Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

19/12/2022

Chỉ tiêu xuất khẩu lao động, đổi mới giáo dục

RFA tổng hợp

Đoàn Thanh niên đặt chỉ tiêu xuất khẩu nửa triệu lao động : được và mất ?

RFA, 19/12/2022

Tổ chức Đoàn của Việt Nam mới đây được tỉnh đoàn đề xuất đặt ra chỉ tiêu đưa 500.000 thanh niên đi xuất khẩu lao động. Tỉnh Đoàn là cơ quan chuyên trách của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh ở cấp Tỉnh, có chức năng tổ chức thực hiện các chủ trương, kế hoạch, chương trình công tác của Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi.

xkld1

Tư vấn, tuyên truyền về xuất khẩu lao động cho người dân tại huyện Kim Sơn.

Trong khi đó, tại Hội nghị Ban thường vụ trung ương Đoàn diễn ra vào đầu năm nay, ông Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư thứ nhất trung ương Đoàn - cho rằng, một trong các nhiệm vụ trọng tâm của năm 2022 là phải quan tâm đến nghề nghiệp, việc làm của thanh niên.

Luật sư Đặng Trọng Dũng, từng làm việc tại Sở Lao động, thương binh và xã hội Thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm của ông với RFA sáng 19 tháng 12 :

"Việc đặt ra chỉ tiêu đưa 500.000 thanh niên đi xuất khẩu lao động cho thấy chính quyền không tạo được công ăn việc làm cho người lao động. Tôi nhận thấy, quốc sách đưa lao động xuất khẩu kể ra nó là nhục quốc thể. Nhưng nếu nó là quốc sách thì quận, tỉnh nào cũng xin chỉ tiêu đi xuất khẩu lao động vì điều này tạo ra cảnh XIN-CHO chỉ tiêu và sẽ gây ra tham nhũng và phí lao động sẽ cao.

Đây là cách xóa đói giảm nghèo từ thập niên 90’s thế kỷ trước. Người lao động vì phí xuất khẩu lao động sẽ có đối sách. Chắc Chủ tịch nước và Thủ tướng dạo này bay qua nhiều nước nhằm xin họ nhận lao động Việt Nam. Vấn đề là khi trở thành quốc sách thì phí xuất khẩu lao động là bao nhiêu ?"

Đề xuất đưa 500 ngàn thanh niên đi xuất khẩu lao động của Tỉnh đoàn bị nhiều chỉ trích trên mạng xã hội. Người thì cho rằng đây là hình thức "buôn dân" ; người thì cho rằng đây là chủ trương đúng vì không lo nổi cho dân thì để dân đi kiếm sống xứ người một cách hợp pháp.

Ông Thành Phi, người từng đi xuất khẩu lao động Tiệp Khắc vào năm 1988 nói với RFA rằng, tổ chức Đoàn chỉ lo chuyện chính trị, chuyện tuyên truyền chủ trương của Đảng cộng sản, chứ chẳng lo việc làm cho thanh niên như họ hô hào. Thanh niên phải ra nước ngoài làm thuê để kiếm sống là chuyện đương nhiên. Ông phân tích :

"Mình phải nhìn thấy cái nhu cầu xã hội. Bây giờ mình đứng ở góc độ người dân thì cùng một công sức lao động, nếu làm ở Việt Nam lương thấp thì tôi đi nước ngoài tôi làm. Chuyện đó bình thường. Còn chuyện Chính phủ có hỗ trợ, có giúp dân hay không là ở góc độ quản lý Nhà nước. Đừng có ‘bán’ dân đi lấy một mớ tiền. Đưa những người không có trình độ, không có tay nghề qua bên đó để họ làm những cái chuyện sai quấy ảnh hưởng đến quốc gia, đến người lao động. Như thế nước người ta nhìn người Việt không ra gì. Đó là chuyện phải cẩn trọng.

Người lao động ở một chừng mực nào đó là họ đang đại diện cho quốc gia. Phải đào tạo về chuyên môn, về nghề nghiệp và văn hóa, tập tục của quốc gia họ được xuất khẩu qua nữa.

Về mặt quốc gia, người lao động mang ngoại tệ về một năm biết bao nhiêu tỷ đô la. Đó là nguồn ngoại tệ lớn. Về mặt quản lý, Nhà nước phải phối hợp với quốc gia sở tại xem người lao động có gặp khó khăn gì không, cuộc sống họ thế nào chứ không phải ‘đem con bỏ chợ’. Nhà nước kiếm mớ tiền còn người lao động muốn làm gì làm, muốn ra sao thì ra !"

xkld2

Các tài xế xe ôm đang đón khách ở Hà Nội. AFP

Theo thống kê từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong 10 năm qua, kể từ khi Chỉ thị số 16-CT/TW ngày 08/5/2012 của Ban Bí thư "về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài" được ban hành, bình quân mỗi năm người lao động và chuyên gia gửi về nước khoảng 10 tỷ USD.

