Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ai sẽ là tân Tổng bí thư ?

Nguyễn Nam, VNTB, 06/09/2022

Ngay sau 4 ngày nghỉ lễ cho tết độc lập, chiều ngày 5/9/2022, báo chí tràn ngập tin tức về chuyện Việt Nam sắp có tân Tổng bí thư ở khóa XIII này.

ai1

Bộ Chính trị giới thiệu nhân sự để Trung ương Đảng xem xét, bầu Tổng Bí thư, lãnh đạo cấp cao. Ảnh minh họa Tứ trụ Đảng cộng sản Việt Nam 

Theo đó, thay mặt Bộ Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa ký Quy định số 80 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử (sau đây gọi tắt là Quy định 80).

Quy định 80 thay thế cho Quy định 105 năm 2017.

Quyền lực của Bộ Chính trị

Quy định 80 quy định cụ thể, Bộ Chính trị sẽ chuẩn bị và giới thiệu nhân sự để Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, bầu Tổng bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, gồm Chủ nhiệm và các ủy viên ; đồng thời, giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.

Bộ Chính trị cũng trình để xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương Đảng trước khi giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu, phê chuẩn đối với các chức danh : Phó chủ tịch nước, Phó chủ tịch Quốc hội, Phó thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước và các thành viên Chính phủ.

Ở khoản 3, giống quy định cũ, Quy định 80 cũng nêu rõ, Bộ Chính trị quyết định phân công công tác đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng cả chính thức và dự khuyết.

Tuy nhiên, Quy định 80 mới bổ sung thêm việc "phê duyệt quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư". Việc này chưa có trong Quy định 105 cách đây 5 năm.

Bộ Chính trị sẽ quyết định việc "phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng" ; cho thôi giữ chức vụ ; tạm đình chỉ, đình chỉ chức vụ, cho từ chức, miễn nhiệm, cách chức ; khen thưởng, kỷ luật ; thực hiện chế độ, chính sách đối với các chức danh cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý.

Quy định 80 cũng bổ sung thêm nội dung : "Bộ Chính trị sẽ lãnh đạo Đảng đoàn Quốc hội trong việc giới thiệu nhân sự, phê chuẩn, miễn nhiệm hoặc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn".

Tứ mã tranh hùng ?

Thắc mắc rằng ai trong số 18 vị này sẽ được đề nghị "bầu Tổng bí thư" theo quy định 80 mà Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã ký ban hành : Nguyễn Phú Trọng (1944) ; Nguyễn Xuân Phúc (1954) ; Phạm Minh Chính (1958) ; Vương Đình Huệ (1957) ; Võ Văn Thưởng (1970) ; Trương Thị Mai (1958) ; Phạm Bình Minh (1959) ; Nguyễn Văn Nên (1957) ; Tô Lâm (1957) ; Phan Đình Trạc (1958) ; Trần Cẩm Tú (1961) ; Phan Văn Giang (1960) ; Nguyễn Hòa Bình (1958) ; Trần Thanh Mẫn (1962) ; Nguyễn Xuân Thắng (1957) ; Lương Cường (1957) ; Trần Tuấn Anh (1964), và Đinh Tiến Dũng (1961).

Trong số 18 chính khách trên, thì với những gì mà báo chí rút tít tựa cho chuyện đưa tin về một nội dung văn bản mới phát hành, cho thấy nhiều khả năng vào tháng 10 tới đây ông Nguyễn Phú Trọng sẽ rời ghế, và nhân sự sau đó sẽ được điều chỉnh phù hợp luôn ngay kỳ họp Quốc hội tiếp sau Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Các chính khách được đồn đoán sẽ ngồi vào ghế lãnh đạo tối cao của đảng, hiện tại là so kè giữa tứ hùng : Nguyễn Xuân Phúc – Phạm Minh Chính – Vương Đình Huệ – Tô Lâm.

Ông Nguyễn Xuân Phúc thì được dư luận ngờ vực là "trùm cuối" của vụ kit test Việt Á. Ông Phạm Minh Chính thì có thể dính líu trong vụ tham nhũng với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn là chủ tịch Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC (*).

