Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Chi nhiều cho lực lượng an ninh cơ sở có giúp ổn định trật tự ?

RFA, 29/08/2023

Đại biểu quốc hội Phạm Văn Hòa thuộc tỉnh Đồng Tháp tại phiên họp về ‘Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở’ hôm 28/8/2023 cho biết kinh phí cho lực lượng bảo vệ an ninh trật tự cơ sở là ‘rất cao’.

anninh1

Lực lượng Công an xã bán chuyên trách tham gia công tác đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở.

Theo Đại biểu quốc hội Phạm Văn Hòa, ngân sách phải chi 540 tỷ đồng mỗi tháng cho 300 ngàn người của lực lượng này.

Một người sinh sống ở Sài Gòn không muốn nên tên vì lý do an toàn, cho RFA biết ý kiến liên quan việc này :

"Cái con số mà ông đại biểu Quốc hội nói ra thì mình không biết thực hư như thế nào bởi con số này là bí mật. Nhưng con số chắc chắn là rất lớn. Họ muốn tạo ra một mạng lưới chân rết quần chúng sát với từng người dân. Tôi nghĩ họ muốn tạo ra một hệ thống thật kín kẽ, để nắm được từng chân tơ kẽ tóc, rồi nắm được mọi hoạt động tiềm ẩn, theo họ có thể là nguy cơ... thì họ phát hiện được sớm. Một lực lượng như thế, thì rõ ràng tiền phải rót xuống nhiều, ngân sách rót nhiều hơn, rõ ràng là tốn kém nhiều hơn".

Lý giải về con số phải chi 540 tỷ đồng mỗi tháng cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, Đại biểu quốc hội Phạm Văn Hòa cho biết Dự thảo luật không quy định cụ thể mức bồi dưỡng là bao nhiêu, nhưng ông Hòa nghĩ thấp nhất cũng phải bằng mức lương cơ sở, nghĩa là khoảng 1,8 triệu đồng/người/tháng.

Phát biểu tại phiên họp hôm 28/8, ông Hòa tính toán nếu ‘Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở’ chính thức thông qua thì với 100.000 tổ, trung bình mỗi tổ ba người, thì Việt Nam có 300.000 người. Với mức bồi dưỡng 1,8 triệu đồng/tháng thì phải chi 540 tỷ đồng mỗi tháng, tức mỗi tỉnh, thành là 8,4 tỷ đồng, chưa kể hỗ trợ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện…

Trước đó, theo giải trình của Chính phủ vào hồi tháng 5 năm 2023, tổng mức chi trung bình dự kiến của một tỉnh, thành chi trả chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chỉ khoảng 2,4 tỷ đồng/tháng.

Cựu trung tá quân đội Vũ Minh Trí từ Hà Nội hôm 29/8, nhận định với RFA :

"Tôi nghĩ con số đó quá lớn, có thể có những phần khác nhưng không đáng kể, ví dụ như Ủy ban Nhân dân cấp xã phường tự chi cho lực lượng dân phòng, trật tự ở địa phương… Nhưng chắc cũng vẫn phải theo luật ngân sách, bởi vì Việt Nam bây giờ thực hiện luật ngân sách tương đối chặt chẽ, không thể chi bậy bạ, mà chẳng tội gì người ta làm vậy".

Tuy nhiên ông Vũ Minh Trí cho rằng, việc này cho thấy đảng và chính quyền cảm thấy chưa được an toàn, vì mục tiêu của công an và an ninh là bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ :

"Chi càng nhiều, càng chứng tỏ tâm lý không yên tâm của Đảng và chính quyền. Chứ nếu họ cảm thấy yên tâm, không có thế lực thù địch, không bị chống phá thì không cần phải chi nhiều tiền như thế và phải duy trì một lực lượng đông đến 300.000 người. Tôi cảm thấy số tiền phải chi đó hết sức vô ích, việc chi tiền như vậy hoàn toàn không cần thiết, thứ hai nó lãng phí rất nhiều tiền của nhân dân".

anninh2

Lực lượng chức năng làm việc hết công suất, chận xét hỏi dân về việc kiểm soát dịch Covid-19. Ảnh : Độc Lập

Bộ Công an khi giới thiệu Dự thảo luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở ở Hà Nội vào năm 2022 từng cho biết, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở với khoảng 300.000 người, là lực lượng quần chúng tự nguyện, hỗ trợ bảo vệ an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn...

Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già khi trả lời RFA liên quan vấn đề này cho rằng, lực lượng an ninh cơ sở sẽ sinh ra những hệ lụy như rình mò, hạch sách, trấn áp, lộng quyền... Ông Nguyễn Ngọc Già nói tiếp :

"Những năm sau này, người dân cũng thấy rất nhiều hệ lụy của chuyện gọi là ‘hiệp sĩ đường phố’... Hay bản thân tôi ở tù cũng dám khẳng định là họ dùng cái gọi là ‘tù trị tù’ ; trong trường học thì họ dùng ‘học trò trị học trò’, đó là đội sao đỏ mà rất nhiều hậu quả xảy ra... Rồi bây giờ trong xã hội, họ chính thức dùng ‘dân trị dân’... Thế thì tôi hỏi nhà nước để làm gì ?"

Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh khi giới thiệu Dự thảo luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở ở Hà Nội vào năm 2022 cho rằng, lực lượng được kiện toàn theo dự thảo Luật này sẽ là cánh tay nối dài cho công an chính quy cấp xã, qua đó an ninh trật tự ở cơ sở chắc chắn sẽ được đảm bảo.

Tuy nhiên theo cựu trung tá Vũ Minh Trí, sẽ lãng phí nếu chi quá nhiều tiền thuế của dân cho lực lượng công an :

 "Ở đây nó liên quan đến vấn đề chức năng nhiệm vụ của lực lượng công an. Tôi đã từng đọc bài viết của ông Nguyễn Tài, từng là Thứ trưởng Bộ Công an, nói về chức năng nhiệm vụ của lực lượng an ninh là bắt gián điệp các nước thù địch phái vào Việt Nam phá hoại, hay ăn cắp bí mật về chính trị, kinh tế, quân sự… Nhưng bây giờ lực lượng an ninh chủ yếu là nhắm vào các tầng lớp nhân dân, chỉ cần đọc tên của các lực lượng cũng đã thấy rõ, ví dụ như ‘Cục an ninh chính trị nội bộ’ ; ‘Cục an ninh tư tưởng văn hóa’ nắm văn nghệ sĩ…"

Theo ông Trí rõ ràng là rất tốn kém, mà không đạt được mục đích bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Ông Trí cho rằng, số tiền đấy chi ra vì sai mục đích, sai đối tượng… cho nên nó lãng phí và không đạt được kết quả.

Nguồn : RFA, 29/08/2023

*************************

Tấn công mạng tại Việt Nam và quan tâm của Nhà nước ?

RFA, 25/08/2023

Công ty Công nghệ BKAV vào ngày 24/8/2023 cho truyền thông nhà nước biết trong tháng 7 vừa qua, Việt Nam có hơn 100 ngàn máy tính nhiễm mã độc Fabookie chuyên đánh cắp tài khoản Facebook Bussiness.

anninh3

Ảnh minh họa. AFP PHOTO

Theo BKAV, mã độc Fabookie thực hiện việc đánh cắp thông qua Cookie và mật khẩu được lưu trong trình duyệt, tương tự các mẫu mã độc đánh cắp tài khoản khác.

Chuyên gia công nghệ thông tin Hoàng Ngọc Diêu, từ Sydney, Úc hôm 25/8 nhận định với RFA :

"Tôi nghĩ BKAV làm rùm beng lên để promo, chứ tôi thấy chuyện này là bình thường. Chuyện trên mạng xã hội Facebook có những thứ mã độc, nếu vô người ta mất tài khoản, là chuyện xảy ra nhiều năm nay, chứ không phải mới lần này. Nếu như cơ sở hạ tầng hoặc App bị lỗi về bảo mật thì chắc chắn Facebook sẽ fix liền, vì ảnh hưởng đến hàng tỷ người dùng, chứ không thể để như vậy".

