Thủ tướng Trung Quốc công du Việt Nam : Nhiều thỏa thuận hợp tác kinh tế xuyên biên giới được ký kết
Trọng Thành, RFI, 13/10/2024
Hôm 13/10/2024, ngày thứ hai của chuyến công du Việt Nam ba ngày của thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (Li qiang), Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết 10 thỏa thuận hợp tác, trong đó chủ yếu là các thỏa thuận về tăng cường hợp tác kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng xuyên biên giới.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính trong cuộc họp tại Hà Nội ngày 13/10/2024. AP - Duong Van Giang
Hai thỏa thuận Việt – Trung liên quan đến việc thúc đẩy hợp tác đường sắt Việt Nam – Trung Quốc trên ba tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, dài 380km, Hà Nội - Đồng Đăng dài 156km và tuyến Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái dài 187km, dự kiến sẽ được nâng cấp để kết nối với hệ thống đường sắt Trung Quốc. Cụ thể là hai bên thỏa thuận phương án kỹ thuật kết nối đường sắt giữa ga Lào Cai (Việt Nam) và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc), và "khảo sát hiện trường nghiên cứu tính khả thi dự án viện trợ lập Quy hoạch" cho hai tuyến Hà Nội - Đồng Đăng và Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái.
Theo Reuters, Việt Nam và Trung Quốc từng nhiều lần bày tỏ mong muốn tăng cường kết nối đường sắt, nhưng tới nay vẫn chưa công bố kế hoạch cụ thể hay chi phí ước tính của việc nâng cấp kết nối. Trong cuộc hội đàm với đồng nhiệm Trung Quốc, thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã đề nghị phía Trung Quốc "cung cấp vốn vay ưu đãi, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực" để triển khai nâng cấp ba tuyến đường sắt nói trên.
Mở cửa hơn nữa thị trường Trung Quốc cho hàng hóa Việt Nam, nhất là nông thủy sản, hoa quả chất lượng cao là một đề nghị khác của thủ tướng Việt Nam. Hai bên đã ký kết các bản ghi nhớ về "hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng nông sản bền vững", thành lập "nhóm công tác nghiên cứu về mô hình xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc", cũng như "triển khai dịch vụ thanh toán xuyên biên giới qua mã QR".
Việt Nam trong thời gian qua đã triển khai thanh toán theo phương thức quét mã QR với Thái Lan, Cam Bốt và Lào. Ngoài Trung Quốc, dự kiến từ nay đến cuối năm Việt Nam sẽ ký kết một thỏa thuận tương tự với Nhật Bản và Hàn Quốc.
Lãnh đạo chính phủ Việt Nam cũng đề nghị Trung Quốc tạo điều kiện để Việt Nam lập Văn phòng Xúc tiến Thương mại tại Hải Khẩu (đảo Hải Nam) ngay trong năm nay, và các văn phòng tương tự tại Thành Đô (Tứ Xuyên), Nam Kinh (Giang Tô) trong thời gian tới.
Chuyến công du Việt Nam của thủ tướng Trung Quốc diễn ra ngay sau chuyến đi Trung Quốc của ông Lương Cường, thường trực Ban Bí thư, tức nhân vật số hai của Đảng cộng sảnn Việt Nam, từ ngày 9 đến 12/10.
Biển Đông : Lãnh đạo Việt Nam nhắc lại "tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình"
Về Biển Đông, theo Thông Tấn Xã Việt Nam, trong cuộc gặp thủ tướng Trung Quốc hôm qua, 12/10, tổng bí thư, chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm một lần nữa nhấn mạnh đến "tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định", và đề nghị hai bên có các "biện pháp hiệu quả để kiểm soát và giải quyết tốt hơn bất đồng" và "tăng cường hợp tác phù hợp với tầm mức quan hệ song phương trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS)".
Tuyên bố nói trên được lãnh đạo Việt Nam đưa ra ít ngày sau vụ tấn công với mức độ bạo lực hiếm có của tàu công vụ Trung Quốc nhắm vào một tàu cá Việt Nam, ngày 02/10, đang hoạt động tại quần đảo Hoàng Sa, mà Việt Nam đòi hỏi chủ quyền, và Trung Quốc hiện kiểm soát. Cuộc tấn công của khoảng 40 nhân viên công vụ Trung Quốc khiến 10 thủy thủ bị thương, trong đó có 4 người bị thương nặng. Trang thiết bị trên tàu bị đập phá, tước đoạt. Cuộc tấn công xảy ra ngay sau chuyến đi Mỹ đầu tiên của tổng bí chủ, chủ tịch nước Việt Nam, dự hội nghị Liên Hiệp Quốc và thúc đẩy các hợp tác với Hoa Kỳ.
Trọng Thành
******************************
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tới Việt Nam : Ký kết về đường sắt và gì nữa ?
BBC, 13/10/2024
Trong chuyến thăm chính thức tới Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, hai nước đã ký kết 10 thỏa thuận hợp tác, trong đó có thỏa thuận về kết nối đường sắt, triển khai dịch vụ thanh toán xuyên biên giới bằng mã QR.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường vừa có cuộc hội đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính vào hôm nay 13/10
Vào sáng nay 13/10, Thủ tướng Lý Cường đã hội đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ông cũng đã đặt vòng hoa và vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trước đó, vào buổi tối 12/10, sau khi vừa đặt chân đến Hà Nội, ông Lý Cường đã có cuộc hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
Chuyến thăm lần này của ông Lý Cường diễn ra theo lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Theo lịch trình dự kiến, sau khi hội đàm với ông Chính, ông Lý Cường sẽ có cuộc hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Trung Quốc trước khi về nước vào khuya đêm nay.
Thời gian gần đây, các lãnh đạo của Việt Nam và Trung Quốc đã có nhiều cuộc tiếp xúc.
Vào tháng 6/2024, ông Phạm Minh Chính đã có chuyến công tác dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Đại Liên và làm việc tại Trung Quốc.
Tháng 8/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc.
