Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hà Nội cam kết phát triển quan hệ thương mại "tự do và công bằng" với Mỹ (RFI, 29/06/2019)

Hai ngày sau khi bị tổng thống Mỹ đe dọa tăng thuế hàng xuất khẩu, tố cáo Việt Nam cho các doanh nghiệp Trung Quốc mượn đường xuất khẩu hàng sang Hoa Kỳ, hôm qua, 28/06/2019, chính quyền Hà Nội lên tiếng hồi đáp, nhằm giảm nhẹ căng thẳng.

vietmy1

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong buổi họp báo tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội (Việt Nam), ngày 12/11/2017. Ảnh minh họa - Reuters/Kham

Bộ Ngoại giao Việt Nam ra một thông báo khẳng định Hà Nội cam kết "thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ theo hướng tự do, công bằng trên cơ sở đôi bên cùng có lợi". Chính quyền Việt Nam cũng hứa hẹn sẽ nỗ lực "cải thiện cán cân thương mại giữa hai nước, thúc đẩy nhập khẩu các mặt hàng Hoa Kỳ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ muốn hoạt động tại Việt Nam, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư, kinh doanh tại Hoa Kỳ".

Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng tuyên bố sẽ có biện pháp chống lại các doanh nghiệp nào tìm cách lách hàng rào thuế Mỹ nhằm xuất khẩu sang Hoa Kỳ các mặt hàng sản xuất tại Trung Quốc, nhưng dán mác giả "Made in Vietnam". Tuần này, Hà Nội mở điều tra nhắm vào doanh nghiệp điện tử Việt Nam mang tên Asanzo, bị tình nghi xuất khẩu bất hợp pháp tivi sản xuất tại Trung Quốc.

Theo AFP, bất chấp các lời lẽ rất căng thẳng với Việt Nam, hôm qua, tại Osaka, bên lề thượng đỉnh G2O, tổng thống Mỹ vẫn tươi cười chụp ảnh với thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu số một của Việt Nam. Năm ngoái, Việt Nam xuất siêu sang Mỹ khoảng 40 tỉ đô la

Trọng Thành

****************

Việt Nam sẽ mua thêm hàng của Mỹ sau khi bị Tổng thống Trump dọa áp thuế (RFA, 29/06/2019)

Chính phủ Việt Nam hôm 28/6 lên tiếng khẳng định Việt Nam muốn cải thiện cán cân thương mại giữa Mỹ và Việt Nam, cam kết chống gian lận thương mại, hàng hóa nước ngoài lấy danh nghĩa Việt Nam xuất sang thị trường khác.

vietmy2

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ở Hà Nội hôm 27/2/2019 - Hình minh họa. AFP

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng phát biểu như vậy hôm 28/6 sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói với kênh truyền hình Fox hôm 26/6 rằng Việt Nam là nước lạm dụng Mỹ còn hơn Trung Quốc.

"Việt Nam đã có nhiều nỗ lực cải thiện cán cân thương mại giữa hai nước, thúc đẩy nhập khẩu các mặt hàng Hoa Kỳ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ muốn hoạt động tại Việt Nam, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư, kinh doanh tại Hoa Kỳ", bà Hằng cho biết.

Bà Hằng cho biết "Việt Nam cũng triển khai nhiều biện pháp kiểm soát, chống gian lận thương mại, hàng hóa nước ngoài lấy danh nghĩa hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường khác.

Việt Nam và Hoa Kỳ thường xuyên trao đổi thông qua các cơ chế hiện có như Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) để hình thành chiến lược hợp tác lâu dài và toàn diện, tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư song phương, kịp thời giải quyết các vấn đề nảy sinh".

Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018 là khoảng 60 tỷ đô la. Việt Nam xuất siêu sang Mỹ trong năm 2018 khoảng 35 tỷ đô la.

Tổng thống Trump đã nhiều lần lên tiếng về vấn đề xuất siêu của Việt Nam sang Hoa Kỳ.

Theo Reuters, sau cuộc gặp bên lề Thượng đỉnh G 20 ở Nhật Bản giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump, Việt Nam đồng ý sẽ nhập thêm khí hóa lỏng từ Hoa Kỳ.

Thông báo của chính phủ Việt Nam hôm 28/6 cho biết Bộ Công Thương và Bộ Thương Mại Mỹ sẽ sớm ký một bản ghi nhớ về nhập khí hóa lỏng. Tuy nhiên, thông báo không cho biết là Việt Nam sẽ nhập bao nhiêu mà chỉ nói đây là hợp tác năng lược chiến lược dài hạn.

