Vụ Vạn Thịnh Phát : công an ‘đang thu hồi tài sản đền bù cho nạn nhân’
VOA, 19/12/2022
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, cho biết họ ‘đang thu hồi triệt để tài sản’ của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các nạn nhân trong vụ lừa đảo trái phiếu công ty An Đông thông qua ngân hàng SCB.
Trụ sở tập đoàn Vạn Thịnh Phát trên đường Trần Hưng Đạo, thành phố Hồ Chí Minh
Đại tá Vũ Như Hà, phó cục trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, tức C03, đã cho biết thông tin này tại buổi họp báo cuối năm 2022 của Bộ Công an vào chiều ngày 19/12, tờ Tuổi Trẻ đưa tin.
Công ty cổ phần đầu tư An Đông là thành viên của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát mà chủ tịch là bà Trương Mỹ Lan đã bị khởi tố điều tra về tội ‘Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’, mà cụ thể là gian dối trong phát hành trái phiếu, hôm 7/10.
Cho đến nay, nhiều nạn nhân của vụ lừa đảo trái phiếu An Đông tại ngân hàng SCB cho VOA biết bất chấp việc họ mòn mỏi đi kêu cứu khắp nơi trong hai tháng qua, đến nay họ không nhận được câu bất cứ câu trả lời cụ thể nào từ cả ngân hàng SCB và Bộ Tài chính mà chỉ là ‘lời hứa hẹn chung chung’ là ‘đợi kết quả điều tra từ Bộ Công an’.
Tổng số nạn nhân của vụ lừa đảo trái phiếu này lên đến hơn 40.000 người trên khắp 63 tỉnh thành với số tiền bị chiếm đoạt lên đến 25 ngàn tỷ đồng, tương đương hơn 1 tỷ đô la Mỹ.
Cũng tại buổi họp báo, Đại tá Hà cho biết Công an cũng đã khởi tố thêm 20 người trong vụ án này nhưng không nói rõ là những ai, cũng theo báo Tuổi Trẻ.
"Cơ quan cảnh sát điều tra đang tập trung điều tra, xem xét xử lý triệt để sai phạm trên tinh thần thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không ngoại lệ", ông Hà được dẫn lời cho biết.
Trước đó, hôm 17/11, Bộ Công an đã có công văn đề nghị Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Gia Lai phối hợp rà soát tài sản các cá nhân và các công ty có liên quan trong vụ án Vạn Thịnh Phát để kịp thời ngăn chặn họ tẩu tán tài sản, đảm bảo việc thu hồi tài sản bị thiệt hại, cũng theo tờ Tuổi Trẻ.
Cụ thể, nhà chức trách tỉnh này được yêu cầu rà soát tài sản là nhà, đất của cá nhân trong vụ án trên địa bàn tỉnh và tạm dừng các giao dịch mua bán, chuyển nhượng, biếu tặng… cho đến khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Theo Cơ quan cảnh sát điều tra được Tuổi Trẻ dẫn lại thì các bị can ‘hiện đang sở hữu hoặc ủy quyền cho người thân sở hữu nhiều tài sản là bất động sản, tài sản trên đất tại các tỉnh, thành phố’.
Còn ở Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố này cũng đã được Cơ quan cảnh sát điều tra đề nghị phối hợp ngăn chặn các tổ chức, cá nhân tẩu tán tài sản và tạm dừng việc chuyển nhượng cổ phần ở các công ty thuộc sở hữu của các bị can trên địa bàn thành phố.
Theo đó, có đến 762 công ty nằm trong diện bị đóng băng tài sản ở Hà Nội do liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, tờ Người Lao Động cho biết.
*************************
Hiệu trưởng ăn chặn 2 tỷ tiền hỗ trợ học sinh nghèo ở Sơn La
VOA, 19/12/2022
Một vị hiệu trưởng ở một trong những tỉnh miền núi khó khăn nhất Việt Nam vừa bị bắt tội tham ô tài sản sau khi bị cáo buộc biển thủ hơn hai tỷ đồng từ ngân sách nhà nước dành hỗ trợ học sinh nghèo, truyền thông trong nước đưa tin.
Hiệu trưởng Nguyễn Như Thành khi bị công an đọc tuyên bố bắt tạm giam
Theo đó, ông Nguyễn Như Thành, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Sơn La khởi tố bị can và bắt tạm giam để điều tra, Thông tấn xã Việt Nam cho biết.
Ngôi trường mà ông Thành làm hiệu trưởng là nơi theo học của các em học sinh dân tộc miền núi mà đa số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần được Nhà nước hỗ trợ.
Theo thông tin từ cơ quan công an được Tuổi Trẻ dẫn lại, ông Thành đã chỉ đạo bộ phận kế toán và thủ quỹ trường lập hồ sơ, chứng từ để rút tiền từ ngân sách nhà nước hỗ trợ cho học sinh nhà trường, nhưng không phát tiền đó cho học sinh mà lại sử dụng cho mục đích cá nhân trong hai năm học 2019 - 2020 và 2021 – 2022.