Từ ngày 9-12/10, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường đã có chuyến thăm Trung Quốc, hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và hội đàm với Bí thư Ban Bí thư, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng cộng sảnn Trung Quốc Thái Kỳ.
Ký kết 10 thỏa thuận hợp tác
Sáng 13/10 tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Lý Cường và chứng kiến lễ trao văn kiện hợp tác giữa hai nước.
Tại đây, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết 10 thỏa thuận, đáng chú ý là những văn kiện về kết nối đường sắt, nghiên cứu mô hình xây dựng khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới, triển khai dịch vụ thanh toán xuyên biên giới qua mã QR..., theo báo điện tử Chính phủ.
Cụ thể, 10 văn kiện được ký kết gồm :
- Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam và Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc về phương án kỹ thuật kết nối đường sắt giữa ga Lào Cai và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc).
- Biên bản làm việc giữa Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam và Tổng cục Hợp tác phát triển quốc tế quốc gia Trung Quốc về việc khảo sát hiện trường nghiên cứu tính khả thi dự án viện trợ lập Quy hoạch các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Đồng Đăng - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng.
- Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Tổng cục Hợp tác phát triển quốc tế quốc gia Trung Quốc về việc cùng thúc đẩy dự án sửa chữa, bảo trì Cung Hữu nghị Việt - Trung.
- Bản ghi nhớ giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Tổng cục Hợp tác phát triển quốc tế quốc gia Trung Quốc về tăng cường hợp tác phát triển nguồn nhân lực trong khuôn khổ sáng kiến Phát triển toàn cầu.
- Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc về tăng cường hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng nông sản bền vững.
- Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc về việc thành lập Nhóm công tác nghiên cứu về mô hình xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
- Kế hoạch hành động giữa Tổng cục Hải quan Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc về thỏa thuận công nhận lẫn nhau về Chương trình Doanh nghiệp ưu tiên của Hải quan Việt Nam và Chương trình Quản lý tín nhiệm doanh nghiệp của Hải quan Trung Quốc.
- Bản ghi nhớ hợp tác giữa Thông tấn xã Việt Nam và Đài Phát thanh truyền hình Trung ương Trung Quốc.
- Bản ghi nhớ hợp tác toàn diện giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc.
- Bản ghi nhớ giữa Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) với Công ty UnionPay International về việc triển khai dịch vụ thanh toán xuyên biên giới qua mã QR giữa Việt Nam - Trung Quốc.
Việt Nam và Trung Quốc từng nhiều lần bày tỏ mong muốn tăng cường kết nối đường sắt, nhưng tới nay vẫn chưa công bố kế hoạch cụ thể hay chi phí ước tính của việc nâng cấp kết nối.
Trả lời BBC News Tiếng Việt vào đầu tháng 10, Phó Giáo sư Dragan Pavlićević từ Đại học Giao thông Tây An-Liverpool (Trung Quốc) nói :
"Chúng ta phải chờ xem điều khoản của thỏa thuận này - dự án sẽ chính xác có hình dạng ra sao và cấu trúc thế nào và sau đó là hiệu quả kinh tế.
"Thế nhưng, các tuyến đường sắt được đề xuất có tiềm năng mang lại lợi ích cho cả hai nước. Dường như mục tiêu của Việt Nam không chỉ là cải thiện thương mại với Trung Quốc mà còn sử dụng các tuyến đường sắt làm một bước đệm để phát triển lĩnh vực đường sắt của Việt Nam, cải thiện đầu tư và môi trường kinh doanh nói chung và là nguồn lực cho sự phát triển kinh tế và hơn nữa."
Các tuyến đường sắt liền mạch được coi là rất quan trọng cho chuỗi cung ứng, khi ngày càng nhiều nhà sản xuất Trung Quốc chuyển hướng một số hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu sang Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ.
Giới chức hai nước đánh giá đây là lĩnh vực có ý nghĩa to lớn để kết nối chiến lược hai nền kinh tế, kết nối giữa khuôn khổ Hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt Nam-Trung Quốc với sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Liên quan tới việc xây dựng đường sắt, vào ngày 5/10, ông Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh việc "thúc đẩy triển khai các dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc".
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tham gia vào việc xây dựng đường sắt tốc độ cao xuyên biên giới ở Lào và đường sắt cao tốc ở Indonesia, đều là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.
'Ưu tiên' của ông Tô Lâm
22222222222222222222222
Trong cuộc hội kiến, ông Tô Lâm nhấn mạnh Việt Nam coi phát triển quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại.
Vào tối 12/10, ngay khi vừa đặt chân đến Hà Nội, Thủ tướng Lý Cường đã có cuộc hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại trụ sở Văn phòng Trung ương Đảng cộng sảnn Việt Nam.
Tại đây, ông Tô Lâm nhấn mạnh Việt Nam coi phát triển quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại.
Về mặt giao thiệp, Việt Nam luôn có các hành động, tuyên bố nhằm khiến Trung Quốc an lòng, hay ít nhất là không có lý do để phật lòng.
Hồi tháng 9/2023, khi Tổng thống Joe Biden thăm Hà Nội, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ ngoại giao vượt bậc lên Đối tác Chiến lược Toàn diện với Mỹ, cấp cao nhất trong hệ thống ngoại giao thang bậc của Việt Nam.
Cấp độ này tương đương với cấp độ mà, lúc bấy giờ, Việt Nam đang có với Trung Quốc. Do đó, vào cuối năm 2023, trong chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình tới Hà Nội, hai nước đã nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai, là một cách để Hà Nội cho thấy họ có mối quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh cao hơn so với Washington.
Trong cuộc hội kiến với Thủ tướng Lý Cường lần này, thông điệp của ông Tô Lâm cũng không nằm ngoài mục đích trấn an Trung Quốc về sự thủy chung, trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh chính sách đa phương trong quan hệ quốc tế.
Hồi cuối tháng 9, ông Tô Lâm đã có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề sự kiện tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Việt Nam cũng vừa nâng cấp quan hệ với Pháp lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện vào đầu tháng 10.
