Khánh Hòa : Khách du lịch Trung Quốc ở lại lao động không phép (RFA, 07/11/2018)
Giới chức tỉnh Khánh Hòa mới đây cho biết tỉnh này thời gian qua đã phát hiện nhiều khách Trung Quốc đến lao động bất hợp pháp.
Du khách Trung Quốc tại Nha Trang - Photo : RFA
Báo người Lao Động hôm 7/11 trích thông tin từ Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho biết, 8 tháng đầu năm 2018, các cơ quan chức năng tỉnh này đã phát hiện 314 người nước ngoài, phần đông là Trung quốc, nhập cảnh du lịch nhưng sau đó ở lại lao động không phép. Các cơ quan chức năng tỉnh này đã phạt hành chính 227 trường hợp với tổng số tiền hơn 2,2 tỷ đồng do các vi phạm trong lĩnh vực xuất nhập cảnh.
Ngoài ra, cũng theo báo Người Lao Động, người dân địa phương phàn nàn khách du lịch Trung Quốc tràn ngập đường phố nhưng nhiều người không có ý thức, để lại hình ảnh phản cảm.
Theo thống kê của tỉnh này, trong 9 tháng đầu năm, hơn 1,4 triệu khách Trung Quốc đã đến Khánh Hòa, tăng hơn 56% sơ với cùng kỳ năm ngoái và chiếm hơn 66% lượng khách quốc tế đến tỉnh này. Trung bình mỗi khách Trung Quốc lưu trú ở Nha Trang từ 4 đến 5 ngày.
https://youtu.be/Wn7nFutuVPk
******************
Khách Âu, Mỹ đến Hội An, Huế giảm vì khách Hàn Quốc, Trung Quốc tăng mạnh (RFA, 07/11/2018)
Lượng khách Âu Mỹ đến Huế và Hội An thời gian gần đây đang có chiều hướng giảm xuống trong khi lượng khách đến từ Hàn Quốc và Trung Quốc tăng mạnh.
Khách Trung Quốc mặc áo có in hình đường lưỡi bò tại sân bay Cam Ranh 13/5/2018. Courtesy FB
Thời báo Kinh tế Sài Gòn hôm 6/11 trích lời ông Nguyễn Văn Lanh, Trưởng phòng Văn hóa thông tin thành phố Hội An cho biết các thị trường Âu, Mỹ vốn được coi là những thị trường truyền thống của Hội An trong mùa từ tháng 10 đến tháng 3 nhưng đã bị sụt giảm trong 2 năm gần đây. Ông Lanh cho biết, khách Hàn Quốc và Trung Quốc trong khi đó lại tăng đáng kể, có đôi lúc chiếm từ 70 đến 80% lượng khách quốc tế.
Báo cáo của Phòng Văn hóa thông tin Hội An cho biết, năm 2017 thành phố này đón hơn 3 triệu lượt khách, trong đó lượng khách quốc tế luôn chiếm 70 đến 75%.
Ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty Lữ hành Indochina Unique Tourist được Thời báo Kinh tế Sài Gòn trích lời cho biết việc sụt giảm khách từ Âu, Mỹ, Úc đến các khách sạn ở Hội An là do khách Trung Quốc và Hàn Quốc đã phủ kín phố cổ Hội An. Ông Thủy cho biết Huế cũng bị ảnh hưởng tương tự.
Nguyên nhân khiến lượng khách Trung Quốc và Hàn Quốc đến Huế và Hội An tăng cao được cho là do ngày càng có nhiều đường bay thẳng từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đến miền Trung và ngược lại.
Bên cạnh đó, nguyên nhân sạt lở nghiêm trọng ở Cửa Đại, Hội An cũng được coi là nguyên nhân khiến khách Âu Mỹ bớt mặn mà với Hội An.
****************
30 triệu người tại ĐBSCL sẽ mất nhà nếu nước biển dâng 1m (RFA, 07/11/2018)
Ít nhất 30 triệu người tại đồng bằng Sông Cửu Long sẽ mất nhà cửa, đất đai, sinh kế nếu mực nước biển dâng lên 1m.
Hình minh họa. Lũ lụt ở tỉnh Long An, đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam (13/10/2011) - AP
Nhận định trên được đưa ra tại Hội thảo ‘Chia sẻ và kết nối các tổ chức về ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu’ diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh vào sáng 7/11.
