Ba Lan bắt một giám đốc 'rửa tiền triệu cho mafia Việt Nam' (BBC, 06/03/2019)
Một giám đốc chi nhánh ngân hàng ở Warsaw vừa bị bắt vì giúp 'mafia Việt Nam' rửa hàng trăm triệu đô la và euro qua các công ty ma, theo báo Ba Lan.
Trang Rzeczpospolita (04/03/2019) đăng tin một giám đốc người Ba Lan làm việc cho chi nhánh của "ngân hàng nổi tiếng" ở Warsaw, đã bị cảnh sát bắt, sau khi có cuộc điều tra của công tố viện về nạn rửa tiền của băng đảng Việt Nam.
Thủ đô Warsaw của Ba Lan ngày nay
Người này trợ giúp "băng đảng Việt Nam để nhận khoản tiền 20 nghìn USD", tờ báo cho hay.
Tầm vóc hoạt động rửa tiền rất lớn
Bài báo cũng mô tả quy mô rất lớn của nạn rửa tiền bằng các công ty ma mà người Việt tại Ba Lan tiến hành.
"Những khoản tiền mặt bằng đô la và euro được mang đến ngân hàng bằng túi to, và được sự đồng ý của giám đốc chi nhánh ngân hàng nọ, trở thành tiền trong tài khoản, rồi từ đó chuyển đi khắp thế giới".
Khu Wolka Kosowska là 'Châu Á thu nhỏ' gần Warsaw
Công tố viên Edyta Petryna từ Warsaw được trích lời cho hay "người đàn ông bị bắt vì cáo buộc hợp tác với tội phạm có tổ chức để rửa tiền".
Đây là người thứ năm bị bắt trong vụ việc vốn đã được điều tra một thời gian qua, theo báo Ba Lan.
Tờ báo Ba Lan cũng cho hay người đàn ông Ba Lan này và hai người Việt Nam, một nam, một nữ, bị bắt hôm 28/02/2019.
Chỉ riêng chi nhánh mà người Ba Lan kia làm giám đốc đã chuyển 240 triệu đô la Mỹ và gần 130 triệu euro.
Trong chi nhánh ngân hàng này có tài khoản của sáu công ty "của mafia Việt Nam", mỗi tài khoản có chừng 100 triệu đô la Mỹ.
Cả sáu công ty này đều là công ty ma, chỉ có trụ sở trên mạng, và không trả thuế, tờ Rzeczpospolita trích nguồn cơ quan điều tra nói.
Bài báo cũng nói trong vụ việc này, "những người Việt Nam trả vào tài khoản trung bình một ngày là 1 triệu zloty" (tương đương 263 nghìn đô la Mỹ) mà không khai báo với cơ quan thanh tra tài chính.
Theo luật Ba Lan, việc nộp vào tài khoản các khoản tiền lớn như vậy phải được thông báo cho Cục Thanh tra Thông tin Tài chính.
Có vẻ như vụ bắt giữ mới nhất là phần tiếp theo của cuộc điều tra từ 2018.
Cũng trang Rzeczpospolita (28/06/2018) cho hay bốn người đàn ông ở độ tuổi ngoài 30 đã bị Cục An ninh Quốc nội Ba Lan (ABW) bắt giữ vì liên quan đến băng đảng Việt Nam.
Tờ báo cũng nhắc đến vụ một phụ nữ Việt Nam "nhảy lầu chết hôm 23/05 năm ngoái" ở Warsaw khi bị nhân viên an ninh đến bắt.
Bài báo nói trong két sắt tại căn hộ người này có 2,1 triệu zloty tiền mặt, tương đương 600 nghìn đô la Mỹ.
Tiền zloty của Ba Lan và euro - hình minh họa
Quan chức Ba Lan tin rằng các khoản tiền hàng trăm triệu đô la hoặc euro được chuyển vào tài khoản công ty ở Trung Quốc, Hong Kong, Singapore, Mỹ, Đài Loan, Việt Nam và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Từ cuối 2017, Cục Thuế Ba Lan đã bắt đầu kiểm tra những người buôn bán ở khu vực Wólka Kosowska, nơi có nhiều công ty Việt Nam và Trung Quốc.
Khu chợ ở Wólka Kosowska, phía Nam thủ đô Warsaw hiện nay đã khá nổi tiếng ở Ba Lan và được gọi là 'Châu Á thu nhỏ' với các công ty buôn hàng may mặc nhập từ Châu Á.
******************
Hôm 5/3, tờ Wall Street Journal cho biết các nhà đầu tư bất động sản Mỹ đang nhắm tới nguồn vốn nguồn đầu tư từ Việt Nam thông qua thị thực EB-5, vừa mới, vừa rẻ, vừa phát triển rất nhanh.
Tờ báo cho biết Việt Nam nhanh chóng tận dụng thời cơ tại thời điểm khi mà lượng đầu tư từ Trung Quốc theo sáng kiến thu hút đầu tư vào Mỹ EB-5, đang sụt giảm.
Theo chương trình này, các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực bất động sản hoặc vào những ngành nghề có thể tạo công ăn việc làm ở Mỹ sẽ được nhận thẻ xanh để lưu trú dài hạn.
