Xử án nhanh gọn, phục vụ hội nghị trung ương
Người Buôn Gió, 12/05/2020
Trước một ngày kết thúc phiên tòa phúc thẩm xét xử Trần Văn Minh và Phan Văn Anh Vũ, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo trực tiếp tòa án phúc thẩm tuyên bắt giam ngay hai ông Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến tại tòa.
Các bị cáo nghe đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Thành phố Hà Nội đọc bản luận tội và đề nghị mức án ngày 12/06/2019. Ảnh minh họa
Ông Minh từng giữ chức chủ tịch Thành phố Đà Nẵng, Phó ban tổ chức trung ương, ủy viên trung ương đảng. Việc chỉ đạo cho tòa bắt ông này ngay lập tức, cho thấy quyền lực của Phúc rất lớn, định đoạt số phận của nguyên ủy viên trung ương đảng chỉ trong một tích tắc.
Cuối cùng thì dân đen hay quan chức, đại gia đều có chung một kiểu xét xử giống nhau, đó là chỉ đạo từ trước, chỉ đạo từ trên ngay khi đang xử. Cũng giống như vụ Hồ Duy Hải, vụ việc mua đất của Vũ với Thành phố Đà Nẵng không có chứng cứ vi phạm nào, nhưng có người chết, có đất giá trị thì tất có vụ án và có kẻ chịu tôi.
Theo quy định tại khoản 2, Điều 329 Bộ luật Tố tụng hình sự "trường hợp bị cáo không bị tạm giam nhưng bị xử phạt tù thì họ chỉ bị bắt tạm giam để chấp hành hình phạt khi bản án đã có hiệu lực pháp luật. Hội đồng xét xử có thể ra quyết định bắt tạm giam bị cáo ngay tại phiên tòa nếu có căn cứ cho thấy bị cáo có thể trốn hoặc tiếp tục phạm tội".
Việc Hội đồng xét xử ra quyết định bắt tạm giam đối với ông Trần Văn Minh và ông Văn Hữu Chiến theo lệnh thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là nhằm triệt hạ những phản đối từ hai ông này, bởi trước sau như một cả hai đều không nhận sai và đưa ra những chứng cứ, nghị quyết, kết luận của thủ tướng, trung ương và bộ chính trị. Cơ quan điều tra cũng không kết luận được động cơ vụ lợi của họ.
Các ông Chiến và Minh đã làm theo đường lối của thành ủy Đà Nẵng, đường lối chứ không phải ý kiến riêng của ông Bá Thanh. Đường lối bán đất công lấy tiền để phát triển đô thị, mang lại bộ mặt phát triển của Đà Nẵng đến nỗi người ta khen ngợi đó là hiện tượng mới.
Cả hai vụ án Hồ Duy Hải và Trần Văn Minh, Phan Văn Anh Vũ đều diễn ra một lúc, đều không cần xem xét đến chứng cứ hay phản biện, tòa án kết tội như một cái máy đã được lập trình sẵn từ trước. Nếu vụ Hồ Duy Hải là tiến thân của Nguyễn Hòa Bình thì vụ Đà Nẵng là đường tiến tiếp của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Với việc 17/17 thẩm phán đồng ý với kết luận Hồ Duy Hải đúng tội. Chánh án Nguyễn Hòa Bình có cửa đi tiếp tới chức phó thủ tướng coi về tư pháp như người đàn anh tiền nhiệm Trương Hòa Bình. Ở vụ án Đà Nẵng thì Nguyễn Xuân Phúc cũng vậy. Cả hai đều mượn tòa án để dập tắt những ý kiến chỉ trích mình, nhằm dọn sạch sẽ các dấu vết để không ai dị nghị được.
Trở lại vụ việc Đà Nẵng, công văn số 1570/ CV-BCSĐ ngày 19/11/2019 của ban Cán sự tòa án tối cao, đã báo cáo Ban chỉ đạo 110 rằng không đủ chứng cứ kết tội các bị cáo là đồng phạm. Nhưng cả Bản án sơ thẩm và Bản án phúc thẩm đều bỏ qua ý kiến này và xử theo "luật của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc".
Điều này cho thấy thực lực của Phúc ở trước thềm Đại hội 13 rất mạnh, nếu như Phúc đã chỉ đạo được với nhóm công an, viện kiểm sát, tòa án như vậy... thì tương lai nếu trụ được, Phúc sẵn sàng tiêu diệt bất cứ ai dám ý kiến ngăn cản Phúc ngồi lại khóa sau. Bởi thế ở Hội nghị trung ương 12 đang diễn ra, Phúc không chịu về hưu, còn đòi mình phải ngồi ghế tổng bí thư kiêm chủ tịch nước nếu như ông Trọng về hưu. Tình hình này rất khó cho chọn nhân sự chủ chốt, bởi thực lực Phúc quá mạnh, có thể khiến đại hội bất thành vì không thống nhất được chọn nhân sự.
Lường trước được dã tâm tham vọng của Phúc, tổng bí thư Trọng đã nhấn mạnh không chọn người bè phái, tham vọng quyền lực, được cái mã ngoài, người vợ con thân thích tư lợi... nhưng lòng người phù thịnh chẳng phù suy, ông Trọng già yếu, ông Vượng thì thiếu phe cánh hỗ trợ... con đường đi tiếp của Nguyễn Xuân Phúc khá thênh thang. Cửa duy nhất Nguyễn Phú Trọng có thể áp dụng là theo tiền lệ trước, chỉ một trường hợp duy nhất quá tuổi do bộ chính trị giới thiệu ở lại, còn lại phải làm đơn từ chức. Nhưng tiền lệ trước còn quy định đại hội giới thiệu ai thì người đó làm đơn từ chối, rồi đại hội bầu xem đồng ý từ chức không, sau đó bầu tiếp. Phúc đã lường trước bài học này, đương nhiên sẽ không viết đơn từ chức từ bộ chính trị, không viết đơn từ chối nếu đại hội bầu ra. Qua hai cửa này, Phúc vẫn còn cửa đại hội sẽ bỏ phiếu không đồng ý cho Phúc từ chức.
Các đại gia sân sau của Phúc đã cho người chuẩn bị đi mua phiếu của các đoàn đại biểu. Khi việc mua bán thống nhất xong, sẽ đến màn truyền thông thổi bùng dữ dội về những ưu điểm cực kỳ lớn của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Những cây bút trái quan điểm sẽ bị triệt hạ ngay tại thời điểm trung ương 13, 14 họp.
Chuyện đấu đá, tranh giành ghế là chuyện thường tình của nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam. Nhưng dùng tòa án xét xử bất công để phục vụ âm mưu giành quyền chức của mình, lại là điều đụng đến tính mạng của người dân, đụng đến công bằng mà người dân nào cũng trông đợi. Nếu một xã hội mà pháp luật quyết định đúng sai thế nào là do quan chức quyết định, thì đấy là điều đáng sợ cho nhân dân.
Hãy thôi những trò xét xử theo kiểu căn cứ vào nhân chứng, hồ sơ, bị cáo đã nhận. Vì nhân chứng một chiều, hồ sơ tự bịa ra, bị cáo bị đánh đập phải nhận tội, hay kể cả không nhân tội.
