những tin đồn ông "dính chàm" trong nhiều vụ "chạy án" hàng triệu đô khi ông còn nắm chức bộ trưởng công an.
Nhưng khi bắt đầu khóa họp đảng ngày 7 tháng Năm, 2018, người ta thấy ông Trần Đại Quang xuất hiện "thay mặt Bộ chính trị điều hành chương trình ngày làm việc đầu tiên". Cùng với bản tin người ta thấy trang mạng "chinhphu.vn", và các báo mạng khác như VietNamNet, Người Lao Động, Zing đưa ra chùm hình ảnh ngày đầu của cuộc họp. Một trong những tấm hình đó là hình ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang đứng phát biểu trong khi ông Tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng ngồi nghe ngay bên cạnh.
Một ngày trước khi kết thúc kỳ họp "Hội nghị trung ương 7", báo VietNamNet của Bộ Thông tin và truyền thông đưa tin ông Trần Đại Quang "gặp mặt thân mật các nhà khoa học" tại Phủ chủ tịch nước "cảm ơn những tình cảm quý báu mà các nhà khoa học, các chính trị gia, các nhà hoạch định chính sách và đại diện các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới đã tích cực tham gia các hoạt động của chương trình ‘Gặp gỡ Việt Nam’ – cầu nối giữa các nhà khoa học Việt Nam và thế giới, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền khoa học và giáo dục của Việt Nam".
Như vậy, tin tức đồn đại "ngoài luồng" nói ông có thể bị thay thế bởi Nguyễn Thiện Nhân, bí thư Thành ủy Sài Gòn, hoặc một nhân vật khác ngay trong kỳ họp này, đã không xảy ra. Vấn đề sức khỏe của những đảng viên và chức sắc chóp bu cộng sản Việt Nam là một thứ bí mật luôn luôn bị bưng bít. (TN)
****************
Nguyễn Phú Trọng lại cả quyết ‘lò nóng rực, làm đến cùng’ (Người Việt,13/05/2018)
Vừa xong kỳ họp "Hội nghị trung ương 7", ông Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đi rao giảng chương trình chống tham nhũng với lời hô hoán "lò đã nóng rực, còn nhiều việc phải làm, không bỏ dở giữa chừng".
5555555555555555555
Tham nhũng tại Việt Nam là bệnh trầm kha của chế độ Cộng Sản. (Hình : towardstransparency.vn)
Một ngày sau khi kết thúc kỳ họp đảng, hôm 13 tháng Năm, 2018, các báo tại Việt Nam đưa tin ông Trọng đi "tiếp xúc cử tri" và đã bị nhiều người cật vấn về vấn đề chống tham nhũng. Ông Trọng và tất cả các đảng viên cấp cao đều là "đại biểu nhân dân" trong quốc hội "đảng cử, dân bầu" độc đoán. Cử tri mà ông tiếp xúc cũng là thành phần đảng viên được gạn lọc từ trước, không phải bất cứ "cử tri" nào cũng được đến gần.
Theo tường thuật trên tờ Đất Việt, đáp lại những "bức xúc" của cử tri về tình trạng tham nhũng tràn ngập từ trên xuống dưới, "quan tham, lợi ích nhóm" cấu kết với nhau "ức hiếp dân lành, vơ vét đục khoét ngân sách, tiền thuế của dân, làm giàu bất chính", ông Nguyễn Phú Trọng "khẳng định, lò đã nóng rực, còn nhiều việc phải làm, không bỏ dở giữa chừng".
Dịp này, ông hé lộ cho biết "Hôm nay tôi nói công khai, cũng có lúc bên công an, quân đội tâm tư, xin xử lý nội bộ hoặc nói thế nào để không làm mất uy tín hai cơ quan này".
Bề ngoài, ông có vẻ muốn đối phó với tệ nạn tham nhũng luồn sâu, leo cao trong hệ thống đảng và nhà nước. Nhưng có lẽ sợ bị "phản đòn nên ông vội giới hạn "Vừa kiên quyết, quyết liệt nhưng phải nhân ái, nhân đạo… chứ không phải đánh một đòn chết tươi", tờ Đất Việt dẫn lời ông.
Một hai ngày trước cuộc họp đảng giữa kỳ, 70 nhân sĩ trí thức và rất nhiều đảng viên nổi tiếng đã gửi một bức thư ngỏ kêu gọi ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng công khai tài sản làm gương cho thuộc cấp, người ta vẫn chỉ thấy ông nín lặng.
Một trong ba phần chính của cuộc họp trung ương Đảng cộng sản Việt Nam kỳ 7 khóa XII vừa kết thúc là cải cách chế độ lương bổng cho công chức cán bộ của chế độ. Lương không đủ sống, nhưng nhóm đảng viên các cấp đều sống và giàu có nhờ những thu nhập "ngoài luồng". Nhỏ thì tham nhũng vặt, lớn thì ăn "dự án".
Bởi vậy, đến như hàng bộ trưởng của chế độ, lương chính thức chỉ có 11 triệu 690 ngàn đồng một tháng chỉ đủ sống tằn tiện, theo sự kêu ca của ông Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại một hội thảo bàn về công tác cán bộ trong dịp họp trung ương đảng nói trên.
Tuy nhiên tờ Dân Trí ngày 9 tháng Năm, 2018 thuật lời nguyên Phó trưởng Ban tổ chức trung ương Lê Quang Thưởng "khẳng định, thời nay không có Bộ trưởng nào nghèo". Nói khác, cái đồng lương còm cõi đó là "phụ" mà những bổng lộc, tham nhũng ăn hối lộ mới là "thu nhập chính".
"Bây giờ làm cán bộ, giàu lên bằng tham nhũng là phổ biến, không phải ít đâu. Thử nhìn xem, chủ tịch tỉnh hay bộ trưởng có ai nghèo không ? Tôi khẳng định là chẳng ai nghèo cả". Lời ông Thưởng trên tờ Dân Trí.
Nhưng cũng chính ông Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng tiết lộ trong những ngày họp đảng hồi tuần qua được tờ VietNamNet thuật lại rằng "Nhiều lãnh đạo tỉnh có doanh nghiệp sân sau đặt trụ sở ngay tại nhà mình, không nghĩ phát triển cho tỉnh mà chỉ nghĩ đi xin Trung ương".
Ông này tố cáo rằng "có một số cán bộ đang biến quyền lực của nhà nước, thực chất là quyền lực của nhân dân, thành quyền lực cá nhân, lạm dụng để ban phát cho người này, người kia, trong khi trước những vấn đề mới của đất nước lại bảo thủ, trì trệ".
Đấy, củi đầy ra đấy ! Ông tổng bí thư chủ lò có dám ném tất cả vào lò hay không nếu ông muốn làm đến cùng ? Hay ông lại "tâm tư" ? Nói vậy mà không phải vậy. (TN)