Ông Vương Đình Huệ thì được nghi vấn về tham nhũng, khi hồi cuối tháng 5/2022, cô Vương Hà My, con gái của ông Vương Đình Huệ chụp hình chung với mẹ trong ngày lễ tốt nghiệp cử nhân ở Oberlin College, thuộc tiểu bang Ohio.

Theo phân tích của cộng đồng mạng xã hội, chi phí tiền học ở Oberlin College cho bậc cử nhân dao động từ 58 ngàn đến 60 ngàn Mỹ kim/1 năm. Rồi tiền mua sách vở, ăn uống di chuyển và nhà ở nữa… sẽ không dưới 40 ngàn Mỹ kim/1 năm. Lương của chủ tịch Quốc hội là 16 triệu 250 VNĐ/tháng, nghĩa là một năm chưa tới 10 ngàn Mỹ kim. Như vậy, nếu không ăn uống, chi phí sinh hoạt cá nhân khác, mà chỉ tập trung đóng tiền trường cho ái nữ thôi, thì ông Vương Đình Huệ cũng chỉ mới trả được có 1/10 chi phí ăn học kể trên.

Phu nhân của ông Huệ là bà Nguyễn Vân Chi, hiện là ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Việt Nam khóa XV, nguyên Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính.

Riêng cá nhân chính khách Tô Lâm, ngoài xì-căng-đan vụ "bò dát vàng", thì khá kín tiếng về các đồn đoán trên mạng xã hội. Ông Tô Lâm cũng là chính khách mà lúc còn được quyền tự do viết lách, nhà báo Phạm Chí Dũng thường khuyến cáo bè bạn trong nghề là hết sức cẩn trọng khi luận về Tô Lâm ở những vụ việc "hậu trường cung đình".

Thay lời kết

Giả dụ đúng như tháng 10 này sẽ có một người "về làm người tử tế", thì nếu có một lời nào đó dành cho ông Nguyễn Phú Trọng thời điểm này giữa bề bộn chính sự của "tứ mã tranh hùng" ấy, thì khách quan mà nói, 77 năm kể từ ngày 2/9/1945, từ khi ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng bí thư thì số ủy viên Bộ Chính trị và ủy viên Trung ương sau khi rời chức, bước vào tù là nhiều nhất.

Tuy chưa thỏa mãn hết mong muốn của mọi người, nhưng người viết cho rằng đây là những bước nhảy vọt về tư pháp đáng ghi nhận mà công đầu thuộc về đảng viên Nguyễn Phú Trọng.

Nguyễn Nam

Nguồn : VNTB, 06/09/2022

Chú thích :

(*) https://www.intelligenceonline.com/international-dealmaking/2022/08/30/pm-pham-minh-chinh-gets-embroiled-in-aic-group-corruption-case,109807825-art

**********************

Vương Đình Huệ và Võ Văn Thưởng đang ngầm chiến nhau ?

Lưu Ly, Thoibao.de, 06/09/2022

Ông Trọng đã tiệt cánh Miền Nam ở Đại hội 13, tuy nhiên trong tay ông Trọng lại không hề thiếu người Miền Nam, đấy là điều người ta thấy khó hiểu về ông Tổng bí thư. Hiện nay Miền Nam chỉ còn 3 Ủy viên Bộ Chính Trị thì ít nhất là 2 trong đó là trợ thủ đắc lực của ông Tổng bí thư. Đó là Nguyễn Văn Nên và Võ Văn Thưởng. Trong đó, Nguyễn Văn Nên được bổ về địa phương thì Võ Văn Thưởng được ông Tổng giữ lại để sát cánh cùng ông lo những việc lớn trong Ban Bí thư.

ai03

Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư  tặng hoa ông Vương Đình Huệ, vừa được bầu làm Chủ tịch Quốc hội - Ảnh Văn Điệp/TTXVN

Bắt đầu từ cuộc họp Quân Ủy Trung ương ngày 22 Tháng Tám, tại Hà Nội. Kỳ họp này mục đích triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26-1/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về "Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo", tưc Nghị quyết số 08. Tại kỳ họp đấy, ông thủ tướng Phạm Minh Chính đã chiếm diễn đàn khi vắng bóng ông Tổng bí thư kiêm Bí thư Quân Ủy Trung ương.

