Thượng đỉnh Mỹ-Triều : Donald Trump tìm một dấu ấn trên trường quốc tế (RFI, 27/02/2019)
Hôm 27/02/2019, tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 2 với chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội. Không còn là cuộc gặp mang tính biểu tượng lịch sử như lần đầu cách đây 8 tháng tại Singapore, thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần 2 đang mở ra một hướng mới cho chính sách quốc tế của tổng thống Trump trong nửa cuối nhiệm kỳ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội, ngày 27/02/2019. Reuters/Leah Millis
Hai năm lãnh đạo cường quốc Hoa Kỳ với chủ trương "nước Mỹ trước tiên", ông Donald Trump tập trung chủ yếu vào các công việc đối nội cùng lúc phải đối phó với những công kích trong các hồ sơ nội bộ. Các chính sách đối ngoại Mỹ thường gây bất ngờ bởi các quyết định mang đậm tính cách cá nhân của ông Trump. Tổng thống Mỹ thường xuyên bị chỉ trích đã bỏ rơi vai trò cường quốc thế giới và thích thể hiện sức mạnh của nước theo kiểu vô nguyên tắc hay phi ngoại giao.
Tổng thống Mỹ khởi đầu hai năm sau của nhiệm kỳ bằng các hồ sơ quốc tế trọng điểm là Venezuela và hạt nhân Bắc Triều Tiên. Trước mắt là cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 2 với lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Đây có thể được xem như là phép thử về vị thế và vai trò của cường quốc Hoa Kỳ trong giải quyết các vấn đề quốc tế.
Theo ông Aaron David Miller, một nhà ngoại giao kỳ cựu từng cố vấn cho 6 ngoại trưởng Mỹ, hai năm đầu nhiệm kỳ của ông Donald Trump thể hiện "lỗi chuyên môn ngoại giao". Về mặt đối ngoại, chính quyền Trump không có những quyết định rõ ràng và được dự liệu trước. Tuy nhiên ông Miller nhận thấy tổng thống Trump đã khá khôn khéo để hạ nhiệt căng thẳng với Bắc Triều Tiên và ông thể hiện được ý tưởng rõ ràng về vai trò của Hoa Kỳ trong các cuộc chiến ở Afghanistan hay Syria. Các quyết định rút quân của tổng thống Trump đã dứt nước Mỹ ra khỏi các cuộc xung đột dai dẳng và bất phân thắng bại. Duy chỉ có hồ sơ hạt nhân Iran, quyết định của ông Donald Trump đang làm cho nước Mỹ trở nên lẻ loi.
Theo các nhà quan sát chính trường Mỹ, thì tất cả các đời tổng thống Mỹ khi bước chân vào Nhà Trắng đều không có kinh nghiệm gì về chính sách đối ngoại, nhưng hầu hết đều quan tâm đặc biệt đến các vấn đề quốc tế lớn ở cuối nhiệm kỳ, với hy vọng để lại một dấu ấn lịch sử nào đó. Tổng thống Trump lúc này cũng đang có cơ hội làm như vậy.
Với ông Donald Trump, trường quốc tế là nơi để xả bớt sức ép từ các hồ sơ vụ việc trong nước đang nhắm vào ông, đặc biệt từ khi đảng Dân Chủ nắm Hạ Viện. Chuyên gia Jordan Tamam, giáo sư American University cho rằng chính sách đối ngoại là lĩnh vực có biên độ hoạt động rộng hơn, tổng thống không bị ràng buộc nhiều bởi Quốc Hội.
Còn trên hồ sơ Bắc Triều Tiên, tổng thống Mỹ trong cuộc gặp lần thứ 2 với Kim Jong-un sẽ phải làm sao đạt được kết quả cụ thể xung quanh khái niệm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và những điều kiện cho tiến trình đó. Các nội dung trên mới chỉ được đề cập đến một cách chung chung và còn nhiều khác biệt sau cuộc gặp lần trước. Cho dù trước khi đến Hà Nội lần này, ông Trump từng tuyên bố không vội vã trong quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, nhưng hơn bao giờ hết ông Trump không muốn trở về Washington tay không.
Sau cuộc gặp thượng đỉnh Hà Nội, có thể sẽ chưa có được những quyết định mang tính đột phá lớn, thì ông Trump cũng phải mang về những kết quả cụ thể mở hướng đi cho tiến trình giải trừ hạt nhân và cho phép hy vọng vào một nền hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên.