Theo Cục Quản lý Lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, kế hoạch đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc trong năm 2022 sẽ là 90 ngàn người. Tuy nhiên, chỉ trong 11 tháng đầu năm đã có 122 ngàn lao động được xuất khẩu, tức vượt xa kế hoạch đề ra.

Thực tế cho thấy nhu cầu đi xuất khẩu lao động của người Việt là cao ; số tiền mà lực lượng này gửi về gia đình không phải là nhỏ. Tuy vậy, cho đến trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, chỉ có chín quốc gia ở Châu Âu cho phép lao động phổ thông Việt Nam làm việc hợp pháp. Người lao động đi làm việc ở các thị trường này đều cần phải có : Hợp đồng lao động ; visa và Giấy phép lao động hợp pháp do chính quyền nước tiếp nhận cấp (đảm bảo làm các công việc hợp pháp mà nước tiếp nhận có nhu cầu và cho phép tiếp nhận lao động nước ngoài).

Riêng Vương quốc Anh không cấp giấy phép lao động cho lao động phổ thông của Việt Nam sau vụ 39 người tử vong trong container tại Anh năm 2019.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng, việc xuất khẩu lao động có mặt lợi và có mặt hại. Ông giải thích :

"Xuất khẩu lao động là chủ trương quan trọng của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trong hàng chục năm qua. Cái được là việc thu về hàng tỷ đô la qua xuất khẩu lao động. Nhưng cái mất thì theo quan điểm của tôi, mất quá nhiều cái. Thứ nhất là nạn trốn ở lại nước sở tại ; trộm cắp, thanh toán nhau, trồng cần sa, buôn lậu… những tệ nạn gây đau đầu cho các quốc gia có nhận người lao động và cả chính phủ Việt Nam. Nhân phẩm và danh dự của người Việt Nam ảnh hưởng đến uy tín của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trên trường thế giới trong vấn đề xuất khẩu lao động.

Cái mà tôi muốn nhấn mạnh nó chính là cái nhân phẩm, cái phẩm giá, cái danh dự, cái uy tín của người Việt Nam đã mất quá nhiều. Những giá trị đó không có đồng tiền nào có thể đánh đổi được hết. Điều này nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm của họ trong hiệu quả của xuất khẩu lao động".

Tại diễn đàn Tổ chức Đoàn - người bạn đồng hành với thanh niên, diễn ra tại Hà Nội chiều 14 tháng 12 vừa qua, một số ý kiến cho rằng, xuất khẩu lao động giúp thanh niên có thu nhập cao, thoát được nghèo và học hỏi được nhiều kỹ năng, ý thức kỷ luật và nâng cao tay nghề lao động hơn so với làm việc ở trong nước.

Báo Nhà nước trích lời một số chuyên gia lao động rằng, không phải tất cả lao động trở về nước đều khó tìm việc. Vẫn có người biết tích lũy kinh nghiệm, tiền bạc để tự tạo việc làm, vươn lên làm giàu nhưng tỷ lệ đó chỉ chiếm khoảng một phần tư trong hàng trăm nghìn người đi xuất khẩu mỗi năm.

**********************

Làm sao để đổi mới giáo dục ‘chỉ được phép thành công’ ?

RFA, 15/12/2022

"Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là quyết tâm chính trị của Đảng, của Quốc hội, của Chính phủ, của đất nước. Do đó, quá trình thực hiện chỉ nhìn về phía trước và chỉ được phép thành công".

xkld3

Học sinh học bài dưới ánh đèn cầy ở Hà Nội. Ảnh chụp năm 2015. Reuters

Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn hôm 13 tháng 12 năm 2022, tại một hội nghị về giáo dục.

Một số chuyên gia về giáo dục cho rằng, để tiến tới xây dựng một nền giáo dục dân chủ, hiện đại, nhân văn trong thời đại toàn cầu hóa thì phải thay đổi hành chính giáo dục.

Tháng 5 năm 2021, nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Sóng Hiền, thông qua truyền thông Nhà nước, đề xuất Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên quan tâm vấn đề dân chủ trong trường học hiện nay. Theo ông Hiền, sự mất dân chủ trong trường học là vấn đề nhức nhối ở hầu hết các địa phương. Các hiệu trưởng lạm quyền, thích chứng tỏ quyền uy và thích quản lý theo mệnh lệnh. Đó là rào cản cho việc đổi mới giáo dục.

Thầy giáo Ngọc Sơn nêu quan điểm của ông với RFA sáng 15 tháng 12 :

"Mình rất tâm đắc với ý kiến của giáo sư Hoàng Tuỵ : "không phải nền giáo dục ta lạc hậu đâu, lạc hậu thì ráng đuổi theo may ra còn kịp, NÓ LẠC HƯỚNG !"

Điều này thể hiện rất rõ qua nhiều lần đổi mới nó vẫn thất bại. Muốn giáo dục thành công thì cần chỉnh lại hướng, có nghĩa phải xây dựng lại triết lý giáo dục, thay lối giáo dục định hướng, tuyên truyền, nhồi sọ, thiếu tư duy độc lập bằng giáo dục khai phóng, tự do sáng tạo. Khi giáo dục đúng hướng tự khắc nó sẽ thành công".

