Chính phủ Nhật rà soát chương trình thực tập sinh liên quan đến công nhân Việt Nam
VOA, 16/12/2022
Theo tường thuật của Kyodo, Hội đồng bao gồm 15 thành viên, với các học giả và người đứng đầu chính quyền các thành phố, sẽ soạn ra báo cáo cuối cùng, dự kiến vào khoảng mùa thu năm 2023, về chương trình thực tập sinh kỹ năng nước ngoài và hệ thống công nhân kỹ năng cụ thể, những hệ thống đang bị giám sát chặt chẽ vì các vụ bạo lực thể chất và giam lương của công nhân.
Lao động Việt Nam ở Nhật Bản (Ảnh chụp màn hình VnEconomy).
Những vụ bạo lực, trong đó rất nhiều vụ liên quan đến công nhân Việt Nam, đã làm dấy lên những chỉ trích trong và ngoài nước rằng chương trình thực tập sinh kỹ năng là công cụ để các công ty Nhật nhập khẩu lao động giá rẻ thay vì chuyển giao kỹ năng cho các quốc gia đang phát triển như mục tiêu công bố của chương trình.
Kyodo dẫn lời chị Đoàn Thị Thu Nga, một thực tập sinh 32 tuổi người Việt đã làm việc cho một công ty may được khoảng ba năm ở tỉnh Ehime, miền Tây Nhật Bản, nói : "Họ nghĩ rằng chúng tôi đến từ các nước nghèo nên họ có thể yêu cầu chúng tôi làm việc trong bất kỳ hoàn cảnh nào".
Chị Nga cho biết lương của chị vẫn đang bị giam và chị thường xuyên phải làm thêm hơn 100 giờ mỗi tháng, là số giờ làm cao vượt mức quy định của luật pháp Nhật Bản.
Các thành viên hội thảo bao gồm Chủ tịch Akihiko Tanaka, Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, cơ quan viện trợ nước ngoài của Nhật, sẽ thảo luận về các biện pháp khả thi như thay thế các chương trình này bằng các chương trình mới.
Bộ Tư pháp của Nhật cũng đã tổ chức các buổi nghiên cứu trước khi diễn ra cuộc họp Hội đồng, trong đó đặc biệt là thảo luận về chương trình thực tập sinh kỹ năng nước ngoài.
Tin cho hay cuộc họp của Hội đồng Chính phủ Nhật Bản đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau, từ lợi ích của chương trình thực tập sinh đến những kêu gọi loại bỏ chương trình này. Hội đồng chuyên gia hiện đang xem xét một loạt các phản hồi như thống nhất hai chương trình, thành lập một cơ quan giám sát việc tiếp nhận thực tập sinh và xem xét các hoạt động tại Tổ chức Đào tạo Thực tập sinh Kỹ năng.
Nhật Bản đã giới thiệu chương trình đào tạo cho người nước ngoài vào năm 1993, chủ yếu dành cho lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất, với các thực tập sinh được phép làm việc tới 5 năm.
Chương trình này đã bị nhiều tai tiếng sau khi liên tục xảy ra những vụ bạo lực, vi phạm nhân quyền đối với các thực tập sinh. Thời gian gần đây, đã có 37 tổ chức bị giám sát và 358 nơi làm việc của thực tập sinh bị thu hồi giấy phép hoặc chứng chỉ hoạt động.
Tính đến cuối tháng 6, có khoảng 328.000 người cư trú tại Nhật Bản trong tư cách thực tập sinh kỹ thuật và khoảng 87.000 người là công nhân kỹ năng cụ thể.
****************************
Cảnh sát cơ động thuộc Bộ Công an được điều đến Thành phố Hồ Chí Minh nói để giữ an ninh trước và sau Tết
RFA, 16/12/2022
Cảnh sát cơ động thuộc Bộ Công an được điều đến Thành phố Hồ Chí Minh nói để giữ an ninh trước và sau Tết
Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Đông Nam Thành phố Hồ Chí Minh (E29) thuộc Bộ Cảnh Sát Cơ động được điều vào thành phố lớn nhất nước này từ 15/12/2022 đến hết ngày 5/2/2023 để tăng cường giữ gìn an ninh trật tự trong dịp lễ, tết.
Trung đoàn Cảnh sát cơ động Đông Nam Thành phố Hồ Chí Minh (E29) - Tiền Phong
Truyền thông Nhà nước loan tin ngày 15/12 đưa hình ảnh buổi lễ ra quân vào tối ngày 15/12 và dẫn lời vị Trung đoàn Trưởng E29, Đại tá Lê Đại Thắng, cho biết Công an Thành phố Hồ Chí Minh có yêu cầu gửi đến Bộ Công an xin được tăng cường.
Lý do nêu ra vì tình hình an ninh- trật tự tại thành phố lớn và đông dân nhất Việt Nam diễn biến phức tạp. Hiện nổi lên những loại tội pham như giết người, cướp của, hoạt động theo kiểu "xã hội đen" ; thanh thiếu niên tụ tập gây rối dùng hung khí để thanh toán mâu thuẫn ; các loại tội phạm kinh tế, ma túy gia tăng…
Kế hoạch tuần tra của Trung đoàn E29 tăng cường được cho biết bắt đầu từ 22 giờ tối hôm trước đến 5 giờ sáng ngày hôm sau. Địa bàn gồm năm tuyến và một khu vực nhưng tin không nói rõ cụ thể tuyến và khu vực nào.