Khi người dân đổ ra trên nhiều đường phố ở khắp đất nước vào tháng Sáu, Đảng Cộng sản Việt Nam thấy mình đang phải đối mặt với một sự bất mãn của công chúng, bắt đầu từ kế hoạch cho Trung Quốc thuê đất và một luật mới về an ninh mạng.
Những người biểu tình cầm biểu ngữ chống lại chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một công viên ở Hà Nội ngày 05/11/2015
Khi Việt Nam bị rung chuyển bởi nhiều cuộc biểu tình trên toàn quốc phản đối về một dự luật Đặc khu Kinh tế gây tranh cãi, người dân địa phương đã tràn ra nhiều đường phố ở nhiều thành phố lớn và những tỉnh sẽ bị ảnh hưởng bởi những đặc khu kinh tế. Những người biểu tình đụng độ với cảnh sát, và ở tỉnh Bình Thuận, người biểu tình tấn công một số tòa nhà hành chính và đốt cháy xe.
Điều gây ra sự thất vọng như vậy không phải là viễn cảnh có nhiều đặc khu kinh tế hơn trong nước, mà là do người dân nghi ngờ rằng các công ty Trung Quốc là những người đầu tiên hưởng lợi trong quy định nhà đầu tư nước ngoài có thể thuê đất trong 99 năm, như đề xuất trong dự luật Đặc khu Kinh tế. Dự luật không chỉ rõ các công ty nước ngoài nào sẽ được giao đất, nhưng viễn cảnh nhà đầu tư Trung Quốc chiếm ưu thế trong các đặc khu này đủ để gây ra các cuộc biểu tình chống Trung Quốc với quy mô lớn nhất sau năm 2014, thời điểm Trung Quốc đưa một giàn khoan dầu đặt trong vùng biển thuộc vùng kinh tế độc quyền của Việt Nam.
Đối với người Việt Nam, Trung Quốc là kẻ giả mạo trứ danh. Câu chuyện xây dựng quốc gia ở Việt Nam phát triển không quá nhiều xung quanh chủ nghĩa cộng sản hoặc "tư tưởng Hồ Chí Minh" mà là xung quanh cuộc chiến của Việt Nam chống lại sự cai trị của nước ngoài. Đảng Cộng sản Việt Nam tự cho mình xứng đáng là độc quyền về quyền lực - không phải vì ý thức hệ của nó, nhưng vì nó là lực lượng dẫn đầu trong chiến tranh chống Pháp và Hoa Kỳ, và sau đó đẩy lùi cuộc xâm lược của Trung Quốc vào năm 1979.
Từ đó, Đảng Cộng sản Việt Nam tự cho mình là một lực lượng được nghiễm nhiên cầm quyền để bảo vệ quốc gia khỏi những kẻ xâm lược nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc. Thực tế hiện nay Việt Nam đang phải đối mặt với sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông : Bắc Kinh liên tục tổ chức tập trận, triển khai vũ khí trên các đảo nhân tạo, và gây áp lực buộc Việt Nam phải dừng dự án khai thác dầu khí, một dự án với Công ty Repsol của Tây Ban Nha .
Nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ có thể tiếp tục quyền lãnh đạo của mình nếu nó coi Trung Quốc như một mối đe doạ bên ngoài. Mặt khác, Việt Nam phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc về thương mại và quan trọng hơn, sự thành công chưa từng có của một nước Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản mang lại tính hợp pháp mạnh mẽ trong nước và quốc tế. Đảng Cộng sản Việt Nam sao chép nhiều mô hình của Trung Quốc và áp dụng nhiều chính sách, ví dụ mới nhất là một chiến dịch chống tham nhũng lớn.
