Người Việt bị bắt ở Nhật Bản vì trộm đồ Uniqlo dấy lên câu hỏi về visa thực tập sinh
BBC, 11/02/2024
Bốn người Việt Nam tại Nhật Bản đã bị bắt với cáo buộc dính dáng đến 67 vụ trộm cắp ở Tokyo và bảy tỉnh.
Các cửa hàng Uniqlo ở nhiều tỉnh của Nhật Bản là mục tiêu của nhóm trộm người Việt Nam
Cảnh sát tỉnh Fukuoka tin rằng đường dây trộm cắp này do một người phụ nữ khoảng 40 tuổi đang sống ở Việt Nam cầm đầu, theo báo Asahi Shimbun dẫn một số nguồn tin vào ngày 7/2. Hiện đã có lệnh bắt giữ đối với người này và đã được chuyển đến cho chính quyền Việt Nam.
Các nguồn tin nói với Asahi rằng bốn người này không quen biết nhau, nhưng tất cả đều có móc nối với một phụ nữ, đưa ra hướng dẫn chi tiết về kích cỡ và màu sắc mà họ nên lấy trộm. Còn bốn người này được đưa sang Nhật và ăn trộm nhiều đến mức ngày nào họ cũng chất đồ đầy va li.
Cảnh sát xác nhận tổng cộng 66 vụ trộm cắp tương tự trong 5 năm qua, kể từ tháng 12 năm 2018 tại tám tỉnh, từ Fukuoka, Tokyo tới vùng Kansai.
Tổng cộng có 5.237 món đồ với tổng trị giá 19,7 triệu yen (khoảng hơn 3,2 tỉ đồng Việt Nam) được cho là đã bị lấy cắp. Trong số 66 vụ, cảnh sát đã chuyển ba vụ cho cơ quan công tố.
Báo South China Morning Post (SCMP) viết rằng đường dây trộm cắp này gióng lên hồi chuông về sự gia tăng của nạn trộm cắp xuyên biên giới do sức hấp dẫn của các mặt hàng chất lượng cao Nhật Bản. Vụ việc cũng làm dấy lên câu hỏi về chương trình thị thực thực tập sinh của chính phủ cũng như lo ngại về các khâu kiểm soát an ninh.
Việc các du học sinh hoặc người xuất khẩu lao động ở Nhật Bản "xách tay" các sản phẩm của Nhật để bán lại trong nước nhằm kiếm thêm thu nhập không còn là điều xa lạ. Tuy nhiên, một số khác lại chọn con đường phi pháp là ăn cắp đồ để đem về Việt Nam bán vì thu được nhiều tiền hơn.
Tuy Việt Nam đã có cửa hàng Uniqlo nhưng nhiều người vẫn có tâm lý rằng hàng ở bên Nhật có chất lượng cao hơn hàng được sản xuất và bày bán tại Việt Nam, dù cùng một thương hiệu. Chưa kể, quần áo Uniqlo ở Việt Nam có giá khá cao, đây có thể là một trong những lý do khiến Uniqlo ở Nhật bị nhắm tới.
Cảnh sát cho biết nhóm này đã sử dụng một loại túi đặc biệt để đựng đồ ăn cắp nhằm tránh kích hoạt chuông báo động.
Một số người Việt Nam đã bị bắt trong những năm gần đây vì tội trộm trái cây và thậm chí cả gia súc từ các trang trại ở những vùng xa xôi của Nhật Bản rồi bán cho bạn bè và đồng hương.
Nhiều vụ trong số này xảy ra trong cộng đồng người Việt Nam đến Nhật Bản theo chương trình thực tập sinh nước ngoài của chính phủ, chương trình vốn bị bị cáo buộc là một hình thức mở đường cho các công ty lao động giá rẻ, trong khi có rất ít chương trình giáo dục cho thực tập sinh.
Bị thu hút bởi số tiền lớn hơn, một số đã bỏ vị trí thực tập sinh và hiện đang làm việc bất hợp pháp.
Hồi tháng 1, cảnh sát tỉnh Gifu ở miền trung Nhật Bản đã bắt giữ một nhóm 22 công dân Việt Nam với cáo buộc trộm 191 ô tô từ 18 tỉnh. Băng nhóm này được cho là nhằm vào những chiếc xe sang và những chiếc xe bị đánh cắp có giá trị ước tính khoảng 380 triệu yen (hơn 62 tỉ đồng Việt Nam).
