Nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, được biết đến như là blogger Mẹ Nấm đã bị chuyển một cách bí mật tới một nhà tù cách xa 915 km và bị giam giữ trong điều kiện trại giam rất tồi và xa gia đình của cô. Tình trạng sức khoẻ của cô đang xấu đi trong khi thực hiện án tù giam 10 năm.
Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và hai đứa con nhỏ.
Mẹ Nấm đã bị chuyển từ một nhà tù ở tỉnh Khánh Hòa, là nơi gia đình cô đang ở, đến Trại giam số 5, một nhà tù khắc nghiệt ở tỉnh Thanh Hoá. Nhà chức trách đã không thông báo việc chuyển cô cho mẹ của cô, người đã đến thăm cô trong trại giam một tuần trước đó.
Mẹ của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã nêu quan ngại nghiêm trọng về tình trạng sức khoẻ yếu của cô : mặt cô bị sưng phồng do phản ứng với việc sử dụng thuốc không đúng, nhiều ngón tay và ngón chân của cô bị đau trong khi nhà chức trách không cho phép mẹ của cô chuyển thuốc cho cô kể từ khi cô bị bắt giam vào tháng 10 năm 2016.
Việc chuyển nơi giam giữ xa gia đình sẽ gây nhiều khó khăn cho việc thăm và tiếp tế cho cô. Một số thành viên trong gia đình bị theo dõi hàng ngày bởi lực lượng an ninh địa phương, và từng bị cảnh sát đánh đập nhiều lần khi cùng nhiều nhà hoạt động khác đòi trả tự do cho cô.
Ngày 17/11/2017, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại thành phố Đà Nẵng đã giữ nguyên mức án tù 10 năm mà Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã tuyên phạt Mẹ Nấm vì tội danh "tuyên truyền chống nhà nước" theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999 chỉ vì cô đã thực hiện quyền tự do ngôn luận và biểu tình. Theo cáo trạng, cô bị buộc tội chia sẻ nhiều bài viết trực tuyến và đã tham gia vào nhiều ở nơi cuộc biểu tình công cộng về nhiều vấn đề, bao gồm sự tàn bạo của lực lượng công an.
Cơ quan chức năng của Việt Nam thường xuyên bí mật chuyển tù nhân tới những nhà tù có điều kiện giam giữ khắc nghiệt và cách xa gia đình họ hàng trăm cây số, như một biện pháp trừng phạt. Nhà tù cũng từ chối cung cấp điều trị y tế cho tù nhân để buộc họ phải thú nhận hoặc đơn giản dùng biện pháp này như là một hình phạt cho các hoạt động ôn hòa cũng như những chỉ trích của họ đối với chính phủ Việt Nam.
Hãy viết ngay bằng tiếng Việt, Anh hoặc bằng tiếng mẹ đẻ của bạn để kêu gọi chính quyền Việt Nam :
■ Trả tự do cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ngay lập tức và vô điều kiện khi cô là một tù nhân lương tâm bị giam giữ chỉ vì thực hiện các hoạt động ôn hòa nhằm bảo vệ và quảng bá nhân quyền ;
■ Chấm dứt việc chuyển nhà tù như một biện pháp trừng phạt và đảm bảo rằng Nguyễn Ngọc Như Quỳnh có quyền tiếp cận luật sư và các thành viên trong gia đình cũng như được chăm sóc y tế thích hợp tại Trại giam số 5 ;
■ Đảm bảo rằng cho đến khi cô ấy được trả tự do, Trại giam số 5 đối xử với cô đúng theo Các Nguyên tắc Tối thiểu theo Tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc về Đối xử với Tù nhân (Quy tắc Nelson Mandela) và đặc biệt không bắt cô phải chịu sự tra tấn hoặc ngược đãi, bao gồm đến các điều kiện giam giữ ngặt nghèo.
Vui lòng gửi kiến nghị trước ngày 10/4/2018 tới
1. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Văn phòng Thủ tướng Chính phủ
Email : Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser.
2. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm
44 Yết Kiêu, Hoàn Kiếm, Hà Nội,
3. Bộ trưởng Ngoại giao và Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh
1 Tôn Thất Đạm, Ba Đình Hà Nội, Viet Nam
Email : Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser.