Người Việt không lạ gì với biểu tình
Đối phó với tinh thần chống Trung Quốc ăn sâu trong tâm trí người Việt, và đôi khi sử dụng tinh thần này để tăng cường tính hợp pháp của chính mình, Đảng Cộng sản Việt Nam phải cân bằng sự phản đối của mình với sự hung hãn của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhưng với sự phản đối dự luật Đặc khu Kinh tế, vấn đề không chỉ là chủ nghĩa dân tộc. Thứ nhất, ý tưởng thuê đất cho người nước ngoài trong 99 năm dường như đã được cảnh báo bởi người dân Việt Nam ở thành thị, những người không muốn có số phận giống như Sri Lanka, một quốc gia đã bị buộc phải bàn giao một cảng phía nam cho Trung Quốc với hợp đồng thuê 99 năm vào tháng 12 năm ngoái để trừ nợ với Trung Quốc, mức nợ hiện đang là 8 tỷ đô la. Thứ hai, quyền sử dụng đất là một trong những vấn đề nóng bỏng nhất trong đời sống xã hội Việt Nam, nơi người dân không được tư hữu đất đai và thường xuyên bị nhà nước tịch thu đất. Năm ngoái, dân ở xã Đồng Tâm gần Hà Nội tham gia một cuộc biểu tình với chính quyền địa phương và thậm chí còn bắt giữ nhiều quan chức và cảnh sát làm con tin trong nhiều ngày.
Biểu tình không còn xa lạ với người Việt. Bên cạnh đấu tranh về đất, họ thường xuyên tổ chức biểu tình để phản đối những quy định không công bằng của các nhà máy, tham nhũng, đàn áp tôn giáo và ô nhiễm môi trường - đã có nhiều cuộc biểu tình kéo dài năm 2016 chống lại việc Công ty Formosa xả độc ở ven biển miền Trung. Nhưng tất cả các cuộc biểu tình này thường không mang màu sắc chính trị và hiếm khi nhắm mục tiêu trực tiếp là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Các cuộc biểu tình gần đây còn nhắm đến một điều khác nữa. Một vấn đề không kém quan trọng là Luật An ninh mạng. Việc bỏ phiếu về dự luật Đặc khu Kinh tế đã bị hoãn lại, nhưng Luật An ninh mạng đã được Quốc hội phê duyệt ngay sau khi nổ ra biểu tình, có nghĩa là bây giờ tất cả các công ty Internet sẽ phải lưu trữ dữ liệu của họ tại Việt Nam và theo dõi nội dung như phỉ báng, hoạt động chống nhà nước và "bóp méo lịch sử".
Cuối cùng, tính chính đáng hợp pháp của Đảng Cộng sản Việt Nam là phát triển kinh tế và phẩm cấp cuộc sống - và đây chính là những vấn đề mà người Việt Nam sẵn lòng đứng lên phản đối, tinh thần chống Trung Quốc đơn thuần chỉ là một chất xúc tác. Luật An ninh mạng dường như không có khả năng ngăn chặn sự tiếp cận của dân số đô thị ngày càng gia tăng với các vấn đề trong nước và quốc tế.
Đảng Cộng sản Việt Nam tự coi mình là một lực lượng chính trị do dân ủng hộ và đã thể hiện khả năng đáng kể trong 30 năm kể từ khi đổi mới theo hướng kinh tế thị trường. Thách thức của đảng hiện nay là làm sao quản lý được sự thay đổi của một xã hội đang phát triển nhanh chóng. Lực lượng lao động chủ yếu là chủ sở hữu và người làm công ở các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ, nhưng phần lớn giá trị xuất khẩu đi vào túi của các công ty nước ngoài, khu vực nhà nước tụt lại phía sau và phần lớn dân số trẻ và hiểu biết về mạng. Ngay bây giờ, hầu hết những người Việt trẻ này bị cô lập với chính trị, nhưng nếu họ được vận động thông qua mạng xã hội và những cuộc biểu tình như trong tháng Sáu,Đảng Cộng sản Việt Nam có thể sẽ phải ở một vị trí hoàn toàn khác.