********************

Nhóm phóng viên điều tra tập đoàn Asanzo bị đe dọa khủng bố (RFA, 28/06/2019)

Một số phóng viên thực hiện phóng sự điều tra về việc lừa đảo của tập đoàn Asanzo – hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt liên tục bị tấn công khủng bố, đe dọa.

vietmy3

Công nhân công ty Asanzo đang làm việc. (Ảnh minh họa) - Courtesy kinhtemoitruong.vn

Truyền thông trong nước loan tin hôm 28/6 cho biết như vừa nêu.

Tin cho biết, nhóm phóng viên đã bị liên tục nhắn tin đe dọa qua mạng xã hội Facebook lẫn tin nhắn điện thoại với nội dung yêu cầu nhóm phóng viên không thực hiện việc điều tra tập đoàn Asanzo nữa nếu không sẽ giết cả gia đình.

Mạng báo Tuổi Trẻ loan tin cho biết nhiều người lạ mặt đi trên xe hơi đến trước tòa soạn báo này và nhóm này cử người ngồi canh tại các quán nước xung quanh khu vực toàn soạn báo nhằm theo dõi các phóng viên.

Ban biên tập báo Tuổi Trẻ đã có văn bản gửi giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Hội nhà báo Việt Nam và Thành phố đề nghị triển khai phương án hỗ trợ và bảo vệ nhóm phóng viên.

Được biết, nhóm phóng viên này thuộc báo Tuổi Trẻ sau nhiều tháng thâm nhập điều tra về việc tập đoàn Asanzo lưa đối người tiêu dùng Việt Nam, sau đó Văn phòng Chính phủ gửi văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra xác minh thông tin về loạt bài điều tra do báo Tuổi Trẻ thực hiện.

Trước đó ngày 21/6, báo Tuổi Trẻ trong nước cho công bố loạt bài Điều tra : ‘Asanzo - hàng Trung Quốc 'đội lốt' hàng Việt’. Loạt bài này gây chấn động trong dư luận vì theo quảng cáo của Asanzo thì công ty này sử dụng 'đỉnh cao công nghệ Nhật Bản' để sản xuất hàng điện tử gia dụng và sản phẩm của Asanzo được chứng nhận ‘Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn’.

Phóng sự điều tra của báo Tuổi Trẻ thì vào cuối năm 2018, hải quan từng phát hiện một doanh nghiệp nhập lò nướng thủy tinh nhãn hiệu Asanzo từ Trung Quốc khai báo gian dối. Từ thông tin này, sự việc bị phanh phui không chỉ nhập hàng nguyên chiếc khai báo linh kiện, nay Asanzo còn gỡ tem ‘made in China’ rồi dán đè tem ‘xuất xứ Việt Nam’ lên sản phẩm bán ra thị trường.

******************

Bộ Thông tin Truyền thông sợ câu "Mở lon Việt Nam" có thể hiểu theo nghĩa khác (RFA, 29/06/2019)

Hãng Coca - Cola vừa bị phạt 25 triệu đồng và phải đổi dòng quảng cáo "Mở lon Việt Nam" vì bị cho là quảng cáo vi phạm và không đúng thuần phong mỹ tục Việt Nam.

vietmy4

Hình minh họa lon Coca-Cola - AFP

Truyền thông trong nước hôm 29/6 cho biết Cục Văn hóa thuộc Bộ Thông tin Truyền thông đã có công văn gửi các đại phương yêu cầu chấn chỉnh hoạt động quảng cáo sản phẩm đồ uống của Coca-Cola. Theo đó, nội dung quảng cáo sản phẩm Coca-Cola Việt Nam trên truyền hình và một số phương tiẹn hiện nay có sử dụng cụm từ "Mở lon Việt Nam". Cụm từ này được Cục Văn hóa xác định là có dấu hiệu về hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam. Quảng cáo cũng không đảm bảo rõ ràng của nội dung với sản phẩm, hàng hóa được quảng cáo, vi phạm các quy định trong Luật Quảng cáo của Việt Nam.

