Nguyễn Duy, Thoibao.de, 09/12/2020
Vũ Huy Hoàng, cựu bộ trưởng Bộ Công thương dưới thời Nguyễn Tấn Dũng sẽ được đưa ra xét xử vào những ngày đầu tiên của năm 2021. Đây là một vụ án được nhiều người chờ đợi không khác gì vụ Đinh La Thăng bởi lẽ, ông Vũ Huy Hoàng cũng như Đinh La Thăng đều từng là những người nắm một bộ có mức độ sai phạm khủng nhất dưới thời Nguyễn Tấn Dũng.
Bài báo cho biết Vũ Huy Hoàng sắp ra vành móng ngựa
Vũ Huy Hoàng là người được Nguyễn Tấn Dũng ưu ái, năm 2007 khi đó ông Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định hợp nhất 2 bộ gồm Bộ công nghiệp và Bộ thương mại thành bộ công thương thì ông cử ngay cánh tay đắc lực của mình Vũ Huy Hoàng nắm giữ bộ này. Có thể nói khi hợp nhất 2 bộ này lại thì bộ này nắm gần như nền kinh tế đất nước. Ông Hoàng gắn bó với Nguyễn Tấn Dùng suốt 2 nhiệm kỳ và ông luôn là cánh tay đắc lực cho ông thủ tướng đầy tai tiếng.
Ngay sau khi Nguyễn Tấn Dũng rời ghế thủ tướng thì ngày 2/11/2016, Ban Bí thư trung ương Đảng cộng sản Việt Nam dưới sự chỉ đạo của ông Nguyễn Phú Trọng đã họp và quyết định cách chức Bí thư Ban cán sự Đảng bộ công thương trong thời gian 2011 – 2016 của ông Vũ Huy Hoàng. Có một điều hết sức buồn cười là ông Nguyễn Phú Trọng cho cách chức "nguyên bộ trưởng bộ công thương" của ông Vũ Huy Hoàng, một người mà không còn tại chức nữa mà vẫn bị cách chức. Việc này được một số người giải thích rằng ông Trọng làm cho hả giận hơn chứ thực chất không có hiệu quả.
Những sai phạm dưới thời Vũ Huy Hoàng
Hầu hết những ông bộ trưởng dưới thời Nguyễn Tấn Dũng đều tham nhũng khủng, với Đinh La Thăng – Bộ trưởng bộ Giao thông và vận tải thì đã ngồi tù, với Trương Minh Tuấn – Bộ trưởng Thông tin và truyền thông thì cũng đang ngồi tù, còn ông Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thì cũng vậy cũng sắp ra trước vành mong ngựa nhận án. Như vậy, những tội tham nhũng này khó mà nói không liên quan đến Nguyễn Tấn Dũng, thế nhưng hai người đã bị kết án kia, chưa ai dẫn được quân của ông Nguyễn Phú Trọng đến trước nhà Nguyễn Tấn Dũng được, giờ chỉ còn hy vọng Vũ Huy Hoàng có thể khai ra gì về Nguyễn Tấn Dũng.
Dưới thời cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Bộ Công thương có 5 đại dự án quy mô 30.000 tỷ đồng, mà bộ là cơ quan chủ quản, nay đều trong tình trạng thua lỗ nặng nề, nguy cơ phá sản.
Ngày 23/01/2017, theo quyết định của Bộ Chính trị mà người đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng, đã yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên bộ trưởng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011 – 2016, cách chức Bí thư Ban cán sự Đảng bộ công thương (nhiệm kỳ 2011-2016) đối với ông Vũ Huy Hoàng. Việc cách chức "nguyên bộ trưởng" ông Vũ Huy Hoàng được dư luận coi là trò hề, vì khi bị cách chức, ông Vũ Huy Hoàng đã không còn giữ bất cứ nhiệm vụ nào trong bộ máy chính phủ. Thứ nữa, ông Hoàng có 2 nhiệm kỳ làm bộ trưởng, nếu cách chức một nhiệm kỳ thì ông vẫn còn một nhiệm kỳ trước đó, nên tất cả quyền lợi được hưởng sau khi về hưu vẫn như cũ
Vũ Huy Hoàng thời còn là cánh tay đắc lực cho Nguyễn Tấn Dũng
Đến sáng 11/7/2020, ông Tô Ân Xô thiếu tướng, Chánh văn phòng vừa là Người phát ngôn Bộ Công an cho biết : Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01) Bộ Công an đang thực hiện trình tự tố tụng, tiến hành tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với một số cựu quan chức của Bộ Công thương, trong đó có ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương.
Ông Vũ Huy Hoàng bị khởi tố về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Dưới trướng Nguyễn Tấn Dũng, Vũ Huy Hoàng xây dựng đế chế gia đình trị như thế nào ?
Đầu tháng 2/2014, ông Vũ Huy Hoàng bổ nhiệm con trai Vũ Quang Hải vào vị trí quan trọng tại Tổng công ty bia rượu nước giải khát Sài Gòn -Sabeco, một công ty quốc doanh trị giá đến 5 tỷ đô. Lúc đó Vũ Quang Hải được bổ về làm Thành viên hội đồng quản trị, đại diện cho cổ phần nhà nước, đồng thời kiêm chức Phó tổng giám đốc.