Đồng thời gửi bản sao cho các đại diện ngoại giao được công nhận tại nước bạn.
Thông tin bổ sung
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là người đồng sáng lập tổ chức độc lập Mạng lưới Bloggers Việt Nam vào tháng 12 năm 2013 và thường tham gia vào các sự kiện quảng bá nhân quyền qua việc viết blog, đăng và chia sẻ các bài viết và video. Các vấn đề mà đề cập bao gồm sự minh bạch của chính phủ, trách nhiệm giải trình của nhà nước về vi phạm nhân quyền, bảo vệ môi trường và thúc đẩy các quyền quy định trong Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát. Cô đã nhiều lần bị quấy rối, bắt giữ và thẩm vấn về các hoạt động ôn hòa của cô, và đã bị ngăn cản ra nước ngoài. Cô là mẹ độc thân với hai con nhỏ và người mẹ cùng bà ngoại 90 tuổi. Vào năm 2015, Civil Rights Defenders đã trao giải thưởng Người bảo vệ quyền dân sự trong năm. Năm 2017, Quỳnh được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh danh vắng mặt như là một trong 13 phụ nữ được giải thưởng Phụ nữ Can đảm Quốc tế.
Ngày 10/10/2016, Quỳnh bị bắt tại quê hương cô ở tỉnh Khánh Hòa trong khi cô đi cùng mẹ của một nhà hoạt động đi thăm người này trong một nhà tù địa phương. Một tiếng rưỡi sau khi bị bắt, lực lượng an ninh đã đưa cô về nhà và tiến hành khám xét, tịch thu máy tính của cô và nhiều thiết bị điện tử khác cũng như băng rôn biểu tình. Cô bị biệt giam trước khi xét xử cho đến ngày 20/6/2017, ngày cô được tiếp cận luật sư lần đầu tiên trước ngày xét xử 9 ngày.
Ngày 29/6/2017, Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã kết án cô mười năm tù giam về cáo buộc "Tuyên truyền chống Nhà nước" theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999. Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và luật sư của cô bị ngăn cản trong khi trình bày bào chữa. Các cáo buộc chống lại cô liên quan đến các hoạt động của cô trên Facebook và các phương tiện truyền thông xã hội khác, bao gồm viết, tải lên và chia sẻ nhiều bài báo và video có nội dung chỉ trích Đảng Cộng sản Việt Nam và chính phủ ; sản xuất, biên tập và chia sẻ một báo cáo có tựa đề "Stop Police Kiling" với hồ sơ cáo buộc cảnh sát gây ra cái chết cho 31 người trong đồn công anh, nhiều bài trả lời phỏng vấn của báo chí nước ngoài "bóp méo" tình hình ở Việt Nam ; và sở hữu bộ sưu tập thơ và nhiều bản ghi đĩa compact được coi là chỉ trích Đảng Cộng sản và Nhà nước.
Điều kiện nhà tù ở Việt Nam rất khắc nghiệt, thiếu lương thực và chăm sóc y tế, thiếu các tiêu chuẩn tối thiểu được quy định trong Quy tắc Tối thiểu của Liên Hợp quốc về Đối xử với Tù nhân (Nelson Mandela Rules) và các tiêu chuẩn quốc tế khác về nhà tù. Việc các tù nhân lương tâm bị giam trong một khoảng thời gian dài có thể coi như là hình thức tra tấn hoặc hành vi ngược đãi khác theo Quy tắc Nelson Mandela. Họ cũng bị tra tấn hoặc ngược đãi khác, bao gồm bị đánh đập bởi quản giáo và tù nhân khác mà quản giáo không can thiệp. Một hình thức đối xử ngược đãi mà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã nói với luật sư của cô rằng cô không được cung cấp đồ lót và băng vệ sinh trong quá trình bị giam giữ.
Nhiều tù nhân lương tâm đã bị chuyển một cách bí mật đến nhà tù xa gia đình, và nhà tù không cung cấp việc chuyển tù nhân cho gia đình họ.
Nhiều tù nhân lương tâm, bao gồm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, đã thực hiện nhiều cuộc tuyệt thực để phản đối việc đối xử tàn bạo và điều kiện giam giữ tồi tàn.
