Tiểu thương chợ An Đông bãi thị, đòi ‘nói chuyện’ với lãnh đạo thành phố (VOA, 19/09/2017)
Sáng ngày 19/9 hàng ngàn người xuống đường trong trang phục màu đỏ phản đối ban quản lý chợ An Đông ở thành phố Hồ Chí Minh do chậm nâng cấp chợ, nhưng chính quyền địa phương đã "không đối thoại" mà dùng loa phóng thanh giải tán đám đông biểu tình.
Biểu tình trước chợ An Đông, quận 5, Tp. Hồ Chí Minh, sáng ngày 19/9/2017. (Ảnh chụp từ Báo Tuổi trẻ)
Một người kinh doanh yêu cầu không nêu tên tại chợ An Đông nói với VOA :
"Người ta rất là đông. Hầu như tất cả các tiểu thương đều đóng cửa hết, họ bãi thị, biểu tình. Họ yêu cầu quyền lợi cho tiểu thương, trong đó yêu cầu cho kinh doanh dài hạn. Các tiểu thương đứng hai hàng trước chợ, giương băng – rôn và có thấy những người áo xanh của phường, và công an".
Chị này cho biết thêm hàng ngàn tiểu thương chợ An Đông phải kinh doanh trong hoàn cảnh hạ tầng chợ xuống cấp trầm trọng, khách lần lượt bỏ chợ ra đi. Điều này khiến tiểu thương cảm thấy bức xúc.
Truyền thông trong nước cũng đưa tin rằng các tiểu thương chợ An Đông, ở quận 5 đồng loạt đóng cửa sạp, ngưng kinh doanh, và họ đến thẳng Uỷ ban Nhân dân Thành phố yêu cầu lãnh đạo giải quyết.
Báo Người Lao Động cho biết có đến 2,000 người tham gia cuộc biểu tình này, bắt đầu từ 5 giờ đến 9 giờ sáng, và chủ tịch quận phải đích thân đến trước chợ, cầm loa kêu gọi giải tán và "hứa sẽ giải quyết sau".
Một người khác tại chợ cho biết thêm tiểu thương biểu bình do chi phí thuê sạp quá cao :
"Tại chợ An Đông 1 mọi người biểu tình do chi phí cao. Và năm ngoái cũng đã xảy ra biểu tình".
Theo các tiểu thương chợ An Đông, từ đầu năm 2012, hơn 2.000 tiểu thương đã được vận động đóng góp hàng trăm tỉ đồng để chính quyền quận 5 nâng cấp chợ An Đông, nhưng cam kết nâng cấp chợ của UBND Quận 5 vẫn chưa được thực hiện.
Các tiểu thương cho biết một trong những yêu cầu của họ là ngay lập tức chính quyền phải bãi bỏ hợp đồng cho thuê sạp đối với tiểu thương vì đây là chợ truyền thống do họ góp tiền xây dựng nên chính quyền không được thu tiền thuê quầy sạp.
Báo Tuổi trẻ nói hơn 3.000 tiểu thương tại chợ này đã đóng góp số tiền 217 tỉ đồng để sửa chợ nhưng chờ đợi suốt 4 năm vẫn chưa nâng cấp.
Báo Thanh Niên trích lời Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến trưa ngày 19/9 nói rằng "mong bà con bình tĩnh, đừng để bị kích động gây mất an ninh trật tự".
Blogger Huỳnh Ngọc Chênh viết trên Facebook rằng "một khi bị chạm đến quyền lợi thì người dân tự khắc đi biểu tình….Biểu tình dần dần trở nên quen thuộc với người dân Việt Nam khi họ đã vượt qua sợ hãi".
Nhiều năm qua chính phủ Việt Nam liên tục trì hoãn trình quốc hội thông qua luật biểu tình vốn được người dân chờ đợi từ lâu mà theo giới luật sư và các nhà vận động, lý do là chính quyền lo sợ về sự an nguy của chế độ.