Một thành công cụ thể ở thượng đỉnh Hà Nội, sẽ còn là cú hích cho ông Trump trong cách điều hành chính quyền trong nước, vốn đang bị đối lập bủa vây tấn công từ nhiều hướng và nhất là ông có thể tự tin nghĩ đến nhiệm kỳ tổng thống thứ hai khi mà chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ đang rậm rạp khởi động.
Anh Vũ
*********************
Tổng thống Trump sáng 27/2 (giờ Hà Nội) nhận định trên Twitter rằng Bắc Hàn cũng sẽ sớm "phồn thịnh" giống Việt Nam "nếu phi hạt nhân hóa".
Trong đoạn tweet thứ hai kể từ khi đặt chân tới Hà Nội hôm 26/2, nguyên thủ Mỹ viết : "Việt Nam phồn thịnh giống như một số ít nơi trên trái đất. Bắc Hàn cũng sẽ như vậy, và rất sớm, nếu phi hạt nhân hóa".
Ông Trump viết thêm : "Tiềm năng tuyệt vời, một cơ hội lớn, gần như chưa có trong lịch sử, cho bạn tôi Kim Jong-un. Chúng ta sẽ biết khá sớm. Rất thú vị !".
Tổng thống Hoa Kỳ cũng kêu gọi phe Dân chủ "nên ngừng nói về những gì tôi nên làm với Bắc Hàn và tự hỏi chính mình vì sao họ không làm điều này trong tám năm dưới chính quyền của ông Obama".
Ông Trump nhận xét như trên trước khi tới Phủ chủ tịch để hội đàm song phương với Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Hai nhà lãnh đạo sau đó dự kiến sẽ chứng kiến lễ ký các thỏa thuận thương mại, theo thông báo của Nhà Trắng.
Hiện chưa rõ về các thỏa thuận này, nhưng tin cho hay, hãng hàng không VietJet và Tre Việt (Bamboo Airways) sẽ ký hợp đồng đặt mua thêm máy bay của tập đoàn Boeing bên lề hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Giữa ngày 27/2, ông Trump sẽ tới Văn phòng chính phủ để gặp và trao đổi cũng như ăn trưa với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Trong chuyến thăm Việt Nam cuối năm 2017, khi gặp người đứng đầu chính phủ Việt Nam, Tổng thống Trump đã trực tiếp rao bán thiết bị quân sự của Mỹ, nhất là máy bay và tên lửa.
"Chúng tôi mong muốn nước ngài mua thiết bị từ Hoa Kỳ. Chúng tôi sản xuất thiết bị tốt nhất. Chúng tôi sản xuất máy bay và thiết bị quân sự tốt nhất. Các tên lửa thì thuộc loại không ai có thể cạnh tranh nổi", ông Trump khi đó nói với ông Phúc.
Theo dự kiến, sau khi gặp hai quan chức cấp cao của Việt Nam, chiều tối ngày 27/2, Tổng thống Trump sẽ đến khách sạn Metropole ở trung tâm thủ đô Hà Nội để hội đàm và ăn tối với lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un.
Việt Nam lâu nay đã được các quan chức Mỹ coi là một hình mẫu cho Bắc Hàn trong mối quan hệ được cho là "biến thù thành bạn".
Chính quyền Hà Nội bình thường hóa bang giao với quốc gia cựu thù Hoa Kỳ năm 1995 sau nhiều thập kỷ sóng gió trong quan hệ song phương, và chính sách đổi mới đã mang lại nhiều đột phá trong nền kinh tế, theo giới quan sát.
Hồi đầu tháng này, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Palladino đã ngỏ lời cám ơn Việt Nam, quốc gia ông coi là "người bạn thân thiết của Mỹ", vì "sự hào phóng khi đăng cai hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai" giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim.