Hãy tuyên án thế này :
Căn cứ vào yêu cầu của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, để phục vụ việc thăng tiến của lãnh đạo, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình xét thấy đầy đủ tình lý để xác định tội bị cáo, không cần phải tranh luận, đối chất, đưa bằng chứng, tòa tuyên án…
Hãy tuyên án thế, chắc chắn dân sẽ tâm phục, khẩu phục.
Người Buôn Gió
Nguồn : nguoibuongio1972, 12/05/2020
******************
Thách thức của Vũ 'Nhôm' và thử lý giải : Sai ở chỗ nào ?
Trân Văn, VOA, 12/05/2020
Đề nghị của Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") khi tự bào chữa tại phiên xử phúc thẩm vụ án "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "vi phạm các qui định về quản lý đất đai" xảy ra tại Đà Nẵng, rõ ràng là sự thách thức Hội đồng xét xử của Tòa án nhân dân tối cao : Chỉ rõ bị cáo đã lợi dụng lãnh đạo nào và lợi dụng thế nào ? Nếu Viện Kiểm sát vẫn không đưa ra được chứng cứ vật chất để buộc tội, đề nghị hủy án sơ thẩm, tuyên bị cáo vô tội (1)...
Cựu thượng tá an ninh Phan Văn Anh Vũ, còn được gọi là Vũ 'nhôm', tại phiên tòa xét xử hôm 7/1/2020 ở Đà Nẵng. (Ảnh chụp màn hình Tuổi Trẻ Onlone)
Nếu theo dõi diễn biến vụ án này ắt sẽ thấy, hệ thống tư pháp Việt Nam (cơ quan điều tra của công an, Viện Kiểm sát – nơi thực thi quyền công tố, cũng như tòa án các cấp) không thể chứng minh Vũ "nhôm" lợi dụng quan hệ với lãnh đạo Đà Nẵng và lãnh đạo cao cấp của Bộ Công an để thâu tóm nhà đất...
Vụ án vừa đề cập xảy ra tại Đà Nẵng từ giữa thập niên 2000 đến đầu thập niên 2010. Trong giai đoạn ấy, chính quyền thành phố này đã duyệt bán cho Vũ "nhôm" bốn khu đất là công thổ, khiến công quỹ mất 18.200 tỉ đồng và 15 công thự, khiến công quỹ mất 1.700 tỉ đồng.
Ngoài Vũ "nhôm", có 20 viên chức ở Đà Nẵng bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trong số này có hai từng là Chủ tịch thành phố. Giống như phiên xử sơ thẩm, ở phiên xử phúc thẩm (bắt đầu từ 5 tháng 5 tại Hà Nội), ngoài Vũ "nhôm", các viên chức Đà Nẵng đã bị tòa án cấp sơ thẩm kết án cùng kêu oan.
Ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch thành phố Đà Nẵng từ 2006 đến 2011, người bị Hội đồng xét xử sơ thẩm phạt 12 năm tù, chứng minh, bản án sơ thẩm có 17 điểm không chính xác. Ông chỉ là người thừa hành chủ trương "giảm giá 10%" của Thường trực Thành ủy và Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng (2).
Ông Chiến khẳng định : Việc "giảm giá 10%" khi bán công thổ, công thự cho Vũ Nhôm" được thực hiện công khai, Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước và nhiều cơ quan hữu trách khác đều biết và không có ai, không có nơi nào phản đối. Thậm chí, có công thự (16 Bạch Đằng), năm 2012 được duyệt cho thuê 50 năm là theo đề nghị của ông Trần Đại Quang, lúc đó là Bộ trưởng Công an và việc định giá công thự bị cáo buộc gây thiệt hại cho công quỹ là do ông Huỳnh Đức Thơ, nay là Chủ tịch thành phố thực hiện…
Những điều ông Chiến đề cập đều có trong hồ sơ nhưng thẩm phán chủ tọa phiên xử phúc thẩm không… ưng, thành ra ông liên tục bị chủ tọa nhắc : Không đổ lỗi, đổ trách nhiệm cho hệ thống lãnh đạo cấp trên nữa ! Ông Trần Văn Minh, một cựu Chủ tịch khác của thành phố Đà Nẵng và là đồng phạm trong vụ án đang được phúc thẩm cũng kêu oan y hệt như vậy. Ông Minh đề nghị triệu tập ông Hoàng Tuấn Anh – người tiền nhiệm và ông Huỳnh Đức Thơ – người đương nhiệm, đến tòa để đối chất nhưng đề nghị bị tòa bác (3).
***
Lập luận của Vũ "nhôm" khi tự bào chữa trong phiên phúc thẩm vụ án "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "vi phạm các qui định về quản lý đất đai" xảy ra tại Đà Nẵng, rõ ràng là hữu lý : Công thổ, công thự thuộc quyền quản trị của hệ thống công quyền, nếu có sai sót khi bán thì đó là trách nhiệm của những người đề ra chủ trương và những người thực hiện, không thể buộc tội bên mua vốn chỉ là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Vậy thì tại sao Vũ "nhôm" lại trở thành bị cáo của hàng loạt vụ án đã hoặc chưa thành án và trước các Hội đồng xét xử cả sơ thẩm lẫn phúc thẩm, Vũ "nhôm" luôn tỏ ra bất phục vì hệ thống tư pháp từ công an, kiểm sát đến tòa án không chứng minh được Vũ "nhôm" lũng đoạn hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương ?
Tại sao chủ một cơ sở chuyên gia công nhôm – kính đột nhiên trở thành sĩ quan tình báo cấp tá của Bộ Công an và "nghiệp vụ" chính chỉ là mở mang sự nghiệp kinh doanh bất động sản của mình ? Tại sao Vũ "nhôm" có thể mua hết công thổ này đến công thự khác từ Đà Nẵng tới Thành phố Hồ Chí Minh và trở thành doanh nhân tên tuổi lẫy lừng ?
Tại sao rất nhiều cá nhân lãnh đạo Bộ Công an và hệ thống công quyền ở Đà Nẵng, ở Thành phố Hồ Chí Minh hết sức tích cực trong việc giúp Vũ "nhôm" làm giàu nhưng không có ai, từ ba viên tướng công an (Trần Việt Tân, Bùi Văn Thành, Phan Hữu Tuấn), 2/3 là Thứ trưởng Công an cho đến các cựu Chủ tịch thành phố, cựu Phó Chủ tịch thành phố, giám đốc cấp Sở,… ở Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh bị truy cứu trách nhiệm vì phạm các tội liên quan đến tham nhũng, chẳng hạn như "nhận hối lộ" ?..
Khi trách nhiệm hình sự trong việc sắp đặt từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài để cùng nhau bán hết công thổ này đến công thự khác cho Vũ "nhôm" chỉ loanh quanh ở những tội như "cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước", "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", "vi phạm các qui định về quản lý đất đai" thì hệ thống tư pháp khó mà buộc Vũ "nhôm" phải "tâm phục, khẩu phục".
***
Chứng minh viên chức nào đó phạm những tội liên quan đến tham nhũng chưa bao giờ là chuyện dễ làm. Đó cũng là lý do thiên hạ buộc các viên chức phải kê khai tài sản và công bố các bản kê khai tài sản cho công chúng giám sát. Việt Nam chỉ làm nửa đầu (buộc các viên chức kê khai tài sản) và giấu nửa còn lại vì… "nhạy cảm và phức tạp" (4).