Đáng chú ý là tại kỳ họp có sự tham dự của ông Võ Văn Thưởng. Tuy ông Võ Văn Thưởng chỉ là quan sát nhưng nhiều người rất quan tâm đến sự có mặt này bởi có vẻ như ông Tổng bí thư đang cố nhường những nhiệm vụ quan trọng của ông cho người phó của ông trong ban bí thư là Võ Văn Thưởng.

Có người nhận xét, Võ Văn Thưởng đang đứng dưới cái bóng quá lớn của ông Tổng bí thư nên ông Thưởng bị che khuất. Điều đúng, bởi ngay cả thế lực mạnh thứ nhì hiện nay là thế lực ông Thủ tướng Phạm Minh Chính còn chưa thể bì với thế ông Tổng thì ông Võ Văn Thưởng không thể nào ngoi lên nếu ông Tổng không dìu dắt. Tuy ông Thưởng không đạt tiêu chuẩn là "người Miền Nam có lí luận" nhưng ông Thưởng được đánh giá là người dễ bảo nên được ông Tổng trọng dụng và đó là một lợi thế.

Vị trí Thường trực Ban Bí thư chưa bao giờ đứng ngoài cuộc ở cuộc đua vào chiếc ghế cao nhất đảng này, vì thế không thể loại ông Võ Văn Thưởng ra khỏi cuộc đua giành ghế Tổng bí thư. Hiện nay, ít nhất có 2 người của ông Tổng đang nhắm tới ghế của ông, đó chính là ông Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ. Hiện tại, ông Huệ có lợi thế hơn, tuy nhiên chặng đường còn dài chưa biết ai sẽ là người thắng thế.

Thực ra ông Vương Đình Huệ là người Nghệ An, ông là người Miền Trung chứ không phải Miền Bắc. Nếu xét về đièu kiện "người Bắc có lỹ luận" thì chưa chắc gì ông Vương Đình Huệ chiếm ưu thế. Về tiếng nói, ông Huệ nói tiếng gần giống người Miền Bắc nhưng đó chưa chắc gì là lợi thế được.

Ông Huệ là người có tham vọng mãnh liệt, tham vọng lớn đến mức ông đấu ra mặt với ông Thủ tướng. Trong khi đó thì Võ Văn Thưởng âm thầm hơn, gần gũi với ông Tổng hơn và tỏ ra là người dễ bảo hơn. Tuy bề ngoài là vậy, nhưng ông Thưởng đã tránh được những đòn đánh của ông Tổng nhắm vào giới Cộng sản Miền Nam và thậm chí còn trở thành người thân cận của ông Tổng thì không thể xem thường ông Võ Văn Thưởng. Thưởng có cách để né những đòn đấu đá hiểm ác, đấy là những gì mà người ta có thể quan sát được.

ai3

Hai ông Phạm Minh Chính và Võ Văn Thưởng (áo trắng, giữa) thay mặt ông Nguyễn Phú Trọng họp Quân Ủy Trung ương

Như vậy hiện nay ông Vương Đình Huệ đang có đối thủ ngay cả ở người cùng nhóm lợi ịch của ông Tổng chứ không phải chỉ có đối thủ ngoài nhóm. Nếu ông Tổng còn chiếm vị trí độc tôn cho đến hết nhiệm kỳ thì chưa biết ông sẽ "nhường ngôi" cho ai.

Võ Văn Thưởng không tì vết tham nhũng, không ồn ào, đấy là lợi thế. Bởi ông Thưởng còn trẻ mà vượt qua nhiều đối thủ chính trị vươn lên thành người thân cận của ông Tổng thì điều đó cho thấy ông Thưởng có cách của ông ấy.

Mới đây ông Vương Đình Huệ để lộ vết đen, con gái đi du học Mỹ rất tốn kém với nguồn tiền không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, với ông Thưởng thì cho tới nay vẫn chưa có tì vết gì điều đó cũng đem lại lợi ích không nhỏ. Ông Huệ và ông Thưởng, nhìn bề ngoài không ồn ào nhưng bên trong đang cạnh tranh nhau và ai thắng thì chỉ có thời gian mới trả lời.

