Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền kết tinh hai mươi thế kỷ văn minh tinh thần và đạo dức của nhân loại. Lần đầu tiên trong lịch sử đa phần nhân loại cam kết với nhau rằng mỗi con người trong mắt của tất cả mọi người là con người đích thực với tất cả sự trọn vẹn về nhân phẩm và tự do. Con người bắt dầu học để đối xử với nhau một cách nhân ái và văn minh.
Bà Eleanor Roosevelt cầm tấm áp phích Tuyên ngôn Nhân quyền (bằng tiếng Anh), Lake Success, New York, tháng 11 năm 1949.
Trong suốt hai năm trời các đại biểu từ sáu lục địa đã thảo luận, viết và sửa đi sửa lại bản thảo trong hàng ngàn giờ để rồi cuối cùng vào lúc ba giờ sáng ngày 10/12/1948, Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền chính thức thông qua.
Con đường thành hình bản tuyên ngôn này là con đường chạy dài gần như suốt lịch sử nền văn minh tinh thần của con người. Hạt giống nhân quyền bén rễ đầu tiên ở Hy Lạp cổ đại nơi người ta tin vào những luật tự nhiên phổ quát, và người La Mã hoàn thiện những khái niệm về thượng tôn pháp luật ; rồi đến những triết gia Khai Sáng, những người tin tự do là điều kiện tự nhiên và mục đích của chính quyền là phục vụ và bảo vệ công dân.
Nhưng vào ngày 9/7/1975, nhà văn Nga Alexander Solzhenitsyn phát biểu như sau trong bài diễn văn tại New York :
"Chúng tôi là nô lệ ở đấy ngay từ lúc chào đời. Chúng tôi sinh ra là nô lệ. Tôi không còn trẻ nữa, và chính tôi đã là nô lệ lúc sinh ra ; điều này càng đúng hơn đối với những người trẻ hơn. Chúng tôi là nô lệ, nhưng chúng tôi đang cố gắng để được tự do".
Lời than của Solzhenitsyn sau này được nhiều người Nga lập lại trong những năm cuối cùng của chế độ cộng sản toàn trị ở Liên Xô. Nhà thơ Nga nổi tiếng Robert Rozhdesvensky còn buồn thảm hơn trong lời lời thơ như sau :
Và ngay cả khi những con tàu vũ trụ của chúng ta bay giữa các vì sao,
Chúng ta vẫn còn là những nô lệ, những nô lệ.
Và giống như vết nhơ quá đậm, ách nô lệ này của chúng ta không thể nào rửa sạch.
Mỗi người trong chế độ toàn trị đều thấm ít nhiều chất nô lệ mà xiềng xích không những chân tay mà còn cả tinh thần và ý chí của họ.
Như vậy ánh sáng thiêng liêng của Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền đã không xuyên thủng được bóng tối dày đặc che kín toàn bộ cuộc đời của những người nô lệ ở các nước cộng sản. Đa phần họ là những nô lệ đáng thương không nhận thức rằng mình là nô lệ vì họ không hề biết đến nhân phẩm và tự do là những quyền bất khả xâm phạm mà mỗi con người đều được hưởng từ lúc sinh ra.
Đối với chủ, người nô lệ nào ý thức được giá trị tự do và nhân phẩm của mình là thùng thuốc nổ đang chờ que diêm. Cho nên các chế độ toàn trị rất sợ Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Họ dựng lên tầng tầng lớp lớp bức tường và hàng rào kẽm gai để ngăn chặn sự lan tỏa tinh thần của bản tuyên ngôn. Bên trong những trại tập trung giam giữ tâm hồn con người ấy, mỗi tối dưới bầu trời không trăng sao, các cai ngục chiếu lên nền trời những ngụy từ lung linh như độc lập tự do và hạnh phúc để ru các nô lệ vào giấc ngủ để chuẩn bị cho ngày nô lệ mới.
Các chế độ toàn trị rất sợ Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền.
