Bộ Công an Việt Nam đề xuất thống nhất công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố và tổ trưởng, tổ phó dân phòng thành một lực lượng có tên gọi là "lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở".
Ảnh minh họa bảo vệ khu phố và dân phòng ở Hà Nội. AFP
Theo Nghị định 38/2006/NĐ-CP, bảo vệ dân phố là lực lượng quần chúng tự nguyện làm nòng cốt trong phong trào bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, được thành lập ở các phường, thị trấn nơi bố trí lực lượng Công an chính quy, do Ủy ban nhân dân phường quyết định thành lập.
Còn lực lượng dân phòng là tổ chức được thành lập dựa trên sự tự nguyện của quần chúng nhân dân, làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Pháp luật hiện nay không quy định cụ thể về lực lượng dân phòng phối hợp với các tổ chức, ban, bảo mật an ninh trật tự nông thôn, bảo vệ tổ dân phố hoạt động nhân dân và trực tiếp tham gia vào nhiệm vụ giữ gìn bảo mật an ninh, trật tự trên địa bàn.
Pháp luật hiện nay cũng không có quy định cụ thể về lực lượng dân phòng mà Luật Phòng cháy chữa cháy năm 2001 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy chữa cháy năm 2013 chỉ quy định : "Đội dân phòng là tổ chức gồm những người tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy, giữ gìn an ninh trật tự ở nơi cư trú".
Một số người dân lo ngại, việc thành lập lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở gồm công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố và tổ trưởng, tổ phó dân phòng như thế sẽ gây thêm bất ổn cho xã hội.
Bà Hồng Thúy, từng là tổ phó dân phố, hiện ở Quận Bình Thạnh nêu quan điểm của bà với RFA sáng 3 tháng 10 năm 2023 :
"Xã hội Việt Nam có kiểu mà tôi gọi là ‘tòa án nhân dân’. Tức là người dân do không am hiểu luật pháp nên tự động bắt trộm rồi hè nhau đánh đập người ta có khi đến tử vong. Bây giờ những anh dân phòng cũng là những người dân không có nghiệp vụ gì mà được công nhận chức danh, được trao công cụ hỗ trợ, tức là vũ khí, được trao quyền hành nữa thì xã hội càng loạn chứ không có an ninh hơn như họ tự biện hộ đâu.
Theo tôi, cứ giao việc bảo vệ an ninh khu phố cho lực lượng công an, ít ra họ cũng học nghiệp vụ bắt cướp. Nhưng điều tiên quyết vẫn là phải có luật pháp nghiêm minh thì mới không có lạm quyền. Trong một đất nước bất ổn như hiện nay mà dân phòng có thêm quyền hành, luật pháp không được thực thi đúng thì dân lãnh đủ".
Theo dự thảo của Bộ Công an, lực lượng này sẽ được trang bị công cụ hỗ trợ, sổ sách, phương tiện, thiết bị cần thiết ; sử dụng trang phục, huy hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận ; Ủy ban Nhân dân cấp xã phải cung cấp địa điểm, nơi làm việc cho lực lượng này. Ngoài ra, lực lượng này còn được quyền bắt người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã ; tham gia phối hợp, hỗ trợ lực lượng chức năng truy bắt người phạm tội đang bị truy nã, trốn thi hành án phạt tù đang lẩn trốn trên địa bàn.
Truyền thông nhà nước dẫn lời Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp của Bộ Công an, cho hay, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh ở cơ sở không phải là một lực lượng mới mà chỉ là kiện toàn ba lực lượng hiện đang có nên sẽ không phát sinh ngân sách so với hiện hành.
Blogger Nguyễn Ngọc Già nêu ra một số lo ngại với RFA về việc thành lập lực lượng tham gia bảo vệ an ninh ở cơ sở :
"Thứ nhất, lực lượng này sẽ được cung cấp dụng cụ hỗ trợ, tức là roi điện, dùi cui, còng số 8, súng đạn…thì chắc chắn phải tốn tiền rồi. Cái thứ hai, họ quy định UBND cấp xã phải bố trí địa điểm, nơi làm việc cho lực lượng thì chắc chắn phải tốn tiền mặt bằng, điện nước, điện thoại, internet… mà trên phạm phí cả nước thì tốn tiền không ít. Đây là một phát sinh thêm về ngân sách nữa.
Thứ hai, liệu tổ chức mới này và lực lượng công an phường, xã hiện nay có dẫm đạp lên nhau về công việc chuyên môn hay không ? Thứ ba, họ quy định cho lực lượng này có quyền bắt người phạm tội quả tang. Như vậy, lực lượng mới này có được trang bị chuyên môn thật sự hay không ?
