Tướng quân đội báo động tình trạng Trung Quốc gây ô nhiễm môi trường biên giới Việt - Trung (VOA, 01/06/2019)
Một thiếu tướng quân đội Việt Nam hoạt động ở khu vực biên giới với Trung Quốc vừa lên tiếng cảnh báo về tình trạng ô nhiễm do Trung Quốc gây ra ở khu vực biên giới Việt Nam, đồng thời kêu gọi chính phủ và các tỉnh biên giới gửi công hàm, yêu cầu quốc gia láng giềng bồi thường cho những thiệt hại về môi trường đã gây ra cho đất nước, người dân Việt Nam.
Thiếu tướng Sùng Thìn Cò-Phó tư lệnh Quân khu 2.
Phát biểu tại diễn đàn Quốc hội ngày 30/5, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, Phó tư lệnh quân khu 2, cho rằng đã tới lúc "cần quan tâm" đến vấn đề ô nhiễm môi trường trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc, theo tường thuật của báo chí Việt Nam.
Theo tướng Cò, do lợi thế địa hình cao hơn Việt Nam, nên toàn bộ những "hệ lụy" của việc phát triển kinh tế của Trung Quốc như chất thải, nước thải độc hại từ các khu công nghiệp, chế xuất… đổ ra các sông suối xuyên biên giới đều chảy về Việt Nam, làm ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân.
"Biên giới là lá phổi xanh của đất nước và bảo vệ môi trường, sức khỏe người Việt Nam", VnExpress dẫn lời tướng Sùng Thìn Cò nói.
Phó tư lệnh quân khu 2 cho biết ngoài vấn đề xả chất thải, nước thải vào Việt Nam, "có thời điểm, Trung Quốc không điều phối nước cho phía Việt Nam, thậm chí có những lúc xả nước ở đập thủy điện bất ngờ…".
Vì vậy, ông đề nghị chính phủ và các tỉnh biên giới có công hàm yêu cầu quốc gia láng giềng phải bồi thường cho những thiệt hại mà họ gây ra cho Việt Nam, theo công ước quốc tế và các thỏa thuận giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Tướng Sùng Thìn Cò cũng đề nghị chính phủ nên xem xét và sớm đàm phán với phía Trung Quốc để ký Hiệp định về quản lý, bảo vệ môi trường xuyên biên giới nếu chưa ký hiệp định này.
Trong buổi công bố một báo cáo nghiên cứu độc lập hôm 30/5, Ngân hàng Thế giới cảnh báo ô nhiễm đang tấn công nguồn nước mặt và nước trong lòng đất tại Việt Nam, giữa lúc tình trạng ô nhiễm có xu hướng ngày càng gia tăng. Theo tổ chức này, các mối đe dọa về môi trường trên có thể gây thiệt hại từ 0,2 – 3,5% GDP, theo tính toán số liệu của năm 2016, với mức dao động từ 400 triệu-7 tỉ đôla Mỹ cho mỗi mối đe dọa/ảnh hưởng.
*********************
Tướng Việt Nam cáo buộc Trung Quốc làm ô nhiễm sông suối biên giới (RFA, 31/05/2019)
Phó tư lệnh Quân Khu 2 của Việt Nam, tướng Sùng Thìn Cò, phát biểu trước Quốc hội Việt Nam vào ngày 30 tháng 5 rằng nhiều sông suối bên phía Việt Nam bị ô nhiễm do bên Trung Quốc lan sang.
Một góc khu vực biên giới Việt - Trung tại Lào Cai. (Ảnh minh họa) AFP
Theo vị tướng này thì địa hình phía bên Trung Quốc cao hơn bên Việt Nam và tất cả sông suối xuyên biên giới chủ yếu từ đất Trung Quốc chảy vào Việt Nam.
Trung Quốc đầu tư nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất và khai thác tài nguyên khoáng sản, đô thị hóa tốc độ cao cũng như lập các khu dân cư sát biên giới. Thực tế đó dẫn đến những hệ lụy là chất thải, nước thải độc hại xả xuống các sông suối xuyên biên giới, chảy vào Việt Nam gây ảnh hưởng môi trường và sức khỏe người Việt.
Tướng Sùng Thìn Cò còn nêu ra tình trạng Trung Quốc đầu tư nhiều công trình thủy điện ở thượng nguồn ; tuy nhiên Trung Quốc không điều phối nước theo Công ước Liên Hiệp Quốc là quốc gia ở thượng nguồn phải có trách nhiệm điều phối nước cho các nước dưới hạ nguồn. Trái lại, Trung Quốc còn có lúc xả nước thủy điện bất ngờ gây ngập lụt cho vùng hạ du.