Không có một quá trình trực tiếp và hấp dẫn để biến tinh thần công chúng thành chính sách, Đảng Cộng sản Việt Nam sau năm 1986 đã lãnh đạo đất nước chỉ bằng suy nghĩ của mình trong khi lại cho rằng mình đại diện cho tất cả nhân dân Việt Nam. Các cuộc biểu tình ở quy mô toàn quốc là hậu quả của những suy nghĩ đó, và chỉ ra những bất ổn của đảng cầm quyền. Điều này có nghĩa là trong việc tìm kiếm sự hài hòa, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ phải mở rộng cơ sở xã hội của mình, tiếp tục đổi mới nội bộ và trở thành nền tảng cho cuộc đối thoại xã hội - hoặc các cuộc biểu tình có nguy cơ mang màu sắc chính trị hơn.
Anton Tsvetov
Nguyên tác : Anti-China protests hint at Vietnam’s growing unrest with ruling party, Southeast Asia Globe, 09/07/2018
Vũ Quốc Ngữ dịch
Nguồn : VNTB, 12/07/2018
Tác giả Anton Tsvetov là một nhà phân tích Đông Nam Á có trụ sở tại Moscow, Nga. Ông thường xuyên viết về chính trị Đông Nam Á và chính sách của Nga ở châu Á tại @antsvetov.
Lao động Việt gửi về nước hơn 3 tỷ USD mỗi năm (RFA, 21/06/2018)
Cục Quản lý Lao động Ngoài nước thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết hiện có khoảng 500 ngàn người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài và tổng số tiền mà các lao động này gửi về nước mỗi năm khoảng 3 tỷ USD (tương đương hơn 76 ngàn tỷ đồng.)
Lao động xuất khẩu trên đường ra nước ngoài - Ảnh minh họa (tapchitaichinh)
Tuy nhiên, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn, kết thúc hợp đồng không quay về nước hoặc ở lại lao động bất hợp pháp đang xảy ra ở một số nơi. Đặc biệt là Hàn Quốc với tỷ lệ bỏ trốn lên đến 50% đã khiến việc ký kết hợp đồng tiếp nhận lao động giữa hai nước trở nên khó khăn.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu vào năm 2018 đưa 110 ngàn lao động đi làm việc nước ngoài. Bên cạnh đó, Bộ này cho biết sẽ tiếp tục tìm kiếm thị trường mới và siết chặt quản lý để bảo đảm thị trường các nước cũ.
Được biết, trong vòng 4 năm từ 2014 đến 2017, Việt Nam xuất khẩu lao động đi làm việc ở nước ngoài vượt mức 100 ngàn người một năm. Năm 2017, số lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài đạt mức kỷ lục với 135 ngàn người.
********************
Dân Hưng Yên mang quan tài diễu phố phản đối công an (Người Việt, 21/06/2018)
Nghi con em mình bị truy sát dẫn đến chết trong khi cơ quan chức năng ở tỉnh Hưng Yên thờ ơ không điều tra nguyên nhân cụ thể, nhiều người thân của 2 nạn nhân đã đưa quan tài ra đường diễu phố.
Người dân tập trung đông trên quốc lộ 5 liên quan đến việc 2 thiếu nữ nghi bị truy sát. (Hình : Người Lao Động)
Ngày 21 tháng Sáu, ông Nguyễn Minh Hiền, trưởng công an huyện Yên Mỹ, xác nhận với báo Người Lao Động rằng, chiều tối 20 tháng Sáu đã vận động người thân 2 nạn nhân là em Nguyễn Thị Tr. (12 tuổi, ở Thanh Long, Yên Mỹ) và em Lê Thị Ng. (14 tuổi, ở Hoàn Long, Yên Mỹ) cùng người dân "kiềm chế, ổn định trật tự, chờ kết luận của cơ quan điều tra", không tập trung đông trên quốc lộ 5.
