Việt Nam đã tiến hành mở rộng đáng kể công việc nạo vét và bồi đắp tại một số tiền đồn ở Biển Đông trong nửa cuối năm nay, cho thấy ý định củng cố thêm nhiều các tuyên bố chủ quyền của mình ở vùng Biển Đông có tranh chấp, theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS).
Hình ảnh vệ tinh của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) của Mỹ cho thấy việc mở rộng các đảo mà Việt Nam chiếm giữ ở Trường Sa.
Báo cáo mới đưa ra của CSIS, có trụ sở ở Washington DC của Mỹ, nói rằng việc mở rộng của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc và các nước khác trong khu vực cũng có tranh chấp chủ quyền, đã tạo ra khoảng 170ha đất mới và nâng tổng diện tích mà Việt Nam đã mở rộng trong thập kỷ qua lên gần 220ha.
Dựa trên các hình ảnh chụp từ vệ tinh thương mại, chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) của CSIS cho biết các hoạt động mà Việt Nam tiến hành bao gồm mở rộng công việc bồi đắp tại bốn thực thể và nạo vét tại năm thực thể khác.
"Quy mô của hoạt động bồi đắp, mặc dù vẫn còn kém xa so với hơn 3.200 mẫu (gần 1.230ha) đất do Trung Quốc mở rộng từ năm 2013 đến 2016, đã lớn hơn đáng kể so với những nỗ lực trước đây của Việt Nam và cho thấy một động thái lớn nhằm củng cố vị thế của Việt Nam ở Trường Sa",báo cáo viết.
Việt Nam chưa có phản ứng gì trước những thông tin từ bản báo cáo của trung tâm nghiên cứu Mỹ. VOA đã gửi yêu cầu bình luận tới Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Báo cáo cho biết phạm vi của hoạt động bồi đắp tại 4 đảo Nam Yết, Phan Vinh, Sơn Ca và Tiên Nữ "đã mở rộng đáng kể" kể từ khi AMTI ghi nhận hồi tháng 7.
Việt Nam bắt đầu nạo vét và bồi đắp mới tại Nam Yết, Phan Vinh và Sơn Ca từ tháng 10/2021, theo AMTI. Phát hiện của AMTI trong báo cáo mới cho thấy các tiền đồn cỡ vừa của Việt Nam tại ba đảo này đang được mở rộng với quy mô lớn, với một cảng nạo vét có khả năng tiếp nhận các tàu lớn hơn được thiết lập tại Nam Yết và Phan Vinh.
Cả Nam Yết, rộng 47ha, và Phan Vinh, rộng 48ha, đều lớn hơn đảo Trường Sa 39ha, nơi từng là tiền đồn lớn nhất của Việt Nam. Theo AMTI, Đá Tiên nữ, nơi trước đấy chỉ có hai cấu trúc đặt ụ súng nhỏ, hiện có 26ha đất nhân tạo.
Báo cáo nói rằng Việt Nam đã dùng tàu nạo vét vỏ sò để xúc các phần của rạn san hô nông và lắng đọng trầm tích để bồi đắp, một quá trình, mà theo AMTI, ít gây phá hoại hơn so với việc nạo vét bằng máy cắt-hút mà Trung Quốc sử dụng để xây dựng các đảo nhân tạo.
"Tuy nhiên, các hoạt động nạo vét và bồi đắp của Việt Nam trong năm 2022 là đáng kể và cho thấy ý định củng cố lớn các thực thể mà nước này chiếm đóng ở Trường Sa", AMTI nói trong báo cáo.
Viện nghiên cứu của Mỹ cho rằng còn phải xem các tiền đồn mở rộng này sẽ có những cơ sở hạ tầng gì.
"Liệu Trung Quốc và các bên có tuyên bố chủ quyền có phản ứng hay không và ở mức độ nào sẽ còn phải chờ xem", báo cáo của AMTI viết.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hầu hết Biển Đông với cái gọi là "đường 9 đoạn" mà nước này đơn phương đưa ra nhưng đã bị Tòa Trọng tài Quốc tế ở La Haye bác bỏ trong vụ kiện của Philippines cách đây 6 năm. Trung Quốc đã thiết lập nhiều tiền đồn quân sự trên các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng. Việc quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc đã bị Mỹ, Việt Nam và nhiều nước phản đối.
Ngoài Việt Nam và Trung Quốc, các nước trong khu vực, gồm Đài Loan, Malaysia, Philippines và Brunei cũng có tuyên bố chủ quyền chồng lấn trên vùng biển giàu tài nguyên và có tuyến đường thủy quan trọng của thế giới.
Một khảo sát của CSIS đưa ra trước đây nói rằng Việt Nam đã âm thầm nâng cấp việc xây dựng các cơ sở vật chất ở quần đảo Trường Sa nhưngkhông có ý định quân sự hóa trên vùng Biển Đông như Trung Quốc.
Việt Nam hiện đang chiếm cứ khoảng 40 tiền đồn trải rộng trên 27 thực thề xung quanh quần đảo Trường Sa. Trong số đó, theo AMTI, chỉ có 10 có thể được gọi là đảo nhỏ trong khi phần còn lại là các bãi đá ngầm nằm bên dưới mặt nước.
https://youtu.be/JYkftpxq4c4