Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

19/09/2017

Tấn công đối lập ở nước ngoài : đâu là giới hạn của an ninh Việt Nam ?

Kính Hòa

"Tuyệt mật’ ngân sách an ninh quốc phòng của Việt Nam (RFA, 18/09/2017)

Việt Nam bấy lâu nay không công khai ngân sách dành cho quốc phòng và an ninh.

anninh2

Công an Việt Nam trong một cuộc biểu tình phản đối Formosa tại Hà Nội hôm 1/5/2016 - AFP

Tiêu cực bên trong ?

Các con số về ngân sách chi cho an ninh quốc phòng của Việt Nam lâu nay đều là số liệu thống kê, tính toán do các tổ chức quốc tế đưa ra. Chẳng hạn Viện Nghiên cứu Hòa bình Thế giới Stockholm (SIPRI) từng ước tính rằng năm 2015 Việt Nam chi 4,4 tỉ đô la cho quân sự và dự trù con số sẽ tăng lên 5 tỷ đô la trong năm 2016 và 6,2 tỷ đô la năm 2020.

Trong một lần trả lời báo chí trong nước về ngân sách quốc phòng, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài Chính – Ngân sách của Quốc hội nói với đại ý rằng không thể công bố cụ thể con số ngân sách chi cho quốc phòng là do có nhiều khoản chi không thể tính vào được. Cụ thể ông giải thích rằng các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính có quan hệ mật thiết với nhau nên không thể tính cụ thể từng lĩnh vực chi bao nhiêu.

Trao đổi với RFA từ Sài Gòn, Tiến sĩ Kinh tế Phạm Chí Dũng, người từng có 30 năm làm việc trong ngành quân đội cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến sự che giấu ngân sách quân đội, công an là do tiềm ẩn nhiều tiêu cực phía sau. Ông nói :

Nguyên nhân thứ nhất là do não trạng trước đến giờ là họ bưng bít và bảo mật. Tức là họ đưa ra các danh sách về bảo mật, tối mật, tuyệt mật của từng ngành một, mà nếu căn cứ theo đó thì không có một điều gì có thể công bố ra ngoài. Huống chi đây là vấn đề tài chính, có thể coi là tuyệt mật, tức là không công bố.

Thứ hai, khi mà không công bố ra thì thường có điều kiện để xin nhiều hơn và tiêu cực nhiều hơn.

Trong một bài phân tích mới đây của TS Vũ Quang Việt nguyên Vụ trưởng Vụ tài khoản Quốc gia Cục Thống kê Liên Hiệp Quốc, ông đánh giá một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng bội chi ngân sách kéo dài ở Việt Nam là do chi tiêu cho quân đội và đặc biệt là công an quá lớn. Bằng các phương pháp tính toán chuyên môn, ông cho biết số lượng công an ở Việt Nam hiện nay lên đến 600 ngàn người. Tỷ lệ công an/ người dân ở Việt Nam cao hơn cả Trung Quốc và gần gấp đôi Mỹ. Ông cũng sử dụng các con số chính thức do Việt Nam công bố để tính toán và cho ra kết luận là năm 2014, Việt Nam chi 12% ngân sách cho ngành công an, 9% ngân sách cho quân đội. Trong khi đó Mỹ chỉ chi 2% ngân sách cho cảnh sát.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS cũng bày tỏ bức xúc khi ngành quân đội, công an được "nuôi" bằng tiền thuế của nhân dân nhưng người dân lại không hề hay biết các con số cụ thể về ngân sách chi cho các ngành này :

Rất đáng tiếc hai lực lượng này đều mang danh nhân dân : quân đội nhân dân, công an nhân dân và sứ mệnh cũng được họ nói là để phục vụ nhân dân, nhưng chỉ gần đây người ta mới nói toạc móng heo ra là quân đội để phục vụ Đảng, còn công an thì còn Đảng còn mình. Có lẽ vì vậy nên Đảng cộng sản Việt Nam phải tìm cách giấu nhẹm đi những chi tiêu cho quân đội và công an.

anninh3

Các quan chức ngành quốc phòng trong buổi lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Ảnh chụp ngày 20/12/2014 Courtesy of AFP

Ông nói rằng việc chi cho quân đội để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chi cho công an để bảo vệ trật tự xã hội là rất cần thiết mà bất cứ quốc gia nào cũng phải làm. Tuy nhiên, ông nhận thấy nhiều khoản chi trong ngành công an của Việt Nam là "phi lý, phản dân tộc và có hại cho đất nước" :

Không chỉ chi cho chuyện giữ trật tự là chính, mà còn chi cho việc đàn áp, trấn áp người dân, và bẻ gãy tất các những tiếng nói không đồng nhất với tiếng nói của Đảng. Tôi nghĩ đó là những chi phí rất có hại cho đất nước và dân tộc này.