Ông Vũ Quang Hải là con trai ông Vũ Huy Hoàng.
Trước đó, năm 2011, ông Vũ Quang Hải từng được ông bố quyền lực bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam (PVFI – trong ngành công thương do ông Vũ Huy Hoàng phụ trách). Trong hai năm mà Vũ Quang Hải trực tiếp điều hành, theo VAFI, công ty có vốn điều lệ hơn 300 tỉ đồng này đã lỗ liên tiếp hai năm liền. Năm 2011 lỗ 155 tỉ đồng, năm 2012 lỗ 67 tỉ đồng. VAFI đưa ra hàng loạt câu hỏi : Việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải khi mới 25 tuổi làm Tổng giám đốc PVFI là đúng hay sai, ai chịu trách nhiệm gánh hậu quả làm mất vốn nhà nước và vốn của 4.700 cổ đông ?
VAFI còn đề cập đến việc bổ nhiệm ông Võ Thanh Hà, Chánh văn phòng Bộ Công thương, trước đó là thư ký của ông Vũ Huy Hoàng về làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Sabeco. Ông Hà chủ yếu làm công tác hành chính và chưa từng kinh qua chức vụ nào về quản lý, điều hành doanh nghiệp.
Đến tháng 7/2016 dưới áp lực của ông Nguyễn Phú Trọng, ông Trương Hòa Bình đã phải yêu cầu Bộ trưởng Công thương kiểm tra, làm rõ việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải tại Sabeco để trả lời VAFI và báo cáo Thủ tướng kết quả trước ngày 30/7/2016.
Tiếp theo đó VAFI có văn bản gửi Bộ Công thương, Thủ tướng và Trung ương Đảng tố cáo rằng có nhiều sai phạm trong công tác bổ nhiệm cán bộ, nhân sự tại Bộ Công thương, liên quan trực tiếp tới việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải, con trai nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.
Đến ngày 1/8/2016, ông Tuấn Anh người kế nhiệm Vũ Huy Hoàng đã buộc phải thừa nhận, có sai sót trong quá trình bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải vào các vị trí tại cơ quan này, cũng như tại các doanh nghiệp trực thuộc Bộ, đặc biệt là việc bổ nhiệm nhân sự trong giai đoạn nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng còn đương chức.
Như vậy là đế chế gia đình trị của Vũ Huy Hoàng sụp đổ chóng vánh, không còn Nguyễn Tấn Dũng làm chỗ dựa vững chắc nữa. Lúc trước, khi còn dưới cái bóng to lớn của Nguyễn Tấn Dũng, hàng loạt sai phạm cứ diễn ra như thế nhưng không ai có thể tố được vì lúc đó thế lực của Vũ Huy Hoàng quá mạnh. Ngay cả Nguyễn Phú Trọng còn không làm gì được thì nói chi đến những người cấp dưới con trai ông Vũ Huy Hoàng ? Vậy nên những vụ tố cáo sai phạm ấy mới chìm xuồng và phải đợi đến khi Nguyễn Tấn Dũng rời ghế thủ tướng thì vụ việc mới được ông Nguyễn Phú Trọng khơi dậy và Vũ Huy Hoàng đã bị khởi tố.
Vì sao Vũ Huy Hoàng bị xét xử sau Nguyễn Đức Chung ?
Vụ án ông Nguyễn Đức Chung bị khởi tố trước. Trong vụ án ông Vũ Huy Hoàng có người chịu trách nhiệm liên đới với ông trốn ra nước ngoài là bà Hồ Thị Kim Thoa, và trong vụ án Nguyễn Đức Chung cũng có người bỏ trốn đó và Bùi Quang Huy giám đốc công ty Nhật Cường Mobile. Trong khi dó Nguyễn Đức Chung được xét xử giữa tháng 12/2020 còn Vũ Huy Hoàng lại được xét xử sau đó một tháng. Thực chất là vụ án Vũ Huy Hoàng quan trọng hơn, nó liên quan đến sai phạm thời Nguyễn Tấn Dũng mà trong đó nhân vật Hồ Thị Kim Thoa đóng vai trò rất quan trọng trong mắt xích.
Hiện nay Bộ Công an đang khẩn trương tung người tìm bắt bà Hồ Thị Kim Thoa về quy án. Việc kéo dài thời gian chưa đưa ra xử sớm hơn là vì lý do đó. Vụ án phải được xử trước Đại hội 13 nhưng cũng cần phải đợi đầy đủ chứng cứ nên mới kéo dài như vậy. Còn vụ án Nguyễn Đức Chung thì phần "làm lộ bí mật nhà nước" đã được kết thúc hồ sơ sớm, phần này không liên quan tới nhân vật chạy trốn Bùi Quang Huy.
Ông Vũ Huy Hoàng từng được ông Trần Đại Quang chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì vào ngày 9/5/2016, nhưng dù có công trạng thế nào đi nữa thì tấm huân chương đó cũng không phải là tấm "kiêm bài miễn tử" được, bởi đơn giản, ông Nguyễn Phú Trọng muốn đánh vào Vũ Huy Hoàng để khai thác thêm về cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Vụ án Vũ Huy Hoàng – nguyên Bộ trưởng Công thương và đồng phạm bị truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý tài sản gây thất thoát tài sản xảy ra tại Bộ Công thương và Sabeco Sài Gòn đã được Tòa án nhân dân thành phố thụ lý, dự kiến tháng 1/2021 đưa ra xét xử công khai. Chắc chắn đay là một vụ đại án không thua gì vụ Đinh La Thăng.
