Xử án nhanh gọn, phục vụ hội nghị trung ương
Người Buôn Gió, 12/05/2020
Trước một ngày kết thúc phiên tòa phúc thẩm xét xử Trần Văn Minh và Phan Văn Anh Vũ, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo trực tiếp tòa án phúc thẩm tuyên bắt giam ngay hai ông Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến tại tòa.
Các bị cáo nghe đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Thành phố Hà Nội đọc bản luận tội và đề nghị mức án ngày 12/06/2019. Ảnh minh họa
Ông Minh từng giữ chức chủ tịch Thành phố Đà Nẵng, Phó ban tổ chức trung ương, ủy viên trung ương đảng. Việc chỉ đạo cho tòa bắt ông này ngay lập tức, cho thấy quyền lực của Phúc rất lớn, định đoạt số phận của nguyên ủy viên trung ương đảng chỉ trong một tích tắc.
Cuối cùng thì dân đen hay quan chức, đại gia đều có chung một kiểu xét xử giống nhau, đó là chỉ đạo từ trước, chỉ đạo từ trên ngay khi đang xử. Cũng giống như vụ Hồ Duy Hải, vụ việc mua đất của Vũ với Thành phố Đà Nẵng không có chứng cứ vi phạm nào, nhưng có người chết, có đất giá trị thì tất có vụ án và có kẻ chịu tôi.
Theo quy định tại khoản 2, Điều 329 Bộ luật Tố tụng hình sự "trường hợp bị cáo không bị tạm giam nhưng bị xử phạt tù thì họ chỉ bị bắt tạm giam để chấp hành hình phạt khi bản án đã có hiệu lực pháp luật. Hội đồng xét xử có thể ra quyết định bắt tạm giam bị cáo ngay tại phiên tòa nếu có căn cứ cho thấy bị cáo có thể trốn hoặc tiếp tục phạm tội".
Việc Hội đồng xét xử ra quyết định bắt tạm giam đối với ông Trần Văn Minh và ông Văn Hữu Chiến theo lệnh thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là nhằm triệt hạ những phản đối từ hai ông này, bởi trước sau như một cả hai đều không nhận sai và đưa ra những chứng cứ, nghị quyết, kết luận của thủ tướng, trung ương và bộ chính trị. Cơ quan điều tra cũng không kết luận được động cơ vụ lợi của họ.
Các ông Chiến và Minh đã làm theo đường lối của thành ủy Đà Nẵng, đường lối chứ không phải ý kiến riêng của ông Bá Thanh. Đường lối bán đất công lấy tiền để phát triển đô thị, mang lại bộ mặt phát triển của Đà Nẵng đến nỗi người ta khen ngợi đó là hiện tượng mới.
Cả hai vụ án Hồ Duy Hải và Trần Văn Minh, Phan Văn Anh Vũ đều diễn ra một lúc, đều không cần xem xét đến chứng cứ hay phản biện, tòa án kết tội như một cái máy đã được lập trình sẵn từ trước. Nếu vụ Hồ Duy Hải là tiến thân của Nguyễn Hòa Bình thì vụ Đà Nẵng là đường tiến tiếp của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Với việc 17/17 thẩm phán đồng ý với kết luận Hồ Duy Hải đúng tội. Chánh án Nguyễn Hòa Bình có cửa đi tiếp tới chức phó thủ tướng coi về tư pháp như người đàn anh tiền nhiệm Trương Hòa Bình. Ở vụ án Đà Nẵng thì Nguyễn Xuân Phúc cũng vậy. Cả hai đều mượn tòa án để dập tắt những ý kiến chỉ trích mình, nhằm dọn sạch sẽ các dấu vết để không ai dị nghị được.
Trở lại vụ việc Đà Nẵng, công văn số 1570/ CV-BCSĐ ngày 19/11/2019 của ban Cán sự tòa án tối cao, đã báo cáo Ban chỉ đạo 110 rằng không đủ chứng cứ kết tội các bị cáo là đồng phạm. Nhưng cả Bản án sơ thẩm và Bản án phúc thẩm đều bỏ qua ý kiến này và xử theo "luật của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc".