Trông hòng vào dân !

Trong bài phân tích của Tiến sĩ Vũ Quang Việt, ông cũng bày tỏ lo ngại rằng lực lượng công an của Việt Nam rất lớn nhưng ngoài hoạt động thuần túy là giữ gìn trật tự xã hội, họ còn tham gia vào các hoạt động dân sự và hành chính nên rất dễ sinh ra tình trạng lạm quyền để tham nhũng. Ông cho rằng lực lượng công an to lớn có thể đang là lực lượng làm bất ổn xã hội, ngày càng làm mất niềm tin vào chế độ chính trị.

Năm 2016, Liên minh Minh Bạch Ngân sách Budget Transparency cho biết Việt Nam có điểm minh bạch ngân sách rất thấp so với mức trung bình toàn cầu, xếp thứ 18 trên tổng số 100 trong bảng xếp hạng. Đại diện Trung Tâm Phát Triển Hội Nhập, gọi tắt là CDI, cho rằng thứ hạng 18 là mức thấp, chứng tỏ công chúng Việt Nam rất ít được nhà nước cung cấp thông tin về ngân sách quốc gia.

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho rằng giải pháp minh bạch tài chính từ trước đến nay đã được đưa ra rất nhiều lần rồi nhưng thực hiện không đến nơi đến chốn. Ông nói thậm chí người ta còn dùng cả các khoản hỗ trợ minh bạch hóa để tham ô, "đút ngăn kéo". Trước thực trạng như vậy, ông nghĩ rằng chỉ còn một cách duy nhất là người dân lên tiếng tạo sức ép với Nhà nước phải minh bạch ngân sách quốc phòng, an ninh vì chính dân là người tạo nên những ngân sách đó :

Giải pháp cuối cùng bây giờ chỉ còn lại nhân dân thôi. Lấy liên hệ về BOT vừa rồi là chỉ định thầu, một tiêu cực vô cùng lớn ở trong đó. Bây giờ nhân dân với tư cách đóng thuế, đóng phí đã đòi hỏi phải minh bạch hóa chuyện đầu tư, bỏ vốn, thi công công trình và thu phí. Vậy thì, công an và quân đội cũng vậy !

Tiến sĩ Nguyễn Quang A đồng tình với quan điểm là người dân gây sức ép cho nhà nước phải minh bạch ngân sách. Tuy nhiên ông nói rằng, khi nào còn chế độ độc đảng thì khi ấy việc này còn khó thực hiện :

Để yên cho một mình "ông Đảng" độc quyền này làm thì hiển nhiên ông ấy sẽ tìm mọi cách để giấu. Cho nên người dân phải đòi, phải lên tiếng cho một chế độ dân chủ thực sự, có sự cạnh tranh chính trị tức là có nhiều đảng khác nhau cạnh trạnh để nắm quyền điều hành đất nước. Và, đảng này sẽ tìm cách giám sát đảng kia. Đồng thời, người dân, các tổ chức xã hội dân sự cũng phải nêu lên tiếng nói giám sát của mình.

Vừa rồi Bộ Tài chính đã đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với giá xăng dầu và nói là để sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau trong đó có ngân sách cho an ninh quốc phòng. Đề xuất này gặp phải nhiều sự phản đối từ phía người dân.

******************

An ninh Việt Nam bị cáo buộc tấn công đối lập ở nước ngoài (RFA, 19/09/2017)

Vào ngày 14 tháng Chín Đảng Việt Tân, trụ sở tại Hoa Kỳ, ra thông cáo báo chí cho biết một đảng viên của đảng này bị nhân viên an ninh Việt Nam tạt acid tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia.

anninh1

Lực lượng an ninh Việt Nam tại một phiên tòa xử một người nông dân đòi đất vào tháng 11 năm 2016.  AFP

Đây là lần thứ hai trong thời gian vài tháng cơ quan an ninh Việt Nam bị cáo buộc là có những hoạt động phi pháp tại nước ngoài.

Vào cuối tháng 7, ông Trịnh Xuân Thanh một cựu quan chức Việt Nam đang xin tị nạn tại Đức bị phía Berlin cho là bị an ninh Hà Nội sang bắt cóc ông này.

Theo ông Hoàng Tứ Duy, phát ngôn nhân của Đảng Việt Tân, thì vào tối ngày 2 tháng Chín, bốn thành viên của đảng Việt Tân đang đi ngoài đường ở thủ đô Phnom Penh thì bị kẻ lạ ngồi trên xe gắn máy tấn công bằng acid. Một trong bốn người là ông Nguyễn Ngọc Đức, có quốc tịch Pháp bị thương nặng phải đưa về Pháp điều trị.