Amnesty International
Nguyên tác : Urgent Action - Maximum prison sentence for anti-Formosa activist, 01/03/2018
Vũ Quốc Ngữ dịch
Nguồn : VNTB, 02/03/2018
Chiến dịch Tù nhân lương tâm tôn giáo (RFA, 07/04/2017)
Ủy hội Hoa Kỳ về tự do tôn giáo quốc tế (USCIRF) vừa phát động một chiến dịch mới có tên là Tù nhân lương tâm tôn giáo, nêu bật trường hợp những cá nhân trên thế giới bị giam giữ tù đày vì đức tin hoặc đòi quyền tự do tín ngưỡng tại đất nước tôn giáo của họ. Việt Nam là một trong những quốc gia được nhắc đến.
Buổi lễ phát động Chiến dịch Tù nhân lương tâm tôn giáo tại Washington, DC hôm 6/4/2017. RFA photo
Chiến dịch Tù nhân lương tâm tôn giáo mà Ủy hội Hoa Kỳ về tự do tôn giáo quốc tế phát động, diễn ra tại trung tâm thăm viếng trong điện Capitol hôm thứ Năm dưới hình thức một cuộc họp báo.
Đây là nỗ lực hay có thể gọi là bước hành động mới của Ủy hội Hoa Kỳ về tự do tôn giáo quốc tế, nêu bật những hồ sơ tiêu biểu liên quan đến những cá nhân đang bị cầm tù ngay trên đất nước của họ vì đã bày tỏ đức tin hoặc tranh đấu cho quyền tự do tín ngưỡng.
Phúc trình thường niên của Ủy hội Hoa Kỳ về tự do tôn giáo quốc tế còn giữ vai trò quan trọng trong việc tư vấn cho quốc hội cũng như hành pháp Mỹ về tình hình tự do tôn giáo tại các nước trên thế giới .
Lên tiếng với đài Á Châu Tự Do trước buổi họp, chủ tịch của USCIRF, linh mục Thomas Reese, cho biết :
Buổi họp này nhằm mục đích nêu bật vấn đề tự do tôn giáo, nêu danh những tù nhân lương tâm trên thế giới. Đây là những người thiệt thòi vì qui định khắt khe của chính phủ nước họ. Họ bị giam cầm, bị sách nhiễu, bị buộc phải chối bỏ đức tin bởi một nhà nước chủ trương kiểm soát chặt chẽ hoạt động thờ phượng. Nhiệm vụ của Ủy hội Hoa Kỳ về tự do tôn giáo quốc tế là nói lên tiếng nói thay cho họ, rằng họ không bị quên lãng, rằng chúng ta hiểu được sự đau khổ họ đang chịu đựng với hy vọng các chính phủ phải xem lại mà trả tự do cho họ.
Hồ sơ về Việt Nam
Hình mục sư Nguyễn Công Chính và vợ, bà Trần Thị Hồng tại buổi phát động Chiến dịch Tù nhân lương tâm tôn giáo. RFA photo
Được biết trong số 10 hồ sơ tiêu biểu về tù nhân lương tâm các nước có hồ sơ về Việt Nam và trường hợp tù tội của mục sư Nguyễn Công Chính cùng trường hợp bị sách nhiễu đối với vợ mục sư Chính là bà Trần Thị Hồng.
Soạn thảo hồ sơ về mục sư Nguyễn Công Chính đang bị tù tội là ủy viên Jackie Wolcott của Ủy hội Hoa Kỳ về tự do tôn giáo quốc tế. Linh mục Thomas Reese là người trình bày về ông Nguyễn Công Chính tại buổi họp báo :
Vị mục sư này đang bị giam giữ trong tù, bị đánh đập và bị sách nhiễu. Chúng tôi nêu ra để mong chính phủ Việt Nam nương tay đối với ông ta đồng thời để yên cho dân chúng của họ được tự do thờ phượng.
Việt Nam là nước được quan tâm theo dõi bao năm qua, được chúng tôi nhắc đi nhắc lại trong mỗi phúc trình hàng năm về tự do tôn giáo. Chúng tôi từng liệt tên Việt Nam vào danh sách CPC những nước cần quan tâm đặc biệt vì thiếu tự do tôn giáo một cách trầm trọng.