Lưu Ly (Tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 06/09/2022

Published in Diễn đàn

Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng bắt đầu chuyến viếng thăm chính thức nước Pháp (RFI, 26/03/2018)

Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã đến Paris hôm qua, 25/03/2018, mở đầu chuyến viếng thăm chính thức nước Pháp trong 3 ngày, theo lời mời của tổng thống Emmanuel Macron.

npt1

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Đoàn đại biểu Cấp cao Việt Nam và lãnh đạo Thành phố Choisy-le-roi trước Cột Biểu tượng vì hòa bình. Ảnh vovworld

Theo lịch trình dự kiến, chiều nay, vào lúc 15 giờ, giờ Paris, tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam hội kiến chủ tịch Hạ Viện Pháp François de Rugy. Ngay sau cuộc hội kiến này là buổi lễ đánh dấu 45 năm quan hệ song phương Pháp - Việt.

Tiếp đến, vào lúc 17 giờ 45, ông Nguyễn Phú Trọng hội kiến với thủ tướng Pháp Edouard Philippe. Tổng bí thư đảng của Việt Nam cuối cùng sẽ hội kiến chủ tịch Thượng viện Gérard Latcher, nhân vật lãnh đạo đứng hàng thứ ba của Pháp.

Ngày mai, ngày cuối cùng của chuyến viếng thăm, theo thông báo của MEDEF, nghiệp đoàn giới chủ nhân Pháp, phái đoàn của ông Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp xúc với giới doanh nghiệp Pháp. Thông cáo này cho biết đây sẽ là dịp để các doanh nghiệp Pháp trao đổi riêng với lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam và các bộ trưởng tháp tùng để "hiểu rõ hơn về những ưu tiên kinh tế của Việt Nam, những cải tổ sắp tới, đồng thời trình bày những dự án đầu tư và nêu lên những khó khăn, nếu có, khi làm ăn ở Việt Nam".

Cũng trong ngày mai, tổng thống Emmanuel Macron sẽ tiếp ăn trưa tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và sau đó hai vị lãnh đạo Pháp - Việt sẽ ra một tuyên bố chung. Đây sẽ là cuộc gặp gỡ cấp cao đầu tiên giữa hai nước kể từ khi Pháp có tổng thống mới.

Trả lời báo chí trong nước, đại sứ Việt Nam tại Paris Nguyễn Thiệp đã cho biết là theo dự kiến, trong khuôn khổ chuyến thăm Pháp của ông Nguyễn Phú Trọng, hai bên sẽ ký hàng loạt văn bản hợp tác quan trọng về các lĩnh vực quốc phòng, tư pháp, công nghệ vũ trụ, sở hữu trí tuệ, ứng phó với biến đổi khí hậu, du lịch, giáo dục… và một số hợp đồng kinh tế giá trị lớn, dài hạn. Cũng theo đại sứ Nguyễn Thiệp, hai lãnh đạo Pháp - Việt sẽ thảo luận "về những đường hướng chiến lược và những khuôn khổ, cơ chế hợp tác mới cho phép đưa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa".

Năm nay cũng đánh dấu 5 năm hai nước Pháp - Việt Nam nâng quan hệ song phương lên mức Đối tác chiến lược.

Thanh Phương

******************

Tổng thống Pháp cần nêu vấn đề vi phạm nhân quyền với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (VNTB, 26/03/2018)

Ba tổ chức nhân quyền ở Pháp, Liên minh Nhân quyền Quốc tế (FIDH), Ủy ban Quyền Làm người Việt Nam (VCHR) và Liên đoàn Nhân quyền (LDH) đã gửi một bức thư ngỏ cho Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhân chuyến viếng thăm của Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đến Pháp (25-27/3/2018).

npt2

Chủ tịch FIDH, ông Dimitris Christopoulos, Chủ tịch VCHR- ông Võ Văn Ái và Chủ tịch, LDH- ông Malik Salemkour kêu gọi Tổng thống Pháp nêu vấn đề về vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của Việt Nam trong cuộc gặp với lãnh đạo đảng cầm quyền ở Việt Nam. Cụ thể, họ kêu gọi Tổng thống Macron gây sức ép đòi Việt Nam phóng thích ngay cho tất cả tù nhân lương tâm, chấm dứt quấy rối và đánh đập các nhà hoạt động xã hội dân sự, chấm dứt khủng bố tôn giáo và bãi bỏ luật chống nhân quyền.