Truyền thông trong nước loan tin cho biết sự kiện này nằm trong khuôn khổ dự án ‘Xây dựng năng lực cho cộng đồng nhằm ứng phó thiên tại tại ĐBSCL’ do Tổ chức Bánh mì Thế giới (BFDW), Quỹ hỗ trợ chương trình, dự án an ninh xã hội Việt Nam (AFV) và Tổ chức ActionAid Việt Nam (AVV) đồng tổ chức.
Theo cảnh báo của các chuyên gia quốc tế từ trước đó, thành phố Hồ Chí Minh được xác định là 1 trong 25 thành phố nằm trong các vùng ven biển có cao độ thấp và dễ bị tổn thương, tức là thuộc vùng tiếp giáp dọc theo bờ biển có độ cao thấp hơn 10 m trên mực nước biển.
Một báo cáo được công bố vào hồi năm ngoái của các nhà khoa học quốc tế cho biết, nếu nước biển tăng thêm 25 cm vào năm 2050, tần suất lũ lụt 50 năm một lần ở các khu vực nhiệt đới sẽ xảy ra hàng năm hoặc thậm chí nhiều hơn. Nếu nước biển toàn cầu chỉ dâng ở mức vừa phải là từ 20 đến 20 cm, nguy cơ lũ lụt tại các khu vực có khí hậu ấm áp sẽ tăng gấp đôi.
Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ dự báo mực nước biển trung bình toàn cầu sẽ tăng khoảng 2,5 cm vào năm 2100.
*****************
Xói lở bờ biển và bồi lấp cửa sông ở miền Trung diễn ra nghiêm trọng (RFA, 07/11/2018)
Tình trạng xói lở bờ biển và bồi lấp cửa sông tại các tỉnh ven biển miền Trung từ Nghệ An đến Bình Thuận diễn ra phức tạp và nghiêm trọng với quy mô, mức độ ngày càng gia tăng.
Vùng biển Bình Thuận, Mũi Né chụp 14/1/2016. AFP
Đây là nhận định được đưa ra tại cuộc họp về tình hình sạt lở bờ biển và bồi lấp cửa sông các tỉnh ven biển miền Trung dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại trụ sở Chính phủ hôm 7/11.
Báo cáo của các địa phương cho thấy tính đến tháng 7/2018, dải bờ biển miền Trung có 88 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 120 km.
Khu vực được nói bị xói lở nghiêm trọng tập trung ở các tỉnh Nghệ An, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Nguyên nhân của tình trạng xói lở được các chuyên gia đánh giá là do tác nhân sóng, thủy triều và dòng chảy. Ngoài ra còn có nguyên nhân từ con người như đắp đập ngăn song, đào kênh tưới tiêu và thoát lũ, quai đê lấn biển, phá rừng ngập mặn, hủy hoại hệ sinh thái rạn san hô, khai thác sa khoáng làm vật liệu xây dựng.
Tình trạng bồi lắng các khu vực cửa sông được nhận định đang diễn ra phức tạp với tổng cộng 40 điểm, trong đó có 24 điểm được đề nghị xử lý khẩn cấp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp nhấn mạnh 60% GDP của Việt Nam là từ các tỉnh, thành phố có biển nên cần phải bảo vệ biển và môi trường biển.
Nhắc đến thực trạng chỉ định các nhà thầu không biết làm mà đút tiền vào túi cá nhân, ông Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại cuộc họp rằng ‘tham nhũng trong những dự án chống thiên tai là tội ác.’
Sở Tài nguyên và môi trường : Hải sản chết tại Vĩnh Tân là do mưa lớn (RFA, 25/09/2017)
Hải sản chết tại khu vực biển gần Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân là do mưa lớn dẫn đến nước biển giảm độ mặn, độ đục tăng nên ảnh hưởng đến đời sống thủy sinh.
Vùng biễn nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân. RFA photo
Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận giải thích như vừa nêu trong báo cáo về nguyên nhân cá, sò, mực chết tại khu vực này trong mấy ngày gần đây.
Ngày 15/9, sau khi người dân phản ánh về tình trạng hải sản chết, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận đã tiến hành kiểm tra và phân tích mẫu nước. Kết quả cho thấy các thông số môi trường đều nằm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên nồng độ chất rắn lơ lửng trong nước tương đối cao, độ PH thấp, là nguyên nhân khiến thủy sản chết.
Giải thích về phản ánh nước biển đục của người dân, Sở Tài nguyên- Môi trường Bình Thuận nói rằng do trong tháng 9 vùng biển bị ảnh hưởng từ cơn bão số 10 gây mưa lớn làm giảm độ mặn và cuốn theo bùn cát từ đất liền.
