Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/05/2020

Sự thay đổi tuyên truyền của Trung Quốc trong đại dịch Covid-19

Lye Liang Fook

Luận điệu của Trung Quốc về cuộc chiến chống Covid-19 đã thay đổi rõ rệt theo sự chuyển biến của tiến trình chống dịch trong nước : từ thận trọng và phòng vệ sang bất mãn với những nhận định về nguồn gốc của virus.

chong1

Luận điệu của Trung Quốc về cuộc chiến chống Covid-19 đã thay đổi rõ rệt theo sự chuyển biến của tiến trình chống dịch trong nước

Tóm tắt

* Luận điệu của Bắc Kinh về cuộc chiến Covid-19 trong những tháng vừa qua đã có sự thay đổi theo hướng tập trung hơn vào công chúng bên ngoài thay vì trong nước Trung Quốc.

* Khi Trung Quốc đang ở trong giai đoạn cam go của cuộc chiến chống Covid-19, luận điệu tuyên truyền của nước này tập trung phản ánh sự hỗ trợ từ bên ngoài, bao gồm các nước thành viên ASEAN, đối với những gì Trung Quốc đang thực hiện ở trong nước.

* Ban đầu, giới chức Trung Quốc dường như chấp nhận rằng virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Vũ Hán. Tuy nhiên, sau khi nỗ lực kiềm chế sự lây lan của virus trong nước, cùng với việc Mỹ quy mối đe doạ virus cho Trung Quốc, nước này đã bắt đầu đặt những câu hỏi và thậm chí là tham gia cuộc khẩu chiến với Mỹ xung quanh vấn đề này.

* Các nước thành viên ASEAN lại xuất hiện trong danh sách các quốc gia nhận được viện trợ của Trung Quốc trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 của Trung Quốc. Điều này được xem là hành động báo đáp của Trung Quốc đối với những nước này sau khi nhận được sự giúp đỡ của họ trước đó.

* Quan trọng hơn, Trung Quốc mong muốn được đánh giá là một đối tác đáng tin cậy, luôn sẵn sàng hỗ trợ và đang phối hợp với các nước khác trong cuộc đối đầu với một mối đe doạ toàn cầu. Thông qua việc này, Trung Quốc cố gắng vớt vát lại những thiệt hại về hình ảnh mà nước này phải hứng chịu do những phản ứng chậm chạp ban đầu.

Giới thiệu

Phản ứng ban đầu chậm chạp của Trung Quốc trước đợt bùng phát virus SARS-CoV-2 ở Vũ Hán đã nhanh chóng nhường chỗ cho các biện pháp hà khắc và khẩn trương, đặc biệt là sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công khai đưa ra chỉ thị vào ngày 20/1/2020 kêu gọi "nỗ lực bằng mọi giá" nhằm kiểm soát sự lây lan của virus. Gần hai tháng sau, vào tháng 3/2020, chuyến thăm được mong đợi từ lâu của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Vũ Hán đã diễn ra, một dấu hiệu cho thấy các biện pháp được đưa ra trước đó đã mang lại hiệu quả.

Luận điệu của Trung Quốc về cuộc chiến chống Covid-19 đã được điều chỉnh phù hợp với những chuyển biến trong việc kiềm chế dịch bệnh. Trong giai đoạn đầu, những phát ngôn chính thức của nước này tập trung vào việc kiềm chế sự lây lan của virus bên trong Trung Quốc và nguồn khởi phát được khẳng định là một địa điểm cụ thể, đó là chợ đầu mối hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán. Trong giai đoạn sau, khi Trung Quốc kiểm soát được tình hình, các ca bệnh bên ngoài nước này bắt đầu tăng lên, Bắc Kinh đã tỏ ra nghi ngờ về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2.

Theo Bắc Kinh, tất cả các nước Đông Nam Á đã sát cánh cùng họ trong cuộc chiến chống lại virus ở Trung Quốc. Khi Trung Quốc bắt đầu mở rộng gói viện trợ của mình đến các nước khác nhằm chống lại sự lay lan toàn cầu của virus, Đông Nam Á lại một lần nữa được mô tả là một phần quan trọng trong nỗ lực đó. Bài viết này sẽ nghiên cứu sự thay đổi luận điệu tuyên truyền của Trung Quốc trong cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2 trong mối tương quan với góc nhìn từ bên ngoài cũng như vai trò của Đông Nam Á trong tiến trình đó.