Ngoài việc công bố bản kê khai tài sản của các viên chức, thiên hạ còn hình sự hóa "làm giàu bất chính" (sử dụng biện pháp hình sự để xử lý những viên chức có tài sản lớn khác thường so với thu nhập hợp pháp và không thể giải thích hợp lý về nguồn gốc tài sản). Hình sự hóa "làm giàu bất chính" đã trở thành cam kết chung, thể hiện trong Công ước Chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc (United Nations Convention against Corruption – UNCAC) (5) nhưng Việt Nam không chấp nhận giải pháp này.
Khi bỏ phiếu thông qua Luật Hình sự mới vào năm 2015, rồi sửa Luật Hình sự mới sửa năm 2015 vào năm 2017, Quốc hội Việt Nam liên tục gạt bỏ đề nghị xác định "làm giàu bất chính" là tội phạm. Cuối năm 2018, khi thông qua Dự luật sửa Luật Phòng – Chống tham nhũng, Quốc hội Việt Nam tiếp tục gạt bỏ những qui định về xử lý tài sản, thu nhập mà các viên chức không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc vì "không đáp ứng yêu cầu không gây xáo trộn, không tác động tới ai mà vẫn bảo đảm chống được tham nhũng" (6).
Những phiên xử các vụ án liên quan đến việc Vũ "nhôm" thâu tóm công sản đã phơi bày vai trò, trách nhiệm của ông Nguyễn Bá Thanh (cựu Chủ tịch, cựu Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cựu Trưởng Ban Nội chính của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam) và ông Trần Đại Quang (cựu Bộ trưởng Công an, cựu Chủ tịch Nhà nước, cựu Ủy viên Bộ Chính trị).
Nếu áp dụng các biện pháp phòng – chống tham nhũng như thiên hạ, công bố bản kê khai tài sản của ông Nguyễn Bá Thanh, ông Trần Đại Quang, ít nhất điều đó cũng đã giúp cho hàng triệu người không ngộ nhận ông Thanh là… "anh hùng" chống… tham nhũng, gia đình ông ắt đã tránh khỏi bẽ bàng khi trót bỏ tiền xây đền thờ ông cho bá tánh đến viếng. Quan trọng nhất, thay vì là tài sản thừa kế, có thể thu hồi khối tài sản khổng lồ trị giá hàng ngàn tỉ mà ông Thanh tạo lập để trả lại cho nhân dân.
Tương tự, nếu hình sự hóa "làm giàu bất chính" để thu hồi những tài sản lớn khác thường so với thu nhập hợp pháp và không thể giải thích hợp lý về nguồn gốc, nhân dân sẽ không phải nghe ông Chiến kêu oan vì chỉ thực hiện đề nghị của Bộ trưởng Công an năm 2012, giao công thự số 16 Bạch Đằng cho Vũ "nhôm" thuê 50 năm để phát triển tiềm lực ngành và cũng không cần phải thắc mắc, tại sao tuần rồi, chủ tọa phiên xử phúc thẩm liên tục răn ông Chiến : Không đổ lỗi, đổ trách nhiệm cho hệ thống lãnh đạo cấp trên nữa !..
Chẳng lẽ chỉ vì Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương đảng chưa kết luận ông Quang có "sai phạm đến mức phải kỷ luật" và "đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét" nên sự dính líu của ông Quang với Vũ "nhôm" trở thành bất khả tư nghị, kể cả khi vai trò của ông thể hiện rất rõ ràng trong hồ sơ những vụ án dính líu đến Vũ "nhôm" ? Lẽ nào do ông Quang nằm trong diện cả nước phải để… tang và đã có… lăng nên hệ thống tư pháp thản nhiên chuyển trách nhiệm của ông sang… vai người khác ?
Đã thề "chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ" sao lại như thế ? Đừng như thế, có lẽ thiên hạ đã không cảm thấy Vũ "nhôm" hữu lý khi thách thức hệ thống tư pháp, cũng không cảm thấy lấn cấn khi những người như ông Văn Hữu Chiến, Trần Văn Minh kêu oan vì xét cho đến cùng, rõ ràng họ không phải chính phạm.
Vì sao cùng tham gia vào tiến trình thực hiện chủ trương chuyển hóa công thổ, công thự thành tài sản riêng của Vũ "nhôm" mà một số người bị phạt tù, một số người như ông Hoàng Tuấn Anh vô sự, thậm chí còn được cất nhắc lên vị trí cao hơn như ông Huỳnh Đức Thơ (hiện là Chủ tịch kiêm Phó Bí thư thành phố Đà Nẵng).
Năm 2016, Bản Kê khai tài sản của ông Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch thành phố Đà Nẵng bị tiết lộ, dư luận rúng động khi biết ông là chủ một biệt thự 300 mét vuông, bốn thửa đất có diện tích từ 150 mét vuông đến 1.021 mét vuông ở trung tâm thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, chưa kể ông còn sở hữu một trại nuôi tôm diện tích 1,5 héc ta, đồng sở hữu một cánh rừng, bốn cơ sở sản xuất kinh doanh và một khối lượng lớn cổ phiếu của Công ty Dana – Ý...
Ông Thơ không thèm giải thích vì sao ông giàu mà chỉ khăng khăng đòi truy tìm "kẻ xấu" đã… hãm hại ông. Ban Thường vụ Thành ủy và UBND thành phố Đà Nẵng cũng vậy, không ai bận tâm tại sao ông Thơ giàu có bất thường mà chỉ yêu cầu điều tra vì sao Bản Kê khai tài sản của ông Thơ "bị lọt ra ngoài" (7).
Ông Thơ không nằm trong số các trường hợp Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam muốn… xem xét, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam thì vẫn không xem giàu có bất thường là… bất thường, thành ra không những vô sự, ông Thơ còn được "qui hoạch" để ngồi vào những vị trí cao hơn.
Trước, ông Nguyễn Bá Thanh, ông Trần Đại Quang và nhiều "ông" khác từng thế, giờ cũng thế, chắc chắn sắp tới sẽ còn nhiều "ông" khác hệt như thế. "Chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ" kiểu Việt Nam rõ ràng không ổn vì tạo ra nhiều nghịch lý.
Những nghịch lý ấy khiến thiên hạ vừa thấy tội nghiệp chính mình vì công sản tiếp tục thất thoát hết chục ngàn tỉ này đến chục ngàn tỉ khác, nợ nần mà chính họ và con cháu phải chia nhau gánh vác càng lúc càng nặng, phúc lợi công cộng càng ngày càng teo tóp, lại vừa có sự đồng cảm nhất định với những Vũ "nhôm", Văn Hữu Chiến, Trần Văn Minh,… bởi xét cho đến cùng, những cá nhân này kém may mắn hơn, chứ không phải kém tử tế hơn nhiều cá nhân khác.