Báo Tuổi Trẻ trích lời bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa nói rằng : từ lon đứng một mình, không gắn với từ Coca-Cola hay bia… có thể được hiểu theo nhiều nghĩa. Bà nói thêm : "Hãy giả sử nếu người ta thêm dấu, thêm mũ vào từ đó…. Từ lon Việt Nam có rất nhiều vấn đề".

Báo Thanh Niên hôm 29/6 cho biết, Coca-Cola bị phạt 25 triệu đồng vì đặt một tấm biển lớn quảng cáo với dòng "Mở lon Việt Nam" trái phép ở ngã năm Ô chợ Dừa tại Hà Nội. Sở Văn Hóa Thông tin Du Lịch Hà Nội đã yêu cầu Coca-Cola phải gỡ biển quảng cáo này.

Tờ Tuổi Trẻ được đại diện Coca-Cola cho biết việc thay đổi từ lon thành "chai" hay "hộp" là không thể và hãng này đã đổi slogan "Mở lon Việt Nam" thành "Mở lon trúng vàng".

Published in Việt Nam

Thị trường Mỹ là thị trường rất quan trọng cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam. Đứng trước khả năng chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch sẽ được chính phủ mới của Mỹ áp dụng, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này có bị ảnh hưởng xấu hay không ?

vietmy1

Giám đốc điều hành Vietjet, Nguyễn Thị Phương Thảo (trái) bắt tay với Tổng thống Mỹ Barack Obama, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Boeing Commercial Airplanes, Ray Corner (phải) bắt tay với Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang trong lễ ký kết mua 100 máy bay Boeing tại Hà Nội vào ngày 23 tháng 5 năm 2016. AFP photo

Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng không bi quan như vậy :

Trần Đình Thiên : Tôi nghĩ là không có ảnh hưởng xấu vì phân khúc thị trường của hàng hóa Việt Nam không nằm trong phần mà các công ty Mỹ muốn giành. Thành ra hàng Việt Nam vẫn có thể xuất khẩu bình thường được.

Kính Hòa : Nhưng Việt Nam cũng có những mặt hàng không phải trong sản xuất công nghiệp mà là nông nghiệp và hải sản cạnh tranh với các nhà sản xuất và nông dân Mỹ ?

Trần Đình Thiên : Một số mặt hàng như cá da trơn vẫn nằm trong chuyện thưa kiện, và đó là sự đối nhau giữa lợi ích của nhà sản xuất và người tiêu dùng Mỹ, chứ không phải là một chiều. Và tôi cho là về lâu dài thì lợi ích của người tiêu dùng Mỹ vẫn nổi bật hơn và như thế thì Việt Nam có thể có khó khăn nhưng không có ảnh hưởng tiêu cực quá lớn.

Kính HòaCó thể là Mỹ sẽ đánh thuế lên các hàng hóa từ Mexico và một số nước khác. Những nước này sẽ tìm thị trường tiêu thụ khác. Điều đó có ảnh hưởng đến Việt Nam không ? Vì Việt Nam có những mặt hàng tương đương ?

Trần Đình Thiên : Trên nguyên tắc thì có thể ảnh hưởng, nhưng cụ thể thế nào thì phải phân tích từng thị trường, từng loại sản phẩm. Về nguyên tắc như thế nhưng nếu nói chung quá, khó nhận diện lắm.

Kính HòaÔng có thể cho biết một cách tổng quát là hiện nay Việt Nam xuất khẩu những mặt hàng nào vào thị trường này ?

Trần Đình Thiên : Những mặt hàng liên quan đến nông sản thực phẩm hay là liên quan đến lao động lương thấp. Tuy nhiên điều lo lắng trong tương lai cho những mặt hàng lương thấp là cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư sẽ làm đảo lộn rất nhanh, và Việt Nam phải tính đến tình huống này. Những mặt hàng liên quan đến lắp ráp, gọi là gia công, có thể chịu những tác động rất nhanh. Tôi cho rằng đây là điều Việt Nam phải sớm tính đến, và hiện nay Việt Nam đang thảo luận điều này, thảo luận tích cực. Tuy nhiên trước xu thế hiện nay thì câu chuyện rõ ràng là một vấn đề mới và rất lớn, cần phải có một thái độ cơ bản về nhận thức mới có thể giải quyết được.

Kính HòaÔng có thể giải thích thêm về cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư mà ông vừa nói ?