Điều này cho thấy thực lực của Phúc ở trước thềm Đại hội 13 rất mạnh, nếu như Phúc đã chỉ đạo được với nhóm công an, viện kiểm sát, tòa án như vậy... thì tương lai nếu trụ được, Phúc sẵn sàng tiêu diệt bất cứ ai dám ý kiến ngăn cản Phúc ngồi lại khóa sau. Bởi thế ở Hội nghị trung ương 12 đang diễn ra, Phúc không chịu về hưu, còn đòi mình phải ngồi ghế tổng bí thư kiêm chủ tịch nước nếu như ông Trọng về hưu. Tình hình này rất khó cho chọn nhân sự chủ chốt, bởi thực lực Phúc quá mạnh, có thể khiến đại hội bất thành vì không thống nhất được chọn nhân sự.
Lường trước được dã tâm tham vọng của Phúc, tổng bí thư Trọng đã nhấn mạnh không chọn người bè phái, tham vọng quyền lực, được cái mã ngoài, người vợ con thân thích tư lợi... nhưng lòng người phù thịnh chẳng phù suy, ông Trọng già yếu, ông Vượng thì thiếu phe cánh hỗ trợ... con đường đi tiếp của Nguyễn Xuân Phúc khá thênh thang. Cửa duy nhất Nguyễn Phú Trọng có thể áp dụng là theo tiền lệ trước, chỉ một trường hợp duy nhất quá tuổi do bộ chính trị giới thiệu ở lại, còn lại phải làm đơn từ chức. Nhưng tiền lệ trước còn quy định đại hội giới thiệu ai thì người đó làm đơn từ chối, rồi đại hội bầu xem đồng ý từ chức không, sau đó bầu tiếp. Phúc đã lường trước bài học này, đương nhiên sẽ không viết đơn từ chức từ bộ chính trị, không viết đơn từ chối nếu đại hội bầu ra. Qua hai cửa này, Phúc vẫn còn cửa đại hội sẽ bỏ phiếu không đồng ý cho Phúc từ chức.
Các đại gia sân sau của Phúc đã cho người chuẩn bị đi mua phiếu của các đoàn đại biểu. Khi việc mua bán thống nhất xong, sẽ đến màn truyền thông thổi bùng dữ dội về những ưu điểm cực kỳ lớn của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Những cây bút trái quan điểm sẽ bị triệt hạ ngay tại thời điểm trung ương 13, 14 họp.
Chuyện đấu đá, tranh giành ghế là chuyện thường tình của nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam. Nhưng dùng tòa án xét xử bất công để phục vụ âm mưu giành quyền chức của mình, lại là điều đụng đến tính mạng của người dân, đụng đến công bằng mà người dân nào cũng trông đợi. Nếu một xã hội mà pháp luật quyết định đúng sai thế nào là do quan chức quyết định, thì đấy là điều đáng sợ cho nhân dân.
Hãy thôi những trò xét xử theo kiểu căn cứ vào nhân chứng, hồ sơ, bị cáo đã nhận. Vì nhân chứng một chiều, hồ sơ tự bịa ra, bị cáo bị đánh đập phải nhận tội, hay kể cả không nhân tội.
Hãy tuyên án thế này :
Căn cứ vào yêu cầu của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, để phục vụ việc thăng tiến của lãnh đạo, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình xét thấy đầy đủ tình lý để xác định tội bị cáo, không cần phải tranh luận, đối chất, đưa bằng chứng, tòa tuyên án…
Hãy tuyên án thế, chắc chắn dân sẽ tâm phục, khẩu phục.
Người Buôn Gió
Nguồn : nguoibuongio1972, 12/05/2020
******************
Thách thức của Vũ 'Nhôm' và thử lý giải : Sai ở chỗ nào ?
Trân Văn, VOA, 12/05/2020
Đề nghị của Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") khi tự bào chữa tại phiên xử phúc thẩm vụ án "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "vi phạm các qui định về quản lý đất đai" xảy ra tại Đà Nẵng, rõ ràng là sự thách thức Hội đồng xét xử của Tòa án nhân dân tối cao : Chỉ rõ bị cáo đã lợi dụng lãnh đạo nào và lợi dụng thế nào ? Nếu Viện Kiểm sát vẫn không đưa ra được chứng cứ vật chất để buộc tội, đề nghị hủy án sơ thẩm, tuyên bị cáo vô tội (1)...
Cựu thượng tá an ninh Phan Văn Anh Vũ, còn được gọi là Vũ 'nhôm', tại phiên tòa xét xử hôm 7/1/2020 ở Đà Nẵng. (Ảnh chụp màn hình Tuổi Trẻ Onlone)
Nếu theo dõi diễn biến vụ án này ắt sẽ thấy, hệ thống tư pháp Việt Nam (cơ quan điều tra của công an, Viện Kiểm sát – nơi thực thi quyền công tố, cũng như tòa án các cấp) không thể chứng minh Vũ "nhôm" lợi dụng quan hệ với lãnh đạo Đà Nẵng và lãnh đạo cao cấp của Bộ Công an để thâu tóm nhà đất...