Hôm 10/10, ông Jedidiah P. Royal, phó trợ lý thường trực của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, phụ trách các vấn đề an ninh Châu Á-Thái Bình Dương, cho biết Mỹ và Việt Nam sẽ mở rộng hợp tác quốc phòng và các lợi ích an ninh chung.
Đây là những bước đi có thể khiến Trung Quốc bất an.
Theo Tân Hoa Xã, tại cuộc hội kiến với Thủ tướng Lý Cường, ông Tô Lâm đã nói rằng Việt Nam "kiên định tuân thủ nguyên tắc một Trung Quốc và kiên quyết phản đối mọi hình thức hoạt động ly khai 'Đài Loan độc lập'."
Đây là chi tiết mà các lãnh đạo Việt Nam luôn nói khi gặp lãnh đạo Trung Quốc trong thời gian qua. Tuy nhiên, báo chí Việt Nam khi đưa tin về cuộc hội kiến của ông Tô Lâm và ông Lý Cường không thấy nhắc tới chi tiết này, tương tự các lần trước.
Về phần mình, Thủ tướng Lý Cường nhấn mạnh chuyến thăm nhằm thực hiện nhận thức chung mà lãnh đạo cao nhất của hai Đảng, hai nước đạt được trong thời gian qua; đồng thời nhằm trao đổi các biện pháp cụ thể thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc bước vào giai đoạn phát triển mới, đạt được nhiều thành quả thực chất hơn.
Thủ tướng Lý Cường nhấn mạnh Trung Quốc sẽ tăng cường mở cửa thị trường cho nông sản Việt Nam; ủng hộ Việt Nam mở các văn phòng xúc tiến thương mại tại Trung Quốc.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và là nguồn nhập khẩu quan trọng cho ngành sản xuất của Việt Nam, với kim ngạch thương mại song phương tăng vọt 21% trong ba quý đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 148 tỷ USD.
Theo Ban Đối ngoại Trung ương Đảng cộng sảnn Việt Nam, tại cuộc hội kiến, hai bên đã nhất trí thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, duy trì thương mại biên giới thông suốt, triển khai xây dựng mô hình cửa khẩu thông minh; tăng cường kết nối giữa Khuôn khổ Hai hành lang, Một vành đai kinh tế với Sáng kiến Vành đai và Con đường, trong đó ưu tiên thúc đẩy hợp tác kết nối đường sắt.
Trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc của ông Tô Lâm vào tháng 8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã ký nghị định thư về việc xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, dừa tươi và cá sấu Việt Nam qua Trung Quốc.
Vấn đề Biển Đông
Vấn đề Biển Đông là một mắc mứu kinh niên và không thể hóa giải triệt để giữa hai nước.
Chủ đề Biển Đông càng được quan tâm hơn trong chuyến thăm của ông Lý Cường lần này, khi chỉ hơn 10 ngày trước, tàu chấp pháp Trung Quốc đã tấn công tàu cá của Việt Nam, đánh bị thương ngư dân và cướp tài sản.
Vụ việc này đã dẫn tới phản ứng mạnh từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, cũng như phản ứng của một loạt nước như Mỹ, Anh, Canada, Úc, Philippines.
Trong cuộc gặp giữa ông Tô Lâm và ông Lý Cường, hai bên đã nhất trí về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Ông Tô Lâm đề nghị hai bên thực hiện nghiêm nhận thức chung cấp cao cũng như chỉ đạo các cấp, các ngành tích cực tìm các phương thức, biện pháp hiệu quả để kiểm soát và giải quyết tốt hơn bất đồng; đồng thời tăng cường hợp tác phù hợp với tầm mức quan hệ song phương trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Dù lãnh đạo hai nước luôn nhấn mạnh đối thoại để kiểm soát và giải quyết bất đồng, nhưng Trung Quốc luôn có những hành động trên thực địa khiến Việt Nam quan ngại, phản đối.
Một số vụ việc nổi cộm gần đây gồm :
- Tháng 5 và 6/2023 : Tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
- Tháng 8/2024 : Máy bay không người lái Trung Quốc bay 2 lần cách bờ biển Việt Nam 100km, vào tới vùng Nam Trung Bộ của Việt Nam.
- Tháng 8 và 9/2024 : Ba tàu cá của Việt Nam bị tàu của lực lượng chức năng Trung Quốc tấn công, lấy hết ngư cụ và hải sản, đánh bị thương 4 ngư dân, trong đó có 1 người gãy tay.
Yêu sách đường chữ U của Trung Quốc bao trọn Biển Đông, xâm phạm vào vùng biển của nhiều nước (bao gồm Việt Nam) với lập trường của Việt Nam tại Biển Đông là không thể hóa giải.
Với yêu sách đó của Trung Quốc, các hoạt động đánh cá, thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam tại Biển Đông thường xuyên bị Trung Quốc quấy nhiễu, gây sức ép.
Theo Reuters, tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc tại Lào vừa qua, ông Lý Cường đã rằng nói Trung Quốc và các nước trong ASEAN đang "nỗ lực để sớm hoàn tất" Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.
Xét quá trình đàm phán COC đầy chông gai, có thể thấy phát ngôn của ông Lý Cường, tương tự với phát ngôn lâu nay của các lãnh đạo Trung Quốc khác, có một khoảng cách rất lớn với thực tiễn.
Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được ký vào năm 2002 đã không phát huy tác dụng, do về mặt thực chất, DOC chỉ là một tuyên bố chính trị mang tính khuyến khích, không có tính ràng buộc đối với các bên tham gia. Trung Quốc đã tham gia ký kết nhưng hành xử trên thực địa của họ không tuân theo DOC.
Từ thực tế ấy, các nước Đông Nam Á có yêu sách ở Biển Đông muốn xây dựng một cam kết mang tính ràng buộc hơn, đó là COC.
Tuy nhiên, quá trình xây dựng và tạo dựng đồng thuận đối với COC luôn gặp trắc trở, chủ yếu do Trung Quốc không sẵn sàng tham gia một cam kết mạnh. Ở vị thế nước mạnh và với tham vọng to lớn ở Biển Đông, họ không muốn bị trói buộc bởi một cam kết có tính ràng buộc với các nước yếu hơn.