Theo ông Hiền, hiện nguyên nhân dẫn đến việc hai nữ sinh chết đang được cơ quan công an "tích cực điều tra", nhưng nhanh nhất cũng phải 8-10 ngày nữa mới có kết quả giám định pháp y nên hiện tại chưa có kết luận 2 nạn nhân chết là bị sát hại hay tai nạn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Bật Khánh, chủ tịch huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, cho biết sự việc 2 nữ sinh tử nạn tại huyện Yên Mỹ, đã diễn biến rất phức tạp khi 2 gia đình và cả ngàn người dân mang thi hài nạn nhân đến trụ sở công an huyện và quốc lộ 5 yêu cầu trả lời về nguyên nhân cái chết.
Người thân đưa quan tài ra đường quốc lộ yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân tử nạn. (Hình : Người Lao Động)
Theo đó, khoảng 14 giờ 40 phút ngày 20 tháng Sáu, gia đình em Lê Thị Ng. đã đưa xe tang lễ chở thi thể em Ng. đến cổng công an huyện Yên Mỹ yêu cầu trả lời nguyên nhân về cái chết của Ng.
Cùng lúc, gia đình em Nguyễn Thị Tr. cũng đã mang quan tài ra địa điểm xảy ra vụ việc từ lúc 14 giờ 45 phút ngày 20 tháng Sáu, gây ách tắc giao thông trên quốc lộ 5.
Sự việc khiến hàng ngàn người dân cùng tham gia khi biết chuyện, kéo dài cuộc diễu hành từ 17 giờ 30 ngày 20 đến tận 6 giờ sáng ngày 21 tháng Sáu.
"Mặc dù được công an tỉnh, chính quyền huyện, xã và công an huyện tích cực tuyên truyền vận động, tuy nhiên, hai gia đình không đưa thi hài về nhà mai táng", thông báo của công an tỉnh Hưng Yên nêu rõ.
Tin cho biết, để giải tán cuộc diễu hành, giảm áp lực dư luận, công an tỉnh Hưng Yên đã thông báo "một số đối tượng quá khích" đã bị bắt giữ và sẽ bị xem xét xử lý nghiêm. Đến lúc này gia đình các nạn nhân mới đồng ý đưa quan tài hai nữ sinh về Trung Tâm Y Tế huyện Yên Mỹ để các cơ quan chức năng tiến hành mời Viện Khoa Học Hình Sự, Bộ công an khám nghiệm, điều tra.
Như truyền thông Việt Nam đã đưa tin, khoảng 22 giờ ngày 19 tháng Sáu, người dân ở xã Hoàn Long, huyện Yên Mỹ phát hiện 2 thiếu nữ, sau đó được xác định là em Nguyễn Thị Tr. và em Lê Thị Ng. nằm chết ven đường ở khu vực cầu vượt đường cao tốc cùng một xe máy cách đó không xa. Cơ quan điều tra nhận định đây là vụ tai nạn giao thông, song người dân cho rằng có dấu hiệu nạn nhân bị truy sát. (Tr.N)
***********************
Liệu EVN có tiếp cận được thị trường vốn quốc tế ? (VOA, 21/06/2018)
Mức điểm tín nhiệm tốt từ hãng Fitch trong tháng này đã khiến Việt Nam hứng khởi trên chiến thắng nhỏ bất chấp những xu thế kinh tế ít thuận lợi hơn có liên quan đến chỉ số tín nhiệm lần đầu tiên có được này.
EVN giữ thế độc quyền trong việc cung cấp điện ở Việt Nam
Tập đoàn điện lực Nhà nước độc quyền EVN, được Fitch đánh giá có độ tín nhiệm ‘BB’ hôm 6/6. Trước đó, hãng đánh giá tín nhiệm này chưa từng chính thức đánh giá mức độ tín nhiệm của một tập đoàn phi tài chính thuộc sở hữu Nhà nước ở Việt Nam. Điều này đã khiến cho nhiều quan chức thuộc các ban ngành khác nhau ở Việt Nam tha hồ nói về những hứa hẹn của một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
"Mức điểm tín nhiệm tích cực này cho phép EVN phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế, đa dạng hóa nguồn lực tài chính của chúng tôi và tái trấn an các nhà đầu tư tổ chức trong nước và quốc tế", ông Đinh Quang Trí, giám đốc điều hành tạm quyền của EVN, nói. "Giờ đây chúng tôi đã có vị thế mạnh mẽ hơn để cung cấp nguồn điện đáng tin cậy hơn cho Việt Nam".