Vụ án vừa đề cập xảy ra tại Đà Nẵng từ giữa thập niên 2000 đến đầu thập niên 2010. Trong giai đoạn ấy, chính quyền thành phố này đã duyệt bán cho Vũ "nhôm" bốn khu đất là công thổ, khiến công quỹ mất 18.200 tỉ đồng và 15 công thự, khiến công quỹ mất 1.700 tỉ đồng.
Ngoài Vũ "nhôm", có 20 viên chức ở Đà Nẵng bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trong số này có hai từng là Chủ tịch thành phố. Giống như phiên xử sơ thẩm, ở phiên xử phúc thẩm (bắt đầu từ 5 tháng 5 tại Hà Nội), ngoài Vũ "nhôm", các viên chức Đà Nẵng đã bị tòa án cấp sơ thẩm kết án cùng kêu oan.
Ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch thành phố Đà Nẵng từ 2006 đến 2011, người bị Hội đồng xét xử sơ thẩm phạt 12 năm tù, chứng minh, bản án sơ thẩm có 17 điểm không chính xác. Ông chỉ là người thừa hành chủ trương "giảm giá 10%" của Thường trực Thành ủy và Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng (2).
Ông Chiến khẳng định : Việc "giảm giá 10%" khi bán công thổ, công thự cho Vũ Nhôm" được thực hiện công khai, Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước và nhiều cơ quan hữu trách khác đều biết và không có ai, không có nơi nào phản đối. Thậm chí, có công thự (16 Bạch Đằng), năm 2012 được duyệt cho thuê 50 năm là theo đề nghị của ông Trần Đại Quang, lúc đó là Bộ trưởng Công an và việc định giá công thự bị cáo buộc gây thiệt hại cho công quỹ là do ông Huỳnh Đức Thơ, nay là Chủ tịch thành phố thực hiện…
Những điều ông Chiến đề cập đều có trong hồ sơ nhưng thẩm phán chủ tọa phiên xử phúc thẩm không… ưng, thành ra ông liên tục bị chủ tọa nhắc : Không đổ lỗi, đổ trách nhiệm cho hệ thống lãnh đạo cấp trên nữa ! Ông Trần Văn Minh, một cựu Chủ tịch khác của thành phố Đà Nẵng và là đồng phạm trong vụ án đang được phúc thẩm cũng kêu oan y hệt như vậy. Ông Minh đề nghị triệu tập ông Hoàng Tuấn Anh – người tiền nhiệm và ông Huỳnh Đức Thơ – người đương nhiệm, đến tòa để đối chất nhưng đề nghị bị tòa bác (3).
***
Lập luận của Vũ "nhôm" khi tự bào chữa trong phiên phúc thẩm vụ án "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "vi phạm các qui định về quản lý đất đai" xảy ra tại Đà Nẵng, rõ ràng là hữu lý : Công thổ, công thự thuộc quyền quản trị của hệ thống công quyền, nếu có sai sót khi bán thì đó là trách nhiệm của những người đề ra chủ trương và những người thực hiện, không thể buộc tội bên mua vốn chỉ là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Vậy thì tại sao Vũ "nhôm" lại trở thành bị cáo của hàng loạt vụ án đã hoặc chưa thành án và trước các Hội đồng xét xử cả sơ thẩm lẫn phúc thẩm, Vũ "nhôm" luôn tỏ ra bất phục vì hệ thống tư pháp từ công an, kiểm sát đến tòa án không chứng minh được Vũ "nhôm" lũng đoạn hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương ?
Tại sao chủ một cơ sở chuyên gia công nhôm – kính đột nhiên trở thành sĩ quan tình báo cấp tá của Bộ Công an và "nghiệp vụ" chính chỉ là mở mang sự nghiệp kinh doanh bất động sản của mình ? Tại sao Vũ "nhôm" có thể mua hết công thổ này đến công thự khác từ Đà Nẵng tới Thành phố Hồ Chí Minh và trở thành doanh nhân tên tuổi lẫy lừng ?