Vắng mặt bà Hồ Thị Kim Thoa làm vụ án không được như mong đợi của ông Nguyễn Phú Trọng
Liên quan đến sai phạm tại Sabeco ngoài chủ trương Vũ Huy Hoàng và Hồ Thị Kim Thoa thì còn có sai phạm của con trai ông Vũ Huy Hoàng tại công ty này. Bộ ba này hình thành nên liên minh bổ nhiệm và thi hành những quyết định sai trái. Thế nhưng Hồ Thị Kim Thoa đã trốn ở nước ngoài, còn khoảng hơn một tháng nữa vụ án được đưa ra xét xử mà thiếu nhân vậy quan trọng thứ nhì trong nhóm thì có thể nói sẽ có rất nhiều tình tiết bị ém giấu mà bên cơ tố tụng không thể nào khai thác được. Manh mối khai thác dẫn đến những sai phạm của Nguyễn Tấn Dũng vẫn cứ mịt mờ đối với Nguyễn Phú Trọng.
Tuy là đang tuy lùng Hồ Thị Kim Thoa về quy án, nhưng khoảng thời gian chỉ có hơn một tháng là nhiệm vụ bất khả thi đối với Tô Lâm. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy Bộ Công an tìm ra Hồ Thị Kim Thoa cả. Nhưng giả sử trong khoảng một tháng sắp tới ông Tô Lâm bắt được Hồ Thị Kim Thoa thì sao ? Thì cũng chỉ có thể bắt cóc mới kịp về quy án chứ còn dợi thủ tục dẫn độ thì một tháng là thời gian quá ngắn không đủ để đưa bà Thoa về Việt Nam được. Vì vậy, có thể nói, hết 90% là phiên tòa xét xử ông Vũ Huy Hoàng thiếu vắng bà Hồ Thị Kim Thoa. Một tin tốt cho Nguyễn Tấn Dũng nhưng đó không phải là điều Nguyễn Phú Trọng mong muốn.
Nguyễn Duy (tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 09//2020
*******************
Lan Anh, Thoibao.de, 12/12/2020
Việt Nam đang phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước để truy bắt, dẫn độ bà Hồ Thị Kim Thoa, nguyên thứ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam, về nước, theo truyền thông Việt Nam.
Tại buổi họp báo thông tin về kết quả công tác năm 2020 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 do Bộ Công an tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 7/12, đại diện bộ này cho hay sẽ có kế hoạch để có thể dẫn độ bà Hồ Thị Kim Thoa (nguyên thứ trưởng Bộ Công thương) về nước.
Diễn biến mới nhất là việc Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) ban hành quyết định truy nã quốc tế đối với bà Thoa, đại tá Chữ Văn Dũng – phó chánh văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cho báo chí trong nước biết hôm 7/12, theo Tuổi trẻ.
Thanh tra Chính phủ tiết lộ mới đây trong kết luận về việc quản lý công tác đi nước ngoài của một số bộ, cơ quan ngang bộ giai đoạn 2012-2016. Theo đó, chỉ tính riêng năm 2014, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã tham gia đi nước ngoài tới 23 đoàn ; năm 2015, cựu Bộ trưởng Hoàng đi tới 22 đoàn. Tổng thời gian ở nước ngoài của ông này lên tới 163 ngày, chiếm nửa thời gian làm việc trong năm.
Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng "đi nước ngoài như đi chợ"
Cùng với ông Vũ Huy Hoàng, Phó Bí thư tỉnh ủy Đồng Nai – Phan Thị Mỹ Thanh cũng có khoảng thời gian đi nước ngoài rất nhiều. Cụ thể, năm 2014, bà Mỹ Thanh đi nước ngoài tới 10 lần, gồm cả việc công, việc tư và thư mời của đối tác. Còn năm 2012, bà Thanh làm trưởng 8 đoàn đi công tác nước ngoài.
Và tất nhiên cả hai người này đều nằm trong danh sách đen của Thanh tra Chính phủ cũng như Ủy ban Kiểm tra trung ương.
Kết quả này mới xét trên bình diện những vị đã và đang bị 'điều tra' vì những sai phạm gây ra, chưa đề cập đến những cá nhân lãnh đạo hay tổ chức, tỉnh thành khác. Nếu khơi mào ra thêm, thì con số 163 ngày của ông cựu Bộ trưởng bộ Công thương có lẽ sẽ bị phá kỷ lục.
Thực ra, câu chuyện đi ra nước ngoài là việc phải làm nếu thực sự cần thiết cho quốc gia - dân tộc, và nó đã có từ xưa.
Ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành từng nói với người bạn : 'Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta.'
Năm 1863, Phan Thanh Giản và đoàn tùy tùng cũng sang Pháp để tìm cách chuộc lại '3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ' (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường).
Đầu thế kỷ 20, Phan Bội Châu cũng tìm đường sang nước Nhật trước là để cầu viện, sau là để mong muốn thực hiện 'Duy Tân trong nước'.