Chuyện kỷ luật nhiều "ông", phạt tù một số "ông" không thu hồi được công sản đã thất thoát. Đã có thế thấy "chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ" nhưng từ chối công bố các bản kê khai tài sản, ngăn cản xử lý "làm giàu bất chính" giống như khuyến khích đưa công sản đã trộm, cướp được vào các bản kê khai tài sản vì tài sản sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt bởi yếu tố "nhạy cảm và phức tạp" đe dọa việc duy trì sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của đảng. Thành ra chỉ cần kê khai trung thực là… xong !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 12/05/2020
Chú thích
(2) https://vnexpress.net/ong-van-huu-chien-toi-khong-co-thuc-quyen-4094908.html
(5) http://dantri.com.vn/phap-luat/giau-bat-thuong-co-the-bi-tich-thu-tai-san-1386181152.htm
Vũ "nhôm" được giao "công vụ" gì ? (Tiếng Dân, 08/02/2018)
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm) về hành vi "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Trước đó, cơ quan An ninh điều tra khởi tố Vũ nhôm về hành vi "Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước" và vụ án đã được chuyển giao cho cơ quan Cảnh sát điều tra để tiếp tục điều tra với tội danh nói trên. Theo báo Thanh Niên thì cơ quan Cảnh sát điều tra đang điều tra cả 2 tội danh mới và cũ.
Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Phan Văn Anh Vũ - Ảnh : internet
Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng nêu rõ việc khởi tố Vũ nhôm về hành vi mà cơ quan này khởi tố là nhằm điều tra, làm rõ toàn bộ hành vi vi phạm pháp luật của Vũ nhôm và các cá nhân, tổ chức có liên quan trong việc mua, bán các nhà, đất công sản tại địa bàn thành phố Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố khác.
Như vậy là cho đến thời điểm này người dân được biết rõ một cách chính thức như sau : 1- Vũ nhôm là một thượng tá (theo xác nhận của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa). 2- Ông thượng tá Vũ nhôm có nắm giữ "tài liệu bí mật nhà nước" (theo quyết định khởi tố của cơ quan An ninh điều tra). 3- Ông thượng tá Vũ nhôm cùng một số cá nhân, tổ chức có liên quan vi phạm pháp luật trong việc mua, bán nhà, đất công sản tại địa bàn thành phố Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố khác (theo giải thích của cơ quan Cảnh sát điều tra).
3 thông tin chính thức được biết rõ nói trên dẫn đến những vấn đề sau đây :
Thứ nhất, việc Vũ nhôm thâu tóm đất đai công sản sai pháp luật ở Đà Nẵng diễn ra hơn 10 năm nay, nhiều người dân và không ít cán bộ đã biết từ lâu nhưng không dám nói, người dám nói thì không có chỗ để nói vì nói ở đâu cũng có thể bị trả thù. Vấn đề là khi nhiều người dân biết và không ít cán bộ biết thì cơ quan bảo vệ an ninh quốc gia không thể không biết. Nếu cơ quan này không biết thì bảo vệ an quốc gia cái nỗi gì ! Biết anh ta vi phạm pháp luật mà vẫn tuyển dụng, thăng quân hàm và giao "công vụ" cho anh ta. Rõ ràng là những người này muốn đứng trên quốc pháp. Cho nên, khi khởi tố anh ta về hành vi "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" thì đồng thời phải khẳng định cái "chức vụ" cái "quyền hạn" cái "công vụ" được giao cho anh ta là bất hợp pháp. Những người tuyển dụng, thăng quân hàm và giao "công vụ" cho anh ta cũng phải chịu trách nhiệm trong vụ án này. Nếu anh ta không phải là thượng tá thật thì ông Trương Quang Nghĩa phải cải chính, nhưng ngay cả trong trường hợp đó thì những người tuyển dụng, giao "công vụ" gì cho anh ta trong việc mua bán bất hợp pháp đất đai công sản "ở Đà Nẵng và một số tỉnh, thành khác" vẫn phải chịu trách nhiệm trong vụ án này.
Thứ hai, chính những "tài liệu bí mật nhà nước" mà anh ta "cố ý làm lộ" từ lâu đã bịt miệng người dân, báo chí và cán bộ, trong đó có cả những cán bộ chính trực trong ngành công an. Họ không dám động đến anh ta vì sợ thế lực của anh ta và không dám động đến những "tài liệu mật" đó. Nếu như việc anh ta "cố ý làm lộ" chỉ là những "tài liệu mật" trôi nổi trên mạng xã hội và nếu như những tài liệu đó được xác minh là tài liệu thật thì phải lập tức hủy mật để công bố cho dân chúng biết là những tài liệu đó đã được ban hành bất hợp pháp. Tôi nghĩ rằng anh ta chẳng có "tài liệu mật" nào khác, vì nếu có thì anh ta đã bán đứng cho những thế lực cần đến nó khi anh ta bỏ trốn ra nước ngoài để tìm chỗ "tị nạn chính trị" rồi.
Thứ ba, việc khởi tố vụ án và bắt Vũ nhôm thể hiện ý chí của những người lãnh đạo cao nhất của đất nước quyết làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước, loại trừ các nhóm lợi ích lũng đoạn các cơ quan công quyền, mang lại sự an lành cho người dân. Quyết tâm đó được sự đồng thuận của nhân dân. Tuy nhiên, trong khi diễn ra quá trình điều tra vụ án, có những luồng thông tin sai lệch trên mạng xã hội và trong dư luận, rằng đây là cuộc "đấu đá" nội bộ, nhằm xóa nhòa ranh giới giữa những người vì nước vì dân và những kẻ bảo kê cho tội phạm. Vì vậy, việc sớm công khai các hành vi bất hợp pháp của những kẻ bảo kê cho tội phạm trong vụ án này không những không cản trở gì đến quá trình điều tra mà còn khôi phục, củng cố niềm tin của nhân dân đối với chế độ.
Hoàng Hải Vân
************************
Bộ Công an Việt Nam vào ngày 7 tháng 2 ra lệnh tạm giam 4 tháng đối với ông Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ "nhôm" và được Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối cao phê chuẩn trong cùng ngày.
Hình chụp hôm 29/4/2016 cho thấy Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ nhôm, (giữa) tại một sự kiện ở Đà Nẵng. AFP
Theo thông báo của Bộ Công An Việt Nam thì sau quá trình điều tra mở rộng vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C44) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, Quyết định khởi tố bị can, Lệnh tạm giam trong thời hạn 04 tháng đối với bị can Phan Văn Anh Vũ về hành vi "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015 để điều tra, làm rõ toàn bộ hành vi vi phạm pháp luật của Phan Văn Anh Vũ và các cá nhân, tổ chức có liên quan trong việc mua, bán các nhà, đất công sản tại địa bàn Thành phố Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố khác".
Bộ Công an cũng tiết lộ, trước đó ông Vũ bị điều tra trong các vụ án "Cố ý làm lộ bí mật nhà nước" và "Trốn thuế" xảy ra tại Đà Nẵng và một số địa phương.
Ông Phan Văn Anh Vũ, năm nay 43 tuổi, bị bắt vào ngày 4 tháng 1 năm 2018, khi ông bị Singapore trục xuất về Việt Nam với lý do vi phạm luật cư trú của Singapore.
Trước đó cơ quan chức năng Việt Nam tiến hành khám nhà và phát lệnh truy tố ông Vũ với tội danh ‘làm lộ bí mật nhà nước.’
Ông Vũ vốn là một nhà kinh doanh nhôm kính tại thành phố Đà Nẵng. Sau đó ông trở thành một nhà kinh doanh địa ốc. Ngoài ra, theo báo chí Việt Nam, ông còn là một sĩ quan tình báo của cơ quan an ninh Việt Nam.
Là một bá tánh bình thường, dĩ nhiên tôi không thể biết ai là những kẻ bảo kê cho Vũ nhôm trước khi họ được cơ quan điều tra cho lộ diện.
