Thêm người biểu tình phản đối ô nhiễm môi trường bị kết án (RFA, 22/05/2019)
Nhóm 15 người dân tham gia phản đối nhà máy xử lý chất thải rắn tại thôn La Vân, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ vào ngày 21 tháng 5 bị tòa án đưa ra xét xử sơ thẩm và tuyên án.
Phiên tòa xử nhóm 15 người dân tham gia phản đối nhà máy xử lý chất thải rắn tại thôn La Vân, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ vào ngày 21/5. Courtesy of Bộ Tài nguyên Môi trường
Tin cho biết 15 người bị tuyên các án gồm tù, tù treo và cải tạo không giam giữ với cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng’. Bà Trần Thị Kim Liên bị 4 tháng 28 ngày tù ; ông Huỳng Thái 9 tháng tù treo và ông Cao Minh Thiên 8 tháng tù treo ; những người còn lại bị tuyên 12 tháng cải tạo không giam giữ.
Vụ phản đối xảy ra vào tối ngày 2 tháng 9 năm 2018 khi người dân nghe tin Nhà máy Xử lý Chất thải rắn sinh hoạt Đức Phổ trở lại hoạt động, một số người dân đến trước cổng Ủy Ban Nhân dân xã Phổ Thạnh yêu cầu chính quyền địa phương xử lý.
Số người dân tiếp tục tham gia đến lúc đông nhất được cho biết khoảng 200 người. Những người dân sau đó dùng vật cản, trải chiếu, bạt chặn đoạn đường qua xã Phổ Thạnh khiến giao thông tắt nghẽn nhiều giờ đồng hồ.
Công an đã đến giải tán những người phản đối, bắt một số người về trụ sở công an Huyện Đức Phổ.
Nhiều người dân trong nước do bức xúc ô nhiễm quá mức tác động đến cuộc sống và sức khỏe, sau nhiều lần báo với chính quyền địa phương và đơn vị liên quan mà không được giải quyết, phải sử dụng biện pháp biểu tình, phản đối. Tuy nhiên rốt cuộc họ vướng vào vòng tù tội với những cáo buộc gồm ‘gây rối trật tự công cộng’, ‘chống đối người thi hành công vụ’…
Trường hợp gần nhất sau vụ nhóm vừa nêu là vào ngày 15 tháng 5, có bảy phụ nữ ở ấp Tân Tiến, xã Tân Phú, tỉnh Tây Ninh phải chịu từ 24 đến 30 tháng tù do chặn xe cát của Công ty TNHH Việt-Úc bị cho là gây ô nhiễm và nguy hiểm ở địa phương này.
***************
Thanh tra đất vàng của vợ cựu bí thư Quảng Nam (RFA, 22/05/2019)
Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam quyết định chính thức thanh tra quá trình giao đất cho vợ của ông Vũ Ngọc Hoàng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam giai đoạn 2001 – 2008, Ủy viên trung ương Đảng Khóa XI, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương.
Biệt thự trên lô đất số A51-52 có tổng diện tích 1.261m2 tại khu phố mới Tân Thạnh, Tam Kỳ, Quảng Nam. Courtesy quangnam.gov.vn
Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam cho báo chí biết thông tin vừa nói hôm 22/5/2019.
Cụ thể sẽ thanh tra trong thời hạn 20 ngày đối với lô đất số A51-52 có tổng diện tích 1.261m2 tại khu phố mới Tân Thạnh, Tam Kỳ, được giao cho Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư và phát triển Kỳ Hà - Chu Lai Quảng Nam.
Tin cho biết, vào tháng 4 năm 2013, Ủy ban nhân dân Thành phố Tam Kỳ đã giao hai lô đất vừa nêu cho công ty Kỳ Hà - Chu Lai Quảng Nam, có thu tiền sử dụng đất, nhưng không thông qua đấu giá.
Đến ngày 25/4/2016, công ty này chuyển nhượng 2 khu đất này cho bà Nguyễn Thị Ánh là vợ của ông Vũ Ngọc Hoàng - cựu bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, với giá 4,1 tỉ đồng, và được chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Theo kết luận của kiểm toán nhà nước, bố trí đất có thu tiền sử dụng đất, không đấu giá cho Công ty Kỳ Hà - Chu Lai là không đúng quy định. Ngoài ra, chuyển nhượng hai lô đất này cho bà Ánh thấp hơn giá đất quy định, tương ứng 703,55 triệu đồng.
Trước đó vào ngày 21/5/2019, trong thông cáo báo chí "về thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước khu vực III", mà Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam gửi các văn phòng đại diện, các phóng viên thường trú, các cơ quan báo chí địa phương, đã đề nghị "không đưa tin kỹ" về 2 lô đất "vàng" của vợ cựu Bí thư Tỉnh ủy Vũ Ngọc Hoàng ! ?