SMCP dẫn lời Shinichi Ishizuka, người sáng lập tổ chức tư vấn Tương lai Tư pháp Hình sự có trụ sở tại Tokyo, nói rằng có thông tin nhiều người đi theo diện chương trình thực tập sinh của chính phủ đang gặp khó khăn.
"Có lẽ không có gì ngạc nhiên khi họ bị hấp dẫn bởi cơ hội kiếm được nhiều tiền một cách nhanh chóng, nhưng cần phải làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn những loại tội phạm có tổ chức này", Ishizuka nói. "Các công ty cũng nên nhận thức rõ hơn về vấn đề này và đưa ra nhiều biện pháp đối phó hơn".
Asahi đưa tin cảnh sát đã điều tra 2.081 vụ trộm cắp liên quan đến công dân Việt Nam và bắt giữ 649 người vào năm 2021.
Năm 2022 có 1.927 vụ và 488 người Việt Nam bị bắt.
Nguồn : BBC, 11/02/2024
Chính phủ Nhật rà soát chương trình thực tập sinh liên quan đến công nhân Việt Nam
VOA, 16/12/2022
Theo tường thuật của Kyodo, Hội đồng bao gồm 15 thành viên, với các học giả và người đứng đầu chính quyền các thành phố, sẽ soạn ra báo cáo cuối cùng, dự kiến vào khoảng mùa thu năm 2023, về chương trình thực tập sinh kỹ năng nước ngoài và hệ thống công nhân kỹ năng cụ thể, những hệ thống đang bị giám sát chặt chẽ vì các vụ bạo lực thể chất và giam lương của công nhân.
Lao động Việt Nam ở Nhật Bản (Ảnh chụp màn hình VnEconomy).
Những vụ bạo lực, trong đó rất nhiều vụ liên quan đến công nhân Việt Nam, đã làm dấy lên những chỉ trích trong và ngoài nước rằng chương trình thực tập sinh kỹ năng là công cụ để các công ty Nhật nhập khẩu lao động giá rẻ thay vì chuyển giao kỹ năng cho các quốc gia đang phát triển như mục tiêu công bố của chương trình.
Kyodo dẫn lời chị Đoàn Thị Thu Nga, một thực tập sinh 32 tuổi người Việt đã làm việc cho một công ty may được khoảng ba năm ở tỉnh Ehime, miền Tây Nhật Bản, nói : "Họ nghĩ rằng chúng tôi đến từ các nước nghèo nên họ có thể yêu cầu chúng tôi làm việc trong bất kỳ hoàn cảnh nào".
Chị Nga cho biết lương của chị vẫn đang bị giam và chị thường xuyên phải làm thêm hơn 100 giờ mỗi tháng, là số giờ làm cao vượt mức quy định của luật pháp Nhật Bản.
Các thành viên hội thảo bao gồm Chủ tịch Akihiko Tanaka, Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, cơ quan viện trợ nước ngoài của Nhật, sẽ thảo luận về các biện pháp khả thi như thay thế các chương trình này bằng các chương trình mới.
Bộ Tư pháp của Nhật cũng đã tổ chức các buổi nghiên cứu trước khi diễn ra cuộc họp Hội đồng, trong đó đặc biệt là thảo luận về chương trình thực tập sinh kỹ năng nước ngoài.
Tin cho hay cuộc họp của Hội đồng Chính phủ Nhật Bản đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau, từ lợi ích của chương trình thực tập sinh đến những kêu gọi loại bỏ chương trình này. Hội đồng chuyên gia hiện đang xem xét một loạt các phản hồi như thống nhất hai chương trình, thành lập một cơ quan giám sát việc tiếp nhận thực tập sinh và xem xét các hoạt động tại Tổ chức Đào tạo Thực tập sinh Kỹ năng.
Nhật Bản đã giới thiệu chương trình đào tạo cho người nước ngoài vào năm 1993, chủ yếu dành cho lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất, với các thực tập sinh được phép làm việc tới 5 năm.
