Một cuộc tuần hành ‘Sát cánh với Ukraine’ để thể hiện tình đoàn kết với quốc gia này đã diễn ra ở Hà Nội hôm 25/2 để đánh dấu tròn một năm Nga xua quân vào xâm lược Ukraine, Đại sứ quán Ukraine ở Việt Nam cho biết.
Thành viên ngoại giao đoàn tham gia cuộc tuần hành ở Hà Nội (Ảnh lấy từ Facebook của Đại sứ quán Ukraine ở Hà Nội)
Cuộc tuần hành chủ yếu có sự tham gia của các vị đại sứ, đại diện ngoại giao và cộng đồng kiều dân các nước Châu Âu và các nước phương Tây, cộng đồng Ukraine ở Việt Nam và một vài người Việt Nam ủng hộ Ukraine.
Hình ảnh được Đại sứ quán Ukraine đăng tải trên Facebook cho thấy khoảng hơn một trăm người đã xuống đường mang theo quốc kỳ Ukraine và các nước phương Tây và biểu ngữ ‘Stand with Ukraine’, tức ‘Sát cánh với Ukraine’, đi quanh hồ Gươm và các đường phố ở trung tâm Hà Nội.
Đại sứ Ukraine tại Hà Nội, ông Oleksandr Gaman, cũng được thấy tham gia vào cuộc tuần hành. Cuộc tuần hành diễn ra suôn sẻ mà không gặp cản trở gì từ công an hay những kẻ phá rối.
Dưới phần bình luận, một số người Việt Nam bày tỏ tiếc nuối vì không biết trước để tham dự cuộc tuần hành hay mong mỏi có sự kiện tương tự ở thành phố Hồ Chí Minh để họ có thể tham gia. Nhiều người cũng gửi lời chúc và cổ vũ người dân Ukraine giành chiến thắng trong cuộc xung đột.
Tuy nhiên, cũng có người cho biết một số công dân Nga ở Vũng Tàu phản đối cuộc chiến của Tổng thống Vladimir Putin đã xuống đường giương biểu ngữ lên án cuộc chiến nhưng đã bị công an đến tịch thu biểu ngữ và nói rằng ‘những hành động như vậy là bị tuyệt đối cấm ở Việt Nam’.
Trong một cuộc phỏng vấn với VOA mới đây, ông Gaman nói rằng ông mong ‘Việt Nam đứng về phía chính nghĩa’ trong cuộc chiến ở Ukraine. Đại sứ các nước Châu Âu lâu nay cũng vận động Hà Nội từ bỏ lập trường thân Nga trong cuộc chiến nhưng bất thành.
Trước đó, vào tối ngày 24/2, Đại sứ quán Cộng hòa Czech ở Hà Nội cũng đã tổ chức buổi chiếu phim tài liệu ‘Mariupol – Niềm hy vọng không tắt’ để cho thấy thực tế tàn khốc ở thành phố từng bị quân Nga bao vây.
Bên cạnh các phái đoàn ngoại giao ở Hà Nội, buổi trình chiếu còn có sự tham gia của khán giả Việt Nam, trong đó có rất nhiều người trẻ tuổi. "Con số vượt quá mong đợi của chúng tôi", Đại sứ quán Ukraine viết trên Facebook.
"Sau khi phim kết thúc, có một sự im lặng tuyệt đối và thật khó di chuyển trong vài phút", Đại sứ quán Ukraine cho biết.
Nguồn : VOA, 27/02/2023
Khi Đại sứ Ukraine Oleksandr Gaman đáp máy bay tới Hà Nội vào tháng 4 năm ngoái, ông ý thức rằng công tác ngoại giao mà ông sắp sửa đảm nhiệm sẽ rất khác với những gì ông từng biết.
Đó là vì đất nước của ông đang trong tình trạng chiến tranh và trách nhiệm của ông là nỗ lực vận động mọi sự ủng hộ có thể từ nước sở tại.
Nhưng lập trường không chọn bên của Việt Nam là một thách thức gần như không thể lay chuyển. Nga, nước đang tiến hành một cuộc xâm lược nhắm vào nước ông, có mối quan hệ lịch sử lâu đời với Việt Nam và vẫn khơi gợi sự trung thành từ những người có những mối liên hệ thân thiết với Liên bang Soviet cũ.