Ba điều lo ngại trên làm cho tôi thấy lực lượng mới này không khác gì lực lượng kiêu binh chi loạn của thời phong kiến suy tàn.
Với xã hội trong nước hiện nay mà tôi đang sống, tôi thấy tình hình rất rối ren, nạn lừa đảo, quỵt nợ rất nhiều. Theo tôi, Bộ Công an họ nhìn thấy điều này cho nên họ lập lực lượng này để đẩy trách nhiệm xuống dưới địa phương".
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Già, nếu lực lượng này không được trang bị đủ chuyên môn, nghiệp vụ mà lại có thẩm quyền bắt người thì sẽ rất nguy hiểm, bởi họ có thể bắt oan người khác với cái nhìn "phạm tội quả tang".
Chuyện công an, dân phòng đánh chết người dân đã từng nhiều lần xảy ra được truyền thông nhà nước loan tải. Có thể nêu vài ví dụ :
Tháng 2 năm 2022, trong quá trình tham gia tuần tra phòng, chống Covid-19, một nhóm dân quân tự vệ ở thành phố Phan Thiết đã đưa một người dân về trụ sở làm việc, giữ trái phép nạn nhân trong 4 giờ và đánh, sau đó nạn nhân chết tại nhà riêng. Tháng 8 năm 2023, Thiếu tá Hồ Thanh Hòa, phó trưởng Công an xã Tân Thành B, tỉnh Đồng Tháp bị bắt để điều tra, xử lý hành vi làm chết người trong thi hành công vụ.
Cựu Trung tá quân đội Vũ Minh Trí thì cho rằng, việc thành lập lực lượng tham gia bảo vệ an ninh ở cơ sở là không cần thiết. Ông phân tích :
"Việc thành lập như thế làm cho bộ máy an ninh trật tự ngày càng phình lên tới mức bất hợp lý. Mà bản thân những người thực thi pháp luật lại không am hiểu luật pháp thì mâu thuẫn xã hội ngày càng nảy sinh chứ không hề giảm bớt.
Tôi thấy rằng, nếu trong một nhà nước pháp quyền thật sự thì người ta sẽ không cần một lực lượng như vậy. Thế còn tình trạng lạm quyền ở lực lượng cơ sở, lực lượng không chính quy như dân phòng nó đã diễn ra lâu nay, bởi hầu hết những người tham gia lực lượng này là những người không công ăn việc làm, không có trình độ. Mà sự lạm quyền không cứ lực lượng này mà ngay cả công an bây giờ cũng hết sức lạm quyền.
Trong một xã hội mà ý thức chấp hành pháp luật của cả lực lượng chấp pháp như công an, tòa án, Viện kiểm sát… cũng như của người dân đều không tốt thì việc trao thêm quyền cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở như thế chỉ tạo thêm những nguy cơ bất ổn sâu sắc hơn về mặt xã hội mà thôi. Lý do là chính lực lượng này là lực lượng trực tiếp tiếp xúc với người dân.
Chắc chắn với cách làm việc lạm quyền thì người dân cũng sẽ có những biện pháp đối phó lại. Như thế, xã hội vốn đã bất ổn lại càng bất ổn hơn".
Số liệu mới nhất của Bộ Nội vụ cho thấy, cả nước hiện có hơn 80.000 đơn vị hành chính cấp thôn. Theo Bộ Công an, mỗi đơn vị hành chính cấp thôn có thể bố trí một tổ an ninh trật tự với ít nhất ba thành viên do chính quyền địa phương quy định. Như vậy, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở sẽ khoảng 240.000 người. Kinh phí và cơ sở vật chất cho lực lượng này sẽ lấy từ ngân sách địa phương. Trường hợp khó khăn, ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ.
Nguồn : RFA, 03/10/2023
Hơn 3 năm qua, 48.000 công an chính quy đã được đưa về cấp xã. Họ cơ bản là ngồi đó, chỉ đi "rình phản động" và bắt mấy con bạc và trộm cắp vặt linh tinh.
48.000 công an chính quy đã được đưa về cấp xã, hợp cùng lực lượng chức năng ở cơ sở thành Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Ảnh minh họa
Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 14 vào tháng 6/2020, Bộ công an trình luật"Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở" với mục đích hợp nhất và chính quy hóa 3 lực lượng bảo vệ an ninh ở cơ sở gồm : dân phố, dân phòng và công an bán chuyên trách.
Lúc đó, các đại biểu quốc đã phản ứng dữ dội vì dự luật sẽ làm biên chế phình to quá cỡ. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng còn cho rằng "với việc cơ cấu khoảng 1,5 triệu người tham gia lực lượng này thì như đang áp dụng trong tình trạng khẩn cấp thời chiến, gấp nhiều lần số quân đội thường trực và có cần thiết hay không ?".
