Vốn được xem là một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ- Trung, Việt Nam đang nỗ lực duy trì lợi thế đó, tránh bị Hoa Kỳ trả đũa, bằng cách ngăn chận hàng Trung Quốc trung chuyển qua lãnh thổ Việt Nam để né thuế của Mỹ. Trang mạng Asia Times ngày 10/12/2019 đã có một bài viết về đề tài này.
Có rất nhiều hàng của Trung Quốc dễ dàng được dán nhãn "Made in Vietnam" để né thuế của Mỹ.
Với việc Hoa Kỳ áp thuế 25% lên một số mặt hàng của Trung Quốc và dự tính sẽ áp các mức thuế khác kể từ ngày 15/12, nhiều nhà sản xuất Trung Quốc đang tìm cách chuyển hàng qua ngõ Việt Nam, vốn không bị áp thuế quan lên phần lớn các hàng xuất sang Mỹ.
Mối quan ngại bị Hoa Kỳ trả đũa do hàng Trung Quốc mạo danh Việt Nam càng lớn hơn sau khi vào tháng 7 vừa qua, Washington áp thuế 400% lên thép nhập từ Việt Nam.
Theo Asia Times, trước đó, các nhà điều tra Mỹ và Việt Nam đã phát hiện là một số mặt hàng sản xuất ở Hàn Quốc và Đài Loan đã được chở đến Việt Nam để "chế biến" thêm chút ít, trước khi được đóng gói trở lại và xuất sang Mỹ như là hàng "Made in Vietnam".
Việt Nam đứng đầu bảng (+38,4%) liệt kê hàng hóa nhập siêu vào Hoa Kỳ (Trung Quốc đứng chót bảng (-12,8%) : Quý 1/2019 so với Quý 1/2018 - Nguồn : US Census Bureau
Hà Nội rõ ràng là không muốn làm phật lòng Chính quyền Donald Trump, vốn đã đặt Việt Nam trong tầm ngắm do thặng dư mậu dịch của Việt Nam vẫn ngày càng tăng. Trong 9 tháng đầu năm 2019, thặng dư mậu dịch của Việt Nam đã lên tới 41 tỷ đôla, tăng đến 29% so với cùng kỳ năm ngoái.
Asia Times nhắc lại là do mức thặng dư cao như thế, vào tháng 5 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ đã thêm Việt Nam vào danh sách các quốc gia có thể đang thao túng tiền tệ. Tháng sau đó, trả lời phỏng vấn truyền thông Mỹ, Tổng thống Trump đã gọi Việt Nam là "kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ nhất".
Mặc dù Hà Nội có vẻ nỗ lực giảm thặng dư mậu dịch với Mỹ, mức thặng dư vẫn tiếp tục tăng, và có khả năng mức tăng đó là do các mặt hàng Trung Quốc trá hình "Made in Vietnam". Theo Asia Times, các giới chức Việt Nam đã gia tăng nỗ lực ngăn chặn các mặt hàng đó sau chuyến viếng thăm của Bộ trưởng Thương mại Mỹ vào đầu tháng 11.
Gần đây, Hà Nội đã lập ra một danh sách gồm 25 hàng có nguy cơ là hàng Trung Quốc "cải trang" Made in Vietnam. Bên cạnh đó, Bộ Công thương đã thông báo là kể từ cuối tháng 12 sẽ ngưng xuất khẩu các sản phẩm gỗ dán sang Hoa Kỳ. Biện pháp này được đưa ra sau khi các số liệu cho thấy là hàng gỗ dán nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng 37% trong quý đầu của năm nay, trong khi xuất khẩu các mặt hàng này từ Việt Nam sang Mỹ tăng đến 95% so với cùng kỳ năm 2018.
Hoa Kỳ đã áp thuế 25% lên hàng gỗ dán sản xuất ở Trung Quốc. Nếu Washington áp thuế tương tự đối với sản phẩm gỗ dán của Việt Nam, đây sẽ là một thảm họa đối với một ngành mà kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ lên tới 190 triệu đôla trong năm 2018.
Vấn đề là các quan chức thật sự nỗ lực chống hàng Trung Quốc mạo danh Việt Nam lại đang gặp một số vấn đề : Vào tháng trước, hãng tin Channel News Asia loan tin các viên chức hải quan Việt Nam cho biết họ chỉ có thể kiểm tra 5% tổng số bản khai xuất nhập khẩu, điều này có nghĩa là có rất nhiều hàng của Trung Quốc dễ dàng được dán nhãn "Made in Vietnam" để né thuế của Mỹ.