Số tiền mà hiệu trưởng này đã chiếm đoạt là hơn hai tỷ đồng. Để hợp pháp hóa số tiền này, ông Thành đã chỉ đạo cấp dưới lập chứng từ khống và báo quyết toán hàng năm không trung thực.
Theo Tuổi Trẻ, vụ việc này trên đã gây bức xúc cho dư luận trong tỉnh Sơn La, nhất là ở vùng miền núi, nơi có nhiều dân tộc thiểu số cư trú với đời sống còn rất khó khăn. Tờ báo không đưa tin về lời khai của ông Thành khi làm việc với cơ quan công an.
Theo tiêu chí đánh giá của chính quyền Việt Nam thì huyện Thuận Châu là một trong hai huyện nghèo nhất của tỉnh Sơn La hơn một nửa dân số thuộc diện nghèo và cận nghèo với tỷ lệ 54,96%. Có 24/29 xã của huyện Thuận Châu thuộc diện đặc biệt khó khăn với thu thu nhập bình quân đầu người dưới 25 triệu đồng một năm, tương đương khoảng 2.000 đô la, theo thông tin trên báo Sơn La.
Trường phổ thông dân tộc nội trú là mô hình trường học ở Việt Nam dành cho các tỉnh có điều kiện khó khăn mà ở đó các em học sinh người dân tộc thiểu số được học tập trung và được đài thọ chi phí ăn ở và chi phí học tập.
Cách nay hơn một tháng, vào ngày 9/11, Công an huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn, cũng đã khởi tố và bắt tạm giam một thủ quỹ của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Cổ Linh cũng về tội Tham ô tài sản.
Lợi dụng trách nhiệm được giao là quản lý số tiền từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho học sinh, thủ quỹ Nguyễn Thị Nụ đã chiếm đoạt gần 160 triệu đồng và sử dụng vào mục đích cá nhân, tờ Giáo dục Thời đại cho biết. Theo tờ báo này, trong khi làm việc với cơ quan công an, bà Nụ "cam kết" sẽ trả lại số tiền này để thực hiện việc chi trả cho học sinh.
***********************
Bộ Công an Việt Nam báo cáo số vụ tham nhũng, vi phạm bị phát hiện trong năm 2022
RFA, 19/12/2022
Bộ Công an Việt Nam vào ngày 19/12 báo cáo số vụ và số người bị phát hiện, xử lý do tham nhũng, và những vi phạm khác trong năm 2022.
Bộ trưởng Bộ Công an - Đại tướng Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh : Trọng Phú)
Truyền thông Nhà nước loan tin dẫn báo cáo được nêu ra tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 78 diễn ra ở Hà Nội vào sáng ngày 19/12.
Báo cáo nêu rõ, trong năm 2022, lực lượng Công an phát hiện, xử lý hơn 900 cán bộ, viên chức phạm tội về tham nhũng, chức vụ ; 5.300 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế ; điều tra, khám phá hơn 33.800 vụ phạm tội về trật tự, xã hội ; triệt phá 590 băng nhóm tội phạm có tổ chức…
Ông Trần Quốc Tỏ, Thượng tướng- Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam cho rằng Công an Việt Nam luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được đảng cộng sản giao phó và để lại nhiều dấu ấn nổi bật.
Báo cáo không nêu những vụ công an bị công khai trên mạng xã hội những hành vị như nhận hối lộ, đánh dân, hành hạ người bị bắt giữ…
Trong diễn tiến liên quan, vào chiều ngày 19/12, Bộ Công an Việt Nam họp báo thông tin về các vụ án lớn trong năm 2022 gồm Việt Á, "chuyến bay giải cứu, AIC…
Cụ thể Vụ kit test Việt Á, cơ quan tố tụng tính đến nay đã khởi tố tổng cộng 102 bị can và 29 vụ án ; vụ "chuyến bay giải cứu" 35 bị can ; vụ Vạn Thịnh Phát khởi tố hai vụ án và 27 bị can ; vụ AIC dù có tám người đang bỏ trốn, gồm cả bà cựu chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Nhàn nhưng cơ quan tố tụng vẫn đề nghị truy tố và quyết định đưa vụ án ra xét xử dự kiến vào ngày 21/12 này.
************************
Một cán bộ cao cấp bị bắt về tội "chuyển tài liệu cho nước ngoài"
RFA, 19/12/2022
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (PLD) Hoàng Ngọc Giao bị bắt với cáo buộc "chuyển tài liệu cho nước ngoài"
Ông Hoàng Ngọc Giao - giaoduc.net.vn
Theo thông tin từ ba nguồn độc lập, ngày 16/12, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã bắt giữ ông Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (PLD) thuộc Liên hiệp các Hội khoa học, kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) với cáo buộc "Cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài ; thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo điểm C, khoản 1 của Điều 110 "Tội gián điệp" trong Bộ luật Hình sự.
Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương của Đảng cộng sản Việt Nam, một người quen biết với ông Hoàng Ngọc Giao, khẳng định với Đài Châu Á Tự Do (RFA) qua điện thoại vào trưa ngày thứ hai (19/12).
"Anh ấy bị bắt vào thứ sáu (ngày 16/12). Hỏi lý do thì người ta bảo vì đưa tài liệu ra nước ngoài. Cũng không biết nước ngoài là nước nào và cho ai".