VOA tiếng Việt
*****************
Hơn 2.000 tiểu thương chợ An Đông bãi thị (BBC, 19/09/2017)
Theo báo Thanh Niên, hôm 19/9 có hơn 2.000 tiểu thương đang kinh doanh tại Trung tâm thương mại dịch vụ An Đông, hay còn gọi là chợ An Đông ở Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh, đồng loạt ngưng kinh doanh, đóng sạp.
Cuộc tuần hành dường như liên quan đến kiến nghị của các tiểu thương trong một thời gian qua về việc ban quản lý chợ thu phí bất hợp lý và không tiến hành sửa chữa như đã cam kết.
Đã đóng phí 'sở hữu sạp' vẫn phải đóng phí 'thuê sạp' ?
Một vấn đề khác mà nhiều tiểu thương cũng đang bức xúc đó là việc đóng thêm phí "thuê sạp" hằng năm, dù đã trả tiền "sở hữu sạp" dài hạn.
Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, năm 1989 thành phố và lãnh đạo quận 5 kêu gọi tiểu thương góp vốn xây dựng lại chợ. Tiểu thương được quyền kinh doanh ổn định trong thời gian 20 năm. Và tiểu thương là đồng sở hữu chợ An Đông được xây dựng lại, không đơn thuần là thuê sạp.
Hơn 2.000 chủ sạp đã đóng tiền xây dựng và "sở hữu quầy sạp" từ 1991-2011 trong hợp đồng giữa đơn vị đầu tư và tiểu thương. Tuy nhiên, 25 năm qua, ban quản lý vẫn thu phí thuê sạp hằng năm.
Bà Trần Thị Thu Thùy, đại diện hội tiểu thương chợ An Đông, nói với báo Thanh Niên hôm 12/8 :
"Chúng tôi đã đóng lố 20 năm, nay sao thu nữa... Tuy nhiên, sau đó BQL mang tờ giấy có chữ ký "điểm danh" các tiểu thương tham dự cuộc họp này và đi nói với các tiểu thương khác là trưởng các ngành hàng đã đồng ý rồi. Đây có phải là cách làm việc gian trá không ?"
Thu tiền từ lâu, nhưng sửa chữa chậm trễ
Sau khi hết hợp đồng với công ty xây dựng chợ năm 2011, tiểu thương lại đóng góp thêm hơn 217 tỷ để chỉnh trang, sửa chữa chợ từ năm 2013, nhưng gần 5 năm qua lại không tiến hành việc sửa chữa nâng cấp chợ theo yêu cầu của các tiểu thương.
Tháng 5/2017, ông Phạm Quốc Huy, Chủ tịch UBND Quận 5 nói sẽ khởi công xây dựng bốn mặt tiền chợ An Đông vào ngày 12/6, mở thầu hệ thống phòng cháy chữa cháy trong tháng 7 và gắn máy điều hòa, xử lý nước thải, sửa chữa thang nâng hàng vào tháng 8, theo báo Thanh Niên.
Cũng theo báo này, tiểu thương sau đó lại nhận được thông báo việc nâng cấp sửa mặt tiền sẽ chậm thêm một năm, sẽ không khởi công cho đến 15/5/2018,
Biểu tình sáng 19/9
Theo báo Thanh Niên, từ 5 giờ sáng, tiểu thương đã tập trung trước cổng chợ An Đông. Đến tầm 9 giờ thì Chủ tịch UBND Q.5 Phạm Quốc Huy xuất hiện và nói : "Chúng tôi ghi nhận những yêu cầu của tiểu thương và sẽ về báo cáo giải quyết sau chứ không phải ngay bây giờ".
Không đồng tình với câu trả lời của đại diện chính quyền, tiểu thương vẫn tiếp tục đi biểu tình tuần hành từ cổng chợ An Đông đến trụ sở UBND thành phố.
Theo ông Trần Trung Hiếu, một người có gia đình sở hữu một sạp hàng tại chợ An Đông cho biết, đoàn biểu tình đã tuần hành đến UBND thành phố và sau khi làm việc, chính quyền gọi xe buýt đưa đoàn biểu tình về.
"Tình hình chợ xuống cấp quá, mọi người chỉ mong muốn được xây sửa cho khang trang như Bến Thành. Chợ An Đông cũng lớn như Bến Thành và là biểu trưng của Chợ Lớn", ông Hiếu nói với BBC.