Cụ thể vào đêm ngày 25 rạng sáng 26 tháng 5 vừa qua, nước sông Ka Long qua địa phận thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh dâng cao do mưa lớn và phía Trung Quốc xả lũ thượng nguồn. Một người Việt bị thiệt mạng trong vụ này.
Tướng Sùng Thìn Cò đề nghị Chính phủ Việt Nam rà soát các khu vực sông suối xuyên biên giới giữa hai nước, nếu chưa có hiệp định về quản lý bảo vệ môi trường xuyên biên giới thì cần đàm phán càng sớm càng tốt và nếu để gây nên thiệt hại thì yêu cầu Trung Quốc phải bồi thường.
*******************
Khai quật đường cống ngầm xả thải thẳng ra sông La Ngà (RFA, 31/05/2019)
Vào ngày 31/5, Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Đồng Nai cùng các cơ quan chức năng khai quật khu vực người dân tố cáo Công ty AB Mauri có đường cống ngầm xả thải ra sông La Ngà, khiến 1.000 tấn cá nuôi trên sông này chết.
Cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai khai quật vị trí mà người dân tố cáo có hệ thống xả thải ngầm Nguồn : baomoi.com
Phạm vi khai quật được cho biết là 100m2, sâu 3m theo những đánh dấu mà người dân đưa ra trước đó. Tuy nhiên theo Giám đốc điều hành công ty AB Mauri Việt Nam thì đường cống mà người dân đề cập đã bị bịt miệng ống từ năm 2009.
Truyền thông trong nước dẫn thông báo từ Chi cục bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai rằng công ty AB Mauri Việt Nam bị phạt 85 triệu đồng và phải xử lý các sai phạm môi trường trước sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng, chỉ khi nào đảm bảo tiêu chuẩn mới được phép hoạt động lại.
Công ty AB Mauri Việt Nam ở xã La Ngà, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai sẽ bị đình chỉ hoạt động không thời hạn kể từ 10g sáng ngày 3/6 do những sai phạm liên quan đến môi trường.
Công ty AB Mauri là công ty sản xuất bánh kẹo tại xã La Ngà và có giấy phép từ năm 2000. Vị trí công ty được đặt gần các làng bè nuôi cá La Ngà, nơi mà sự cố cá chết hàng loạt trong 2 năm qua.
Người dân xung quanh nhà máy thường xuyên có những than phiền về mùi hôi thối mà AB Mauri gây ra trong quá trình vận hành.
Nhà máy từng 2 lần bị ngưng hoạt động để khắc phục các sự cố ô nhiễm môi trường vào năm 2009 và 2011.
Đến tháng 4 năm nay, sau khi lực lượng chức năng đến kiểm tra nhà máy, phía AB Mauri cũng đã phải ngưng hoạt động 2 tuần để khắc phục sự cố môi trường.
****************
Cá chết khô trải dài nhiều cây số bên bờ sông La Ngà (RFA, 30/05/2019)
Tình trạng cá chết phơi khô xác dọc khu vực hạ lưu sông La Ngà, xã La Ngà, huyện Định Quán, Đồng Nai bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm được mạng báo Vietnamnet loan tin vào ngày 30/5.
Xác cá chết khô dọc sông La Ngà, Đồng Nai. Courtesy of Vietnamnet.vn
Tin cho biết, các loại cá diêu hồng đủ trọng lượng lẫn kích thước phần trên bị cháy khô và mặt dưới thối rửa.
Nhiều người dân nuôi cá lồng bè trên dòng sông La Ngà cho biết đó là xác cá do thảm họa xảy ra hôm 16/5 vừa qua. Sau một đêm mưa lớn cá chết nổi trắng dòng sông. Người dân vớt cá không xuể nên những cá chết còn lại theo dòng nước dạt vào bờ, khi nước rút thì nằm lại và cháy khô do nắng nóng.
Một số người dân nuôi cá lồng bè tại khu vực này cho rằng, họ nuôi cá qua bao nhiêu đời, gặp nhiều trận mưa lớn, bão lũ nhưng chưa bao giờ thấy vì mưa mà cá chết nhiều như vậy. Người dân khẳng định là do nguồn nước ô nhiễm đã hòa và dòng sông chứ chắc chắn không phải do mưa lớn gây ra.
Thống kê cho thấy có gần 1 ngàn tấn cá chết trên sông La Ngà. Trước tình trạng này ông phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Ủy Ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở xác định nguyên nhân và tiến hành các biện pháp xử lý triệt để.
Ông Trương Hòa Bình còn yêu cầu cần thu gom, xử lý cá chết kịp thời để bảo đảm vệ sinh môi trường. Thời hạn báo cáo cho thủ tướng kết của công tác này là vào ngày 30 tháng 6 tới đây.