Viễn Đông
*********************
Hoa Kỳ và Việt Nam ký các thỏa thuận thương mại hàng tỷ đô la, không đề cập vấn đề nhân quyền (RFA, 27/02/2019)
Các công ty của Hoa Kỳ và Việt Nam vừa ký một loạt các thỏa thuận mua bán trị giá lên đến hơn 21 tỷ đô la nhân cuộc gặp giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phủ Chủ tịch vào sáng ngày hôm nay, 27/2/2019. Vấn đề nhân quyền đã không được đề cập trong cuộc gặp cấp cao này.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump (trái) bắt tay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại nhà khách chính phủ ở Hà Nội hôm 27/2/2019 AFP
Các thỏa thuận mới được ký kết giữa các công ty hai bên bao gồm hãng hàng không Vietjet của Việt Nam mua 100 chiếc máy bay 737 – Max của hãng Boeing trị giá 12.7 tỷ đô la và 215 động cơ của hãng GE/CFM ; Vietjet cũng ký hợp đồng trị giá hơn 5 tỷ đô la với General Electric để hãng này cung cấp dịch vụ bảo hành cho 200 chiếc máy bay Boeing 737 Max ; Vietnam airlines sẽ mua dịch vụ của tập đoàn công nghệ Sabre – nhà cung ứng giải pháp công nghệ của Hoa Kỳ trong lĩnh vực hàng không, khách sạn và du lịch ; hãng hàng không Bamboo Airways của Việt Nam cũng sẽ mua 10 chiếc Boeing 787-9. Theo ước tính của Nhà Trắng, những hợp đồng này sẽ tạo ra hơn 83.000 công ăn việc làm cho người dân Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (thứ hai bên trái) và Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (phải) chào Giám đốc điều hành hãng máy bay thương mại Boeing Kevin McCallister (trái) và Giám đốc điều hành Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo (thứ hai bên phải) trong lễ ký tại phủ Chủ tịch ở Hà Nội hôm 27/2/2019 AFP
Sau lễ ký tại phủ Chủ tịch, Tổng thống Donald Trump đã đến nhà khách chính phủ để gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Tại buổi gặp, Thủ tướng Phúc ca ngợi Tổng thống Donald Trump về những thành công về kinh tế của Mỹ. Về phần mình, Tổng thống Trump cũng ca ngợi phát triển kinh tế của Việt Nam và nói rằng Việt Nam có thể là một mô hình kinh tế cho Bắc Hàn. Ông cũng nói đến các thỏa thuận thương mại hai bên vừa ký kết và không quên nói rằng Hoa Kỳ có những thiết bị quân sự tốt nhất thế giới.
Có thể thấy trong chuyến thăm lần này của Tổng thống Hoa Kỳ đến Việt Nam, vấn đề thương mại đã được đặt lên hàng đầu. Trong cả hai cuộc gặp với Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Trump đã không quên nhắc đến thâm hụt cán cân thương mại giữa hai nước. "Chúng tôi đánh giá cao việc các bạn đang giảm thâm hụt thương mại với Hoa Kỳ", Tổng thống Trump nói với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Theo số liệu thống kê của chính phủ Mỹ, kim ngạch thương mại hai nước năm 2017 là hơn 54 tỷ đô la, trong đó phía Mỹ đã nhập siêu hơn 36 tỷ đô la.
Tuy nhiên vấn đề nhân quyền đã không hề được đả động đến trong cả hai cuộc gặp quan trọng với lãnh đạo Việt Nam.
Trước đó, vào hôm 19/2, 3 dân biểu Hoa Kỳ là Zoe Lofgren, Chris Smith và Alan Lowenthal đã cùng ký một bức thư đề nghị Tổng thống Donald Trump phải nêu vấn đề nhân quyền với phía Việt Nam trong chuyến thăm lần này.
Các dân biểu Mỹ đã nêu quan ngại về con số những tù nhân lương tâm ở Việt Nam, dẫn số liệu được tổ chức Ân xá Quốc tế đưa ra hồi năm ngoái, theo đó có gần 100 người bất đồng chính kiến ở Việt Nam đã bị bỏ tù vì giám chỉ trích chính quyền.
Các dân biểu Mỹ cũng đề cập đến trường hợp của công dân Mỹ Michael Phuong Minh Nguyen người đã bị chính quyền Việt Nam giam giữ từ tháng 7 năm ngoái để điều tra về cáo buộc có hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.
Bà Helen Nguyen, vợ ông Michael Phương Minh Nguyễn trong một lần trả lời phỏng vấn đài Á Châu Tự do nhân chuyến đến Washington DC để nghe Thông điệp Liên bang của Tổng thống hồi đầu tháng 2, đã bày tỏ tin tưởng rằng Tổng thống Trump sẽ nêu lên trường hợp của chồng bà đối với lãnh đạo Việt Nam.
Vào lúc 6 giờ 30 ngày 27/2, Tổng thống Donald Trump gặp Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un và dự bữa ăn chung ở khách sạn Metropole.