Nguồn : BBC, 13/10/2024
Trung Quốc và Việt Nam thiết lập một đường dây nóng mới về hải quân
Trung Quốc và Việt Nam vừa đồng ý thiết lập một đường dây nóng mới về hải quân, một hành động mà các nhà quan sát xem là một thông điệp gởi đến Manila trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Bắc Kinh ở vùng Biển Đông tranh chấp.
Tàu Cảnh sát biển Việt Nam bị tàu hải cảnh Trung Quốc bám theo gần giàn khoan dầu của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông hôm 14/5/2024
Cụ thể, theo báo chí trong nước, ngày 11/04/2024, trong chuyến đi Việt Nam, bộ trưởng Bộ quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân và bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang đã ký kết Bản ghi nhớ giữa hai bên về thiết lập đường dây nóng giữa Quân chủng Hải quân Việt Nam và Chiến khu Nam Bộ, Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc. Phạm vi quản lý của Chiến khu Nam Bộ bao gồm cả đảo Hải Nam của Trung Quốc cũng như các đơn vị của Trung Quốc đồn trú trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông. Bộ trưởng quốc phòng hai nước đã gặp nhau ở một khu vực gần biên giới Việt-Trung trong khuôn khổ Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam –Trung Quốc lần thứ 8.
Hai nước cam kết tăng cường trao đổi và tăng cường các cơ chế hợp tác thường niên như đối thoại chiến lược quốc phòng, trao đổi hữu nghị quốc phòng biên giới và tuần tra chung ở Vịnh Bắc Bộ gần Biển Đông.
Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post hôm 12/04/2024 trích dẫn một giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, chuyên về các vấn đề Việt Nam nhận định : "Bắc Kinh và Hà Nội đã đồng ý xây dựng một 'cộng đồng chia sẻ tương lai', cho nên hai bên sẽ không để cho vấn đề Biển Đông làm suy yếu mối quan hệ song phương tổng thể". Vị giáo sư này cho rằng : "Nếu Trung Quốc và Việt Nam giải quyết tốt vấn đề này, Philippines sẽ không đi quá xa trong việc khiêu khích Bắc Kinh".
Bắc Kinh và Hà Nội đạt được thỏa thuận nói trên trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông, với nhiều vụ đối đầu giữa các tàu của hai nước trong những tháng gần đây. Cho tới nay Bắc Kinh vẫn cáo buộc tàu Philippines cố tình đâm tàu hải cảnh Trung Quốc ở vùng tranh chấp trên Biển Đông.
Trong cuộc họp thượng đỉnh ba bên tại Washington hôm 11/04, tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr., tổng thống Mỹ Joe Biden và thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc" về hành vi "nguy hiểm và hung hăng" của Trung Quốc ở Biển Đông.
Thượng đỉnh Washington diễn ra vài ngày sau khi ba nước nói trên và Úc mở các cuộc tập trận chung ở Biển Đông, khiến Trung Quốc cũng tiến hành tuần tra tác chiến trên không và trên biển tại khu vực này.
Tờ báo Hồng Kông nhắc lại, đường dây nóng mới về hải giữa hai nước được thiết lập khoảng ba năm sau khi các tư lệnh hải quân Trung Quốc và Việt Nam đồng ý thiết lập cơ chế quản lý nguy cơ xung đột do tranh chấp chủ quyền Biển Đông.
Thanh Phương
Một học giả Úc theo dõi tình hình Trung – Việt nói với VOA rằng Trung Quốc đã xây dựng các căn cứ quân sự, bao gồm các doanh trại, nhà kho, và cả bệ phóng phi đạn gần biên giới với Việt Nam ; điều mà ông cho là Trung Quốc chuẩn bị cho một cuộc xâm lược. Tuy nhiên, các chuyên gia khác bác bỏ nhận định ấy, nói rằng nếu có xung đột thì có lẽ là "bờ vực chiến tranh chính trị", hoặc đối đầu trên biển.
Xe chở phi đạn xuyên lục địa DF-5B của Trung Quốc tại lễ diễn hành ngày 01/10/2019 tại quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, nhân dịp kỷ niệm 70 ngày Quốc khánh Trung Quốc.
Nhà khoa học Úc, David Archibald, thuộc Viện Chính trị Thế giới (The Institute of World Politics), dựa vào hình ảnh vệ tinh Planet Labs ở tỉnh Quảng Tây ở 24° 24 vĩ độ Bắc ; 106° 42’ kinh độ Đông mà ông quan sát được, nói rằng :
"Bởi vì khá rõ từ những gì mà họ đã xây dựng ở phía bên kia biên giới. Một cơ sở rộng 50 hecta này cách biên giới Việt Nam chỉ có 10 km mà dường như không có chức năng nào khác ngoài ngoài mục đích là căn cứ quân sự nơi binh sĩ có thể được huy động vào ban đêm và đồn trú ở đó vài ngày trước cuộc tấn công mà không có bất cứ ai có thể phát hiện ra họ".
Bản đồ thị trấn Sùng Tả, thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc (màu xanh dương) và khu vực biên giới Trung - Việt. Photo mapnall.
"Và chỉ cách đó 1,5km, có một số tòa nhà có mái màu xanh trông giống như chúng được thiết kế để chứa tên lửa đạn đạo tầm trung mà những tên lửa này có thể được di chuyển ra bên ngoài và sử dụng để bắn vào Việt Nam khi họ mở cuộc tấn công", ông Archibald cho biết thêm.
Tuy nhiên, đây chỉ là "tập quán phổ biến đối với các quốc gia có khu vực biên giới đang tranh chấp", theo nhận định của Derek Grossman, nhà phân tích chính sách thuộc tập đoàn Rand Corporation của Mỹ. Hay theo nhận định tương tự của Bill Hayton, chuyên gia Anh, tác giả cuốn Biển Đông : Cuộc đấu tranh quyền lực ở Châu Á (2014) : "Tất cả các quốc gia đều xây dựng cơ sở hạ tầng để bảo vệ biên giới của họ".