Thông cáo báo chí này đã gây ra dư luận trái chiều.
*****************
Công an Thành phố Hồ Chí Minh : Hai lãnh đạo Sadeco bị bắt vì nghi tham ô tài sản (RFA, 22/05/2019)
Ông Tề Trí Dũng, Tổng giám đốc Công ty Phát triển Công Nghiệp Tân Thuận (IPC) – Kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco), và bà Hồ Thị Thanh Phúc, Tổng giám đốc Sadeco, bị bắt để điều tra tội ‘tham ô tài sản’ và tội ‘vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.’
Bà Hồ Thị Thanh Phúc (trái) và ông Tề Trí Dũng hồi năm 2017 - Courtesy of Sadeco
Đó là thông tin được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh công bố vào ngày 22/5 được truyền thông trong nước loan đi cùng ngày.
Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đã tiếp nhận hồ sơ và kết luận của Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 18/10/2018 kiến nghị điều tra Công ty Sadeco vì dấu hiệu nhiều sai phạm gây thiệt hại tài sản công ty và Nhà nước.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định đã có đủ tài liệu, chứng cứ xác định ông Tề Trí Dũng và bà Hồ Thị Thanh Phúc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Theo đó, hai lãnh đạo Sadeco có liên quan đến việc bán 9 triệu cổ phiếu cho Nguyễn Kim, sai phạm thẩm định giá của công ty chứng khoán, và sai phạm trong hợp tác thực hiện dự án Khu dân cư Long Hậu. Ngoài ra là vi phạm trong việc quản lý, sử dụng nguồn tiền thù lao, quỹ khen thưởng hội đồng quản trị, ban kiểm soát tại Sadeco.
Trước đó ngày 14/5/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam, và khám xét nhà riêng của ông Tề Trí Dũng và bà Hồ Thị Thanh Phúc.
Báo trong nước cho biết Sadeco vào thời điểm năm 2015 có vốn điều lệ khoảng 170 tỉ đồng, trong đó riêng IPC có tỷ lệ vốn góp chiếm hơn 74%. IPC là đơn vị 100% vốn Nhà nước do Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh quản lý.
*****************
Tòa phúc thẩm tuyên y án 5 công an sử dụng nhục hình đánh chết người bị giam giữ (RFA, 21/05/2019)
Năm cựu công an sử dụng nhục hình đánh chết người bị tạm giam được tòa án cấp cao y án. Nạn nhân là anh Võ Tấn Minh, 25 tuổi, bị đánh chết trong nhà tạm giữ của Công an thành phố Phan Rang hồi năm 2017.
Hình minh họa. Nạn nhân chết trong đồn công an trong năm 2018 - Courtesy of FB, RFA edit
Tin cho biết Tòa án Nhân dân Cấp cao Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 21/5 mở phiên phúc thẩm vụ án dùng nhục hình đối với 5 nguyên bị cáo nguyên cán bộ, chiến sĩ đội cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an Thành phố Phan Rang- Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.
Tòa xử y án sơ thẩm tuyên vào ngày 13/9/2018. 5 người bị tuyên án gồm Ngô Văn Sáng 7 năm tù giam, Trần Đức Lâm 6 năm tù giam, Nguyễn Phạm Việt Hà 6 năm tù giam, Hồ Bá Đồng 5 năm tù giam, Vũ Trọng Trường 3 năm tù giam về tội danh ‘dùng nhục hình’ áp dụng theo khoản 3, điều 298 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam năm 1999, sửa đổi năm 2009.
Tuy nhiên đại diện gia đinh của người bị hại Võ Tấn Minh không chấp nhận bản án sơ thẩm nên làm đơn kháng cáo đề nghị thay đổi tội danh từ ‘dùng nhục hình’ sang ‘giết người’.
Hội đồng xét xử tại phiên phúc thẩm cho rằng các bị cáo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ không cố ý tước đoạt tính mạng của nạn nhân Võ Tấn Minh nên không có căn cứ để chấp thuận chuyển đổi tội danh.
Tình trạng các điều tra viên sử dụng bạo lực, tra tấn dẫn đến việc người bị tạm giam để điều tra tử vong được cho là thường xảy ra ở Việt Nam.
Thống kê trong năm 2018 có 11 trường hợp nạn nhân chết bất minh trong đồn công an. Bộ Công an cho rằng lý do của những cái chết đó là vì bệnh lý hay tự sát.
Trước Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc ở Geneva vào ngày 11/3 vừa qua, đại diện Bộ Công an Việt Nam giải trình rằng một trong các nguyên nhân tử vong tại các cơ sở giam giữ của Việt Nam là do ‘phạm nhân day dứt về hành vi phạm tội của họ dẫn đến bi quan mà tự tử.’