Chương trình này đã bị nhiều tai tiếng sau khi liên tục xảy ra những vụ bạo lực, vi phạm nhân quyền đối với các thực tập sinh. Thời gian gần đây, đã có 37 tổ chức bị giám sát và 358 nơi làm việc của thực tập sinh bị thu hồi giấy phép hoặc chứng chỉ hoạt động.
Tính đến cuối tháng 6, có khoảng 328.000 người cư trú tại Nhật Bản trong tư cách thực tập sinh kỹ thuật và khoảng 87.000 người là công nhân kỹ năng cụ thể.
****************************
Cảnh sát cơ động thuộc Bộ Công an được điều đến Thành phố Hồ Chí Minh nói để giữ an ninh trước và sau Tết
RFA, 16/12/2022
Cảnh sát cơ động thuộc Bộ Công an được điều đến Thành phố Hồ Chí Minh nói để giữ an ninh trước và sau Tết
Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Đông Nam Thành phố Hồ Chí Minh (E29) thuộc Bộ Cảnh Sát Cơ động được điều vào thành phố lớn nhất nước này từ 15/12/2022 đến hết ngày 5/2/2023 để tăng cường giữ gìn an ninh trật tự trong dịp lễ, tết.
Trung đoàn Cảnh sát cơ động Đông Nam Thành phố Hồ Chí Minh (E29) - Tiền Phong
Truyền thông Nhà nước loan tin ngày 15/12 đưa hình ảnh buổi lễ ra quân vào tối ngày 15/12 và dẫn lời vị Trung đoàn Trưởng E29, Đại tá Lê Đại Thắng, cho biết Công an Thành phố Hồ Chí Minh có yêu cầu gửi đến Bộ Công an xin được tăng cường.
Lý do nêu ra vì tình hình an ninh- trật tự tại thành phố lớn và đông dân nhất Việt Nam diễn biến phức tạp. Hiện nổi lên những loại tội pham như giết người, cướp của, hoạt động theo kiểu "xã hội đen" ; thanh thiếu niên tụ tập gây rối dùng hung khí để thanh toán mâu thuẫn ; các loại tội phạm kinh tế, ma túy gia tăng…
Kế hoạch tuần tra của Trung đoàn E29 tăng cường được cho biết bắt đầu từ 22 giờ tối hôm trước đến 5 giờ sáng ngày hôm sau. Địa bàn gồm năm tuyến và một khu vực nhưng tin không nói rõ cụ thể tuyến và khu vực nào.
Liên đoàn lao động Zentouitsu được hãng tin Kyodo vào ngày 18 tháng tư dẫn lời rằng có 3 thực tập sinh Việt đến Nhật Bản vào tháng 7 năm 2015 và bắt đầu làm công việc dọn dẹp phóng xạ tại Fukushima trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2018 cho một công ty xây dựng của thành phố Koriyama.
Các công nhân Việt Nam làm việc tại một nhà máy của Nhật. (Ảnh minh họa) - AFP
Trước đó vào tháng 3 vừa qua, một người Việt khác lên tiếng tố cáo với báo chí là anh được công ty xây dựng tại Morioka, tỉnh Iwate thuê và hợp đồng tham gia việc lắp đặt và gia cố các cơ sở thép. Khi phát hiện bản thân phải tham gia hoạt động tẩy rửa chất phóng xạ, anh lên tiếng tố cáo công ty Nhật vi phạm luật Hợp đồng Lao động nhưng phía công ty đã phủ nhận mọi cáo buộc, cho rằng anh này cũng được giao công việc không khác gì các đồng nghiệp Nhật Bản và không nguy hiểm đến tính mạng.
Chị Ngô Minh Uyên cựu du học sinh Nhật Bản và hiện đang làm công việc phiên dịch và quản lý nhóm thực tập sinh ở đảo Shikoku, Nhật bản cho biết hầu hết các thực tập sinh không tìm hiểu và xem kỹ các hợp đồng của mình, chị cho biết :
"Các em không được biết các công ty mà sẽ tuyển các em là như thế nào hết, các công ty tư vấn tại Việt Nam thì họ giấu hết tất cả thông tin cho đến khi các em phỏng vấn và ký hợp đồng, thậm chí các hợp đồng đó các em cũng không có được đọc kỹ và chỉ coi mức lương của mình là bao nhiêu đó thôi".