Trong khi mã độc APT32 mà hồi năm 2020 Facebook từng cáo buộc nhóm tin tặc APT32 do Chính phủ Việt Nam hậu thuẫn lan truyền mã độc... thì theo Chuyên gia công nghệ thông tin Hoàng Ngọc Diêu nguy hiểm hơn nhiều, vì nó tấn công cả hệ điều hành :

"Mã độc APT32 lây lan thâm nhập những nền tảng trên cơ sở hệ điều hành. Có nghĩa là xài máy tính chạy Window không được vá lỗi thường xuyên, sẽ biến thành một cái ổ, nó hoành hành, nó phá... Người dùng ở Việt Nam xài máy tính không có khái niệm vá lỗi hay cập nhật. Thậm chí họ dùng nhu liệu không có bản quyền, bị crack trôi nổi trên internet, họ không có khái niệm bảo vệ danh tánh cũng như thông tin cá nhân... cho nên rất dễ bị thâm nhập. Chứ đối với những người có ý thức và phương tiện thì chuyện đó rất khó xảy ra. Facebook cũng như vậy, là một phương tiện người ta sử dụng, nhưng không rộng như APT32 tấn công trên nền tảng hệ điều hành".

Đài Á Châu Tự Do hôm 25/8/2023 nhiều lần liên lạc Công ty Bảo mật BKAV để xác nhận thông tin này, nhưng không nhận được phản hồi.

Tại phiên họp của Ban Chỉ đạo an toàn, an ninh mạng quốc gia vào chiều ngày 25/8/2023, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính với vai trò Trưởng Ban Chỉ đạo cho rằng ‘Không gian mạng đã trở thành không gian chiến lược ’...

Theo ông Phạm Minh Chính, trong bối cảnh các cuộc tấn công mạng ở Việt Nam gia tăng... thì an toàn, an ninh mạng phải là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, lâu dài nhằm duy trì môi trường lành mạnh, tin cậy cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân... Tuy nhiên theo truyền thông nhà nước, ông Chính tại phiên họp không nói rõ đã có những hỗ trợ gì cho người dân và doanh nghiêp để đảm bảo an toàn mạng...

Ông Diệp Quang Văn, giám đốc công ty công nghệ thông tin ở Bình Dương khi trả lời RFA liên quan việc này, nói :

"Công ty mình thì mình chỉ có tăng cường bảo mật lên thôi, các công ty khác thì mình không rõ, chứ nhà nước không tác động cá nhân. Công ty mình lấy thông tin từ cơ quan thông tin đại chúng, chứ hoàn toàn không có hỗ trợ nào về tài chánh hay nhân lực từ chính phủ".

anninh4

Ảnh minh họa. Reuters.

Chuyên gia công nghệ thông tin Hoàng Ngọc Diêu, cho rằng :

"Hồi nào giờ nhà nước Việt Nam không ưu tiên bảo vệ cho người dân trên nền tảng mạng xã hội hay internet. Đảng chỉ muốn bảo vệ đảng, bao nhiêu trường hợp người dân bị mất mát, họ không làm gì để bảo vệ hay đền bù. Những lý do họ đưa ra, thay vì nói bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ thì thô bỉ quá, nên họ nói bảo vệ cho người dân trên không gian mạng. Nhưng thật sự đó là kiểm soát thông tin để biết rõ người dân muốn gì, phản đối gì, gây dư luận gì bất lợi cho đảng và chế độ, đó là cách họ kiểm soát".

Vào tháng 3 năm 2023, truyền thông nhà nước dẫn Báo cáo từ Kaspersky Czechurity Network cho biết, số vụ tấn công trực tuyến tại Việt Nam được phát hiện và ngăn chặn trong năm 2022 là gần 42 triệu vụ, giảm 33,8% so với hơn 63 triệu vụ vào năm 2021.