Vũ nhôm, tướng công an Bùi Văn Thành và cha con Bùi Thành Nhơn (NovaLand), Bùi Cao Nhật Quân tạo nên một tập đoàn mafia, chuyên môn dùng con bài quyền – tiền để cướp đất.
Tôi chỉ thấy những điều như thế này :
1. Hàng chục khu đất công ở những vị trí đắc địa nhất của Đà Nẵng được bán cho Vũ nhôm với cái giá rẻ mạt không qua đấu giá, đã đem lại cho Vũ nhôm một khoản chênh lệch khổng lồ. Điều đó có nghĩa là, chính quyền thành phố Đà Nẵng thời đó đã mang một khoản tiền khổng lồ lẽ ra phải nộp vào ngân sách đem "biếu không" cho Vũ nhôm. Những người quyết định bán công sản một cách phi pháp này không thể không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Tôi cũng được biết, trong số những công sản được bán rẻ mạt cho Vũ nhôm nói trên, nhiều trường hợp được bán dưới sức ép của một cơ quan có quyền thế nào đó ở Trung ương, việc gây sức ép đó có để lại dấu tích bằng văn bản. Ai là người ký các văn bản gây sức ép phi pháp đó cũng nhất định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. Từ một cái đơn của Vũ nhôm, Công an thành phố Đà Nẵng đã tùy tiện tước một phần quyền tự do đi lại của một công dân bằng cách cấm xuất cảnh đối với công dân này. Ai là người chỉ đạo và ai là người ký quyết định đó cũng phải bị truy cứu.
Bảo kê cho Vũ nhôm tất nhiên không chỉ có những người thuộc 3 thành phần nói trên, nhưng từ những đầu mối của 3 thành phần nói trên có thể lần ra cả một hệ thống. Cơ quan điều tra thừa khả năng để làm được điều này.
Chỉ xin lưu ý rằng, mặc dù được cảnh báo, nhưng Vũ nhôm vẫn được ai đó tạo điều kiện bỏ trốn ra nước ngoài. Và nếu như truyền thông ngoại quốc nói đúng, thì anh ta có ý định lấy cái mác là sĩ quan an ninh làm mồi đem "bí mật quốc gia" cung cấp cho những thế lực cần đến cái "bí mật" đó nhằm đổi lấy quy chế "tỵ nạn chính trị".
Tôi chắc rằng Vũ nhôm chẳng có "bí mật quốc gia" gì để mà đem đổi chác, ngoài cái bí mật của đường dây bảo kê cho anh ta. Nhưng hãy coi chừng, rất có thể ai đó trong đường dây bảo kê của anh ta sẽ bỏ trốn. Và những người này rất có thể nắm giữ bí mật gì đó để có thể mang đi đổi chác.
Cho nên, ngoài việc bảo vệ nghiêm ngặt tính mạng cho Vũ nhôm trong trại giam để đề phòng diệt khẩu, không thể không quản thúc những kẻ bảo kê đã lộ diện.
Hoàng Hải Vân
Nguồn : Tiếng Dân, 14/01/2018
Nhận diện giới ‘tư bản đỏ’ tại Việt Nam (Người Việt, 30/10/2017)
Khoảng cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, tại một quán cà-phê "cóc" gần hội sở của một tờ tuần báo Văn Nghệ tại Sài Gòn. Bữa đó, tình cờ có sự hiện diện của mấy gương mặt "lớn" một thời sáng giá của thành phố này.
Thương xá Eden (cũ) bị tư bản đỏ phá đi xây lại theo lối Đông Âu để kinh doanh. (Hình : Văn Lang/Người Việt)
Nhân bàn luận thời cuộc, chính trị (tình hình lúc đó đang sau "đổi mới" của cộng sản). Một ai đó đưa ý kiến, rằng hiện nay thì công an chỉ biết bảo vệ đảng, nhưng sau này kinh tế thị trường phát triển, thì công an sẽ "chuyển sang" bảo vệ các ông chủ doanh nghiệp, theo nguyên tắc : "Kẻ nào có tiền thì kẻ đó có… quyền !" Nhà văn S.N đã "gạt" đi, cho rằng ai đó vừa phát biểu là kẻ "nói bậy, nói bạ".
Thực tế, sau mấy chục năm "đổi mới" – Theo đuổi kinh tế thị trường, định hướng cái đuôi "xã ngãi" của CSVN đã cho thấy nhận định của người bạn trẻ năm xưa nay đã là… hiện thực.
Dẫn chứng gần đây nhất cho thấy, khi có sự "bất đồng ý kiến" về việc đóng học phí của VinSchool (thuộc tập đoàn VCgroup), với phụ huynh theo học tại trường. Nhiều vị phụ huynh đã dùng Facebook lên mạng đã "complain" về cách tăng học phí không đúng như đã cam kết, khi năm học mới chỉ vừa bắt đầu được một tháng. Lập tức, tập đoàn VCgroup yêu cầu công an điều tra "ngay lập tức" những người dám lên mạng xã hội nói xấu lãnh đạo của tập đoàn (tư nhân) VCgroup.
Cục phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50) của công an Hà Nội lập tức cho triệu tập một số người có ý kiến "bất mãn" với VCgroup tới "làm việc". Điều này rõ ràng trái với những quy định về giao dịch dân sự, và cũng không phải việc của PC 50, vì Facebook trên mạng là công khai danh tánh, chứ chả phải loại "tội phạm công nghệ" gì.
Một người dân sinh sống tại một thành phố du lịch biển, có lần còn kể cho chúng tôi nghe. Là ở xứ của anh, lần đó một vị đại gia giàu nhất nhì trong xứ, với hàng loạt nhà hàng, khách sạn, resort… đi xe hơi, tình cờ có sự va chạm với xe chở nước mắm của người dân. Khi đôi bên xuống xe, cùng đang phân bua chuyện phải quấy. Tình cờ, có một viên sĩ quan công an đi ngang, nhìn thấy vị đại gia kia đang phải cự cãi với dân. Y ta liền gọi điện về sở, lập tức một chiếc xe Jeep chở đầy công an được điều tới để bảo vệ vị đại gia. Dù sau đó mọi việc được giải quyết êm xuôi. Vì đại gia kia cũng là người biết chuyện. Nhưng người dân kể chuyện cho chúng tôi, đã lắc đầu ngao ngán : "Bây giờ giới nhà giàu được bảo vệ chẳng khác gì… vua".
Công viên Chi Lăng (đường Tự Do cũ), bị tư bản đỏ xâm lăng "xẻ thịt" xây thành trung tâm thương mại để kinh doanh. (Hình : Văn Lang/Người Việt)
Ở Cần Thơ, một công ty tư nhân dựa hơi quyền thế, đã ăn quỵt tiền lương của mấy bà cháu nghèo còn vu khống họ. Mấy năm sau, công ty của đại gia thủy sản này làm đám cưới cho con, rước dâu bằng dàn xe hơi xịn, mỗi chiếc cả chục tỷ. Nhưng không trả tiền mua cá cho rất nhiều hộ nông dân nghèo, bị dân treo băng-rôn đòi nợ, thì gia đình đại gia này điện kêu công an tới dẹp…
Buôn vua bán chúa không bằng mua chính sách
Khi Liên Xô và chế độ cộng sản ở Đông Âu sụp đổ, một nhóm không nhỏ người Việt trở về từ các nước này. Ngoài của cải tích lũy được trong quá trình làm ăn ở xứ cộng sản "trời Âu", hành trang họ mang về xứ còn có một thứ Việt Nam chưa từng có, đó là kinh nghiệm mua chính sách. Nói nôm na là kinh nghiệm làm sao cho của cải công (do nhà nước quản lý), chảy vào túi tư nhân (là các công ty do nhóm trở về này lập ra). Muốn được vậy, thì họ phải toa rập với các quan chức cấp cao của chế độ để "mua đứt" chính sách do họ thao túng. Trong bối cảnh xã hội cộng sản Việt Nam đang phân rã, từ công hữu sang tư hữu, từ vô sản sang… hữu sản mà vẫn "ỡm ờ" chuyện định hướng "xã ngãi", làm mảnh đất màu mỡ cho tư bản đỏ, tư bản thân hữu, tư bản rừng rú"… phát triển.