Tuy nhiên, sự hồ hởi này phải đối mặt với hai câu hỏi : Liệu mức điểm tín nhiệm đó có đủ cho các nhà đầu tư tin tưởng vào EVN ? Và chính phủ nên nhúng tay vào các doanh nghiệp đến mức độ nào ?
Năng lượng tái tạo
Trường hợp của EVN thể hiện cảm xúc lẫn lộn của các nhà phân tích về Việt Nam, một quốc gia cộng sản đang chuyển đổi sang nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Việc Nhà nước điều hành EVN đã góp phần quyết định mức độ tín nhiệm mà Fitch dành cho tập đoàn này.
"Chúng tôi tin tưởng rằng công ty có thể tìm đủ nguồn tài chính nếu xét trên vị trí của mình như là một tập đoàn có liên hệ chặt chẽ với Nhà nước", EVN cho biết trong một thông cáo báo chí.
Tuy nhiên các doanh nghiệp muốn có nhiều hứa hẹn hơn từ chính quyền. Việt Nam đã có nhiều năm trời tranh thủ các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo nhưng chỉ đạt được thành công khiêm tốn. Đó một phần là vì các công ty sản xuất năng lượng gió, năng lượng mặt trời và các dạng năng lượng thay thế khác chỉ có thể bán cho EVN và họ sợ rằng họ sẽ thua lỗ nếu tập đoàn này không tiếp tục mua điện của họ.
Đối với năng lượng tái tạo, "không có bất kỳ điều khoản đảm bảo hay hỗ trợ nào của Nhà nước để đảm bảo mức độ tin tưởng của EVN với tư cách là khách hàng độc quyền", hãng luật doanh nghiệp Baker McKenzie cho biết trong một báo cáo hồi tháng Chín.
Nhà nước và thị trường tự do
Một số người nhìn chung muốn Nhà nước có vai trò lớn hơn, nhất là ra tay cứu cho những tập đoàn đang gặp khó khăn. Một số người khác thì muốn Nhà nước giảm sư can dự, như đã thấy trong nỗ lực kêu gọi Việt Nam cổ phần hóa hơn nữa bằng cách bán cổ phần của nhiều tập đoàn Nhà nước. Quốc gia này vẫn chưa tìm được điểm cân bằng giữa thị trường tự do và sự kiểm soát của Nhà nước.
Hà Nội từng là cam kết chắc như đinh đóng cột rằng họ sẽ trả nợ nếu các tập đoàn Nhà nước hay các dự án công cộng bị vỡ nợ. Giờ đây Chính phủ Việt Nam ít làm công việc này hơn bởi vì họ đang chuyển hướng khỏi nền kinh tế tập trung cũng như giảm các khoản nợ quốc gia.
Sự lo lắng của công chúng đã gia tăng trong những năm gần đây khi Việt Nam tiến gần đến mức trần nợ công là 65% của Tổng sản phẩm nội địa, mặc dù Chính phủ Việt Nam đã có những tiến bộ trong việc kiểm soát nợ công.
Điều đó có nghĩa là EVN phải có những bước đi thận trọng. Giờ đây với việc họ được Fitch đánh giá tín nhiệm, họ đang hướng đến phát hành trái phiếu quốc tế để vay tiền từ các nhà đầu tư trên thế giới.