Trong khi đó, theo báo cáo của Cục An toàn thông tin thuộc Bộ TT&TT, thì số cuộc tấn công mạng hướng vào Việt Nam trong 11 tháng của năm 2022 tăng 44,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Số liệu tấn công mạng tại Việt Nam, nên tin vào đâu ? Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Chủ tịch Hội tin học Việt Nam, khi nhận định với RFA về vấn đề này, nói :

"Những con số thống kê thì thường nó gắn với từng giai đoạn, còn con số tấn công an ninh mạng thì nó cũng có thể thay đổi theo thời gian, do đó chuyện người ta nói có thể giảm hay tăng là điều không có gì lạ. Nhưng vấn đề ở đây là bản thân cái số liệu do cơ quan nhà nước đưa ra thường không phản ánh thực tế cho lắm".

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, tình hình an toàn thông tin của Việt Nam hiện nay rất kém. Thứ nhất theo ông, là vì các cơ sở nắm giữ thông tin như cơ quan nhà nước, ngân hàng, công ty… chưa ý thức tốt lắm về vấn đề an toàn thông tin. Thứ hai ông cho rằng, phải có quy trình và con người theo dõi và bảo vệ an toàn thông tin, thì Việt Nam cũng chưa làm tốt.

Lẽ ra, theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Luật An ninh mạng của Việt Nam phải làm những việc đó là chính, như nâng cao nhận thức cho quan chức nhà nước, xây dựng các tổ chức hay bộ phận chuyên lo về an toàn thông tin, của từng cơ quan nhà nước, rồi thì thúc ép các doanh nghiệp cũng phải làm việc đó và cuối cùng là Chính phủ phải có các chính sách, thủ tục kiểm tra giám sát chặt chẽ…

Nhưng đáng tiếc, tuy những vấn đề Tiến sĩ Nguyễn Quang A vừa nêu, cũng có được nhắc đến trong luật an ninh mạng, nhưng theo ông lại không được nhấn mạnh, thay vào đó Chính phủ lại dụng Luật an ninh mạng để chặn các thế lực bị cho là phản động… điều này hoàn toàn lệch hướng so với trọng tâm của luật an ninh mạng !

Nguồn : RFA, 25/08/2023

Published in Việt Nam

"Tuyệt mật’ ngân sách an ninh quốc phòng của Việt Nam (RFA, 18/09/2017)

Việt Nam bấy lâu nay không công khai ngân sách dành cho quốc phòng và an ninh.

anninh2

Công an Việt Nam trong một cuộc biểu tình phản đối Formosa tại Hà Nội hôm 1/5/2016 - AFP

Tiêu cực bên trong ?

Các con số về ngân sách chi cho an ninh quốc phòng của Việt Nam lâu nay đều là số liệu thống kê, tính toán do các tổ chức quốc tế đưa ra. Chẳng hạn Viện Nghiên cứu Hòa bình Thế giới Stockholm (SIPRI) từng ước tính rằng năm 2015 Việt Nam chi 4,4 tỉ đô la cho quân sự và dự trù con số sẽ tăng lên 5 tỷ đô la trong năm 2016 và 6,2 tỷ đô la năm 2020.

Trong một lần trả lời báo chí trong nước về ngân sách quốc phòng, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài Chính – Ngân sách của Quốc hội nói với đại ý rằng không thể công bố cụ thể con số ngân sách chi cho quốc phòng là do có nhiều khoản chi không thể tính vào được. Cụ thể ông giải thích rằng các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính có quan hệ mật thiết với nhau nên không thể tính cụ thể từng lĩnh vực chi bao nhiêu.

Trao đổi với RFA từ Sài Gòn, Tiến sĩ Kinh tế Phạm Chí Dũng, người từng có 30 năm làm việc trong ngành quân đội cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến sự che giấu ngân sách quân đội, công an là do tiềm ẩn nhiều tiêu cực phía sau. Ông nói :

Nguyên nhân thứ nhất là do não trạng trước đến giờ là họ bưng bít và bảo mật. Tức là họ đưa ra các danh sách về bảo mật, tối mật, tuyệt mật của từng ngành một, mà nếu căn cứ theo đó thì không có một điều gì có thể công bố ra ngoài. Huống chi đây là vấn đề tài chính, có thể coi là tuyệt mật, tức là không công bố.