Theo Asia Times, rất có thể là các quan chức Mỹ hiểu các vấn đề mà Hà Nội đang gặp phải, nhưng họ vẫn thúc ép Việt Nam thay đổi, vì họ có thể dùng áp lực này để buộc Việt Nam giảm mức thặng dư mậu dịch với Hoa Kỳ.
Vào đầu tháng 12, Bộ Tài chính Việt Nam thông báo đang xem xét khả năng cắt giảm thuế quan đối với nông phẩm nhập từ Mỹ, một vấn đề trọng yếu đối với Chính quyền Trump, đặc biệt trong bối cảnh tái tranh cử tổng thống năm 2020, ông rất cần lá phiếu của các bang có đông cử tri nông gia.
Nhưng đồng thời tại Washington, cũng có người quan ngại là thúc ép Việt Nam quá mạnh về thương mại có thể gây tổn hại cho việc xây dựng mối quan hệ chiến lược giữa hai nước. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã dần dần trở thành một trong những đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á, vì hai bên đều có lợi ích trong việc ngăn chặn đà bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Asia Times nhắc lại là vào giữa tháng 11 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã mở chuyến viếng thăm đầu tiên của ông ở Việt Nam, để tái khẳng định mối quan hệ an ninh giữa Washington với Hà Nội. Nhân dịp này, ông Esper đã thông báo vào năm tới sẽ chuyển giao cho hải quân Việt Nam một tàu tuần duyên thứ hai, chiếc High Endurance Cutter lớp Hamilton, để tăng cường khả năng tuần tra của Việt Nam trên vùng Biển Đông.
Nguồn : RFI tiếng Việt, 11/12/2019
Việt Nam mất gì khi bị Mỹ ‘tố’ lên WTO ? (VOA, 13/01/2018)
Một cựu chuyên gia Liên Hiệp Quốc cảnh báo về những hệ lụy có thể xảy ra đối với nền kinh tế Việt Nam sau khi Mỹ "tố giác" lên WTO về việc 8 công ty Việt Nam không khai báo là doanh nghiệp nhà nước, đồng thời cho đây là một động thái "bất thường", có thể nằm trong chuỗi phản ứng qua lại liên quan đến việc Mỹ áp thuế nặng lên một số sản phẩm nhập từ Việt Nam gần đây.
Tòa nhà Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) tại Hà Nội. PVN là một trong số 8 công ty bị Mỹ tố cáo lên WTO.
Hôm 11/1, Mỹ cho biết đã "thay mặt Việt Nam" thông báo với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về 8 công ty mà lẽ ra Việt Nam phải đăng ký là "doanh nghiệp nhà nước" theo quy tắc thương mại toàn cầu.
8 công ty mà Mỹ khai báo với WTO gồm có Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và công ty con là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Công ty Xăng dầu Hàng không Việt Nam (Vinapco/SKYPEC), Tổng công ty Lương thực miền Bắc và Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood I và Vinafood II), Công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn (SJC) và Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin).
Lập lờ
Tiến sĩ Vũ Quang Việt, cựu Vụ trưởng Vụ Thống kê của Liên Hiệp Quốc, nói Liên Hiệp Quốc đã có định nghĩa rõ ràng về "doanh nghiệp nhà nước".
Theo đó, một công ty được xếp là doanh nghiệp nhà nước khi có trên 50% cổ phần thuộc về nhà nước. Hoặc Nhà nước sở hữu dưới 50% cổ phần nhưng lại có rất nhiều quyền kiểm soát, chỉ định việc điều hành, quản lý thì công ty đó cũng được xem là doanh nghiệp nhà nước.
Tiến sĩ Vũ Quang Việt nói Việt Nam có những bất nhất trong việc khai báo số lượng doanh nghiệp nhà nước trong cả các báo cáo trong nước lẫn quốc tế.
"Họ chỉ khai báo có 100 doanh nghiệp nhà nước. 100 công ty này là công ty mà họ nắm 100% cổ phần. Còn nếu nắm 98% cổ phần thì họ cũng xếp là công ty tư nhân. Cái đó là không đúng đắn".
Cựu chuyên gia Liên Hiệp Quốc nói việc khai báo số lượng doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam thay đổi tùy theo bối cảnh. Tiến sĩ Việt nói :
"Họ lập lờ, chỗ này thì họ bảo 100, chỗ kia họ bảo 3.800. Khi ra Quốc hội Việt Nam, họ đưa ra số nợ của 100 công ty chứ không phải 3.800 công ty, nhưng trong bản báo cáo của Tổng cục Thống kê Việt Nam thì có 3.800 công ty xếp vào dạng doanh nghiệp nhà nước".