Ông Nguyễn Võ Xuân Kỳ, chánh văn phòng Quận 5 xác nhận sáng 19/9 chủ tịch Phạm Quốc Huy có tiếp xúc, gặp gỡ trao đổi với người dân, nhưng không "rõ hai bên đã trao đổi những gì, có thể có vấn đề nảy sinh".
Về các kiến nghị của tiểu thương, ông Kỳ cho BBC biết "Ủy ban Quận 5 vẫn đang chấp hành sửa chữa theo ý kiến của thương nhân, báo cáo theo tổ sửa chữa hàng tuần.
"Trong các cuộc họp với tiểu thương, Quận 5 đã thống nhất sẽ hoàn thành sửa chữa chợ trong năm 2017. Tuy nhiên việc sửa chữa ban ngày sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh cho nên tiến hành sửa chữa vào xế chiều, ban đêm chứ không có chuyện dời thời gian sửa chữa sang 2018".
********************
Tiểu thương chợ An Đông biểu tình (RFA, 19/09/2017)
Tiểu thương Chợ An Đông tại thành phố Hồ Chí Minh bãi thị để phản đối chính sách của Ban Quản Lý chợ.
Tiểu thương, một thành phần quan trọng tại các thành phố Việt Nam. AFP
Tin tức ghi nhận được từ trong nước cho hay thì sáng nay hàng trăm người trong đồng phục áo đỏ với phù hiệu chợ An Đông đã tập trung trước cổng chợ phản đối chuyện trong thời gian qua họ đã đóng tiền sửa chợ, mà chợ vẫn hư hỏng, làm cho việc buôn bán của họ bị ế ẩm.
Theo các tiểu thương thì bốn năm qua họ đã đóng tổng số tiền là 217 tỉ đồng, trong khi đó doanh thu của họ giảm đến 50-60%.
Một người cho biết về cuộc biểu tình của tiểu thương Chợ An Đông vào sáng ngày 19 tháng 9 như sau :
"Từ thời hạn bắt đóng tiền để sửa chữa chợ cách đây 5 năm về trước thì tiểu thương Chợ An Đông đóng góp 217 tỷ đồng ; đến nay không có hình thức sửa chữa nào theo đúng nghĩa mà mỗi mùa mưa bão tới, tại tầng hầm nơi đa số bán vàng, bị ngập nước nhiều cản trở mua bán và mất vệ sinh.
Sau 5 năm, Ban Quản Lý chợ yêu cầu đóng tiền để thuê nên người ta phản kháng. Họ phản kháng nhiều lần rồi mà không được giải quyết nên mới bùng nổ, người ta biểu tình".
Các tiểu thương biểu tình có ba yêu cầu : thứ nhất chấm dứt hợp đồng thuê sạp có thời hạn, với lý do chợ An Đông là chợ truyền thống, không có chuyện đóng tiền thuê quầy sạp.
Thứ hai là công nhận quyền sở hữu của các tiểu thương đối với những sạp bán hàng của họ.
Thứ ba là đưa số tiền 217 tỉ đồng vào ngân hàng để dùng vào việc sửa chữa chợ, và việc này phải được quản lý bởi người đại diện của các tiểu thương.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Năm, nơi có chợ An Đông tọa lạc, đã đến nói chuyện với các tiểu thương. Ông nói rằng ông ghi nhận các ý kiến của tiểu thương, và chờ sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên sau một giờ nói chuyện với nhau, các tiểu thương đã không đồng ý và kéo đến Ủy ban nhân dân thành phố để tiếp tục kháng nghị.
Tuy nhiên theo người dân mà RFA tiếp xúc thì hy vọng được giải quyết không cao :
"Lên Ủy Ban hiện người ta cũng nói để người ta xem xét lại thôi ; chứ người ta chưa dám hứa hẹn gì hết. Chính sách của Nhà Nước này thì người ta chỉ nói cho qua chuyện thôi, chứ không hy vọng người ta giải quyết được cái gì".