Trở thành công dân tự do có trách nhiệm là con đường duy nhất để thoát ra khỏi cảnh nô lệ thể chất và tinh thần, như lời của một nhà báo Nga viết vào cuối năm 1989 :
"Từ suy nghĩ mình là con ốc hay răng cưa rất nhỏ trong guồng máy khổng lồ nghiền nát hàng triệu số phận con người đến sự thấu hiểu mỗi cuộc đời là duy nhất. Và từ nô lệ hân hoan khi nhận khẩu phần thực phẩm đến trách nhiệm của người tự do".
Tại sao những người dân Liên Xô mới nhận thức họ là nô lệ chỉ vào những năm tồn tại cuối cùng của chế độ. Một nguyên nhân là mọi người không biết đến Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Hơn nữa chế độ cộng sản Liên Xô còn ban ra hiến pháp và luật pháp, nếu xét trên bề mặt, còn tốt hơn nhiều những nước có truyền thống tự do và dân chủ lâu đời.
Nhưng tất cả các quyền con người và sự thượng tôn pháp luật trên các văn kiện ấy trong các chế độ toàn trị chỉ là trên giấy tờ.
Triết gia Voltaire thời Khai Sáng của Pháp đã trả lời khi được hỏi nên làm gì với nhân quyền : "Hãy để cho mọi người biết".
Khi hàng triệu nô lệ biết nhân phẩm và tự do là giá trị và quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của mình lúc chào đời là lúc những chế độ toàn trị bắt đầu run sợ. Từ nhận thức đến hành động chỉ là vấn đề thời gian, vì cuộc cách mạng tự do cá nhân đã bắt đầu nẩy mầm trong lòng của mỗi người nô lệ.
Bằng tất cả chân thành và can đảm, các bạn trẻ Việt Nam bắt đầu làm theo lời khuyên của Voltaire - hãy để cho mọi người biết. Nhờ họ, Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền đã xuống đường để vào lòng người.
Là người của những thế hệ ngồi chờ, tôi kính chào các bạn - những người trẻ thuộc thế hệ đứng dậy - đang bắt đầu đóng chiếc đinh đầu tiên vào quan tài của chế độ.
70 năm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền : Tình hình vẫn còn ảm đạm (RFI, 10/12/2018)
Ngày 10/12/2018, ngày Nhân quyền Quốc tế đồng thời kỷ niệm 70 năm bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ở Paris, tình hình quyền con người vẫn chưa mấy khởi sắc.
Đại sứ 19 nước tại Việt Nam đọc Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền bằng tiếng mẹ đẻ trong một video ngày 10/12/2018. @UKinVietnam
Ở Việt Nam, 21 đại sứ và phó đại sứ của 19 đại sứ quán nước ngoài tại Hà Nội đã đọc bản Tuyên ngôn Nhân quyền bằng tiếng mẹ đẻ của mình, trong một video đăng trên Facebook.
Tại Paris, có một số hoạt động như thắp nến dưới chân tháp Eiffel vào đúng ngày 10/12 lúc 18 giờ 30, hội thảo về nhân quyền tại Việt Nam ngày 9/12 do Ecole Sauvage (hiệp hội trợ giúp trẻ em Việt Nam) và Hội Thanh Thiếu niên Việt Nam tại Paris phối hợp tổ chức ở quận 13. Ngoài ra còn có buổi văn nghệ "Hát cho 70 năm tiếng nói nhân quyền" ở quận 14 vào ngày 16/12.
Thông cáo của Amnesty International công bố ngày 10/12 cho biết, kể từ nay báo cáo thường niên về tình hình nhân quyền của tổ chức này sẽ được phổ biến vào ngày 10/12 hàng năm. Trong năm 2018, Amnesty ghi nhận hai xu hướng chính : các nhà lãnh đạo độc tài muốn hủy hoại nguyên tắc bình đẳng, và sự vùng lên của phụ nữ.
Về tình hình nhân quyền tại Đông Nam Á, nổi bật là việc đàn áp người Rohingya ở Miến Điện, trấn áp đối lập và báo chí ở Cam Bốt, "cuộc chiến chống ma túy" ở Philippines. Tại Đông Á, đáng lo ngại nhất là việc Trung Quốc bắt giữ hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Tại Châu Âu, Amnesty International quan tâm đến tình trạng phân biệt đối xử ở Hungary, Nga và Ba Lan. Tại Châu Mỹ, nhân quyền đang sa sút ở Colombia, Venezuela… và tại Châu Phi vẫn còn quá nhiều chính phủ đàn áp các nhà ly khai.