Trải qua quá trình tìm kiếm nguồn vốn này sẽ ‘giúp EVN được lợi từ tính kỷ luật vốn đi kèm với việc bước vào thị trường vốn", Jordan Schwartz, giám đốc phân nhánh của Ngân hàng Thế giới chịu trách nhiệm giám sát cơ sở hạ tầng, các đảm bảo và các đối tác công-tư, cho biết.
Ngân hàng Thế giới đã cấp vốn và hỗ trợ kỹ thuật cho EVN để chuẩn bị cho sự đánh giá của Fitch. Chỉ số tín nhiệm của tập đoàn này cho thấy số phận của EVN tương quan chặt chẽ như thế nào với Chính phủ Việt Nam. Ví dụ như là giá điện phải tăng để giúp tập đoàn này có lợi nhuận và nhờ đó tăng thêm điểm tín nhiệm. Tuy nhiên, nếu tăng quá nhiều thì cần phải có sự phê chuẩn của Chính phủ vốn muốn giữ giá điện ở mức vừa phải cho người dân.
Sự tương quan này thậm chí còn được thể hiện thẳng thừng hơn nữa trong đánh giá của Fitch. Chỉ số tín nhiệm nói chung dành cho Chính phủ Việt Nam cũng là BB. Nếu chỉ số này cải thiện thì mức độ tín nhiệm của EVN cũng được cải thiện, Fitch cho biết, ‘miễn là mối liên hệ giữa EVN với Nhà nước không có thay đổi gì lớn’.
*******************
Mối nguy của kinh tế Việt Nam khi bất mãn gia tăng (BBC, 19/06/2018)
Giới quan sát đưa ý kiến về những mối nguy của Việt Nam như sụt giảm FDI và thị trường chứng khoán tụt dốc trong bối cảnh bất mãn xã hội gia tăng.
Tình hình bất ổn tại Việt Nam thời gian qua, đặc biệt với sự ra đời của Luật An ninh mạng, và biểu tình nhiều nơi, được cho là nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán sụt giảm
Hãng tin Bloomberg ngày 18/6 có bài viết tựa đề "Việt Nam : Bất mãn ẩn náu dưới bề mặt thành công về kinh tế".
"Việt Nam khoe là một trong những nền kinh tế phát triển nhất trong khu vực, công dân lạc quan và một chính phủ ổn định. Nhưng bên dưới bề mặt tích cực đó là sự bất mãn, bùng nổ qua các cuộc biểu tình khắp Việt Nam tuần qua", bài trên Bloomberg cho hay.
"Có một sự thất vọng chung trong xã hội", Alexander Vuving, nhà nghiên cứu chính trị thuộc Trung tâm nghiên cứu an ninh Châu Á-Thái Bình Dương tại Hawaii, được Bloomberg trích lời.
Trong vòng 10 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Kinh tế Thế giới WTO, đã có tiến bộ trong việc tạo ra sự giàu có. Nhưng cùng lúc đó, người ta chứng kiến rất nhiều tham nhũng. Và người dân Việt Nam nghi ngại ảnh hưởng của Trung Quốc.
Sự mất tin tưởng vào chính phủ tồn tại trong dân chúng, những người bày tỏ sự lo ngại của mình trên mạng xã hội, theo Bloomberg.
Các mối nguy với nền kinh tế
Bên dưới bề mặt tích cực đó là sự bất mãn, bùng nổ qua các cuộc biểu tình khắp Việt Nam tuần qua
Theo Bloomberg, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,38% trong quý đầu 2018. Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng từ 6,5% lên 6,8% trong cả năm nay.
Bùng nổ kinh tế tại Việt Nam là nhờ vào đầu tư từ các công ty nước ngoài như Samsung, LG Electronics, Nestle SA, các tập đoàn biến Việt Nam thành một xưởng sản xuất thủ công.