Sự thay đổi tuyên truyền của Trung Quốc theo góc nhìn từ bên ngoài

a) Luận điệu trong giai đoạn đầu (tháng 1/2020 - giữa tháng 2/2020)

Trung Quốc ban đầu phải tập trung vào kiềm chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trong lãnh thổ nước này. Ngày 20/1/2020, Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi Đảng cộng sản Trung Quốc (Đảng cộng sản Trung Quốc) và chính phủ nước này "nỗ lực bằng mọi giá" để kiềm chế dịch bệnh. Sau lời kêu gọi của Tập Cận Bình, các biện pháp đối phó với dịch bệnh đã được tăng cường. Thành phố Vũ Hán bị phong toả toàn bộ vào ngày 23/1. Hai ngày sau đó, tức là ngày 25/1, cũng là ngày mùng Một Tết âm lịch, Tập Cận Bình đã triệu tập Ban thường vụ Bộ Chính trị để họp bàn về tình hình trên. Cũng tại hội nghị đó, Tập Cận Bình đã tuyên bố thành lập ban chỉ đạo trung ương phòng chống Covid-19 do Thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì theo chỉ đạo của Tổng bí thư. Cũng sau ngày 20/1, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc bắt đầu cung cấp thông tin cập nhật hàng ngày về số các ca được xác nhận nhiễm và nghi nhiễm trên khắp cả nước.

Vào thời điểm đó, luận điệu của Trung Quốc có phần thận trọng và mang tính phòng vệ ở mức độ nào đó, nhất là liên quan đến những chỉ trích nhằm vào các nhà chức trách đã chậm trễ trong phản ứng với dịch bệnh. Ngày 20/1, tờ Thời báo Hoàn Cầu - cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng cộng sản Trung Quốc - đã đưa tin rằng có "một vài người" nghi ngờ chính phủ không cung cấp thông tin liên quan "một cách kịp thời". Tiếp đó, Thời báo Hoàn Cầu giải thích rằng ở thời điểm đó, tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc vẫn chưa rõ ràng và nước này vẫn chưa bước vào giai đoạn tổng động viên, do vậy chính phủ đã đưa ra thông tin với mục đích đảm bảo "sự ổn định và chính xác" thay vì "đưa ra những dự đoán có thể gây hoảng loạn". Lời giải thích này ngầm thú nhận rằng chính phủ đã không muốn công bố thông tin sớm hơn.

Tuy nhiên, ở cấp độ chính thức, giới chức Trung Quốc phủ nhận việc bưng bít thông tin và hạn chế phạm vi nội dung báo cáo về tình hình dịch bệnh. Ngày 22/1, tại một cuộc họp báo của Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện, một phóng viên nước ngoài hỏi về lý do đằng sau sự gia tăng của số ca không được ghi nhận và liệu chính phủ có bưng bít thông tin hay không. Né tránh câu trả lời trực tiếp, Từ Thọ Cường - Chánh văn phòng Văn phòng Quản lý tình huống khẩn cấp thuộc Ủy ban Y tế quốc gia cho biết Chính phủ Trung Quốc coi trọng việc cung cấp thông tin. Ở một diễn biến khác, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết nước này đã thông báo với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng như các quốc gia và tổ chức liên quan về dịch bệnh "một cách kịp thời" và duy trì "kênh liên lạc chặt chẽ" với các chủ thể trên.

Trung Quốc đã nhấn mạnh những đánh giá tích cực của các nước về phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ của nước này đối với dịch bệnh. Điều này phản ánh sự ủng hộ rộng khắp từ bên ngoài đối với những biện pháp chống dịch của nước này. Một cách gián tiếp, Trung Quốc đã thể hiện sự bất an ở mức độ nhất định khi phải cần đến sự ủng hộ của bên ngoài đối với cuộc chiến chống đại dịch ở trong nước.