Phóng viên có gọi điện cho gia đình của ông Hoàng Ngọc Giao nhưng một phụ nữ nghe máy đã từ chối trả lời về thông tin ông này bị bắt. Phóng viên cũng gọi điện vào số máy của Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển nhưng không ai nghe máy.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam hoàn toàn im lặng về vụ bắt giữ này. Phóng viên có gọi điện cho Văn phòng Bộ Công an Việt Nam nhưng không ai nghe máy.
Theo luật hiện hành, Phó giáo sư, tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, người hiện là Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (PLD) thuộc Liên hiệp các Hội khoa học, kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), đối mặt với án tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình nếu bị kết tội.
VUSTA là một tổ chức phi chính phủ, thành viên của Mặt trận Tổ quốc.
Ông Nguyễn Khắc Mai cho RFA biết tháng trước ông có tham dự cuộc hội thảo về góp ý cho việc sửa đổi Luật Đất đai tổ chức bởi ông Hoàng Ngọc Giao và Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển tại Nhà khách Chính phủ (37 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội).
Theo ông Mai, trong cuộc hội thảo có sự tham dự của nhiều cựu quan chức của Chính phủ như cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Đặng Hùng Võ, ông Hoàng Ngọc Giao đã đề nghị chấm dứt hoặc hạn chế việc lấy đất của dân để giao cho doanh nghiệp làm dự án.
Ông Nguyễn Khắc Mai đánh giá ông Hoàng Ngọc Giao là một luật sư có tấm lòng tử tế, có đóng góp nghiêm chỉnh, công tâm và khách quan cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi còn Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển là một think-tank có nhiều đóng góp ở Việt Nam.
Ông nghi ngờ việc bắt giữ ông Hoàng Ngọc Giao có liên quan đến việc ông này góp ý về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Ông nói với RFA :
"Tôi sợ rằng họ kiếm một cái cớ để ngăn chặn Hoàng Ngọc Giao đi sâu vào vấn đề Luật Đất đai mà họ đang muốn sửa".
Quốc hội Việt Nam dự kiến sẽ đưa dự thảo Luật Đất đai sửa đổi ra thảo luận và hy vọng sẽ thông qua trong kỳ họp vào giữa năm 2023. Đây là bộ luật gây nhiều tranh cãi khi không thừa nhận quyền sở hữu đất đai của người dân, một vấn đề được nhiều chuyên gia đánh giá là nguồn gốc của những tranh chấp về đất đai giữa người dân và chính quyền, gây bất ổn xã hội tại Việt Nam.
Ông Mai cũng nói góp ý của ông Hoàng Ngọc Giao cũng chỉ là một phần của nguyên nhân ông này bị bắt giữ vì buổi hội thảo không có vấn đề gì gay gắt. Ông giải thích về vụ bắt giữ này thêm như sau :
"Ai mà làm trái ý chính quyền, những người lãnh đạo thì người ta tìm cách khống chế. Hoàng Ngọc Giao hay một vài người nào đấy có công tâm, có thẳng thắn, có đề nghị nào đấy nêu bật cái mâu thuẫn nghịch lý hiện nay thì đều có thể nằm trong tầm ngắm của những người họ không thích".
"Tài liệu gì mà trái ý của họ thì họ đều cho là vi phạm (an ninh) quốc gia chứ còn việc giao lưu trao đổi ý kiến quan điểm hay nghiên cứu với nhau thì bây giờ phải được coi là bình thường đi chứ !"
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS (đã tự giải thể), nói với RFA rằng có nghe tin ông Hoàng Ngọc Giao bị bắt nhưng không nắm được chi tiết. Bình luận về vụ bắt giữ này, ông nói với RFA như sau :
"Nhiều ý kiến cho rằng cuối năm họ có chỉ tiêu. Một điều chắc chắn là sự siết chặt càng siết hơn nữa".
Luật sư Hoàng Ngọc Giao là trọng tài viên lâu năm của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), tham gia giảng dạy tại nhiều trường luật uy tín ở Việt Nam hàng chục năm.
Đầu tháng 10 vừa qua, ông được bầu là chủ tịch của Trung tâm Trọng tài Thương mại Quốc tế Việt-Trung (VCITAC). Ông còn là giám đốc Công ty Luật Hoàng Giao & Cộng sự.
Trên website của mình, Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển giới thiệu hoạt động của tổ chức này "nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước thông qua các hoạt động nghiên cứu–tư vấn, nghiên cứu-đánh giá, nghiên cứu-phản biện và tăng cường năng lực về các vấn đề Chính sách, Pháp luật trên các lĩnh vực phát triển kinh tế–xã hội".
Tổ chức này cũng "hợp tác cùng với các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội, các chuyên gia và nhà nghiên cứu" với mục tiêu "tập trung nỗ lực nhằm thúc đẩy việc thực hiện một nền quản trị quốc gia tốt, một nhà nước pháp quyền vững mạnh, hướng tới một xã hội Việt Nam dân chủ, văn minh".
Nguồn : RFA, 19/12/2022