Thân nhân của những nạn nhân thì cho rằng người nhà của họ trước khi vào đồn công an vẫn mạnh khỏe, không có biểu hiện gì về tâm thần.
******************
8 đại án tham nhũng đang được điều tra, sớm đưa ra xét xử (RFA, 21/05/2019)
8 vụ án nghiêm trọng, trong đó có vụ MobiFone mua AVG, vụ đất vàng ở Thành phố Hồ Chí Minh... được Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng yêu cầu tập trung điều tra, truy tố, sớm đưa ra xét xử.
Ông Trần Quốc Vượng. Courtesy : baochinhphu.vn
Thông tin vừa nói được ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư đưa ra tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng hôm 21/5.
Cụ thể 8 vụ án này gồm : Vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước tại Cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam ; Vụ án vi phạm quy định về đất đai tại Công ty Hải Thành ; Vụ án đưa nhận hối lộ, vi phạm quản lý vốn tại Tổng công ty viễn thông MobiFone ; Vụ án liên quanCông ty cổ phần hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB), Phú Thọ ; Vụ án Ngân hàng Phương Nam ; Vụ án vi phạm quản lý tài sản nhà nước tại Đà Nẵng ; Vụ án tại Tổng công ty Sabeco và Vụ án thất thoát liên quan đến dự án tại số 8-12 Lê Duẩn, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Cũng tại cuộc họp, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã cho ý kiến về Báo cáo kết quả kiểm tra việc thu hồi tài sản bị thất thoát trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế…
********************
Tòa cấp cao sẽ mở lại phiên phúc thẩm Vũ "nhôm" vào ngày 27/5 (RFA, 21/05/2019)
Phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án Vũ "nhôm", Trần Phương Bình và đồng phạm gây thiệt hại cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á – DAB hơn 3.600 tỷ đồng sẽ được mở lại vào ngày 27/5/2019.
Ông Phan Văn Anh Vũ tại tòa án Hà Nội hôm 30/1/2019. AFP
Truyền thông trong nước trích thông tin từ Tòa án Nhân dân Cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh loan tin vừa nói hôm 21/5/2019.
Theo Tòa án Nhân dân Cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh, thời gian xét xử dự kiến kéo dài từ ngày 27/5/2019 đến ngày 7/6/2019.
Trước đó, vào ngày 22/4, phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án Vũ "nhôm" bị hoãn do quá nhiều luật sư và các bị cáo được tại ngoại đã vắng mặt.
Phiên tòa này liên quan vụ ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á và Vũ "nhôm", cùng với 24 bị cáo trong vụ án gây thiệt hại hơn 3.600 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Đông Á.
Ông Phan Văn Anh Vũ, hay còn được biết đến với biệt danh Vũ ’Nhôm’, từng là một thượng tá tình báo Công an. Ông này bị cho thu tóm nhiều đất đai tại thành phố biển Đà Nẵng và Sài Gòn.
Một số quan chức tại Đà Nẵng trong thời gian qua bị bắt vì có liên quan đến những sai phạm của nhân vật Vũ ‘Nhôm’.
*******************
Hai người biểu tình phản đối luật Đặc khu bị tuyên thêm án tù (RFA, 21/05/2019)
Hai người tham gia đợt biểu tình chống dự luật đặc khu và an ninh mạng hồi tháng 6 năm ngoái tại Phan Rí bị tuyên thêm án tù.
Hình minh họa. Hình chụp hôm 10/6/2018 cho thấy những người biểu tình đốt xe trước trụ sở tỉnh Bình Thuận. AFP
Tin cho biết hai người gồm thanh niên 19 tuổi Đặng Ngọc Tấn và ông Phạm Thanh 32 tuổi cư ngụ tại thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận bị tòa án tỉnh này vào ngày 21 tháng 5 đưa ra xét xử sơ thẩm với cáo buộc ‘hủy hoại tài sản’ theo khoản 4, điều 178 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Tòa tuyên thanh niên Đặng Ngọc Tấn 17 năm tù giam và ông Phạm Thanh 11 năm tù giam. Theo Hội đồng xét xử thì việc đốt cháy xe công vụ và xe ô tô khác là nguy hiểm cho xã hội ; không chỉ gây thiệt hại tài sản của Nhà Nước mà còn làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Vào ngày 26 tháng 9 năm 2018 tòa án nhân dân huyện Bắc Bình đã tuyên Thanh niên Đặng Ngọc Tấn 4 năm tù giam và ông Phạm Thanh 4 năm 6 tháng tù giam với cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng’.