Dù Việt Nam nói một cách chung chung rằng họ đứng về phía công bằng và lẽ phải, thế nhưng tại các cuộc biểu quyết của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, Việt Nam nhiều lần bỏ phiếu trắng hoặc chống các nghị quyết lên án Nga.
Trò chuyện với VOA tiếng Việt nhân dịp kỉ năm một năm cuộc chiến tranh nổ ra vào ngày 24 tháng 2, ông Gaman chia sẻ quan điểm của ông về lập trường của Việt Nam và về những vụ việc xảy ra trong năm qua khiến đại sứ quán Ukraine lên tiếng.
"Chúng tôi muốn Việt Nam đứng về phía chính nghĩa, về phía công lý", ông nói. "Chúng tôi cần sự ủng hộ của mọi quốc gia để chấm dứt cuộc chiến phi nghĩa này. Như chúng ta biết, lý do thực sự của cuộc chiến này là chỉ để tiêu diệt quốc gia Ukraine, xóa sổ đất nước chúng tôi khỏi bản đồ".
Nội dung cuộc phỏng vấn đã được biên tập lại cho rõ ràng để dễ theo dõi :
Oleksandr Gaman : Tổng thống Volodymyr Zelenskyy đã bổ nhiệm tôi vào vị trí đại sứ Ukraine tại Việt Nam giữa tháng 12 năm 2021. Tôi đã định khởi hành sớm nhất có thể từ Ukraine và bắt đầu nhiệm vụ của mình tại Hà Nội vào cuối tháng 2. Và tất cả chúng ta đều biết rằng vào ngày 24 tháng 2, Nga bắt đầu gây hấn quân sự với Ukraine. Vì vậy, chúng tôi buộc phải hoãn khởi hành và cuối cùng đến vào đầu tháng 4. Thế nên đó là một thời điểm khó khăn cho chúng tôi. Vào ngày 24 tháng 2, tôi và vợ tôi Irina đang ở Kyiv và chúng tôi nghe thấy những vụ nổ đầu tiên, rất gần Kyiv, khoảng 20 km bởi vì chúng tôi sống rất gần Sân bay Quốc tế Boryspil. Nơi này là một trong những nơi bị quân Nga tấn công đầu tiên.
Nếu so sánh nhiệm vụ của tôi ở Hà Nội trong thời chiến với nhiệm vụ của tôi ở Istanbul thì khác nhau một trời một vực. Thông thường khi làm nhiệm vụ ngoại giao, mục tiêu của chúng tôi chỉ là làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai nước, trong trường hợp này là Ukraine và Việt Nam, để thúc đẩy quan hệ thương mại, văn hóa, giao tiếp với người dân. Nhưng khi chiến tranh đang diễn ra ở Ukraine, mục tiêu của chúng tôi là thông tin cho xã hội Việt Nam biết về những gì đang thực sự xảy ra ở Ukraine, lý do thực sự của cuộc chiến này là gì, tại sao ông Putin quyết định làm như vậy. Và như chúng ta biết, tuyên truyền của Nga là rất mạnh. Họ đã chi hàng tỉ đôla để chia sẻ, lan truyền tin giả, thông tin xuyên tạc, vân vân. Vì vậy, nhiệm vụ của chúng tôi bây giờ hoàn toàn khác.
Oleksandr Gaman : Hàng ngàn người Việt Nam hiểu rất rõ về Ukraine. Trước khi chiến tranh nổ ra, khoảng 7000 người Việt Nam sống ở đó. Họ làm ăn, học tập, sinh sống và nuôi dạy con cái nên nhiều người trong số họ hiểu rất rõ về Ukraine. Giờ chúng tôi muốn nói với họ, cho họ biết lý do thực sự của cuộc chiến này là gì. Nhiều người trong số họ ủng hộ Ukraine theo nhiều cách khác nhau. Họ biết rằng Ukraine là một đất nước rất yên bình. Trước khi chiến tranh bắt đầu, không ai thúc ép hay bắt buộc họ rời khỏi đất nước của chúng tôi. Họ có nhiều bạn bè ở đó. Họ biết rằng văn hóa Ukraine rất tốt đẹp. Họ yêu mến đất nước này. Cho nên, điều mà bây giờ chúng tôi cần làm là thông tin cho xã hội Việt Nam biết về tình hình nhân đạo.