Bản thân tôi từng thăm viếng Việt Nam hai năm trước, từng chứng kiến những tiến bộ đáng kể trong lãnh vực tôn giáo ở đất nước này sau chiến tranh. Thế nhưng điều chúng tôi băn khoăn là vấn đề tù nhân lương tâm mà điển hình là vị mục sư được nhắc đến hôm nay.
Trong hai năm qua Ủy hội Hoa Kỳ về tự do tôn giáo quốc tế vẫn gọi Việt Nam là quốc gia cần quan tâm đặc biệt vì thiếu tự do tôn giáo. Phúc trình thường niên 2016 sắp hoàn tất và sẽ được công bố cuối tháng này, khi đó quí vị sẽ thấy chúng tôi xếp hạng Việt Nam như thế nào. Nhưng tôi có thể khẳng định đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC vẫn là yêu cầu của Ủy Hội đối với hành pháp Hoa Kỳ. Mọi chi tiết sẽ được thể hiện trong phúc trình thường niên về tự do tôn giáo 2016 tới đây.
Tại buổi họp báo hôm thứ Năm, Ủy hội Hoa Kỳ về tự do tôn giáo quốc tế cũng mời gọi báo giới và các tổ chức NGO góp ý về việc làm sao đẩy mạnh chiến dịch Tù Nhân Lương tâm Tôn Giáo ra toàn thế giới, kêu gọi sự chú ý vận động để những người này được trả tự do và trở lại cuộc sống bình thường.
Dịp này, một mẫu đơn để mọi người điền tên tuổi cũng như trường hợp tù nhân lương tâm đang bị tù đày, bị hành hạ hay bị mất tích mà họ biết , kế đó ký tên xác nhận. Danh sách với chữ ký sẽ được Ủy hội Hoa Kỳ về tự do tôn giáo quốc tế dùng làm bằng chứng cho những vận động sắp tới nhằm chấm dứt điều gọi là vì thờ phượng hay sinh hoạt theo đức tin mà bị bắt giữ một cách vô cớ và tùy tiện.
Thanh Trúc, phóng viên RFA
***********************
USCIRF : ‘Tự do tôn giáo phải được tôn trọng trên khắp Việt Nam’ (VOA, 07/04/2017)
Linh mục Thomas Reese, Chủ tịch Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) nói rằng chính quyền Việt Nam phải tôn trọng tự do tôn giáo.
Linh mục Thomas Reese, Chủ tịch Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) phát biểu tại buổi họp báo ngày 6/4/2017.
Tại buổi giới thiệu Đề án Tù nhân Lương tâm Tôn giáo tại điện Capitol, trụ sở quốc hội Hoa Kỳ, do Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) tổ chức hôm 6/4, linh mục Thomas Reese nói chính quyền Hà Nội phải đảm bảo quyền tự do tôn giáo trên khắp nước Việt Nam :
"Chúng tôi muốn chính quyền trung ương phải đảm bảo tự do tôn giáo được tôn trọng ở mọi nơi trên cả nước, đặc biệt ở vùng Tây Nguyên, khu vực người thiểu số, vùng nông thôn, nơi một số giới chức đã ngăn cản tu sĩ, hành hung các mục sư, linh mục, và can thiệp vào sinh hoạt tôn giáo".
Linh mục Thomas Reese nói Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ sẽ giám sát chặt chẽ việc thi hành Luật Tôn giáo và Tín ngưỡng mới của Việt Nam, một bộ luật bị nhiều tổ chức quốc lên án là còn nhiều hạn chế.
Ông Reese nói :
"Chúng tôi vẫn còn quan ngại. Chúng tôi muốn theo dõi xem Việt Nam sẽ thực hiện Luật Tôn giáo và Tín ngưỡng mới như thế nào. Bộ luật có một vài cải tiến, nhưng cũng có vài điều luật còn sử dụng từ ngữ không rõ ràng".