Hai người vừa nêu bị cáo buộc tham gia vào đợt biểu tình vào ngày 11 tháng 6 năm ngoái tại tuyến Quốc Lộ 1A đoạn qua khu vực cầu nam, xã Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm Sát Nhân dân tỉnh Bình Thuận thì lực lượng cảnh sát cơ động và chính quyền địa phương có dung loa yêu cầu người biểu tình giải tán để không làm tắc nghẽn giao thông. Tuy nhiên nhiều người trong đó có thanh niên Đặng Ngọc Tấn và ông Phạm Thanh sử dụng gạch, đá, bom xăng tự chế ném vào lực lượng cảnh sát cơ động.
Sau đó nhóm người tiến vào sân của Đội Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn khu vực Phan Rí. Thanh nhiên Đặng Ngọc Tấn và ông Phạm Thanh bị cáo buộc đốt cháy 4 xe công vụ và 2 ô tô khác.
Đợt biểu tình nổ ra tại nhiều nơi trên cả nước vào các ngày 9, 10 và 11 tháng 6 năm ngoái được những người tham gia cho biết nhằm phản đối hai dự luật đặc khu hành chính- kinh tế đặc biệt Vân Đồn- Bắc Vân Phong- Phú Quốc và dự luật an ninh mạng.
Lý do mà những người tham gia biểu tinh nêu ra là quan ngại các đặc khu cho thuê 99 năm sẽ rơi vào tay người Trung Quốc. Còn luật an ninh mạng sẽ xiết chặt them quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam.
Quốc hội Việt Nam đã thông qua dự luật an ninh mạng và luật này bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2019. Còn dự luật đặc khu đến nay vẫn chưa được trình Quốc hội. Tin nói dự luật này có thể lùi đến sau năm 2020.
Trong phiên xử tướng Phan Văn Vĩnh, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát và tướng Nguyễn Thanh Hóa, cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cùng 90 đồng phạm trong vụ án đánh bạc với quy mô lớn trên Internet, tòa án tỉnh Phú Thọ đã sai phạm một cách cố ý khi miễn trách nhiệm hình sự cho Nguyễn Văn Dương và Lưu Thị Hồng về hành vi đưa hối lộ, sự miễn trừ này được tòa gọi là chính sách khoan hồng của Pháp luật.
Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ - Một phiên xử - Ảnh minh họa
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ, Nguyễn Văn Dương khai do được Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa tạo điều kiện cho việc tổ chức đánh bạc trên mạng Internet nên khi có được nguồn tiền từ việc vận hành tổ chức đánh bạc, Dương đã đưa cho Phan Văn Vĩnh 27 tỷ đồng, 01 đồng hồ Rolex trị giá 7000 USD, 1.750.000 USD. Dương cũng đưa cho Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) 700 triệu đồng, 01 bộ phần mềm diệt virus trị giá 30.000 USD và cho bản thân Nguyễn Thanh Hóa, cựu Cục trưởng C50, 22 tỷ đồng.
Tại cơ quan điều tra, Phan Văn Vĩnh thừa nhận những hành vi vi phạm pháp luật của ông ta khi chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho Nguyễn Văn Dương và đồng phạm thực hiện hành vi tổ chức đánh bạc.
Bị cáo Lưu Thị Hồng có hành vi đưa hối lộ ít hơn nhiều so với Nguyễn Văn Dương. Bà Hồng tặng 600 triệu đồng tiền tiêu Tết cho C50, người nhận là ông Võ Tuấn Dũng - nguyên Trưởng phòng nghiên cứu, xây dựng các thủ tục thành lập công ty bình phong. Lưu Thị Hồng đã chủ động khai báo việc này tại Cơ quan điều tra.
Tuy nhiên Hội đồng xét xử cùng đồng ý không truy cứu hình sự hành vi đưa hối lộ của Nguyễn Văn Dương và Lưu Thị Hồng tòa cũng không cho biết dựa vào quy định nào của Bộ luật Hình sự để miễn trách nhiệm hình sự cho Nguyễn Văn Dương, chỉ nói chung chung là chính sách khoan hồng.
Theo quy định tại Điều 29 Bộ Luật hình sự, căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự như sau :
1. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây :
a) Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa ;
b) Khi có quyết định đại xá.
2. Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây :
a) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa ;
b) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa ;
c) Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.
Nguyễn Văn Dương và Lưu Thị Hồng không có bất cứ điều kiện phù hợp nào trong tất cả các khoản trên để miễn trách nhiệm hình sự cho hành vi của hai người. Số tiền mà Nguyễn Văn Dương chia cho tướng Vĩnh và tướng Hóa rõ ràng là hành vi cực kỳ nguy hiểm, nó nuôi dưỡng đường dây đánh bạc trên quy mô lớn và hành vi này đã chứng tỏ tổ chức dường dây là một vòng tròn khép kín, ăn đều chia đủ và tất cả các bên đều có lợi.
Bà Hồng được miễn trừ chẳng qua là ăn theo ông Dương, một con cá lớn hơn, nếu không miễn trừ cho bà thì tòa không biết ăn nói thế nào trước dư luận.