Nếu các vị quan chức Việt nam thời hiện đại học tập cái hay, cái đẹp nước ngoài để canh tân quốc gia thì tốt biết mấy. Nhưng thực tế, mục đích 'học tập' thì ít, 'mua nhà, tích lũy tài sản, du lịch' lại nhiều. Ví như, vào năm 2015, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xổ số kiến thiết tỉnh Cà Mau đã tổ chức đoàn đi tham quan và 'trao đổi kinh nghiệm hợp tác về kinh doanh' ở các nước... không hề có hoạt động xổ số. Hay các vị ở Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc tổ chức đoàn đi nước ngoài 'nhằm mục đích học tập, trao đổi kinh nghiệm' nhưng bị Thanh tra Chính phủ phát hiện là 'không đúng quy định, không bình thường' bao gồm : không có kế hoạch được duyệt, không đúng thành phần được đi.
Còn đối với đoàn của Bộ Công thương thời ông Vũ Huy Hoàng thì tề tựu nhau chụp ảnh trước một sân golf.
Ông Vũ Huy Hoàng "tranh thủ" ra sân chơi golf nhân một chuyến đi công tác nước ngoài
Kinh điển hơn, là vụ cử cán bộ, lãnh đạo sắp nghỉ hưu đi 'nước ngoài học tập kinh nghiệm về xây dựng các công trình chống nước biển dâng, chống ngập... do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu tại Hà Lan và Nga' của UBND tỉnh Tiền Giang.
Người dân ai cũng hiểu đó là do 'tiền chùa' nên cán bộ, lãnh đạo tha hồ phung phí, mặc sức đi đây đó để mua sắm. Và khi những chuyến đi xuất ngoại càng nhiều, thì 'học tập kinh nghiệm càng ít', bởi bản thân ngay cả khi học tập về, thì với tư duy nhiệm kỳ, hay cơ chế hiện tại cũng khó lòng mà áp dụng được.
Học tập kinh nghiệm suy cho cùng là cách thức biển thủ công quỹ, là một hình thức tham nhũng ; thậm chí ở những lãnh đạo hiện tại, cơ số người thông qua 'học tập kinh nghiệm' để sắm sửa nhà cửa và đưa vợ con đi định cư. Trịnh Xuân Thanh và vợ con có nhà ở Công Hòa Liên bang Đức ; Đại biểu quốc hội Nguyễn Văn Thân có quốc tịch và tài sản tại Ba Lan - vợ con cũng đang sinh sống tại quốc gia này. Trước đó nữa, Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường cũng là người có quốc tịch Cộng hòa Malta.
Tất cả những diễn biến nêu trên cho thấy, giới quan chức đường quyền không chỉ tìm cách vơ vét của cải thông qua quyền lực, mà còn tìm được chỗ đệm ở bên nước ngoài - nơi có cơ ngơi tài sản, vợ con được sinh sống trong môi trường pháp chế khác 'thiên đường xã hội chủ nghĩa', nơi mà họ có thể tha hồ sống mà không bị lo ngại sẽ bị tịch biên hay kê khai tài sản lúc thôi chức vụ.
Cách đây không lâu, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đem lại niềm tin cho không ít người liên quan đến khâu chống tham nhũng với chiến dịch 'đốt lò', nhưng gần đây nhất, việc ông thừa nhận vấn đề kê khai tài sản cán bộ là 'vấn đề rất khó, nhạy cảm bởi nó liên quan đến quyền đời tư, quyền bí mật cá nhân' đã khiến cho niềm tin bị sút giảm.
Khi nhóm công chức, lãnh đạo tìm chỗ trú ngụ ở nước ngoài, thì tài nguyên và nguồn lực trong nước tiếp tục vơ vét mà không cần phải lo nghĩ nhiều đến đời sau. Thậm chí nếu diễn tiến ở mức độ nào đó, thì các vị lãnh đạo có thể chấp nhận một số dự án gây hiểm họa an ninh quốc gia, ô nhiễm môi trường để đổi lấy nguồn tiền... cho bản thân định cư nước khác.
Kết quả, nước Việt chỉ còn lại sự xơ xác, kiệt quệ, một nước Việt với những 'đảng viên tốt' ; những 'lực lượng vũ trang vì đảng quên mình' ; những 'dư luận viên' ngày đêm gào thét bảo vệ chủ trương - chính sách (dù sai lầm) ; và người dân nghèo...
Nhưng trách sao được, thể chế nó thế ! Thể chế không minh bạch, thể chế lạm dụng quyền lực, thể chế độc tài nên tham nhũng mới cộng sinh, vơ vét mới hoành hoành.
Tất cả để lại một nước Việt buồn !
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 24/06/2018
******************
Tiền mồ hôi, nước mắt của dân mà vác ra nước ngoài chơi golf
Dự án thì "trùm mền, đắp chiếu". Tiền bạc thì tham nhũng, thất thoát. Bổ nhiệm thì "thăng thiên, thần tốc". Có lẽ chưa bao giờ ngành công thương "chói lọi… điêu linh" như dưới thời ông Vũ Huy Hoàng làm Bộ trưởng. Và chợt thấy cái hình thức kỉ luật "cách cái chức nguyên" đối với ông Huy Hoàng này có vẻ như chưa thỏa đáng, phải không các bạn?
Một đoàn công tác đi nước ngoài tại châu Âu, nhưng có hôm đoàn "tranh thủ" ra sân… golf.
