Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

07/11/2018

Đừng để người dân nguyền rủa, hỡi các ngài thẩm phán

Cánh Cò

Ngày 2 tháng 11 vừa qua, Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Nguyên xét xử phúc thẩm bị cáo Ngô Văn Sơn và Lê Ngọc Hoàng trong vụ tai nạn trên cao tốc khiến 4 người chết.

Hai năm trước, ngày 19/11/2016, tài xế xe Innova Sơn chở 10 người chạy trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Vì muốn đón người ở Thành phố Sông Công, nhưng do chạy quá lối rẽ vào thành phố nên Sơn cho xe lùi lại ngay trên đường cao tốc.

inno1

Theo hồ sơ, tòa cáo buộc tài xế Hoàng chỉ giữ khoảng cách 30m tức là vi phạm 5m, và xem đó là căn cứ để buộc tội.

Cùng lúc ấy, bị cáo Lê Ngọc Hoàng điều khiển xe container chở thép đi tới, đâm vào xe của Sơn khiến 4 người chết, 2 chiếc xe bị hư hỏng nặng. Đo nồng độ cồn xác định, bị cáo Sơn có uống rượu trước khi lái xe, bị cáo Hoàng thì không.

Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Hà Xuân Đức - giám định viên Bộ Công an xác nhận đã xem xét thiết bị giám sát hành trình trên xe container. Tài xế xe container đã chạy 62km/h. Không vi phạm tốc độ giao thông trên đường cao tốc.

Tuy nhiên bản án được tuyên căn cứ vào Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm cho rằng, Hoàng đã không chú ý quan sát, không giảm tốc độ về an toàn nên khi 2 xe cách nhau 30m mới phát hiện xe Innova đang lùi rồi mới đạp thắng. Việc này vi phạm thông tư liên tịch số 91 về khoảng cách an toàn giữa 2 xe. Tòa phúc thẩm tuyên phạt Ngô Văn Sơn án 9 năm tù ; Lê Ngọc Hoàng án 6 năm tù.

Theo thông tư 91 thì khoảng cách an toàn giữa hai xe trên đường cao tốc khi chạy với tốc độ 60km/h đến dưới 80km/h là 35m. Theo hồ sơ, tòa cáo buộc tài xế Hoàng chỉ giữ khoảng cách 30m tức là vi phạm 5m, và xem đó là căn cứ để buộc tội.

Tuy nhiên, tòa lại không thể xác định được tốc độ di chuyển ngược lại của xe Innova về hướng xe container là bao nhiêu và nếu xe Innova chạy cùng hướng với xe container thì khả năng gây tai nạn có xảy ra hay không ?

Tòa cũng không mời chuyên gia của Bộ Giao thông vận tải để xác định xem tốc độ lùi của chiếc Innova đã kéo ngắn khoảng cách giữa hai xe bao nhiêu mét, và thời gian là bao lâu khiến tai nạn xảy ra.

Tòa cũng không tính tới yếu tố uống rượu lái xe của tài xế xe Innova và sự nhồi nhét đến 10 người trong một chiếc xe chỉ có 7 chỗ ngồi ảnh hưởng ra sao tới tầm nhìn của tài xế khi anh ta lùi lại trên đường cao tốc trong khi tiếng ồn ào, bàn cãi của những người ngồi trong xe chắc chắn sẽ gây cho anh ta sự mất chú ý khi đang lái xe nhất là chạy giật lùi.

Vụ án gây phẫn nộ khắp nước không riêng gì địa phương Thái Nguyên. Người dân phẫn nộ vì tính chất thiếu chuyên nghiệp của một tòa án cấp phúc thẩm, xét xử căn cứ trên những điều lệ thông tư cứng ngắt mà không xét đến những yếu tố quan trọng gây tai nạn giữa người điều khiển phương tiện. Tòa không căn cứ vào các yếu tố khoa học có thể chứng minh ai là người gây ra lỗi và trách nhiệm của tài xế chiếc container phải chịu căn cứ trên những yếu tố nào ?

Nếu giữ khoảng cách 30 mét thay vì 35 mét như lời cáo buộc thì tài xế xe Innova mới là người hoàn toàn chịu trách nhiệm vì anh ta đã lùi xe khiến khoảng cách bị rút ngắn mà tài xế xe container không thể làm gì khác hơn.

Ai cũng thấy chỉ có Hội đồng xét xử của tòa phúc thẩm là không thấy. Tại sao vậy ?

Vì những người ngồi ghế tòa án không hiểu được thế nào là luật pháp. Luật pháp được lập ra nhằm giữ gìn trật tự xã hội và công bằng cho mọi con người. Sự công bằng cần được xem là tiêu chuẩn không thể thay đổi và bản án được phán xét sau khi cân nhắc kỹ lưỡng mọi yếu tố dù nhỏ nhất bằng mọi phương tiện mà trong thời đại kỹ thuật số việc gì cũng đều có thể chứng minh.