Cũng tại hội nghị về giáo dục hôm 13 tháng 12, ông Nguyễn Kim Sơn cho biết, nhóm công việc liên quan đến thể chế, văn bản quản lý điều hành là nhóm việc sẽ phải rà soát để điều chỉnh và không ngại điều chỉnh.

Theo Giáo sư Hoàng Dũng, giáo dục không phải là câu chuyện của một ông hay một bộ cụ thể nào cả. Nó là chuyện của toàn xã hội. Nó là con đẻ của cả một cơ chế. Thay đổi là bài toán rất khó cho bất kỳ ai có trách nhiệm. Ông nêu ví dụ :

"Hiện nay giáo dục đại học học cái gì không biết, nhưng trong chương trình có một cái phần gọi là phần cứng không thể thay đổi. Đó là dạy chủ nghĩa Mác Lênin, dạy lịch sử Đảng với mục tiêu để đào luyện, để thấm nhuần chủ nghĩa Mác-Lênin. Còn ở phổ thông thì họ có nói rằng phải cho người học trò trở thành một người biết tư duy nhiều chiều để phản biện. Nói thì nói vậy nhưng có một cái mục là phải thấm nhuần, phải chấp hành chủ trương đường lối của Đảng. Tức là họ có một cái đường ray đặt sẵn cấm không cho qua. Cái đó riêng về mặt thể chế nó mâu thuẫn bởi vì không thể có một cái vừa cởi mở vừa ràng buộc như vậy được.

Bây giờ cứ nói là giáo dục là quốc sách hàng đầu, nhưng Nhà nước sẽ có những chính sách gì để cho con em nhà nghèo đi học hay không thì không thấy. Về mặt lý thuyết thì như vậy nhưng phải biến nhận thức thành những chủ trương có tính chất khả thi. Một quốc gia mà giáo dục yếu kém thì ngay cả đi làm thuê cũng không được nữa vì ngày nay người ta cần những người làm thuê có trình độ".

xkld4

Quan điểm "Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu" được đưa ra lần đầu tiên trong Nghị quyết số 04-NQ/TW Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành trung ương Đảng khóa VII ngày 14/01/1993.

Giáo dục Việt Nam qua nhiều lần cải cách đổi mới. Tính cho đến nay, giáo dục Việt Nam đã trải qua bốn lần cải cách lớn vào các năm 1950, 1956, 1979, 2013 (hai lần đầu chỉ ở miền Bắc). Cuộc cải cách được cho là đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục được đánh dấu bằng Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Nghị quyết này nhắc lại "Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu" trên tinh thần bảo đảm cho giáo dục Việt Nam phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Riêng Luật Giáo dục, từ năm 1976 tới nay đã ban hành và sửa đổi ba lần ở các năm 1998, 2005, 2009.

Có thể thấy, đổi mới giáo dục là chuyện vượt tầm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nó là chuyện thể chế. Nó là chuyện quyết tâm chính trị của cơ quan cao nhất. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn từng nói : "Ngành giáo dục chúng tôi nắm tất cả mọi thứ, trừ hai thứ : một là giáo viên, hai là tài chính. Và cả hai điều này, chúng tôi chỉ với tư cách là người luôn luôn đi kiến nghị, đề xuất".

Báo cáo được ông Sơn đưa ra vào đầu tháng 11 cho thấy, có hơn 16 ngàn giáo viên đã nghỉ dạy trong năm học 2021-2022 do lương thấp. Trong đó có hơn 10 ngàn giáo viên công lập, số còn lại là giáo viên ngoài công lập.

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng nêu ý kiến của ông với RFA sáng 15 tháng 12 :

"Tôi nghĩ là ở Việt Nam phải thay đổi tư duy về giáo dục, thay đổi cái quan niệm về giáo dục. Phải thay đổi để giáo dục trở thành xây dựng con người có tính nhân văn, có nhiều sáng tạo suy nghĩ chứ không phải dùng giáo dục, dùng trường học làm cơ sở tuyên truyền chính sách của Nhà nước như hiện nay. Cả mấy chục năm nay cứ cải tạo mãi. Từ nghị quyết này cho đến bộ trưởng nọ nhưng không ra được lối thoát, không ra được cái rừng rậm thì không làm gì được. Đấy là đề nghị của tôi".

Một số chuyên gia giáo dục cho rằng, muốn cải tổ nền giáo dục Việt Nam thì phải thay đổi cả triết lý giáo dục hiện nay. Tại phiên trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội vào sáng ngày 1 tháng 11 năm 2018, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu lên triết lý giáo dục của Việt Nam là "triết lý xây dựng đất nước dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó là xây dựng con người Việt Nam toàn diện, đức trí, thể mỹ, có tinh thần dân tộc, có lòng yêu nước và có trách nhiệm quốc tế".

Thực tế cho thấy, một khi triết lý giáo dục vẫn phải theo cương lĩnh của Đảng với Chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng, thì chuyện đổi mới giáo dục ‘chỉ được phép thành công’ khó thành hiện thực. 

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 327 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)