Nguyễn Văn Dương không những đưa hối lộ đúng nghĩa của động từ này mà qua số tiền đưa ra cho thấy mức độ lợi lộc của chính can phạm vượt nhiều lần so với số tiển hối lộ trong thời gian tổ chức đánh bạc. Số tiền này nếu không tính vào hành vi hối lộ thì tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" của tướng Vĩnh sẽ giảm thiểu tối đa.
Miễn trừ trách nhiệm hình sự cho hành vi đưa hối lộ của Nguyễn Văn Dương cũng lượt bớt đi yếu tố phạm tội của ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa trong việc tổ chức đánh bạc với quy mô lớn vì họ không nhận hối lộ để đường dây đánh bạc vận hành. Các tội danh "Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản", "Tổ chức đánh bạc", "Đánh bạc", "Mua bán trái phép hóa đơn"và "Rửa tiền" sẽ đổ lên đầu Nguyễn Văn Dương và 90 bị cáo khác vì Dương đã khai trước cơ quan điều tra rằng "do được Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa tạo điều kiện cho việc tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet" nên trả ơn bằng số tiền nói trên.
Vậy thì hai ông tướng này chỉ vướng vào tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" khi bao che tổ chức đánh bạc mà không có trách nhiệm trực tiếp trong việc tổ chức đánh bạc với quy mô cực lớn trên Internet. Những tội danh này khi đã được rút ra khỏi hồ sơ của hai can phạm thì hình phạt giảm xuống rất nhiều nếu không muốn nói là nếu phù phép thêm tòa có khả năng kêu án mỗi người 2 năm tù giam là cùng.
Ông Nguyễn Văn Dương là ai mà được hưởng chính sách khoan hồng "đột xuất" như vậy ?
Xin thưa ông là thái tử đảng, là phò mã của một yên hùng trong Đảng, ông là con rể của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị. Tòa dựa trên cái tên này để khoan hồng phải chăng có áp lực nào đó từ Phạm Quang Nghị ?
Dù có dựa vào hay không thì tòa án tỉnh Phú Thọ đã ký lệnh tống giam công lý bằng cách áp dụng sai lệch có chủ đích việc miễn trừ trách nhiệm hình sự cho Nguyễn Văn Dương.
Tòa án nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam một lần nữa cho thấy sự tùy tiện đã vượt quá giới hạn. Tâm lý đã là thẩm phán thì quyết định khoan hồng không thể bị lên án vì đó là chính sách nhân đạo của Đảng, chứ không phải của pháp luật, bởi trong mắt của bất cứ thẩm phán nào chữ "Đảng" luôn luôn xuất hiện trước rất lâu hai chữ "Pháp luật" mà họ đang có bổn phận thi hành.
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 19/11/2018
Ngày 2 tháng 11 vừa qua, Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Nguyên xét xử phúc thẩm bị cáo Ngô Văn Sơn và Lê Ngọc Hoàng trong vụ tai nạn trên cao tốc khiến 4 người chết.
Hai năm trước, ngày 19/11/2016, tài xế xe Innova Sơn chở 10 người chạy trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Vì muốn đón người ở Thành phố Sông Công, nhưng do chạy quá lối rẽ vào thành phố nên Sơn cho xe lùi lại ngay trên đường cao tốc.
Theo hồ sơ, tòa cáo buộc tài xế Hoàng chỉ giữ khoảng cách 30m tức là vi phạm 5m, và xem đó là căn cứ để buộc tội.
Cùng lúc ấy, bị cáo Lê Ngọc Hoàng điều khiển xe container chở thép đi tới, đâm vào xe của Sơn khiến 4 người chết, 2 chiếc xe bị hư hỏng nặng. Đo nồng độ cồn xác định, bị cáo Sơn có uống rượu trước khi lái xe, bị cáo Hoàng thì không.
Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Hà Xuân Đức - giám định viên Bộ Công an xác nhận đã xem xét thiết bị giám sát hành trình trên xe container. Tài xế xe container đã chạy 62km/h. Không vi phạm tốc độ giao thông trên đường cao tốc.
Tuy nhiên bản án được tuyên căn cứ vào Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm cho rằng, Hoàng đã không chú ý quan sát, không giảm tốc độ về an toàn nên khi 2 xe cách nhau 30m mới phát hiện xe Innova đang lùi rồi mới đạp thắng. Việc này vi phạm thông tư liên tịch số 91 về khoảng cách an toàn giữa 2 xe. Tòa phúc thẩm tuyên phạt Ngô Văn Sơn án 9 năm tù ; Lê Ngọc Hoàng án 6 năm tù.
Theo thông tư 91 thì khoảng cách an toàn giữa hai xe trên đường cao tốc khi chạy với tốc độ 60km/h đến dưới 80km/h là 35m. Theo hồ sơ, tòa cáo buộc tài xế Hoàng chỉ giữ khoảng cách 30m tức là vi phạm 5m, và xem đó là căn cứ để buộc tội.