Toàn văn bức thư như sau :

Kính gửi Ngài Tổng thống Pháp Emmanuel Macron

Paris, ngày 24/3/ 2018

Thư mở tới Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron về chuyến thăm của Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng

Thưa Ngài Tổng thống,

Ông đã mời Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đến thăm Pháp từ ngày 25 đến 27/3/2018 để kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pháp và kỷ niệm 5 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa Pháp và Việt Nam. Với chuyến thăm chính thức này, ông sẽ tiếp lãnh đạo cao nhất của Đảng cộng sản Việt Nam trên cương vị là người đứng đầu nhà nước.

Không cần phải nói, Đảng cộng sản Việt Nam không chỉ đơn giản là một đảng chính trị. Đây là đảng duy nhất được công nhận hợp pháp tại Việt Nam, gần đây đã cấm các thành viên thảo luận về việc dân chủ, phân chia quyền hạn và đa nguyên hoặc phải đối mặt với khai trừ.

Ngài đã tập trung nhiệm vụ của mình để cổ suý sự tham gia tích cực của xã hội dân sự trong các vấn đề chính trị của quốc gia. Người đàn ông mà ngài tiếp hôm nay đại diện cho một chế độ mà mục tiêu của họ là ngược lại - để ngăn chặn tiếng nói của xã hội dân sự và tiêu diệt những khát vọng của công dân để biểu lộ bất cứ mối quan tâm nào đối với các vấn đề của xã hội, trừ việc hoan nghênh những chính sách của nhà cầm quyền. Ông ta là người tuyên bố rằng "chủ nghĩa cộng sản tốt hơn dân chủ". Trong chiến dịch đàn áp xã hội dân sự và quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam - một trong những chiến dịch tồi tệ nhất kể từ khi mở cửa kinh tế của nước này theo chính sách "Đổi Mới" năm 1986 - ông Trọng rõ ràng đề cập đến bộ máy an ninh và cảnh sát như là vũ khí để bảo vệ chế độ độc tài.

Sự đàn áp đối với xã hội dân sự ở Việt Nam là có chủ ý và được tổ chức bài bản. Trong khi tuyên bố xây dựng "luật pháp", Việt Nam đang củng cố "luật pháp" bằng cách áp dụng các đạo luật mơ hồ nhằm xóa bỏ các quyền cơ bản. Các quy định về an ninh quốc gia của Bộ luật Hình sự là xương sống của chính phủ trong việc đàn áp các nhà bất đồng chính kiến, các blogger, các nhà báo công dân, các nhà bảo vệ nhân quyền, và các thành viên của các cộng đồng tôn giáo "không được công nhận". Tại Liên Hợp quốc, trong lần Đánh giá Toàn cầu (UPR) của Việt Nam năm 2014, Pháp kêu gọi bãi bỏ hoặc sửa đổi các điều khoản về an ninh quốc gia để đảm bảo rằng chúng không là rào cản hạn chế quyền tự do ngôn luận và biểu đạt. Việt Nam không thực hiện khuyến cáo này.

Chính phủ Việt Nam đã bắt giữ, truy tố và bắt giam một cách độc đoán nhiều nhà hoạt động xã hội dân sự trong vòng 14 tháng gần đây. Có ít nhất 130 tù nhân lương tâm đang bị giam cầm trong nhà tù Việt Nam hiện nay. Họ bao gồm blogger và cựu đảng viên cộng sản Nguyễn Hữu Vinh (người bị kết án 5 năm tù), người bảo vệ nhân quyền Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Trần Thị Nga (10 và 9 năm tù). Cả Quỳnh và Nga, là hai bà mẹ với trẻ nhỏ, gần đây đã bị chuyển đến nhà tù cách nhà của họ hơn 1.000 km để gây khó dễ cho việc thăm nuôi. Nhà hoạt động xã hội Nguyễn Văn Oai (bị kết án 5 năm tù) cũng bị đưa đến nhà tù cách xa nhà ông. Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, bị bắt vào tháng 12 năm 2016, đã bị giam cầm từ đó với cáo buộc "nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", một tội danh mang án tử hình.