Chứng minh ‘kinh tế thị trường’
Việc Việt Nam không khai báo thực số lượng doanh nghiệp nhà nướcđối với quốc tế, theo Tiến sĩ Việt, là nhằm để chứng minh Việt Nam là một nền kinh tế thị trường.
Tiến sĩ Việt nói mặc dù chưa có một định nghĩa rõ ràng về "nền kinh tế thị trường", nhưng khi một quốc gia có đa số công ty là doanh nghiệp nhà nước thì quốc gia đó thường bị xem là "phi thị trường".
Đối với trường hợp của Trung Quốc và Việt Nam, mặc dù các quốc gia này đều khẳng định mình là nền kinh tế thị trường, nhưng Châu Âu hay Hoa Kỳ thường không xem đây là các nền kinh tế thị trường thực thụ.
Theo bản tin Reuters ngày 11/1, vào tháng 4 năm ngoái, Việt Nam có thông báo với WTO về 2 doanh nghiệp thương mại nhà nước và đây là hành động khiến Mỹ đặt câu hỏi về các công ty khác.
Theo bản tin này, Việt Nam sau đó đã trả lời rằng hầu hết các doanh nghiệp nhà nước trước đây đã được cổ phần hóa và hoạt động theo điều kiện kinh tế thị trường, không còn được hưởng các ưu đãi như trước đây nữa.
Bất thường
Nếu Mỹ và các nước phanh phui về số lượng thực sự các doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam, điều này có thể gây tác động tiêu cực lên hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang ra thị trường quốc tế, theo nhận định của Tiến sĩ Vũ Quang Việt.
"Nếu là nền kinh tế không phải thị trường thì những hàng hóa mà Trung Quốc hay Việt Nam xuất đi các nước, họ có quyền đối xử khác dựa vào chuyện đó, chẳng hạn như tăng thuế nhập khẩu".
Cựu chuyên gia của Liên Hiệp Quốc cho rằng việc Mỹ tố giác 8 doanh nghiệp nhà nước Việt Nam là một động thái bất thường, có thể liên quan đến chuỗi phản ứng qua lại giữa hai nước về việc Mỹ áp thuế nặng lên một số mặt hàng nhập từ Việt Nam gần đây.
Ông giải thích thêm :
"WTO không tự động đem một vấn đề nào ra xử. Họ chỉ hành động khi có một nước than phiền về nước kia. Thí dụ, bây giờ Việt Nam đưa sắt thép, nhôm Trung Quốc vào Việt Nam rồi xuất sang Mỹ. Mỹ biết điều đó nên áp thuế đối với sắt thép, nhôm từ Việt Nam. Và như vậy, chính phủ Mỹ phải đưa ra lý do, phải cho WTO biết tại sao lại làm như vậy. Dĩ nhiên trong trường hợp này, Việt Nam có thể kiện Mỹ ở WTO và nói rằng đây là những công ty Việt Nam. Tuy nhiên, tôi nghĩ điều này khó vì rõ ràng đây là hàng hóa của Trung Quốc dùng con đường Việt Nam để xuất sang Mỹ".
Tháng trước, Bộ Thương mại Mỹ quyết định đánh thuế lên các sản phẩm thép của Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc. Theo đó, thép cuộn lạnh của Việt Nam sẽ chịu mức thuế 531%, trong khi thép không gỉ sẽ bị đánh thuế 238%, mức thuế được cho là "hơn mức cần thiết" để chặn các sản phẩm trên đi vào thị trường Mỹ.
Ngoài sắt thép, Việt Nam còn bị Mỹ áp thuế nặng lên một số sản phẩm thủy sản.
Ngày 12/1, một ngày sau khi Mỹ tố Việt Nam ở WTO, Việt Nam cho biết đã đệ đơn khiếu nạn lên WTO về việc Mỹ đánh thuế theo kiểu "trừng phạt" lên mặt hàng cá phi lê của Việt Nam.
Việt Nam cho rằng Mỹ đã vi phạm các quy định của WTO trong cách áp thuế khi cho rằng mặt hàng này đang được "bán phá giá hoặc với giá rẻ một cách không công bằng trên thị trường Mỹ".
Khánh An
*********************
Hoa Kỳ nêu tên 8 công ty nhà nước Việt Nam lên WTO (RFA, 12/01/2018)
Hoa Kỳ đã thông báo cho Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về 8 công ty Việt Nam không đăng ký là "doanh nghiệp thương mại nhà nước" theo các quy tắc thương mại toàn cầu, theo hồ sơ của Mỹ được WTO công bố hôm thứ 5.
Bên ngoài văn phòng chính của PetroVietnam ở Hà Nội hôm 5/6/2004 - AFP
Theo hãng tin Reuters, Hoa Kỳ "thông báo cho WTO thay mặt Việt Nam" vì Việt Nam đã không làm như vậy.
