Việt Nam và EU thúc đẩy hợp tác quốc phòng (RFA, 05/12/2017)
Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu (EU) sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng.
Đây là nội dung chính được nêu ra tại cuộc gặp giữa Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Chủ tịch Ủy ban Quân sự Liên Hiệp Châu Âu, đại tướng Michail Kostarakos tại Hà Nội hôm 5/12.
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tiếp Chủ tịch Ủy ban Quân sự Liên Hiệp Châu Âu hôm 5/12/2017 - Photo : RFA
Tại buổi gặp gỡ, ông Phạm Bình Minh đề nghị hai bên tăng cường trao đổi đoàn, chia sẻ kinh nghiệm về quốc phòng và hoàn thiện khuôn khổ hợp tác.
Ngoài ra, người đứng đầu ngành ngoại giao Việt Nam cũng ngỏ ý muốn cùng EU thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như huấn luyện đào tạo, an ninh mạng, giữ gìn hòa bình Liên Hiệp Quốc, tìm kiếm cứu nạn, quân y, hỗ trợ nhân đạo, hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh,…
Về phía EU, đại tướng Michail Kostarakos cũng khẳng định chuyến thăm này nhằm củng cố quan hệ an ninh-quốc phòng giữa hai phía. Cụ thể, ông đã bàn với Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh về 6 đề xuất hợp tác trong thời gian tới, trong đó có lĩnh vực đào tạo, an ninh hàng hải.
*******************
Dân biểu Đức yêu cầu trả tự do cho Mẹ Nấm (RFA, 05/12/2017)
Ông Frank Schwabe, một dân biểu thuộc Đảng dân chủ trong Quốc hội Liên bang Đức ra thông cáo yêu cầu Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.
Blogger Mẹ Nấm, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tại phiên tòa phúc thẩm Tòa án tỉnh Khánh Hòa ngày 30 tháng 11 năm 2017. AFP
Thông cáo phổ biến sau phiên xử phúc thẩm blogger Mẹ Nấm nêu rõ những nhà bất đồng chính kiến Việt Nam bị đe dọa, sách nhiễu và bắt giữ một cách có hệ thống. Riêng trường hợp Mẹ Nấm, thông cáo viết rằng bà bị giữ y án 10 năm tù trong phiên xử phúc thẩm hôm 30/11 vừa qua với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước dù bà chỉ lên tiếng bảo vệ nhân quyền và thảm họa môi trường do Formosa gây ra ở Việt Nam.
Mẹ Nấm là một trong số những người được các dân biểu Quốc hội Đức giúp đỡ qua chương trình "Dân biểu bảo vệ dân biểu".
Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch, trong năm nay đã có 28 người bị bắt với lý do hoạt động chống nhà nước.
Bên cạnh việc dân biểu Đức kêu gọi trả tự do cho Mẹ Nấm, một hoạt động liên quan khác cũng đang diễn ra nhưng tại Mỹ, đó là việc một nhóm trẻ em gốc Việt thuộc trường Việt Ngữ Thăng Long tại Virginia, Hoa Kỳ gửi thiệp Noel cho Tổng thống Donald Trump về Mẹ Nấm và bà Trần Thị Nga. Bà Nga là một phụ nữ đang bị án 9 năm tù cũng với cáo buộc tuyên tuyền chống nhà nước.
Vào tháng 12 hàng năm, ở Mỹ có thông lệ trẻ em viết thiệp "I Wish" gửi tổng thống. Các em được nghe chuyện về Mẹ Nấm và bà Thuý Nga, xúc động vì hai người phụ nữ đều có hai con nhỏ, nên viết thiệp kêu gọi trả tự do cho hai phụ nữ này.
Ông Hoàng Vi Kha, Hiệu trưởng trường Việt Ngữ Thăng Long cho BBC biết, dù sinh ra ở Mỹ nhưng các em vẫn được cập nhật tin tức diễn biến bên Việt Nam để các em hiểu, tự tìm hiểu, chứ trường không giáo dục các em theo kiểu "tuyên truyền và nhồi sọ".
**************
Truyền thông Đức dự báo mức án cho Trịnh Xuân Thanh (VOA, 05/12/2017)
Ngay sau khi Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội công bố sẽ xét xử cựu lãnh đạo ngành dầu khí Trịnh Xuân Thanh vào tháng 1/2018, cáo báo của Đức đồng loạt đăng tin về quyết định này và nhận định ông Thanh có thể đối mặt án tử hình.