Tuy nhiên, tòa lại không thể xác định được tốc độ di chuyển ngược lại của xe Innova về hướng xe container là bao nhiêu và nếu xe Innova chạy cùng hướng với xe container thì khả năng gây tai nạn có xảy ra hay không ?
Tòa cũng không mời chuyên gia của Bộ Giao thông vận tải để xác định xem tốc độ lùi của chiếc Innova đã kéo ngắn khoảng cách giữa hai xe bao nhiêu mét, và thời gian là bao lâu khiến tai nạn xảy ra.
Tòa cũng không tính tới yếu tố uống rượu lái xe của tài xế xe Innova và sự nhồi nhét đến 10 người trong một chiếc xe chỉ có 7 chỗ ngồi ảnh hưởng ra sao tới tầm nhìn của tài xế khi anh ta lùi lại trên đường cao tốc trong khi tiếng ồn ào, bàn cãi của những người ngồi trong xe chắc chắn sẽ gây cho anh ta sự mất chú ý khi đang lái xe nhất là chạy giật lùi.
Vụ án gây phẫn nộ khắp nước không riêng gì địa phương Thái Nguyên. Người dân phẫn nộ vì tính chất thiếu chuyên nghiệp của một tòa án cấp phúc thẩm, xét xử căn cứ trên những điều lệ thông tư cứng ngắt mà không xét đến những yếu tố quan trọng gây tai nạn giữa người điều khiển phương tiện. Tòa không căn cứ vào các yếu tố khoa học có thể chứng minh ai là người gây ra lỗi và trách nhiệm của tài xế chiếc container phải chịu căn cứ trên những yếu tố nào ?
Nếu giữ khoảng cách 30 mét thay vì 35 mét như lời cáo buộc thì tài xế xe Innova mới là người hoàn toàn chịu trách nhiệm vì anh ta đã lùi xe khiến khoảng cách bị rút ngắn mà tài xế xe container không thể làm gì khác hơn.
Ai cũng thấy chỉ có Hội đồng xét xử của tòa phúc thẩm là không thấy. Tại sao vậy ?
Vì những người ngồi ghế tòa án không hiểu được thế nào là luật pháp. Luật pháp được lập ra nhằm giữ gìn trật tự xã hội và công bằng cho mọi con người. Sự công bằng cần được xem là tiêu chuẩn không thể thay đổi và bản án được phán xét sau khi cân nhắc kỹ lưỡng mọi yếu tố dù nhỏ nhất bằng mọi phương tiện mà trong thời đại kỹ thuật số việc gì cũng đều có thể chứng minh.
Pháp luật chỉ được thực thi một cách triệt để khi tòa án có những thẩm phán hội đủ kiến thức về luật pháp qua trường lớp và kinh nghiệm chứ không thể qua các lớp tại chức và kinh nghiệm được tính ngang với thời gian vào đảng. Pháp luật cần những luật sư hiểu chức năng và quyền hạn của mình và thân chủ cũng như Hội đồng xét xử gồm ba thẩm phán phải có những ý kiến trái chiều dành cho trường hợp người bị tòa sơ thẩm kết án. Ý kiến trái chiều là chìa khóa khiến một bản án tiến gần hơn với sự thật và vì vậy oan sai sẽ ít đi.
Không một nước nào trên thế giới lại hoàn toàn vắng bóng những trường hợp oan sai, tuy nhiên trong thể chế dân chủ, chính quyền cảm nhận được oan sai của một tòa án là bản án của người dân dành cho chính quyền, vì cử tri sẽ không chấp nhận những lời xin lỗi hay đền bù thiệt hại cho nạn nhân nếu vụ án sai sót một cách không thể chấp nhận.
Việt Nam có quá nhiều vụ án không thể chấp nhận, và có quá nhiều nạn nhân bị tòa án xét xử căn cứ vào những bằng chứng mơ hồ, những lời khai bị khống chế, những lời nhận tội được ghi âm sau những tháng ngày sống trong sợ hãi và đe dọa.
Huỳnh Văn Nén 17 năm oan ức và Nguyễn Thanh Chấn 10 năm ngồi tù mà không hề phạm tội.
Kẻ phạm tội là những thẩm phán trong Hội đồng xét xử hai bị can này, nhưng với hệ thống tư pháp hiện nay họ chỉ đáng bị khiển trách, kiểm điểm vì công trạng đối với cách mạng.