Oleksandr Gaman : Mọi phái bộ ngoại giao của Ukraine ở nước ngoài hiện chỉ có một mục tiêu quan trọng nhất : đó là lập lại hòa bình ở Ukraine. Nhận được nhiều sự ủng hộ hơn từ các đối tác quốc tế của chúng tôi. Không may là tại Việt Nam, như anh đã biết, Việt Nam giữ quan điểm trung lập về cuộc chiến này ở Ukraine. Vì vậy, cho đến bây giờ, tôi không nghĩ rằng tôi đã đạt được mục tiêu này. Tôi hi vọng một số thành tựu sẽ sớm đạt được, nhưng chưa phải bây giờ. Thường thì năm đầu tiên của nhiệm kì, mọi phòng ban đều nỗ lực thiết lập những mối liên lạc mới. Vì vậy, những gì tôi đã làm trong năm đầu tiên của mình là tôi đã thiết lập nhiều mối liên lạc và tôi hi vọng chúng tôi sẽ sớm có được một số cơ hội.
Oleksandr Gaman : Đúng như anh nói, quan điểm của Việt Nam rất nhất quán, tất cả các quan chức cao cấp, đặc biệt là trong các bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc, đều nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo đảm tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc, các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Những lời lẽ rất mạnh mẽ, những tuyên bố rất hùng hồn, nhưng đến khi biểu quyết cho các nghị quyết về Ukraine thì Việt Nam đã bỏ phiếu trắng hoặc bỏ phiếu chống. Cho đến nay Việt Nam chưa bao giờ chính thức lên án Nga xâm lược Ukraine, và chưa bao giờ nêu đích danh nước đã xâm lược nước láng giềng phía nam của mình. Đối với tôi, trong tư cách đại sứ của một nước thân thiện, điều này thực sự đáng thất vọng. Chúng tôi vẫn đang nỗ lực để thông tin cho các quan chức ở Việt Nam biết điều gì đang thực sự xảy ra, nguyên nhân của cuộc chiến này là gì, nhưng cho đến nay, như tôi đã nói ở đầu cuộc nói chuyện, chúng tôi vẫn chưa làm được.
Oleksandr Gaman : Chúng tôi muốn Việt Nam đứng về phía chính nghĩa, về phía công lý. Chúng tôi cần sự ủng hộ của mọi quốc gia để chấm dứt cuộc chiến phi nghĩa này. Như chúng ta biết, lý do thực sự của cuộc chiến này là chỉ để tiêu diệt quốc gia Ukraine, xóa sổ đất nước chúng tôi khỏi bản đồ. Nhưng tôi vẫn giữ thái độ tích cực. Tôi tin rằng Việt Nam cuối cùng sẽ chọn đứng về lẽ phải. Tôi thậm chí không nói về chuyện đứng về phe nước này hay nước kia, tôi đang nói về công lý.
Oleksandr Gaman : Trước hết, chuyện này liên quan đến mối quan hệ lịch sử của Việt Nam với Nga. Nga là một nước cộng hòa thuộc Liên bang Soviet cũ. Thứ hai, Nga sau khi Liên Xô sụp đổ đã trở thành một trong những đối tác chiến lược về hỗ trợ quốc phòng và nước cung cấp năng lượng quan chính. Vì vậy, đây là hai điều tôi nghĩ là quan trọng nhất giải thích vì sao Việt Nam giữ quan điểm trung lập. Về cuộc chiến ở Ukraine, thêm nữa, tôi đã nhiều lần nghe nói rằng chính phủ Việt Nam không muốn chia rẽ xã hội vì có những người đứng về phía Ukraine trong khi những người khác vẫn tin vào Putin. Tôi đoán là có một số lý do về mặt xã hội nữa.