Một khía cạnh khác trong phản ứng ban đầu của Trung Quốc là nước này thừa nhận rằng virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Vũ Hán. Chợ đầu mối hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán, vốn là nơi buôn bán và giết mổ động vật hoang dã, đã bị đóng cửa và được vệ sinh. Ngày 20/1, Chung Nam Sơn, người từng đi đầu trong cuộc chiến chống SARS năm 2003 của Trung Quốc và đang tham gia tích cực trong cuộc chống dịch Covid-19 hiện tại, phát biểu trên kênh truyền hình trung ương Trung Quốc rằng quá trình truy vết cho thấy rất nhiều ca bệnh có thể bắt nguồn từ hai địa điểm cụ thể ở Vũ Hán liên quan đến hoạt động mua bán động vật hoang dã. Ông khẳng định chắc chắn rằng virus ban đầu lây từ động vật hoang dã sang con người, nhưng sau đó đã tiến hóa để có khả năng lây từ người sang người.

Trung Quốc cũng nhanh chóng phủ nhận suy đoán cho rằng virus SARS-CoV-2 đã bị rò rỉ từ cơ sở công nghệ sinh học thuộc Viện nghiên cứu virus Vũ Hán. Một quan chức cấp cao thuộc cơ sở công nghệ sinh học trên được cho là đã ra sức bác bỏ thuyết âm mưu này. Trong một diễn biến khác, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nhấn mạnh một tuyên bố của các chuyên gia y tế hàng đầu ở nước ngoài trên tạp chí y học uy tín Lancet, trong đó lên án mạnh mẽ những thuyết âm mưu và khẳng định kết luận được nhiều chuyên gia y tế thừa nhận, đó là virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Những phân tích trên chỉ ra rằng Trung Quốc đã thừa nhận virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Vũ Hán.

b) Những luận điệu trong giai đoạn sau (từ giữa tháng 2/2020 trở đi)

Bắt đầu từ nửa cuối tháng 2/2020, khi số ca nhiễm mới được xác nhận sụt giảm mạnh ở Trung Quốc nhưng lại tăng nhanh ở các nước khác như Hàn Quốc, Ý và Iran, luận điệu tuyên truyền của Trung Quốc đã thay đổi. Lập trường của nước này đã được thúc đẩy và trong một số trường hợp cụ thể đã trở nên gay gắt hơn sau chuyến thăm được chờ đợi của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Vũ Hán ngày 10/3.

Một góc nhìn mới đã được đưa ra, trong đó Trung Quốc đã triển khai các biện pháp cứng rắn nhưng hiệu quả trong lãnh thổ nước này để làm chậm sự lây lan của virus SARS-CoV-2 ở ngoài nước. Trung Quốc tiếp tục khẳng định việc liên lạc chặt chẽ và chia sẻ thông tin với WHO cũng như các nước và khu vực khác đã hỗ trợ họ phản ứng tốt hơn với đại dịch. Hiện nay, Trung Quốc cho rằng những nỗ lực của nước này đã đem lại khoảng thời gian quý giá cho thế giới.

Trung Quốc cũng khẳng định rằng nước này là một đối tác đáng tin cậy và sẵn sàng hỗ trợ các nước khác trong cuộc chiến chống Covid-19. Đây chính là một thay đổi trong tầm nhìn của Trung Quốc về một tương lai chung, trong đó, bên cạnh việc hợp tác trong những sáng kiến mang lại lợi ích cho các bên, các nước cần đoàn kết với nhau để đối mặt với những mối đe dọa chung. Cho đến nay, Trung Quốc đã mở rộng các hình thức viện trợ khác nhau, bao gồm cả đội ngũ chuyên gia y tế, các bộ xét nghiệm và trang thiết bị y tế đến nhiều nước bị ảnh hưởng ở Châu Âu, Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ. Bên cạnh sự hỗ trợ về vật chất và nhân lực, Trung Quốc cũng đã chia sẻ kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu về virus SARS-CoV-2 thông qua các hội nghị trực tuyến.

