Vụ Đà Nẵng : Tổng Bí thư muốn 'chấn chỉnh kỷ luật Đảng' ? (BBC, 19/09/2017)
Một nhà quan sát chính trị Việt Nam cho rằng mục đích chính của việc công bố vi phạm của Bí thư và Chủ tịch thành phố Đà Nẵng là để "phục hồi kỷ luật trong đảng".
Ông Nguyễn Xuân Anh, sinh năm 1976, trở thành Bí thư thành phố Đà Nẵng năm 2015
David Brown, một nhà ngoại giao Mỹ nghỉ hưu và nay hay viết các bài báo về chính trị Việt Nam, bình luận với BBC rằng vụ việc diễn ra trong bối cảnh "tình hình tại Đà Nẵng đã trở nên khó chịu đến công khai".
Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam hôm 18/9 nói ông Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng có nhiều vi phạm, khuyết điểm.
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố, phó bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng bị kết luận có các vi phạm, khuyết điểm.
Cơ quan kỷ luật của Đảng nói hai ông này vi phạm "nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, đến mức phải thi hành kỷ luật".
Ông David Brown chỉ ra rằng thành phố Đà Nẵng từng được xem là mô hình quản lý "thông minh" trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ Bí thư của ông Nguyễn Bá Thanh (làm Bí thư Thành ủy từ 2003 đến 2013).
Ông Nguyễn Xuân Anh, sinh năm 1976, trở thành Bí thư thành phố này năm 2015 khi mới 39 tuổi.
Dư luận quan tâm đến ông Xuân Anh còn vì ông là con trai của cựu ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Chi, người từng trong một thời gian dài đứng đầu cơ quan vừa ra kết luận về các sai phạm của hai lãnh đạo đương nhiệm tại Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Văn Chi giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương giai đoạn 2003-2011.
"Với những sự quan tâm như thế, có lẽ con đường khôn ngoan cho ông Xuân Anh ở Đà Nẵng lẽ ra là thận trọng khi chọn bạn và tránh gây ra scandal", ông David Brown bình luận với BBC.
Sự nghiệp ông Nguyễn Bá Thanh (1953-2015) gắn với Đà Nẵng
"Tuy vậy, cũng có thể ông Xuân Anh cho rằng thật khó cho một lãnh đạo địa phương có thành tựu lớn nếu lúc nào cũng tuân theo các quy tắc".
Theo công bố của Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố, ông Xuân Anh đã vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên và Quy định những điều đảng viên không được làm.
Trong đó có việc "kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực".
Ông cũng bị cơ quan kỷ luật Đảng nói đã "thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng xe ô tô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng 02 nhà ở của doanh nghiệp".
'Mâu thuẫn' tại Đà Nẵng
Trong nhiều tháng qua, dư luận không chính thức cho rằng có "đấu đá, mâu thuẫn" giữa Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ.
Bản thân ông Nguyễn Xuân Anh đã phải lên báo công khai bác bỏ : "Đã mất đoàn kết nội bộ, đánh nhau thì phải lo đánh nhau chứ thời gian đâu mà chăm chút cho thành phố".
Tuy vậy, sau khi có việc công bố vi phạm của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Trần Văn Lĩnh, nguyên đại biểu HĐND TP.Đà Nẵng, nói với báo Một Thế Giới, dường như xác nhận mâu thuẫn trong thành phố :
"Theo tôi việc mất đoàn kết xảy ra là có thật, trách nhiệm chính thuộc về đồng chí Bí thư, người đứng đầu trong Đảng bộ nhưng non yếu, nói không đi đôi với làm, còn chủ quan trong tất cả mọi phát ngôn của mình, không kiểm tra một cách chu đáo".
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói quá trình chống tham nhũng là cuộc chiến "chống giặc nội xâm"
Cũng cho rằng đã có mâu thuẫn giữa hai lãnh đạo Đà Nẵng, ông David Brown nhận định :
"Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo cao cấp trong Đảng cam kết dẹp trừ tham ô cấp cao".
"Tình hình tại Đà Nẵng đã trở nên khó chịu đến công khai".