Linh mục Reese xác định rằng Đề án Tù nhân Lương tâm Tôn giáo năm nay, 2017, có bao gồm hồ sơ về những vụ vi phạm tự do tôn giáo đối với mục sư Nguyễn Công Chính -đang bị cầm tù- và vợ ông, bà Trần Thị Hồng, là một nỗ lực nhằm đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC- Các Quốc gia đáng Quan tâm Đặc biệt về tự do tôn giáo – như USCIRF đề xuất vào tháng trước, khi cơ quan này công bố phúc trình đánh giá tự do tôn giáo ở Việt Nam, 10 năm sau khi ra khỏi CPC.
Kể từ khi Việt Nam được xoá tên khỏi CPC từ 2006 đến nay, mỗi năm USCIRF đều đề nghị đưa Việt Nam trở lại CPC vì thường xuyên vi phạm tự do tôn giáo, nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ không tán thành đề nghị của USCIRF.
Theo đề án công bố hôm 6/4, hàng năm USCIRF có trách nhiệm tổng hợp danh sách các tù nhân tôn giáo ở nhiều quốc gia khác nhau. Bất cứ ai trên thế giới đều có thể nộp cho USCIRF những thông tin về các vụ đàn áp tôn giáo xảy ra ở nước họ.
Ngoài hồ sơ về Việt Nam nêu bật trường hợp mục sư Nguyễn Công Chính và bà Trần Thị Hồng, các hồ sơ khác được USCIRF đơn cử hôm 6/4 tại trụ sở quốc hội Mỹ bao gồm Trung Quốc, Myanmar, Nga, Iran, Ả Rập Xê-út , và Eritrea.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch BPSOS, một tổ chức phi chính phủ đã đề xuất với USCIRF việc ra đề án Tù nhân Lương tâm Tôn giáo Việt Nam năm nay nói với VOA rằng sở dĩ năm nay có đề án này là vì 2017 là năm đầu tiên USCIRF thực thi Đạo luật Tăng Cường Bảo vệ Tự do Tôn giáo Quốc tế (H.1150) do cựu Tổng thống Obama ký ban hành hồi tháng 12/2016.
Luật mới này đòi hỏi USCIRF tổng hợp danh sách các tù nhân tôn giáo ở nhiều quốc gia khác nhau. Nếu một quốc gia có nhiều tù nhân tôn giáo, tức là đàn áp tự do tôn giáo ở mức nghiêm trọng và phổ biến, thì sẽ bị đưa vào danh sách cần theo dõi đặc biệt, và nếu một quốc gia nằm trong danh sách này trong hai năm mà không có sự cải thiện nào thì tự động sẽ bị đưa vào danh sách CPC.
Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch BPSOS tại buổi họp báo của USCIRF tại Quốc hội Hoa Kỳ, ngày 6/4/2017.
Tiến sĩ Thắng nói việc đưa Việt Nam trở lại CPC dù mất nhiều thời gian nhưng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ khó có thể "nương tay’ với Việt Nam hay từ chối đưa Việt Nam trở lại CPC :
"Luật Tăng cường Bảo vệ Tự do Tôn giáo Quốc tế làm cho việc từ chối khó khăn hơn. Bởi vì từ trước tới giờ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn nói rằng Việt Nam có vi phạm về tự do tôn giáo hết sức nghiêm trọng nhưng chưa vượt ngưỡng để đưa vào danh sách CPC. Luật mới nói rằng chưa vượt ngưỡng CPC mà đã trầm trọng thì phải đưa vào danh sách cần theo dõi đặc biệt và hai năm liền mà không chứng minh được sự cải thiện thì tự động rơi vào danh sách CPC, chứ không thể chống chế được nữa".
Mục sư Tin lành Nguyễn Công Chính thuộc Giáo Hội Liên Hữu Lutheran Việt Nam - Hoa Kỳ đang thọ án 11 năm tù ở trại giam Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, theo điều 87 của Bộ Luật Hình sự Việt Nam "phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc" từ tháng 4 năm 2011.
Theo tin trên trang mạng USCIRF, thì tình trạng sức khỏe của mục sư Chính đang nguy cấp : các giám thị trại giam bị cáo buộc là "xúc phạm thân thể, khủng bố tinh thần", và mục sư Chính "bị cao huyết áp, viêm xoang mũi cấp tính và mắc bệnh dạ dày nhưng ông không được điều trị".