Sau đó có hơn 60% đại biểu quốc hội được lấy ý kiến cho rằng không cần thiết ban hành và đã loại dự thảo luật này khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.
Một tròng nữa sẽ được ngoắc vào cổ dân
Nhưng sau vụ việc Tây Nguyên, Chính phủ đã đề nghị bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Bà thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân còn vin cớ để nói rằng nếu có Luật sớm thì lực lượng an ninh cơ sở thì sẽ là "tai mắt" của dân và những vụ việc như ở Tây Nguyên sẽ được phát hiện sớm.
Rồi ngày 20/6 vừa qua, ngài Bộ trưởng từng ăn miếng bò dát vàng tại một nhà hàng sang trọng ở Anh Quốc, lại đứng lên trình ra dự thảo. Sau 3 năm mọi thứ đã quay ngoắt lại. Dự luật lần này với 5 chương 31 điều, được Chủ tịch quốc hội tán thành và dự kiến sẽ được thông qua vào cuối năm nay.
Theo Bộ trưởng Bộ công an Tô Lâm, cả nước hiện có 66.723 người trong lực lượng bảo vệ dân phố, 70.867 công an xã bán chuyên trách và 161.098 đội trưởng, đội phó đội dân phòng (không kể số dân phòng). Sau khi "kiện toàn thống nhất" lại cả ba lực lượng thì tổng quân số sẽ lên khoảng 300.000 người với mức chi không quá 30 tỷ cho mỗi tỉnh trong một tháng.
Cách diễn đạt của bộ trưởng thể hiện sự che giấu tinh vi về một bộ máy rất đồ sộ sẽ mọc ra nhưng không che mắt đượcĐại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp). Theo ông Hòa thì tổng lực lượng ít nhất sẽ phải là 517.000 người với mức chi khoảng 1.000 tỷ/tháng trên cả nước.
Nhiều đại biểu cũng muốn "ho he" về nguồn kinh phí và tính hiệu quả của dự luật, nhưng khi nghe đến "chỉ đạo của Bộ Chính trị" và vụ bạo lực ở Tây Nguyên, thì không một ai đủ dũng cảm để phát biểu ngăn chặn dự luật này ra đời.
Dự luật nguy hiểm này dành cho ai ?
Bản thân ngành công an đã có một bộ "Luật Công an Nhân dân" (số 37/2018/QH14) với một hệ thống tổ chức chặt chẽ từ trung ương đến địa phương với con số biên chế khổng lồ mà tìm hoài vẫn chưa ra được cách thuyên giảm.
Hơn 3 năm qua, 48.000 công an chính quy đã được đưa về cấp xã. Họ cơ bản là ngồi đó, chỉ đi "rình phản động" và bắt mấy con bạc và trộm cắp vặt linh tinh. Một số họ chủ yếu tập trung đánh bạc, thường xuyên xem tiktok hoặc chơi trò chơi trên máy tính. Rảnh rỗi hơn nữa thì còn đibắn trộm dê của dân. Nhiều hành động của công an cơ sở đang gây tai tiếng kinh hoàng và bốc mùi loạn xạ trên khắp các diễn đàn mạng.
Bản thân việc "đưa công an chính quy về xã" là một giải pháp tình thế để làm "tinh gọn" bộ máy ở cấp trên do tham nhũng tuyển dụng "công an nghĩa vụ" ào ạt từ những năm 2005-2015 gây ra. Những năm đó có hẳn cả một mạng lưới dày đặc cò mồi, mời chào thanh niên nông thôn đi "công an nghĩa vụ" với giá từ 20-40 triệu đồng. Đi nghĩa vụ nhưng cuối cùng là "chạy" luôn vào biên chế.
Khi bộ máy ở trên phình to quá nên bộ mới sáng kiến đưa về cấp dưới. Tiếp theo cấp dưới lại cần một "cánh tay nối dài" xuống cơ sở một cách chính quy, có biên chế và dòng ngân sách trả lương riêng. Đúng như một đại biểu đã từng phát biểu việc chính quy hóa lực lượng ở cơ sở là "phình cả tĩnh mạch và động mạch".
Giữa lúc kinh tế đang suy thoái, thu ngân sách giảm thì dự thảo Luật này được đưa ra, nhiều người có quyền đặt lại cả sự thật, tính chất và động cơ đằng sau của vụ việc bạo lực đã xảy ra ở Tây Nguyên?.
Hệ quả và lợi ích của ai sau vụ Tây Nguyên ?
