RFA, 08/01/2022
Ông Tất Thành Cang, cựu Phó Bí thư Thường trực Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015-2020, vào ngày 8/1/2022 bị tuyên án 10 năm tù giam với tội danh ‘Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí’ theo Điều 219 Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Bị cáo Tề Trí Dũng và bị cáo Tất Thành Cang tại tòa. (Ảnh : Hồng Phúc).
Đây là vụ án sai phạm tại Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một Thành viên Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) và Công ty Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO) cùng các đơn vị liên quan. Có 20 người bị ra tòa trong vụ này.
Ông Tất Thành Cang bị cho trong vai trò Phó Bí Thư Thường trực Thành Ủy Thành phố Hồ Chí Minh phải nắm rõ các qui định về luật và nghị định hướng dẫn trong công tác quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư, sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp ; thế nhưng ông vẫn phê đồng ý vào tờ trình liên quan.
Đối với tội danh ‘ vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất hoát, lãng phí’, ngoài ông Tất Thành Cang còn 11 người khác bị tuyên án từ hai năm tù cho hưởng án treo đến sáu năm tù giam.
Trong vụ này có bảy người bị xét xử về hai tội ‘Tham ô tài sản’ và "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất hoát, lãng phí’. Người bị án cao nhất vì phạm cả hai tội danh này là ông Tề Trí Dũng, nguyên Tổng Giám đốc IPC, với mức 20 năm tù giam.
Cáo trạng cho biết trong quá trình đương chức, ông Tề Trí Dũng đã lợi dụng chức vụ thực hiện một số hành vi phạm pháp, đặc biệt là cho phép Công ty Nguyễn Kim mua cổ phần Sadeco, phát hành 9 triệu cổ phần Sadeco trái quy định, không qua đấu thầu.
Ông Tất Thành Cang bị xác định đã ký vào tờ trình đồng ý cho Văn phòng Thành ủy phát hành 9 triệu cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim. Việc này bị nói gây thất thoát 1.103 tỷ đồng, trong đó tài sản Nhà nước là 669 tỷ đồng gồm vốn của UBND Thành phố Hồ Chí Minh và Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Các bị cáo cũng bị xác định đã chi tiền của Sadeco cho nhiều cá nhân đi tham quan, học tập tại nước ngoài trái quy định, gây thiệt hại 3,6 tỷ đồng cho Sadeco.
Phiên tòa xử vụ án vừa nêu bắt đầu hồi ngày 27/12/2021 và Hội đồng Xét xử tuyên án vào chiều ngày 8/1/2022.
********************
Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam giảm ô nhiễm rác thải nhựa
VOA, 09/01/2022
Hoa Kỳ vừa thông báo hỗ trợ Việt Nam giảm ô nhiễm rác thải nhựa thông qua thúc đẩy việc chung tay hành động.
Rác thải nhựa.
Trong một tuyên bố hôm 24/12, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho biết rằng chương trình các Hoạt động địa phương của cơ quan này, thông qua dự án "Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương", đã hỗ trợ Việt Nam từ năm 2020 nhằm giảm ô nhiễm rác thải nhựa thông qua một mạng lưới các đối tác có chung mối quan tâm này.
USAID nói rằng Việt Nam "nằm trong số 5 quốc gia" gây ô nhiễm rác thải nhựa đại dương nhiều nhất trên thế giới và tại Việt Nam, "ước tính khoảng 25 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt phát sinh mỗi năm, trong đó, tỷ lệ nhựa chiếm từ 10-20%".
Cơ quan này cho rằng "việc quản lý hiệu quả vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa cấp bách của quốc gia đòi hỏi có sự chung tay hành động của ngành công nghiệp, chính phủ và người dân".
Theo USAID, ngày 17/12, dự án và các đối tác đã chính thức công bố thành lập mạng lưới "Đối tác hành động về Nhựa và Sức khỏe".
Tin cho hay, chủ trì buổi lễ có ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường với sự tham gia của đại diện 18 đối tác, bao gồm các cơ quan chính phủ, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp, viện nghiên cứu và các bên liên quan khác.
USAID nói rằng "việc thành lập chính thức quan hệ đối tác sẽ giúp thúc đẩy hoạt động hợp tác giữa các đối tác và các bên liên quan cho một số lĩnh vực kỹ thuật như nâng cao năng lực, truyền thông, vận động chính sách cũng như thực hiện các mô hình về thu gom, phân loại, tái chế và tái sử dụng rác thải nhựa".
Theo Viện Sức khỏe Môi trường và Phát triển Bền vững (VOHUN), tỷ lệ rác nhựa và túi nilon dùng một lần ở các đô thị Việt Nam "đang tăng lên nhanh chóng, chiếm từ 10 đến 20% chất thải rắn sinh hoạt".
Viện này cho rằng "việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe".
VOHUN dẫn lời ông Thắng nói rằng việc thành lập "Đối tác hành động về Nhựa và Sức khỏe" là "cơ hội để huy động sự tham gia của tất cả các bên liên quan nhằm giảm tác động của chất thải nhựa đến sức khỏe con người".
Viện này cũng dẫn lời bà Christine Gandomi, Giám đốc Phòng Năng lượng và Môi trường USAID, bày tỏ "hy vọng rằng sự thành lập của ‘Đối tác Hành động về Nhựa và Sức khỏe’ sẽ đánh dấu một khởi đầu của sự hợp tác, trao đổi kiến thức, thông tin cũng như các thực hành tốt liên quan đến ô nhiễm rác thải nhựa".
Theo VOHUN, bà Gandomi nói thêm rằng "Đối tác Hành động về Nhựa và Sức khỏe" sẽ là "một trong những mối quan hệ đối tác đầu tiên tập trung vào nhựa và tác động của nhựa đến sức khỏe con người" và những trao đổi này "sẽ giúp chúng ta cùng nhau giải quyết các vấn đề phát triển cấp bách tại Việt Nam".
Theo USAID, tại Việt Nam, ô nhiễm rác thải nhựa "đang ngày càng nhận được nhiều sự chú ý về mặt chính sách, tuy nhiên kiến thức, khả năng hợp tác và năng lực ở địa phương để thúc đẩy thay đổi nhận thức vẫn còn hạn chế".
Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ cho rằng "hiện chưa có nhiều sáng kiến tập trung hoặc nền tảng số về ô nhiễm nhựa tại Việt Nam cho các bên liên quan tương tác và kết nối" và "các hoạt động trong dự án "Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương" nhằm mục đích trao quyền cho cộng đồng địa phương để thúc đẩy giảm thiểu rác thải nhựa bằng cách xây dựng các mạng lưới, liên kết và hỗ trợ cộng đồng, cá nhân tại Hà Nội, Hạ Long, Đà Nẵng và Hội An".