Tại sao rất nhiều cá nhân lãnh đạo Bộ Công an và hệ thống công quyền ở Đà Nẵng, ở Thành phố Hồ Chí Minh hết sức tích cực trong việc giúp Vũ "nhôm" làm giàu nhưng không có ai, từ ba viên tướng công an (Trần Việt Tân, Bùi Văn Thành, Phan Hữu Tuấn), 2/3 là Thứ trưởng Công an cho đến các cựu Chủ tịch thành phố, cựu Phó Chủ tịch thành phố, giám đốc cấp Sở,… ở Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh bị truy cứu trách nhiệm vì phạm các tội liên quan đến tham nhũng, chẳng hạn như "nhận hối lộ" ?..
Khi trách nhiệm hình sự trong việc sắp đặt từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài để cùng nhau bán hết công thổ này đến công thự khác cho Vũ "nhôm" chỉ loanh quanh ở những tội như "cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước", "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", "vi phạm các qui định về quản lý đất đai" thì hệ thống tư pháp khó mà buộc Vũ "nhôm" phải "tâm phục, khẩu phục".
***
Chứng minh viên chức nào đó phạm những tội liên quan đến tham nhũng chưa bao giờ là chuyện dễ làm. Đó cũng là lý do thiên hạ buộc các viên chức phải kê khai tài sản và công bố các bản kê khai tài sản cho công chúng giám sát. Việt Nam chỉ làm nửa đầu (buộc các viên chức kê khai tài sản) và giấu nửa còn lại vì… "nhạy cảm và phức tạp" (4).
Ngoài việc công bố bản kê khai tài sản của các viên chức, thiên hạ còn hình sự hóa "làm giàu bất chính" (sử dụng biện pháp hình sự để xử lý những viên chức có tài sản lớn khác thường so với thu nhập hợp pháp và không thể giải thích hợp lý về nguồn gốc tài sản). Hình sự hóa "làm giàu bất chính" đã trở thành cam kết chung, thể hiện trong Công ước Chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc (United Nations Convention against Corruption – UNCAC) (5) nhưng Việt Nam không chấp nhận giải pháp này.
Khi bỏ phiếu thông qua Luật Hình sự mới vào năm 2015, rồi sửa Luật Hình sự mới sửa năm 2015 vào năm 2017, Quốc hội Việt Nam liên tục gạt bỏ đề nghị xác định "làm giàu bất chính" là tội phạm. Cuối năm 2018, khi thông qua Dự luật sửa Luật Phòng – Chống tham nhũng, Quốc hội Việt Nam tiếp tục gạt bỏ những qui định về xử lý tài sản, thu nhập mà các viên chức không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc vì "không đáp ứng yêu cầu không gây xáo trộn, không tác động tới ai mà vẫn bảo đảm chống được tham nhũng" (6).
Những phiên xử các vụ án liên quan đến việc Vũ "nhôm" thâu tóm công sản đã phơi bày vai trò, trách nhiệm của ông Nguyễn Bá Thanh (cựu Chủ tịch, cựu Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cựu Trưởng Ban Nội chính của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam) và ông Trần Đại Quang (cựu Bộ trưởng Công an, cựu Chủ tịch Nhà nước, cựu Ủy viên Bộ Chính trị).
Nếu áp dụng các biện pháp phòng – chống tham nhũng như thiên hạ, công bố bản kê khai tài sản của ông Nguyễn Bá Thanh, ông Trần Đại Quang, ít nhất điều đó cũng đã giúp cho hàng triệu người không ngộ nhận ông Thanh là… "anh hùng" chống… tham nhũng, gia đình ông ắt đã tránh khỏi bẽ bàng khi trót bỏ tiền xây đền thờ ông cho bá tánh đến viếng. Quan trọng nhất, thay vì là tài sản thừa kế, có thể thu hồi khối tài sản khổng lồ trị giá hàng ngàn tỉ mà ông Thanh tạo lập để trả lại cho nhân dân.
Tương tự, nếu hình sự hóa "làm giàu bất chính" để thu hồi những tài sản lớn khác thường so với thu nhập hợp pháp và không thể giải thích hợp lý về nguồn gốc, nhân dân sẽ không phải nghe ông Chiến kêu oan vì chỉ thực hiện đề nghị của Bộ trưởng Công an năm 2012, giao công thự số 16 Bạch Đằng cho Vũ "nhôm" thuê 50 năm để phát triển tiềm lực ngành và cũng không cần phải thắc mắc, tại sao tuần rồi, chủ tọa phiên xử phúc thẩm liên tục răn ông Chiến : Không đổ lỗi, đổ trách nhiệm cho hệ thống lãnh đạo cấp trên nữa !..