Sau khi tin tức loan đi như vừa nêu về việc một số thực tập sinh Việt bị đưa đến khu vực dọn phóng xạ mà họ không hề hay biết, chúng tôi có liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật để tìm hiểu thông tin liên quan nhưng không được phúc đáp.
Theo Cục Di Trú thuộc Bộ Tư Pháp Nhật thì vấn đề liên quan đang trong quá trình điều tra và thẩm định ; nên chưa có thông tin cụ thể cho phía Việt Nam.
Các thực tập sinh Việt khi ra nước ngoài lao động nếu có sự cố xảy ra, thì quyền lợi của những thực tập sinh này có được phía đại điện chính quyền Việt Nam tại các nước sở tại, quan tâm và bảo vệ họ hay không ? Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục Trưởng Cục Quản lý Lao động Nước ngoài, thuộc Bộ Lao Động- Thương Binh & Xã Hội Việt Nam, trong một lần trả lời với đài Á Châu Tự Do cho biết :
"Chúng tôi có các cơ quan quản lý, các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài. Trong các cơ quan đó chúng tôi có các cán bộ nghiệp vụ làm nhiệm vụ quản lý lao động ở bên đó cũng như bảo vệ người lao động Việt Nam ở bên đấy. Họ sẽ hỗ trợ cho ngưòi lao động cũng như là các doanh nghiệp về vấn đề này".
Còn theo chị Ngô Minh Uyên thì đại điện phía Việt Nam tại Nhật lâu nay không hỗ trợ gì cho các thực tập sinh. Chị cho biết :
"Trời ơi, thôi đừng nói đến đại sứ quán, lãnh sự quán vì đó là nỗi ám ảnh lớn nhất của người Việt tại Nhật chứ không chỉ riêng các tu nghiệp sinh. Ở Nhật cho dù có bị gì đi nữa thì đại sứ quán họ không có can thiệp đâu, mà có can thiệp cũng sẽ bất lợi cho mình, họ can thiệp theo kiểu là thôi mày làm không được thì mày về nước đi. Mà đưa về nước thì lại đang nợ một đống tiền nên tu nghiệp sinh cũng biết là công việc nó nguy hiểm nó khác với hợp đồng nhưng vì kiếm tiền và để trả lợi nên người ta phải im lặng thôi. Còn nói về đại sứ quán và lãnh sự quán thì đừng mong chờ họ không có can thiệp gì đâu".
Chính phủ Nhật vào năm 1993 đưa ra chương trình tu nghiệp sinh kỹ thuật dành cho lao động nước ngoài, nhằm chuyển giao kỹ năng, kỹ thuật và kiến thức trong nhiều lĩnh vực ngành nghề cho các nước khác trong đó có Việt Nam. Các tu nghiệp sinh tham dự chương trình sẽ giúp Nhật giải quyết về tình trạng thiếu lao động phổ thông.
Chương trình này có 139 công việc và chủ yếu ở 77 ngành nghề khác nhau gồm xây dựng, sản xuất và dệt may. Tuy nhiên chương trình này lâu nay bị chỉ trích nặng nề vì để các công ty Nhật lợi dụng nhằm tìm kiếm và sử dụng nhân công giá rẻ.
Cùng quan điểm này, chị Ngô Minh Uyên cho chúng tôi biết thêm, đa số các nghiệp đoàn tiếp nhận các thực tập sinh qua Nhật là những trung gian. Họ không đứng về quyền lợi của các thực tập sinh ; cho nên khi đưa các thực tập sinh qua Nhật họ chỉ đào tạo một tháng rồi đưa về các nhà máy để làm.
Chị cho biết về tình cảnh các thực tập sinh tại Nhật : "Luật lệ làm việc tại Nhật thì nó rất khác so với hợp đồng và sự tưởng tượng của các em rất là nhiều. Kỷ luật ở trong công ty Nhật rất là nghiêm ngặt nên ban đầu các bạn làm việc trong tâm trạng rất là lo sợ vì người Nhật trong công việc họ rất là khắc khe .