Oleksandr Gaman : Sự kiện mà anh nhắc tới được tổ chức bởi những người vận động ở địa phương là bạn bè của Ukraine, và để thảo luận về thơ của nhà thơ Taras Shevchenko. Có sự cố diễn ra trong sự kiện này, đó là mất điện. Tôi thực sự không biết chuyện gì đã xảy ra ở đó bởi vì tôi không thể tham dự. Vợ tôi và cấp dưới của tôi là Nataliya [Zhynkina] có mặt ở đó. Chúng tôi chưa bao giờ nhận được bất kỳ lời giải thích nào về chuyện gì thực sự đã xảy ra. Vụ việc thứ hai, như anh đã đề cập, đó là một sự kiện thể thao, một cuộc chạy vì hòa bình. Chúng tôi quyết định tham gia giải này và rất vui khi chúng tôi nhìn thấy hình ảnh của mình với lá cờ Ukraine, đặc biệt là bây giờ khi Ukraine đang chiến đấu vì tự do và chủ quyền của mình. Và thật không may, chỉ vài giờ sau đó, Hà Nội Mới gỡ hết những bức ảnh của chúng tôi. Chúng tôi thấy điều đó hơi lạ và quyết định đăng thư ngỏ gửi tới ban biên tập của tờ báo, nhưng cho đến nay vẫn chưa có phản hồi. Chúng tôi chưa bao giờ nhận được bất cứ phản hồi nào cả. Không có gì cả.
Oleksandr Gaman : Không, chúng tôi không thảo luận về chuyện này bởi vì đó là chuyện liên quan tới truyền thông. Và chúng tôi không có cơ hội nói chuyện trực tiếp với họ. Như tôi đã nói, họ không bao giờ trả lời nên chúng tôi quyết định cho qua.
Oleksandr Gaman : Tôi không biết [cười].
Oleksandr Gaman : Kể từ khi chiến tranh bùng nổ, ngay từ ngày đầu tiên của cuộc chiến, nhiều người Việt Nam đã đến đại sứ quán của chúng tôi để bày tỏ sự đồng cảm với Ukraine. Một số người trong số họ đến nay vẫn còn mang đồ quyên tặng tới, bất kể là nhiều hay ít thì nó cũng rất quan trọng đối với chúng tôi. Chúng tôi cảm kích sự ủng hộ này. Mọi vật phẩm quyên tặng đều rất quan trọng đối với chúng tôi, đối với Ukraine. Tính đến nay, người Việt Nam đã quyên góp cho đại sứ quán hơn 250.000 đôla Mỹ. Đó là một số tiền rất lớn. Chúng tôi đã gửi tiền về Ukraine để mua thuốc men và thực phẩm. Và gần đây người Việt Nam cũng giúp chuyển hàng viện trợ nhân đạo từ Đức và Ba Lan, từ những người Việt Nam sống ở đó. Thật tuyệt vời. Chúng tôi biết ơn về mọi sự hỗ trợ, mọi lời động viên và mọi thông điệp ủng hộ.
Oleksandr Gaman : Có, tôi không nghi ngờ là Nga đứng sau vụ này. Thật ra vụ xé cờ Việt Nam này đã xảy ra cách đây khoảng 20 năm và thậm chí người Ukraine còn không biết là ở đâu nữa. Tôi cũng không biết. Việc khơi lại video xé cờ được thực hiện bởi những người chuyên nghiệp. Chúng ta biết, Nga rất giỏi trong chuyện này. Họ bỏ ra hàng tỉ đô la để chia sẻ những tuyên truyền của họ, để phát tán những tuyên truyền ở Nga và ở nước ngoài.
Oleksandr Gaman : Tôi nghĩ đại sứ quán Nga có thể dính líu trong vụ này.
(Đại sứ quán Nga ở Việt Nam không hồi đáp yêu cầu bình luận của VOA về những cáo buộc của Đại sứ Gaman.)
Oleksandr Gaman : Có, tôi nghĩ việc này vẫn đang tiếp diễn, không chỉ ở Việt Nam mà ở khắp thế giới. Tất cả chúng ta đều nhớ những tuyên truyền nực cười, thực sự nực cười, như "những con muỗi quân sự" hay bom bẩn mà Nga nói là được chế tạo ở Ukraine bởi các đối tác phương Tây của chúng tôi. Hay một thông tin tuyên truyền khác liên tục được phát tán là Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã chạy khỏi Ukraine và đang trốn đâu đó ở Ba Lan hoặc một nơi nào đó.