Hiện các nhà đầu tư chưa nản lòng tại Việt Nam, nhưng "mối nguy lớn nhất cho Việt Nam bây giờ là sụt giảm FDI, trong bối cảnh sự bất mãn trong xã hội gia tăng", Bloomberg trích lời ông Bernard Lapointed, công ty Viet Dragon tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Luật sư Trần Vũ Hải chia sẻ trên Facebook cá nhân rằng 'thị trường chứng khoán rất nhạy cảm với các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội nghiêm trọng'.
"Ngay sau khi Quốc hội bấm nút thông qua luật An ninh mạng vào 9g57 sáng thứ Ba 12/6/2018, thị trường chứng khoán bị chao đảo, có lúc giảm gần 30 điểm (giảm gần 3%). Đến phiên chiều có hồi phục chút ít, nhưng cũng giảm 18 điểm (1,8%)".
Trong khi đó, luật sư Luân Lê viết trên trang cá nhân :
"Thị trường chứng khoán lao dốc và bốc hơi đến gần 6 tỷ đô la chỉ trong vòng chưa đến một ngày ngắn ngủi bằng những phiên bán tháo với khối lượng lớn, trong đó đặc biệt là khối ngoại (nhà đầu tư nước ngoài)".
"Đó là tình trạng xảy ra ngay sau khi quốc hội bấm nút thông qua luật an ninh mạng 2018".
"Một làn sóng ngầm giận giữ đang lớn dần trong lòng người dân bởi tham nhũng tràn lan và thiếu minh bạch từ chính quyền địa phương", tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh được Bloomberg trích thuật.
"Một việc rất quan trọng là chính phủ cần giải quyết các vấn đề này trước khi nó trở thành vấn nạn lớn trong dân".
Hàng chục tỷ đô la bốc hơi
Thị trường chứng khoán Việt Nam bốc hơi hơn 30 tỷ đô trong vòng hơn hai tháng, VnIndex tụt sâu dưới ngưỡng 1.000 điểm trong phiên giao dịch sáng 19/6, theo Vietnamnet.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục bị bán mạnh, trong đó có VPBank (VPB), ACB.
"Túi tiền của nhiều tỷ phú Việt xẹp nhanh chóng", trang Vietnamnet cho hay.
Theo Dân Việt thống kê, tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet Air bốc hơi khoảng 2.000 tỷ đồng sau ba phiên giao dịch gần nhất.
Tổng tài sản của bà Thảo theo tính toán của Forbes tới 18/6 chỉ còn 2,9 tỷ USD, mất khoảng 1 tỷ USD so với đỉnh cao.
Tài sản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC giảm xuống chỉ còn khoảng 21.700 tỷ đồng (khoảng 950 triệu đô la).
Tỷ phú Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cũng có tài sản bốc hơi khoảng 1.600 tỷ đồng trong hai phiên vừa qua.
Sự sụt giảm kinh tế này xảy ra trong bối cảnh nhiều cuộc biểu tình phản đối Luật An ninh mạng và dự Luật Đặc khu kinh tế nổ ra tại nhiều tỉnh thành khắp Việt Nam.
Sự việc căng thẳng nhất xảy ra tại Phan Rí khi người dân đốt trụ sở ủy ban và chống trả lực lượng an ninh bằng gạch đá. Hàng trăm người bị bắt sau đó, trong đó có những 'thành phần quá khích', theo truyền thông Việt Nam.
Mới đây nhất, hàng trăm người bị bắt câu lưu tại Sài Gòn trước lo ngại biểu tình. Một số nhân chứng cho BBC biết bị bắt vô cớ và bị đánh đập.
Trả lời phóng viên trong nước, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, nói "một số sự kiện vừa rồi đã bị lợi dụng".
"Chắc là các thế lực thù địch phải tìm thời điểm thích hợp để kích động để đúng ý đồ của người ta. Đã có âm mưu thì phải có sự chuẩn bị", ông Hồng nói thêm.
Các lãnh đạo Việt Nam, gồm cả Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gần đây cũng tìm cách trấn an dư luận rằng "Việt Nam vẫn có tự do Internet", theo báo chí nước này hôm 18/06.