Không phải chỉ khi nhóm "sói Nga" trở về, công cuộc làm ăn của giới tư bản thân hữu mới bắt đầu. Mà trước đó, dù quy mô có nhỏ hơn, nhưng "máu tham đã thấy hơi đồng", khi kinh tế thị trường mở ra, thì các công ty sân sau của "con anh Sáu, cháu anh Năm" cũng đã mọc ra như nấm sau cơn mưa.
Nhưng hùng mạnh như các tập đoàn của đám sói Nga thì sau này mới có. Để đo lường sức mạnh thực sự của họ chỉ cần nhìn vào một thực tế để chứng minh. Đó là, khi Thủ Tướng cộng sản Nguyễn Xuân Phúc vừa nhậm chức, trong một buổi làm việc có đặt vấn đề :"Ai cho phép xây dựng tòa nhà 50 tầng tại Giảng Võ, Hà Nội ?" Các báo trong nước đồng loạt "giật tít" trên tranh nhất để lấy lòng tân thủ tướng. Nhưng qua ngày hôm sau, các báo đồng loạt hạ bài xuống, hoặc "tảng lờ" qua những tít bài "huề trớt", kiểu ai cũng hiểu chỉ người đọc là… không hiểu. Còn mấy tay Facebooker thì tỉ mẩn viết ra những tính toán, đất Giảng Võ lúc trước có giá là 25 triệu đồng/1 mét vuông. Từ khi có dự án xây tòa nhà "chọc trời" kia, thì giá đất đã "vọt" lên tới 300 triệu đồng/1 mét vuông, đem nhân với mấy chục héc-ta thì sẽ ra số tiền là bao nhiêu ? Mà đây cũng chỉ là một phi vụ "nhỏ như con thỏ" trong việc mua đứt chính sách để trở thành phú gia địch quốc.
Giới phân tích chính trị phương Tây cho rằng, với kinh tế thị trường sẽ hình thành ra giai cấp trung lưu, và chính giới trung lưu sẽ quyết định chính sách làm thay đổi chế độ cộng sản. Trên thực tế, chúng tôi thấy quyết định chính sách tại Việt Nam (và có lẽ cả Trung Cộng) là giới tư bản đỏ, tư bản thân hữu chứ không phải giới trung lưu (về căn bản chỉ là những người làm công ăn lương).
Sở dĩ giới phân tích chính trị phương Tây phạm sai lầm, là vì họ đánh giá dựa trên giá trị căn bản của xã hội phương Tây. Là xã hội bầu cử tự do. Do vậy, giai cấp trung lưu chiếm số đông (nhất) trong xã hội, nên giai cấp trung lưu quyết định chính sách và thể chế của xã hội thông qua lá phiếu (dù lý luận này vẫn là khiên cưỡng).
Trong chế độ độc tài, không có bầu cử tự do thì giai cấp trung lưu là giai cấp… thụ động nhất. Họ rất sợ mất địa vị "vô cùng mong manh" của mình, vì chỉ cần bị mất việc một cái là họ đã phải trở về với giai cấp… vô sản lưu manh.
Còn giới tư bản đỏ, tư bản thân hữu… chống lưng phía sau là những nhóm lợi ích có địa vị chính trị. Lúc này họ phải toa rập với nhau để cùng hưởng lợi, cùng bóc lột tài nguyên, tài sản quốc gia, bóc lột dân chúng… Nhưng đồng thời họ cũng "dè chừng" chờ "lật" nhau. Vì chính trị cộng sản không thể chung sống với tư bản (dù là tư bản đỏ, tư bản thân hữu). Nhưng chính cộng sản cũng không có đường lui, vì lợi ích của các nhóm chính trị cũng xâu xé lẫn nhau theo lối "đèn cù". Do vậy, cần có sự thỏa hiệp với nhau, mà thỏa hiệp có tính cách bền vững, lâu dài nhất là thỏa hiệp về chinh sách. Sao cho các phe nhóm, các thành phần kinh tế đều có thể chung sống hòa bình với nhau. Cái đó sẽ dần hình thành một xã hội dân chủ, chỉ có thể được bảo đảm bằng thể chế tam quyền phân lập. Đảm bảo cho mỗi cá nhân quyền tư do (dù là tự do kinh doanh hay tự do ngôn luận, tư tưởng…" Dù "giấc mơ"có thể còn xa, nhưng kinh tế bao giờ cũng quyết định thể chế chính trị, chứ không thể ngược lại.
Văn Lang
Vụ việc doanh nhân Hoàng Khải bị cho là lừa gạt khách hàng vì nhập khăn lụa Trung Quốc về gắn mác thương hiệu "Khaisilk-Made in Vietnam" và bán với giá cao làm dấy lên làn sóng trong dư luận về vai trò quản lý nhà nước, biện pháp xử lý hậu quả vụ việc cũng như ảnh hưởng xấu mà môi trường kinh doanh của Việt Nam phải chịu bởi nạn gian lận trong thương mại như thế ?
Một cửa hàng Khaisilk tại JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay Resort đóng cửa sau khi bị khách hàng tố cáo bán khăn lụa "Made in China". Hình chụp ngày 31/10/2017. Courtesy : Facebook Huỳnh Bá Phương
Không chỉ những ai mua phải khăn lụa thương hiệu Khaisilk mà dư luận đồng loạt bày tỏ sự phẫn nộ trước việc làm lừa dối khách hàng của doanh nhân Hoàng Khải, mặc dù vị doanh nhân có tiếng này đã cúi đầu xin lỗi.
Vụ việc doanh nhân Hoàng Khải, trong hạ tuần tháng 10, bị tố đã bán những chiếc khăn lụa Khaisilk mà ông đã kỳ công tạo dựng thương hiệu suốt gần 3 thập niên qua, chính là khăn nhập từ Trung Quốc do cái mác "Made in China" còn sót lại trên khăn, khiến người tiêu dùng thắc mắc có phải ông Hoàng Khải, một doanh nhân thành đạt, đã lừa gạt khách hàng trong ngần ấy năm và còn bao nhiêu doanh nghiệp kinh doanh "hàng Việt Nam chất lượng cao" gian dối trong thương mại mà chưa bị phát hiện ?