Thứ hai, khi mà không công bố ra thì thường có điều kiện để xin nhiều hơn và tiêu cực nhiều hơn.

Trong một bài phân tích mới đây của TS Vũ Quang Việt nguyên Vụ trưởng Vụ tài khoản Quốc gia Cục Thống kê Liên Hiệp Quốc, ông đánh giá một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng bội chi ngân sách kéo dài ở Việt Nam là do chi tiêu cho quân đội và đặc biệt là công an quá lớn. Bằng các phương pháp tính toán chuyên môn, ông cho biết số lượng công an ở Việt Nam hiện nay lên đến 600 ngàn người. Tỷ lệ công an/ người dân ở Việt Nam cao hơn cả Trung Quốc và gần gấp đôi Mỹ. Ông cũng sử dụng các con số chính thức do Việt Nam công bố để tính toán và cho ra kết luận là năm 2014, Việt Nam chi 12% ngân sách cho ngành công an, 9% ngân sách cho quân đội. Trong khi đó Mỹ chỉ chi 2% ngân sách cho cảnh sát.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS cũng bày tỏ bức xúc khi ngành quân đội, công an được "nuôi" bằng tiền thuế của nhân dân nhưng người dân lại không hề hay biết các con số cụ thể về ngân sách chi cho các ngành này :

Rất đáng tiếc hai lực lượng này đều mang danh nhân dân : quân đội nhân dân, công an nhân dân và sứ mệnh cũng được họ nói là để phục vụ nhân dân, nhưng chỉ gần đây người ta mới nói toạc móng heo ra là quân đội để phục vụ Đảng, còn công an thì còn Đảng còn mình. Có lẽ vì vậy nên Đảng cộng sản Việt Nam phải tìm cách giấu nhẹm đi những chi tiêu cho quân đội và công an.

anninh3

Các quan chức ngành quốc phòng trong buổi lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Ảnh chụp ngày 20/12/2014 Courtesy of AFP

Ông nói rằng việc chi cho quân đội để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chi cho công an để bảo vệ trật tự xã hội là rất cần thiết mà bất cứ quốc gia nào cũng phải làm. Tuy nhiên, ông nhận thấy nhiều khoản chi trong ngành công an của Việt Nam là "phi lý, phản dân tộc và có hại cho đất nước" :

Không chỉ chi cho chuyện giữ trật tự là chính, mà còn chi cho việc đàn áp, trấn áp người dân, và bẻ gãy tất các những tiếng nói không đồng nhất với tiếng nói của Đảng. Tôi nghĩ đó là những chi phí rất có hại cho đất nước và dân tộc này.

Trông hòng vào dân !

Trong bài phân tích của Tiến sĩ Vũ Quang Việt, ông cũng bày tỏ lo ngại rằng lực lượng công an của Việt Nam rất lớn nhưng ngoài hoạt động thuần túy là giữ gìn trật tự xã hội, họ còn tham gia vào các hoạt động dân sự và hành chính nên rất dễ sinh ra tình trạng lạm quyền để tham nhũng. Ông cho rằng lực lượng công an to lớn có thể đang là lực lượng làm bất ổn xã hội, ngày càng làm mất niềm tin vào chế độ chính trị.

Năm 2016, Liên minh Minh Bạch Ngân sách Budget Transparency cho biết Việt Nam có điểm minh bạch ngân sách rất thấp so với mức trung bình toàn cầu, xếp thứ 18 trên tổng số 100 trong bảng xếp hạng. Đại diện Trung Tâm Phát Triển Hội Nhập, gọi tắt là CDI, cho rằng thứ hạng 18 là mức thấp, chứng tỏ công chúng Việt Nam rất ít được nhà nước cung cấp thông tin về ngân sách quốc gia.