160 ngày và hơn 1.000 tỉ đồng. Đó là hai con số được nhà báo Mạnh Quân đưa ra trên báo Dân trí những ngày qua. Trong đó, con số thứ nhất (160 ngày) là thời gian mà ông Vũ Huy Hoàng khi còn làm Bộ trưởng Bộ Công Thương đi nước ngoài trong một năm.
Con số thứ hai, là số tiền ngân sách chi cho các bộ Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước… "công du" giai đoạn 2012-2016. Theo đó, các bộ, ngành này đã cử tổng số 14.677 đoàn, với gần 42.000 lượt cán bộ đi nước ngoài và đáng lưu ý, đây mới chỉ là thống kê từ một số bộ, ngành.
Về con số 160 ngày của ông Hoàng, có lẽ trước hết cũng nhìn nhận một cách khách quan, đây là thời điểm mà ngành công thương có nhiều công tác đối ngoại như mở mang thị trường, ký kết các hiệp định thương mại…
Thế nhưng, việc dành tới 160 ngày/365 ngày trong một năm để "công du" thì quả là đáng ngạc nhiên bởi thời gian làm việc trong nước quá khiêm tốn. Trong số hơn 30 tuần (205 ngày) đó có khoảng 60 ngày là thứ 7 và chủ nhật cộng với khoảng 10 ngày lễ tết rồi biết bao nhiêu những việc riêng tư khác thì số ngày trực tiếp làm việc ở cơ quan chỉ còn cỡ hơn 100 ngày.
Song, cũng trong các bài báo trên, Nhà báo Mạnh Quân còn đưa ra những con số… giật mình khác. Năm 2014, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã tham gia đi nước ngoài tới 23 đoàn. Năm 2015, cựu Bộ trưởng Hoàng đi tới 22 đoàn.
Tuy kinh phí cho những chuyến đi có ông Hoàng tham gia là bao nhiêu không thấy nhắc đến nhưng có một con số liên quan đến bà Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa thì cho biết, tháng 1/2016, ông Vũ Huy Hoàng ký quyết định cho 5 cán bộ đi nước ngoài với khoản kinh phí lên đến gần 1,4 tỷ đồng. Trong số 5 cán bộ này có cựu thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa với khoản kinh phí gần 321 triệu đồng.
Đáng chú ý là bài báo trên, ngoài những con số đã nêu, còn có bức ảnh khá… "đắt" chụp cảnh một đoàn công tác đi nước ngoài tại châu Âu ở sân… golf.
Chao ôi! Nếu dùng tiền ngân sách, tức là tiền mồ hôi, nước mắt của dân mà vác ra nước ngoài chơi golf thì có mà núi cũng lở.
Rồi chợt nghĩ về giá cả ở Việt Nam không khỏi nao lòng. Chẳng biết hiệu quả của các chuyến mở mang thị trường ra sao, chỉ thấy giá vải quả bán tại Hà Nội có 10.000 đồng/kg, dưa hấu 8.000 đồng/kg.
10 ngàn đồng/kg tức là 10 triệu đồng/tấn. Với số tiền hơn 1.000 tỉ đồng nếu mua dưa hấu hay vải quả thì có khi chất thành núi cỡ… Tam Đảo, Ba Vì.
Dự án thì "trùm mền, đắp chiếu". Tiền bạc thì tham nhũng, thất thoát. Bổ nhiệm thì "thăng thiên, thần tốc". Có lẽ chưa bao giờ ngành công thương "chói lọi… điêu linh" như dưới thời ông Vũ Huy Hoàng làm Bộ trưởng.
Và chợt thấy cái hình thức kỉ luật "cách cái chức nguyên" đối với ông Huy Hoàng này có vẻ như chưa thỏa đáng, phải không các bạn ?
Nguồn : butdanh.net, 22/06/2018
Đến giờ này, cựu bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng không còn đơn thuần nằm trong "tầm ngắm" hay chỉ có ý nghĩa "danh sách dự phòng" của chiến dịch "chống tham nhũng" của Tổng bí thư Trọng, mà vấn đề hầu như chắc chắn là ông Hoàng sẽ bị Bộ Công an khởi tố và tống giam vào thời điểm nào, sau vụ phát hiện "dấu hiệu vi phạm tại Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam".
Tư liệu- Ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương.
Nhìn lại thời "phá chưa từng có"
Vào quý 2 năm 2017 và song trùng với vụ Đinh La Thăng bất ngờ bị loại khỏi Bộ Chính trị, trường hợp Vũ Huy Hoàng đã được đảng cầm quyền lôi ra và cho báo chí nhà nước "đấu tố". Những sai phạm lớn nhất của Vũ Huy Hoàng được mổ xẻ theo thứ tự là :
- Ký luân chuyển Trịnh Xuân Thanh về tỉnh Hậu Giang làm phó chủ tịch như một cách thức để Thanh thoát nạn vụ gây lỗ hơn 3.200 tỷ đồng tại Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC).
- "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" trong việc để ít nhất 7 dự án ngàn tỷ thuộc ngành công thương bị thua lỗ và phải trùm mền.
- Bổ nhiệm con trai là Vũ Quang Hải tham gia HộI ĐồNG QUảN TRị Tổng công ty bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) để bầu làm thành viên HộI ĐồNG QUảN TRị, Phó tổng giám đốc Sabeco khi mới 28 tuổi.