Cũng trong ngày hôm 10/12, bác sĩ người Congo Denis Mukwege và nhà hoạt động Irak, Nadia Murad, được nhận giải Nobel Hòa Bình tại Oslo vì đấu tranh chống bạo lực tình dục trong thời chiến. Cơ sở của bác sĩ phụ khoa Mukwege, 63 tuổi, từ hai thập kỷ qua đã chữa trị cho trên 50.000 phụ nữ bị tấn công tình dục. Còn cô gái Irak 25 tuổi Murad, bị quân thánh chiến tra tấn, hãm hiếp và bán đi nhiều lần, đã tranh đấu cho các phụ nữ Yazidi bị bắt làm nô lệ.
Thụy My
*******************
Chuyên gia : 70% ngân sách để chi thường xuyên ‘quá cao, không lành mạnh’ (VOA, 11/12/2018)
Chi ngân sách nhà nước của Việt Nam trong 11 tháng vừa qua của năm nay vượt trên 1,21 triệu tỷ đồng (tương đương hơn 54,5 tỷ đô la), theo báo chí trong nước.
Chi ngân sách của Việt Nam trong 11 tháng của năm 2018 là hơn 1,21 triệu tỷ đồng
Thông tấn xã Việt Nam, Sài Gòn Giải Phóng và Trithucvn cho hay chiếm 20% số tiền nói trên được chi cho đầu tư phát triển, trong khi đó, tới khoảng 70% dành cho chi thường xuyên. Phần còn lại để trả lãi nợ. Các chuyên gia kinh tế cho rằng các khoản chi thường xuyên chiếm tỷ lệ "quá cao" và "không lành mạnh".
Các báo dẫn báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính Việt Nam cho hay lũy kế chi ngân sách nhà nước trong 11 tháng đạt "1 triệu 210 nghìn 600 tỷ đồng, tăng khoảng 8% so với năm ngoái". Trong con số này, chi đầu tư phát triển đạt 239.600 tỷ đồng, chi trả lãi nợ hơn 98.000 tỷ đồng ; và chi thường xuyên lên đến 841.700 tỷ đồng.
Vẫn theo thông tin của Bộ Tài chính, được các báo đăng lại, lũy kế thu ngân sách nhà nước trong 11 tháng đạt gần 1 triệu 223 nghìn tỷ đồng, "tăng 15% so với cùng kỳ năm 2017".
Với các số liệu được Bộ Tài chính đưa ra như vậy, trên giấy tờ, ngân sách của Việt Nam đã "thặng dư khoảng 12.100 tỷ đồng sau 11 tháng". Tuy nhiên, trang Trithucvn lưu ý đến một thông tin mâu thuẫn mà Tổng cục Thống kê đã công bố vài tuần trước cho thấy tính đến ngày 15/11/2018 ngân sách "đã thâm hụt khoảng 6.100 tỷ đồng".
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh bình luận với VOA :
"Chi thường xuyên của Việt Nam chiếm tỷ lệ quá cao, cộng thêm 24,5% là chi để trả nợ mà đấy chỉ là trả nợ lãi chứ còn trả nợ gốc thì chưa tính. Vì vậy, phần còn lại để đầu tư chủ yếu dựa vào vay. Và đấy là một trong các lý do dẫn đến bội chi ngân sách và nợ công tăng cao".
Theo các chỉ số về chi tiêu ngân sách trong giai đoạn 2013-2018 được chính phủ Việt Nam công bố, dự toán bội chi trên Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) đều trên dưới 5% mỗi năm trong các năm từ 2013 đến 2016. Nhưng dự toán cho các năm 2017 đến 2019, tỷ lệ này thấp hơn hẳn, chỉ còn 3,5% hoặc hơn một chút.
Trong một bài viết đăng trên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn hôm 8/12, tiến sĩ Vũ Quang Việt, một chuyên gia kinh tế gốc Việt, cho hay ông đã tìm hiểu và tính toán lại, từ đó thấy rằng "tình hình thực ra không sáng sủa như thế".