Chẳng lẽ chỉ vì Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương đảng chưa kết luận ông Quang có "sai phạm đến mức phải kỷ luật" và "đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét" nên sự dính líu của ông Quang với Vũ "nhôm" trở thành bất khả tư nghị, kể cả khi vai trò của ông thể hiện rất rõ ràng trong hồ sơ những vụ án dính líu đến Vũ "nhôm" ? Lẽ nào do ông Quang nằm trong diện cả nước phải để… tang và đã có… lăng nên hệ thống tư pháp thản nhiên chuyển trách nhiệm của ông sang… vai người khác ?
Đã thề "chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ" sao lại như thế ? Đừng như thế, có lẽ thiên hạ đã không cảm thấy Vũ "nhôm" hữu lý khi thách thức hệ thống tư pháp, cũng không cảm thấy lấn cấn khi những người như ông Văn Hữu Chiến, Trần Văn Minh kêu oan vì xét cho đến cùng, rõ ràng họ không phải chính phạm.
Vì sao cùng tham gia vào tiến trình thực hiện chủ trương chuyển hóa công thổ, công thự thành tài sản riêng của Vũ "nhôm" mà một số người bị phạt tù, một số người như ông Hoàng Tuấn Anh vô sự, thậm chí còn được cất nhắc lên vị trí cao hơn như ông Huỳnh Đức Thơ (hiện là Chủ tịch kiêm Phó Bí thư thành phố Đà Nẵng).
Năm 2016, Bản Kê khai tài sản của ông Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch thành phố Đà Nẵng bị tiết lộ, dư luận rúng động khi biết ông là chủ một biệt thự 300 mét vuông, bốn thửa đất có diện tích từ 150 mét vuông đến 1.021 mét vuông ở trung tâm thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, chưa kể ông còn sở hữu một trại nuôi tôm diện tích 1,5 héc ta, đồng sở hữu một cánh rừng, bốn cơ sở sản xuất kinh doanh và một khối lượng lớn cổ phiếu của Công ty Dana – Ý...
Ông Thơ không thèm giải thích vì sao ông giàu mà chỉ khăng khăng đòi truy tìm "kẻ xấu" đã… hãm hại ông. Ban Thường vụ Thành ủy và UBND thành phố Đà Nẵng cũng vậy, không ai bận tâm tại sao ông Thơ giàu có bất thường mà chỉ yêu cầu điều tra vì sao Bản Kê khai tài sản của ông Thơ "bị lọt ra ngoài" (7).
Ông Thơ không nằm trong số các trường hợp Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam muốn… xem xét, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam thì vẫn không xem giàu có bất thường là… bất thường, thành ra không những vô sự, ông Thơ còn được "qui hoạch" để ngồi vào những vị trí cao hơn.
Trước, ông Nguyễn Bá Thanh, ông Trần Đại Quang và nhiều "ông" khác từng thế, giờ cũng thế, chắc chắn sắp tới sẽ còn nhiều "ông" khác hệt như thế. "Chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ" kiểu Việt Nam rõ ràng không ổn vì tạo ra nhiều nghịch lý.
Những nghịch lý ấy khiến thiên hạ vừa thấy tội nghiệp chính mình vì công sản tiếp tục thất thoát hết chục ngàn tỉ này đến chục ngàn tỉ khác, nợ nần mà chính họ và con cháu phải chia nhau gánh vác càng lúc càng nặng, phúc lợi công cộng càng ngày càng teo tóp, lại vừa có sự đồng cảm nhất định với những Vũ "nhôm", Văn Hữu Chiến, Trần Văn Minh,… bởi xét cho đến cùng, những cá nhân này kém may mắn hơn, chứ không phải kém tử tế hơn nhiều cá nhân khác.
Chuyện kỷ luật nhiều "ông", phạt tù một số "ông" không thu hồi được công sản đã thất thoát. Đã có thế thấy "chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ" nhưng từ chối công bố các bản kê khai tài sản, ngăn cản xử lý "làm giàu bất chính" giống như khuyến khích đưa công sản đã trộm, cướp được vào các bản kê khai tài sản vì tài sản sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt bởi yếu tố "nhạy cảm và phức tạp" đe dọa việc duy trì sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của đảng. Thành ra chỉ cần kê khai trung thực là… xong !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 12/05/2020
Chú thích
(2) https://vnexpress.net/ong-van-huu-chien-toi-khong-co-thuc-quyen-4094908.html
(5) http://dantri.com.vn/phap-luat/giau-bat-thuong-co-the-bi-tich-thu-tai-san-1386181152.htm