Được hỏi vì sao giới lãnh đạo Bắc Kinh muốn mở một cuộc xâm lược như thế, ông Archibald lý giải, là để "dùng lãnh thổ đổi biển đảo".
"Bởi vì Trung Quốc muốn chiếm toàn bộ Biển Đông. Và hiện tại Việt Nam có 17 căn cứ ở Biển Đông mà Việt Nam không tự nguyện từ bỏ".
Dùng lãnh thổ đổi biển đào, Archibald nhận định, là một "dàn xếp ôn hòa", theo cách nhìn của Bắc Kinh.
Các quan điểm của Archibald, theo nhận định của chuyên gia Úc, Greg Polling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở thủ đô Washington : "Không được các chuyên gia về Trung Quốc hay Việt Nam đồng tình".
Một lý do khác, vẫn theo Archibald, là để tạo cơ hội cho Trung Quốc "luyện tập sử dụng bộ binh và sử dụng các cơ sở quân sự vì họ không có kinh nghiệm chiến trường kể từ khi tấn công Việt Nam lần cuối vào những năm của thập niên 80".
Bài phân tích của David Archibald, được dịch giả Phạm Nguyên Tường dịch sang tiếng Việt, mô tả những gì ông quan sát Bắc Kinh đang chuẩn bị tại khu vực giáp biên giới với Việt Nam tại tỉnh Quảng Tây.
Các chuyên gia trong nước và quốc tế quan sát tình hình khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và Biển Đông đưa ra những ý kiến khác nhau về nhận định của ông David Archibald ; phần lớn không cùng nhận định "chiến tranh" như Archibald.
Derek Grossman, từ Rand Corporation của Mỹ, cho VOA biết ông ghi nhận "sự cải tiến cơ sở hạ tầng quân sự rõ rệt" ở khu vực mà ông Archibald đề cập ; nhưng cũng nói đó là việc thường xảy ra ở khu vực biên giới tranh chấp ; và "tập quán này, tự bản thân nó, không cấu thành nên điều gì cả nếu không có bằng chứng thực tế về ý định của Trung Quốc nhằm tiến hành một cuộc xâm lược trên bộ".
Ông Grossman kết luận : "Theo như tôi biết, không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc có kế hoạch xâm chiếm Việt Nam tại biên giới trên đất liền".
Từ Anh, chuyên gia Bill Hayton nói với VOA : "Việt Nam và Trung Quốc có khả năng đi tới bờ vực chiến tranh về chính trị (political brinkmanship) trong những năm tới và cả hai bên đều phải chứng tỏ cho bên kia thấy rằng họ có khả năng leo thang và giành chiến thắng trong một cuộc xung đột".
"Bất kỳ công trình xây dựng căn cứ quân sự mới nào cũng có khả năng là một phần của chiến lược răn đe chính trị-quân sự hơn là một phần của kế hoạch xâm lược cụ thể", ông Hayton nhấn mạnh.
Chuyên gia Hoàng Việt ở Thành phố Hồ Chí Minh, thuộc Qũy Nghiên cứu Biển Đông, nói rằng ông "không tin Trung Quốc có thể tấn công xâm lược Việt Nam trong thời gian này".
Ông Hoàng Việt nêu ba lý do :
"Thứ Nhất, nếu tấn công trên bộ thì Việt Nam có nhiều lợi thế và kinh nghiệm để phòng thủ và bảo vệ trên đất nước của mình, nên Trung Quốc chưa chắc đã đạt được ý đồ. Trận chiến năm 1979 đã cho thấy điều đó.
Thứ Hai, Tấn công Việt Nam lúc này bất lợi cho Trung Quốc cả trên chiến trường lẫn uy tín trên trường quốc tế. Coi như thành quả ngoại giao của Trung Quốc sẽ bị phá hủy.
Thứ Ba, Trung Quốc chỉ muốn đe dọa để đạt được mục đích mà không cần phải sử dụng chiến tranh, tam chủng chiến pháp".
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, nhận định với VOA Việt Ngữ : "Giới lãnh đạo cộng sản Trung Quốc đã kế thừa quyền bá chủ của người Hán và đã biến nó thành một mô hình bá quyền rất phức tạp. Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ ý định và kế hoạch xâm lược Việt Nam".
"Tuy nhiên, bài báo [của ông Archibald] mà quý vị gửi cho tôi không chứa đựng bất kỳ sự lo lắng nào đối với các nhà lãnh đạo Việt Nam tại Hà Nội, bởi vì chiến lược Chống tiếp cận/Chống xâm nhập khu vực (AA/AD) của Hà Nội có thể ngăn chặn các cuộc tấn công tiềm tàng từ Trung Quốc và vô hiệu hóa tất cả các cuộc tấn công bằng cách răn đe", Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho biết.
An Hải
Nguồn : VOA, 15/11/2019
Gần đây dư luận cả trong nước lẫn quốc tế hầm hập nóng lên khi chứng kiến "cú đấm hủy diệt" của Trump tung thẳng vào Tập Cận Bình qua vụ phong toả tập đoàn Hoa Vi (Huawei). Tập Chủ tịch buộc phải đưa ra lời cầu cứu "thần dân" của mình hãy tham gia vào cuộc Vạn lý Trường chinh (Wanli Changzheng) mới và tất cả "phải bắt đầu lại từ đầu" (nguyên văn lời của Tập) để ứng phó với đòn đánh hiểm hóc củaTrump.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nâng cốc cuối bài phát biểu tại Diễn đàn Vành Đai Con Đường ở Bắc Kinh hôm 26/4/2019 - AFP - Hình minh họa
Nhưng Vạn lý Trường chinh là một cuộc rút lui, một cuộc tháo chạy của Hồng quân Công nông Trung Hoa, lực lượng tiền thân của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, diễn ra từ năm 1934 đến 1936. Trong một lần tiếp xúc với Phạm Văn Đồng, Chu Ân Lai từng mở bầu tâm sự : Nếu Trung Quốc biết miếng võ "chiến tranh nhân dân" như Việt Nam, chúng tôi đã không phải tiến hành cuộc "trường chinh" giản khổ và tổn thất quá lớn.