Oleksandr Gaman : Anh biết đấy, có hàng ngàn trang Facebook lan truyền thông tin sai trái ở Việt Nam, vì vậy chúng tôi không thể theo dõi hết những trang này. Chúng tôi cố gắng thông tin cho xã hội biết điều gì đang thực sự diễn ra nhưng chúng tôi không thể kiểm soát được tất cả các nguồn phát tán.
Oleksandr Gaman : Để tôi trả lời câu hỏi thứ hai trước. Kể từ khi tôi đến Việt Nam, tôi chưa bao giờ nhận được dù chỉ một lời mời phỏng vấn từ cơ quan truyền thông nhà nước. Nói vậy là anh hiểu câu trả lời của tôi cho câu hỏi đầu tiên là gì rồi. Tôi không nghĩ là đủ. Người dân bình thường ở Việt Nam không thể nắm được đầy đủ thông tin về tình hình ở Ukraine. Không thể tìm thấy bất kỳ bình luận nào từ các viện nghiên cứu, chuyên gia hoặc một số tổ chức về tình hình thực tế, về lý do chiến tranh. Vì vậy, câu trả lời của tôi là tôi nghĩ truyền thông Việt Nam tường trình chưa đủ.
Oleksandr Gaman : Không trả lời. Không có phản hồi. Chưa bao giờ.
Oleksandr Gaman : Bây giờ có thì ít tuyên truyền của Nga hơn một chút. Trung dung hơn, và tôi nghĩ nó xuất phát từ chính sách đối ngoại của Việt Nam, Việt Nam đang cân bằng giữa hai nước về tình hình Ukraine hiện nay. Vì thế đó là lý do tại sao có ít tuyên truyền của Nga hơn.
Oleksandr Gaman : Mỗi quốc gia có chủ quyền, độc lập đều có quyền lựa chọn con đường phát triển riêng của mình. Người Ukraine chúng tôi đã chọn con đường dân chủ, nhân quyền, giá trị nhân văn. Con đường của sự thịnh vượng. Chúng tôi chưa bao giờ muốn trở thành một phần của Nga. Hai nước chưa bao giờ là anh em. Bởi vì nếu nhìn lại lịch sử sẽ thấy nhiều dữ kiện cho thấy Nga luôn muốn tiêu diệt bản sắc của chúng tôi. Chẳng hạn như vào thế kỷ 17, Pyotr Đại đế ban hành sắc lệnh mà theo đó người Ukraine thậm chí không thể xuất bản sách bằng tiếng Ukraine. Người Ukraine không thể dạy tiếng Ukraine cho con cái họ, họ thậm chí không thể đưa tiếng Ukraine vào nhà thờ. Một lần nữa, chúng tôi chưa bao giờ là anh em. Chúng tôi không muốn trở thành một phần của Nga. Tất cả những gì chúng tôi muốn bây giờ là Nga hãy để chúng tôi yên vì chúng tôi đã lựa chọn trở thành một phần của Châu Âu, một phần của thế giới tự do, không phải Nga.
Oleksandr Gaman : Tôi đồng ý với anh. Điều đó đúng. Tôi nhớ vào năm 2008 tại Bucharest, đó là tại hội nghị thượng đỉnh NATO khi Putin lần đầu tiên nói rằng đất nước như Ukraine hay chính xác là Ukraine không tồn tại, và không có quyền tồn tại. Sau đó, gần đây, ông ta lặp lại rất nhiều lần trước khi tiến hành cuộc xâm lược toàn diện nhắm vào Ukraine. Đó là một bằng chứng nhỏ cho thấy chủ nghĩa đế quốc Nga là thật.
Oleksandr Gaman : Cha mẹ của tôi sống ở Ukraine. Họ không định sống ở bất cứ nơi đâu hay đến bất cứ nước nào khác. Họ đã lớn tuổi rồi. Bảy mươi lăm, bảy mươi sáu tuổi. Và như bất kì người Ukraine nào khác, tất nhiên là họ bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Thật ra tôi mới có cơ hội đến thăm họ cách đây một tháng. Chúng tôi các đại sứ có một cuộc họp ở Ukraine. Vì thế, tôi quyết định đến thăm cha mẹ tôi và nói chuyện với họ. Tình cảnh rất khó khăn. Không có điện ít nhất vài giờ mỗi ngày. Liên lạc thì luôn là vấn đề. Rồi hơi sưởi ấm, nước, tất cả những thứ đó.