Doanh nhân Hoàng Khải lên tiếng thừa nhận 50% khăn lụa thương hiệu Khaisilk có xuất xứ từ Trung Quốc và sẵn sàng bồi hoàn lại cho những khách hàng đã mua sản phẩm khăn "Made in China" của công ty một cách nghiêm túc. Ông chủ của thương hiệu được cho là tiên phong trong nghề dệt lụa Việt Nam cũng thừa nhận tập đoàn đang đối mặt với khủng hoảng và sẽ rất khó khăn để lấy lại uy tín cho thương hiệu Khaisilk.
Đài RFA trao đổi với một số doanh nghiệp kinh doanh "hàng Việt Nam chất lượng cao" và được cho biết vụ việc doanh nhân Hoàng Khải bị tố cáo làm ăn gian dối "lập lờ đánh lận con đen" làm ảnh hưởng đến công việc kinh doanh cũng như uy tín của các doanh nghiệp khác trên thị trường Việt Nam.
Giám đốc Công ty Yellow Chair Specialty Coffee, tại Sài Gòn nói với RFA rằng một khi doanh nghiệp đã khởi nghiệp với tiêu chí theo đuổi kinh doanh hàng hóa chất lượng cao thì hai yêu tố quan trọng nhất mà họ tâm niệm là uy tín và đạo đức kinh doanh. Nữ giám đốc của thương hiệu cà phê này khẳng định dĩ nhiên giới doanh nhân kinh doanh vì lợi nhuận, nhưng giá cả không phải là mục tiêu cuối cùng mà chính giá trị của thương hiệu mang lại cho khách hàng. Dù tự hào doanh nghiệp của mình trung thành với ý tưởng kinh doanh như thế ; tuy nhiên, Giám đốc Công ty Yellow Chair Specialty Coffee chia sẻ hiện không ít doanh nghiệp lo lắng về ảnh hưởng tiêu cực qua vụ bán hàng giả của thương hiệu Khaisilk bị phanh phui. Bà Giám đốc cho biết :
"Rất ảnh hưởng và tôi rất lo lắng. Ví dụ, trước đây những người có tiền suy nghĩ rằng sản phẩm giá cao thì chắc chắn chất lượng tốt nên họ không e dè khi mua. Nhưng qua vụ bán hàng gian lận của ông Khải Silk thì tất cả những người đang bán giá cao giống ông ấy đều bị ảnh hưởng ghê gớm. Những người tiêu dùng có thể cho rằng các doanh nghiệp bán hàng giá cao có thể có vấn đề giống như ông Khải Silk là mình có thể thấy bị gặp khó khăn. Do đó, bây giờ khách hàng đến mua hàng thì chúng tôi phải giải thích cho thật là kỹ".
Rau Trung Quốc nhìn tươi ngon hơn rau Việt Nam. Photo : RFA
Vấn đề gian lận thương mại tại Việt Nam một lần nữa được dư luận mang ra mổ xẻ nhân vụ việc liên quan chiếc khăn lụa hàng cao cấp của Việt Nam nhưng lại nhập khẩu từ Trung Quốc. Đài Á Châu Tự Do ghi nhận một số doanh nhân gốc Việt ở nước ngoài làm ăn với các doanh nghiệp trong nước gặp rất nhiều rắc rối vì môi trường kinh doanh Việt Nam không cạnh tranh lành mạnh và rủi ro rất cao. Ông Hưng Nguyễn, ở bang Lousiana, Hoa Kỳ cho biết công ty của ông từng nhập khẩu mặt hàng đồ biển đông lạnh và ông đã rơi vào hoàn cảnh mất trắng vì cách thức làm ăn gian dối, không uy tín của những người ở Việt Nam. Ông Hưng Nguyễn kể lại :
"Tại Việt Nam nhiều khi mình không nói được chủ hàng mà mình bị tráo hàng trong những giai đoạn khác. Trước đây khi tôi nhập hàng thì tôi cũng kiểm tra chất lượng sản phẩm từ nhà máy ra đến cảng. Dù kiểm tra chặt chẽ nhưng bị tráo hàng trong khâu vận chuyển. Từ nhà máy đến cảng thì họ tráo hàng trong giai đoạn này. Khi phát hiện bị thất lạc nhiều quá thì tôi kiểm tra và phát hiện hàng bị tráo trước khi xe tải vào trong cảng".
Không những vậy, một vài công ty khác tại Mỹ có chủ là người gốc Việt cho RFA biết họ phải bỏ của chạy lấy người sau thời gian dài kinh doanh tại Việt Nam vì họ cho rằng gian lận thương mại khắp nơi ở trong nước, do người Việt Nam hám cái lợi trước mắt mà không nghĩ đến uy tín hay đạo đức kinh doanh dài lâu.
Ông Duy Lê, một chuyên gia về quản trị thừa nhận những phản ánh về cách thức làm ăn gian dối như vừa nêu là đúng sự thật :
"Tại Việt Nam, một cách nào đó mình làm việc thì nhận thấy sự gian dối đi sâu vào từng ngỏ ngách công việc của nhiều người, từ thấp đến cao ai cũng có điều không trung thực và mọi nơi đều như thế. Thực tế có các doanh nghiệp uy tín, nhưng số đó tôi tin là không nhiều lắm. Gian lận là bởi môi trường. Điều đó không có nghĩa là mọi người Việt Nam đều như thế. Nhưng hiện nay xã hội Việt Nam là như thế".
Yếu tố "gian lận bởi môi trường" mà Chuyên gia Duy Lê đề cập được đa số doanh nhân mà Đài RFA tiếp xúc lý giải rằng môi trường kinh doanh tại Việt Nam chưa tạo được điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp có thể cạnh tranh một cách công bằng, đặc biệt đối với các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng thương hiệu chất lượng cao vì chi phí để sản xuất ra thành phẩm đội giá rất nhiều nên không thể nào bán hàng chất lượng tốt với giá rẻ. Điển hình là một doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức kết hợp với nông dân trồng sản phẩm rau sạch hữu cơ, trong thời buổi thị trường đầy dẫy thực phẩm bẩn, chia sẻ với RFA gặp nhiều khó khăn vì thị phần đầu ra rất hạn chế nên khó cạnh tranh, dù tiêu chí hoạt động vừa giúp nông dân vừa mang lại sức khỏe cho cộng đồng.
Trong khi rất nhiều người tiêu dùng đang theo dõi vụ việc lừa dối khách hàng của thương hiệu Khaisilk sẽ bị khởi tố hình sự hay không và nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam hy vọng các cơ quan chức năng làm công tác quản lý cũng như xúc tiến thương mại sẽ có những hoạt động để trấn an tâm lý người tiêu dùng và cổ súy vực dậy sự tin cậy để "người Việt Nam dùng hàng Việt" thì giới chuyên gia cho rằng sự gian lận thương mại tại Việt Nam sẽ khó mà thay đổi được trong một tương lai gần, như nhận định của Chuyên gia Duy Lê "Tôi đang làm việc trong lãnh vực đào tạo phát triển năng lực cho con người trong tổ chức của công ty. Tôi cảm thấy buồn vì những người nước ngoài làm việc với người Việt Nam, một cách nào đó họ xem thường người Việt Nam. Đó là một nỗi đau".
Hòa Ái, phóng viên RFA
*****************
‘Đụng’ đại gia Đà Nẵng, một nhà báo bị cấm xuất cảnh (VOA, 31/10/2017)
Hội Nhà báo Việt Nam vừa lên tiếng trên báo chí cho biết hội này đang làm việc với cơ quan chức năng để làm rõ vụ Công an Đà Nẵng cấm nhà báo Dương Hằng Nga xuất cảnh vì đơn tố cáo của "đại gia" Phan Văn Anh Vũ, còn gọi là "Vũ nhôm", người mà gần đây cử tri Đà Nẵng đặt câu hỏi vì sao lại có biệt danh "mafia của Đà Nẵng".