Sở này cho biết sẽ phối hợp với sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan chức năng để tiếp tục theo dõi môi trường nước biển quanh khu vực Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân.
******************
Các tỉnh miền Trung cần liên kết để phát triển (RFA, 25/09/2017)
Không thể phát triển kinh tế mà không gian kinh tế bị chia cắt. Cần phải tập trung phát triển các vùng kinh tế trọng điểm và tăng cường liên kết vùng để phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam.
Diễn đàn kinh tế miền Trung, tại Đà Nẵng vào ngày 25/09/2017. Courtesy : Ảnh chụp màn hình từ vtv8.vn.
Đó là lời phát biểu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Diễn đàn kinh tế miền Trung, diễn ra vào sáng ngày 25 tháng 9 tại thành phố Đà Nẵng.
Tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh nếu Việt Nam không tận dụng kết nối Bắc Nam với Đông Tây thì sẽ gặp nhiều bất lợi ; trong đó nêu rõ quy hoạch tổng thể kinh tế miền Trung định hướng đến năm 2030 đóng vai trò quan trọng, sẽ là trung tâm nghỉ dưỡng chất lượng cao của quốc gia và khu vực Đông Nam Á.
Ông Vương Đình Huệ nhắc lại chủ trương của Việt Nam là dịch vụ và du lịch chiếm đến 40% cơ cấu kinh tế của miền Trung.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Đình Thiên, tại Diễn đàn kinh tế miền Trung cũng đưa ra nhận định mặc dù chủ trương phát triển du lịch miền Trung là trọng điểm quan trọng nhưng thực tế giá trị gia tăng của du lịch tại khu vực này rất thấp. Ông Trần Đình Thiên nói rằng hiện tại du lịch miền Trung không có gì ngoài tắm biển.
Một số doanh nghiệp tham gia Diễn đàn cũng khẳng định các tỉnh miền Trung cần phải liên kết vùng để phát triển mạnh.
Nghi ngại tuyên bố từ phía chính quyền
Ngày 22 tháng sáu, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường công bố tại Diễn đàn Nhà báo và môi trường biển đảo, rằng nước biển tại bốn tỉnh miền Trung gánh chịu thảm họa Formosa đã an toàn tuyệt đối, có thể tắm biển và nuôi trồng hải sản.
Cá chết trên một bãi biển thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình hôm 20/4/2016. AFP photo
Dư luận, và một số nhà khoa học vẫn nghi ngờ công bố này.
Giáo sư Lê Huy Bá, nguyên trưởng Viện Khoa học - Công nghệ và Quản lý Môi trường, Đại học Công Nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét về công bố của Tổng cục môi trường vào hôm 22 tháng sáu :
"Tôi cho rằng như vậy chưa thật là cẩn trọng lắm, bởi vì phần nước đã an toàn rồi, nhưng mà tầng bùn đáy, tức là tầng trầm tích thì chưa. Chưa đủ mẫu, chưa đủ số liệu để chứng tỏ rằng nó đã an toàn, từ 20 km trở vào ven biển. Trầm tích kim loại nặng ở tầng đáy khó lòng mà khắc phục. Khả năng tự làm sạch của biển đối với kim loại nặng là rất khó".
Cách đây chỉ hơn 1 tháng, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình lại nói rằng ngư dân không nên đánh bắt hải sản ở tầng đáy, trong khu vực từ 20 hải lý trở vào, dọc bờ biển bốn tỉnh miền Trung.
Giáo sư Bá cho rằng khuyến cáo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình là cẩn trọng và cần thiết.
Vào ngày 18 tháng 5, khi trao đổi với đài RFA về chuyện ô nhiễm tầng đáy của vùng biển miền Trung, Tiến Sĩ Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện hải dương học Nha Trang có nói :
"Nó phụ thuộc vào các chất độc bị thải ra, điều kiện động lực học ở đó và khả năng tự làm sạch của vùng biển đó. Nhưng thông thường các nước như Nhật Bản chẳng hạn họ bị ô nhiễm công nghiệp 60 năm nay họ vẫn chưa giải quyết xong.
Những sự cố sinh thái này giống như chén nước mình đã đổ ra đất rồi, đến bao giờ mới lấy lại được. Nhưng vì thiên nhiên có cơ chế tái phục hồi, nhưng đòi hỏi thời gian lâu. Vùng biển Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi cho quá trình phục hồi nhưng cũng không thể chỉ vài năm là được. Ít nhất cũng phải chục năm, không thì 20-30 năm và thậm chí có thể lâu hơn nữa".