Điều lạ lùng là ông Tập, một lần nữa lại "bẻ lái" con tàu đồ sộ mang tên Cộng hòa nhân dân Trung Hoa theo hướng "ăn mày dĩ vãng". Này nhé, Đặng Tiểu Bình từng cố gắng khôi phục chế độ "lãnh đạo tập thể", thay thế "tệ sùng bái cá nhân" của Mao gây ra cái chết cho hàng chục triệu cán bộ đảng viên. Thế mà đến lượt mình, Tập lại sửa Điều lệ Đảng, thay đổi Hiến pháp, để "ôm trọn gói" cái ghế "Tổng bí thư – Chủ tịch nước" suốt đời. Và nay, sau đòn trừng phạt của Trump, thì hôm 20/5, ông Tập lại trở về "chốn xưa", thăm tỉnh Giang Tây (địa điểm khỏi hành cuộc trường chinh) để tìm liều thuốc kích thích Wanli Changzheng.
Cũng may mà lần này chưa thấy Ban Tuyên giáo Việt Nam huýt còi, cấm các báo quốc doanh bình luận về gót chân a-sin của Trung Quốc qua vụ Hoa Vi, nên độc giả trong nước mới được biết đến cuộc đấu ngoạn mục giữa Trump và Tập thông qua những bình luận khá sắc sảo trên tờ "Thanh Niên" [1]. Cuộc chiến thương mại, xem ra, giờ đây đã mở rộng ra phạm vi các hãng sản xuất chip và bán dẫn.
Hình chụp hôm 3/5/2014 và do Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố hôm 7/5/2014 : tàu Hải cảnh của Trung Quốc (phải) phun nước vào tàu Việt Nam trên Biển Đông - AFP - Hình minh họa
Nhớ lại những lần nước sôi lửa bỏng khi Bắc Kinh cắm cái giàn khoan HD981 vào vùng biển Việt Nam, hoặc mới vài năm trước đây thôi, Trung Quốc đã dùng tàu chiến và tàu hải cảnh đuổi Việt Nam cùng với các đối tác (trong đấy có cả đối tác chiến lược Tây Ban Nha) ra khỏi những giềng dầu nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Mặc ! Đảng vẫn im bặt. Đảng vẫn cấm không cho dân mở miệng. Đảng nói (qua hệ thống dư luận viên), mọi chuyện có Đảng lo !
Nhưng giờ thì đảng không còn đứng ra "hứng đạn" thay cho Trung Quốc được nữa rồi. Đúng như bà con đang bàn tán trên mạng, cái chiến lược phát triển "ăn xổi ở thì", chuyên sao chép và đánh cắp công nghệ của Trung Quốc sẽ phải trả giá vô cùng đắt. Không chỉ việc kinh doanh smartphone trên thị trường quốc tế của Huawei sẽ "đi đời nhà ma", mà hậu quả sẽ còn sâu rộng và dài lâu hơn nhiều người tưởng.
Cho nên có cấm cũng không xong, đảng đành định hướng cho các báo viết vừa phải (đủ cho dân biết nhưng cũng không làm phật lòng Trung Quốc). Cứ để cho truyền thông phanh phui, biết đâu, Việt Nam sẽ học được nhiều bài học khác, trong đó có kinh nghiệm (giờ phải trả giá) của việc "đi tắt đón đầu" kiểu Huawei trong kỷ nguyên 4.0.
Bắc Kinh dùng Hoa Vi để thực hiện âm mưu làm bá chủ thế giới, thông qua con đường công nghệ cao. Chuyện này gợi nhớ đến nền ngoại giao "gấu trúc Panda", dưới cái mũ bảo tồn động vật quý hiếm để vươn ra thế giới, với bộ mặt nhân văn. Trung Quốc hiện đang đem gấu trúc cho mượn, hoặc cho thuê tại 26 vườn thú ở 18 quốc gia. Sự xuất hiện của gấu trúc thường gắn liền với các hội nghị quốc tế, kết thúc các vòng đàm phán thương mại, hoặc các cuộc viếng thăm cấp nhà nước của lãnh đạo Trung Quốc khi ra nước ngoài.
Một trong những "bí mật công khai" cho động thái nói trên là Trung Quốc muốn dùng hình ảnh gấu trúc Panda để "mềm hóa bớt" chế độ sắt máu của mình ở bên ngoài và làm sâu sắc thêm quan hệ với các nước có thể đem lại cho Bắc Kinh những nguồn lực và công nghệ giá trị. Điều này đã được mô tả như là một trong những nguồn mạch của "quyền lực mềm".
Gấu trúc Mei Xiang và Bei Bei (phải) tại vườn thú Quốc gia ở Washington DC, Hoa Kỳ hôm 24/8/2016 - AFP - Hình minh họa
Trong khi làm ra vẻ chăm lo bảo vệ môi trường thiên nhiên, môi trường sinh thái ở những nơi khác thì đối với Việt Nam, Trung Quốc hành động hoàn toàn ngược lại. Việc đẩy mạnh quân sự hóa các đảo đá cưỡng chiếm đã bị quốc tế tố cáo là làm hủy hoại môi trường sinh thái, lâu nay Trung Quốc thường xuyên hủy hoại môi trường sinh thái của Việt Nam.
Đặc biệt nghiêm trọng, ngày 23/5, tổ chức "Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á" (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington cảnh báo, các hình ảnh vệ tinh mà họ có được cho thấy các đội tàu khai thác trai tượng – Trung Quốc xem đây là "vàng trắng của biển cả" do giá của nó trong vòng bốn năm qua đã tăng đột biến – đã trở lại Biển Đông. Cũng theo cơ quan này thì từ 2012 cho đến 2015, Trung Quốc đã làm hư hại hay phá hủy ít nhất 28 bãi san hô trên khắp Biển Đông.
Còn trên đất liền, ngày 25/5, theo báo chí trong nước, Trung Quốc đã xả lũ trên thượng nguồn mà không thông báo trước cho Việt Nam, gây ngập lụt đối với toàn thành phố Móng Cái, Quảng Ninh, khiến có người mất tích, hàng chục đò chở hàng bị đắm. Sau đó tuy không mưa nữa nhưng phía đầu nguồn bên Trung Quốc vẫn tiếp tục xả lũ nên nước vẫn dâng cao.
