Việt Nam xuất khẩu khoảng 1 tỷ đôi giày mỗi năm (RFA, 22/03/2019)
Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 1 tỷ đôi giày và là quốc gia xuất khẩu da giày đứng thứ nhì thế giới hiện nay, chỉ sau Trung Quốc.
Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 1 tỷ đôi giày và là quốc gia xuất khẩu da giày đứng thứ nhì thế giới hiện nay. Courtesy : Ảnh chụp màn hình baohaiquan.vn
Thông tin vừa nêu được các chuyên gia công bố trong Hội nghị quốc tế xúc tiến xuất khẩu ngành da giày Việt Nam 2019, tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 20 tháng 3.
Tại hội nghị, các chuyên gia cho biết tổng giá trị xuất khẩu của ngành công nghiệp da-giày Việt Nam trong năm 2018 đạt gần 20 tỷ đô la Mỹ (USD), tăng 8,3% mỗi năm. Việt Nam đặt mục tiêu tăng 10% giá trị xuất khẩu lên từ 21,5 đến 22 tỷ USD trong năm 2019.
Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam (Lefaso), ông Diệp Thành Kiệt, cho biết từ nay cho đến năm 2025, ngành công nghiệp da giày của Việt Nam vẫn sẽ cạnh tranh về chi phí nhân công, thu nhập bình quân đầu người, chính sách kinh tế và thị trường xuất khẩu. Ông Diệp Thành Kiệt nói rằng Việt Nam theo sau Trung Quốc trong xuất khẩu da giày hơn 1 tỷ đôi hàng năm. Tuy nhiên các hợp đồng sản xuất túi xách và giày sẽ chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam do Trung Quốc tiếp tục chính sách giảm ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực dệt may, giày dép để tập trung vào các ngành công nghệ cao. Theo ông, Việt Nam cần tận dụng các cơ hội khi tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để có thể thu hút nhiều hơn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) trong lãnh vực giày dép để xây dựng khu vực sản xuất nguyên liệu phụ trợ tại Việt Nam và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các chuyên gia cũng cho rằng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã khiến những nhãn hiệu giày quốc tế di chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác, chủ yếu đến Indonesia. Vì thế, các doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu rõ chính sách hỗ trợ của nhà nước và các lợi thế khác để tìm cơ hội sản xuất và xuất khẩu sản phẩm da giày.
Da giày, túi xách là hai mặt hàng xuất khẩu xếp thứ tư và thứ 10 trong số 10 sản phẩm xuất khẩu chính của nền kinh tế Việt Nam.
**************
Bắt đầu phiên xét xử băng đảng Việt trộm cắp hàng hóa ở Nhật (VOA, 21/03/2019)
Một phụ nữ Việt Nam 30 tuổi, không được nêu tên, bị cáo buộc đã thực hiện hành vi ăn cắp tại nhiều nơi ở Nhật Bản, tới 38 vụ trong năm ngoái, 2018. Cảnh sát Nhật nói đương sự không hành động một mình mà là thành viên của một băng đảng chuyên ăn cắp hàng hóa ở Nhật Bản.
Tư liệu : một nữ thực tập sinh kỹ năng người Việt tại Nhật (Ảnh chụp từ trang Kyodo News)
Bản tin của báo Japan Today số ra ngày 21/3 dẫn nguồn tin từ Tòa án Quận Fukuoka, nơi phiên tòa xét xử vụ trộm vừa khởi sự, cho biết là người phụ nữ Việt Nam đã lấy cắp tất cả 2.229 món hàng, trị giá tổng cộng ước lượng khoảng USD 58,600. Hành vi phạm tội đã được thực hiện tại 3 quận Fukui, Mie và Aichi.
Theo nguồn tin cảnh sát, phụ nữ trong cuộc là một thực tập sinh Việt Nam. Thông thường cô hay bước vào các cửa hàng, mang theo một túi đeo vai lớn. Mỗi lần như vậy, cô có thể lấy cắp tới 150 món hàng, nhét cả vào túi.
Các nhà điều tra cho biết những sản phẩm bị lấy cắp chủ yếu là đồ trang điểm, thuốc men và quần áo thời trang. Những sản phẩm lấy cắp thường được bán cho những người sử dụng mạng xã hội Việt Nam.
Cảnh sát tin rằng người phụ nữ không hành động đơn độc mà trực thuộc một băng nhóm tội phạm cùng với 5 người Việt khác. 5 người đều thuộc phái nam, trong lứa tuổi từ 24 tới 28. Tất cả đều tới Nhật Bản trong tư cách thực tập sinh, tham gia các chương trình huấn luyện công nghệ..
