VOA, 03/10/2020
Việt Nam và Anh ký "Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Vương quốc Anh : Định hướng phát triển trong 10 năm tới" hôm 30/9. Tuyên bố được công bố sau cuộc hội đàm giữa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Dominic Raab tại Hà Nội, VOV cho biết.
Tuyên bố chung viết :
"Chúng tôi nhấn mạnh Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) sẽ là cơ sở để xác định phạm vi của các vùng biển, chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp của các vùng biển ; và UNCLOS là khuôn khổ pháp lý toàn diện mà mọi hoạt động trên các vùng biển và đại dương phải tuân thủ".
Ông Rabb thăm chính thức Việt Nam trong hai ngày 29-30/9 nhân dịp hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.
Việt Nam và Anh tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, giải quyết các tranh chấp trong hòa bình, không đe dọa dùng vũ lực, tôn trọng ngoại giao và các quy trình pháp lý dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.
Hai bên bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến ở Biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa và kiềm chế vũ lực khi tiến hành các hoạt động trên biển, tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình hoặc leo thang tranh chấp, phương hại đến hòa bình và ổn định.
Về hợp tác song phương, Việt Nam và Anh quyết tâm sớm hoàn tất hiệp định thương mại tự do, sau khi nước Anh rời Liên minh Châu Âu vào tháng 1 năm ngoái.
Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam và Anh đạt 6,6 tỷ USD năm ngoái so với 6,7 tỷ USD năm trước, 2018. Thương mại song phương Việt-Anh trong giai đoạn 2010 - 2018, tăng trung bình 17,8% mỗi năm, theo VNExpress.
Ông Raab hôm thứ Tư viết trên Twitter rằng Vương quốc Anh " đã bảo đảm được sự ủng hộ của Việt Nam để tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)".
"Đây là một bước quan trọng trong việc đưa mối quan hệ kinh tế Anh-Việt lên một tầm cao mới và thể hiện cam kết và giá trị của Vương quốc Anh đối với khu vực", ông viết.
Reuters dẫn lời Thủ tướng Việt Nam Nguyện Xuân Phúc nói với Bộ Ngoại giao Anh Dominic Raab tại Hà Nội rằng Việt Nam coi nước Anh là một đối tác thương mại quan trọng ở Châu Âu.
Ông Phúc nói một hiệp định thương mại tự do với nước Anh, một khi có hiệu lực sẽ "giúp hai nước đẩy mạnh hồi phục kinh tế trong thời kỳ hậu đại dịch Covid-19".
Việt Nam, là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Châu Á. Nước này đã ký hơn 12 hiệp định thương mại tự do, kể cả với Liên hiệp Châu Âu và 11 nước tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Vẫn theo Reuters, nước Anh và Việt Nam đồng ý đặt ưu tiên cao cho cuộc chiến chống nạn buôn bán người và các hoạt động nhập cư bất hợp pháp đã dẫn tới một số trường hợp thương tâm trong thời gian gần đây.
Thông cáo chung viết : "Trong 10 năm tới, quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Vương quốc Anh sẽ đóng vai trò như một khuôn khổ để tăng cường quan hệ song phương và giải quyết các vấn đề mà hai bên phải đối mặt trong cộng đồng quốc tế".
VOA, 04/10/2020
Hai sĩ quan công an Việt Nam lần đầu tiên sẽ được biệt phái sang làm việc tại Scotland, Vương quốc Anh, để hợp tác, phòng chống nạn buôn người, theo thông tin từ cơ quan ngoại giao "xứ sở sương mù" ở Hà Nội.
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam và chính quyền London tăng cường hợp tác ngăn chặn tình trạng đưa lậu người Việt vào Anh sau vụ 39 công dân được phát hiện tử vong trong thùng xe tải hồi cuối năm 2019.
Đại sứ quán Anh cho biết, hai sĩ quan công an Việt Nam sẽ tới Glasgow làm việc cùng các sĩ quan của Sở Cảnh sát Scotland trong khoảng thời gian từ ngày 2/10/2020 tới 2/4/2021.