Hoa Vi, Gấu trúc và Trai trượng là những câu chuyện riêng rẽ song tất cả đều liên đới với nhau bằng một điểm chung : tất cả đều là phương tiện của chủ nghĩa đại Hán hiện đại, tất cả đều là những chiếc vòi của con bạch tuộc bành trướng bá quyền Trung Quốc. Nhưng giờ đây những biện pháp bất minh ấy đã bị thế giới phát hiện. Nếu chúng không được ngăn chận kịp thời, quả thật nền văn minh Âu Mỹ đúng là đang bị đe doạ.
Điện thoại di động của Huawei tại một cửa hàng của Huawei ở Thượng Hải hôm 26/5/2019 - AFP - Hình minh họa
Không phải ngẫu nhiên mà Cục trưởng Cục Hoạch định Chính sách Bộ Ngoại giao Mỹ Kiron Skinner từng phát biểu trong một diễn đàn an ninh mới đẩy rằng, cuộc cạnh tranh giữa Mỹ với Trung Quốc hiện nay là "cuộc chiến với một nền văn minh thực sự khác biệt và một hệ tư tưởng khác biệt" [2]. Ông Cục trưởng còn gọi Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh quyền lực không phải là người da trắng đầu tiên của Hoa Kỳ".
Ngoại trừ một chi tiết nhỏ ông Cục trưởng bỏ qua. Số là trước đây, chính Nhật Bản cũng từng là một đối thủ cạnh tranh quyền lực với Mỹ mà không phải người da trắng. Nhưng lời cảnh báo của ông quả là đã được đưa ra đúng thời điểm. Tuy là đứng trên đối chân đất sét (trường hợp Hoa Vi), gã khổng lồ Bắc Kinh (hãy nhìn các đội tàu khai thác trai tượng đang tràn xuống Biển Đông) vẫn còn dư quốc lực và đủ mưu mô (hãy cảnh giác với những chú gấu Panda) để gây hại cho Mỹ và các nước, trong đó có Việt Nam.
Lời kêu gọi của Phu Xích ngày nào vẫn còn nguyên giá trị : "Hỡi nhân loại, hãy cảnh giác !".
Việt Trung
Nguồn : RFA, 31/05/2019
[1]https://thanhnien.vn/cong-nghe/cong-nghe-trung-quoc-nguoi-khong-lo-co-doi-chan-dat-set-1084160.html
Đây là lần đầu tiên Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc trên cương vị Tổng bí thư sau Đại hội Đảng 12...
Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư diễn ra vào thời điểm Việt - Trung chuẩn bị kỷ niệm 67 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao - Ảnh : TTXVN.
21 phát đại bác đã vang lên chào mừng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam trong lễ đón tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh chiều 12/1, trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc theo lời mời của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trước đó, vào chiều cùng ngày, đón Tổng bí thư tại sân bay Bắc Kinh có ông Tống Đào, Trưởng ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Trung Quốc, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hồng Tiểu Dũng, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình chủ trì lễ đón lễ đón chính thức Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, được tổ chức trọng thể tại Đại lễ đường Nhân dân theo nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia.
Tham dự lễ đón, về phía Trung Quốc còn có các ông : Vương Hộ Ninh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Nghiên cứu chính sách Trung ương ; Lưu Kỳ Bảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư, Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương ; Lật Chiến Thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư, Chánh văn phòng Trung ương ; Thẩm Dược Dược, Phó ủy viên Trưởng Ủy ban Thường vụ Nhân đại toàn quốc ; cùng nhiều ủy viên Quốc vụ ; lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành cơ quan Trung ương và Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc.
Sau lễ đón, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Trung Quốc và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tiến hành hội đàm cấp cao.
TTXVN cho biết, ngay sau khi kết thúc hội đàm, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã chứng kiến lễ ký kết 15 văn kiện hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc, bao gồm :
- Thỏa thuận hợp tác đào tạo cán bộ cấp cao giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc.
- Bản ghi nhớ hợp tác giữa Ban Kinh tế Trung ương với Trung tâm Nghiên cứu phát triển Quốc vụ viện Trung Quốc.
- Công thư trao đổi về việc hỗ trợ kỹ thuật lập quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội
- Hải Phòng.
- Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Trung Quốc đến năm 2025.
- Hiệp định khung hợp tác cửa khẩu biên giới đất liền giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
- Bản ghi nhớ về hợp tác triển khai viện trợ không hoàn lại chuyên về lĩnh vực y tế công cộng giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam với Bộ Thương mại Trung Quốc.
- Bản ghi nhớ giữa Bộ Công thương Việt Nam và Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch quốc gia Trung Quốc về việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hàng rào kỹ thuật thương mại.
- Thỏa thuận hợp tác thả giống nuôi trồng nguồn lợi thủy sinh khu vực vịnh Bắc Bộ Việt Nam - Trung Quốc.
- Kế hoạch hợp tác du lịch Việt Nam - Trung Quốc giai đoạn 2017-2019.
- Thỏa thuận hợp tác giữa Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật và Nhà xuất bản Nhân dân Trung Quốc giai đoạn 2017-2021.
- Bản ghi nhớ về kế hoạch hợp tác giai đoạn 2017-2021 giữa Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hội Hữu nghị đối ngoại nhân dân Trung Quốc.
- Bản ghi nhớ hợp tác giữa Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam và Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Trung Quốc.
- Bản ghi nhớ về việc hợp tác làm phim truyền hình chuyên đề "Sức lôi cuốn của Việt Nam - sức lôi cuốn của Trung Quốc" giữa Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc.
- Thỏa thuận hợp tác giữa Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh quốc tế Trung Quốc.
- Biên bản ghi nhớ giữa Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc về việc hợp tác tài trợ dự án và cho vay song phương trung, dài hạn giai đoạn 2017-2019.
Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư diễn ra vào thời điểm Việt - Trung chuẩn bị kỷ niệm 67 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là lần thứ ba Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Trung Quốc, nhưng là lần đầu tiên ông sang thăm Trung Quốc trên cương vị Tổng bí thư kể từ sau Đại hội Đảng lần thứ 12.
Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi cho biết, trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tham dự chiêu đãi nhân dịp kỷ niệm 67 năm Việt - Trung thiết lập quan hệ ngoại giao, và sẽ gặp gỡ nhiều nhân sĩ Trung Quốc để bày tỏ mong muốn của Đảng, Nhà nước Việt Nam tăng cường hơn nữa giao lưu nhân dân giữa hai bên.
Theo Đại sứ, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến hết sức nhanh chóng và phức tạp, hy vọng chuyến thăm sẽ giúp tăng cường hơn nữa việc duy trì hòa bình ổn định ở biển Đông, qua đó duy trì hòa bình ổn định ở khu vực và trên thế giới, góp phần tạo môi trường thuận lợi để tập trung vào phát triển kinh tế.
Nhật Nam
Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình (bên trái) và Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội, ngày 05/11/2015.
Việt Nam loan tin Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ bắt đầu chuyến thăm 4 ngày đến Trung Quốc vào thứ Năm tuần này. Ông Trọng dự kiến sẽ gặp nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Tập Cận Bình.
Hôm Chủ nhật, Tân Hoa xã cũng xác nhận chuyến thăm Trung Quốc của ông Nguyễn Phú Trọng từ ngày 12 đến ngày 15 tháng 01, theo lời mời của ông Tập.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, một chuyên gia về Chính trị và Bang giao Quốc tế của Đại học George Mason, đồng thời là một học giả của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quan hệ Quốc tế ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn (CSIS) nhận định rằng chuyến thăm Trung Quốc của ông Trọng lần này chỉ mang tính xã giao, "không có thông điệp gì quan trọng". Việt Nam sẽ phải tiếp tục giữ thế cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc.
"Thế nhưng khi Mỹ có chính quyền mới, trong mối bang giao giữa ba nước Việt Nam - Trung Quốc - Hoa Kỳ thì Việt Nam sẽ tiếp tục đi dây giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Những chuyến thăm của lãnh đạo Việt Nam đến cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều phục vụ cho mục tiêu này. Ngoài ra khi hai nhà lãnh đạo Việt - Trung gặp nhau, ông Tập dĩ nhiên là muốn biết chiến dịch chống tham nhũng ở Việt Nam đi đến đâu và thái độ của Việt Nam đối với chính quyền mới của Mỹ ra sao".
Được biết sau khi tái đắc cử chức tổng bí thư ở đại hội đảng lần thứ XII, ông Trọng mở chiến dịch chống tham nhũng với châm ngôn "đánh chuột không vỡ bình". Tuy nhiên, chiến dịch này đang giậm chân tại chỗ và ông Trọng đã tuyên bố rằng việc chống tham nhũng hiện nay vô cùng khó khăn, bởi vì "ta đánh vào ta".
Theo giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, khi ông Trọng hội đàm với ông Tập, ông Trọng rất mong muốn lắng nghe những suy nghĩ và thái độ của nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc đối với những chính sách Á Châu sau ngày 20/01 khi Hoa Kỳ chính thức có tân thổng thống.
"Ông Trọng cũng muốn biết ông Tập nghĩ gì và sẽ làm gì đối với chính quyền mới của ông Trump".
Giáo sư Hùng cũng nhận định rằng rất khó đoán việc chính quyền mới của ông Donald Trump sẽ ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao của Việt Như như thế nào. Bởi vì, hiện nay chính sách của ông Trump về Châu Á và Biển Đông chưa rõ ràng.
"Tuy nhiên, căn cứ vào qua những điều mà ông Trump tuyên bố cho đến giờ phút này và căn cứ vào những người mà ông ấy bổ nhiệm thì ông ấy có nói đến Biển Đông, nhưng ưu tiên tầm quan trọng của ông Trump là quan hệ của Mỹ với Trung Quốc, đặc biệt là vấn đề kinh tế được ưu tiên hơn vấn đề chiến lược".
Giáo sư Hùng cũng cho rằng các nước nhỏ ở Đông Nam Á, trong đó Việt Nam rất quan tâm đến quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc bởi vì hai cường quốc này vì lợi ích kinh tế của mình mà mang các vấn đề khác trao đổi lẫn nhau. Một khi các nước lớn không thể thỏa hiệp được các lợi kinh tế thì vấn đề Biển Đông sẽ mang ra làm vật trao đổi, trong khi đó Việt Nam vẫn chưa tỏ rõ tầm quan trọng trong chính sách của tân tổng thống Mỹ Donald Trump. Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng phân tích thêm :
"Việt Nam chưa lộ rõ hình ảnh quan trọng đối với ông Trump. Điều đó không có nghĩa là Việt Nam không quan trọng. Bởi vì nó tùy thuộc vào thái độ của ông ấy và thái độ các nước khác đối với Mỹ. Thí dụ, nếu Trung Quốc và Mỹ không giải quyết được vấn đề tranh chấp kinh tế, dĩ nhiên là có ảnh hưởng đến hai nước và trong đó có vấn đề Biển Đông. Ông Trump có thể đổi chác vấn đề Biển Đông với Trung Quốc".
Khi phân tích lý do trên, Giáo sư Hùng dự đoán rằng có thể vấn đề Biển Đông cũng sẽ được sắp xếp trong nghị trình chuyến thăm Trung Quốc của ông Trọng. Tuy báo chí Việt Nam chưa đề cập vấn đề Biển Đông trong nghị trình của ông Trọng vì đây là chủ đề rất nhạy cảm và "tế nhị", nhưng điều đó không có nghĩa là không xảy ra.
Ngoài ra, Giáo sư Hùng cũng chắc chắn rằng ông Trọng sẽ không như Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người đã dám tuyên bố cắt đứt quan hệ với Mỹ. Bởi vì ngoài Trung Quốc ra, Hoa Kỳ vẫn là một đối tác rất quan trọng của Việt Nam.