Oleksandr Gaman : Không, họ sống ở một thành phố nhỏ ở vùng Khmelnytskyi, gần biên giới Ba Lan hơn. Nhưng cũng chả có ích gì vì Nga tấn công người Ukraine trên khắp Ukraine bất kể là họ sống ở đâu. Không có nơi nào an toàn ở Ukraine, như anh biết đấy, kể từ ngày 10 tháng 10. Và tất cả những gì họ làm chỉ là cố gắng phá hủy hoàn toàn hệ thống năng lượng của Ukraine. Có rất nhiều vấn đề, và tính đến thời điểm hiện tại, khoảng 50% hệ thống năng lượng của Ukraine đã bị đánh sập.
Oleksandr Gaman : Câu này khó trả lời. Tôi biết là họ bây giờ sống vẫn ổn. Tôi cố gắng nói chuyện với họ hàng ngày qua điện thoại. Xem họ có ổn không. Nhưng tôi hi vọng họ sẽ có thể sống sót qua cuộc chiến này.
Hoàn cảnh như vậy thật là khó khăn cho họ và cho ông nữa. Tôi biết ông lo lắng cho họ rất nhiều. Đại sứ, tôi phải kể cho ông nghe chuyện này. Hôm qua tôi làm một video và tôi cần tìm một số hình ảnh từ Ukraine vì video này là về dịp kỉ niệm một năm chiến tranh ở Ukraine. Tôi vào kho hình ảnh của hãng tin Associated Press và khi tôi vào ô tìm kiếm, tôi gõ từ "Ukraine" và "đám tang". Có rất nhiều hình ảnh đám tang ở khắp Ukraine, hàng trăm, hàng ngàn bức ảnh như vậy. Hết ngày này qua khác lại có một đám tang ở đâu đó, nhiều đám tang trên khắp Ukraine.
Oleksandr Gaman : Anh vừa nói rằng anh không phải là người Ukraine nhưng cảm thấy xúc động và đau lòng. Tôi cũng cảm thấy như vậy, thậm chí còn tệ hơn. Anh biết đấy, những tháng đầu tiên của cuộc chiến mà tôi trải qua ở Ukraine, tôi đã thấy, tôi đã nghe nhiều vụ nổ. Tôi đã nhìn thấy cái chết. Tôi không thể giải thích những gì tôi cảm thấy nhưng đôi khi tôi không thể tập trung làm việc. Tôi không thể nghĩ về công việc của mình ở đây vì tâm trí của tôi ở bên kia với cha mẹ tôi, nghĩ về tình hình chiến sự, đôi khi chỉ muốn khóc anh biết không…
Thật kinh khủng. Nhưng đồng thời, chỉ hai tháng trước ở Ukraine tôi đã gặp nhiều người, tôi đã nhìn thấy ánh mắt của họ. Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng họ sẽ không bỏ cuộc, sẽ chiến đấu cho đến khi chúng tôi chiến thắng. Và tôi biết rằng chúng tôi sẽ chiến thắng với sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế, và tôi hi vọng rằng Việt Nam cũng sẽ sát cánh cùng chúng tôi, sẽ đứng về phía công lý.
Oleksandr Gaman : Tôi là người Ukraine. Tôi đã sẵn sàng làm việc đó. Chúng tôi đã học được rất nhiều kể từ khi chiến tranh bắt đầu. Chúng tôi đã trở nên mạnh mẽ hơn, khôn ngoan hơn. Và khi Nga bắt đầu tấn công ở Bakhmut. Chúng tôi càng tin chắc vào chiến thắng của mình. Và điều đó giúp tôi làm nhiệm vụ của mình ở đây, tiếp tục công tác và làm việc với các đối tác Việt Nam.
Oleksandr Gaman : Cảm ơn rất nhiều đã cho tôi cơ hội nêu lên quan điểm và suy nghĩ của mình.
Hoàng Long
Nguồn : VOA, 24/02/2023