Khánh Hòa : Khách du lịch Trung Quốc ở lại lao động không phép (RFA, 07/11/2018)
Giới chức tỉnh Khánh Hòa mới đây cho biết tỉnh này thời gian qua đã phát hiện nhiều khách Trung Quốc đến lao động bất hợp pháp.
Du khách Trung Quốc tại Nha Trang - Photo : RFA
Báo người Lao Động hôm 7/11 trích thông tin từ Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho biết, 8 tháng đầu năm 2018, các cơ quan chức năng tỉnh này đã phát hiện 314 người nước ngoài, phần đông là Trung quốc, nhập cảnh du lịch nhưng sau đó ở lại lao động không phép. Các cơ quan chức năng tỉnh này đã phạt hành chính 227 trường hợp với tổng số tiền hơn 2,2 tỷ đồng do các vi phạm trong lĩnh vực xuất nhập cảnh.
Ngoài ra, cũng theo báo Người Lao Động, người dân địa phương phàn nàn khách du lịch Trung Quốc tràn ngập đường phố nhưng nhiều người không có ý thức, để lại hình ảnh phản cảm.
Theo thống kê của tỉnh này, trong 9 tháng đầu năm, hơn 1,4 triệu khách Trung Quốc đã đến Khánh Hòa, tăng hơn 56% sơ với cùng kỳ năm ngoái và chiếm hơn 66% lượng khách quốc tế đến tỉnh này. Trung bình mỗi khách Trung Quốc lưu trú ở Nha Trang từ 4 đến 5 ngày.
https://youtu.be/Wn7nFutuVPk
******************
Khách Âu, Mỹ đến Hội An, Huế giảm vì khách Hàn Quốc, Trung Quốc tăng mạnh (RFA, 07/11/2018)
Lượng khách Âu Mỹ đến Huế và Hội An thời gian gần đây đang có chiều hướng giảm xuống trong khi lượng khách đến từ Hàn Quốc và Trung Quốc tăng mạnh.
Khách Trung Quốc mặc áo có in hình đường lưỡi bò tại sân bay Cam Ranh 13/5/2018. Courtesy FB
Thời báo Kinh tế Sài Gòn hôm 6/11 trích lời ông Nguyễn Văn Lanh, Trưởng phòng Văn hóa thông tin thành phố Hội An cho biết các thị trường Âu, Mỹ vốn được coi là những thị trường truyền thống của Hội An trong mùa từ tháng 10 đến tháng 3 nhưng đã bị sụt giảm trong 2 năm gần đây. Ông Lanh cho biết, khách Hàn Quốc và Trung Quốc trong khi đó lại tăng đáng kể, có đôi lúc chiếm từ 70 đến 80% lượng khách quốc tế.
Báo cáo của Phòng Văn hóa thông tin Hội An cho biết, năm 2017 thành phố này đón hơn 3 triệu lượt khách, trong đó lượng khách quốc tế luôn chiếm 70 đến 75%.
Ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty Lữ hành Indochina Unique Tourist được Thời báo Kinh tế Sài Gòn trích lời cho biết việc sụt giảm khách từ Âu, Mỹ, Úc đến các khách sạn ở Hội An là do khách Trung Quốc và Hàn Quốc đã phủ kín phố cổ Hội An. Ông Thủy cho biết Huế cũng bị ảnh hưởng tương tự.
Nguyên nhân khiến lượng khách Trung Quốc và Hàn Quốc đến Huế và Hội An tăng cao được cho là do ngày càng có nhiều đường bay thẳng từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đến miền Trung và ngược lại.
Bên cạnh đó, nguyên nhân sạt lở nghiêm trọng ở Cửa Đại, Hội An cũng được coi là nguyên nhân khiến khách Âu Mỹ bớt mặn mà với Hội An.