USCIRF viết thêm : "Trong khi chính quyền Việt Nam giam cầm một cách bất chính mục sư Chính, họ còn sách nhiễu bà Trần Thị Hồng, vợ ông. Họ giám sát chặt chẽ, niêm phong nhà, ngăn cản bà Hồng đi thăm chồng hoặc mua thuốc cho con gái khi bị bệnh".
Vào ngày 30/3/2016, nhà chức trách địa phương ngăn cản bà Hồng gặp Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ David Saperstein. Mặc dù cuối cùng bà đã gặp ông Đại sứ, nhưng bà phải đối đầu với nhiều khó khăn sau đó : bà bị hành hung khiến bị thương ở đầu, đầu gối, chân, bàn tay và bàn chân. Sau khi gặp ông Đại sứ, bà bị thẩm vấn suốt ba ngày, bà còn bị ép phải ký một văn bản xác nhận rằng cuộc gặp với ông Đại sứ là bất hợp pháp và phải nhận bà là thành viên của một hội thánh bất hợp pháp, có tính cách phá hoại. Theo USCIRF, vì từ chối ký tên, vợ của Mục sư Chính đã bị nhiều phụ nữ làm việc cho chính quyền Gia Lai sách nhiễu trong bốn giờ liền.
*********************
USCIRF vận động đưa Việt Nam trở lại CPC (VOA, 06/04/2017)
Linh mục Thomas J. Reese, Chủ tịch USCIRF phát biểu tại buổi công bố đề án Tù nhân Lương tâm tại Quốc hội Hoa Kỳ, 6/4/2017.
Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) hôm thứ Năm 6/4 phát động dự án Tù nhân lương tâm tôn giáo. Dự án này nêu bật trường hợp các cá nhân bị bỏ tù chỉ vì đã hành sử quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng của họ, cũng như các điều kiện tại một quốc gia đã dẫn đến việc bỏ tù các tù nhân lương tâm. Trong các trường hợp được nêu lên có trường hợp của Mục sư Nguyễn Công Chính và bà Trần Thị Hồng. Dự án TNLTTG sẽ cung cấp dữ liệu cho các cơ quan Hành Pháp Hoa Kỳ để vận động đưa Việt Nam trở lại vào danh sách Các nước phải Quan tâm Đặc biệt (CPC-Country of Particular Concern).
Trong mấy năm gần đây, Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế của Hoa Kỳ đã mạnh mẽ vận động quốc tế để đưa Việt Nam trở lại CPC.
Rõ ràng Việt Nam đang đối diện với nguy cơ có thể bị đưa trở lại danh sách các nước đáng quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo lần thứ hai vào năm 2017.
USCIRF website giới thiệu hồ sơ Mục sư Nguyễn Công Chính và bà Trần Thị Hồng
Trong phúc trình về tự do tôn giáo quốc tế năm 2016 do USCIRF công bố, Việt Nam vẫn tiếp tục bị xếp vào danh sách các nước chưa có tự do tôn giáo và cần bị theo dõi sát sao vì những hoạt động vi phạm tự do tôn giáo được chính phủ bật đèn xanh.
Trong phúc trình đánh giá tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam để xét có nên đưa Việt Nam vào CPC vào tháng 2 vừa rồi, Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế kết luận : "Chắc chắn là Việt Nam đã có cải thiện các điều kiện về tự do tôn giáo trong hơn 40 năm từ khi cộng sản nắm quyền, và cả trong 10 năm từ khi được đưa khỏi danh sách CPC, nhưng những vụ vi phạm quyền tự do tôn giáo vẫn tiếp diễn đã khiến Việt Nam hội đủ các yếu tố để bị đưa vào danh sách CPC theo các tiêu chuẩn của Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ - IRFA".
Bản cáo cáo này viết tiếp : "Sự kiện Việt Nam bị đưa vào danh sách CPC trong một thời gian ngắn mà thôi cho thấy việc chỉ định CPC đi kèm với thỏa thuận có tính ràng buộc nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, dù cho không củng cố được những cải thiện về tự do tôn giáo về lâu về dài".