Trung Quốc hiện nay đã bắt đầu nghi ngờ và thậm chí dứt khoát phủ nhận quan điểm cho rằng virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Trung Quốc. Sự phủ nhận này bắt đầu từ việc Chung Nam Sơn phát biểu trong một cuộc họp báo rằng mặc dù virus SARS-CoV-2 xuất hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc, nhưng điều đó không có nghĩa là nó có nguồn gốc từ Trung Quốc. Chung Nam Sơn cho biết hiện nay chưa rõ virus có nguồn gốc từ đâu và chưa thể chắc chắn rằng loại virus này có vật chủ là con tê tê (vốn được bán ở chợ đầu mối hải sản Hoa Nam). Các nguồn khác ngay lập tức rộ lên thành một chiến dịch rầm rộ hơn nhằm thúc đẩy góc nhìn này, cho thấy sự ủng hộ của các lãnh đạo cấp cao đối với nỗ lực nói trên :

- Ngày 29/2, một bài viết trên tờ Thời báo Hoàn Cầu thừa nhận rằng dịch bệnh Covid-19 khởi phát ở Trung Quốc, nhưng khẳng định cho đến thời điểm đó chưa có kết luận của cộng đồng khoa học về xuất xứ của virus.

- Ngày 4/3, Triệu Lập Kiên, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tái khẳng định trong một cuộc họp báo thường kỳ rằng "chưa có kết luận nào được đưa ra về nguồn gốc của virus, công tác truy tìm nguồn gốc vẫn đang được tiến hành".

- Ngày 8/3, Lâm Tùng Thiên, Đại sứ Trung Quốc tại Nam Phi đăng trên trang Twitter : "Dù dịch bệnh bùng phát đầu tiên ở Trung Quốc, nhưng điều đó không có nghĩa là virus có nguồn gốc từ Trung Quốc, chứ chưa nói đến là 'do Trung Quốc tạo ra'".

- Ngày 12/3, Triệu Lập Kiên tỏ ra gay gắt hơn trên Twitter khi ám chỉ rằng "bệnh nhân số 0" xuất phát từ Mỹ. Ông thậm chí đã phỏng đoán rằng "quân đội Mỹ có lẽ đã mang dịch bệnh đến Vũ Hán". Triệu Lập Kiên kêu gọi Mỹ tỏ ra "minh bạch", "công bố dữ liệu của mình" và khẳng định rằng "nước Mỹ nợ chúng ta một lời giải thích".

Đợt phản công của Trung Quốc có lẽ được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, bao gồm sự thành công của chính Bắc Kinh trong việc kiềm chế virus SARS-CoV-2, phản ứng của nước này trước những nỗ lực của Mỹ trong việc tái khẳng định rằng virus có nguồn gốc từ Trung Quốc, cũng như những gì mà nước này xem là nỗ lực của Mỹ nhằm chuyển hướng dư luận khỏi phản ứng nửa vời của Mỹ trong cuộc chiến chống virus. Trung Quốc tỏ ra đặc biệt gay gắt khi Tổng thống Mỹ Donald Trump, Ngoại trưởng Mike Pompeo hay các nghị sĩ Mỹ gọi SARS-CoV-2 là "virus Trung Quốc" hay "virus Vũ Hán", và khăng khăng rằng họ phải sử dụng thuật ngữ trung lập của WHO. Trung Quốc cáo buộc Mỹ đã phát động cuộc chiến đổ lỗi nhằm vào họ.

Vai trò của ASEAN và các nước thành viên

Trong luận điệu biến đổi của mình, Bắc Kinh theo định hướng mang tính toàn cầu nói chung và quan tâm nhiều tới phát ngôn và hành động của Mỹ nói riêng. Điều này hoàn toàn không đáng ngạc nhiên, vì Mỹ vẫn là chủ thể chiến lược quan trọng nhất trong con mắt của Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, ASEAN và các nước thành viên không thực sự nổi bật, nhưng cũng có những khía cạnh nhất định cần được nhấn mạnh.