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho rằng giải pháp minh bạch tài chính từ trước đến nay đã được đưa ra rất nhiều lần rồi nhưng thực hiện không đến nơi đến chốn. Ông nói thậm chí người ta còn dùng cả các khoản hỗ trợ minh bạch hóa để tham ô, "đút ngăn kéo". Trước thực trạng như vậy, ông nghĩ rằng chỉ còn một cách duy nhất là người dân lên tiếng tạo sức ép với Nhà nước phải minh bạch ngân sách quốc phòng, an ninh vì chính dân là người tạo nên những ngân sách đó :

Giải pháp cuối cùng bây giờ chỉ còn lại nhân dân thôi. Lấy liên hệ về BOT vừa rồi là chỉ định thầu, một tiêu cực vô cùng lớn ở trong đó. Bây giờ nhân dân với tư cách đóng thuế, đóng phí đã đòi hỏi phải minh bạch hóa chuyện đầu tư, bỏ vốn, thi công công trình và thu phí. Vậy thì, công an và quân đội cũng vậy !

Tiến sĩ Nguyễn Quang A đồng tình với quan điểm là người dân gây sức ép cho nhà nước phải minh bạch ngân sách. Tuy nhiên ông nói rằng, khi nào còn chế độ độc đảng thì khi ấy việc này còn khó thực hiện :

Để yên cho một mình "ông Đảng" độc quyền này làm thì hiển nhiên ông ấy sẽ tìm mọi cách để giấu. Cho nên người dân phải đòi, phải lên tiếng cho một chế độ dân chủ thực sự, có sự cạnh tranh chính trị tức là có nhiều đảng khác nhau cạnh trạnh để nắm quyền điều hành đất nước. Và, đảng này sẽ tìm cách giám sát đảng kia. Đồng thời, người dân, các tổ chức xã hội dân sự cũng phải nêu lên tiếng nói giám sát của mình.

Vừa rồi Bộ Tài chính đã đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với giá xăng dầu và nói là để sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau trong đó có ngân sách cho an ninh quốc phòng. Đề xuất này gặp phải nhiều sự phản đối từ phía người dân.

******************

An ninh Việt Nam bị cáo buộc tấn công đối lập ở nước ngoài (RFA, 19/09/2017)

Vào ngày 14 tháng Chín Đảng Việt Tân, trụ sở tại Hoa Kỳ, ra thông cáo báo chí cho biết một đảng viên của đảng này bị nhân viên an ninh Việt Nam tạt acid tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia.

anninh1

Lực lượng an ninh Việt Nam tại một phiên tòa xử một người nông dân đòi đất vào tháng 11 năm 2016.  AFP

Đây là lần thứ hai trong thời gian vài tháng cơ quan an ninh Việt Nam bị cáo buộc là có những hoạt động phi pháp tại nước ngoài.

Vào cuối tháng 7, ông Trịnh Xuân Thanh một cựu quan chức Việt Nam đang xin tị nạn tại Đức bị phía Berlin cho là bị an ninh Hà Nội sang bắt cóc ông này.

Theo ông Hoàng Tứ Duy, phát ngôn nhân của Đảng Việt Tân, thì vào tối ngày 2 tháng Chín, bốn thành viên của đảng Việt Tân đang đi ngoài đường ở thủ đô Phnom Penh thì bị kẻ lạ ngồi trên xe gắn máy tấn công bằng acid. Một trong bốn người là ông Nguyễn Ngọc Đức, có quốc tịch Pháp bị thương nặng phải đưa về Pháp điều trị.

Sau khi cáo buộc của đảng Việt Tân được đưa ra chúng tôi có liên lạc với Bộ Nội vụ Campuchia, để hỏi về khả năng có nhân viên an ninh của Việt Nam hoạt động ở nước này, nhưng email bị trả về, không liên lạc được.

Còn phát ngôn nhân Đảng Việt Tân, ông Hoàng Tứ Duy, nói với chúng tôi :

"Chúng tôi có bằng chứng là có bàn tay của an ninh đằng sau vụ này. Vào lúc này thì chúng tôi xin chưa chia sẻ thông tin đó, nhưng đó là những bằng chứng cụ thể về vai trò của an ninh cộng sản Việt Nam".