Pháp luật chỉ được thực thi một cách triệt để khi tòa án có những thẩm phán hội đủ kiến thức về luật pháp qua trường lớp và kinh nghiệm chứ không thể qua các lớp tại chức và kinh nghiệm được tính ngang với thời gian vào đảng. Pháp luật cần những luật sư hiểu chức năng và quyền hạn của mình và thân chủ cũng như Hội đồng xét xử gồm ba thẩm phán phải có những ý kiến trái chiều dành cho trường hợp người bị tòa sơ thẩm kết án. Ý kiến trái chiều là chìa khóa khiến một bản án tiến gần hơn với sự thật và vì vậy oan sai sẽ ít đi.

Không một nước nào trên thế giới lại hoàn toàn vắng bóng những trường hợp oan sai, tuy nhiên trong thể chế dân chủ, chính quyền cảm nhận được oan sai của một tòa án là bản án của người dân dành cho chính quyền, vì cử tri sẽ không chấp nhận những lời xin lỗi hay đền bù thiệt hại cho nạn nhân nếu vụ án sai sót một cách không thể chấp nhận.

Việt Nam có quá nhiều vụ án không thể chấp nhận, và có quá nhiều nạn nhân bị tòa án xét xử căn cứ vào những bằng chứng mơ hồ, những lời khai bị khống chế, những lời nhận tội được ghi âm sau những tháng ngày sống trong sợ hãi và đe dọa.

Huỳnh Văn Nén 17 năm oan ức và Nguyễn Thanh Chấn 10 năm ngồi tù mà không hề phạm tội.

Kẻ phạm tội là những thẩm phán trong Hội đồng xét xử hai bị can này, nhưng với hệ thống tư pháp hiện nay họ chỉ đáng bị khiển trách, kiểm điểm vì công trạng đối với cách mạng.

Kết quả của phiên tòa mất lý trí này là phản ứng mạnh mẽ của mạng xã hội. Người ta kéo Hội đồng xét xử xuống tận địa ngục, nguyền rủa sự bất minh và ngu dốt của họ. Người ta phẫn nộ lên án cả chế độ và báo chí cũng không còn đứng vòng ngoài quan sát. Nhiều bài báo mời chuyên gia phân tích vụ án và ai cũng chứng minh rằng Hội đồng xét xử thiếu kiến thức và đã cứng ngắt khi áp dụng một thông tư liên quan.

Về phía dân chúng, tài xế nhiều nơi nảy ra sáng kiến treo biểu ngữ trước đầu hoặc bên hông xe để phản đối bản án của tỉnh Thái Nguyên và yêu cầu trả tự do cho tài xế Hoàng. Tài xế cả nước theo dõi vì họ biết rằng trong tương lai những vụ án tương tự sẽ trùm kín cuộc đời của họ. Tài xế xe chuyên dụng là những người dễ bị va vấp nhất và vì vậy họ cần những tòa án có đầy đủ đức tính của một nơi cầm cân nảy mực.

Người dân thù ghét tòa án không phải là chuyện mới xảy ra, bởi các bản án bỏ túi, án tại hồ sơ, hay án không cần xét đã khiến hàng ngàn gia đình sống trong oan khuất. Oan khuất ấy nảy mầm từ lối sống sa đọa của những con người phục vụ trong lĩnh vực tòa án. Người dân biết nhưng không làm gì được và vũ khí cuối cùng của họ chỉ là hả hê, cười đùa trên mất mát của những gia đình quan chức tòa án,

Mới đây một chiếc xe hiệu Mercedes rơi xuống cầu Chương Dương khiến tài xế tử nạn. Cô tài xế được xác nhận là con của ông Nguyễn Hải Phong, nguyên Viện phó Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao vừa về hưu tháng trước. Người ta cho rằng chính chiếc xe này đã gây tai nạn chết người tại Ô Chợ Dừa rồi bỏ chạy và vụ án không một trang giấy điều tra, nay thì người gây tai nạn gặp tai nạn do chính mình gây ra âu cũng là gieo gió gặt bão.

Nhưng đối với người dân thì chính ông Nguyễn Hải Phong là người gieo gió và con gái của ông phải gặt bão trong khi ông còn sống để nhìn những gì mình đã làm cho người khác trong những năm qua.

Bao nhiêu tiền trà nước của phạm nhân lẫn những kẻ chức quyền đã đưa ông vào thế giới vinh hoa phú quý thì nay những đồng tiền ấy bỏ ông mà đi kéo theo ruột thịt của mình được sinh ra và lớn lên trong một gia đình đầy mùi tanh của máu và nước mắt của những tù nhân oan ức.

Ai đang hành xử như tòa Thái Nguyên chắc không nên tiếp tục nhắm mắt ăn tiền nữa. Nhân dân bây giờ sắt bén trong lời nguyền rủa lắm, khi họ đã nguyền rủa thì không ai thoát nỗi tai kiếp ở thế giới này đâu.

Cánh Cò

Nguồn : RFA, 07/11/2018 (canhco's blog)

Quay lại trang chủ
Read 604 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)