Băng nhóm tội phạm này bị tình nghi đã thực hiện 109 vụ trộm cắp tại 8 quận hạt khác nhau, tổng trị giá các món hàng lấy cắp được ước lượng lên tới USD 114.000.
Theo báo chí Nhật Bản, một khi phiên tòa kết thúc, phụ nữ trong băng nhóm tội phạm sẽ bị trục xuất, vì cô này đã ở quá hạn visa cho phép đối với thực tập sinh, mà không có giấy thường trú tại Nhật Bản.
Theo Bộ Di trú Nhật, Việt Nam đã qua mặt Trung Quốc để trở thành nhóm thực tập sinh đông nhất ở Nhật. Năm 2017, số thực tập sinh người Việt là khoảng 127.000 người.
Nhưng trong số thường trú nhân tại Nhật Bản bị tước quyền thường trú trong cùng năm (2017), người Việt chiếm tới gần phân nửa. Rất nhiều người bị phát hiện ở lại Nhật Bản bất hợp pháp sau khi kết thúc khóa đào tạo.
Cộng đồng người Việt sinh sống ở Nhật Bản bị mang tiếng sau khi một phúc trình năm 2017 của cảnh sát Nhật nói rằng người Việt phạm nhiều tội hình sự hơn bất cứ nhóm nước ngoài không thường trú nào tại Nhật Bản.
Theo phúc trình này, người Việt là thủ phạm trong 5140 ca hình sự, tăng lên từ 3.117 ca vào năm trước đó, và như vậy người Việt chiếm tới 30,3% tất cả các tội hình sự do người nước ngoài thực hiện tại Nhật Bản.
*********************
Tân Hoa Xã : ‘người nước ngoài’ bị bắt trong vụ án 300 kg ma túy đá ở Bình Tân (VOA, 21/03/2019)
Công an Việt Nam vừa tịch thu 300 kg ma túy đá trị giá khoảng 600 tỉ đồng và bắt giam 16 nghi phạm Trung Quốc trong đường dây ma túy xuyên Đông Dương, núp bóng doanh nghiệp Việt Nam, ở thành phố Hồ Chí Minh.
Nghi phạm Trung Quốc bị bắt trong vụ án 300 kg ma túy đá ở công ty Hasan, Tp. Hồ Chí Minh. Photo VnExpress.
Truyền thông trong nước loan tin rằng sáng ngày 21/3, tất cả gần 20 nghi phạm cùng tang vật trong đường dây ma túy xuyên quốc gia vừa bị bắt giữ đã được di lý về trụ sở Bộ Công an phía Nam để thẩm vấn, điều tra.
Trong số các đối tượng bị bắt, có 16 người mang quốc tịch Trung Quốc, 3 người Việt Nam, theo báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh.
Trước đó, hãng tin AFP trích lời một công an viên ở quận Bình Tân cho biết có 8 người Trung Quốc bị bắt trong vụ này.
"Đây là đường dây ma túy, vận chuyển trái phép ma túy dạng đá cực lớn từ khu Tam Giác Vàng của Myanmar sang Lào qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum) rồi về Thành phố Hồ Chí Minh, từ đó đưa đi các nước tiêu thụ", báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh trích lời Ban chuyên án do Bộ Công an chỉ huy cho biết.
Cũng theo báo này, vào chiều 20/3, lực lượng chức năng đã bắt quả tang 3 người Việt Nam, thu giữ 300kg ma túy đá tại trước cửa kho của Công ty Hasan ở quận Bình Tân, do nữ doanh nhân Việt Nam Phan Thị Mỹ N. làm giám đốc, và bà cũng chính là người tình của ông Ha S., được cho là tên trùm đường dây ma túy xuyên quốc gia này.
Truyền thông Vịệt Nam cho biết đường dây ma túy này do các đối tượng người Trung Quốc điều hành, với thủ đoạn "cực kỳ tinh vi", dùng người Việt mở công ty Hasan làm "bình phong" để buôn bán ma túy.
Tân Hoa Xã cũng loan tin về vụ Việt Nam phá án ma túy lớn nhất từ trước đến nay này, nhưng chưa xác nhận đây là những nghi phạm có quốc tịch Trung Quốc, chỉ nói rằng trong số những nghi phạm bị bắt có "người nước ngoài".
Theo nhà chức trách Việt Nam, đây chính là đường dây đã tổ chức vận chuyển 294kg ma túy tổng hợp qua cửa khẩu Cầu Treo, Hà Tĩnh vào tháng 2/2019, do một công dân Lào thực hiện, và vụ vận chuyển hơn 308kg ma túy tổng hợp ở Quảng Bình vào tháng 10/2018.