Đời sống sinh hoạt cũng gặp nhiều khó khăn, vì các em không biết tiếng nên mỗi khi bệnh muốn xin nghỉ thì không đươc giải quyết, bị hiểu lầm và khi đi ra ngoài vì không biết luật nên làm mấy chuyện cứ nghĩ ở Việt Nam thì đơn giản nhưng ở Nhật thì nghiêm cấm".
Các thực tập sinh ra nước ngoài làm việc xưa nay luôn phải đóng một số chi phí nhất định như môi giới và tiền cọc, tùy vào điều kiện và đòi hỏi của các công ty xuất khẩu lao động. Các khoản này so với thu nhập của gia đình nghèo tại Việt Nam là khá lớn. Tuy nhiên với mong muốn có được công ăn- việc làm tốt hơn, những thực tập sinh và gia đình thường phải đi vay mượn hoặc cầm cố nhà cửa để có thể tham gia chương trình này.
Tuy nhiên, do nóng vội, dễ tin, không chịu tìm hiểu kỹ càng trước nên nhiều người rơi vào tình trạng không được như mong đợi. Đến khi gặp tình thế nguy cấp ; họ kêu đến đơn vị tuyển dụng thì thường bị thoái thác trách nhiệm ; còn đại diện Việt Nam tại Nhật thì như lời chị Ngô Minh Uyên cũng chẳng mong đợi gì.
Nguyễn Tuấn
********************
Thêm 3 thực tập sinh Việt Nam bị lừa tới Nhật dọn rác nhiễm phóng xạ (RFA, 18/04/2018)
Thêm 3 người đàn ông Việt Nam trong chương trình thực tập sinh nước ngoài tại Nhật đã tham gia vào công tác khử nhiễm phóng xạ ở Fukushima, nơi xảy ra thảm họa rò rỉ hạt nhân ở nhà máy điện Fukushima vào tháng 3 năm 2011. Tờ Kyodo của Nhật trích nguồn tin từ Liên đoàn Lao động Zentouitsu cho biết như vậy hôm 18/4.
Rác nhiễm phóng xạ ở Fukushima, nơi xảy ra thảm họa rò rỉ hạt nhân ở nhà máy điện Fukushima vào tháng 3 năm 2011. AFP
Theo Liên đoàn Lao động Zentouitsu, ba người đàn ông Việt Nam đã đến Nhật Bản vào tháng 7 năm 2015 và làm công việc dọn dẹp bức xạ tại quận Fukushima trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2018 với tư cách là thực tập sinh của một công ty xây dựng ở thành phố Koriyama.
Hợp đồng của họ chỉ nói rằng họ sẽ tham gia vào việc lắp đặt mẫu và gia cố các cơ sở thép. Công ty tuyển dụng đã không cho họ một lời giải thích chi tiết về công việc khử nhiễm phóng xạ từ trước.
Trước đó, vào tháng 3 năm 2018, một người Việt Nam khác do một công ty xây dựng ở Morioka, Iwate thuê, đã lên tiếng trước báo chí Nhật Bản ở Tokyo rằng ông đã bị lừa dối trong việc tiến hành công tác khử nhiễm phóng xạ ở quận Fukushima.
Theo Kyodo, Bộ Tư Pháp Nhật Bản đang điều tra một vụ việc liên quan đến khả năng có nhiều người nước ngoài có thể đã được tuyển dụng để tham gia làm các công việc không phù hợp theo Chương trình Đào tạo Kỹ thuật viên Thực tập. Đây là chương trình được Nhật Bản giới thiệu vào năm 1993 với mục đích chuyển giao kỹ năng cho các nước đang phát triển.
Cũng theo Kyodo, chương trình đào tạo này của Nhật vốn tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp và chế tạo đã bị chỉ trích vì tạo cơ hội cho các công ty Nhật Bản nhập khẩu lao động giá rẻ.
Bộ Tư pháp và Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã tuyên bố nói rằng công việc khử nhiễm phóng xạ là không phù hợp với mục đích của chương trình tập sự.
********************
Phát hiện thêm nhiều tu nghiệp sinh Việt dọn rác phóng xạ ở Fukushima (VOA, 18/04/2018)
Nhật Bản vừa phát hiện thêm 3 tu nghiệp sinh Việt Nam tham gia vào việc dọn dẹp, khử phóng xạ ở quận Fukushima, nơi đã hứng chịu cuộc khủng hoảng rò rỉ hạt nhân vào tháng 3 năm 2011.