Chính phủ Đức sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến tiếp theo vụ Trịnh Xuân Thanh và có quyết định phù hợp cho quan hệ song phương với Việt Nam, theo DPA
Hãng tin thông tấn Đức DPA, tuần báo Tấm Gương (Der Spiegel) và các tờ báo lớn khác của Đức hôm 4/12 đăng tải thông tin cựu doanh nhân 51 tuổi Trịnh Xuân Thanh, người mà Bộ ngoại giao Đức cho là bị mật vụ Việt Nam bắt cóc ở Berlin cuối tháng 7, sẽ bị đưa ra tòa xử vào tháng 1/2018.
Chánh án Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Hữu Chính hôm 4/12 được truyền thông trong nước dẫn lời nói tại phiên khai mạc một kỳ họp của Hội đồng Nhân dân thành phố rằng ông Thanh sẽ bị xét xử trong 2 vụ án tham nhũng vào đầu năm sau.
"Trong tháng 1/2018 tòa án Hà Nội phải sớm đưa ra xét xử vụ án Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm tội tham ô tài sản tại Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam PVC và vụ án Trịnh Xuân Thanh cùng các đồng phạm cũng tham ô tài sản xảy ra ở Công ty Cổ phần Bất động sản Dầu khí Việt Nam", ông Chính nói.
Bài viết về quyết định của Việt Nam sẽ đưa ông Trịnh Xuân Thanh ra xét xử vào tháng 1/2018 trên nhật báo Berliner Zeitung ra ngày 4/12/2017.
Việt Nam cáo buộc ông Thanh làm thất thoát hơn 3.300 tỷ đồng (147 triệu USD) trong thời gian làm lãnh đạo PVC từ 2009-2013. Trong khi chính phủ Đức cáo buộc Việt Nam đã bắt cóc ông Thanh, người đang xin quy chế tị nạn trên đất Đức, thì Hà Nội lại tuyên bố Ông Thanh tự trở về đầu thú.
Các luật sư của ông Thanh ở Đức cho rằng ông Thanh không tự về đầu thú và nhận định ông là "một nạn nhân của cuộc chiến quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng sản", theo DPA.
Tuần trước Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tuyên bố muốn "khẩn trương" đưa ra xét xử vụ Trịnh Xuân Thanh mà ông cho là "đặc biệt". Đầu năm nay, người đứng đầu Đảng Cộng sản đã nói rằng sẽ "bắt bằng được Trịnh Xuân Thanh để đưa về nước xét xử". Nhiều chuyên gia nhận định rằng việc "bắt cóc" ông Thanh về là một phần trong chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng.
Truyền thông Đức cho rằng nếu bị buộc tội, ông Thanh có thể sẽ bị mức án tử hình.
Luật sư Trần Thu Nam của Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết đó là mức án cao nhất cho các cáo buộc tham nhũng. "Mức độ tham ô tham nhũng trên 5 tỷ đồng hoặc làm thiệt hại trên 5 tỷ đồng thì có thể bị mức phạt cao nhất là tử hình".
Theo đánh giá của luật sư Nam, việc ông Thanh bỏ trốn theo cáo buộc của Việt Nam là một trong những tình tiết tăng nặng cũng như số tiền thất thoát quá lớn, như trong vụ này, thì cựu lãnh đạo ngành dầu khí khó có khả năng "thoát án" tử hình.
Chính phủ Đức và sứ quán Đức đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến tiếp theo của vụ xử ông Thanh và sẽ đưa ra những quyết định thích hợp cho mối quan hệ song phương với Việt Nam, theo DPA. Cũng theo hãng thông tấn Đức, Việt Nam "đã biết thái độ của Chính phủ liên bang Đức đối với án tử hình".
Việt Nam là một trong số 58 quốc gia trên thế giới vẫn áp dụng mức án tử hình.
Tờ báo kinh doanh hàng đầu của Đức, Handelsblatt, hôm 4/12 cho rằng những lo ngại về mức án tử hình ở Việt Nam là có cơ sở. Tuần báo này, trong chuyên mục riêng có tên "Trịnh Xuân Thanh" nằm trong trang "Chính trị quốc tế" lấy trường hợp gần đây nhất về việc kết án tử hình cựu giám đốc điều hành Nguyễn Xuân Sơn của PetroVietnam làm 1 ví dụ cho mối quan ngại này.