Những dẫn chứng điển hình về nạn lãng phí chỉ có ở Việt Nam là nhà máy xơ sợi 7.000 tỷ đồng ở Hải Phòng "đắp chiếu" và dự án nhà máy lên đến 8.104 tỷ đồng đang phơi mưa nắng của công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên (TISCO).
Con số 15.000 tỷ đồng bốc hơi lên trời của các dự án lãng phí có thể xây được vài chục trường trung học khang trang hoặc hàng trăm trạm xá, cùng vô số nhà tình thương.
Vào tháng 5/2017, dư luận chợt ồn ào vì vụ cựu bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng "xin vào khu cách ly sân bay quốc tế Nội Bài" nhưng không được.
Tuy nhiên chiến dịch "đấu tố" Vũ Huy Hoàng chỉ kéo dài khoảng một tháng và chỉ đạt được kết quả Ủy ban Kiểm tra trung ương và Ban bí thư kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Ban cán sự Đảng bộ công thương của Vũ Huy Hoàng trong thời gian 2011 - 2016.
Cùng với lịch sử trì trệ của đảng cầm quyền, Vũ Huy Hoàng là một bộ trưởng đã tồn tại đủ lâu dưới thời một thủ tướng bị bị quá đủ chỉ trích "phá chưa từng có trong lịch sử Việt Nam".
Không chỉ tiếp tay phát nát kinh tế, tội lỗi của ông Hoàng còn vượt xa những gì mà báo chí nhà nước "đấu tố" khi gián tiếp gây ra thảm cảnh về xã hội.
Vào cuối năm 2013, một vụ việc khủng khiếp mà đã hoàn toàn chìm xuồng là cú xả lũ đồng loạt của 15 nhà máy thủy điện của EVN ở miền Trung đã "giết sống" đến năm chục mạng người nghèo nơi rốn lũ.
Tất cả đều biết cấp trên trực tiếp của các nhà máy thủy điện là EVN, còn thủ trưởng trực tiếp của EVN là Bộ Công thương. Tuy nhiên, sau vụ "giết sống" trên, nhiều phóng viên báo chí quốc doanh đành nuốt nhục vì bị cơ quan tuyên giáo "chặn họng". Công lý đã trở nên trơ trẽn nhất khi đã không có bất kỳ một quan chức vô cảm và vô trách nhiệm nào phải đối mặt với vành móng ngựa, mặc dù chính vào lúc người dân chết chìm trong nước lũ xả trắng mênh mông, Bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng còn bận "công du" ở nước ngoài mà không phải chịu bất kỳ trách nhiệm hay đặc biệt trách nhiệm hình sự nào.
Vì sao là Vũ Huy Hoàng ?
Vào giữa năm 2017, Vũ Huy Hoàng còn phải nhận một án khác - "kỷ luật như thế đã đủ đau chưa !" của Tổng bí thư Trọng.
Khi ngay cả một (cựu) ủy viên bộ chính trị là Đinh La Thăng mà còn bị bắt, cấp cựu ủy viên trung ương đảng như Vũ Huy Hoàng thật chẳng còn giá trị gì có thể mang ra đổi chác.
Vào thời gian trên, người ta chỉ nhìn thấy một ông Trọng có vẻ bất lực trước hàng đàn quan chức tham nhũng và chỉ còn biết xử lý bằng hình thức kỷ luật đảng mà chẳng thể làm gì khác. Khi đó, chưa xảy đến câu chuyện "Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về Việt Nam đầu thú" như lối tuyên giáo của ngành công an mà đã khiến ông Trọng trở nên xuất thần với phát ngôn "Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi đưa vào cũng phải cháy". Khi đó, Tổng bí thư Trọng vẫn như ẩn chìm trong một nỗi trầm mặc không thốt nên lời.
Nhưng đó là chuyện của dĩ vãng gần. Còn sau ngày 8 tháng Mười Hai năm 2017, tình thế đã chuyển sang một thời kỳ mới, rất mới.
Vận mệnh Vũ Huy Hoàng giờ đây đang nguy cấp. Khi ngay cả một (cựu) ủy viên bộ chính trị là Đinh La Thăng mà còn bị bắt và do đó đã phá vỡ tiền lệ "ủy viên bộ chính trị không thể bị tống giam", cấp cựu ủy viên trung ương đảng như Vũ Huy Hoàng thật chẳng còn giá trị gì có thể mang ra đổi chác.
Tín hiệu và cũng đồng thời mang tính thông điệp rõ nhất và gần nhất là ngay vào đầu năm 2018 - song trùng với thời gian cánh đảng phát lệnh truy nã đối với Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ, Thanh tra Chính phủ "bất ngờ" công bố kết luận thanh tra về gần 15.000 tỉ đồng sai phạm và thất thoát tại Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, chuyển kết luận này cho Bộ Công an để điều tra các vụ việc có dấu hiệu vi phạm tại Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và một số doanh nghiệp trực thuộc vào thời kỳ từ năm 2010 đến ngày 30/6/2015, kiến nghị xử lý trách nhiệm Bộ Công Thương và UBND 4 tỉnh liên quan là Thanh Hóa, Lào Cai, Quảng Ninh, Hà Tĩnh.
Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam trực thuộc Bộ Công thương, và thời kỳ từ năm 2010 đến 2015 lại thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng.
Gần 15 ngàn tỷ đồng sai phạm và thất thoát là một con số khủng khiếp, đủ đưa lên giá treo cổ đến vài ba lần đối với bất cứ quan chức nào.
Cần nhắc lại, Trịnh Xuân Thanh phải ra tòa vì tội tham ô 14 tỷ đồng, còn Đinh La Thăng phải ra tòa do đã chỉ đạo các đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam gửi tiền cho Ngân hàng Đại Dương của Hà Văn Thắm, và số tiền bị thất thoát không thể quay trở lại "chỉ có" 800 tỷ đồng.
Vào tháng 12/2017, sau vụ cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng bất ngờ bị Tổng bí thư Trọng chỉ đạo khởi tố và tống giam, có vẻ cái tên tiếp theo được dư luận đề cập nhiều nhất là Nguyễn Văn Bình - cựu thống đốc Ngân hàng nhà nước.
Ông Trịnh Xuân Thanh và ông Đinh La Thăng (Ảnh chụp từ VTV)
Tuy nhiên, một luồng dư luận khác, dường như sâu sát và bám sát các tin tức từ nội bộ đảng, lại nghiêng về khả năng cái tên tiếp ngay sau Đinh La Thăng sẽ là Vũ Huy Hoàng - cựu bộ trưởng công thương.
Trong suốt một thời gian dài dưới thời chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Vũ Huy Hoàng phụ trách Bộ Công thương - cơ quan chủ quản của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Cũng vào thời gian trên, Đinh La Thăng phụ trách PVN, còn Trịnh Xuân Thanh là tổng giám đốc một công ty thành viên của PVN là PVC.
Tuy chưa công bố chính thức, nhưng tình trạng hàng loạt quan chức dầu khí bị bắt trong năm 2017 đã cho thấy PVN chính là một đại án mà Tổng bí thư Trọng muốn nhắm đến.
Cho tới nay đã như hình thành một trục trong đại án trên : Trịnh Xuân Thanh - Vũ Huy Hoàng - Đinh La Thăng. Điểm cuối của trục này có thể là Nguyễn Tấn Dũng.
Trước hay sau tết nguyên đán 2018 ?
Vào tháng 5/2017, dư luận chợt ồn ào vì vụ cựu bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng "xin vào khu cách ly sân bay quốc tế Nội Bài" nhưng không được. Khi đó, rất nhiều dư luận cho rằng ông Hoàng có kế hoạch tiếp bước Trịnh Xuân Thanh "ra đi tìm đường cứu nước".
Chắc hẳn sau vụ ồn ào trên, ông Vũ Huy Hoàng đã bị áp dụng "biện pháp ngăn chặn", mà trong thực tế ở Việt Nam, ai cũng biết đó là "giam lỏng".
Phiên tòa xử vụ Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh đã được tổ chức nhanh kỷ lục. Riêng với Đinh La Thăng, toàn bộ quá trình hoàn tất kết luận điều tra của Bộ Công an chỉ có 11 ngày, còn cáo trạng của Việt Kiểm sát tối cao còn kỷ lục hơn cả thế - 6 ngày.
Với trường hợp Vũ Huy Hoàng, cũng có thể sẽ đồng điệu về tố tụng hình sự như vậy.
Nếu trong những ngày tới, có thể là trong quý 1 năm 2018 hoặc ngay trước tết nguyên đán 2018, Bộ Công an thông tin là "đã tiếp nhận kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về gần 15.000 tỉ đồng sai phạm và thất thoát tại Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và đang khẩn trương tổ chức điều tra", gần như cầm chắc lệnh khởi tố và cơ chế tiến hành bắt giam đối với cựu ủy viên trung ương đảng Vũ Huy Hoàng sẽ hiện ra không bao lâu sau đó.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 08/01/2018
Việc đưa ra quyết định cách chức chỉ có hiệu lực pháp lý từ khi ký quyết định kỷ luật. Do đó, những gì mà họ đã hưởng (lương, phụ cấp...) thì rất khó lấy lại.
Rất khó thu hồi chế độ của người bị cách chức trong quá khứ
Hàng loạt lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao vừa bị xử lý kỷ luật vì liên quan tới những vi phạm trong quản lý kinh tế và công tác cán bộ.
Cụ thể, ông Võ Kim Cự bị kỷ luật cách chức Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2005-2010 và nhiệm kỳ 2010-2015, cách chức nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Bí thư Ban cán sự đảng ủy Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh.
Ông Cự có trách nhiệm liên quan tới sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung.
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết nghị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng do đã có những vi phạm về công tác cán bộ khi giữ chức vụ Bộ trưởng...
Ông Bùi Đức Thụ - Phó ban Công tác Đại biểu (nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội). Ảnh : Thông tấn xã Việt Nam.
Một số ý kiến cho rằng, cơ quan có thẩm quyền cần truy thu hoặc đề nghị những nguyên cán bộ bị cách chức trong quá khứ phải bồi hoàn chế độ (lương, phụ cấp...) đã được hưởng.
Trong khi đó, một vài ý kiến khác thì có quan điểm ngược lại, đồng thời cho rằng, việc truy thu các chế độ trong quá khứ đối với người bị cách hết chức vụ là điều rất khó thực hiện.