VIETNAM-US-POLITICS-ECONOMY-GLOBALISATION

Một chiếc xe tải rời khỏi cổng chính của nhà máy lắp ráp xe Ford tại tỉnh Hải Dương, Việt Nam hôm 11/1/2017. AFP photo

Trần Đình Thiên : Nó gắn với tự động hóa, rồi robot sẽ thay thế rất nhiều những lao động liên quan đến gia công, lao động lắp ráp, máy móc, robot sẽ thay thế rất là nhiều. Xưa nay phần việc này do lao động chân tay người ta làm nhiều, tới đây theo những xu hướng hiện đại thì quá trình này đang diễn ra rất nhanh, rất mạnh, và có thể rằng là những hoạt động gia công lắp ráp sẽ được làm ở thị trường tiêu thụ luôn, ví dụ như ở Mỹ chẳng hạn. Đó là một nguy cơ mà các nước đang phát triển bị mất việc làm.

Kính HòaHoa Kỳ vẫn chưa công nhận Việt Nam có cơ chế thị trường. Sắp tới đây dưới sự điều hành của chính phủ ông Trump thì việc này sẽ tiếp tục được thương lượng ? Sẽ dễ dàng hay khó khăn hơn ?

Trần Đình Thiên : Tôi nghĩ là Việt Nam xác định rất rõ cái việc chưa được công nhận, hay không công nhận. Nếu chưa công nhận thì tất nhiên sẽ có khó khăn cho Việt Nam, nhưng cái quan trọng là Việt Nam phải tự mình trở thành một nền kinh tế thị trường thật, mà không cần phải đi xin một sự công nhận khi mà chưa đủ tiêu chuẩn. Đó mới là mục đích thực của Việt Nam, quan trọng là năng lực cạnh tranh.

Hiện nay Việt Nam đang cố gắng theo hướng này. Tất nhiên sẽ tốt hơn nếu như được thị trường Mỹ, một thị trường quan trọng chiếm đến 20% lượng hàng xuất khẩu Việt Nam, công nhận sớm hơn, Việt Nam phấn đấu tốt hơn, có đủ tiêu chuẩn để Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường.

Chuyện thứ hai là chuyện TPP (tổ chức hợp tác thương mại xuyên Thái Bình Dương) có vấn đề là Mỹ đã rời khỏi tổ chức này. Thì tôi nghĩ rằng cách tiếp cận song phương giữa Việt Nam và Mỹ sẽ được đẩy mạnh hơn nữa. Ý tôi muốn nói là trước đây vào năm 2000 Việt Nam và Mỹ đã có hiệp định thương mại song phương, việc đó đã tạo nên một sức đẩy rất lớn cho kinh tế Việt Nam. Tôi nghĩ rằng việc Mỹ rút khỏi TPP lại mở ra một cơ hội Việt Nam và Mỹ xúc tiến một cơ hội song phương có lợi cho cả hai.

Nếu làm được hiệp định tự do thương mại song phương Mỹ Việt Nam thì sẽ có sức đẩy mạnh có thể thay cho cái việc Mỹ rút ra khỏi TPP.

Kính HòaTương lai quan hệ thương mại Việt Nam Hoa Kỳ so với quan hệ Việt Nam Trung Quốc, Việt Nam châu Âu, Việt Nam Nhật Bản, thì ông nghĩ rằng có phải là quan hệ thương mại với Hoa Kỳ vẫn phát triển hàng đầu không ?

Trần Đình Thiên : Tôi thấy rõ là Mỹ vẫn là thị trường đặc biệt đối với Việt Nam. Vấn đề có thể là tới đây Mỹ không chỉ là thị trường xuất khẩu của Việt Nam mà còn là thị trường nhập khẩu của Việt Nam nữa, bởi vì nhập khẩu công nghệ, thiết bị từ Mỹ về lúc nào cũng là cái đích để nền kinh tế Việt Nam tốt hơn.

Hiện nay chủ yếu là Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, nhưng tới đây cân bằng thương mại sẽ vô cùng quan trọng. Và đấy là mục tiêu mà Việt Nam phải làm được. Chính đấy là khác biệt của thị trường Mỹ, so với thị trường EU, thị trường Trung Quốc, trong mối quan hệ với Việt Nam. Đấy là lựa chọn, tôi nghĩ là đặc biệt quan trọng của Việt Nam trong tương lai, cân bằng cán cân thương mại Mỹ Việt Nam.

Kính HòaRất cám ơn ông dành thời gian cho đài Á châu tự do.

Kính Hòa, phóng viên RFA

Published in Việt Nam