Trong suốt quá trình chống Covid-19 của Trung Quốc, nhất là trong giai đoạn đầu, tầm quan trọng của ASEAN và các nước thành viên trong luận điệu của Trung Quốc được thể hiện trên hai khía cạnh chính. Thứ nhất, Bắc Kinh nhấn mạnh rằng những nước này đã hoàn toàn ủng hộ nỗ lực chống dịch của Trung Quốc. Truyền thông chính thức của Trung Quốc trích dẫn phát biểu của các nhà lãnh đạo Việt Nam, Campuchia, Lào, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Brunei, Philippines, Thái Lan và Singapore bày tỏ sự ủng hộ và đoàn kết với Trung Quốc. Một bài báo của Tân Hoa xã dẫn lời Thủ tướng Lý Hiển Long kêu gọi các nước hợp tác với nhau và kiềm chế tâm lý bài Trung Quốc. Cụ thể, bài báo trích dẫn phát biểu của Thủ tướng Singapore : "Virus có thể đã bắt đầu từ Vũ Hán nhưng nó không loại trừ quốc tịch hay chủng tộc. Nó không kiểm tra hộ chiếu của bạn trước khi nó xâm nhập vào cơ thể của bạn và bất kỳ ai cũng có thế bị nhiễm bệnh".

Trong số các nước thành viên ASEAN, Campuchia là đất nước được nhắc đến nhiều nhất, đặc biệt là sau khi Thủ tướng Hun Sen trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm Trung Quốc vào ngày 5/2/2020, sau khi virus SARS-CoV-2 bắt đầu lây lan. Chủ tịch Tập Cận Bình miêu tả chuyến thăm trên là bằng chứng về tinh thần đoàn kết và phản ánh mối quan hệ tốt đẹp ngay cả trong hoạn nạn giữa hai nước. Campuchia tiếp tục trì hoãn việc áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại và hàng không đối với Trung Quốc, thậm chí cả việc di tản công dân của mình từ Trung Quốc. Hun Sen thậm chí đã chuẩn bị đi thăm các sinh viên Campuchia ở Vũ Hán nhân chuyến thăm Bắc Kinh.

Thứ hai, Trung Quốc nhấn mạnh cam kết hợp tác với ASEAN cũng như sự ủng hộ của ASEAN đối với Trung Quốc trong cuộc chiến chống Covid-19. Ngoại trưởng Vương Nghị đã hội kiến những người đồng cấp ASEAN tại một hội nghị ngoại trưởng đặc biệt ASEAN-Trung Quốc về Covid-19 tại Viêng Chăn vào ngày 20/2. Các kênh thông tin chính thức của Trung Quốc cho biết hội nghị bắt đầu bằng một đoạn phim về "sự đoàn kết của nhân dân Trung Quốc trong cuộc chiến chống dịch bệnh" và "sự bày tỏ cảm thông và ủng hộ của lãnh đạo 10 nước ASEAN". Các nguồn tin này cũng cho biết thêm rằng sau hội nghị, Vương Nghị và những người đồng cấp ASEAN đã nắm tay nhau theo phong cách truyền thống của ASEAN để "cổ vũ cho Vũ Hán và Trung Quốc".

Bắc Kinh tiếp tục tán thành sự phối hợp và hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa Trung Quốc và ASEAN trong cuộc chiến chống Covid-19. Tại hội nghị ngoại trưởng đặc biệt ASEAN-Trung Quốc, Ngoại trưởng Vương Nghị đã đề nghị Trung Quốc và ASEAN tăng cường sự hợp tác giữa các cơ quan y tế, cách ly, vận tải và kiểm soát biên giới của hai bên. Ông cũng đề xuất thành lập các trung tâm dự trữ ASEAN-Trung Quốc để tập hợp nguồn lực cho công tác kiểm soát dịch. Ông dường như ủng hộ lời đề nghị của những người đồng cấp ASEAN về việc tổ chức một hội nghị đặc biệt giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc-ASEAN vào thời điểm thích hợp để nâng cấp quan hệ hợp tác. Điều này có lẽ là nhằm phủ đầu trước những chỉ trích rằng hội nghị ngoại trưởng đặc biệt ASEAN-Trung Quốc đã không được tổ chức ở cấp độ cao như trong năm 2003 khi các nhà lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc đã gặp nhau gần như ngay lập tức để thảo luận về phản ứng chung với dịch SARS.