Theo Đạo Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế IRFA, chính phủ Hoa Kỳ phải đưa vào danh sách CPC các chính quyền nhúng tay vào hoặc dung túng cho các vụ vi phạm tự do tôn giáo.
Hòa thượng Tích Không Tánh thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cho VOA biết ông tán thành với quyết định của Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế của Hoa Kỳ về việc đưa Việt Nam trở lại CPC :
"Việc Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế của Hoa Kỳ tới bây giờ mới đề nghị Việt Nam vào CPC, theo tôi là quá trễ rồi".
Đồng Chủ tịch của Hội đồng Liên tôn Việt Nam và là trụ trì chùa Liên Trì ở Thủ Thiêm, ngôi chùa bị chính quyền quận 2, thành phố Hồ Chí Minh cưỡng chế vào tháng 9 năm ngoái, chia sẻ thêm về tình hình tự do tôn giáo Việt Nam sau khi Việt Nam được rút ra khỏi CPC trong hơn 10 năm :
"Sau khi Việt Nam được rút ra khỏi CPC, phải nói rằng tình hình đàn áp tôn giáo càng nặng nề và tầm trọng hơn. Tất cả những nhóm tôn giáo độc lập, chân truyền, truyền thống đều bị đán áp, bị cô lập, bị bách hại, bị khủng bố, bị bao vây, bị phong tỏa".
Tháng 9/2004, lần đầu tiên chính phủ Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam vào danh sách CPC do đã vi phạm tự do tôn giáo một cách "có hệ thống, liên tục và kinh hoàng". Vào tháng 11/2006, Việt Nam được đưa ra khỏi danh sách này, khi đó dường như Việt Nam thể hiện một số nhân nhượng về nhân quyền và tôn giáo và mong muốn được tham gia vào Tổ chức Thương mại Quốc tế WTO.
Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng tán thành việc đưa Việt Nam vào lại CPC :
"Tôi cũng đồng ý với vấn đề đưa Việt Nam vào lại CPC. Từ khi Việt Nam được tham gia vào Hội đồng Nhân quyền LHQ với nhiều cam kết, hứa hẹn, nhưng thật sự Việt Nam không có những cải thiện về nhân quyền, trong đó có tự do tôn giáo, mà ngày càng vi phạm trầm trọng hơn. Mới đây Việt Nam tiếp tục ban hành Luật Tín ngưỡng Tôn giáo ngày càng siết chặt tự do tôn giáo nhiều hơn".
Cùng ý kiến với Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng, ông Nguyễn Văn Điền, Hội Trưởng Trung Ương Giáo Hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần Tuý, cho rằng việc trở lại CPC sẽ là cơ hội gây áp lực để Việt Nam cải thiện tự do tôn giáo tốt hơn :
"Các cơ quan chức năng của quốc tế có thẩm quyền đã nhìn thấy rất rõ rệt. Chúng tôi là người tu hành, chúng tôi không muốn làm khổ ai, nhưng nếu không cho họ một bài học như vậy thì chắc chắn rằng họ sẽ còn nặng tay hơn đối với tôn giáo nói chung và với Phật giáo Hòa Hảo nói riêng. Vì thế chúng tôi tán thành".
Tháng trước, khi công bố tài liệu tổng kết tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam nhân đánh dấu 10 năm chính phủ Hoa Kỳ ngưng chỉ định Việt Nam là quốc gia phải quan tâm đặc biệt (CPC), Linh mục Thomas Reese, Chủ Tịch USCIRF phát biểu rằng : "Nếu Việt Nam không thực thi những cải cách về tự do tôn giáo nhất quán với các tiêu chuẩn quốc tế, USCIRF sẽ tiếp tục kêu gọi chỉ định Việt Nam là quốc gia CPC.
Ông Thomas J. Reese nói thêm : "10 năm sau khi Bộ Ngoại Giao rút Việt Nam ra khỏi danh sách CPC, tình hình tự do tôn giáo ở nước này đang ở một thời điểm bước ngoặt. Trong khi tình hình đã cải tiến trong một số trường hợp, những vi phạm tôn giáo trầm trọng vẫn tiếp diễn và không phù hợp với chuẩn