Kết quả của phiên tòa mất lý trí này là phản ứng mạnh mẽ của mạng xã hội. Người ta kéo Hội đồng xét xử xuống tận địa ngục, nguyền rủa sự bất minh và ngu dốt của họ. Người ta phẫn nộ lên án cả chế độ và báo chí cũng không còn đứng vòng ngoài quan sát. Nhiều bài báo mời chuyên gia phân tích vụ án và ai cũng chứng minh rằng Hội đồng xét xử thiếu kiến thức và đã cứng ngắt khi áp dụng một thông tư liên quan.
Về phía dân chúng, tài xế nhiều nơi nảy ra sáng kiến treo biểu ngữ trước đầu hoặc bên hông xe để phản đối bản án của tỉnh Thái Nguyên và yêu cầu trả tự do cho tài xế Hoàng. Tài xế cả nước theo dõi vì họ biết rằng trong tương lai những vụ án tương tự sẽ trùm kín cuộc đời của họ. Tài xế xe chuyên dụng là những người dễ bị va vấp nhất và vì vậy họ cần những tòa án có đầy đủ đức tính của một nơi cầm cân nảy mực.
Người dân thù ghét tòa án không phải là chuyện mới xảy ra, bởi các bản án bỏ túi, án tại hồ sơ, hay án không cần xét đã khiến hàng ngàn gia đình sống trong oan khuất. Oan khuất ấy nảy mầm từ lối sống sa đọa của những con người phục vụ trong lĩnh vực tòa án. Người dân biết nhưng không làm gì được và vũ khí cuối cùng của họ chỉ là hả hê, cười đùa trên mất mát của những gia đình quan chức tòa án,
Mới đây một chiếc xe hiệu Mercedes rơi xuống cầu Chương Dương khiến tài xế tử nạn. Cô tài xế được xác nhận là con của ông Nguyễn Hải Phong, nguyên Viện phó Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao vừa về hưu tháng trước. Người ta cho rằng chính chiếc xe này đã gây tai nạn chết người tại Ô Chợ Dừa rồi bỏ chạy và vụ án không một trang giấy điều tra, nay thì người gây tai nạn gặp tai nạn do chính mình gây ra âu cũng là gieo gió gặt bão.
Nhưng đối với người dân thì chính ông Nguyễn Hải Phong là người gieo gió và con gái của ông phải gặt bão trong khi ông còn sống để nhìn những gì mình đã làm cho người khác trong những năm qua.
Bao nhiêu tiền trà nước của phạm nhân lẫn những kẻ chức quyền đã đưa ông vào thế giới vinh hoa phú quý thì nay những đồng tiền ấy bỏ ông mà đi kéo theo ruột thịt của mình được sinh ra và lớn lên trong một gia đình đầy mùi tanh của máu và nước mắt của những tù nhân oan ức.
Ai đang hành xử như tòa Thái Nguyên chắc không nên tiếp tục nhắm mắt ăn tiền nữa. Nhân dân bây giờ sắt bén trong lời nguyền rủa lắm, khi họ đã nguyền rủa thì không ai thoát nỗi tai kiếp ở thế giới này đâu.
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 07/11/2018 (canhco's blog)
Những "lời cuối cùng" mà ông Đinh La Thăng và ông Trịnh Xuân Thanh thỏ thẻ với Hội đồng xét xử vụ án "Cố ý làm trái qui định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng", "Tham ô", xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), trước khi các thẩm phán và hội thẩm nhân dân nghị án, giống như cáo trạng dành cho "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa" tại Việt Nam.
Trịnh Xuân Thanh (phải) và Đinh La Thăng tại Tòa ở Hà Nội.
***
Hiến pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khẳng định, nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, vì nhân dân và cho nhân dân, do nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân" theo phương thức "phân công, phối hợp, kiểm soát các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp". Qua Hiến pháp, Đảng cộng sản Việt Nam – lực lượng vẫn giành và cố giữ vai trò của "lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội" – cam kết "hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật".
Nội dung những "lời cuối cùng" mà ông Thăng, rồi ông Thanh thỏ thẻ với Hội đồng xét xử họ cho thấy, dẫu khoác áo "cộng hòa" nhưng Việt Nam có… vua. Tuy không ngai song ông vua này chính là người điều khiển "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa", Hiến pháp, pháp luật chỉ là những cái "bánh vẽ". Đó là lý do cả ông Thăng lẫn ông Thanh cùng xin lỗi "Tổng bí thư", "bác Trọng"… cùng đưa ra những đề nghị mà thiên hạ đang đàm tiếu là ngây ngô : Ông Thăng xin được tại ngoại để "ăn Tết" với thân nhân và bạn bè trước khi vào tù thi hành bản án mà Hội đồng xét xử sắp tuyên. Ông Thanh thì xin sang… Đức chăm sóc vợ dại và ba con thơ !