Trong hoạt động viện trợ của Trung Quốc, các nước thành viên ASEAN được mô tả là những nước được hưởng lợi chủ yếu từ sự hỗ trợ của Trung Quốc mặc dù phần lớn viện trợ dường như đã được chuyển đến Châu Âu khi khu vực này trở thành tâm dịch mới. Tuy vậy, Philippines và Campuchia vẫn nằm trong số những nước đầu tiên nhận được tài trợ của Trung Quốc. Đầu tháng 2/2020, khi vẫn đang nỗ lực kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh, Trung Quốc đã tài trợ 200.000 khẩu trang và tuyên bố sẵn sàng chia sẻ thông tin y tế cũng như kết quả nghiên cứu về virus SARS-CoV-2 với Philippines. Tháng 3/2020, Trung Quốc cung cấp cho Campuchia một lượng không xác định chất xét nghiệm, quần áo bảo hộ, khẩu trang y tế và các vật tư liên quan khác.

Việc Trung Quốc viện trợ cho Philippines và Campuchia đầu tiên một phần là vì đây là hai đồng minh gần gũi về mặt chiến lược với nước này. Một lý do quan trọng khác đây là hai nước thành viên ASEAN đầu tiên hỗ trợ Trung Quốc. Ngày 26/1, Philippines đã tài trợ 3,16 triệu khẩu trang cho Trung Quốc (con số này không hề nhỏ), trong khi Campuchia gửi hỗ trợ 5.000 khẩu trang vào ngày 5/2, chủ yếu là từ những gia đình có con em được hưởng lợi từ hoạt động chữa bệnh miễn phí tại Trung Quốc. Ngoài những nỗ lực này, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã thể hiện sự ủng hộ của cá nhân ông đối với cuộc chiến chống Covid-19 của Trung Quốc qua chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 2/2020. Campuchia và Trung Quốc thậm chí đã tiến hành cuộc tập trận chung lần thứ tư có tên gọi "Rồng Vàng 2020" ở tỉnh Kampot vào tháng 3/2020.

Trung Quốc đã không ngừng mở rộng sự hỗ trợ của mình đến các nước thành viên ASEAN khác mà trước đó cũng đã viện trợ cho họ :

- Tháng 3/2020, Malaysia tiếp nhận gói trang thiết bị y tế đầu tiên, gồm 5.000 khẩu trang thường và 10.000 khẩu trang y tế, được chuyển đến bệnh viện Sungai Buloh, một bệnh việc chuyên điều trị bệnh nhân Covid-19. Nước này còn tiếp nhận thêm 10.000 khẩu trang từ Hiệp hội Phát triển kinh tế Trung Quốc-Châu Á.

- Tháng 2/2020, các chuyên gia y tế Thái Lan được cho là đã liên hệ với Chung Nam Sơn để được hỗ trợ về điều trị lâm sàng cho bệnh nhân Covid-19, đồng thời các bộ xét nghiệm cũng đã được gửi đến nước này. Trung Quốc cũng đã viện trợ quần áo bảo hộ và mặt nạ chống giọt bắn cho Thái Lan.

- Indonesia đã nhận 800.000 bộ xét nghiệm, hàng chục nghìn đôi găng tay y tế và 17 tấn trang thiết bị phòng chống dịch khác.

- Myanmar, Lào và Brunei cũng đã nhận nhiều hình thức hỗ trợ từ Trung Quốc (1).

Tuy nhiên, đã có lúc Trung Quốc không hài lòng về việc một số nước thành viên ASEAN đã áp dụng biện pháp hạn chế đi lại đối với du khách từ Trung Quốc. Điều này được thể hiện rõ ràng trong các phát biểu của Vương Nghị tại Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao đặc biệt ASEAN-Trung Quốc khi ông kêu gọi các nước thành viên ASEAN sớm "nối lại các hoạt động giao lưu nhân dân và hợp tác, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi nước".