"Chuyến biệt phái là kết quả của sự hợp tác không ngừng nghỉ suốt 18 tháng qua giữa Vương Quốc Anh và Bộ Công An Việt Nam nhằm phòng, chống tội phạm mua bán người", cơ quan đại diện ngoại giao Anh viết trên Facebook, đăng kèm hình ảnh Đại sứ Gareth Ward chụp chung với hai sĩ quan được cử đi công tác.
Đại sứ quán Anh viết thêm rằng "mua bán người là một vấn nạn mang tính toàn cầu yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia nhằm tiến đến xóa bỏ tình trạng này".
Cơ quan ngoại giao này cho biết thêm rằng "chính phủ Anh nhận thức được tầm quan trọng của hợp tác quốc tế và tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam đấu tranh chống lại loại hình tội phạm nghiêm trọng này".
Trong một diễn biến mới nhất liên quan tới vụ 39 người tử vong, theo báo chí Việt Nam, hồi giữa tháng Chín, một tòa án ở tỉnh Hà Tĩnh đã phạt tù nhiều bị cáo về tội "Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép" liên quan tới cô Phạm Thị Trà My, một trong số các nạn nhân chết trong thùng container ở Anh.
Hồi tháng Ba năm nay, một nhóm cảnh sát Anh của Hạt Essex, nơi các thi thể được tìm thấy trong thùng xe tải, tới sáu tỉnh thành của Việt Nam để "trực tiếp chia buồn" với người nhà các nạn nhân cũng như sẵn sang "giải đáp các thắc mắc".
Trong chuyến đi kéo dài khoảng hai tuần, một nhóm cảnh sát của Essex đã tới Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế, Hải Phòng và Hải Dương. Đây là những nơi xuất phát của 39 công dân Việt Nam tìm đường vào Anh trái phép và đã tử vong trong thùng xe tải.
"Các chuyến thăm này đã được các đối tác của chúng tôi thu xếp và cho phép nhóm tới chia buồn trực tiếp với các gia đình và giải đáp bất kỳ thắc mắc nào của họ", cảnh sát Essex nói trong một thông cáo, cho biết thêm rằng nhóm cũng đã "thu thập lời kể của các thân nhân về hoàn cảnh khiến người thân của họ phải tới Anh".
Đại sứ quán Anh ở Việt Nam cho biết, từ tháng Ba năm nay, cơ quan ngoại giao này đã phối hợp với các ban ngành liên quan thực hiện chuỗi hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức người dân về phòng, chống mua bán người với sự đồng hành của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 H’hen Niê.
"Với thông điệp‘Đừng đánh cược tương lai của bạn – di cư trái phép có thể khiến bạn trở thành nạn nhân mua bán người’,chúng tôi mong muốn người dân tìm hiểu kỹ con đường di cư lao động. Người dân cần hiểu được những rủi ro họ có thể gặp phải, cân nhắc lựa chọn di cư hợp pháp vì lợi ích của bản thân và tương lai của gia đình", Đại sứ quán Anh cho biết trong một thông cáo.
Các "nô lệ thời hiện đại" ở Anh xuất phát từ 130 nước, trong đó Việt Nam thuộc nhóm đầu, theo báo cáo công bố năm ngoái của Bộ Nội vụ Anh. Tin cho hay, Việt Nam đứng thứ hai sau Albania về nơi xuất phát của các "nô lệ thời hiện đại". Trung Quốc đứng thứ ba trong danh sách.
Báo cáo của Bộ Nội vụ Anh cho biết rằng chính phủ nước này "tiếp tục hợp tác với các nước xuất phát, nơi có con số lớn những người dễ bị tổn thương bị đưa lậu vào Anh", trong đó có việc triển khai Quỹ chống Nô lệ Hiện đại với giá trị hơn 33 triệu bảng ở ba nước gồm Việt Nam.
Ngoài ra, Việt Nam cũng nhận được hỗ trợ từ Quỹ Bảo vệ Buôn bán Trẻ em với giá trị khoảng hơn 2 triệu bảng trong giai đoạn từ năm 2017 tới 2019.