Bản phối cảnh của Khu đô thị Đa Phước ở Đà Nẵng, dự án mà nhà báo Dương Hằng Nga cho rằng đã khiến bà bị "gây khó dễ".
Trao đổi với báo chí hôm 31/10, Trưởng ban Kiểm tra của Hội Nhà báo Việt Nam, ông Phan Hữu Minh, cho biết Công an Đà Nẵng đã có công văn xác nhận việc cấm xuất cảnh 3 tháng đối với nhà báo Dương Hằng Nga (tên thật là Dương Thị Hằng Nga), Trưởng văn phòng đại diện khu vực miền Trung và Tây Nguyên của Tạp chí Giao thông Vận tải.
Đại diện Hội Nhà báo Việt Nam cho biết Hội nhận được đơn khiếu nại của bà Nga vào ngày 13/9, theo Tuổi Trẻ.
Trong đơn, bà Nga cho biết khi làm thủ tục xuất cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất để đi Myanmar, bà bị công an cửa khẩu lập biên bản không cho xuất cảnh với lý do bà thuộc diện "chưa được xuất cảnh" theo đề nghị của Công an thành phố Đà Nẵng.
"Gây khó dễ"
Bà Nga còn cho biết bà thường xuyên bị cơ quan công an triệu tập, thậm chí đưa người vào giường bệnh xét hỏi trong thời gian bà đang chăm sóc bố chồng đi mổ ở bệnh viện hồi tháng 6.
Nữ nhà báo cho rằng bà bị cơ quan công an điều tra "gây khó dễ" là do yêu cầu của ông Phan Văn Anh Vũ, biệt hiệu "Vũ nhôm", Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Xây dựng 79, vì 8 bài báo bà viết trước đó với nội dung chống tiêu cực tại dự án Khu đô thị Đa Phước, Đà Nẵng, mà tập đoàn của ông Vũ đầu tư.
Tại cuộc họp giao ban báo chí ngày 26/10 ở UBND thành phố Đà Nẵng, một đại diện của Công an Đà Nẵng, Đại tá Nguyễn Đức Dũng, cho biết công an Đà Nẵng nhận được đơn tố giác tội phạm đối với công dân Dương Thị Hằng Nga từ đầu năm 2017 nên cơ quan này đã thực hiện các bước theo đúng quy trình.
"Việc cấm xuất cảnh là đúng, không có gì sai phạm", Vietnamnet trích lời Đại tá Dũng.
Đại diện Hội Nhà báo Việt Nam cho hay trong văn bản trả lời cho Hội, Công an Đà Nẵng viện dẫn vì lý do đảm bảo bí mật cho công tác điều tra đối với đơn tố giác của ông Vũ, (cho rằng bà Nga đã viết một số bài báo có nội dung xúc phạm lợi ích hợp pháp của công ty, xúc phạm danh dự cá nhân ông), nên cơ quan an ninh điều tra không thông báo cho đương sự biết về đề nghị cấm xuất cảnh.
Vẫn theo văn bản trên, Công an Đà Nẵng khẳng định "điều tra viên không tự tiện vào bệnh viện mà được bà Nga gọi điện mời. Điều tra viên cũng chỉ thăm hỏi động viên người ốm chứ không phải xét hỏi như phản ánh của bà Nga", theo trích dẫn của báo Tuổi Trẻ.
Trong đơn khiếu nại gửi Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan chức năng, bà Nga nói Công an Đà Nẵng đã "hình sự hóa" vụ việc dân sự, làm ảnh hưởng đến quyền công dân và tác nghiệp báo chí của bà.
Một đại diện của tạp chí Giao Thông Vận Tải, Thư ký Đỗ Hoàng Thạch, từ chối đưa ra nhận định với VOA về việc Trưởng đại diện của báo này bị cấm xuất cảnh.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Lưỡng, nói với VOA rằng tổ chức này sẽ chờ kết luận của cơ quan điều tra trước khi đưa ra quan điểm bênh vực cho nhà báo Dương Hằng Nga.
Ông Lưỡng nói : "Quan điểm của Hội Nhà báo Đà Nẵng chúng tôi là mọi việc xảy ra, khi các cơ quan chức năng đã vào cuộc, thì đối với nhà báo, chúng tôi sẽ bảo vệ nhưng, trên cơ sở quan điểm của Hội Nhà báo Đà Nẵng, là bảo vệ phải theo pháp luật".
Vũ "nhôm" là ai ?
Dù là Chủ tịch HĐQT của một tập đoàn nắm trong tay hàng chục dự án lớn ở các khu "đất vàng" Đà Nẵng, nhưng ông Phan Văn Anh Vũ khá kín tiếng trước truyền thông. Cái tên "Vũ nhôm" chỉ mới được nhắc đến gần đây trên báo chí sau vụ "doanh nghiệp tặng xe bất thường" cho thành phố Đà Nẵng bị phanh phui, khiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải "vào cuộc".
Sau vụ này, "Vũ nhôm" lại liên tiếp bị nhắc đến trong hàng loạt vụ lùm xùm khác ở Đà Nẵng như Biệt thự ở bán đảo Sơn Trà, doanh nghiệp xé rừng…, nhưng nổi bật nhất là vụ hai lãnh đạo Đà Nẵng, Nguyễn Xuân Anh và Huỳnh Đức Thơ, bị kỷ luật.
Tháng trước, trong lúc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng tiếp xúc với cử tri quận Cẩm Lệ để chuẩn bị cho Kỳ họp 4 Quốc hội Khóa XIV, một số cử tri địa phương đã đặt câu hỏi "Vũ nhôm là ai mà người ta đặt cho biệt danh mafia của Đà Nẵng ?", theo Dân Trí.
Trả lời câu hỏi của VOA rằng "Liệu có hay không ‘vùng cấm’ đối với nhà báo khi đề cập đến Vũ nhôm ?", đại diện Hội Nhà báo Đà Nẵng nói :
"Nhà báo chúng tôi hoạt động theo nhiệm vụ và theo luật pháp. Nếu trường hợp ông Vũ sai thì đã có luật pháp, người ta sẽ điều tra và có ý kiến. Nếu ông Vũ sai, ông Vũ phải chịu hình phạt của pháp luật Việt Nam".
Khu đô thị Đa Phước là một dự án lấn biển ở Đà Nẵng, do công ty TNHH Daewon của Hàn Quốc làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư lên đến 250 triệu đôla.
Dự án được khởi công ty năm 2008, với nhiều công trình lớn, bao gồm resort, sân golf 18 lỗ theo chuẩn quốc tế, chung cư cao tầng với 8.500 căn hộ, trường học quốc tế, bến du thuyền… Tuy nhiên, sau khi hoàn thành lấn biển giai đoạn 1, công ty Daewon đã "không thể tiếp tục dự án" vì "gặp nhiều trở ngại", theo Người Lao Động.
Dự án đã được chuyển nhượng toàn bộ cho Công ty TNHH Sunrise Bay, mà ông Phan Văn Anh Vũ là người đại diện pháp luật.
Khánh An