Cho đến nay trên trang web của Bộ Tài nguyên và môi trường Việt Nam người ta vẫn không thấy công bố các số liệu về ô nhiễm tại vùng biển bốn tỉnh miền Trung.
Nghiên cứu độc lập và minh bạch thông tin
Ngay sau khi thảm họa môi trường biển Vũng Áng xảy ra, một số chuyên viên, nghiên cứu sinh Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức một nhóm nghiên cứu tên là Generosity cử người đến vùng biển Vũng Áng lấy mẩu để đo chất ô nhiễm vào tháng năm và tháng bảy năm 2016. Các mẩu này được phân tích tại các phòng thí nghiệm tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Chúng tôi liên lạc được với kỹ sư Trần Việt Hùng, người sáng lập nhóm này và ông cho rằng kết luận của ông Hoàng Văn Thức là phù hợp với kết quả phân tích của nhóm :
"Kết luận của mình đi từ kết luận của ba anh Tiến sĩ và nghiên cứu sinh lấy mẫu ở Việt Nam ba lần. Ba mẫu này cho thấy là nhận định của ông quan chức này là không sai. Cả ba lần lấy mẫu này đều lấy một là nước biển, thứ hai là bùn, thứ ba là sinh vật dưới tầng đáy. Thì tất cả các mẫu này cho thấy là không có dấu hiệu của kim loại nặng ở tầng đáy bùn, loại kim loại nặng gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người".
Nhóm Generosity đã cho công bố các kết quả này trên trang web của mình.
Chúng tôi cũng đã liên lạc với Thạc sĩ Hoàng Trung Du, chuyên gia khoa học về biển hiện làm việc tại Viện hải dương học Nha Trang, ông cho biết :
"Xin lỗi là tôi không có tham gia công việc này nên tôi không thể trả lời được. Về nguyên tắc mình muốn nói cái gì an toàn thì mình phải có dẫn chứng. Nhưng tôi không tham gia nên tôi không trả lời được".
Như vậy là cơ sở khoa học hàng đầu về biển của Việt Nam là Hải học viện Nha Trang, không tham gia vào việc nghiên cứu tác động của thảm họa môi trường biển Vũng Áng.
Giáo sư Lê Huy Bá cũng cho biết là ông không nắm được các số liệu về ô nhiễm, và việc nghiên cứu thảm họa Vũng Áng lẽ ra phải tập hợp nhiều hơn các nhà khoa học và cơ quan nghiên cứu, mà trong đó Hải học viện Nha Trang là cơ quan không thể thiếu :
"Đáng lẽ ra nên hỏi Viện hải dương học Nha Trang, nên mời họ tham gia. Chúng tôi là những người làm khoa học thật sự rất muốn tham gia, nhưng đâu có được mời".
Riêng nhóm nghiên cứu độc lập của kỹ sư Trần Việt Hùng cũng gặp khá nhiều khó khăn khi đến Vũng Áng lấy mẫu thử độ ô nhiễm, ông nói :
"Khó khăn này không phải của chỉ riêng nhóm, mà là của vùng Vũng Áng lúc đó, vào tháng năm tháng bảy năm ngoái. Tại vì tại Vũng Áng lúc đó lực lượng an ninh xuất hiện rất là nhiều, có người muốn ra biển thì người ta hỏi là ra biển để làm gì. Đợt đó phải tìm người quen biết rồi nói là ra biển làm này làm nọ thôi chứ không thể nói với họ mình làm cái mục đích của mình được".
Trả lời câu hỏi là tại sao bây giờ khi nhà nước công bố biển đã an toàn thì vẫn còn nhiều nghi ngại, kỹ sư Hùng cho rằng tâm lý đó bắt nguồn từ những ngày đầu tiên thảm họa xảy ra, việc chậm trễ công bố thông tin, trong khi mạng xã hội phát triển rất mạnh mẽ, làm cho người ta nghi ngờ là chính quyền đang che giấu một điều gì đó.
Giáo sư Lê Huy Bá nói rằng chuyện nghiên cứu thảm họa môi trường, ngoài việc phải huy động nhiều nhà khoa học, còn cần phải tiến hành một cách công khai minh bạch để cho người dân có thể tin vào các kết quả nghiên cứu.
Kính Hòa, phóng viên RFA