Có bao nhiêu người hiểu bản chất "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa" tại Việt Nam hơn ông Thăng - cựu Đại biểu Quốc hội, cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và ông Thanh – cựu Đại biểu Quốc hội, cựu Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang ? Chắc là chẳng có bao nhiêu ! Nếu đã hiểu tường tận bản chất "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa" tại Việt Nam thì những lời xin lỗi và đề nghị của ông Thăng, ông Thanh hẳn có chủ đích : Giúp "Tổng bí thư", "bác Trọng", giúp Đảng cộng sản Việt Nam rửa… mặt. Không ít người đã so sánh phiên xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm "Cố ý làm trái qui định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng", "Tham ô" với phiên xử những cá nhân tranh đấu cho tự do, dân chủ tại Việt Nam. Song xét cho đến cùng, sự khác biệt giữa những phiên xử này, kể cả sự lạ thường về tính chất, mức độ "công khai" trong tiến trình điều tra – truy tố - xét xử chỉ có một mục tiêu, bảo vệ thể diện của "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa" tại Việt Nam.
Dưới sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng cộng sản Việt Nam, "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa" tại Việt Nam đã từng làm nhiều chuyện "kinh thiên, động địa", thành ra cho ông Thăng tại ngoại để "ăn Tết" với thân nhân và bạn bè trước khi vào tù thi hành án, cho ông Thanh sang… Đức chăm sóc vợ dại và ba con thơ là… chuyện nhỏ ! Tổng bí thư, "bác Trọng", "lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội" có thể làm tuốt.
Nếu Hiến pháp và pháp luật nghiêm minh, làm gì có chuyện, năm 2011, dù Thanh tra Chính phủ phát giác PVN mắc hàng loạt sai phạm về tài chính, mức độ thất thoát lên tới 18.000 tỉ, ông Thăng vẫn có thể bước từ vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVN vào vị trí Bộ trưởng Giao thông – Vận tải, rồi vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, bước thêm một bước nữa vào Bộ Chính trị, sau đó trở thành Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ?
Nếu Hiến pháp và pháp luật nghiêm minh, làm gì có chuyện, sau khi khiến công quĩ thất thoát 3.200 tỉ, ông Thanh vẫn có thể ung dung bước từ vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), vào vị trí Trưởng Văn phòng đại diện của Bộ Công Thương ở miền Trung, rồi trở về Hà Nội làm… Chánh văn phòng Ban cán sự Đảng của Bộ Công Thương, vào Hậu Giang làm Phó Chủ tịch tỉnh, vô Quốc hội ?
Nếu "bác Trọng" đừng… buồn, những người đứng đầu "lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội" vẫn… vui, theo qui hoạch đã được phê duyệt, giờ này có thể ông Thanh đã là Thứ trưởng Bộ Công Thương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, cùng với ông Trọng, ông Thăng "lãnh đạo nhà nước và xã hội".
Dường như cả ông Thăng lẫn ông Thanh không vô tình khi cùng khai thác tận tình cơ hội "nói lời cuối cùng". Họ hy vọng Tổng bí thư, "bác Trọng", cũng như "lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội" động lòng, trước tình cảnh ngặt nghèo của "đồng chí", của "con cháu trong gia đình" (?).
***
Tổng bí thư, "bác Trọng" cũng như những người đại diện "lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội" đã, đang, có lẽ sẽ còn nói rất nhiều về xây dựng "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa", "cải tổ thể chế", về "xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", cam kết sẽ hướng tới hàng trăm thứ cao đẹp khác,…
Tổng bí thư, "bác Trọng" cũng như những người đại diện "lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội" đã, đang, có lẽ sẽ còn nói rất nhiều về nỗ lực chỉnh đốn Đảng, hạn chế tham nhũng, vô trách nhiệm bằng cách "xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị"…
Thế nhưng Tổng bí thư, "bác Trọng" cũng như những người đại diện "lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội" vừa cảnh cáo các thành viên của những người đại diện "lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội" rằng sẽ khai trừ tất cả những đảng viên đòi thực thi "tam quyền phân lập".
Nếu thực thi tam quyền phân lập, tách biệt rạch ròi giữa lập pháp (làm luật), hành pháp (quản lý, điều hành theo qui định pháp luật), tư pháp (điều tra, truy tố, xét xử một cách độc lập, không bị chỉ đạo, chi phối bởi "lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội") để cả ba giám sát lẫn nhau thì ai dám bảo Hội đồng xét xử vụ án "Cố ý làm trái qui định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng", "Tham ô", xảy ra tại PVN, sẽ tha, không triệu tập "bác Trọng" cũng như nhiều "bác" khác ra tòa để bảo đám không "sót người, lọt tội" ?
Tổng bí thư, "bác Trọng" cũng như những người đại diện "lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội" vẫn thế mà vẫn thế thì thôi, bàn về "công bằng, dân chủ, văn minh", "sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật" làm chi cho mệt !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 19/01/2018