Ông Hoàng Tứ Duy nói thêm rằng đây là lần đầu tiên đảng viên Việt Tân bị tấn cộng trên một lãnh thổ nằm ngoài Việt Nam.

Một đảng chính trị khác cũng có cơ sở tại hải ngoại là đảng Vì Dân thì nói rằng họ đã bị tấn công bên ngoài lãnh thổ Việt Nam trước đây. Bà Anh Trinh, một ủy viên trung ương của đảng này nói rằng vào năm 2013, Chủ tịch đảng này là ông Nguyễn Công Bằng khi đang hoạt động nhân đạo tại thủ đô Campuchia cũng đã bị tấn công bằng dao, thủ phạm chạy thoát, và đại diện chính quyền sở tại có hứa làm sáng tỏ vụ việc nhưng cuối cùng không có kết quả gì.

Chúng tôi có hỏi một người Việt Nam đang làm đại lý du lịch tại Campuchia về hoạt động của cơ quan an ninh Việt Nam tại đây thì người này nói là không thấy gì đặc biệt.

"Tôi không biết những chuyên đó, tôi qua đây chỉ sinh sống kiếm tiền thôi, những vấn đề đó tôi không rành, mà tôi thấy vấn đề an ninh bình thường chứ không thấy gì, người Việt Nam qua đây sinh sống bình thường".

Nhưng theo bà Anh Trinh thì hoạt động của cơ quan an ninh Việt Nam tại xứ Chùa Tháp rất mạnh, bà cho biết rằng sau khi rời khỏi Việt Nam một thời gian, trở lại hoạt động tại Campuchia, bà đã bị chính nhân viên an ninh Việt Nam từng bắt giữ bà tại Việt Nam, theo dõi bà tại Campuchia.

Bà nói tiếp rằng cơ quan an ninh Việt Nam có thể tổ chức một mạng lưới chỉ điểm trong cộng đồng người Việt sinh sống tại Campuchia :

"Những người dân có thể vì tiền, họ bị mãnh lực đồng tiền chi phối đời sống của họ, làm cho họ có thể trở thành chỉ điểm. Mà nếu mình không khéo thì các tổ chức hoạt động cho nhân quyền dân chủ có thể lọt vào lưới của họ, lộ những kế hoạch của mình. Đó là những kinh nghiệm mà tổ chức của tôi đã trải qua".

Liên quan đến chuyện hoạt động của cơ quan an ninh Việt Nam ở nước ngoài, gần đây chuyện gây chú ý công luận nhiều nhất là việc cơ quan an ninh Việt Nam được cho là đã bắt cóc một nguyên cán bộ cao cấp của nhà nước Việt Nam tại Đức là ông Trịnh Xuân Thanh khi ông này đang xin tị nạn tại Đức. Ông Trịnh Xuân Thanh vốn bị cáo buộc tội tham nhũng tại Việt Nam, và vụ việc này đã gây căng thẳng về ngoại giao giữa Đức và Việt Nam cho đến nay.

Một người Việt Nam sống tại Đức là ông Lê Trung Khoa, nhà báo đầu tiên đưa tin vụ bắt cóc ông Thanh, có viết trên trang Facebook của ông rằng ông bị một số người Việt Nam theo dõi ông tại Đức.

Trở lại chuyện đảng viên Việt Tân bị tấn công tại Campuchia, chúng tôi có gọi đến Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ để hỏi về vụ việc thì được trả lời :

"Hiện nay chúng tôi không có thông tin gì về chuyện đó".

Theo ông Đặng Xương Hùng, nguyên là một nhà ngoại giao Việt Nam tại Châu Âu đang tị nạn chính trị tại Thụy Sĩ, thì những hoạt động của cơ quan an ninh Việt Nam chưa chắc đã được thông báo cho các cơ quan ngoại giao ở nước ngoài.

Kính Hòa

Published in Việt Nam