Sau khi cáo buộc của đảng Việt Tân được đưa ra chúng tôi có liên lạc với Bộ Nội vụ Campuchia, để hỏi về khả năng có nhân viên an ninh của Việt Nam hoạt động ở nước này, nhưng email bị trả về, không liên lạc được.

Còn phát ngôn nhân Đảng Việt Tân, ông Hoàng Tứ Duy, nói với chúng tôi :

"Chúng tôi có bằng chứng là có bàn tay của an ninh đằng sau vụ này. Vào lúc này thì chúng tôi xin chưa chia sẻ thông tin đó, nhưng đó là những bằng chứng cụ thể về vai trò của an ninh cộng sản Việt Nam".

Ông Hoàng Tứ Duy nói thêm rằng đây là lần đầu tiên đảng viên Việt Tân bị tấn cộng trên một lãnh thổ nằm ngoài Việt Nam.

Một đảng chính trị khác cũng có cơ sở tại hải ngoại là đảng Vì Dân thì nói rằng họ đã bị tấn công bên ngoài lãnh thổ Việt Nam trước đây. Bà Anh Trinh, một ủy viên trung ương của đảng này nói rằng vào năm 2013, Chủ tịch đảng này là ông Nguyễn Công Bằng khi đang hoạt động nhân đạo tại thủ đô Campuchia cũng đã bị tấn công bằng dao, thủ phạm chạy thoát, và đại diện chính quyền sở tại có hứa làm sáng tỏ vụ việc nhưng cuối cùng không có kết quả gì.

Chúng tôi có hỏi một người Việt Nam đang làm đại lý du lịch tại Campuchia về hoạt động của cơ quan an ninh Việt Nam tại đây thì người này nói là không thấy gì đặc biệt.

"Tôi không biết những chuyên đó, tôi qua đây chỉ sinh sống kiếm tiền thôi, những vấn đề đó tôi không rành, mà tôi thấy vấn đề an ninh bình thường chứ không thấy gì, người Việt Nam qua đây sinh sống bình thường".

Nhưng theo bà Anh Trinh thì hoạt động của cơ quan an ninh Việt Nam tại xứ Chùa Tháp rất mạnh, bà cho biết rằng sau khi rời khỏi Việt Nam một thời gian, trở lại hoạt động tại Campuchia, bà đã bị chính nhân viên an ninh Việt Nam từng bắt giữ bà tại Việt Nam, theo dõi bà tại Campuchia.

Bà nói tiếp rằng cơ quan an ninh Việt Nam có thể tổ chức một mạng lưới chỉ điểm trong cộng đồng người Việt sinh sống tại Campuchia :

"Những người dân có thể vì tiền, họ bị mãnh lực đồng tiền chi phối đời sống của họ, làm cho họ có thể trở thành chỉ điểm. Mà nếu mình không khéo thì các tổ chức hoạt động cho nhân quyền dân chủ có thể lọt vào lưới của họ, lộ những kế hoạch của mình. Đó là những kinh nghiệm mà tổ chức của tôi đã trải qua".

Liên quan đến chuyện hoạt động của cơ quan an ninh Việt Nam ở nước ngoài, gần đây chuyện gây chú ý công luận nhiều nhất là việc cơ quan an ninh Việt Nam được cho là đã bắt cóc một nguyên cán bộ cao cấp của nhà nước Việt Nam tại Đức là ông Trịnh Xuân Thanh khi ông này đang xin tị nạn tại Đức. Ông Trịnh Xuân Thanh vốn bị cáo buộc tội tham nhũng tại Việt Nam, và vụ việc này đã gây căng thẳng về ngoại giao giữa Đức và Việt Nam cho đến nay.

Một người Việt Nam sống tại Đức là ông Lê Trung Khoa, nhà báo đầu tiên đưa tin vụ bắt cóc ông Thanh, có viết trên trang Facebook của ông rằng ông bị một số người Việt Nam theo dõi ông tại Đức.

Trở lại chuyện đảng viên Việt Tân bị tấn công tại Campuchia, chúng tôi có gọi đến Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ để hỏi về vụ việc thì được trả lời :

"Hiện nay chúng tôi không có thông tin gì về chuyện đó".

Theo ông Đặng Xương Hùng, nguyên là một nhà ngoại giao Việt Nam tại Châu Âu đang tị nạn chính trị tại Thụy Sĩ, thì những hoạt động của cơ quan an ninh Việt Nam chưa chắc đã được thông báo cho các cơ quan ngoại giao ở nước ngoài.

Kính Hòa

Quay lại trang chủ
Read 720 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)