"Có thể câu chuyện này dính líu việc giải quyết vấn đề phe phái. Nhưng với những bằng chứng hiện có, dường như việc kỷ luật ông Xuân Anh và Đức Thơ chủ yếu là vấn đề khôi phục kỷ luật trong đảng".
*****************
Dư luận nói gì vụ lãnh đạo Đà Nẵng 'có các vi phạm' ? (BBC, 19/09/2017)
Cộng đồng mạng tranh luận liệu ông Nguyễn Xuân Anh và ông Huỳnh Đức Thơ có phải là 'nạn nhân' sau khi cơ quan kỷ luật Đảng Cộng sản nói hai lãnh đạo Đà Nẵng vi phạm "nghiêm trọng".
Ông Nguyễn Xuân Anh đang là ủy viên trung ương đảng
Tin Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh bị công bố các "vi phạm" làm nóng mạng xã hội hôm 19/9 với những tranh cãi về quá trình thăng tiến của ông.
Trước đó, Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam nói Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, cùng với Chủ tịch thành phố Huỳnh Đức Thơ đều có vi phạm "nghiêm trọng đến mức phải thi hành kỷ luật".
Ông Xuân Anh bị liệt kê các "sai phạm" :
- Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ ; chủ trì xem xét, quyết định một số nhân sự có biểu hiện áp đặt ; trực tiếp chỉ đạo nhiều công việc cụ thể của chính quyền. Những việc làm của đồng chí đã gây phân tâm, ảnh hưởng đến sự đoàn kết, thống nhất trong Ban Thường vụ Thành ủy.
- Kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực, vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên và Quy định những điều đảng viên không được làm.
- Thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng ôtô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp, gây dư luận xấu trong xã hội.
Hôm 19/9, BBC gọi điện cho một số nhà báo, luật sư tại Đà Nẵng để xin bình luận nhưng những người này từ chối với lý do "có quen biết ông Xuân Anh nên sợ không khách quan".
BBC cũng gọi cho ông Xuân Anh nhưng ông không bắt máy.
Reuters bình luận về vụ này : "Việc trừng phạt các quan chức cấp cao trước các sự kiện lớn là điều bất thường ở Việt Nam và là chỉ dấu cho thấy quan điểm chống tham nhũng mạnh mẽ hơn từ khi quan chức công an có ảnh hưởng lớn hơn trong Đảng năm ngoái".
Báo Tuổi Trẻ hôm 19/9 cho hay : "Ngoài nhà 43 Nguyễn Thái Học, gia đình ông Xuân Anh đang sử dụng hai ngôi nhà liền kề. Đó là số 45 và 47. Nhưng rất "khéo léo", số nhà 45 đã được gỡ bỏ và số 43 được gắn vào vị trí giáp ranh giữa hai ngôi nhà".
Ông Xuân Anh được báo Việt Nam hôm 8/9 ghi nhận "thị sát biển Mỹ Khê"
'Khối ung nhọt'
Nhà báo Hoàng Hải Vân, từng công tác ở báo Thanh Niên, nơi ông Xuân Anh làm phóng viên sau đó trở thành trưởng ban quốc tế, viết trên Facebook : "Ông Nguyễn Xuân Anh và ông Huỳnh Đức Thơ suy cho cùng cũng là nạn nhân của một khối ung nhọt lưu cữu từ thời ông Nguyễn Bá Thanh làm Chủ tịch".
"Nhắc đến ông Nguyễn Bá Thanh có thể là chuyện "nhạy cảm" vì ông ấy đã qua đời, nhưng nếu né tránh những di hại mà ông ấy đã để lại cho Đà Nẵng thì những vấn đề cốt lõi của Đà Nẵng sẽ không bao giờ được xử lý đến nơi đến chốn. Thời ông Nguyễn Bá Thanh làm Bí thư, có một câu đồng dao người lớn, rằng "Trời của Thanh đất của Thanh con chim trên cành của Hoàng Tuấn Anh", nhưng câu đồng dao đó cũng đã phải sửa lại "Trời của Thanh đất của Thanh, con chim trên cành cũng của Bá Thanh". Câu đồng dao đó nói lên thực chất quyền lực của một ông vua cát cứ, vô tiền khoáng hậu kể từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập".