Danh sách các công ty được Mỹ nêu tên bao gồm : Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) và Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) trực thuộc PetroVietnam, Công ty trách nhiệm hữu hạn MTV Nhiên liệu Hàng không Việt Nam (SKYPEC), Công ty Xăng dầu hàng không Việt Nam (VINAPCO), Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood I) và Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II), Công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn (SJC), và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin).
Cũng theo Reuters, Washington trước đây đã thực hiện các bước tương tự để định danh các công ty Trung Quốc mà họ nghi ngờ đang cạnh tranh một cách không công bằng do mối liên hệ với chính phủ của họ.
Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer đã tuyên bố sẽ tăng cường tính minh bạch trong WTO.
Theo một tài liệu của Trung tâm WTO - đơn vị trực thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì trong Tổ chức Thương mại Thế giới "doanh nghiệp thương mại nhà nước" được hiểu là doanh nghiệp được Nhà nước dành cho những đặc quyền hay độc quyền nhất định trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu.
Nguyên tắc cơ bản mà WTO áp đặt đối với nhóm doanh nghiệp này là yêu cầu buộc phải tuân thủ các tiêu chí thị trường trong hoạt động mua bán liên quan đến loại mặt hàng mà doanh nghiệp đó có độc quyền/đặc quyền xuất nhập khẩu.
Tài liệu của VCCI cũng đề cập đến việc tăng số doanh nghiệp thương mại nhà nước (theo quyết định của Chính phủ, nếu đó là việc cần thiết để điều tiết nền kinh tế) nhưng Việt Nam sẽ phải chuẩn bị cho những phản đối từ phía các thành viên khác của WTO và có thể sẽ phải có biện pháp đền bù cho các nước liên quan.
********************
Việt Nam khiếu nại với WTO về thuế của Mỹ đánh vào cá nhập khẩu (VOA, 13/01/2018)
Việt Nam đã khiếu nại các biện pháp chống bán phá giá của Mỹ đối với cá filet xuất khẩu của Việt Nam, theo một hồ sơ đệ trình được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) công bố.
Công nhân xếp những lát cá tra filet để đông lạnh tại công ty hải sản Biển Đông ở thành phố Cần Thơ, ngày 7 tháng 7, 2017.
Việt Nam nói Mỹ đã vi phạm các quy định của WTO trong cách nước này áp đặt thuế quan lên cá của Việt Nam mà họ cho là đang được "bán phá giá, hoặc bán với giá rẻ một cách không công bằng, trên thị trường Mỹ".
Kim ngạch nhập khẩu cá filet từ Việt Nam của Mỹ đã tăng từ 100 triệu đôla vào năm 2007 lên hơn 520 triệu đôla vào năm 2016. Sự phát triển này đã đưa Việt Nam trở thành nhà cung cấp lớn thứ ba của Mỹ sau Chile và Trung Quốc và Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng đầu cho cá của Việt Nam.
Mỹ có 60 ngày để dàn xếp khiếu nại của Việt Nam, hoặc Việt Nam có thể yêu cầu WTO phân xử.
Washington hiện đang đối mặt với hàng loạt vụ tranh chấp thương mại về việc sử dụng thuế chống bán phá giá trong hai thập kỷ qua, và đã thua nhiều vụ trong số này sau khi các phương pháp tính toán của Mỹ được xét thấy không phù hợp với các quy định của WTO.
Đầu tuần này, WTO đã công bố một khiếu nại thương mại rộng lớn của Canada, đệ trình trong tháng 12 chống lại việc Mỹ sử dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ giá.
Mỹ gọi đó là một "cuộc tấn công rộng lớn và không hợp lý" có thể khiến "hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước khác ồ ạt tràn vào".
Đơn khiếu nại của Việt Nam là tranh chấp thứ tư do Việt Nam khởi xướng kể từ khi gia nhập WTO vào năm 2007.
Hai khiếu nại trước đó nhắm vào các biện pháp chống bán phá giá của Mỹ đối với tôm xuất khẩu của Việt Nam. Cuộc chiến kéo dài nhiều năm này kết thúc vào năm 2016 khi Mỹ đồng ý loại bỏ thuế đối với một công ty xuất khẩu tôm của Việt Nam và hoàn trả các khoản tiền đặt cọc thuế hải quan mà công ty này đã trả.
Vào thời điểm đó, hai nước là đối tác trong các cuộc đàm phán thương mại cho thỏa thuận Đối tác Xuyên Thái Bình Dương. Nhưng dưới thời tổng thống Donald Trump, Mỹ đã rút khỏi các cuộc đàm phán đó.