Trước mắt, ta thấy việc thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chỉ có lợi cho ngành công an. Ngược lại người dân sẽ bị áp bức hơn.
Từ lâu nay Việt Nam vẫn bị coi là nhà nước "công an trị" và bây giờ tiếp tục lại có một lực lượng chính quy khác tiếp tục đè đầu cưỡi cổ. Dự luật vừa thêm gánh nặng cho những người dân vừa gây bất bình và ganh tị giữa các lực lượng cùng tham gia bảo vệ an ninh cơ sở, bởi vì mức lương của công an thường cao hơn cả cán bộ chủ tịch, bí thư trong xã.
Sau vụ việc ngày 11/6 ở Tây Nguyên, đài báo Nhà nước cho rằng "cuộc sống đã trở lại bình thường" nhưng các nguồn tin riêng tại Tây Nguyên cho biết là cảnh sát giao thông và công an mật được tăng cường gấp 3-4 lần mức bình thường. Hầu như các trục đường chính nào cũng có các lực lượng chuyên ngành án ngữ và bất cứ khi nào cũng có thể yêu cầu người đi đường xuống để kiểm tra giấy tờ.
Bầu không khi u uất, nặng tính đàn áp vẫn bao trùm nặng nề lên khắp các buôn làng của người đồng bào. Chỉ cần bạn "da ngăm đen" hoặc mặc đồ "rằn ri" là có thể bị chặn lại và tấn công bất cứ lúc nào.
Thử tưởng tượng sau khi các lực lượng "an ninh cơ sở" được gom lại và chính quy hóa, một màng lưới dày đặc thuộc đủ mọi tầng lớp lại được căng ra trên đầu những người dân.
Trong khi đó hàng ngàn quan tham vẫn đang ngày đêm lũng đoạn đất nước ; trộm cướp, đâm chém, giết người vẫn liên tục xảy ra ở khắp nơi, từ thành thị tới nông thôn, từ miền xuôi lên miền ngược và nhiều hung thủ vẫn nhởn nhơ ngoài xã hội.
Hàng chục vụ án oan ức với hàng trăm nạn nhân đang phải ngồi sau song sắt chỉ vì khát khao hành động cho một Việt Nam tốt đẹp hơn. Hoạt động tư pháp càng ngày càng độc đoán và công lý vắng bóng ở các phiên toa. Nhiều luật sư phải ngồi tù hoặc trốn ra nước ngoài mà mới đây nhất là vụ3 luật sư phải đào thoát sang Mỹ
Không chỉ ở trong nước mà việc tăng biên chế cho những việc vô bổ cũng phình to ở nước ngoài. Tôi nhận thấy rằng các tay "điệp viên" của Việt Nam rất giỏi tưởng tượng rồi dựng nên những con "ngáo ộp" có khả năng lật đổ để hù doạ đảng cộng sản và lấy tiền của nhân dân Việt Nam chi cho việc riêng.
An ninh trong tự do và tình yêu
Một xã hội dân sự phát triển là sự đảm bảo của an ninh. Xã hội dân sự sẽ là bộ đệm để giảm áp lực tiêu cực của chính quyền lên công dân của mình đồng thời là kênh đạo đạt tiếng nói của người dân lên Nhà nước. Chỉ có "dân sự", chứ không phải "cảnh sát hay quân sự" mới thực sự khởi tạo và nới rộng được không gian sống cho chính người dân một cách an bình và tự do.
Xã hội dân sự có nghĩa là để cho chính những người dân tại cơ sở xây dựng lực lượng đảm bảo an ninh cho riêng mình dựa trên nhu cầu thực tế của người dân tại cơ sở. Số lượng, biên chế và nguồn lực cho an ninh phải do chính Hội đồng nhân dân và UBND cấp cơ sở quyết định.
An ninh không thể được đảm bảo khi cứ thêm người và súng đạn mà chỉ đảm bảo khi lòng người được yên bình qua sự minh bạch và tình yêu thương. Những hành động tử tế có gía trị và sức thuyết phục hơn hàng ngàn cái vụt của dùi cui. Như tôi đã từng viết nhiều lần: bạo lực chỉ làm phát sinh thêm bạo lực.
Tôi nhận thấy rằng dự luật mới sẽ giết chết từ trong trứng nước mầm mống của "Cuộc cách mạng của sự tử tế" trên quê hương Việt Nam.
Hỡi những đại biểu quốc hội còn lương tri, xin hãy mạnh dạn đứng lên ngăn chặn dự luật nguy hiểm này như các vị đã làm hơn 3 năm trước.
Lê Quốc Quân
Nguồn : VOA, 03/07/2023