****************
30 triệu người tại ĐBSCL sẽ mất nhà nếu nước biển dâng 1m (RFA, 07/11/2018)
Ít nhất 30 triệu người tại đồng bằng Sông Cửu Long sẽ mất nhà cửa, đất đai, sinh kế nếu mực nước biển dâng lên 1m.
Hình minh họa. Lũ lụt ở tỉnh Long An, đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam (13/10/2011) - AP
Nhận định trên được đưa ra tại Hội thảo ‘Chia sẻ và kết nối các tổ chức về ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu’ diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh vào sáng 7/11.
Truyền thông trong nước loan tin cho biết sự kiện này nằm trong khuôn khổ dự án ‘Xây dựng năng lực cho cộng đồng nhằm ứng phó thiên tại tại ĐBSCL’ do Tổ chức Bánh mì Thế giới (BFDW), Quỹ hỗ trợ chương trình, dự án an ninh xã hội Việt Nam (AFV) và Tổ chức ActionAid Việt Nam (AVV) đồng tổ chức.
Theo cảnh báo của các chuyên gia quốc tế từ trước đó, thành phố Hồ Chí Minh được xác định là 1 trong 25 thành phố nằm trong các vùng ven biển có cao độ thấp và dễ bị tổn thương, tức là thuộc vùng tiếp giáp dọc theo bờ biển có độ cao thấp hơn 10 m trên mực nước biển.
Một báo cáo được công bố vào hồi năm ngoái của các nhà khoa học quốc tế cho biết, nếu nước biển tăng thêm 25 cm vào năm 2050, tần suất lũ lụt 50 năm một lần ở các khu vực nhiệt đới sẽ xảy ra hàng năm hoặc thậm chí nhiều hơn. Nếu nước biển toàn cầu chỉ dâng ở mức vừa phải là từ 20 đến 20 cm, nguy cơ lũ lụt tại các khu vực có khí hậu ấm áp sẽ tăng gấp đôi.
Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ dự báo mực nước biển trung bình toàn cầu sẽ tăng khoảng 2,5 cm vào năm 2100.
*****************
Xói lở bờ biển và bồi lấp cửa sông ở miền Trung diễn ra nghiêm trọng (RFA, 07/11/2018)
Tình trạng xói lở bờ biển và bồi lấp cửa sông tại các tỉnh ven biển miền Trung từ Nghệ An đến Bình Thuận diễn ra phức tạp và nghiêm trọng với quy mô, mức độ ngày càng gia tăng.
Vùng biển Bình Thuận, Mũi Né chụp 14/1/2016. AFP
Đây là nhận định được đưa ra tại cuộc họp về tình hình sạt lở bờ biển và bồi lấp cửa sông các tỉnh ven biển miền Trung dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại trụ sở Chính phủ hôm 7/11.
Báo cáo của các địa phương cho thấy tính đến tháng 7/2018, dải bờ biển miền Trung có 88 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 120 km.
Khu vực được nói bị xói lở nghiêm trọng tập trung ở các tỉnh Nghệ An, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Nguyên nhân của tình trạng xói lở được các chuyên gia đánh giá là do tác nhân sóng, thủy triều và dòng chảy. Ngoài ra còn có nguyên nhân từ con người như đắp đập ngăn song, đào kênh tưới tiêu và thoát lũ, quai đê lấn biển, phá rừng ngập mặn, hủy hoại hệ sinh thái rạn san hô, khai thác sa khoáng làm vật liệu xây dựng.
Tình trạng bồi lắng các khu vực cửa sông được nhận định đang diễn ra phức tạp với tổng cộng 40 điểm, trong đó có 24 điểm được đề nghị xử lý khẩn cấp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp nhấn mạnh 60% GDP của Việt Nam là từ các tỉnh, thành phố có biển nên cần phải bảo vệ biển và môi trường biển.
Nhắc đến thực trạng chỉ định các nhà thầu không biết làm mà đút tiền vào túi cá nhân, ông Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại cuộc họp rằng ‘tham nhũng trong những dự án chống thiên tai là tội ác.’