Các điều luật có án tử hình đã được lượt bỏ rất nhiều trong luật pháp Việt Nam, theo luật sư Nam, nhưng "những vụ án liên quan đến tham nhũng nếu không có hình phạt tử hình" có thể sẽ trầm trọng hơn.
"Khi chưa kiểm soát được tình trạng tham nhũng mà bỏ ngay hình phạt tử hình thì sợ rằng nó sẽ gây tác dụng ngược", theo LS Nam. "Nó bảo đảm quyền sống của một người nhưng nó sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều cho xã hội và cho ngân sách nhà nước".
******************
Vì sao Việt Nam ngưng dự án điện hạt nhân ? (VOA, 04/12/2017)
Cựu Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang mới tiết lộ rằng thảm họa tại nhà máy Fukushima ở Nhật là nguyên nhân khiến Việt Nam từ bỏ kế hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trị giá nhiều tỷ đôla với sự trợ giúp của Tokyo và Moscow, theo Kyodo.
Các sự cố tại nhà máy điện Fukushima do động đất và sóng thần năm 2011 đã khiến chính quyền Tokyo phải ban bố tình trạng khẩn cấp và sơ tán người dân.
Hãng tin Nhật trích lời ông Sang nói thêm : "Do tình hình thế giới biến động, người dân Việt Nam rất lo ngại, nhất là người dân ở khu vực nơi dự kiến xây các nhà máy điện hạt nhân. Họ phản ứng. Vì thế, chúng tôi phải tạm ngưng [kế hoạch]".
Hãng tin của Nhật nói rằng đây là cuộc phỏng vấn đầu tiên của ông Sang với một hãng tin nước ngoài kể từ khi rời nhiệm sở tháng Tư năm ngoái.
Các sự cố tại nhà máy điện Fukushima do động đất và sóng thần năm 2011 đã khiến chính quyền Tokyo phải ban bố tình trạng khẩn cấp và sơ tán người dân.
Một công nhân tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản đầu năm 2017.
Chính quyền Hà Nội hồi tháng 11 năm ngoái thông báo ngừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận do "thấy không khả thi trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay".
Về lý do ngưng dự án, khi ấy, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, được VnExpress dẫn lời nói rằng "việc dừng dự án không phải với lý do công nghệ, an toàn".
Sau quyết định của Hà Nội, Nikkei Asian Review, thuộc sở hữu của một trong những tập đoàn truyền thông lớn nhất Nhật Bản, nhận định rằng đó là "một bài học cay đắng" cho Nhật Bản về việc "phải biết rõ khách hàng của mình, dù đó là một cá nhân hay một chính phủ".
Tờ báo của xứ sở mặt trời mọc đưa tin rằng Nhật Bản giành hợp đồng xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam năm 2010 trong cuộc gặp giữa Thủ tướng nước này khi ấy là ông Naoto Kan và người đồng nhiệm Nguyễn Tấn Dũng.
"Nhật phải đánh giá kỹ càng nhu cầu của nước đối tác và tính khả thi về tài chính của một dự án trước khi thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng vào một nước nào đó", Nikkei viết.
Trả lời VOA Việt Ngữ, ông Nguyễn Việt Phương, Nghiên cứu viên về vấn đề hạt nhân thuộc Trung tâm Belfer, Trường hành chính Kennedy, Đại học Harvard, từng nhận định : "Theo tôi, lý do quan trọng nhất của việc dừng dự án điện hạt nhân, đấy là tính kinh tế của điện hạt nhân bây giờ không còn nữa vì hai điều".
"Thứ nhất, nhu cầu điện năng của Việt Nam trong thời gian qua có hãm lại một chút so với thời điểm mình định phát triển điện hạt nhân. Và thứ hai là, việc phát triển điện hạt nhân quả thực là quá đắt trong điều kiện kinh tế của Việt Nam hiện nay", ông Phương nhận định.
Về quan ngại của người dân, nhà nghiên cứu này cho rằng theo quan sát cá nhân của ông, điện hạt nhân "không bị phản đối kịch liệt như ở một số nước".