"Bộ máy Đảng và Chính quyền Đà Nẵng đang bị các nhóm lợi ích chi phối, khống chế, tạo thành một khối ung nhọt. Ông Nguyễn Bá Thanh không còn, nhưng các nhóm lợi ích này vẫn tồn tại, không chỉ tồn tại mà ăn sâu vào các chân rết trong bộ máy, không chỉ ở Đà Nẵng mà còn khống chế ở cấp cao hơn, mà sự e ngại của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là một ví dụ".
"Tôi không bênh vực ông Nguyễn Xuân Anh hay ông Huỳnh Đức Thơ. Các ông phải chịu trách nhiệm về những sai phạm của mình. Điều tôi muốn nói là, cho dù là ai đi chăng nữa, nếu đưa vào các cương vị lãnh đạo Đà Nẵng trước khi đập vỡ các nhóm lợi ích này thì đều rơi vào thảm cảnh. Người không có bản lĩnh thì bị các nhóm lợi ích nhào nặn để sai khiến, người trung kiên bản lĩnh thì sẽ bị đánh bật ra suốt đời phải chịu oan sai thân bại danh liệt.
"Hy vọng "cái lò" của Tổng Bí thư không bỏ sót các nhóm lợi ích khủng này".
Nhà báo Nguyễn Huy Toàn phê phán :
"Lên làm quan chưa làm gì cho dân đã lo vun vén cho mình, đã lo vơ vét. Làm sao đủ tư cách để dạy bảo cán bộ công chức dưới quyền, làm sao đủ tư cách nói chuyện với dân".
Trong khi đó, trên báo chính thống, tờ Một Thế Giới dẫn lời ông Trần Văn Lĩnh, nguyên đại biểu HĐND TP.Đà Nẵng :
"Theo tôi việc mất đoàn kết xảy ra là có thật, trách nhiệm chính thuộc về đồng chí Bí thư, người đứng đầu trong Đảng bộ nhưng non yếu, nói không đi đôi với làm, còn chủ quan trong tất cả mọi phát ngôn của mình, không kiểm tra một cách chu đáo".
"Thứ hai, do còn non kém nên có những quyết định nhanh chóng không có cơ sở".
"Thứ ba nữa là trong quyết định không cân nhắc đến yếu tố tài năng của mỗi con người và quá trình công tác của họ".
******************
Tham nhũng tăng ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp nhà nước bị điều tra (VOA, 19/09/2017)
Bộ Công an Việt Nam tuần trước bắt đầu điều tra 3 công ty thuộc tập đoàn dầu khí quốc doanh PetroVietnam vì nghi vấn họ đã cố tuồn 5,2 triệu đôla khỏi OceanBank.
Chi nhánh ngân hàng Ocean Bank tại cao ốc Petro Vietnam ở Hà Nội (ngày 1/9/2017).
Cuộc điều tra các doanh nghiệp thuộc PetroVietnam là một phần trong một vụ lớn hơn liên quan đến OceanBank.
Tường thuật của báo chí nói hơn 50.000 người và 400 tổ chức đã hưởng lợi từ hoạt động mà bên công tố gọi là "các khoản thanh toán tiền lãi bất hợp pháp" trị giá 70,4 triệu đôla.
Từ năm 2010 đến năm 2014, các lãnh đạo ngân hàng OceanBank đã cho vay và đặt ra lãi suất huy động vượt quá giới hạn được nhà nước chấp thuận dành cho các khách hàng chủ chốt, bao gồm cả PetroVietnam, theo báo chí trong nước.
Vụ này, theo lời các nhà phân tích, cho thấy tình trạng tham nhũng lan tràn ở Việt Nam.
Nhóm vận động phi lợi nhuận Transparency International (Minh bạch Quốc tế) xếp hạng Việt Nam ở vị trí 113 trên 176 quốc gia và khu vực mà họ đánh giá vào năm 2016 về cảm nhận tham nhũng.