Tiến sĩ Việt, một cựu chuyên viên cao cấp của Liên Hiệp Quốc, viết rằng ông được biết Bộ Tài chính Việt Nam đã "thay đổi cách làm thống kê kể từ năm 2017", theo đó, khoản chi trả nợ chỉ có "chi trả lãi chứ không bao gồm cả chi trả nợ gốc" như trước đây.
Với cách tính toán mới, tiến sỹ Việt cho rằng con số phần trăm bội chi giảm đi là "giảm ảo" và theo tính toán của ông, tỷ lệ bội chi năm 2017 "là 5,5%, tức là cao hơn trước chứ không giảm".
Vẫn theo bài viết trên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, vị cựu chuyên viên của Liên Hiệp Quốc lưu ý rằng ngưỡng bội chi ngân sách so với GDP mà các tổ chức quốc tế khuyến nghị là "không nên vượt quá 3%", nhưng bội chi ngân sách Việt Nam "vẫn tiếp tục vượt tỷ lệ khuyến nghị trên dù với cách làm thống kê mới".
Nhận xét về vấn đề bội chi, tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói với VOA :
"Tôi nghĩ rằng việc bội chi như vậy là quá lớn. Và việc bội chi đó lại dựa trên tăng thêm nợ công là điều rất không lành mạnh. Và Việt Nam cần sớm có biện pháp để cắt giảm chi thường xuyên và hạn chế những chi tiêu kém hiệu quả".
Chỉ 20% tổng ngân sách được chi cho đầu tư phát triển ở Việt Nam
Trong số các biện pháp, tiến sĩ Doanh nói chính phủ cần phải khôi phục việc "thực hiện ngân sách khắc khổ và chi tiêu rất tiết kiệm" như thời chiến tranh hay giai đoạn bắt đầu đổi mới kinh tế trong những năm 1986-1990.
Ngoài ra, chuyên gia kinh tế này nói với VOA rằng chính phủ cũng phải "cải cách bộ máy" trong đó bao gồm cả tinh giản biên chế những người hưởng lương từ ngân sách song hiệu quả làm việc lại quá thấp.
Trong một cuộc họp của nhà nước hồi tháng 1/2013, ông Nguyễn Xuân Phúc, khi đó là Phó Thủ tướng, đã được báo chí dẫn lại lời phát biểu rằng 30% trong số 2,8 triệu công chức "không có cũng được" bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, "không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào".
Việc tinh giản biên chế đã được Đảng Cộng sản nắm quyền lãnh đạo tuyệt đối ở Việt Nam đốc thúc trong những năm gần đây, song trên thực tế không mang lại kết quả đáng kể nào.
Các bản tin trong nước hồi tháng 11/2017 cho hay tại một hội nghị của đảng, ông Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đã chỉ ra tình trạng là mặc dù một nghị quyết hồi tháng 4/2015 của Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu mỗi năm Việt Nam phải "tinh giản 70.000 người", nhưng sau 2 năm thực hiện, thực tế cho thấy điều ngược lại.
Theo lời ông Chính được báo chí dẫn lại, nhân sự trong bộ máy nhà nước "không giảm được mà còn tăng lên 96.000 người". Vị Trưởng ban Tổ chức Trung ương bình luận rằng "đây là một mâu thuẫn lớn", theo các bản tin.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhấn mạnh với VOA rằng bộ máy nhà nước cần phải tái cấu trúc, bao gồm cả tinh giản, trên cơ sở đó "chi tiêu hết sức tằn tiện, tiết kiệm". Có làm được như vậy, theo tiến sĩ Doanh, nhà nước mới có thể "dành một tỷ lệ lớn hơn cho đầu tư, đồng thời giảm bội chi và giảm nợ công".
Hồi tháng 10, Ủy ban Tài chính Quốc hội cho biết tại một phiên họp quốc hội rằng dư nợ công ước thực hiện năm 2017 là 3.128 nghìn tỷ đồng ; ước năm 2018 là 3.409 nghìn tỷ đồng. Như vậy, bình quân mỗi người Việt có thể gánh hơn 34 triệu đồng nợ công năm 2018, tăng gần 3 triệu đồng mỗi người so với năm 2017.