****************
Tổng thống Mỹ gặp các lãnh đạo Việt Nam, hơn 20 tỷ đô la hợp đồng được ký (RFI, 27/02/2019)
Sáng ngày 27/02/2019, nhân dịp đến Hà Nội dự thượng đỉnh Mỹ - Triều, tổng thống Donald Trump đã hội kiến các lãnh đạo Việt Nam. Dù mang tính xã giao, nhưng các cuộc tiếp xúc đã diễn ra với nghi thức long trọng, hội đàm, ký kết các hợp đồng mua bán máy bay trị giá hơn 20 tỷ đô la.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Việt Nam Nguyễn Phú Trọng chứng kiến lễ ký kết hợp đồng mua máy bay giữa Tổng giám đốc Vietjet Air, bà Nguyễn Thị Phương Thảo và ông Kevin McAllister, Chủ tịch Tập đoàn Boeing, ngày 27/02/2019.Luong Thai Linh/Pool via Reuters
Tại phủ chủ tịch, tổng thống Trump đã có cuộc hội đàm với Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư, chủ tịch nước. Theo Thông Tấn Xã Việt Nam, sau cuộc hội đàm ngắn khoảng 30 phút, tổng thống Mỹ và chủ tịch nước Việt Nam đã chứng kiến lễ ký kết 4 văn kiện hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực hàng không.
Tổng giám đốc hãng hàng không Vietjet Air, bà Nguyễn Thị Phương Thảo và ông Kevin McAllister, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Tập đoàn Boeing, đã ký kết hợp đồng mua 100 tàu bay 737 MAX mới trị giá 12,7 tỉ USD. Vietjet Air còn ký thêm hợp đồng mua bán động cơ máy bay và dịch vụ bảo dưỡng máy bay với tập đoàn Mỹ General Electric Aviation có trị giá 5,3 tỷ đô la Mỹ.
Hãng hàng không Bamboo Airways vừa mới đi vào hoạt động, của tập đoàn Việt Nam FLC, đã ký hợp đồng gần 3 tỷ đô la mua 10 chiếc Boeing 787- Dreamliner với nhà sản xuất máy bay Boeing.
Đại diện hàng không hai nước, Tổng công ty hàng không Việt Nam và công ty Sabre của Mỹ cũng ký văn bản ghi nhớ về cung cấp công nghệ và dịch vụ phần mềm ứng dụng quản lý hàng không với trị giá khoảng 100 triệu đô la.
Một quan chức trong đoàn Mỹ tại Hà Nội được AFP trích dẫn đánh giá : "Các thỏa thuận trên sẽ hỗ trợ cho hơn 83 nghìn lao động Mỹ và mang lại an toàn và độ tin cậy ngày càng cao cho các hành khách sử dụng hàng không của Việt Nam"
Sau lễ ký, ông Donald Trump có cuộc hội kiến với thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. Tổng thống Mỹ sau đó đã ăn trưa cùng với thủ tướng Việt Nam.
Anh Vũ
********************
Với sự chứng kiến của Tổng thống Donald Trump và Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng, hai hãng hàng không của Việt Nam, VietJet và Bamboo Airways (Tre Việt), hôm 27/2 đã ký các thỏa thuận mua 110 chiếc máy bay, trị giá hơn 15 tỷ đôla, với tập đoàn Boeing của Hoa Kỳ.
Theo thỏa thuận bên lề hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Hà Nội, VietJet đặt mua 100 chiếc Boeing 737 MAX với tổng giá trị hợp đồng là 12,7 tỷ đôla.
Hãng hàng không giá rẻ này cũng hoàn tất một thỏa thuận hỗ trợ về động cơ lâu dài, trị giá 5,3 tỷ đôla, với hãng GE cho các động cơ LEAP-1B trong đội bay của hãng.
Trong khi đó, Bamboo Airways mua 10 chiếc 787 thân rộng trị giá 2,9 tỷ đôla.
Reuters dẫn lời ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC, tập đoàn sở hữu Tre Việt, cho biết rằng hãng này cũng đang đàm phán mua 25 chiếc Boeing 737 thân hẹp.
Hãng tin Anh trích lời ông Trump nói rằng ông đánh giá cao hợp đồng trên cũng như chuyện thâm hụt thương mại giữa Mỹ với Việt Nam đang giảm.
Đầu tháng này, Cơ quan Hàng không Liên bang Hoa Kỳ tuyên bố rằng Việt Nam tuân thủ các tiêu chuẩn hàng không quốc tế, mở đường cho các hãng hàng không Việt lần đầu tiên được bay thẳng đến Hoa Kỳ cũng như thực hiện các chuyến bay liên danh với các hãng hàng không của Mỹ.