Hãng Gan Integrity chuyên tư vấn doanh nghiệp về tuân thủ luật pháp, có trụ sở ở New York, đánh giá nạn tham nhũng "rất phổ biến" ở Việt Nam. Họ nói các công ty có thể phải đối mặt với nạn hối lộ, can thiệp chính trị và "chi phí bôi trơn" trong các hầu hết các ngành nghề. Phát triển bất động sản và xây dựng là hai ngành đặc biệt có nhiều tham nhũng, hãng tư vấn cho hay.
Ông Nguyễn Trung, trưởng khoa quan hệ quốc tế thuộc trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng lương không đủ sống đối với viên chức nhà nước là nguyên nhân lớn gây ra tham nhũng.
Các quy định phức tạp cũng buộc các công ty tìm cách đi tắt, là một nguyên nhân khác của tham nhũng.
Ông Trung nói những người có vốn đôi khi không muốn mở rộng kinh doanh để tránh phải hối lộ, đó là một phần lớn trong nền kinh tế ngầm.
Ông nói thêm, người Việt Nam cũng phải đối mặt với hối lộ khi họ đề nghị các cơ quan chính quyền cấp giấy tờ và nếu bị cảnh sát dừng xe khi đi đường, những điều này làm xói mòn lòng tin của công chúng đối với các dịch vụ công.
Ông nói : "Tôi nghĩ tình hình rất tệ. Tôi có rất nhiều bạn bè và họ không muốn mở các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam vì họ nghĩ rằng họ sẽ phải đối phó với chính quyền và họ phải hối lộ người ta, và điều đó vi phạm các chuẩn mực đạo đức và nguyên tắc của họ".
Mối quan tâm của chính phủ tới vấn đề này đã ngày càng lớn hơn ở Việt Nam, với việc ban hành Luật chống tham nhũng năm 2005, Luật về mua sắm công năm 2009 và Chiến lược Quốc gia về Chống Tham nhũng, sẽ kéo dài đến năm 2020.
Gan Integrity cho biết án tù cho tội đưa, nhận hối lộ ở Việt Nam có từ mức phạt tiền đến án tử hình, nhưng việc thực thi còn lỏng lẻo.
Tổ chức Minh bạch Quốc tế nói họ thấy có ít thông tin công khai về kết quả của công cuộc chống tham nhũng.
Ông Trung nói : "Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam không đoàn kết trong việc ngăn chặn vấn đề. Tôi không nghĩ rằng họ có ý chí chính trị để chấm dứt tham nhũng".
Ralph Jennings
*******************
Các thiếu sót trong thanh tra tài sản (RFA, 19/09/2017)
Năm 2017 Việt Nam chỉ phát hiện 3 trường hợp kê khai tài sản không trung thực, trong khi đó báo chí cho thấy còn nhiều trường hợp kê khai không trung thực nhưng không được xử lý.
'Biệt phủ' của gia đình ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài Nguyên Môi trường tỉnh Yên Bái - Courtesy Danviet.com
Đó là nội dung liên quan đến tham nhũng được thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào sáng ngày 19/9.
Báo cáo của Chính phủ cho biết năm 2017 có hơn một triệu người kê khai tài sản nhưng chỉ có 77 người được xác minh. Trong khi đó con số được xác minh những năm trước cao hơn hẳn, cụ thể 414 trường hợp năm ngoái và hơn 1.200 trường hợp năm 2015.
Trong khi đó báo trí và các cử tri nhắc đến nhiều trường hợp kê khai, hoặc giải trình nguồn gốc tài sản chưa hợp lý, gây bức xúc trong dư luận. Ví dụ điển hình là vụ việc ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Yên Bái
Uỷ ban Tư pháp cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chưa có cơ chế kiểm soát tài sản của toàn xã hội. Người dân chủ yếu vẫn dùng tiền mặt để thanh toán. Ngoài ra, luật Phòng chống tham nhũng còn nhiều điều khoản chưa rõ ràng liên quan đến xác minh tài sản. Bên cạnh đó, các cơ quan làm nhiệm vụ xác minh bản kê khai chưa làm việc hiệu quả trong việc phát hiện và xử lý các trường hợp sai phạm.
Uỷ ban Tư pháp đề nghị Quốc hội và Chính phủ đưa ra quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người dân. Đồng thời, có các biện pháp xử lý rõ ràng với những trường hợp thiếu trung thực.