Sức ép của Trung Quốc đối với các nước thành viên ASEAN nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với những chỉ trích nhằm vào Mỹ, vốn bị Trung Quốc cáo buộc là nước đầu tiên sơ tán nhân viên lãnh sự ở Vũ Hán và cũng là nước đầu tiên áp dụng lệnh cấm đi lại đối với du khách Trung Quốc. Sau đó, khi Covid-19 lây lan tới các khu vực khác của thế giới và Trung Quốc phải đối mặt với mối đe dọa mới từ các ca bệnh "nhập khẩu", nước này đã hạ giọng về vấn đề này. Trung Quốc đã thừa nhận rằng các biện pháp hạn chế mà các nước khác áp dụng là nhằm bảo vệ sức khỏe, an ninh của công dân mỗi nước và bảo vệ an ninh sức khỏe cộng đồng trong khu vực và trên toàn cầu. Về phần mình, nước này trên thực tế cũng đã dừng nhập cảnh tất cả người nước ngoài và giảm đáng kể số chuyến bay quốc tế đến Trung Quốc.

Kết luận

Luận điệu của Trung Quốc về cuộc chiến chống Covid-19 thay đổi theo sự chuyển biến của tiến trình chống dịch trong nước. Nhìn chung, luận điệu của họ đã thay đổi rõ rệt từ thận trọng và phòng ngừa sang sắc thái khác, trong đó nước này tỏ ra bất mãn với nhận định cho rằng virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Trung Quốc. Trong sự thay đổi này, Trung Quốc tập trung vào Mỹ. ASEAN và các nước thành viên không được nhắc đến trên khía cạnh này.

Vai trò của ASEAN và các nước thành viên được thể hiện rõ nhất trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm mô tả các nước này là những đối tác của Bắc Kinh trong cuộc chiến chống Covid-19 ; sự thúc đẩy này rõ ràng nhất là trong giai đoạn đầu tiên. Sau đó, khi Trung Quốc đạt được bước ngoặt trong cuộc chiến chống dịch bệnh và bắt đầu mở rộng hoạt động viện trợ tới nước ngoài, các nước thành viên ASEAN đã trở thành tâm điểm như là một phần trong đóng góp của Trung Quốc vào các nỗ lực toàn cầu trong cuộc chiến chống Covid-19.

Trung Quốc sẽ cung cấp nhiều sự hỗ trợ hơn nữa cho các nước thành viên ASEAN trong tương lai gần, nhất quán với luận điệu tuyên truyền của Bắc Kinh, trong đó coi trọng mối quan hệ không chỉ với các nước thành viên mà còn với toàn thể khối ASEAN. Thông điệp này nhiều khả năng sẽ được thực thi trong năm 2020, khi Trung Quốc kỷ niệm các cột mốc quan trọng trong quan hệ với Myanmar, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Philippines và Singapore. Bước đi đầu tiên đã được thực hiện thông qua chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong năm 2020 của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Myanmar. Mặc dù sự tương tác giữa Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN đã bị gián đoạn tạm thời do Covid-19, nhưng Bắc Kinh đã đặt nền tảng cho việc thúc đẩy quan hệ thông qua các gói hỗ trợ đối với các nước này trong cuộc chiến chống Covid-19.

Lye Liang Fook

Nguyên tác : The Fight Against Covid-19 : China's Shifting Narrative and Southeast Asia, ISEAS, 07/04/2020

Minh Anh giới thiệu

Nguồn : Nghiên cứu Biển Đông, 11/05/2020

Lye Liang Fook là Điều phối viên của Chương trình Nghiên cứu Chính trị và Chiến lược Khu vực, Chương trình Nghiên cứu Việt Nam tại ISEAS - Viện Yusof Ishak. Bài viết được đăng trên ISEAS.

Ghi chú :

(1) Tất cả các nước thành viên ASEAN đều hỗ trợ Trung Quốc dưới hình thức nào đó, bao gồm cả Việt Nam và Singapore. Tuy nhiên, Việt Nam và Singapore vẫn chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ vật chất nào từ Trung Quốc bởi vì những nước này vẫn có thể tự mình tiến hành cuộc chiến chống dịch bệnh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lye Liang Fook
Read 605 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)