Tự do tôn giáo bị hạn chế bởi một hệ thống đăng ký bắt buộc và khắc nghiệt. Các cộng đoàn tôn giáo không đăng ký với nhà nước, chẳng hạn như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đang bị đàn áp và quấy rối hàng ngày. Lãnh đạo Thích Quảng Độ của giáo hội này vẫn bị quản thúc tại gia trong hơn 35 năm. Nhóm dân tộc thiểu số theo Kitô hữu (Hmong, người Thượng), Cao Đài, Hòa Hảo Phật giáo (10 người gần đây bị kết án tù đến 12 năm) là mục tiêu đàn áp chỉ đơn giản là thực hiện quyền tự do tín ngưỡng.

Sự đàn áp của Việt Nam đối với xã hội dân sự không chỉ là một sự vi phạm trắng trợn về các quyền cơ bản mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày của người dân. Không có báo chí tự do, không có công đoàn độc lập, không có xã hội dân sự độc lập và không có tư pháp độc lập ở Việt Nam, mọi người không có phương tiện để tự bảo vệ mình hoặc thể hiện sự bất đồng của họ. Ví dụ, vào tháng 4 năm 2016, bờ biển miền Trung Việt Nam đã bị một trong những thảm họa ô nhiễm công nghiệp nặng nề nhất hơn bao giờ hết. Vụ xả chất thải độc hại của nhà máy thép Formosa gây ô nhiễm trên bờ biển dài 200 km, làm chết hàng trăm tấn cá và phá hủy sinh kế của người dân, sự sống còn của họ phụ thuộc vào việc đánh cá. Các nạn nhân không nhận được bồi thường, và những người khiếu nại hoặc thậm chí bày tỏ mối quan tâm đã bị đàn áp khắc nghiệt. Bác sĩ yY khoa Hồ Văn Hải, người viết blog của mình về những hậu quả nghiêm trọng của vụ ô nhiễm môi trường này, đã bị bắt và bị kết án 4 năm tù giam và vì cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước".

Kháng nghị điều kiện làm việc tồi tệ ở Việt Nam cũng là điều cấm kị. Một báo cáo gần đây về điều kiện làm việc của phụ nữ trong ngành công nghiệp điện tử cho thấy có những vi phạm về quyền của người lao động dẫn đến các vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng như sẩy thai, ngất và mệt mỏi. Tác giả của báo cáo, bà Phạm Thị Minh Hằng, sau đó bị các nhà chức trách đe dọa và quấy nhiễu. Công nhân nữ bị đe dọa nếu họ nói chuyện với người ngoài công ty về điều kiện làm việc.

Thưa Ngài Tổng thống,

Chúng tôi không phủ nhận tầm quan trọng của việc phát triển mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam. Nhưng mối quan hệ này không đòi hỏi phải có sự hy sinh của các nguyên tắc của Pháp, một nước đầu tiên đề cập đến nhân quyền, cũng như phúc lợi của người dân Việt Nam. Ngài không thể tiếp một nhà độc tài như ông Nguyễn Phú Trọng mà không sử dụng toàn bộ thẩm quyền của ngài để nhấn mạnh rằng Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế trong việc tôn trọng và bảo đảm nhân quyền.

Điều cần thiết là Pháp phải thúc giục Việt Nam ngay lập tức và vô điều kiện phóng thích tất cả tù nhân lương tâm, chấm dứt quấy rối, đánh đập và mọi hình thức hăm dọa khác đối với các nhà hoạt động xã hội dân sự và các nhà bảo vệ nhân quyền và chấm dứt cuộc bức hại tôn giáo. Việt Nam cũng nên tiến hành các bước để xóa bỏ các điều khoản chống nhân quyền. Giữ im lặng về những vấn đề quan trọng này sẽ gây thất vọng sâu sắc đối với xã hội dân sự ở Việt Nam.

Ký tên,

Dimitris Christopoulos - Chủ tịch FIDH

Võ Văn Ái - Chủ tịch VCHR

Malik Salemkour - Chủ tịch LDH

NguồnFrench President Emmanuel Macron must demand respect of human rights in Vietnam during Communist Party leader’s visit to France

Vũ Quốc Ngữ dịch

Published in Việt Nam