"Quyết định cách chức chỉ có hiệu lực pháp lý bắt đầu từ thời điểm ký quyết định kỷ luật.
Do đó, những chế độ mà họ đã hưởng (lương, phụ cấp...) từ chức vụ mang lại rất khó lấy lại vì pháp luật không thể hồi tố được việc này", ông Bùi Đức Thụ - Phó ban Công tác Đại biểu (nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội) chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam hôm 5/5.
Vị Đại biểu Quốc hội này cũng cho rằng, cán bộ về hưu nếu có vi phạm cũng sẽ bị xử lý như những người khác nếu vi phạm pháp luật.
"Những cán bộ về hưu chỉ còn thẻ đảng viên và tư cách công dân. Nếu anh vi phạm hoặc không xứng đáng thì sẽ thực hiện kỷ luật đối với đảng viên.
Còn với tư cách công dân thì dù anh là ai sau khi về hưu cũng phải xử lý kỷ luật.
Nhẹ thì xử lý hành chính, nặng thì khởi tố.
Về mặt nhà nước nếu sai phạm để lại hậu quả, thậm chí ngay cả khi anh đã về hưu thì cơ quan có thẩm quyền có thể xem xét chuyển sang xử lý hình sự", ông Thụ nêu quan điểm.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Bá Thuyền, Đại biểu Quốc hội khóa XIII (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, rất khó truy thu, hoặc đề nghị người bị cách chức hoàn lại chế độ mà họ đã hưởng trước đó.
"Những phụ cấp đó được tính trong lương và họ được đóng bảo hiểm xã hội theo quy định.
Các chế độ lương hưu hưởng theo quy định (mức đóng) Bảo hiểm xã hội.
Do vậy, việc đề nghị hoặc truy thu chế độ (lương theo bậc, phụ cấp...) người bị cách chức trong quá khứ đã hưởng trước đó là điều rất khó thực hiện", ông Nguyễn Bá Thuyền cho biết.
Ông Thuyền cho biết thêm : "Đối với những cán bộ cấp cao về hưu, khi bị kỷ luật cách chức thì các chế độ đãi ngộ như đi du lịch, khám chữa bệnh định kỳ... sẽ không được hưởng như những người khác.
Thực ra đối với các cán bộ nói trên, khi họ nghỉ hưu thì chỉ là công dân bình thường.
Cho nên, theo quan điểm cá nhân tôi, việc kỷ luật này nhằm mục đích răn đe, nhằm vào uy tín và danh dự của người vi phạm hơn là mục đích kinh tế", ông Thuyền nói.
Chỉ đạo đó có bị vô hiệu khi nguyên cán bộ bị mất chức ?
Một số ý kiến khác bày tỏ băn khoăn rằng, nếu kỷ luật/cách chức cán bộ trong quá khứ thì tất cả các chỉ đạo, điều hành của họ liên quan tới vấn đề phát triển kinh tế, an sinh xã hội, công tác cán bộ trước đó sẽ như thế nào ?
Chỉ đạo đó có bị vô hiệu không ?
Ông Nguyễn Bá Thuyền, Đại biểu Quốc hội khóa XIII (ảnh : Ngọc Quang).
Về việc này, ông Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, không thể có chuyện cách chức trong quá khứ của cán bộ khi họ vi phạm ở vụ việc này mà vô hiệu hóa tất cả những chỉ đạo khác của họ đã ban hành.
"Thực tế từ trước tới nay, chúng ta chưa có luật và cũng chưa có tiền lệ về xử lý chuyện này.
Tuy nhiên, nếu anh bị cách chức vì vi phạm trong quản lý, bảo vệ môi trường thì không thể vô hiệu hóa văn bản, quyết định liên quan tới việc bổ nhiệm cán bộ của anh được.
Hay nói cách khác, người ta bị cách chức vì vi phạm trong một sự việc, nhưng các chỉ đạo, quyết định hành chính khác vẫn phải được tôn trọng nếu nó được thực hiện đúng quy định pháp luật.
Chuyện gì ra chuyện đó, chứ không thể vì chuyện cách chức mà phủ nhận sạch trơn được", ông Thuyền nói.
Vị Đại biểu Quốc hội khóa XIII cũng cho rằng, cần thiết phải có cơ chế cụ thể để xử lý triệt để những trường hợp đã nghỉ hưu nhưng bị phát hiện vi phạm trong quá khứ.
"Phải đặc biệt chú ý tới công tác đề bạt, bổ nhiệm, giám sát cán bộ, giám sát quyền lực, để tránh những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra theo cách tương tự.
Bởi một khi quyền lực không được giám sát, kiểm soát từ khâu đầu vào thì quyền lực ấy rất dễ bị tha hóa, dẫn tới những vi phạm trong công tác quản lý, điều hành.
Tôi cho rằng, nếu làm chặt chẽ công tác cán bộ, chắc chắn sẽ không thể có vi phạm như vậy.
Còn nếu chỉ kỷ luật trong quá khứ đối với những người về hưu như cách chúng ta đang làm thì chỉ chỉ là giải pháp mang tính tình thế, nửa vời, chưa giải quyết tận gốc vấn đề.".., ông Thuyền nói.
Thụy Du