Công nhân dọn dẹp lá cây, đất đai bị nhiễm phóng xạ ở làng Kawauchi, thuộc quận Fukushima, ngày 5/7/2013.
Japan Times dẫn lời Liên đoàn Lao động Zentouitsu, tổ chức hỗ trợ các tu nghiệp sinh, cho biết 3 nam tu nghiệp sinh người Việt đến Nhật Bản vào tháng 7 năm 2015. Họ làm công việc dọn dẹp phóng xạ tại quận Fukushima trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2018 với tư cách là thực tập sinh của một công ty xây dựng ở thành phố Koriyama trong khu vực.
Theo hợp đồng của các tu nghiệp sinh thì họ chỉ tham gia vào việc lắp đặt và gia cố kết cấu thép, nhưng không giải thích chi tiết về công việc tẩy rửa phóng xạ.
Vẫn theo nguồn tin của Nhật, Cục Di Trú thuộc Bộ Tư pháp nước này đang tiến hành một cuộc điều tra nghi vấn nhiều người nước ngoài có thể đã tham gia các hoạt động không phù hợp với Chương trình Huấn luyện Thực tập sinh Kỹ thuật.
Nhật Bản đưa vào hoạt động chương trình này vào năm 1993 với mục đích chuyển giao kỹ năng cho các nước đang phát triển. Tuy nhiên, chương trình áp dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất và một số ngành khác đã vấp phải nhiều chỉ trích trong và ngoài nước, vì bị cho là "bình phong" để các công ty Nhật nhập khẩu lao động giá rẻ.
Thông báo của Bộ Môi trường Nhật Bản vào ngày 12/4 cho biết các công ty xây dựng đã cắt đi khoảng 1,6 triệu yên chi phí trợ cấp nguy hiểm của ba tu nghiệp sinh Việt Nam được gửi đi làm công việc dọn dẹp trong khu vực nhiễm phóng xạ Fukushima trong thời gian 7 tháng. Theo Bộ này, mức trợ cấp nguy hiểm dành cho mỗi thực tập sinh là 4.600 yên/ngày.
Tháng trước, một tu nghiệp sinh 24 tuổi người Việt Nam do công ty xây dựng ở Morioka, tỉnh Iwate, thuê mướn đã lên tiếng tại một cuộc họp báo ở Tokyo, nói rằng anh bị lừa đi làm công việc khử phóng xạ ở Fukushima.
Thực tập sinh này đến Nhật vào tháng 9 năm 2015. Sau đó, anh được gửi tới Koriyama, thuộc khu vực Fukushima, hơn chục lần để làm công việc khử phóng xạ ở các khu dân cư của thành phố.
Tiếp đó, thực tập sinh này lại được đưa đi tháo dỡ các tòa nhà trong một khu vực cấm ở thị trấn Kawamata, cũng thuộc vùng Fukushima, trước thời điểm chính phủ dỡ bỏ các hạn chế trong khu vực đã phải di tản vì mức bức xạ cao.
Thực tập sinh người Việt chỉ nhận mức lương 140.000 yên/tháng, bằng 1/3 mức lương của các đồng nghiệp người Nhật.
Tháng 11 năm ngoái, anh này đã phải bỏ việc vì lo lắng cho sức khỏe của mình sau khi yêu cầu công ty giải thích rõ về công việc.
Bộ Tư pháp và Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi của Nhật sau đó ra tuyên bố nói rằng công việc khử phóng xạ không phù hợp với mục đích của chương trình tập sự.
Theo quy định, các công ty Nhật muốn nhận nhân viên làm việc từ chương trình huấn luyện thực tập sinh đều phải nộp bản kế hoạch chi tiết trong chương trình huấn luyện của công ty cho cơ quan của Bộ Tư pháp xem xét. Tuy nhiên, nhiều người nghi ngờ rằng các công ty nhận thực tập sinh Việt có thể đã bỏ qua thủ tục kê khai chi tiết công việc trong tài liệu nộp cho chính phủ.