Hiện nay, khoảng 20% vốn đầu tư vào bất động sản ở Hoa Kỳ theo chương trình EB-5 đến từ Việt Nam, chỉ sau Ấn Độ, 25% và Trung Quốc, 30%, theo thống kê của Quỹ Nhập cư Mỹ (US Immigration Fund).
Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Việt Nam đang trở thành một trong 5 quốc gia có đơn xin chiếu khán EB-5 cao nhất thế giới, bên cạnh Trung Quốc, Hàn Quốc, Brazil và Ấn Ðộ.
Luật sư Phương Lê, luật sư tư vấn nhập cư thuộc Công ty luật David Hirson & Partners có trụ sở ở California được Wall Street Journal trích lời nói : "Trước đây muốn huy động vốn khoảng từ 50 triệu đôla đến 100 triệu đôla, đặc biệt ở New York, chúng ta phải tìm đến Trung Quốc. Nhưng hầu hết các công ty lớn ở New York trước đây từng tìm đến Trung Quốc, giờ đây đều quay sang Việt Nam".
Một số công ty đầu tư bất động sản lớn tại thành phố New York đang trực tiếp mời chào giới đầu tư Việt Nam tham gia các dự án thông qua các đại lý của họ ở Hoa Kỳ. Điển hình như dự án giai đoạn ba khu Hudson Yards của tập đoàn Related Companies, hiện cần vốn lên tới khoảng 380 triệu đôla từ các nhà đầu tư qua chương trình EB-5, hay dự án Hard Rock Hotel của tập đoàn Extell Development ở khu vực Times Square ở trung tâm thành phố New York.
Số thị thực cấp cho người Việt Nam theo chương trình EB-5 trong năm tài khóa 2018 là 693 thị thực, tăng lên nhiều so với con số 471 vào năm 2017. Bốn năm trước, người Việt Nam chỉ chiếm 1% số thị thực cấp cho chương trình EB-5, tương đương 121 thị thực.
Vì sức hút chính của chương trình đầu tư này là chiếc thẻ xanh, cho nên các nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng chấp nhận lợi nhuận ít hơn và chính vì thế nguồn vốn của họ trở nên rẻ hơn trong đầu tư.
Theo trang Imidaily, thời gian chờ đợi để được chấp thuận visa EB-5 đối với các nhà đầu tư Việt Nam, tính đến tháng 11/2018, là từ hơn 5 năm đến 7.2 năm, so với Trung Quốc là 14 năm.
Chương trình thị thực EB-5 ra đời vào năm 1990 để khuyến khích đầu tư nước ngoài và tạo công ăn việc làm cho người Mỹ.
Chương trình EB-5 quy định một nhà đầu tư nước ngoài phải đầu tư vào Hoa Kỳ tối thiểu 1 triệu đôla, hoặc 500.000 đôla ở vùng nông thôn, và tạo việc làm cho 10 người lao động trở lên trong mỗi dự án ở Mỹ.
Các cơ quan chính phủ Mỹ cho hay tới 10.000 thị thực thuộc diện EB-5 có thể được cấp cho công dân nước ngoài mỗi năm.
*****************
Vũng Tàu được phép nhận chìm xuống biển 14,3 triệu m3 bùn (RFA, 06/03/2019)
Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Hóa dầu Long Sơn vừa được cấp giấy phép để nhận chìm 14,3 triệu m3 bùn ngoài khơi biển Vũng Tàu.
Cảng biển Hóa Dầu Long Sơn - Courtesy hoadaulongson.com
Truyền thông trong nước hôm 5/3 trích thông tin từ Sở Tài nguyên và môi trường Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Quý Kiên đã ký giấy phép vừa nêu.
Tin cho biết, đây là số bùn phát sinh trong quá trình nạo vét làm cảng chuyên dùng cho dự án hóa dầu Long Sơn, có tổng mức đầu tư hơn 5 tỉ USD. Số lượng bùn sẽ được nhận chìm tại vị trí khu A, cách mũi Vũng Tàu khoảng 10 km, với diện tích được đổ bùn là hơn 200 km2. Thành phần nhận chìm gồm cát mịn, bụi và sét. Thời gian nhận chìm sẽ kéo dài 2 năm, từ 1/4/2019 đến 31/3/2021.
Theo giấy phép được cấp, nếu việc nhận chìm bùn không đảm bảo an toàn, hay một trong các thông số giám sát môi trường vượt giới hạn cho phép thì phải dừng lại.
Dự án hóa dầu Long Sơn có quy mô gần 400 ha đất, gần 70 ha đất có mặt nước và khoảng 194 ha mặt nước để làm cảng, do Tập đoàn SCG của Thái Lan làm chủ đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 5 tỉ USD.
Trước đó, vào Bộ Tài nguyên và môi trường cũng đã cấp giấy phép nhận chìm 15,39 triệu m³ bùn do nạo vét cảng thuộc Dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Dư luận cũng đặt câu hỏi liệu việc nhận chìm bùn này có ảnh hưởng tới môi trường khu vực biển nhận chìm, cụ thể là vùng đảo Lý Sơn ?
Vấn đề cho nhận chìm các vật chất nạo vét của các nhà máy ; đặc biệt là nhà máy nhiệt điện, xuống biển bị giới khoa học và ngư dân không đồng tình. Lý do được nêu ra làm sẽ phá vỡ môi trường sinh sống của các loài hải sản.